ĐỜI SỐNG TRONG THÁNH THẦN

“Thánh thần là bảo chứng

phần gia nghiệp của chúng ta.”

(Ep 1,14)

 

Đời sống thiêng liêng là đời sống trong Chúa Thánh Thần, hay nói cách sâu sát hơn, là đời sống của Chúa Thánh Thần trong ta. Điều quan trọng trong đời ta không phải là những gì mình muốn làm nên cho Chúa, mà là những gì Chúa muốn làm nên cho ta. Cuộc sống như thế đòi ta phải hoàn toàn tùy thuộc vào Thánh Thần trong mọi sự. Càng sống theo Thánh Thần, càng để cho Thánh Thần hướng dẫn, chúng ta càng trở nên chính mình, càng biết sáng tạo đời mình theo định hướng của Thiên Chúa.

Tuy nhiên, chúng ta chỉ có thể bước theo Thánh Thần, sống dưới tác động thâm sâu của Ngài, khi nhận biết sự hiện diện huyền diệu của Ngài trong chương trình tạo dựng và cứu độ của Thiên Chúa, nhờ Đức Giêsu Kitô, trong Giáo Hội, và cách riêng là có kinh nghiệm sống động về hoạt động tình yêu của Ngài trong cuộc đời mỗi người chúng ta.

1. Nhận biết Chúa Thánh Thần

Thánh Thần tuy tràn lan trong vũ trụ, nhưng lại hiện diện tràn đầy nhất trong tâm hồn ta: Nào anh em chẳng biết rằng anh em là Đền Thờ của Thiên Chúa, và Thánh Thần Thiên Chúa ngự trong anh em sao?” (1Cr 3,16); Thánh Thần đang ngự trong anh em là Thánh Thần mà chính Thiên Chúa đã ban cho anh em (1Cr 6,19).

Để nhận biết cụ thể và cô đọng về Chúa Thánh Thần, ta có thể dựa trên ba từ ngữ cơ bản: Ektasis (xuất thần), Kenosis (tự hạ) và Synthesis (kết hợp)[1]. Đây là một trong nhiều cách diễn đạt về Thánh Thần, không chỉ giúp ta khám phá ra cách thức hiện diện và hành động của Ngài, mà còn giúp ta biết cách bước theo Ngài, sống trong Ngài, để Ngài tự do hoạt động và điều hướng cuộc đời ta, làm cho ta lớn lên trong ân sủng, như một công trình tình yêu của Thiên Chúa.

a. Ektasis (έκστασις): Xuất Thần    

Đặc tính “xuất thần” của ngôi vị và hoạt động của Chúa Thánh Thần được diễn tả trong chữ Thần Khí (ruah, pneuma). Thánh Thần là gió, là hơi thở, là khí, là hương thơm, là thực tại sống động luôn ra khỏi chính mình. Mạc khải thường liên kết Thánh Thần với sự can thiệp của Thiên Chúa trong lịch sử.

Cựu Ước khởi đầu với Thần Khí của Thiên Chúa bay lượn trên mặt nước (x. St 1,2). Nhờ Thần Khí mà sự tạo dựng bắt đầu từ hư vô, và sự sống tràn lan trên mặt đất. Tất cả công trình tạo dựng như một khai mở xuất thần. Sự khai mở đó đi vào lịch sử cứu độ khi Thần Khí xuống trên các lãnh đạo của dân Chúa (x. Tl 3,12; 6,34; 13,25), trên các ngôn sứ (x. Ed 3,12; 8,3; 11,1).

Tân Ước cũng khai trương với việc Thánh Thần xuống trên Trinh Nữ Maria (x. Lc 1,35), trên Đức Giêsu (x. Mc 1,10), trên các tông đồ (x. Cv 2,4). Thánh Thần là quyền năng đưa sự sống đến cho tạo dựng, đưa ân sủng đến cho lịch sử. Chúng ta tin rằng trong vũ trụ có một năng lực không ngừng quy tụ và thăng tiến, đó là Thần Khí Đức Kitô hiện diện và nội tại trong toàn thể muôn vật được tạo thành. Chúng ta không nhắm mắt trước tội lỗi, nhưng tin tưởng vào Thánh Thần, Đấng không loại trừ sự chết, nhưng biến đổi thành kinh nghiệm phục sinh.

Thần học Đông Phương nhìn Chúa Thánh Thần như sự khai mở của Thiên Chúa ra khỏi chính mình để đi đến với con người, làm cho con người ra khỏi mình để gặp gỡ Thiên Chúa. Nơi Đức Giêsu, Thánh Thần làm cho Thiên Chúa và con người kết hợp với nhau. Chúa Giêsu là khuôn mặt thần linh của con người, và là khuôn mặt con người của Thiên Chúa. Ngài là Thiên Chúa mang lấy xác thể để con người mang lấy thần linh. Nhờ Chúa Giêsu, Thiên Chúa tự hiến mình trong Chúa Thánh Thần để cứu độ chúng ta.

