DÒNG SÔNG THANH TẨY (2)

 

2. Thanh tẩy tư tưởng

Tư tưởng sẽ làm nên hành động, lối sống và số phận của một con người. Tư tưởng tiêu cực hoặc sai lệch sẽ làm tâm trí ta bị ngưng đọng, không còn khả năng chỉ đạo đúng đắn cho mọi lựa chọn và quyết định, khiến cuộc sống bị xáo trộn, bất an. Càng khốn đốn hơn khi tư tưởng đã biến thành vọng tưởng. Trái lại, tư tưởng tích cực hay chân thật cho ta một lối sống thanh thoát, nhẹ nhàng, luôn khai sáng mọi tình trạng và đem đến an vui cho tâm hồn. Nhà Phật gọi đó là chánh tư duy, nhờ có được chánh kiến, vì thấy được chính xác bản chất hay ý nghĩa của sự vật, sự việc…  

Để bảo quản tư tưởng luôn được trong sáng, chân thật, vô chấp, cần cảnh giác cực độ những gì ta nghe nói hay nhìn thấy, nhất là những gì ta suy nghĩ, vì kẻ thù là ma quỉ không ngừng gieo cỏ lùng vào tâm trí (x. Mt 13, 25). Những rác rưởi của những trào lưu tư tưởng không ngừng trôi giạt theo dòng ý thức và xâm nhập vào tiềm thức ta. Những thứ đó giống như mối mọt hủy hoại nhiệt tình và sức mạnh tinh thần của ta.

Chính tư tưởng sẽ tạo nên một cung cách, một lối sống theo hướng mà ta suy nghĩ. Ta sẽ chẳng bao giờ hạnh phúc nếu không có những tư tưởng hạnh phúc; chẳng bao giờ mạnh mẽ nếu toàn là những tư tưởng nhát đảm. Buồn khổ hay an vui đều do cách ta suy nghĩ. Phải có khả năng tẩy não và chuyển hướng liên tục những tư tưởng thoái hóa đang ẩn tàng dưới nhiều trạng thái, cũng như dưới cái nhìn và phản ứng của chúng ta hằng ngày.

Để có được đời sống trong sáng, ta phải đặt mình trong tình trạng tỉnh thức. Không thể ngu ngơ trước bao điều tai hại đang tìm cách xâm nhập vào tư tưởng. Không thể ngây ngô để cho mình tiếp xúc với những thứ sách báo tồi tệ, hình ảnh xấu xa, phim ảnh đồi trụy... cũng không để cho mình dửng dưng hoặc đồng tình trước những trào lưu phân hóa và những hoạt động mờ ám đang vây bủa và tha hóa đời sống xã hội, đang bào mòn lương tâm và giết chết sự sống tinh thần con người.

Một khi tư tưởng xấu đã hình thành và xâm nhập, thì nó sẽ khơi dậy lòng ham muốn, và sớm muộn gì cũng đưa đến hành động, vì tư tưởng là hạt giống của hành động: “Thought is the seed of action” (Emerson). Và khi hành động đã khởi sự, thì dần dần tạo nên một quan niệm, một lối sống, một thói quen, khiến người ta không còn khả năng buông bỏ, vì nó đã trở thành nhu cầu của bản thân. Triết gia Diderot cho biết:“Những tư tưởng là những cái đinh đồng đóng sâu vào tâm hồn mà người ta không thể nào nhổ ra được”. Vì thế cần phải biết thanh tẩy tư tưởng của mình mỗi ngày.

Thanh tẩy tư tưởng tốt nhất là bằng sự thay thế của Lời Chúa: “Lời Chúa là ngọn đèn soi cho con bước, là ánh sáng chỉ đường con đi.” (Tv 119, 105). Chính Lời Chúa khỏa lấp và vô hiệu hóa những dòng tư tưởng đã bị vẩn đục và mờ tối. Lời Chúa có sức mạnh linh thiêng để tẩy não một tình trạng đã bị hư hao và xuống cấp, do những tư tưởng tiêu cực và lệch lạc đã hình thành.

