BA NHÂN ĐỨC ĐỐI THẦN

TRONG ĐỜI SỐNG KITÔ HỮU

 

I. ĐỨC TIN

“Hãy xây dựng đời mình

trên nền tảng đức tin rất thánh của anh em.” (Gd 1,20)

 

 

Tự trong thâm tâm, chúng ta nghiệm thấy mình cần đến đức tin trong mọi giây phút của cuộc đời. Đức tin cần thiết để đón nhận Lời Chúa; để nghe được tiếng Chúa; để sống thánh ý Chúa; để vững vàng trong những lúc gian nan; để đi vào đời sống hiệp thông; để phó dâng đời mình và những người thân yêu vào vòng tay Chúa; để thanh luyện và đổi mới bản thân từng ngày, v.v.

Nếu chúng ta muốn hoàn thành kế hoạch của Thiên Chúa trong cuộc đời mình, thì phải có một đức tin ngày càng lớn mạnh. Không phải đợi đến lúc khẩn thiết mới xây dựng và gia tăng đức tin, nhưng phải làm việc ấy ngay bây giờ, vì “lúc này là lúc thuận tiện; hôm nay là ngày cứu độ” (2Cr 6,2). Thiên Chúa ở ngay trong hiện tại, và cũng chính trong hiện tại mà chúng ta hiện hữu. Sự hiện hữu chỉ đích thực khi ta hiện diện với tất cả đức tin. Sẽ không có gì cho ngày mai, nếu đức tin không sáng lên từ hôm nay. Chỉ có đức tin mới làm đẹp lòng Thiên Chúa và làm đẹp cuộc đời chúng ta (Dt 11,6). 

1. Thuật ngữ “Đức Tin”

Đức Tin (tín đức) trong Hán văn cho ta hiểu được ý chính như sau:

Đức (): ơn ; Tin (tín) (): đón nhận, nghe theo. Đức Tin: ơn đón nhận, vâng theo.

Thuật ngữ “Đức Tin” có gốc trong Hy vănpistis (πιστις): là tin tưởng với tinh thần phó thác vững vàng. Tùy theo nội dung văn bản, thuật ngữ “đức tin” trong Hy văn có thể hiểu là “trung tín”, “chung thủy” hoặc “trung kiên” (1 Tx 3,7; Tt 2,10). Trong Tân Ước có một từ cùng nguồn gốc với danh từ pistis (πιστις) thể hiện ý niệm về đức tin là động từ pisteuo (πιστευω). Động từ này có hai nghĩa cơ bản:

-     Nghĩa thứ nhất là “tin vào điều ai đó nói, chấp nhận một lời tuyên bố (mang tính tôn giáo) là đúng”[1].

-     Nghĩa thứ hai là “tin cậy người nào, khác với tin suông một điều gì”[2]. Nghĩa thứ hai này luôn được nhận ra qua việc sử dụng giới từ:

+ Giới từ εν (en) được sử dụng trong Phúc Âm
Mc 1,15: “Anh em hãy sám hối và tin vào Tin Mừng”.

+ Giới từ εις (eis) được dùng trong Cv 10,43: “...phàm ai tin vào Người thì sẽ nhờ danh Người mà được ơn tha tội”. 

+ Thánh Gioan đề cập đến việc tin vào danh Chúa Giêsu: εις το ονομα (eis to onoma): “...những ai tin vào danh Người, thì Người cho họ quyền trở nên con Thiên Chúa” (Ga 1,12). Cấu trúc này có nghĩa đặc biệt đối với người Do Thái vốn xem danh tánh của một người là tương đương với người đó. Vì thế, tin vào danh Chúa Giêsu là đặt lòng tin cá nhân vào Ngài[3].

Như vậy, đức tin cần có cho sự cứu rỗi bao gồm “tin rằng”“tin vào”, tức là chấp nhận một sự thật và tin vào một ai đó. Nhất thiết cả hai phải đi đôi với nhau.

Luận giải về chức năng của đức tin trong mối tương quan với giao ước của Thiên Chúa, tác giả thư Do Thái viết: “Đức tin là bảo đảm cho những điều ta hy vọng, là bằng chứng cho những điều ta không thấy” (Dt 11,1). Trong Hy văn: Hypostasis (Υποστασις) được dịch là “sự bảo đảm”, thường xuất hiện trong các văn bản giao dịch cổ viết trên giấy papyrus. Moulton và Milligan cũng diễn giải như thế: “Đức tin là hành động bảo chứng cho những gì đang được mong đợi”[4].

Chính vì vậy mà Giáo Lý Hội Thánh phân biệt giữa tin như một hành vi (actus),tin như là một nhân đức (virtus). Nhân đức là cái gì bền bỉ, đã ăn rễ sâu thành tập quán. Đức tin không chỉ là một hành vi, nhưng còn là một thái độ, một tâm tình, một quan điểm, một não trạng, một nếp sống. Tin không chỉ là kết quả của nỗ lực con người, nhưng trước tiên là một hồng ân của Thiên Chúa. Đó là những đặc tính của đức tin, một nhân đức đối thần (virtutes theologicae), nhờ đó chúng ta tin tưởng vào Chúa, chấp nhận tất cả những gì Ngài phán dạy và mạc khải... bởi vì Ngài là chân lý (GLCG 1814).

“Đức tin” không chỉ củng cố thêm cho “niềm tin” được vững chắc, bất chấp những thử thách, nhưng còn thay đổi toàn thể con người chúng ta: nó giúp ta nhìn mọi sự dưới ánh sáng của Chúa, đánh giá mọi vật dưới ánh sáng của Tin Mừng, không theo thị hiếu của thế gian. Đức tin còn giúp ta ngày càng gắn bó với Chúa hơn, khát mong được kết hiệp với Ngài, chiêm ngưỡng Ngài diện đối diện (x. GLCG 2609; 2709).