Truyền thống Tây phương vẫn quen nhìn Chúa Thánh Thần là chiều sâu của Thiên Chúa, là Tình Yêu nối kết Chúa Cha và Chúa Con (vinculum amoris). Thánh Thần vừa là Đấng Bên Trong (Intimum Dei), vừa là Đấng Mút Cùng (Extremum Dei), Đấng nội tại nhất lại là Đấng siêu việt nhất. Tình yêu tự hiến giữa Chúa Cha và Chúa con cô đọng trong ngôi vị Thánh Thần. Thánh Thần như sự xuất hành trọn vẹn của Chúa Cha và của Chúa Con.

b. Kenosis (κένωσις): Tự Hạ 

Truyền thống Đông phương và Tây phương đều nhận ra sự hạ mình sâu thẳm của Chúa Thánh Thần. Thiên Chúa vựợt trên chính mình bằng cách hạ mình. Sự xuất ngoại của Thánh Thần là một sự hạ mình, để yêu thương và tự hiến (x. Ga 12,24 ; Mc 8,35). Sự tự hạ đó được diễn tả như sau:

-            Chúa Thánh Thần gần như không có danh xưng riêng biệt. Hai chữ ThánhThần ghép lại để làm danh xưng cho Ngài, là những từ ngữ chỉ các ưu phẩm chung cho Chúa Cha và Chúa Con. Thánh Tôma nghĩ rằng sự “phát xuất” của Thánh Thần không có tên riêng. Theo E. Brunner, sự độc đáo của Thánh Thần là hiện hữu cho. Mức độ hiện hữu cho cao đến gần như làm lu mờ chính chủ vị của Ngài.

-            Sự ẩn khuất của Ngôi Vị Thánh Thần. Ngôi vị Chúa Cha và Chúa Con được mạc khải khá rõ ràng. Chúa Cha được Chúa Con mạc khải, Chúa Con được Thánh Thần mạc khải. Còn ngôi vị Thánh Thần như ẩn khuất sau hai ngôi vị kia. Thánh Thần như hơi thở trong tiếng nói của Cha: “Con là Con Cha, hôm nay Cha sinh ra Con” (Tv 2,7); và như hơi thở trong tiếng nói của Con hướng về Cha: “Abba, Cha ơi!”.

-            Chúa Thánh Thần như không sử dụng chữ “Tôi”. Ngài là “sự phong nhiêu của Thiên Chúa”, nhưng chẳng có ngôi vị nào phát xuất từ Ngài. Ngài là chìa khóa để mở ra mầu nhiệm Thiên Chúa, nhưng chính Chúa Con được sinh ra và nhập thể; và thế giới được tạo dựng theo hình ảnh Chúa Con. Ngài là sự hiệp thông, phục vụ cho sự gặp gỡ vĩnh hằng giữa Chúa Cha và Chúa Con, là dây liên kết giữa Cha và Con.

-            Ngay cả trên bình diện lịch sử cứu độ, Thánh Thần vẫn luôn hạ mình. Trong cựu ước, Ngài biểu lộ như là sức mạnh của Thiên Chúa, được diễn tả bằng những hình ảnh vô chủ vị, như hơi thở, nước và lửa. Trong Tân ước, Chúa Thánh Thần hạ mình trong biến cố Ngũ Tuần, ngôi vị của Ngài ẩn dấu đằng sau thần tính.

-            Chúa Thánh Thần luôn hướng về Chúa Kitô. Vai trò của Ngài là tháp nhập các tín hữu vào Chúa Kitô, tạo nên cho Chúa Cha những người con. Thánh Thần làm cho chúng ta thuộc về Chúa Kitô (Rm 8,9), và hướng về Chúa Cha (x. Rm 8,15 ; Gl 4,6). Ngài cầu nguyện cho chúng ta và trong chúng ta, nhưng không làm cho chúng ta ngỏ lời với Ngài, trái lại ngỏ lời với Chúa Cha qua lời cầu của Chúa Con, và hướng dẫn chúng ta tuyên xưng Chúa Con (x. 1Cr 12,3).

-            Ngài hành động trong chúng ta cách kín đáo, làm như hành động chỉ là của riêng ta, làm cho chúng ta trở nên chính mình. Ngài chấp nhận trở nên “Ơn tha tội” của Thiên Chúa dành cho những tội nhân. Trong Thánh Thần, Thiên Chúa như tự hủy để cho con người được sống.

-            Việc của Chúa Thánh Thần là việc âm thầm cho đến tận thế. Ngài không bao giờ nói gì về chính mình, nhưng chỉ nói về Chúa Cha và Chúa Kitô; cũng không tự động nói điều gì, mà mọi sự đều do Chúa Kitô (x. Ga 16,13-15). Ngài không làm vinh danh chính mình, nhưng làm vinh danh Chúa Kitô. Ngài vẫn là Đấng không được biết đến bên kia Ngôi Lời.

-            Ngày cánh chung khi Chúa Cha trở nên mọi sự trong mọi nguời, Chúa Thánh Thần sẽ như ánh sáng chiếu soi gương mặt Chúa Kitô và gương mặt các thánh, nhưng Ngài vẫn như không có gương mặt riêng, Ngài tự biểu lộ nơi những con người được thần hóa, là Thánh Thần trong các thánh.

c. Synthesis (σύνθεσις): Kết Hợp

Thông điệp về Chúa Thánh Thần của Đức Gioan Phaolo II cho biết: “Trong Thánh Thần, đời sống thân mật của Thiên Chúa duy nhất và Ba Ngôi hoàn toàn trở thành ân huệ, và qua Chúa Thánh Thần, Thiên Chúa “hiện hữu” dưới hình thức ân huệ” (DEV 10).

