Ðức Gioan-Phaolô II & Và Công Cuộc Phúc Âm Hóa Mới

Lm Nguyễn Hồng Giáo, dòng Phanxicô - (nguoitinhuu.org)

Loan báo Tin Mừng, rao giảng Phúc Âm hay Phúc Âm hóa là mối quan tâm trên hết mọi sự quan tâm của Ðức Gioan-Phaolô II. Mở đầu thông điệp Sứ vụ Ðấng Cứu Ðộ, ngài viết: “Ngay từ khi khởi sự triều đại giáo hoàng, tôi đã lựa chọn đi đến tận cùng trái đất để bày tỏ nhiệt tâm truyền giáo”

Người ta cho rằng tông huấn Evangelii Nuntiandi của Ðức Phaolô VI công bố ngày 8.12.1975 là biến cố lớn nhất trong thời hậu công đồng. Theo đánh giá của Ðức Gioan-Phaolô thì tuy “đó không phải là một thông điệp, nhưng về tầm quan trọng, có lẽ nó vượt qua nhiều thông điệp.” Có thể coi nó như lời giải thích cho giáo huấn của công đồng về nhiệm vụ thiết yếu của Giáo Hội: “vô phúc cho tôi nếu tôi không loan báo Tin Mừng!” Ðức Phaolô VI quan niệm loan báo Tin Mừng là đổi mới mọi thực tại nhân sinh, dù là Kitô giáo hay không, căn cứ trên xác tín rằng Ðức Kitô là ơn cứu độ cho mọi người và cho mỗi người. Vì thế Giáo Hội phải được mở ra cho mọi người, mọi dân tộc, mọi giá trị, mọi nền văn hóa. Hiểu như thế thì loan báo Tin Mừng vượt ra và bao trùm lên việc tryền giáo theo nghĩa hẹp thời xưa. Loan báo Tin Mừng (hay Phúc Âm hóa) không chỉ nhằm hoán cải các cá nhân để đưa họ nhập vào Hội Thánh; loan báo Tin Mừng còn nhằm đưa các giá trị Phúc Âm thấm nhập vào các nền văn hóa, các não trạng, các lối sống, các cơ chế. Sự nới rộng quan niệm truyền giáo như thế đã xuất phát từ thực tế là, ngay tại châu Âu ở thế kỷ XX, Kitô giáo càng ngày càng bị đẩy lùi trước sức tiến công của phong trào trần tục hóa, nền văn hóa và nền đạo đức Kitô giáo bị đặt thành vấn đề. 

Những điều nhắc lại trên đây giúp ta hiểu hơn một số hành động và suy tư, phát biểu của Ðức Giáo Hoàng đương kim, vì ngài qui chiếu rất nhiều về Ðức Phaolô VI. Tân Phúc Âm hóa - công cuộc Phúc Âm hóa mới- làmột chủ đề lớn trong giáo huấn của ngài.

Ðức Thánh Cha luôn tỏ ra như nôn nóng trước nhiệm vụ loan báo Tin Mừng. Ngài nói ngài cảm thấy bị thúc bách phải công bố tính khẩn cấp của việc truyền giáo, đặc biệt trong thế giới ngày nay, “một thế giới đã đạt được những cuộc chinh phục vĩ đại, nhưng dường như đã đánh mất ý nghĩa của những thực tại tối hậu và ý nghĩa của chính sự hiện hữu mình”. Thế giới như đang lùi xa Tin Mừng. Có một cuộc “phản Phúc Âm hóa” hùng mạnh đang hoạt động trong thế giới, được tổ chức khéo léo, có đủ phuơng tiện để chống lại Phúc Âm và việc Phúc Âm hóa. Cuộc chiến đấu cho phần hồn của thế giới lên tới đỉnh điểm ở nơi nào mà tinh thần của cái thế giới này xem ra mạnh mẽ hơn cả.

Như vậy, chính xu thế của thế giới, chính tinh thần của thế giới hiện nay là một trở ngại lớn (mặc dù, như Ðức Thánh Cha nói, nó càng thôi thúc Giáo Hội phải khẩn trương đẩy mạnh công cuộc loan báo Tin Mừng). Nhưng bên trong Giáo Hội cũng có những cản trở không nhỏ, mà ngài đã tóm tắt lại đầu chương 1 (số 4) của thông điệp Sứ vụ Ðấng Cứu Thế như sau: quan niệm lấy đối thọai liên tôn giáo thay thế cho truyền giáo; giản lược loan báo Tin Mừng vào thăng tiến con người; không dám truyền giáo lấy cớ là phải tôn trọng lương tâm và tự do kẻ khác; không thấy cần phải loan truyền ơn cứu độ vì người ta có thể được cứu độ trong bất cứ tôn giáo nào. 