2. Ý nghĩa và nội dung của Đức Tin

a. Tin là đáp lời Thiên Chúa

Đức tin đặt nền trên sự mặc khải của Thiên Chúa: “Với tình thương chan chứa, Thiên Chúa vô hình đã ngỏ lời với loài người như với bạn hữu. Ngài đối thoại với họ để mời gọi và đón nhận họ hiệp nhất với Ngài (MK 2).  Vậy “Nếu mặc khải là con đường Thiên Chúa đến với con người thì đức tin là con đường con người đến với Thiên Chúa, là sự đáp trả của con người trước tiếng nói của Thiên Chúa” (Augustinô). Thơ Do Thái diễn giải ý nghĩa và vai trò của đức tin như sau: “Không có đức tin thì không thể làm đẹp lòng Thiên Chúa; vì ai đến gần Thiên Chúa, thì phải tin là có Thiên Chúa, và tin Ngài là Đấng ban phần thưởng cho những ai tìm kiếm Ngài” (11,6).

Ðức tin là lời đáp trả của con người toàn diện trước tiếng gọi của Thiên Chúa. Con người toàn diện ấy bao gồm cả lý trí, ý chí, tình cảm, ước muốn và hành động, nghĩa là đặt trọn bản thân qui hướng về Ngài (x. DV 5). Vì thế, thánh Phaolô nói đến sự vâng phục trong đức tin (x. Rm 1,5;16,26), vì chỉ một mình Thiên Chúa là Chân lý ban sự sống. Niềm tin vào Thiên Chúa phải là sự gắn bó toàn diện và tuyệt đối trong mọi hoàn cảnh.

Vì tin, Abraham đã vâng lời “ra đi mà không biết mình đi đâu” (Dt 1,8), nhưng ông “vẫn trông cậy, mặc dầu không còn gì để trông cậy” (Rm 4,18). 

Vì tin, Mẹ Maria đã thưa với sứ thần: “Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói” (Lc 1,38). Mẹ cũng đã đi vào tận “đêm tối của đức tin”[5] để hiệp thông với khổ hình thập giá và tử nạn của Con.

b. Tin là gắn bó với Chúa Cha, qua Chúa Con, nhờ Chúa Thánh Thần. 

Tin vào Thiên Chúa chính là tin vào Ðấng Ngài sai đến là Ðức Giêsu Kitô (x. Ga 1,18; 6,28-29), là Con Chí Ái của Chúa Cha (x. Mc 1,11). Thiên Chúa dạy chúng ta phải nghe lời Ðấng ấy (x. Mc 9,7). Chính Đức Giêsu cũng nói với môn đệ: “Hãy tin vào Thiên Chúa và tin vào Thầy” (Ga 14,1), vì “ai thấy Thầy là thấy Chúa Cha” (Ga 14,9). Nhưng chúng ta chỉ có thể đi vào đời sống đức tin nhờ được đón nhận Thánh Thần của Ðức Giêsu, vì “Không ai có thể nói rằng: Ðức Giêsu là Chúa, nếu người ấy không ở trong Thần Khí” (1 Cr 12,3).

c. Tin là ân ban và là tự do đón nhận.

Đức tin là hồng ân Thiên Chúa ban tặng cho các tín hữu (Mt 16,17), để họ gắn bó trọn vẹn với Người (fides qua) và đón nhận những chân lý do Ngài mạc khải (fides quae) trong Đức Giêsu Kitô (x. MK 5). Chính Ngài đi bước trước và trợ giúp từ bên trong: “Ngài thúc đẩy và qui hướng con tim về cùng Thiên Chúa, mở mắt lý trí và làm cho mọi người cảm thấy dịu ngọt khi đón nhận và tìm theo chân lý" (MK 5).

Đức tin là một hồng ân nhưng đồng thời cũng là hành vi nhân linh, vì ân huệ Thiên Chúa không xóa đi khả năng hiểu biết và ý chí của con người, nhưng soi sáng, nâng đỡ và mời gọi cộng tác. Do đó, tin cũng chính là hành vi tự do, vì “Thiên Chúa tôn trọng phẩm giá con người do chính Ngài tạo nên, con người ấy phải được tự do và được hướng dẫn theo phán đoán của mình” (TD 11).

Khi rao giảng, “Ðức Giêsu đã trợ giúp và chứng thực lời giảng thuyết của Ngài bằng những phép lạ, để khơi dậy và củng cố lòng tin của thính giả, nhưng Ngài không hề tạo áp lực cưỡng ép họ” (TD 11).

d. Tin là hành động

Vì đức tin là sự gắn bó toàn diện con người với Thiên Chúa, nên không thể ngưng lại ở những hiểu biết suông mà phải dẫn tới hành động. Do đó, thánh Gioan nói đến việc “thực thi chân lý” và thánh Giacôbê gọi “đức tin không có hành động thì quả là đức tin chết” (Gc 2,17). Người tín hữu phải luôn tự cảnh giác trước Lời Chúa nói: “Không phải bất cứ ai thưa: Lạy Chúa! Lạy Chúa!” là được vào Nước Trời cả đâu. Những chỉ ai thi hành ý muốn của Cha Thầy là Ðấng ngự trên trời mới được vào mà thôi” (Mt,7,21).