Theo thánh Augustinô, Ngôi Ba là Tình Yêu cao vời nối kết Chúa Cha và Chúa Con, và nối kết chúng ta với các Ngài. Trong Chúa Thánh Thần, Thiên Chúa ban cho chúng ta Hồng Ân không thấp hơn chính mình Ngài. Thánh Thần là hồng ân của Thiên Chúa được ban cho những ai nhờ đó mà yêu mến Thiên Chúa. Thánh Tôma dành cho Chúa Thánh Thần một danh xưng kép: “Tình yêu” và “Hồng Ân” (Amor-Donum).

Thần học Hy Lạp cũng gặp gỡ thần học La Tinh, khi bàn đến Thánh Thần như là cùng đích, là sự hoàn tất trong Ba Ngôi[2]: “Mỗi hành động đều phát sinh từ Chúa Cha, tiến hành nơi Chúa Con và hoàn tất trong Chúa Thánh Thần”[3].

Chúa Cha sinh ra Ngôi Lời vừa nên một với Ngôi Lời trong Thánh Thần là Tình Yêu kết hợp. Sự kết hợp giữa Cha và Con mật thiết và cụ thể đến nỗi làm thành một Ngôi Vị là Ngôi Ba. Các ngôi vị không chướng ngại cho sự duy nhất, nhưng là nguồn gốc của sự duy nhất, vì các ngôi vị có tương giao trọn vẹn và trao ban toàn vẹn sự sống thần linh viên mãn của mình cho nhau.

Nhờ sự nội tại của Thánh Thần, vừa là của Cha, vừa là của Con, mà Cha hiện diện trong Con nhờ Thần Khí của Cha; Con hiện diện trong Cha nhờ Thần Khí của Con. Như vậy Thần khí chính là sự hiệp thông sâu thẳm nhất giữa Cha và Con. Chức năng của Thần Khí trong lịch sử cứu độ là nối kết tất cả và đưa tất cả vào Tình Yêu Vĩnh Hằng là sự hiệp thông Ba Ngôi.

Mọi tương quan nhân loại phải trở thành tương quan tình yêu, thì bấy giờ nhân loại mới thực sự là nhân loại. Nhân loại chỉ thực sự trở nên chính mình nhờ Đức Kitô và trong Chúa Thánh Thần.

2. Chúa Thánh Thần trong Giao Ước

          Qua Giao Ước cứu độ, chúng ta lại hiểu biết cụ thể hơn về Chúa Thánh Thần trong đời sống mình như sau:

          Trong Cựu Ước, Thiên Chúa xuất hiện như Đấng bảo vệ dân chống lại kẻ thù, giải thoát dân khỏi những nguy hiểm và dẫn đến tự do. Thiên Chúa là Thiên Chúa-vì-chúng ta.

          Đến Tân Ước, Thiên Chúa đã mạc khải một chiều kích mới của giao ước. Trong Chúa Giêsu, Thiên Chúa được sinh hạ, lớn lên, sống ẩn dật, chịu đau khổ và chết giống như ta. Thiên Chúa là Thiên Chúa-ở-với chúng ta. Khi Chúa Giêsu về Trời, Ngài hứa ban Chúa Thánh Thần. Trong Chúa Thánh Thần, Thiên Chúa mạc khải chiều sâu trọn vẹn của giao ước. Thiên Chúa muốn gần gũi ta như hơi thở của ta. Ngài muốn hít thở trong ta, để tất cả những gì ta nói năng, suy nghĩ và thực hiện hoàn toàn do sự linh hứng của Chúa Thánh Thần.

          Khi nói về Chúa Thánh Thần, ta thường nói về hơi thở của Thiên Chúa đang hít thở trong ta. Thần Khí trong tiếng Hy lạp là pneuma (πνεύμα), nghĩa là “hơi thở”. Thần Khí Thiên Chúa giống như hơi thở của ta, nghĩa thiết thân với ta hơn cả ta thiết thân với chính mình. Chúa Thánh Thần làm nên nền tảng “đời sống thiêng liêng” của ta, vì Ngài cầu nguyện trong ta, đem lại cho ta những hoa trái của lòng yêu mến, tình thương tha thứ, những gì tốt lành, bình an và vui mừng. Thánh Thần tình yêu sống động ở trong ta là như vậy. Chính Ngài ban cho ta sự sống mà cái chết không thể hủy diệt.

          Những ai sống đời cầu nguyện luôn sẵn sàng đón nhận “hơi thở” của Thiên Chúa, để Ngài canh tân và mở rộng cuộc sống mình. Nhờ Thần Khí, ta có thể kêu lên Thiên Chúa khi cầu nguyện: Abba!, Cha ơi! Chính trong ý nghĩa này mà ta nhận ra cội nguồn sự sống và căn tính đích thực của mình là con cái Thiên Chúa. Chính từ nhãn giới này mà ta cảm nhận về thế giới này, và được mời gọi để nhìn thế giới như Thiên Chúa nhìn.

