SỐNG VỚI NHAU

 

 

Mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi là nền tảng thâm sâu của mọi tương quan và liên đới của đời sống nhân loại. Trên nền tảng này, con người đã được dựng nên giống hình ảnh của Thiên Chúa Ba Ngôi, phát sinh từ chính cùng một sự sống và tình yêu của Ngài, nên nằm trong mối dây ràng buộc với Chúa và với nhau. Trong tương quan đời sống với nhau, để hoàn toàn là chính mình và đạt tới “kích thước trưởng thành” của mình, con người nhất thiết phải cần đến những người khác. Mình là một mà cũng là số đông : “Không ai là một hòn đảo”. Sống là sống với. Từ cái nhìn đó, con người không những được định nghĩa là Ens rationale, hữu thể có lý trí, mà còn được định nghĩa là Ens relazionale, hữu thể của những tương quan, hay nói một cách sinh động hơn, con người là hiện hữu của những tương giao (Être des relations). Con người phải kết hợp với nhau để lớn lên trong nhau : không phải sát nhập vào nhau nhưng là đi vào sự hiệp thông với nhau trong tình yêu thương. Tôi phải mở lòng mình ra cho kẻ khác để đón nhận họ, và hiến mình cho họ để họ được trở nên phong phú. Và khi họ được phong phú thì cũng làm phong phú hoá chính bản thân tôi. Bởi vậy yêu thương là giới răn quan trọng nhất để phát khởi và hoàn thành cuộc sống mình.

Hãy yêu thương anh em như chính mình (Mt 19, 19). Yêu thương là biết cho đi và là biết đón nhận. Trong yêu thương người ta cùng chia sẻ cay đắng ngọt bùi, cùng chia sớt mọi nỗi vui buồn, cùng đồng cam cộng khổ với nhau để vượt qua mọi thử thách. Tình yêu thương chân chính đưa đến sự đồng cảm, đặt mình vào hoàn cảnh của người kia để có thể lắng nghe, hiểu biết, cảm thông và chia sẻ những thử thách khó khăn của họ như là của chính mình ( Mt 19,19). Yêu chính là lúc : “Bạn đau khổ, tôi cũng đau khổ”. Cũng giống như Chúa Giêsu, nỗi thống khổ của nhân loại đã trở nên nỗi thống khổ của Ngài. Và như vậy cũng có thể nói : “Khi bạn tràn trề niềm vui thì tôi cũng vậy”.

Cần nhớ rằng : tình yêu thương không đơn thuần là những tình cảm tự nhiên dễ thương, dễ mến (Mt 5, 46 ; Lc 6, 32), nhưng chủ yếumuốn điều tốt cho kẻ khác. Không chỉ muốn thôi, nhưng tìm mọi cách để thực hiện. Tình yêu thương chân thực không còn phân biệt thân thích hay xa lạ, tương đồng hay khác biệt, bạn hữu hay kẻ thù (Mt 5, 38-48), mà chỉ biết rằng tôi cần phải dâng hiến cho người kia điều tốt nhất có thể. Như vậy thước đo chiều sâu của tình yêu không phải là cường độ của những cảm xúc đứng trước một con người mà là sức nặng của sự sống mà tôi dâng hiến cho họ. Muốn đạt tới thước đo trưởng thành của mình tôi phải mở thật rộng hai cánh tay của cái TÔI mình ra cho mọi người để làm nên một thân hình với họ. Họ là thành phần của tôi, và tôi là một chi thể của họ, nghĩa là phải có sự hiệp nhất với nhau bằng chính sự dâng hiến cuộc sống của chính mình (Ga 15, 13). Và như vậy họ cần đến cuộc sống của tôi cũng như tôi cần đến cuộc sống của họ. Sự sống và tình yêu của Thiên Chúa lan tràn trong mọi người và trên mọi người. Nối kết sự sống trong tình yêu thương nhau chúng ta gặp lại chính mình trong tình yêu của Thiên Chúa. Bởi vậy không thể yêu mến Thiên Chúa nếu không yêu thương anh em mình (1Ga 4, 20-21). Mình chỉ có thể trở thành mình trong tương quan hiệp thông. Mình càng ít là mình thì càng là mình. Mình càng biết cho mình đi thì mình càng là mình (Cf. Mt 10, 39).

          Là Kitô hữu: những người sống vì người khác bằng tình yêu thương phục vụ. Không thể phục vụ đích thực nếu không yêu thương. Không thể yêu thương chân thật nếu không dám chia sẻ cho nhau những vui buồn, những lo âu và hy vọng, những thành công và thất bại, những trăn trở và thao thức của mình … để nâng đỡ và trợ lực cho nhau. Chính CG cũng đã tìm đến sự cảm thông của tình bạn nơi Betania. Ngài cũng đã tìm đến các môn đệ để chia sẻ những nỗi thống khổ của mình trong vườn cây dầu. Nhờ anh em mà bản thân tôi được trợ lực để vượt qua những khó khăn trong đời, và cũng nhờ anh em mà đời sống tôi được nên phong phú. Anh em sẽ không bao giờ là một trở ngại cho sự vươn lên chân chính của tôi, mà trái lại luôn luôn là một cơ hội quí báu giúp tôi làm nên cuộc đời mình. Nếu thực sự vứt bỏ những ảo tưởng của mình bằng sự triệt thoái những ý niệm vinh nhục, thành bại, hơn thua, được mất, tôi sẽ có được niềm an vui và hạnh phúc sâu lắng khi sống giữa mọi người. Nếu cứ bám víu vào ảo tưởng tôi sẽ mãi mãi bất an và bế tắc.

Để sống cho Chúa và thuộc về Chúa đòi tôi phải tha thiết với sự sống còn và sự phát triển tươi đẹp của anh em mình (Ez 34, 16), và như Đức Kitô, tôi phải dám chia sẻ bằng cả chính sự sống của mình (Ga 15, 13). Kitô hữu là con người của sự chia sẻ. Chia sẻ là hiệp thông, là nối kết, là nên một vói nhau trong tình yêu của Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta.

Lạy Chúa có mấy khi con dám suy nghĩ và hành động vì lợi ích chính đáng của người khác? Có mấy khi con dám thực sự bước ra khỏi con người mình để có thể đi đến, đón nhận và sống hoà hợp với hết mọi người ? Có mấy khi con biết đặt mình trong tình cảnh và tâm trạng của anh chị em mình để có thể lắng nghe, hiểu biết, cảm thông và chia sẻ những biến cố vui buồn hằng ngày? Có mấy khi con thật sự muốn bình an và hạnh phúc cho anhchị em mình và đã nổ lực nhiều lần nhiều cách để thực hiện điều đó ? Có mấy khi con đã chân thành giúp đỡ, gần gũi, hổ trợ, chia sẻ những điều cần thiết cho những anh chị em mà con cảm thấy khó thương, dễ ghét, những người đối lập quan điểm và bất đồng ý kiến, cũng như tỏ ra nghi kỵ, hiềm thù đối với mình ? Xin cho con tình yêu của Chúa để con biết sống với nhau và cho nhau như Chúa đã sống cho con và vì con.

 

Lm Thái Nguyên

 

 


Mục Lục Sống Ơn Gọi Kytô Hữu