Ðức tin là đòi hỏi nhất thiết để được cứu độ, như Ðức Giêsu đã nói với các môn đệ khi Ngài từ cõi chết sống lại: “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo tin mừng cứu độ cho mọi loài thọ tạo. Ai tin và chịu phép Rửa sẽ được cứu độ, còn ai không tin, sẽ bị kết án” (Mc.16,15-16). Ơn cứu độ ấy sẽ hoàn thành trong ngày sau hết, nhưng ngay từ bây giờ, đức tin cho ta nếm hưởng ánh sáng vĩnh cửu, “bảo đảm cho những điều ta hy vọng” (Dt 11,1), nên đức tin là khởi điểm của cuộc sống vĩnh hằng. Với một đức tin sống động, người tín hữu bước vào đời thờ phượng và luân lý. Nhờ cầu nguyện, ta gặp gỡ chính Ðấng mà ta tin. Niềm tin đích thực được thể hiện qua đời sống hằng ngày: “Căn cứ vào điều này, chúng ta nhận ra rằng chúng ta biết Thiên Chúa, đó là chúng ta tuân giữ các điều răn của Người” (1Ga 2,3).

Cha Charles de Foucauld đã xác quyết về một đức tin đích thực[6]: là đức tin chi phối mọi hành động; đức tin lột cái bộ mặt bề ngoài của thế giới ra, và cho thấy Thiên Chúa trong mọi sự; đức tin làm cho các lo âu, sợ hãi không còn ý nghĩa nữa; đức tin làm cho con người tiến bước trong cuộc đời với một vẻ bình tĩnh, một sự bằng an, một niềm vui sâu thẳm, như một đứa bé nắm tay mẹ hiền; đức tin đặt linh hồn vào một thái độ thanh thoát hoàn toàn đối với mọi sự khả giác nhờ thấy rõ tính hư vô của chúng. Đức tin còn cho ta nhận ra rằng: ngoài việc làm đẹp lòng Chúa, thì tất cả chỉ là hư không; đức tin làm cho ta thấy sự cao cả của Thiên Chúa, cho thấy rõ cái bé bỏng của ta. Đức tin khiến ta dám hy sinh tất cả vì lòng yêu mến Chúa mà không do dự, không hổ thẹn, không sợ hãi, không chùn bước bao giờ.

e. Loan truyền Đức Tin

Ðức tin là một hành vi cá nhân: con người tự nguyện đáp lại lời mời gọi của Thiên Chúa, Ðấng tự mặc khải. Nhưng đức tin không phải là một hành vi riêng rẽ, vì không ai có thể tin một mình, cũng như không ai có thể sống một mình. Không ai tự ban cho mình đức tin, cũng như không ai tự ban cho mình sự sống.

Ta đón nhận đức tin nên cũng phải loan truyền đức tin. Đức Gioan Phaolô II đã viết: “Đức tin được đào sâu khi nó được thông truyền”. Tình yêu của chúng ta đối với Ðức Giêsu và tha nhân, thúc giục chúng ta nói với người khác về Đức Tin của chúng ta. Như thế, mỗi tín hữu là một mắc xích trong dây chuyền rộng lớn các tín hữu. Tôi không thể tin mà không có đức tin của người khác đỡ nâng, và với đức tin của tôi, tôi góp phần vào việc nâng đỡ đức tin của kẻ khác (GLCG 875).

môn đệ Ðức Kitô, ta không chỉ gìn giữ, bảo vệ và sống đức tin, nhưng còn tuyên xưng, làm chứng và truyền bá đức tin: "Mọi tín hữu phải sẵn sàng tuyên xưng Ðức Kitô trước mặt mọi người và bước theo Ngài trên đường thập giá” (x. LG 42; DH 14). Đó là niềm vui ơn cứu độ của chúng ta, vì “Ai nhận Thầy trước mặt thiên hạ, thì Thầy cũng nhận người ấy trước mặt Cha Thầy...(Mt 10,32-33). Do đó có những tội phản nghịch cùng đức tin như: cố tình hồ nghi hay không tin những điều Chúa dạy; hổ thẹn không dám tỏ mình là người Công giáo; liều mình trong những dịp nguy hiểm có thể mất đức tin; sau cùng là chối đạo hay bỏ đạo (GLGH 1816).

3. Con đường Đức Tin

Đức tin là cuộc hành trình đầy cam go và thử thách, là một cuộc chiến đấu liên lỉ suốt đời. Chúng ta cần dựa vào Tin Mừng để soi dẫn và làm lớn mạnh đức tin của mình.

a. Phải tin trước hết (Mt 9, 27-31)

Tin Mừng Matthêu thuật lại việc hai người mù xin Chúa Giêsu cứu chữa. Ngài hỏi: “Các anh có tin là tôi làm được điều ấy không?”. Thông thường các vị thầy thuốc chữa lành trước, rồi người ta mới tin sau, còn Chúa Giêsu đòi người ta tin trước khi chữa lành, vì Ngài không muốn người ta đến với Ngài theo kiểu khấn vái cầu may, được chăng hay chớ. Ngài đòi hỏi người ta nếu muốn được giải thoát hay chữa lành thì phải dám buông mình trong đức tin để Ngài hành động. Và nếu đức tin còn yếu, Ngài sẽ ban thêm, nhưng không dùng quyền năng để áp đặt.

Chính trong đức tin mà người ta nhận ra Ngài là Đấng cứu tinh hơn là một người hành nghề lang y. Chúa Giêsu sẵn sàng làm mọi điều để thỏa đáng những nhu cầu chính đáng của con người, nhưng Ngài không thể làm gì được cho những kẻ không tin. Đòi hỏi phải có đức tin, vì mọi hành động của Ngài đều nhằm nâng cao đời sống tâm hồn của con người hơn là giải quyết tình trạng trước mắt. Đôi mắt được sáng ra không bằng tâm hồn được sáng lên. Sáng mắt chẳng có ý nghĩa gì khi tâm hồn vẫn chìm ngập trong u tối. Phải gặp được Chúa Giêsu để thay đổi cái nhìn và não trạng, đó mới là sự chữa lành tận gốc.