Lời Chúa không chỉ là một tư tưởng khác, nhưng là chính sự hiện diện “bản thân” của Chúa. Công Đồng Vat. II xác định:“Chúa Kitô hiện diện thiết thực trong Lời của Ngài, vì chính Ngài nói khi người ta đọc Thánh Kinh trong Giáo Hội” (SC 7). Chính từ Tin Mừng mà Giáo Hội kín múc lấy sự sống cho mình (x. VD 51). Chúa Giêsu hôm nay cũng như hôm qua, Lời Ngài được phát ra luôn là tiếng gọi từ trong sâu thẳm của tâm hồn ta, là Lời đã biến đổi tận căn biết bao con người, và hiện đang làm biến đổi bộ mặt thế giới này.

Có những khi ta ham mê đi tìm những tư tưởng khôn ngoan, uyên bác từ các nhà hiền triết, qua các giáo thuyết và những tác phẩm văn học lừng danh, nhưng đừng quên rằng: Lời Chúa mới là kho báu vô song, là kho tàng vô tận, là tư tưởng trên mọi tư tưởng, là khôn ngoan trên mọi khôn ngoan, là Sự Giải Thoát để ta có thể sống siêu thoát ngay trong thực tại trần thế. Thiên Chúa đã dùng Lời Người mà tác thành vạn vật (x. Kn 9,1), thì một lần nữa, Người cũng dùng Lời Người mà tái tạo và biến đổi cuộc đời ta theo ý định tình yêu của Người.

Cần chìm sâu trong Lời Chúa mỗi ngày để dòng sông tư tưởng của chúng ta được luôn khơi trong gạn đục. Lời Chúa khi đã thấm sâu vào tâm hồn sẽ đem lại một tư duy mới, một sức sống mới, một chân trời mới, khiến tâm hồn ta vươn cao tỏa sáng, vượt thoát những tư tưởng phàm tục để sống siêu thoát; vượt xa những suy nghĩ tầm thường để sống cao thượng ngay trong đời thường.

3. Thanh tẩy những lo lắng

Đức Giêsu từng mời gọi chúng ta: “Đừng lo lắng” (x. Mt 6, 24-34). Nhưng làm sao sống mà lại không lo lắng, dù sống trong bất cứ ơn gọi hay hoàn cảnh nào. Như một triết gia đã nói: “Con người là một hữu thể lo lắng”. Người xưa cũng nói: “Không lo xa ắt có buồn gần”. Xem ra có điều gì mâu thuẫn chăng?

Khi nói con người là một hữu thể lo lắng có lẽ tác giả cũng chỉ nhằm nhấn mạnh đến tính tư duy, muốn nêu cao vai trò của lý trí trong việc suy tính trước mọi công việc mình làm. Nhưng điều quan trọng là lo cái gì? Lo như thế nào?

Còn câu nói của người xưa như lời nhắc nhở ta đừng sống phóng túng, dễ dãi, và nếu không ý thức hậu quả của mọi hành vi thì chắc chắn sẽ sớm ân hận hối tiếc, chứ không phải khuyên ta hãy lo lắng càng nhiều càng tốt.

Khi bảo đừng lo lắng, Đức Giêsu muốn chúng ta sống cuộc đời an vui, thanh thản, không quá bận tâm về những nhu cầu vật chất, vì Thiên Chúa đã ban một tài nguyên thiên nhiên phong phú để cung ứng cho đời sống nhân loại. Ngay cả vạn vật cũng nằm trong dự hướng và điều kiện rất tốt lành của Thiên Chúa (x. Mt 6, 26). Hơn nữa, Thiên Chúa luôn là một người Cha nhân hậu, thừa biết những nhu cầu của con cái mình và luôn quan phòng trong mọi lúc, miễn con người đừng lười lĩnh và biếng nhác, cũng như đừng ích kỷ để còn biết chia sẻ và đùm bọc lẫn nhau.

