ĐỒNG HÀNH

Anh em là bạn hữu của Thầy, nếu anh em thực hiện những điều Thầy truyền dạy (Jn 13,15).

1. Chuyến tàu lửa

Ai có dịp đi thăm thành phố Nữu Ước hoặc các thành phố lớn trên thế giới, sẽ nhìn thấy hệ thống xe điện ngầm. Nói là Subway nhưng thực ra tàu điện có khi đi trên và có khi đi dưới lòng đất. Bản đồ tàu điện ngầm đi chằng chịt như mạng nhện. Mỗi ngày có cả triệu lượt người lên tàu xuống tàu. Nơi trạm dừng có hai dấu chỉ lên hoặc xuống phố (up town và down town). Đây là hai chỉ dẫn chính để mọi người tìm hướng đi. Biết rằng có nhiều loại tàu, chữ và số khác nhau để phân biệt. Mỗi tàu điện có điểm khởi hành và điểm tới khác nhau. Có tàu đi tốc hành, có tàu đi chậm hơn để dừng tất cả mọi trạm ngắn.

Tại trạm tàu điện, người lên kẻ xuống tấp nập và có đủ mọi thành phần trên tàu. Trong tàu điện có đủ mọi loại hạng người: người già, người trẻ, kẻ lớn người bé, kẻ giầu người nghèo, kẻ sang người hèn đều như nhau. Nơi đó không có phân biệt tôn giáo, chính trị, màu da hay quốc tịch. Bạn lên tàu trước, bạn ngồi trước. Người lên tàu sau, khi không còn chỗ ngồi thì bạn đứng. Người ta đứng chen nhau như nêm nhưng rất trật tự. Ít có ai đi từ trạm đầu tới trạm cuối. Ai cũng phải xuống trạm để tới địa chỉ cần đến. Mỗi người chỉ đồng hành với người khác một khoảnh khắc. Có một trường hợp hi hữu đã xảy ra cách đây mấy năm. Có một người đã đi đến trạm sau cùng, nhưng không xuống trạm. Khi những người đi kiểm soát và lau dọn các toa tàu, họ mới nhận ra là ông đã đi đến cùng trạm cuộc đời từ lúc nào không ai hay biết. Lý do vì đôi khi những người chung quanh tưởng ông đang ngủ, không dám đánh thức. Ông đã chết từ bao giờ!

2. Bước vào đời

Chỉ có một bác tài xế điều khiển cả chuyến tàu lửa dài 6 hay 7 toa nối với nhau. Chẳng có ai đi thu tiền hay soát vé trên tàu, vì mọi người đã trả tiền qua cổng rồi. Chúng ta có thể ngồi trong tàu hoặc chuyển sang tàu khác và đi mãi quanh quẩn từ trạm này sang trạm nọ mà không phải trả thêm tiền, miễn là đừng ra khỏi cổng. Cứ đúng thời biểu là tàu điện khởi hành, cho dù có khách hay không có. Nhiều khi xe rộng chỗ thênh thang nhưng đôi khi đông khách không còn chỗ đứng. Thời biểu cứ 10 hay 15 phút lại có một chuyến tàu. Nhiều khi chỉ trễ 30 giây, chúng ta có thể lỡ một chuyến tàu. Chúng ta lại phải đợi chuyến tàu kế tiếp. Như vậy chúng ta phải mất thêm 15 phút đợi chờ. Nên người ta cứ phải vội vã bước tới để kịp chuyến tàu. Nhìn cảnh người ta chờ tàu, xem ra ai cũng vội bước.