Có một số người mù từ bẩm sinh đã được chữa khỏi, họ nhìn thấy thế giới chung quanh quả là kỳ diệu, khác xa với những gì mà họ tưởng tượng trước đó. Trên ý nghĩa tinh thần cũng vậy, chỉ khi gặp được Chúa, đôi mắt tâm hồn ta mới sáng lên để nhìn thấy mọi sự khác hẳn với những gì mình thường suy nghĩ hay mường tượng, cũng như từng phán đoán và nhận định trước đây. Dưới cái nhìn đức tin, mọi sự đã mặc lấy một ý nghĩa khác.

Trong ánh sáng đức tin, ta không còn bị chận đứng ở bề mặt của hiện tượng hay hình tướng bên ngoài, nhưng vào bên trong để có thể nhìn thấy thực chất của vấn đề, thực trạng của tâm hồn, thực tế của hoàn cảnh, thực tính của một lời nói, thực tâm của một thái độ hay hành vi.

Trong ánh sáng đức tin, ta sẽ thấy mọi biến cố đều có ý nghĩa, mọi khoảng thời gian đều là ân ban và là cơ may. Nhờ vậy, ta không còn chủ quan, độc đoán hay thờ ơ lãnh đạm đối với cuộc sống của mình cũng như của tha nhân. Tha nhân dù có thấp hèn đến đâu đi nữa, ta cũng vẫn thấy được những phản chiếu vẻ đẹp của Thiên Chúa. Như Đức Bênêđictô đã nói: “Đức tin giúp chúng ta hiểu rằng đời sống của mỗi người là vô giá vì mỗi người trong chúng ta là hoa trái của tình yêu. Thiên Chúa yêu thương mọi người, kể cả những ai đã rời xa hay xem thường Ngài. Thiên Chúa vẫn luôn kiên nhẫn chờ đợi”[7].

Trong ánh sáng đức tin, ta thấy thất bại, khổ đau là điều cần thiết cho sự khởi đầu ơn cứu độ. Nhưng rồi mù quáng trong đức tin vẫn là cơn cám dỗ không ngừng của kiếp người. Thứ mù quáng đáng sợ là người ta không còn nhận ra và chấp nhận sự mù quáng của mình. Chúa Giêsu từng lên án thái độ đó của Biệt phái, là những người cứ cuộn mình trong nấm mồ tối tăm của thành kiến và mớ kiến thức hạn hẹp.

b. Đức Tin khám phá (Mc 4, 35-41)

Trước cuồng phong dữ dội, từng đợt sóng lớn ập vào khiến thuyền ngập đầy nước cơ hồ muốn chìm, các môn đệ dù là những dân chài kinh nghiệm, cũng đành bó tay trước cơn nguy khốn. Các ông cuống cuồng đánh thức Chúa Giêsu, và xin Ngài cứu kẻo họ chết mất. Ngài đã cứu họ không phải bằng một kỹ năng hàng hải mà bằng một lệnh truyền cho sóng gió yên lặng.

Cuộc đời như biển cả mênh mông, có những lúc biển đời lặng lẽ, có những lúc phong ba bão táp như thất bại, tai ương, bệnh tật, khốn khó, khiến ta hoang mang sợ hãi, cuống cuồng không kém các môn đệ. Thế nhưng giông tố cuộc đời xem ra lại cần thiết để ta nhận diện con người mình: con người yếu đuối, mong manh, bất lực, dễ bị chao đảo và cuốn mất theo dòng đời. Đến lúc chẳng còn ai có thể cứu ta được ngoài một mình Chúa.

Thật ra, Chúa thấy trước mọi sự xảy ra trong cuộc đời ta, nhưng rồi nhiều khi Ngài vẫn lặng yên như không thấy. Có khi chúng ta cũng trách Ngài như các môn đệ: “Chúng con chết đến nơi rồi mà Thầy chẳng lo gì sao?”. Có vẻ như Chúa quá vô tư, lãnh đạm và ơ hờ. Trách Chúa cũng là trách chính bản thân ta, nhiều khi cũng chỉ lo sống cho riêng mình mà quá thờ ơ lãnh đạm với Chúa. Chỉ khi nguy ngập mới lạy lục kêu van. Hóa ra, chúng ta chỉ coi Chúa như tượng thần hộ mệnh, cần thì đem ra hô hoán, không cần thì dẹp vào. Nhưng rồi Chúa vẫn chấp nhận và âm thầm chờ đợi ta lên tiếng. Không phải ta lên tiếng rồi Chúa mới nghe, nhưng Ngài vẫn nghe trước khi ta lên tiếng. 

Sau khi truyền cho sóng biển lặng yên, Chúa Giêsu trách các môn đệ: “Sao nhát thế? Làm sao mà anh em vẫn chưa có lòng tin”. Nói cách khác: Sóng gió làm gì được anh em khi Thầy đang ở với anh em, bên cạnh anh em. Nhưng chính qua cơn giông bão mà các môn đệ đặt lại vấn đề con người Chúa Giêsu cách sâu xa hơn: “Người này là ai, mà cả đến gió và biển cũng phải tuân lệnh?”.