Ai cũng biết rằng, mình không thể chỉ sống bằng việc thỏa mãn nhu cầu vật chất, nhưng còn sống bằng tình thương. Một em bé cũng nhận ra điều này, vì em không chỉ cần ăn, cần mặc, nhưng còn cần hơn nữa sự hiện diện yêu thương và lời âu yếm vỗ về của những người thân yêu. Thiếu tình thương thì dù có tiền dư của đầy, đời sống con người cũng trở thành vô nghĩa, thậm chí trở thành địa ngục. Không lạ gì mà Chúa từng cảnh báo: Anh em không thể vừa làm tôi Thiên Chúa, vừa làm tôi Tiền Của được.” (Mt 6, 24).

Đức Giêsu tiếp tục đặt vấn đề với chúng ta như sau: “Hỏi có ai trong anh em, nhờ lo lắng, mà kéo dài đời mình thêm được dù chỉ một gang tay?”(Mt 6, 27). Ở đây, Ngài còn muốn nói đến cả những lo lắng mà ta cho là quan trọng trong đời. Nhưng cần xét xem, nó quan trọng thật hay vì ham muốn mà chúng ta đã quan trọng hóa nó. Tiềm ẩn trong những lo lắng đó có thể là một thứ tham vọng trá hình? Dù quan trọng đi nữa, nếu cứ lo lắng như thế thì cuối cùng chúng ta được gì? Tâm trí ta lúc nào cũng bị chiếm đóng bởi những tính toán chi ly thì sao có thể sống an vui?

Thực tế cho thấy có những lo lắng quá đáng luôn canh cánh bên lòng, nhưng ít khi được ta xem xét lại để buông bỏ bớt. Nếu cứ để cho lo lắng đeo bám ta và hình thành như một hoạt động tự nhiên, nó sẽ thành một loại virus rất độc hại, không chỉ khiến ta luôn nhăn nhó, buồn sầu, mau già cỗi, mà còn khiến những người xung quanh cảm thấy mệt mỏi, nặng nề. Điều tai hại hơn cả là những nỗi lo toan quá lớn đã tách ta ra khỏi thực tại, khiến ta không còn nhìn thấy giá trị mầu nhiệm sự sống của đời mình, cũng là mầu nhiệm sự sống của Thiên Chúa trong mình.

Thiên Chúa là chủ tể sự sống. Cuộc sống mỗi người nằm trong vòng tay yêu thương của Thiên Chúa ngay từ lúc chào đời cho đến lúc lìa đời. Vì thiếu tín thác vào Chúa mà chỉ dựa vào khôn ngoan và sức lực của của mình, nên con người sẻ phải lo lắng không ngừng. Không chỉ lo cho ngày mai mà còn muốn lo cho cả tương lai. Ngày mai sẽ ra sao, làm sao ta biết được. Hãy quay về với những điều rất thật đang xảy ra “ở đây và bây giờ” (Hic et nunc). Sống trọn vẹn cho ngày hôm nay là ta đang sống cho ngày mai. Ngày nào cũng là ngày của Thiên Chúa trong cuộc đời ta, nên đừng quá bôn ba với những lo lắng trong đời.

Có lo lắng cách nào đi nữa thì cái gì đến cũng sẽ đến. Có những việc mà mình phải chấp nhận để nó diễn ra, nghĩa là thuận theo tự nhiên, tới đâu tính tới đó, hơi đâu lo cho mệt. Sự việc có trái ý hay tồi tệ một chút cũng chẳng chết chóc gì, miễn là chúng ta đã tiên liệu một cách cẩn trọng và khôn ngoan: làm những gì cần làm và an nhiên trước những gì không thể làm và không nên làm. Quả thật, có những lo lắng mà ta cho là lớn lao, thế nhưng chẳng có gì lớn lao bằng bình an và hạnh phúc trong cuộc đời mình. Đức Giêsu đã cảnh báo: “Được cả thế giới mà phải đánh mất chính mình hay là thiệt thân, thì nào có lợi gì?” (Lc 9, 25).