Chúng ta đã nhắc lại quan niệm Phúc Âm hóa của hai hai Ðức Giáo Hoàng Phaolô VI và Gioan-Phaolô II (dĩ nhiên cũng là của công đồng Vatican II). Nhưng thế nào là Phúc Âm Hóa Mới? 

Ðức Thánh Cha nói: “Thuật ngữ Phúc Âm Hóa được phổ biến rộng rãi do thông điệp Evangelii Nuntiandi như một câu trả lời cho những thách đố mới mà thế giới đương đại tạo ra cho sứ mạng của Giáo Hội”. Còn thuật ngữ cuộc Phúc Âm Hóa Mới (new evangelization) thì hình như được chính ngài sử dụng. Mới không phải trong nội dung và mục đích căn bản, nhưng mới trong ý thức, trong nhiệt tình, trong một số cách thức và phương pháp cũng như trong một số địa bàn và khu vực hay trung tâm văn hóa mới (areopagi). 

Về cách thức và phương pháp: Nền văn hóa hiện đại đòi hỏi chúng ta những đường lối và phương pháp thích hợp trong việc loan báo Tin Mừng, đồng thời cũng cung cấp cho ta nhiều phương tiện mới để làm nhiệm vụ đó, chẳng hạn trong lãnh vực truyền thông xã hội (phim ảnh, băng từ, ca nhạc, truyền thanh, truyền hình, Internet ...); hoặc dùng các diễn đàn quốc, các tổ chức lớn của thế giới như Liên Hiệp Quốc và những tổ chức liên hệ v.v., - hoặc đối thoại liên tôn trên bình diện lý thuyết và đặc biệt là qua cuộc sống và hành động. Chính Ðức Thánh Cha đã đưa ra những sáng kiến tiêu biểu như: các cuộc du hành mục vụ khắp năm châu, các đại hội giới trẻ, những cuộc hành hương đến những trung tâm hay đền thờ lớn, nhất là ngày cầu nguyện cho hòa bình, cùng với đại diện của các tôn giáo lớn thế giới năm 1986 tại Assisi, quê hương thánh Phanxicô. 

Về những areopagi mới: Từ areopagi gợi lại công cuộc rao giảng của thánh Phaolô tại Athêna, Hy Lạp, vàÐức Thánh Cha đã dùng danh từ này như biểu tượng của những môi trường mới, nơi ta ngày nay phải loan báo Tin Mừng. Ðó là: các thế giới khoa học, văn hóa, thông tin, giới văn nghệ sĩ và trí thức, hay là việc đấu tranh cho hòa bình, việc phát triển và giải phóng các dân tộc, bảo vệ thiên nhiên, bảo vệ quyền con người, thăng tiến phụ nữ và trẻ em v.v.

Khi nói tới những địa bàn truyền giáo mới, Ðức Thánh Cha nêu ví dụ các nước cựu cộng sản. Giáo sư Andrea Riccardi người sáng lập Cộng đoàn Saint' Egidio nổi tiếng, đã nói trong một cuộc phỏng vấn mới đây, rằng Ðức Gioan-Phaolô đã luôn luôn coi châu Âu có tầm quan trọng “quyết định” đối với tương lai của Giáo Hội vì các trung tâm chính của Kitô giáo đều nằm ở tại đây. Ngài đến từ Ðông Âu. Ngài vẫn luôn luôn coi lục địa châu Âu là “một”, và thường nói: châu Âu phải thở bằng cả hai lá phổi của mình. Bởi thế sau khi các chế độ cộng sản tại đó sụp đổ, mồi quan tâm của ngài hướng về khu vực đó cách đặc biệt. Có thể một phần vì thế mà có những người phê bình việc Phúc Âm hóa đang được thực hiện tại một số nước cộng sản cũ là ý đồ khôi phục -khôi phục lại mô hình nền văn minh Kitô giáo Trung Cổ-, hoặc lôi kéo, dành dật người ta vào đạo của mình (proselytism) theo kiểu lấn đất dành dân. Nhưng đó là những hiểu lầm hoặc tố cáo không có cơ sở.

Ðức Gioan-Phaolô II quả là một nhà loan báo Tin Mừng lớn, một chứng nhân đại của Tin Mừng trên khắp thế giới.

(Kỷ niệm 25 năm triều đại ÐGH Gioan-Phaolô II)


Mục Lục Thoáng Suy Tư