Qua mỗi biến cố, ta lại khám phá thêm sự hiện diện và quyền năng của Chúa Giêsu trong cuộc đời mình, ngay bên mình. Thuyền đời Kitô hữu chẳng bao giờ êm ả, nó chỉ êm ả khi về tới bến quê bình an. Nhưng rồi ta phải biết giữ cho lòng mình vững vàng giữa những nguy nan, không hoang mang, không thất vọng, dù Chúa vẫn ngủ yên. Vấn đề không phải là sự bất động của Chúa, mà là sự náo động của ta: ở bên Chúa mà niềm tin vẫn xa rời, sống bên Chúa mà lo âu vẫn không ngơi. Khám phá thêm về Chúa cho ta thấy rõ thêm về con người mình.

c. Đức Tin cần trợ giúp (Lc 5, 17-26)

Tin Mừng kể lại việc người bại liệt tự bản thân không đến được với Đức Giêsu, mà phải nhờ đến sự giúp đỡ nhiệt tình của bốn người khiêng. Những người này không thể vào nhà bằng cửa chính vì quá đông dân chúng, họ phải tìm con đường gay go hơn bằng cách leo lên mái nhà, dỡ ngói ra, thả bệnh nhân cùng với cái giường xuống trước mặt Chúa Giêsu. Thấy họ có lòng tin như vậy, Chúa Giêsu bảo: “Này anh, anh đã được tha tội rồi”.

Bao người con đã được cứu chữa hoặc trở thành người tốt nhờ đức tin của ông bà, cha mẹ, anh em, bạn hữu, cũng như những người chung quanh. Sử gia hiện đại T. Carlyle cho biết, dường như tiếng mẹ ông luôn vang vọng bên tai: “Con hãy tin cậy Chúa và làm điều lành”. Đức tin giúp ta nhận ra sự hoạt động của Chúa qua những người thân cận, nhất là những lúc ngặt nghèo không thể tự mình đứng vững và vươn lên. Không có sự trợ giúp nhiệt tình của họ, không biết đời ta sẽ ra sao? Đến phiên ta cũng vậy, cần quan tâm nâng đỡ và cứu giúp những người cùng khổ. Chúa muốn qua ta, Ngài ban ơn cứu độ cho mọi người. Hãy làm cho anh em điều gì đó trước sự khốn quẫn của họ, để khơi dậy một niềm tin.

Hơn nữa, phải nhận rằng, những cảm nhận thiêng liêng của ta cũng thường qua sự giao hảo với anh chị em mình: sự quan tâm và giúp đỡ của họ khiến ta thoát khỏi sự bế tắc nơi chính mình; gương sáng và việc lành của họ là động lực giúp ta tin tưởng giữa những bất trắc gian nan; nhìn thấy việc cầu nguyện và dấn thân của họ khiến ta thoát ra khỏi sự nguội lạnh ơ hờ. Quả thực, nhờ anh chị em mà đời sống ta thêm tin yêu và hy vọng.

d. Đức Tin kiên trì (Ga 9, 1-41)

Người mù từ bẩm sinh đã được chữa lành nhờ may mắn gặp được Chúa Giêsu. Nhưng lại không may vì là ngày Sabbat, nên sự việc lại trở nên rắc rối. Nhóm Biệt phái đã từng chống đối Chúa Giêsu, nay lại thêm tức tối về sự việc này, nên quyết liệt tra hỏi anh mù về việc được sáng mắt. Họ đưa ra những lý lẽ để kết án Chúa Giêsu, và khư khư đòi anh phải phủ nhận Ngài, không được coi Ngài là người bởi Thiên Chúa mà đến. 

Cũng như nhóm Biệt phái, kinh nghiệm thiêng liêng cho ta thấy mình sáng mắt nhưng không sáng lòng; thấy sự việc nhưng không thấy sự thật; thấy dấu lạ mà không thấy Chúa. Lý do có thể vì ta cứng nhắc trong một lề thói, cứng đọng theo một lối suy nghĩ, chỉ dựa vào luật lệ và đạo đức bên ngoài. Lý do khác nữa là vì tự ái, thành kiến, quyền hành, danh giá, nhất là vì ghen ghét mà ta muốn suy diễn khác đi.

Hơn nữa, nhóm Biệt phái càng không muốn chân nhận Chúa Giêsu, vì điều đó đòi họ phải thay đổi lối suy nghĩ và cách sống đạo, phải thay đổi bộ mặt tôn giáo của cha ông, nhất là đòi họ phải tin theo Ngài. Họ tự hào mình đã hiểu biết đầy đủ và đạo đức rồi. Niềm tự hào này khiến họ khép lại, không có can đảm chấp nhận mình sai lầm, và cố chấp ở lại trong bóng tối.

Ai cũng cho mình là thông sáng, nhưng có những lúc ta tự làm cho mình mù: khi không muốn chấp nhận thực tế về bản thân và tha nhân; khi né tránh sự thật và không muốn nghe ai. Trên con đường đức tin, có những khi ta giống như những Biệt phái, từ ánh sáng lại rơi vào bóng tối. Cần tìm lại ánh sáng bằng tấm lòng khiêm nhường và  đón nhận sự thật. Nhưng rất tiếc, đang khi anh mù vui mừng vì tìm lại được ánh sáng thì thử thách lại ập tới. Người ta nghi ngờ anh, xoi mói anh, gây khó khăn và đe dọa đời sống anh. Dù anh ta có được cuộc sống mới, nhưng gia đình và những người thân lại phủ nhận, bỏ rơi, vì sợ liên lụy. Sự căng thẳng lên đến cực điểm khi anh phải đối đầu với quyền lực tôn giáo: là những người dạy dỗ, hướng dẫn, và là mẫu gương sống đức tin cho dân Chúa. Họ mạt sát anh là người sinh ra trong tội lỗi. Họ tố cáo Chúa Giêsu đã lỗi phạm luật nghỉ ngày Sabbat.

