Hai Đức Giáo Hoàng Chung Một Bàn Quỳ

(dongten.net) 26/03/2013

Lại thêm một “lần đầu”.

Từ ngày Đức Thánh Cha Phanxicô được bầu chọn và nhận danh hiệu Phanxicô người ta đã đếm được khá nhiều “lần đầu”. Hôm thứ Bảy lại thêm một chuỗi “lần đầu”: Lần đầu Giáo Hoàng hồi hưu đón Giáo Hoàng đương kim ở chân máy bay trực thăng, lần đầu hai Giáo Hoàng ôm hôn nhau, lần đầu hai Giáo Hoàng chung một bàn quỳ trước mặt Chúa Giêsu Thánh Thể trong Nhà Tạm, lần đầu hai Giáo Hoàng ngồi nói chuyện với nhau, lần đầu hai Giáo Hoàng ngồi ăn với nhau… Trong cái chuỗi “lần đầu” này điều lý thú nhất là hai vị Giáo Hoàng chung một bàn quỳ trước Nhà Tạm.

Buổi tối ngày 13-3 khi ra mắt công chúng lần đầu. Sau lời chào và cám ơn những người có mặt ở Quảng Trường, Đức Tân Giám Mục của Rôma xin mọi người cùng cầu nguyện cho vị “Giám Mục hồi hưu của Rôma”; rồi trước khi ban phép lành cho thành Rôma và toàn thế giới ngài cúi đầu xin mọi người cầu cho ngài. Khi gọi điện thoại chào thăm Đức Benedict XVI, Đức Tân Giáo Hoàng xin ngài cầu nguyện cho mình. Hôm nay sau khi cùng nhau từ bãi đáp trực thăng vào nhà, hai vị đã vào thẳng nhà nguyện viếng Chúa Giêsu Thánh Thể, “trung tâm quy chiếu của Hội Thánh”. Đức Tân Giáo Hoàng đã không chịu quỳ ở bàn quỳ dọn riêng cho ngài, nhưng vào quỳ chung một bàn qùy với Đức Benedict XVI.

Nếu được phép suy diễn theo kiểu các tác giả đạo đức, tôi sẽ nói: Ba Ngôi Thiên Chúa nhìn xuống mỉm cười; các thiên thần ngỡ ngàng vì chưa bao giờ thấy cảnh này từ khi có mặt để chầu chực Thiên Chúa; Xa-tan và hỏa ngục thì giận điên lên.

Bài giảng đầu tiên trong thánh lễ với các Hồng Y ngày 14/3, Đức Phanxicô đã nói thật thẳng thắn khi trích lời của Léon Bloy: “Ai không cầu nguyện với Chúa thì cầu với thằng quỷ”. Rồi thêm: “Ai không tuyên xưng Đức Giêsu Kitô thì tuyên xưng tính trần tục của thằng quỷ”.

Trong khi những kẻ tuyên xưng tính trần tục vẫn chưa ngớt bàn tán về nhưng vấn đề của Vatican, về chuyện có thể có xung đột giữa hai Giáo Hoàng, thì Hai Đức Giáo Hoàng trả lời bằng cách quỳ chung một bàn quỳ.

Trong buổi tiếp kiến chung cuối cùng, Đức Đức Benedict XVI đã tuyên bố: “Tôi không trở về một cuộc sống riêng tư… Tôi không rời bỏ thánh giá, nhưng tôi ở lại bằng một cách thức mới bên Chúa chịu đóng đinh. Tôi không còn mang quyền hành của nhiệm vụ để cai quản Hội Thánh, nhưng tôi tiếp tục phục vụ bằng cầu nguyện, có thể nói là ở trong khuôn viên Đền Thánh Phêrô. Thánh Benedict mà tôi mang tên khi làm Giáo Hoàng, sẽ là tấm gương lớn cho tôi trong việc này. Ngài đã tỏ cho chúng ta thấy con đường để sống một đời hoàn toàn dành cho công việc của Thiên Chúa, dù hoạt động hay thụ động.”

Thế là chúng ta có một Giáo Hoàng Phanxicô hoạt động cai quản Hội Thánh với tinh thần đơn sơ, khiêm tốn và khó nghèo của thánh Phanxicô, và một Giáo Hoàng Benedict hồi hưu tự giam mình trong khuôn viên Đền Thánh Phêrô, ở lại bên Chúa Chịu Đóng Đinh để cầu nguyện cho Hội Thánh theo tinh thần thánh Benedict.

