PHONG THÁNH

Lm Nguyễn Hồng Giáo, Dòng Phanxicô - (nguoitinhuu.org)

Chưa có vị Giáo Hoàng nào đã phong thánh nhiều như Ðức Gioan-Phaolô II. Người ta không khỏi thắc mắc tại sao?

Trước hết cần lưu ý rằng so với vô vàn vô số các thánh trên trời, thì những người được Giáo Hội tuyên phong á thánh (chân phước) và hiển thánh chỉ là con số hoàn toàn không đáng kể. Một điều khác nên biết, là việc phong thánh cho ai là cả một thủ tục khó khăn, phức tạp, không thể tùy thuộc vào ý muốn riêng của một giáo hoàng. Vào những thế kỷ đầu của Giáo Hội, sáng kiến “phong thánh” phát sinh từ quần chúng tín đồ, chính họ đồng thanh suy tôn những người mà đời sống thánh thiện và ảnh hưởng tinh thần là hiển nhiên đối với họ. Về sau, để tránh những lạm dụng, việc phong thánh được dành riêng cho các Giám mục; rồi đến thế kỷ XII, Ðức Giáo Hoàng Alexandre III quyết định quyền ấy thuộc về một mình Giáo Hoàng mà thôi. Qua thế kỷ sau, Ðức Innocent III mới đưa ra những qui định rõ ràng về thủ tục phải theo. Năm 1965, Ðức Phaolô VI thành lập Bộ Phong thánh để làm công việc mà trước đó được giao cho Bộ Nghi lễ. 

Thủ tục phong thánh mang hình thức giống một vụ xử án: có những người thu thập hồ sơ, tài liệu; có những nhà thần học, những sử gia và những chuyên viên khác để nghiên cứu; có những nhân chứng và cả luật sư nữa. Vị này được gọi là Chưởng tín (Promoter of the Faith), cóù nhiệm vụ điều tra thật kỹ lưỡng để tránh sơ sót về đức hạnh hay phép lạ, và cả về những gì có thể bất lợi cho “ứng viên” phong thánh nữa. Vì thế, vị chưởng tín thường được gọi là “trạng sư của ma quỉ” (advocatus diaboli) vì có vẻ như đứng về phe ma quỉ chống lại “ứng viên” đang được điều tra.

Thủ tục phong chân phước và hiển thánh đòi hỏi phải có một, hai phép lạ được chứng thực như thế bởi những nhà chuyên môn (chứ không dễ dàng như quần chúng tín đồ thường kháo láo với nhau đâu!), trừ trường hợp chết vì đạo, bởi vì tử đạo luôn luôn được coi là bằng chứng tối cao của đức tin; chỉ nguyên việc chịu hy sinh tính mạng vì Chúa đã đủ làm cho người ta trở thành gương mẫu, cho dù cuộc đời trước đó của họ như thế nào đi nữa. Một vị thánh không phải đương nhiên là hoàn hảo về mọi mặt.

Giáo Hội phong thánh để làm gì? Chúng ta đọc trong Kinh Tiền tụng lễ các thánh như sau:

Vinh quang Cha rạng ngời nơi cộng đoàn các thánh. Và khi tuyên dương công trạng các ngài là Cha biểu dương chính hồng ân Cha ban. Cha dùng đời sống các ngài làm gương cho chúng con học đòi, bắt chước; Cha cho chúng con được chung phần gia nghiệp nhờ hiệp thông với các ngài; Cha phù trợ chúng con nhờ lời các ngài cầu thay nguyện giúp.

Như thế việc tuyên phong các thánh có mục đích: 

- Tôn vinh thiên Chúa: nếu các thánh là “thánh thiện”, “quyền năng” v.v. thì Thiên Chúa càng quyền năng thánh thiện hơn biết chừng nào! Ðời sống các ngài phản ánh đời sống của chính Chúa, cho dù chỉ là một cách mờ nhạt.

- Nêu gương mẫu mực cho người Kitô hữu.

- Củng cố niềm hy vọng của chúng ta. Nếu các thánh là những con người cũng đầu đen, máu đỏ như ta và cũng yếu đuối như bất cứ ai, nhưng nhờ biết cộng tác với ơn Chúa mà đã được hưởng một gia nghiệp vinh quang như thế, thì tại sao ta lại không thể được?

- Ðể các thánh cầu bầu cho ta trước mặt Chúa,và chắc chắn lời cầu bầu đó là rất hiệu nghiệm.