Và sau cùng, họ khai trừ anh khỏi Hội đường. Đây là hình phạt nặng nề, nhục nhã nhất đối với người Do Thái. Bị giáo quyền khai trừ, bị người thân chối từ, bị dân chúng xa lánh, anh đau lòng, tủi hổ, cảm thấy cô đơn hoàn toàn, một thử thách quá sức. Để giữ vững niềm tin, anh đành chấp nhận hành trình đơn độc. Để sống cho sự thật, anh chấp nhận bị loại trừ. Anh chọn lựa dứt khoát: dám mất tất cả để trung tín với niềm tin của mình. Lúc khổ tâm nhất cũng là lúc Chúa Giêsu xuất hiện để nâng đỡ và khen thưởng đức tin kiên cường của anh. Anh gặp lại Ngài với niềm vui khôn tả.

Hành trình đức tin của mỗi người chúng ta cũng vậy, không thiếu những thử thách và bóng tối vây quanh, đòi ta phải kiên tâm đến cùng. Đức tin Chúa ban cho chúng ta giống như viên ngọc quí, nhưng “ngọc bất trác bất thành khí”, đức tin mà không được tinh luyện trong thử thách sẽ trở thành vô hiệu. Từng biến cố gay go trong đời đều là cơ hội để làm sáng lên đức tin: một đức tin có thể còn mù mờ và bị bao phủ bởi nhiều bóng tối: bóng tối của lòng mình, của anh chị em, của đời sống cộng đoàn.

Chúa đang đón đợi mỗi người chúng ta trên từng chặng đường và từng biến cố lớn nhỏ, để làm sáng lên cuộc đời ta. Đức Bênêđictô XVI khẳng định rằng: “Trở thành Kitô hữu không phải là kết quả của sự lựa chọn đạo đức hoặc ý tưởng cao thượng, mà là cuộc gặp gỡ với một biến cố, một con người, đem lại cho đời sống mình một chân trời mới và một hướng đi quyết định” [8].

e. Đức Tin làm nên phép lạ (Lc 17, 5-10)

Hơn hai ngàn năm qua, Chúa Giêsu vẫn tiếp tục làm phép lạ cho những ai tin vào Ngài. Mỗi cuộc đời Kitô hữu là một phép lạ phi thường. Trong phép lạ lớn lao ấy còn hàm ẩn biết bao phép lạ khác nữa. Chúa Giêsu đã khẳng định với chúng ta: “Nếu anh em có lòng tin lớn bằng hạt cải, thì dù anh em có bảo cây dâu nầy: hãy bật rễ lên, xuống dưới biển kia mà mọc, nó cũng sẽ vâng lời anh em”.

Chúa Giêsu không muốn nói đức tin như một sức mạnh phù phép hay bùa chú để làm những chuyện dị thường. Nhưng Ngài muốn nói: đức tin là một động lực thúc đẩy chúng ta dám nghĩ và dám thực hiện những điều tốt lành mà bình thường không ai dám. Bởi vì người có đức tin thì hành động bằng quyền năng của Thiên Chúa ban, không dựa vào khả năng của mình. Chúa Giêsu đã quả quyết: “Thật, Thầy bảo thật anh em, ai tin vào Thầy, thì người đó cũng sẽ làm được những việc Thầy làm. Người đó còn làm những việc lớn hơn nữa, bởi vì Thầy đến cùng Chúa Cha” (Ga 14,12).

Chính nhờ đức tin thúc đẩy mà biết bao Kitô hữu đã sống cách anh hùng, cao vượt, dám hy sinh đời mình cho hòa bình và chính nghĩa, dám từ bỏ mọi sự để dấn thân phục vụ tha nhân trong những trại cùi, trại mồ côi, trại khuyết tật, trại AIDS, v.v. Đức tin được thể hiện và sống động bằng đức ái: trong sự phục vụ và làm tôi tớ cho mọi người một cách vô điều kiện. Với đức tin, người ta coi sự phục vụ mọi người như lẽ sống đời mình, đó là thái độ phục vụ vô kỷ, vô công, vô danh, vô cầu, vô lợi. Ta có làm được điều gì tốt lành thì đó là việc phải làm, là bổn phận phải thi hành, không có gì để vênh vang tự đắc. Đức tin không đòi hỏi điều gì khác hơn trong sự phục vụ, mà chỉ vì phúc lợi của tha nhân, vì tin rằng cũng là phục vụ chính Chúa. Phép lạ của lòng tin là thế, biến cuộc sống này nên tốt đẹp, bình an và hạnh phúc cho nhau.

Đức tin có một sức bật kỳ diệu. Nhà vật lý Archimède đã nói: “Nếu có thể tìm được một điểm tựa bên ngoài vũ trụ, thì với một đòn bẩy, người ta có thể nâng bổng cả vũ trụ lên”. Và văn hào Kierkegaard đã giải thích: “Điểm tựa ấy chính là đức tin”. Đức tin có thể biến đổi một xã hội mục nát, một thế giới đầy bất công, bạo lực, chia rẽ... thành một vương quốc của tình yêu huynh đệ, thành một “Trời Mới Đất Mới” trọn vẹn trong ngày cánh chung.

g. Đức Tin của lòng khiêm hạ (Mt 8, 5-11)

Đây là câu chuyện viên đại đội trưởng đến xin Chúa Giêsu chữa bệnh cho đầy tớ mình. Ông ngỏ lời điềm đạm, không dám thúc bách hay đòi hỏi Chúa. Ông chỉ trình bày tình trạng đau đớn của đầy tớ ông với tất cả lòng thương cảm. Chúa Giêsu nhận lời đi ngay, nhưng ông lại thưa: “Tôi chẳng đáng Ngài vào nhà tôi, nhưng xin Ngài chỉ nói một lời là đầy tớ tôi khỏi bệnh”.

Với tư cách là sĩ quan, ông có quyền lệnh cho lính đến mời Chúa Giêsu, thế nhưng ông lại thân hành đến với tâm tình và thái độ của kẻ thấp bé. Ông có quyền làm mà không làm, để rồi làm như một người không có quyền làm. Lòng tin nơi ông đã sinh một thái độ khiêm hạ đối với Chúa Giêsu, khiến ông đáng yêu quí hơn.