Trở về thời các Tông Đồ, ban đầu các Tông Đồ kiêm nhiệm hết mọi việc, vừa giảng dạy vừa phân phát của ăn hàng ngày. Chẳng bao lâu thấy làm không suể vì cộng đoàn đã đông lên quá nhanh, các ngài đã đề nghị chọn bảy người để lo phục vụ bàn ăn và xác định công  việc của các tông Đồ: “Còn chúng tôi, chúng tôi sẽ chuyên cần cầu nguyện và phục vụ Lời” (Cvtđ 6,4). Bây giờ thì việc cầu nguyện đã trở nên quan trọng đến nỗi hai Giáo Hoàng chia nhau: một người cầu ngyện, một người phục vụ Lời. Nhưng để người ta khỏi nghĩ là Giáo Hoàng Phanxicô chỉ lo phục vụ còn Giáo Hoàng hưu dưỡng Benedict lo cầu nguyện, thì cả hai vị đã lần lượt đề cao vai trò của cầu nguyện và hôm nay hai vị cùng nhau cầu nguyện trên một bàn qùy.

Nếu có một hình ảnh nên đặt trong mọi tu viện và mọi gia đình thì chắc chắn bức hình chụp hai Giáo Hoàng trên một bàn quỳ đáng chọn hơn hết.

Trong sách tin Mừng có lần các môn đệ không trừ được tên quỷ câm, phải chờ Chúa ở trên núi xuống ra tay. “Khi về nhà, các môn đệ mới hỏi riêng Người: “Tại sao chúng con đây lại không trừ được tên quỷ ấy? Người đáp: “Giống quỷ ấy không thể xuất ra, nếu người ta không cầu nguyện” (Mc 9,28-29). Trong sách Công Vụ Tông Đồ, sau khi Thánh Phêrô và thánh Gioan bị bắt rồi được tha về và kể lại mọi chuyện cho cộng đoàn: “Họ đồng tâm nhất trí Cất tiếng lên cùng Thiên Chúa…” (4,23-24). Đến khi thánh Phêrô bị Hêrôđê bắt nhốt để hôm sau đem ra xử tử cho dân vui, thì “Hội Thánh khẩn thiết dâng lên Thiên Chúa lời cầu nguyện cho ông”. … Bỗng nhiên Thần Sứ của Thiên Chúa đứng bên ông… và bảo: “Đứng dạy mau đi!” Xiềng xích liền tuột khỏi tay ông”. Khi ra đến ngoài “Ông Phêrô mới hồi tỉnh và nói: Bây giờ thì tôi biết thật sự là Chúa đã sai thiên sứ của Người đến và Nguời đã cứu tôi thoát khỏi tay vua Hêrôđê” (12,1-11).

Trong thế giới ngày hôm nay và ngay trong lòng Hội Thánh, có quá nhiều kẻ tuyên xưng tính trần tục, nên Xa-tan vùng vẫy như múa gậy vườn hoang, phải chăng cũng vì thiếu cầu nguyện?

Trên Núi Ô-liu, Chúa Giêsu hai lần bảo các môn đệ: “Anh em hãy cầu nguyện để khỏi sa chước cám dỗ”. Nhưng các ông buồn thành ra buồn ngủ, ngủ cho quên buồn. Khi người ta đến bắt Chúa Giêsu thì các ông chỉ còn là những kẻ đứng chung với những kẻ đến bắt Chúa. Rồi tất cả chạy trốn. Ông Phêrô muốn chứng tỏ mình gan dạ trung thành, vô sân dinh Thượng Tế ngồi vào giữa đám thuộc hạ vừa bắt Chúa Giêsu giải về đó. Rốt cuộc ông chối Chúa nhanh hơn gà gáy. Tất cả đều do các ông đã không cầu nguyện theo như Chúa căn dặn. (x.Lc 22,28-43).

Hôm nay chúng ta có thể tin tưởng nhìn vế tương lai của Hội Thánh, vì hai Giáo Hoàng cùng cầu nguyện sẽ kéo theo toàn thể Hội Thanh cùng cầu nguyện.

L.m. Nguyễn Công Đoan, S.J.


Mục Lục Thoáng Suy Tư