Lời của Đức Giêsu không nhất thiết chất vấn chúng ta về mối lo ăn mặc hay về những mối lo quan trọng khác, nhưng chính là về mối lo có nguy cơ cạnh tranh với việc “tìm kiếm Nước Thiên Chúa và sự công chính của Ngài” (Mt 6, 33). Nước Thiên Chúa là chính Thiên Chúa đang tàng ẩn trong mọi sự, mọi người, mọi nơi, mọi lúc. Một Thiên Chúa vừa nội tại vừa ngoại tại, vừa hữu ngã vừa vô ngã, vừa tràn đầy vừa sâu lắng, vừa siêu việt vừa hiện diện, vừa rất chung cho mọi người và vừa rất riêng trong mọi hoàn cảnh cho từng người. Đó là một “Thiên Chúa còn gần gũi thân thiết với con người hơn cả con người đối với chính mình.” (Augustinô). Một Thiên Chúa như thế đã làm thành nền tảng của hiện sinh Kitô giáo, nên người Kitô hữu “có sống là sống cho Chúa, mà có chết cũng là chết cho Chúa. Cho dù sống hay chết, họ vẫn thuộc về Chúa” (Rm 14,8).

Cụ thể lo tìm kiếm Nước Chúa là lo dành thời giờ dành cho Chúa, cho nhau, cho tâm hồn mình, cho trái tim mình hòa vào nhịp đập của trái tim Chúa. Cần phải thanh tẩy mọi thứ lo lắng, để chỉ còn cái lo cốt cán và rất đáng quí chuộng là lo sống tình yêu mến. Lo sống tình yêu mến mới là cái lo rất ngọt ngào và đầy sáng tạo để đem lại bình an và hạnh phúc cho nhau.

Lo thể hiện tình yêu là việc làm rất chí thú và đầy thi vị để nếm trải cuộc sống với tất cả độ sâu của nó, mà Thiên Chúa là Đấng luôn đang hiện diện sống động trong mọi sự. Đó là cái lo làm cho ta lớn lên trong đời sống làm người và làm con Thiên Chúa, vì biết rằng, mọi sự do Thiên Chúa mà có, mọi việc bởi Thiên Chúa mà thành. Bởi vậy, hãy “Quẳng gánh lo đi và vui sống”. Thánh Phêrô cũng đã khuyên dạy chúng ta: “Mọi âu lo, hãy trút cả cho Người, vì Người chăm sóc anh em.” (1Pr 5,7).

Đừng để mình chìm ngập trong những lo toan và tính toán, ta sẽ gặp Chúa trong mọi việc, thấy Chúa trong mọi nơi, nhận ra Chúa trong mọi người. Đó mới là ý nghĩa trên mọi ý nghĩa, đem lại niềm hân hoan cho tâm hồn. Tất cả mọi khả năng và sức mạnh của chúng ta đều phải được huy động để làm nên một cuộc sống chan chứa tình yêu, nên không thể để cho mình quá lo lắng về những thứ tạm bợ. Nhờ vậy ta mới có một tinh thần siêu thoát để hoàn thành một chuyến đi định mệnh mang tính vĩnh cửu.

4. Thanh tẩy những ước mơ

Trên con đường thi hành sứ mạng, Ðức Giêsu biết mình phải hiến mạng, Ngài báo trước điều đó cho các môn đệ. Ngay sau đó thì Gioan và Giacôbê lại xin được ngồi hai bên tả hữu của Thầy (x. Mc 10, 35-45). Hai ông nghĩ sắp tới lúc Thầy mình lập quốc, nên muốn chiếm giữ trước hai chỗ cao nhất. Các môn đệ khác cũng ôm mộng làm lớn, nên đâm ra bực tức hai môn đệ kia (x. Mc 10, 41). Họ không bắt được tần số của Thầy nên “trống đánh xuôi kèn thổi ngược”, “đồng sàng dị mộng”.