Lòng tin còn khiến ông nhìn Đức Giêsu là một Lang Y vượt trên mọi lang y khác, không cần chữa bằng thuốc men mà bằng thần lực của Ngài. Lòng tin đó không còn nằm trên bình diện tự nhiên nữa, nhưng là lòng tin siêu nhiên. Lòng tin đó là một ân ban, nhưng chắc chắn nó phải phát xuất từ một tâm hồn trong sáng, đầy yêu thương, không bị che lấp bởi thành kiến, đam mê, dục vọng, để có thể cảm nhận sâu xa về con người Giêsu. Chính nhờ đức tin mà ông vượt qua hàng rào kỳ thị và khinh bỉ của người Do Thái để đến với Chúa Giêsu. Họ khinh bỉ ông vì ông là dân ngoại, mà dân ngoại thì bị coi là ô uế, cả nơi ăn chốn ở. Hơn nữa, họ còn căm thù ông vì là quân xâm lược. Ông biết và chấp nhận điều đó, nên ông không dám để Chúa Giêsu đến nhà. Những điều đó đã làm Chúa Giêsu ngạc nhiên và lên tiếng: “Tôi không thấy một người Israel  nào có lòng tin như thế”.

Chúa Giêsu đề cao lòng tin, vì lòng tin hoàn mỹ hóa con người, làm sáng lên các đức tính khác. Sự nhã nhặn, yêu thương, kính trọng, khiêm tốn, hiền hòa nơi viên bách quản, chính là hoa trái của lòng tin nơi ông. Chính do lòng tin mà con người đạt tới ơn cứu độ. Đang khi đó thì người Do Thái tự hào cách sai lầm rằng, mình là dân ưu tuyển của Thiên Chúa, đương nhiên được cứu độ. Nhưng rồi Chúa Giêsu cho biết: “Từ phương đông phương tây, nhiều người sẽ đến dự tiệc cùng các tổ phụ Abraham, Isaac và Giacop trong Nước Trời. Nhưng con cái Nước Trời thì sẽ bị quăng ra chỗ tối tăm bên ngoài, ở đó người ta sẽ phải khóc lóc nghiến răng” (Mt 18,11-12). Đời sống ta cũng vậy, ơn gọi Kitô hữu hay tận hiến không làm ta trở nên công chính, nhưng là đức tin.   

h. Đức Tin bừng sáng (Mt 28, 8-15)

Sau khi được thiên thần báo tin Chúa Giêsu đã sống lại, các phụ nữ tuy sợ nhưng hớn hở vui mừng chạy về báo tin cho các môn đệ Chúa. Nhưng vui mừng hơn nữa khi Chúa Giêsu đón gặp các bà. Họ tiến lại ôm chân Chúa, bái lạy Ngài. Bao nhiêu sầu thương, lo âu và thất vọng của các bà giờ đây biến thành niềm hân hoan không thể tả được. Sự thật là các bà không dám nghĩ tới việc Chúa sống lại, và cũng đã quên Lời Chúa đã báo trước đó, có nhớ chăng cũng chẳng dám tin là như thế. Nỗi bi thương và tình cảm bi lụy đã lấn át lý trí và cả lòng tin.

Đó cũng là kinh nghiệm về lòng tin của ta khi gặp thử thách gian nan trong đời. Có những lúc ta gần như tuyệt vọng, thấy rằng tin vào Chúa cũng chẳng tới đâu, nhất là khi đứng trước ngôi mộ buồn của đời mình. Tiếc thay, Chúa vẫn cho những dấu chỉ mà ta không thấy, vẫn khơi lên niềm hy vọng mà ta không hay, vẫn âm thầm đón đợi mà ta không biết, vẫn nâng đỡ ta bằng mọi cách mà ta không nhận ra...

Nhiều khi ta chỉ lo quay quắt với những nỗi chua cay và buồn phiền của mình, đòi hỏi hoàn cảnh và sự việc phải diễn tiến theo ý mình, mà không hay rằng Chúa đang đem lại một sức sống mới cho mình. Sức sống mới đó đòi ta phải gột rửa lòng mình, phải thanh tẩy trí não của mình qua những thử thách và đau thương. Đức tin có thể lớn lên được không, ơn gọi có thể vững vàng và phát triển được không, nếu không qua những đau thương trong đời, kể cả những vấp ngã?

Niềm tin vào Đức Kitô Phục Sinh đã trở thành thực tại cho các môn đồ xưa, thì nay cũng trở thành hiện tại cho chúng ta. Chính từ đó mà ta mới nói tới sứ mạng hay sứ vụ loan báo Tin Mừng của người môn đệ Đức Kitô. Sứ vụ đó chính là kết quả của một lòng tin bất diệt, của một lòng yêu mến phi thường. Sứ vụ của Đấng Phục Sinh phải được tiếp tục, nghĩa là Tin Mừng cứu độ phải được loan báo cho anh em lương dân. Chính tại Galilê, các môn đệ mới hiểu trọn vẹn ý nghĩa mệnh lệnh của Chúa Giêsu: “Hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ”.

Đang khi các đồ đệ vui mừng vì sự sống mới đã bừng lên, thì đám lính canh lại rơi vào sự mê hoặc của bóng tối. Tiền bạc và lợi lộc lại phủ kín lòng người trước sự thật. Đừng quên rằng, hôm nay cũng như thời xưa, người ta luôn tìm cách trù dập chân lý, bưng bít chân lý, phủ nhận chân lý. Chân lý chẳng bao giờ bị dập tắt, nhưng điều hệ trọng là chúng ta phải góp phần thể hiện và loan truyền chân lý. Chẳng ai có thể trở thành Kitô hữu đích thực mà lại thiếu một bầu nhiệt huyết trở nên chứng nhân cho Tin Mừng.