Trên cùng chuyến xe lửa, có nhiều người cùng đồng hành với chúng ta nhưng chỉ một khoảng đường thôi. Chúng ta chỉ biết vài người đứng bên cạnh, số khách còn lại chúng ta chẳng biết họ là ai. Nhưng chắc một điều là chúng ta cùng trên một chuyến tàu. Tất cả các toa tàu khác cũng thế, lúc nào cũng có kẻ vào người ra. Quan sát những người trên xe, chúng ta nhận thấy đủ mọi thành phần: người ăn xin, người lao công, học sinh, bác sĩ, luật sư, giáo sư và các người kinh doanh. Có người ngồi trầm ngâm một mình, có kẻ ngủ, có vị đọc báo, người đọc sách, kẻ ngắm cảnh, có người nói truyện phôn và người chơi điện tử… Nếu ai đó có bạn đồng hành thì oang oang kể mọi thứ truyện. Khi tàu tới trạm dừng lại, có một số người bước ra, chẳng ai quan tâm. Người ta chỉ biết và để ý tới những ai cùng đi hoặc là quen biết nhau mà thôi.

3. Chuyến xe cuộc đời

Chuyến xe là hình ảnh cuộc đời. Chúng ta ngồi suy gẫm cuộc đời lữ hành cũng như thế. Chuyến xe cuộc đời vẫn lăn bánh. Dòng đời cứ trôi, mọi vận hành trong vũ trụ vẫn sinh động, dù có mặt của chúng ta hay không có mặt ở đời. Chúng ta được hiện hữu trong đời là một hồng ân cao cả. Chúng ta đang được chia phần sự sống với mọi loài thụ tạo. Chúng ta được đồng hành với nhau trên đời. Không ai trong chúng ta là chủ sự sống để có thể hiện hữu từ đầu đến cuối. Chúng ta chỉ đồng hành với người khác một khoảnh khắc của dòng đời. Mỗi người chỉ có một cơ hội bước vào đời. Khi cơ hội qua thì cuộc đời cũng trôi theo. Chúng ta không thể níu kéo thời gian và cuộc sống. Một ngày qua là chúng ta tiến dần đến trạm phải dừng. Thời gian không đợi chờ ai cả.

Chúng ta biết rằng hằng ngày có biết bao trẻ thơ sinh ra với tiếng khóc chào đời. Mỗi ngày có biết bao nhiêu người đã ra đi. Chúng ta chỉ biết họ qua con số thống kê trên sách vở, báo chí. Hình như những người mà chúng ta không quen biết sống hay chết thế nào chẳng có liên đới gì đến chúng ta. Chúng ta chỉ quan tâm đến những người mà chúng ta yêu thương và quen biết. Có nhiều người cùng đồng hành với chúng ta trong một khoảng thời gian và không gian trên đường đời nhưng mấy khi chúng ta quan tâm tới họ. Tình cảm chúng ta dành cho họ nhiều hay ít tuỳ theo lòng mộ mến của chúng ta đối với họ. Chúng ta chỉ có thể đo lường tình cảm đó, khi người bạn đồng hành phải ra đi vĩnh viễn. Những giọt nước mắt xót thương cho người quá cố tuỳ theo sự thân thiết như ba mẹ, ông bà, anh chị em, con cái cháu chắt, họ hàng, các thân nhân, ân nhân và bạn hữu xa gần, khi chia biệt mà không có một chút thương nhớ thì tình nghĩa đâu có gì là gắn bó.

4. Đồng hành

Những người thân thuộc đầu tiên là cha mẹ và anh chị em trong gia đình, rồi đến bà con họ hàng nội ngoại. Từ khi chúng ta có trí khôn và bắt đầu đến trường học khai tâm là chúng ta bắt đầu đồng hành. Các bạn bè của tuổi thơ có ấn tượng rất đẹp và những kỷ niệm đậm nét thời thơ ấu. Thời trung học là thời gian đẹp nhất để xây mộng và lưu lại những kỷ niệm khó quên. Thời kỳ của mộng mơ qua những lá thư lạc danh nhẹ nhàng tình cảm, những vần thơ tình e ấp chớm nở, những lưu bút gợi nhớ và những buổi chiều thơ mộng. Chúng ta cùng chung trường, chung lớp và cùng chung đích hướng, đây là thời gian tuyệt vời để kết bạn. Những kỷ niệm xảy ra trong thời điểm này được ghi nhớ mãi trong cuộc đời.