3. Đời sống trong Chúa Thánh Thần

Sống trong Chúa Thánh Thần đòi ta luôn ý thức về sự hiện diện sống động của Ngài trong từng giây phút, từng biến chuyển bên trong cũng như bên ngoài mình. Sống trong Chúa Thánh Thần thì phải luôn đặt mình dưới sự soi sáng và thúc đẩy của Ngài, dám nương theo và buông mình theo sự lôi cuốn của Ngài. Ba phẩm tính thâm sâu và huyền diệu của Thánh Thần là chuẩn mực lý tưởng để ta định hướng và hiện thực hóa đời mình trong tương quan với Thiên Chúa, tha nhân và chính mình.

a. Sống xuất thần: ra khỏi mình, hướng tới, gặp gỡ, hòa hợp.

Đời sống trong Thánh Thần là do Thánh Thần làm nên, nhưng đòi ta phải có tâm hồn mềm mại để Ngài làm nên. Xuất thần ở đây không phải là sự ngất ngây mơ hồ nào đó, mà là nhằm đến một thái độ sống tích cực, hoàn toàn mở ra cho Thánh Thần hành động:

- Ra khỏi mình: là biết thắng vượt những chướng ngại do lòng ích kỷ gây ra; đừng quá nặng lòng với những lo toan tính toán lợi lộc cho bản thân mình; đừng kềm giữ mình trong cái nhìn thành kiến hay mặc cảm; đừng chặng đứng mình trước những hoàn cảnh khó khăn hay tâm địa xấu xa của người khác; đừng quay quắt với những buồn thương hay thất bại. Hãy cho mình được tự do thanh thoát để ra khỏi mình. Lúc đó, ta mới có niềm vui đích thực: niềm vui được lớn lên và tìm gặp lại bản thân mỗi ngày phong phú hơn.

- Hướng tới: ra khỏi mình để hướng tới Thiên Chúa và tha nhân cách trọn vẹn hơn. Cuộc sống là một hành trình hướng tới để triển nở và hoàn thiện chính mình trong định hướng của Thiên Chúa. Thiên Chúa là khởi điểm vừa là đích điểm, tha nhân là tâm điểm, và bản thân ta là giao điểm. Sự hướng tới đòi ta bắt đầu từ chính Chúa, gắn liền với tâm điểm và đích điểm của đời mình trong sự liên kết. Sự hướng tới cho thấy rằng, kho tàng của ta ở đâu thì lòng trí ta hướng về nơi đó  (x. Mt 6,21). Điều này giúp ta dám coi nhẹ những điều thuộc trần gian, để tâm hồn được luôn hướng về Chúa trong bình an.

- Gặp gỡ: khi đã ra khỏi mình và hướng tới, nghĩa là không còn nặng lòng với danh, lợi, sắc; không còn cản trở bởi tham, sân, si, hay bất kỳ điều gì không thuộc về Chúa. Nhờ vậy, ta mới có thể gặp Chúa trong sâu thẳm lòng mình và trong mọi người, mọi việc. Câu chuyện sau đây cho ta hiểu được ý nghĩa trên[4]:

      “Có một vị ẩn sĩ khao khát được thấy Chúa, nhưng không bao giờ được toại nguyện. Vẫn còn có một cái gì vướng mắc trong cái nhìn khiến ông không thể thấy Chúa được. Càng cố gắng đọc kinh cầu nguyện, càng ăn chay hãm mình, ông càng thất vọng. Ông vẫn không biết đâu là chướng ngại khiến ông không thể thấy Chúa.

      Thế rồi một buổi sáng nọ, ông bỗng reo hò sung sướng vì đã tìm được lý do: đó là một cái tách nhỏ rất đẹp, là kỷ niệm duy nhất của gia đình mà ông cố gắng gìn giữ như một báu vật. Đây cũng là của cải duy nhất mà vị ẩn sĩ còn bám víu vào. Không một chút do dự luyến tiếc, vị ẩn sĩ cầm lấy chiếc tách thân yêu ném xuống nền nhà. Từng mảnh vụn vỡ ra, từng luyến tiếc tan vỡ. Vị ẩn sĩ ngước nhìn lên và sáng hôm đó là lần đầu tiên ông đã nhìn thấy Chúa”.

- Hòa hợp: là đỉnh cao của việc gặp gỡ, là niềm vui sâu xa vì được sống với Chúa và với nhau trong tình yêu. Chỉ có sự hòa hợp hoàn toàn khi không còn ham muốn theo ý riêng, để sống theo ý Chúa trong mọi hoàn cảnh. Từ sự hòa hợp với Chúa ngay trong lòng mình, ta mới có thể đi vào sự hòa hợp với mọi người, không còn chấp mê trước những hình thức, tiểu tiết và cách thế bên ngoài. Sự bình an nội tâm và hạnh phúc chân thực hệ tại mức độ của sự hòa hợp từ chính tâm hồn ta.

b. Sống tự hạ: khiêm nhu, quên mình, phục vụ, hiện hữu cho.

Để sống tự hạ theo cách thức của Thánh Thần, ta hãy để cho mình chìm sâu vào trong Ngài bằng tâm tình “tự hủy”, “tự hiến” của Đức Giêsu. Tâm tình này khiến ta thực sự muốn quên mình, xóa bỏ mình trước Thiên Chúa và tha nhân, không còn quan trọng hóa bản thân mình, ý riêng mình, và những gì là của mình.