4. Đức Maria - Mẹ của Đức Tin

Nhìn ngắm Đức Maria, ta nhận ra một sự vâng phục tuyệt diệu trong đức tin, vì có biết bao điều Mẹ chẳng hiểu gì:

Làm sao hiểu được khi một Đấng Cứu thế mà phải sinh ra trong nơi tồi tàn như thế? Là con Thiên Chúa mà phải trốn chui trốn nhủi dưới tay người đời vậy sao? Là Đấng đem lại sự sống mà lại sống quá nghèo nàn đến nỗi bị mọi người khinh khi coi thường vậy ư? Làm sao hiểu được khi Mẹ chứng kiến Chúa Giêsu bị chống báng, vu cáo, hành hình và tử nạn trên thập giá, nhất là khi Mẹ ôm lấy xác con mình? Thế thì những lời truyền tin từ giây phút đầu có nghĩa lý gì? Mẹ được gọi là Đấng đầy ơn phúc mà chẳng thấy phúc, chỉ thấy họa. Là người có Thiên Chúa ở cùng mà chỉ thấy khốn khó và đau thương. Được bà Isave tuyên xưng là Mẹ Thiên Chúa nhờ sự soi sáng của Thánh Thần, mà thực tế trước mắt người Do thái, Mẹ chỉ là mẹ một tên gian phi. Mẹ được ơn vô nhiễm và trọn đời đồng trinh, nhưng những hậu quả mẹ gánh chịu như là một người tội lỗi, vì đối với người đời, không có nhân thì sao lại có quả?

Dưới mắt nhân loại chúng ta có thể là như thế. Nhưng qua tất cả những điều đó mà ta thấy Đức Maria đã đạt tới đỉnh điểm của đời sống đức tin. Vì chỉ một lần thắc mắc, Mẹ không bao giờ thắc mắc nữa. Mẹ có suy đi nghĩ lại để tìm hiểu ý nghĩa của các biến cố, nhưng không hề nghi nan, nao núng. Mẹ đã xin vâng theo ý Chúa nên không bao giờ đặt lại vấn đề, dù trước mắt là bóng đêm của huyền nhiệm và những tình cảnh éo le mà không ai có thể lý giải được. Tuyệt vời thay! Mẹ đã hóa giải bằng đức tin sâu thẳm, bằng tình mến sâu xa.

Vì hoàn toàn tin tưởng vào Chúa, nên Mẹ hoàn toàn bình tâm giữa mọi thử thách. Không gì có thể ràng buộc Mẹ ngoài một mình Chúa là tự do của đời Mẹ. Vì hoàn toàn tin tưởng nên Mẹ hoàn toàn hạnh phúc, và được gọi là Đấng Toàn Phúc. Mẹ thật sự có buồn rầu (stabat Mater), nhưng không phải buồn rầu cho mình mà cho số kiếp tội nhân. Mẹ thật sự có đau lòng, nhưng không phải đau lòng cho mình, mà đau nỗi đau của Chúa Giêsu trước sự cố chấp của con người. Chúng ta hướng nhìn về Mẹ để sống đức tin vô giá của mình. Trong cuộc sống có những điều ta hiểu được, nhưng có biết bao điều ta không hiểu được, thậm chí có những cái vô lý, bất công và tàn bạo. Hiểu hay không hiểu thì điều chính yếu là luôn mở lòng để đón nhận Thánh Ý Chúa trong cuộc đời.

Chúng ta cũng hướng về Thánh Giuse, một con người chỉ biết hành động theo đức tin; luôn sẵn sàng sống chết cho ý định của Thiên Chúa. Điều cần nêu lên là: giữa Đức Maria thánh cả Giuse, tuy đức tin mỗi người mỗi vẻ, nhưng mười phân vẹn mười. Mỗi người theo vai trò và chức năng của mình, nhưng đức tin sống động của hai Đấng đều tuyệt mỹ. Cũng như hai Đấng, Chúa đang làm nên cuộc sống của ta trong từng biến cố theo dự định mầu nhiệm của Ngài. Điều cần là ta đừng để cho mình bị dính bén, bị trói buộc vào thú vui, tiền bạc, của cải, danh giá, quyền hành, chức tước... Trong đức tin, ta cứ phải buông bỏ không ngừng, để có thể đón nhận sự sống linh thiêng của Chúa đang trao ban cho ta qua từng thời khắc: “Chúng ta hãy cởi bỏ mọi gánh nặng và tội lỗi đang trói buộc mình, và hãy kiên trì chạy trong cuộc đua dành cho ta, mắt gắn chặt vào Ðức Giêsu là Ðấng khai mở và kiện toàn lòng tin chúng ta” (Dt 12,1-2).

Lm. Thái Nguyên


Tu Đức



[1] Bultmann, Rudof. Theological Dictionary of the New Testament, vol. 6, p. 203.

[2] Abbot-Smith, G. A Manual Lexicon of the Greek New Testament (Edinburg: T&T. Clark, 1937), p. 361-62.

[3] Ladd, Theology of the New Testament, p. 271-72.

[4] Từ vựng Tân Ước Hy văn, 1963, p. 660.

[5] Gioan Phaolô II, Thông điệp Redemptoris Missio, số 18.

[6] http://www.tinmung.net/THIENCHUA/SongDuoiConMatChua/Giatriductin.htm

[7] Sứ điệp chuẩn bị cho ngày Quốc Tế Giới Trẻ 2013.

[8] Đức Bênêđictô XVI, Thông điệp Deus Caritas Est, số 11.