Tuổi mười tám, đôi mươi là tuổi bắt đầu lăn xả vào đời. Mỗi người ra đi một phương và chọn lý tưởng cho riêng mình. Môi trường thay đổi, có kẻ vào quân ngũ, có người đi lập gia đình và kẻ khác tiến thân trong lĩnh vực riêng tư. Đồng hành trên đường đời đã có nhiều thay đổi. Tuy cùng chung sống đó nhưng mỗi người có những mục đích phải theo, phải đạt. Vòng xoay cuộc đời cứ tiếp tục, chúng ta được may mắn bước vào hiện hữu trong hoàn cảnh hôm nay. Thử hỏi chúng ta quen biết được bao nhiêu bạn bè. Chúng ta đón nhận bao người trẻ sinh sau đẻ muộn hơn chúng ta. Họ cũng bước vào đời và cùng đồng hành với chúng ta. Càng có nhiều liên hệ, cuộc sống của chúng ta càng mở rộng. Sự liên đới với nhau trong cuộc sống là qua sự đồng hành với nhau. Đồng hành được xây dựng trên tình cảm trao cho nhau. Càng thân thương, càng gần gũi. Càng hiểu biết yêu thương, càng gắn bó. Chính sự gắn bó này làm thành ý nghĩa của cuộc đời.

5. Bạn tri kỷ

Chúng ta ai cũng có nhiều bạn nhưng cũng có nhiều loại bạn bè. Bạn bè cùng chung trường, cùng làm việc, cùng sở thích, cùng sinh hoạt, cùng hội đoàn và cùng ý hướng. Trong số bạn bè có những bạn tri kỷ. Không phải ai cũng có thể trở thành bạn tri kỷ được. Chúa Giêsu gọi các môn đệ là bạn hữu: Thầy không còn gọi anh em là tôi tớ nữa, vì tôi tớ không biết việc chủ làm. Nhưng Thầy gọi anh em là bạn hữu, vì tất cả những gì Thầy nghe được nơi Cha Thầy, Thầy đã cho anh em biết (Jn 13,15). Bạn tri kỷ là người bạn mà chúng ta có thể chia sẻ chân tình và tin tưởng. Chúng ta có thể tìm thấy nơi họ sự an toàn và là nguồn vui hạnh phúc. Bạn thật không bao giờ phản bội hay làm hại bạn. Không như bạn Giuđa tìm cái hôn để phản bội Thầy mình. Đức Giêsu bảo hắn: “Giuđa ơi, anh dùng cái hôn mà nộp Con Người sao?” (Lk 22,48.)

Trong cuộc sống, chúng ta cần xây dựng tình liên đới để cùng chia sẻ đời sống. Chúng ta sống là sống cùng và sống với người khác. Có một lần vào dịp Lễ Giáng Sinh, tôi cùng đồng tế với các linh mục ngoại quốc, trong phần gợi ý nhập lễ của cha chủ tế, tôi đã lo ra. Lo ra vì nghĩ đến tất cả mọi người mà tôi đã quen biết cách này hay cách khác. Tâm trí của tôi rảo qua từng khuôn mặt từ những người trong gia đình, họ hàng, những bạn bè, thân hữu, cộng đoàn giáo dân và những người tôi hứa cầu nguyện cho. Trí khôn rảo thật nhanh, trong vòng vài phút đồng hồ, tôi đã nhớ hơn cả 500 người. Tôi rất vui khi nhớ đến mọi người và dâng lời cầu nguyện cho họ. Tôi cảm thấy rất an ủi và phấn khởi. Ngay trong bài giảng hôm đó, tôi đã chia sẻ tư tưởng gợi nhớ cầu nguyện này. Họ là những người đồng hội, đồng thuyền và đồng hành với tôi trong cuộc sống. Thật là có ý nghĩa trong ngày Chúa Giáng Sinh đem bình an cho con người.