Thật ra, thân phận ta cũng chỉ là bèo bọt hư không, cát bụi hư vô, chẳng cao cả gì để nói hai tiếng “tự hạ”. Nhưng rồi do tham vọng và ảo tưởng về chính mình, nên ta thường tự mãn, thích tự cao, hay đánh bóng bản thân nên dễ đánh mất sự thật về mình. Tuy ơn cứu độ đã nâng ta lên, thần hóa ta, nhưng bản thân ta luôn dễ bị tục hóa. Vì thế cần đặt mình trong tâm tình “tự hủy” để phục vụ mọi người như Đức Giêsu, để sẵn sàng làm tất cả những gì Thánh Thần thúc đẩy hầu mang lại an vui và hạnh phúc cho mọi người.

Đời mỗi người chúng ta là một hiện hữu cho, vì mọi sự nơi ta đều được lãnh nhận từ Thiên Chúa cách nhưng không, nên phải cho đi cách nhưng không (x. Mt 10,8). Thánh Thần là quà tặng được trao ban cho ta, để trong Ngài ta trở nên quà tặng được trao ban cho người khác. Quà tặng đầu tiên cần trao ban là một đời sống thánh thiện, làm chứng cho tình yêu nhưng không của Thiên Chúa, bằng cách hiến dâng chính mình không hạn chế cho Thiên Chúa và cho tha nhân.

c. Sống kết hợp: yêu thương, hiệp thông, hiệp nhất, nên một. 

Sống kết hợp là đỉnh cao của yêu thương, hiệp thông, làm nên sự hiệp nhất. Tuy nhiên, chính “cái tôi” lại luôn tạo nên khoảng cách, tách rời chính mình với Thiên Chúa. Vì thế, chỉ có sự “tự hủy” nhờ Thánh Thần làm nên trong ta, mới giúp ta đạt tới sự kết hợp trọn vẹn với Thiên Chúa, và trong Thiên Chúa, ta mới có khả năng sống kết hợp với mọi người trong tình yêu của Ngài.

Cần phải xóa bỏ “cái tôi” bề ngoài của mình thì “Cái Tôi” đích thực của ta trong Chúa mới hiển hiện. Đây chính là kinh nghiệm về trạng thái kết hợp với Chúa của thánh Phaolô: “Tôi sống nhưng không còn phải là tôi, mà là Đức Kitô sống trong tôi” (Gl 2,20). Khi không còn lo thể hiện “cái tôi” riêng tư của mình nữa, ta mới lo thể hiện ý Chúa, để Ngài sống và hành động trong ta.

Trong sự kết hiệp với Thiên Chúa, ngụ ngôn sau đây trong Ấn Độ giáo có một ý nghĩa sâu xa:

Xưa có một linh hồn tu nhiều kiếp đến gõ cửa Thiên Đàng. Thượng Đế hỏi:

-  Ai đó?

- Linh hồn trả lời:  Con.

- Thượng Đế hỏi lại: Con là ai?

- Linh hồn đáp:  Con là con.

- Thượng Đế nói: Ở đây không đủ chỗ cho Ta và con cùng ở, con hãy đi nơi khác!

- Linh hồn ấy trở lại trần gian tu luyện thêm 1000 năm nữa, sau đó lên trời gõ cửa lại. Thượng Đế hỏi: Ai đó?

- Linh hồn trả lời:  Con.

- Thượng Đế hỏi lại: Con là ai?

- Linh hồn đáp:  Con là Ngài.

- Thế là cửa Thiên Đàng mở ra cho linh hồn ấy vào.

Dụ ngôn trên dưới cái nhìn của Kitô giáo, muốn nhấn mạnh rằng: để kết hợp với Thiên Chúa, con người phải xóa mình đi, đừng quan trọng hóa bản thân mình nữa. Lúc ấy, “cái tôi” bên ngoài như bị mất cái vỏ che chắn, chỉ còn cái cốt tủy bên trong là chính sự hiện diện của Thiên Chúa, làm nên “cái tôi” đích thực của mình.

Đối với tha nhân cũng thế, khi ta đã xóa mình hoàn toàn, thì tự động ta có khả năng nối kết tất cả mọi người trong sự kết hợp hài hòa, để đưa tất cả vào tình yêu của Chúa Ba Ngôi. Chính thánh Inhaxiô đã mạnh mẽ khẳng định rằng: dấu chỉ đích thực của mức trưởng thành thiêng liêng không phải là kinh nguyện thể thức, cũng chẳng phải là cầu nguyện chiêm niệm, nhưng là từ bỏ chính mình (x. LT 189). Thánh nhân hiểu từ bỏ chính mình trước hết là hớn hở tiếp nhận những nhọc nhằn và thử thách, vì tùng phục cũng như vì bác ái, để nói lên lòng yêu mến đối với Thiên Chúa và tha nhân.

Cũng vậy, tiêu đích của Linh Thao không phải là mức hoàn thiện trong cầu nguyện, nhưng là nỗ lực để trả lại tự do cho bản ngã bằng cách giải phóng nó khỏi những khuynh hướng ích kỷ của cái tôi, để tìm gặp ý Chúa (x. LT 1).  Có những chỗ khác, thánh Inhaxiô chỉ đơn giản nói rằng, chủ đích của Linh Thao là cuộc chinh phục chính mình (x. LT 21). Đó là điều làm cho cầu nguyện nên dễ dàng và mọi hành động của ta trở thành trạng thái kết hợp với Chúa.