Thật éo le! Đang khi Thầy Giêsu hướng đến cuộc thương khó thì các môn đệ lại hướng đến vinh quang trần thế. Đang khi Thầy đến để phục vụ thì môn đồ toan tính nắm lấy quyền lực. Đang khi Thầy kêu gọi từ bỏ thì những kẻ theo Thầy lại ham mê địa vị, danh vọng. Đang khi Thầy sống khiêm nhu tự hạ thì những người được Thầy tuyển chọn lại muốn ăn trên ngồi chốc. Giấc mơ công hầu khanh tướng vẫn choáng ngợp tâm hồn những kẻ có lý tưởng thanh cao.

Ðức Giêsu kéo các ông ra khỏi tham vọng trần tục để đưa họ trở về với thực tại gai góc sắp đến. Họ muốn được chung phần với Ngài trong vinh quang, nhưng liệu họ có dám chia phần với Ngài trong đau khổ? (x. Mc 10, 36). Họ chưa hề biết chia sẻ trách nhiệm và cộng tác vào sứ vụ của Thầy mà đã lo toan cho mình được vinh thân phì da. Được ngồi hai bên tả hữu của Thầy trong vinh quang đâu phải là phần thưởng để trả công cho người bền chí. Trung tín theo Chúa đến cùng đã là phần thưởng rồi.

Thanh tẩy mình khỏi tội lỗi không khó lắm, nhưng thanh tẩy mình khỏi những mơ ước sống cao sang thật không dễ. Thanh tẩy mình khỏi nhân đức và công trạng của mình còn khó hơn bội phần. Đúng là các môn đệ đã rất quảng đại khi từ bỏ nhà cửa, cha mẹ, gia đình, nhưng bây giờ lại thèm khát quyền hành danh vọng. Các ông muốn gỡ gạt từ những gì mình đã từ bỏ, xem ra còn thích thú hơn. Thế nhưng quyền hành thường trở thành quyền lực để khống chế và thống trị; chức vụ thường trở thành phương tiện phục vụ cho bản thân mà bất chấp tha nhân; xã hội thời nào cũng đầy những tranh chấp và hạ bệ lẫn nhau cũng vì quyền thế; chiến tranh tương tàn cũng vì những giấc mơ tham vọng quyền lực.

Chúa Giêsu muốn khai trừ quan niệm và lối sống phàm tục đó nơi các môn đệ Ngài, và tuyệt đối không chấp nhận chuyện đó nơi Hội Thánh: “Nơi anh em thì không như vậy.” (Mc 10, 43). Ngài đề xướng một lối lãnh đạo mới. Ai muốn làm lớn hay làm đầu trong Hội Thánh phải trở nên đầy tớ cho mọi người. 

Ðức Giêsu mời chúng ta làm một cuộc cách mạng lớn, không phải chỉ là đổi ngôi, đổi vị trí, mà là đổi lòng. Phải tận diệt từ trong tâm những tham vọng sở hữu và thống trị, là con đẻ của tính kiêu căng và ích kỷ. Dĩ nhiên, Đức Giêsu không ủng hộ một xã hội hay Giáo Hội vô tổ chức, không có lễ giáo và tôn ti trật tự, nhưng Ngài chủ trương một đường lối yêu thương và khiêm nhường trong việc lãnh đạo. Lãnh đạo để phục vụ chứ không phải để được phục vụ; để đem lại an vui hòa bình chứ không phải để tranh đấu hơn thua; để hiến mạng chứ không gây thiệt mạng.

Lm. Thái Nguyên


Tu Đức