Bây giờ chúng ta trở lại với thắc mắc đã nêu lên: tại sao Ðức Gioan-Phaolô phong thánh nhiều như thế? Thật sự, tôi làm sao mà trả lời được? Tôi chỉ thử đưa ra vài suy đoán. Trước hết, cho dù người ta có thể nhìn và đánh giá một cuộc phong thánh theo những quan điểm khác nhau, thì tôi vẫn chắc chắn rằng một việc thánh thiêng như thế không thể nào bị Giáo Hội dùng như phương tiện cho một ý đồ trần tục, xấu xa được. Nhưng xác tín này của tôi không cấm tôi nghĩ rằng Giáo Hội sống trong những hoàn cảnh cụ thể, và Ðức Giáo Hoàng hành động với tất cả con người của mình, với cá tính độc đáo của mình. Ðó là qui luật “nhập thể”. 

Người ta nhận định rằng các hành động của Ðức Gioan-Phaolô thường mang đậm tính cách Balan. Phải chăng điều đó cũng đúng cho việc phong thánh mà người tiến hành hàng loạt từ khi lên ngôi? Ở Ba-Lan, tỉ lệ người công giáo rất cao, và ảnh hưởng của Giáo Hội trên xã hội có lẽ cũng mạnh hơn bất cứ nơi nào khác tại Châu Âu. Ngay cả dưới thời Cộng sản, hình như đời sống đạo của họ vẫn rất hiên ngang và vẫn giữ được tính cách quần chúng. Có thể nói đức đương kim Giáo Hoàng thích nhấn mạnh khía cạnh quần chúng và cổ truyền trong đời sống Giáo Hội.

Tôi cũng nghĩ rằng trong lúc Giáo Hội bị “lép vế” (xin tạm nói như vậy) trong một thế giới trần tục hoá, thì việc phong thánh “ồ ạt” có thể là một cách tự khẳng định mình. Việc này còn là một sự động viên to lớn cho người Công giáo để họ can đảm và hiên ngang sống đạo trong thời đại mà họ đang bị mời mọc bởi không biết bao nhiêu thứ tôn giáo và linh hạnh (spirituality) khác nhau.

Như thế, việc phong thánh hiện nay phản ánh một nỗi lo lắng của Giáo Hội. Không những thế, mà hơn nữa, trong một số trường hợp, nó còn phản ánh tình trạng dằng co “của thế giới Công giáo hiện tại, giữa một đàng là nỗi luyến tiếc một trật tự cũ và đàng kia là ý muốn thích nghi với Hiện đại”. Ðó là ý kiến của nhà báo Jean-Paul Guetny trong bài xã luận “Những vị thánh có vấn đề” của báo Thời sự các tôn giáo (số 19, tháng 9, 2000). Bằng chứng cho sự dằng co là việc Ðức Thánh Cha phong một loạt những vị thánh rất hiện đại đồng thời với những vị rất xa thời đại,(-xa không phải chỉ có ý nghĩa thời gian), và thậm chí ngược thời đại, tiêu biểu là Ðức Gioan XIII, vị Giáo Hoàng cởi mở của Công đồng Vatican II mà ai cũng yêu mến, và Ðức Piô IX, làmột chủ chăn bị coi là rất bảo thủ, hầu như không đếm xỉa gì đến các khát vọng của thời đại mình. Cả hai vị chủ chăn này vừa được phong chân phước cùng một ngày.

Ý kiến của Jean-Paul Guetny cũng chỉ là một sự phân tích có thể là chủ quan, song điều khá rõ đối với tôi là Ðức Thánh Cha ít quan tâm tới một gợi ý được nói nhiều vào thời Công Ðồng, đó là Giáo Hội thời nay chỉ nên phong thánh cho những người mà đời sống gần gũi hơn và do đó có thể dễ dàng làm mẫu mực hơn cho con người thời đại. Xin kết thúc với lời của Hồng Y Martini: “Ngày nay, điều quan trọng nhất không phải là có một sự thánh thiện ưu tú, giới hạn vào việc tuyên phong một vài nhân vật hoặc phong trào. Chúng ta cần một sự thánh thiện tỏa lan bàng bạc. Trong các cuộc thăm viếng mục vụ, tôi gặp thấy đông đảo những người đơn sơ, không thuộc một phong trào nào cả, nhưng sống trong Hội Thánh một cuộc đời thánh thiện, nếu không anh hùng thì ít ra cũng với một cường lực luân lý to lớn. Một Giáo Hội địa phương cần phải nổi bật trước tiên nhờ khả năng khơi dậy chung quanh vị giám mục, một mùa hoa những cuộc đời thánh thiện bình dân”.

 


Mục Lục Thoáng Suy Tư