4. Những đặc điểm nơi con người của Thánh Thần

Kitô hữu là con người của Thánh Thần, nhưng đó là một tiến trình rộng mở suốt đời. Trong tiến trình này luôn có những cám dỗ bên trong và lôi kéo bên ngoài khiến ta lạc bước, dễ suy thoái và trở lại với kiểu “sống tự nhiên không có Thần Khí” (Gd 1,19). Cần kiểm tâm và phân định từng ngày để được làm mới lại trong Thánh Thần. Con người của Thánh Thần có những đặc điểm sau:

a. Là con người tự do (x. 2Cr 3, 17)

Vì đã để cho Thánh Thần hướng dẫn (x. Gl 5,18), nên con người được giải thoát khỏi chính mình, trở thành con cái tự do của Thiên Chúa. Khi đó, luật của Thiên Chúa chính là luật của tình yêu và tự do. Tự do vì không còn bị chế ngự bởi các đam mê của xác thịt (x. Gl 5,16); không còn nô lệ tội lỗi, không còn bị ràng buộc bởi những chuyện phù phiếm và lối sống trần tục, để sống “công chính, bình an và hoan lạc trong Thánh Thần” (Rm 14,17). Cuộc đời như vậy giống bức thư của Chúa Kitô viết bằng mực Thần Khí, gửi đến những người chung quanh (x. 2Cr 3, 3).

b. Là người có não trạng thiêng liêng (x. Rm 8,5; 1Cr 10,15)

Người của Thánh Thần thường nghĩ đến những thực tại thần thiêng (x. Cl 3,1-4): thích những điều thuộc về Thiên Chúa, ham mê đọc Thánh Kinh để đào luyện bản thân, biết lắng nghe Lời, đón nhận Lời và thực thi Lời, vì người ấy đã trưởng thành trong Đức Kitô (x. Dt 5,13-14). Chính Thánh Thần luôn soi sáng mở lòng, khiến tâm hồn dễ nhạy cảm với những giá trị thiêng liêng, với ý muốn của Thiên Chúa. Trong hướng này, người của Thánh Thần luôn đặt trọng tâm là tìm kiếm Nước Thiên Chúa trước hết (x. Mt 6,33) và mọi thứ khác thành phụ thuộc, và việc chủ yếu là tìm cách loan báo Đức Kitô và trở nên chứng tá Tin Mừng (x.1Cr 9,16).

c. Là người nhiệt tình dấn thân phục vụ (1Cr 12,4-11)

Phục vụ là thái độ nền tảng chi phối toàn bộ cuộc sống của con người thuộc về Thánh Thần, Đấng tự hiến cho sự kết hợp yêu thương giữa Chúa Cha và Chúa Con, cũng như kết hợp mọi người trong Thiên Chúa. Phục vụ cũng là một lựa chọn cơ bản và là mục tiêu để sống cho Thiên Chúa và tha nhân như Đức Kitô, Đấng trao ban Thần Khí của Ngài cho chúng ta (x. Mt 20,28). Sự phục vụ trong Thánh Thần chủ yếu là xây dựng nhiệm thể Đức Kitô (x. Ep 4,12), tất cả đều phải nhằm vào việc xây dựng Hội Thánh (x. 1Cr 14,26), không như những hình thức phục vụ khác của thế gian (x. Mt 20,24-28). Sự phục vụ theo Thánh Thần là:

-                 Phục vụ trong tinh thần hiệp nhất: người của Thánh Thần luôn cảnh giác tối đa trước những hành vi và lời nói của mình cũng như của tha nhân, để tránh sự phân rẽ hay phân hóa trong nội bộ Hội Thánh. Mọi tranh chấp, bất hòa, chia rẽ đều do sự xúi giục của ma quỉ mà ra. Vì thế người của Thánh Thần luôn “theo đuổi những gì đem lại bình an và những gì xây dựng cho nhau.” (Rm 14,19).

-                 Phục vụ vô vị lợi vì lòng mến: Thánh Thần là ngôi vị biểu lộ sự tự hiến. Ngài luôn thúc giục ta phục vụ vì lòng mến, không đòi hỏi, không chờ đợi đáp trả, không lo sợ thiệt thòi, không khép lại trước một vô ơn, không chán nản trước một lãnh đạm, “vui lòng phục vụ như thể phục vụ Chúa chứ không phải người ta” (Ep 6,7).

-                 Phục vụ khiêm tốn và âm thầm: Thánh Thần được ví như chiều sâu của Thiên Chúa, nên không chấp nhận việc phô trương bề mặt, không thích kiểu bày tỏ bản thân qua những việc tốt lành. Ngài luôn ẩn mặt mà vẫn hoạt động thâm sâu nơi mỗi người cách âm thầm, nhẹ nhàng, không áp đặt. Phục vụ là thái độ của người tôi tớ chứ không phải tính cách của kẻ cả, nên luôn nhận mình “là đầy tớ vô dụng, chỉ làm việc bổn phận đấy thôi” (Lc 17,10).