6. Những bước lặng lẽ

Có những mảnh đời cô đơn thấy cảm thương. Cả một đời họ chỉ quanh quẩn trong làng quê, xứ đạo và nơi cuộc sống gia đình. Những gắn bó đơn sơ với bà con láng giềng đã làm nên lẽ sống. Họ lớn lên, trưởng thành, an lão tại một quê nghèo và rồi ra đi một mình. Họ cũng đã đi trọn hành trình một cuộc sống. Tuy đơn sơ đạm bạc nhưng khi ra đi, họ cũng có những người bà con cô bác hay tang gia khóc thương và đưa tiễn tới nơi an nghỉ sau cùng. Họ đã đồng hành với xóm làng và với bà con gia đình. Đời họ có ý nghĩa. Cuộc sống có cùng đích.

Tôi có những kinh nghiệm mục vụ rất thương tâm, có một vài trường hợp những ông già, bà lão sống những ngày cuối đời nơi viện dưỡng lão một cách cô đơn và buồn tẻ. Tôi cũng biết rất nhiều người già cả mà không có một người thân nhân nào. Tôi cứ tự hỏi cả một cuộc đời 70 hay 80 năm tuổi đời, họ không có được ai cùng đồng hành hay sao mà về già đơn côi như thế. Tôi không thấy con, cháu, bạn bè hay láng giềng ghé thăm. Tôi không biết họ dùng thời gian son trẻ vào những cách sống nào mà về già lại cô đơn như thế. Hơn nữa, khi họ qua đời mới thấy thảm thương và thấm thía cuộc đời. Họ nhắm mắt xuôi tay, không biết gia tài có còn lại gì? Nhưng không có một người thân tiễn đưa ra nơi an nghỉ. Dịch vụ văn phòng lo cho một cỗ quan tài rẻ tiền. Chỉ có một người tài xế nhà quàng chở xác ra nghĩa trang mai táng trong cô đơn giá lạnh. Một đời người đã qua!

7. Đồng hành khác hướng

Đôi khi chúng ta cùng đồng hành và cùng chung hướng nhưng không cùng chung cuộc sống. Đã có biết bao nhiêu cuộc sống hôn nhân gia đình bị đổ vỡ, thất bại và chia ly. Một trong những lý do là sự thất tín. Người ta thường nói: một sự bất tín, vạn sự không tin. Đã mất niềm tin nơi nhau thì khó có thể sống đời với nhau. Có những bạn bè thân thích hoặc anh em ruột thịt đã đồng hành với nhau khi quẫn bách và gian khổ nhưng khi thành đạt lại chia rẽ và tố khổ nhau. Không thiếu những cặp vợ chồng hay anh chị em ruột thịt đem nhau ra toà để kiện cáo và kết án nhau vì một mối lợi nào đó. Nhiều người đã cùng đồng hành một thời gian nhưng cuối cùng mỗi người phải đi một hướng.

Ngoài ra, con người còn có sự bất trung và bội phản. Muốn lợi ích cho riêng mình mà không quan tâm đến những tình cảm người khác dành cho mình. Đúng là nuôi ong tay áo. Đôi khi chính những người thân trong gia đình mà thù ghét nhau vì một ý hướng nào đó. Thánh Luca ghi lại lời Chúa Giêsu: Anh em sẽ bị chính cha mẹ, anh chị em, bà con và bạn hữu bắt nộp. Họ sẽ giết một số người trong anh em (Lk 21,16). Có những người đồng hành nhưng không đồng hướng. Tuy cùng đi chung một tàu và sống cùng trong một môi trường xã hội nhưng đôi khi chúng ta khác biệt về lẽ sống, về niềm tin và về ý thức hệ. Chúng ta gọi là cùng đồng hành nhưng mục đích thì khác nhau nên chúng ta vẫn còn một khoảng cách. Chúng ta có thể đối xử với nhau bằng mặt và bằng sự giao tế xã hội nhưng vẫn có một cái gì sâu thẳm không thể lấp đầy.

8. Chọn lựa

Một câu truyện giúp chúng ta tìm xem ai là người quan trọng nhất trong cuộc đời mình. Giáo sư mời một sinh viên lên làm bài trắc nghiệm: Giáo sư nói: Em hãy viết lên bảng tên của 20 người mà em khó có thể rời bỏ. Anh làm theo. Trong số tên đó có tên của gia đình, bạn bè, hàng xóm và người thân. Giáo sư nói: Em hãy xoá tên của một người mà em cho rằng không quan trọng nhất! Anh liền xoá tên của người hàng xóm. Giáo sư lại nói: Em hãy xoá thêm một người nữa! Em xoá tiếp tên của một đồng nghiệp. Giáo sư nói tiếp: Em xoá thêm tên một người nữa đi. Một người không quan trọng nhất trong cuộc đời, anh lại xoá tiếp…

Cuối cùng, trên bảng chỉ còn lại ba cái tên, bố mẹ, vợ và con. Cả giảng đường im phăng phắc, mọi người lặng lẽ nhìn vị giáo sư, cảm giác dường như đây không còn đơn thuần là một trò chơi nữa rồi! Giáo sư bình tĩnh nói tiếp: “Em hãy xoá thêm một tên nữa!” Anh chần chừ, rất khó khăn mới đưa ra được sự lựa chọn, anh đưa viên phấn lên và gạch đi tên của bố mẹ! “Hãy gạch đi một cái tên nữa đi!” Tiếng của vị giáo sư lại vang lên bên tai. Anh sững người, rồi như một cái máy, từ từ và kiên quyết gạch bỏ tên của đứa con trai. Và anh bật khóc thành tiếng với dáng điệu vô cũng đau khổ.

Vị giáo sư chờ cho anh bình tĩnh lại hồi lâu và hỏi: “Lẽ ra người thân thiết nhất với em, phải là cha mẹ và đứa con, bởi cha mẹ là người sinh thành và dạy dỗ em nên người, đứa con là do em dứt ruột sinh ra, còn người vợ thì có thể tìm người khác thay thế được, vậy tại sao, với em người vợ lại là người mà em khó rời xa nhất?” Cả giảng đường im lặng, chờ nghe câu trả lời. Chàng trai bình tĩnh và từ tốn nói: “Theo thời gian, cha mẹ sẽ là người sớm nhất rời bỏ tôi vì tuổi già, con cái khi trưởng thành, cũng chắc chắn sẽ rời xa tôi, còn người luôn ở bên tôi, làm bạn với tôi suốt đời, thực sự chỉ có vợ tôi mà thôi !”

Chúng ta nghĩ thế nào về câu truyện trên đây? Thực sự không dễ để chọn lựa để từ bỏ một người thân. Nhất là những người ruột thịt trong gia đình của mình. Mỗi người đều có những sợi dây ràng buộc linh thiêng, rất khó để phải xa cách. Chỉ khi sự việc đến là phải đến và chúng ta phải chấp nhận thì dễ hơn là chọn lựa. Nhưng trái lại, nếu giáo sư hỏi chúng ta có thể hy sinh mạng sống để cứu ai trong các người thân. Có lẽ câu hỏi cũng không dễ chọn câu trả lời. Chúa Giêsu đã cho chúng ta câu trả lời: Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình (Jn 15,13).

Tóm lại, con người chúng ta là con người xã hội. Cuộc đời là một chuyến xe một chiều đi tới cùng đích. Đời sống con người có thể lên hay xuống (up and down). Người ta nói rằng năm chìm bảy nổi, chín cái lênh đênh. Chúng ta không thể lữ hành đơn côi trong cuộc sống. Chúng ta sống là sống cùng và với người khác. Ngoài những người thân trong gia đình, mỗi người tự tìm cho mình những đồng bạn. Bạn bè như thể chân tay ví rằng giàu vì bạn, sang vì vợ mà. Chúng ta hãy biết chọn bạn mà chơi, chọn mặt mà gởi vàng. Xưa Chúa Giêsu đã chọn các Tông đồ như là những người bạn thân khi Chúa còn ở dưới thế. Xin Chúa mở tâm trí chúng con, để chúng con biết chọn những người bạn đích thực để cùng đồng hành và đồng hướng đạt tới cuộc sống viên mãn ngày sau.

Bronx, New York

Lm. Giuse Trần Việt Hùng

 


Mục Lục Sống Ơn Gọi Kytô Hữu