-                 Phục vụ trong tinh thần từ bỏ: từ bỏ là điều kiện tiên quyết của người môn đệ Đức Kitô, và cũng là tiêu điểm cuối cùng để trở nên đồng hình đồng dạng với Ngài (x. Mc 10,45). Không thể phục vụ theo cảm tính hay sở thích cá nhân, vì như vậy là phục vụ cách tùy tiện và ngẫu hứng. Cũng không thể phục vụ với tính cách bài bác, phê phán, chống chõi, đòi được theo ý mình. Nói thế không có nghĩa là không góp ý xây dựng, không bộc lộ quan điểm đúng đắn, không đánh giá và xét lại… Nhưng điều quan trọng là biết mình phải từ bỏ những gì để Thánh Thần có thể đem lại sức sống mới cho bản thân và cộng đoàn.

Phục vụ trong tinh thần từ bỏ cũng là phục vụ trong sự nghèo khó như Chúa Giêsu (Lc 9, 58), Đấng đã chọn con đường thập giá. Bản thân Ngài cương quyết từ chối con đường thành công, quyền lực, ảnh hưởng và thế lực. Ngài chọn con đường thấp kém, hèn mọn, xem ra bất lực, là con đường của những người nghèo khổ. Đặc điểm rất riêng nơi người của Thánh Thần là con người nghèo khó: chọn sự thất thế chứ không phải quyền thế; chọn việc bị coi thường chứ không phải sự nổi tiếng; chọn sự sinh hoa kết trái âm thầm, chứ không phải những lời tán dương ca ngợi, chỉ để Thiên Chúa được nhận biết và yêu mến.

e. Là người mang hoa trái của Thánh Thần (Gl 5, 22-23)

Như nhựa sống trong thân cây mang lại hoa quả đúng mùa, Thánh Thần hoạt động trong tâm hồn Kitô hữu cũng mang đến những mùa gặt thiêng liêng với nhiều hoa trái thánh thiện. Hoa trái đó là: “bác ái, hoan lạc, bình an, nhẫn nhục, nhân hậu, từ tâm, trung tín, hiền hoà, tiết độ”. Chúng ta cần đi vào chiều sâu nội dung của từng từ ngữ này:

-           Bác ái (agape): là lòng nhân từ không lay chuyển; là tình yêu thương cho đến cùng; luôn làm những điều tốt lành cho người khác, dù họ có đối xử tệ bạc hoặc làm tổn thương ta. Đó là tình yêu đem đến tự do và sức mạnh, có thể hàn gắn và chữa lành mọi vết thương. Đó chính là tình yêu của Thánh Thần thể hiện nơi ta, để sự yếu đuối trong ta trở nên mạnh mẽ; sự nghèo khó của ta trở nên giàu có; tính hay thay đổi của ta trở nên kiên định; tính hèn nhát nơi ta trở nên can đảm…

-           Hoan lạc (chara): từ này trong tiếng Hy Lạp dùng để diễn tả niềm vui sâu xa trong Chúa (Tv 30,11; Rm 14,17; 15,13). Đó là niềm vui được sống kết hợp với Thiên Chúa, hòa hợp với bản thân, tương hợp với tha nhân, dung hợp với thiên nhiên. Đó là sự sống tươi mới từng ngày bừng lên trong tâm hồn do Thánh Thần mang lại.

-                 Bình an (eirene): từ này trong tiếng Hy Lạp chỉ sự an cư lạc nghiệp dưới một chế độ công bình bác ái của một vị minh quân, vừa có nghĩa tương đương với chữ Shalom trong tiếng Do Thái: là đem lại tất cả những gì lợi ích và tốt đẹp nhất cho con người. Đây là sự bình an của một tâm hồn ý thức sâu xa rằng, cuộc đời mình ở trong tay Chúa. Có những đau thương và những tối tăm trong cuộc đời, nhưng trong Thánh Thần, linh hồn vẫn sống bình an, vì đã tin tưởng và phó thác mọi sự cho Chúa. Đó chính là sự bình an mà Chúa Giêsu trao ban cho các môn đệ ngày phục sinh, và hôm nay cho những ai sống trong Thần Khí của Ngài.

-                 Nhẫn nhục (makrothumia): Trong 1Macabêô 8,4 cho thấy nhẫn nhục là sự chiến thắng của tinh thần ngay trong thất bại, không bao giờ chịu khuất phục hoặc thất chí nản lòng trước mọi gian nan khốn khó. Tân Ước cũng đã nhiều lần dùng từ nhẫn nhục này để chỉ tấm lòng của Thiên Chúa đối với chúng ta (x. Rm 2,4; 9,22; 1Tm 1,18; 1Pr 3,20). Chính qua sự nhẫn nhục này mà ta thấy được nội lực thâm sâu của một con người chân chính, nhờ vào sức mạnh của Thánh Linh.

-                 Nhân hậu (chrestoter): từ này được dùng trong Tân Ước thường được dịch là hiền lành hay ngọt ngào (x. Tt 3,4; Rm 2,4). Rượu lâu năm được gọi là chrestos: ngọt dịu. Ách của Đức Kitô được gọi là chrestos (Mt 11,30). Những ai mang hoa trái của Thánh Thần cũng nhân hậu ngọt ngào như Đức Kitô.

-                 Từ tâm (agathosune): Thánh Phaolô dùng từ này chỉ có trong Thánh Kinh chứ không có trong Hy văn (x. Rm 15,14; Ep 5,9; 2Tx 1,11). Từ agathosune chỉ sự tốt lành, nhưng mang tính sửa dạy và đưa con người vào sự đúng đắn, chẳng hạn trường hợp Chúa Giêsu thanh tẩy đền thờ. Kitô hữu là người có tâm tính tốt lành, nhưng cũng mạnh mẽ chứ không yếu nhược trước những sai lệch của đời sống con người.

-                 Trung tín: là một lòng một dạ không thay đổi. Từ ngữ này được dùng rất nhiều trong Kinh Thánh, để chỉ trước tiên đến Thiên Chúa “là Đấng giữ lòng trung tín mãi muôn đời” (Tv 146, 6). Người sống trung tín là người thể hiện được tấm lòng cao cả của Thiên Chúa.

-                 Hiền hòa (praotes): từ này có ba nghĩa:

+ Tuân phục ý Chúa (x. Mt 5,5; 11,29; 21,5).

+ Dễ dạy, biết tự hạ để học hỏi (x. Gc 1,21).

+ Là người thông hiểu, khôn khéo (x. 1Cr 4,21; 2Cr 10,1).

Hiền hòa theo nghĩa Thánh Kinh là phẩm hạnh cao quí mà chỉ Chúa mới có thể ban cho.

- Tiết độ (egkrateia): Platon thường dùng từ này với nghĩa “tự chủ”, làm chủ mọi ước vọng và đam mê thể chất (x. 1Cr 7,9); có kỹ luật bản thân (x. 1Cr 9,25), không chạy theo sở thích.

Nhiều chỗ khác trong Tân Ước cũng nói tới hoa quả công chính và thánh thiện mà đời sống trong Thánh Thần mang lại (x. Ga 15,2; Ep 5,9; Pl 1,11; Gc 3,17; Cl 3,12).

Thánh Phaolô cho thấy Kitô hữu là người đã chết với Chúa Kitô, và đã sống lại với sự sống mới tinh sạch, không còn những thói hư tật xấu của con người cũ. Tâm hồn họ đã trở thành vùng đất tốt để các hoa trái của Thánh Thần phát sinh dồi dào.

Dựa trên đức tin, Lời Chúa và Bí tích thì Kitô hữu đã là người của Thánh Thần, nhưng thực tế vẫn chưa, vì tội lỗi và hoạt động của ma quỉ vẫn còn xâm nhập dưới mọi hình thức, nên còn phải phấn đấu và vươn lên mỗi ngày cho đến suốt đời.                  

Kết luận

Mỗi ngày sống, mỗi biến cố, cần đặt mình lại trong Chúa Thánh Thần, là Đấng đang hiện diện trong tâm hồn ta; là Đấng đang điều khiển Giáo Hội và canh tân đời sống nhân loại; là Đấng đang làm nên trời mới đất mới, đang điều hướng con người và vũ trụ qui tụ về nguồn sống vĩnh hằng là chính Đức Kitô, cho Thiên Chúa.

Cần tha thiết đặt mình trong Chúa Thánh Thần để lắng nghe được tiếng thì thầm của Ngài; để được thấy mọi cái trong ánh sáng của Ngài; để hiểu được ước muốn và hành động của Ngài; để cảm nhận tình yêu và sức sống của Ngài đang tràn dâng trong tâm hồn; để ta được sống trọn vẹn mọi giây phút của đời mình trong Ngài, hầu trở nên con người đích thực của Ngài, mang lại hoa trái thiêng liêng phong phú cho cuộc sống hôm nay mà Thiên Chúa đang mong đợi nơi mỗi người chúng ta.

Lạy Chúa là Thần Khí, là Sự Sống và là Tình Yêu!

Xin cho con được ở trong Ngài,

Để con sống vì tình yêu, để con yêu vì cuộc sống.

Biết yêu những gì tốt đẹp, biết ghét những điều xấu xa.

Xin cho con biết đưa tình yêu vào cuộc sống,

Biết đưa cuộc sống vào tình yêu.

Để từng giây phút con yêu, làm nên cuộc đời con sống,

Hòa nhập cả hai nên một: sống là yêu, yêu là sống.

Xin cho con lắng nghe Ngài trong từng ngày con sống, từng lời con nói, từng việc con làm, từng điều con thực hiện. 

Xin cho con luôn sống theo từng tác động của tình yêu Chúa, không làm gì mà không phải bởi tình yêu, để Chúa luôn sống động trong con, và con luôn sống động trong Chúa. Amen.

 


Mục Lục Sống Ơn Gọi Kytô Hữu



[1] GM Phaolô Bùi Văn Đọc Suy tư thần học về Chúa Thánh Thần, chương VII.

[2] Basile, De spiritu S. 18, 45.

[3] Grégoire de Nysse, Quod non sint tres dii, P.G 45.129.

[4] Thánh Phanxicô Assisi, nhân vật chính trong cuốn tiểu thuyết “Người nghèo của Thiên Chúa” do văn sĩ Hy lạp Nikos Kasantzakis biên soạn.