THẬP GIÁ CHÚA GIÊSU TRƯỚC CÁI NHÌN CỦA CON NGƯỜI

 

     Chủ thuyết nhân bản

     Ngày nay con người rất sợ khi phải đề cập đến thập giá, vì thập giá tiêu biểu cho những đau thương khốn khổ mà ai cũng hết sức tránh né. Ai cũng khao khát an bình, hạnh phúc và tình yêu thương, nhưng không muốn có thập giá chen lẫn vào. Một tôn giáo không thập giá, đó cũng là bản chất của chủ thuyết nhân bản thế tục. Họ coi đức tin, ơn thánh và trật tự siêu nhiên là những cái vô bổ, trên thực tế chẳng có gì là quan trọng. Họ còn cho rằng ngay trên bình diện tự nhiên, con người có thể xây dựng một nền luân lý hoàn hảo mà không cần đến tôn giáo. Người ta có thể trở thành một Đấng Kitô mà không cần đến thập giá. Điều này làm ta nhớ đến nền nhân học của Mạnh Tử với chủ trương : “Nhân chi sơ tính bản thiện”. Những đức tính : Nhân, Lễ, Nghĩa, Trí, Tín cũng là bản tính tự nhiên của con người, tiềm tàng từ trước nơi lòng người. Từ khởi điểm, gọi là “đoan”. Từ đầu mối tốt lành đó, Mạnh Tử cho thấy ai cũng có thể trở thành thánh nhân, quân tử, nếu biết phát huy khởi đoan tính Thiện của mình.

     Tuân Tử thì chủ trương ngược lại : “Nhân chi sơ tính bản ác”, vì con người thường hành động theo theo dục vọng và bản năng mù quáng, “vị kỷ” chứ không “vị tha” như Mạnh Tử tin tưởng. Tuân Tử còn cho thấy chất của tínhtình; phản ứng hay biểu hiện của tình dục. Lập trường này lại đụng độ với chủ trương của Cáo Tử, và Mặc Tử. Cáo Tử cho rằng tính tự nhiên của người ta giống như nước, tùy địa thế, hoàn cảnh, mà chảy khắp ngã. Bản chất con người vốn trung tín, không thiện không ác. Mặc Tử cũng nói tính người y như nước, nhưng nó chỉ chảy xuống thấp, nghĩa là chỉ trở về một gốc thiện mà thôi. Nói chung, dù “Trời sinh” như thế nào đi nữa, thì đều có thể cải tạo con người bằng chế độ xã hội, bằng kỷ cương nhân tạo, bởi vì Đạo là đường của con người, chứ chẳng phải của Trời Đất nào khác.

     Một nhân bản thuyết khá hấp dẫn, cho thấy con người có thể tự cường, tự lực, tự cứu độ mình không cần tới một Đấng cao siêu nào khác. Đức Thích-Ca cũng đưa ra phương cách để thực hiện như thế. Nhưng rồi có chủ trương gì đi nữa thì tình trạng khốn khổ tệ rạc của nhân loại vẫn tiếp tục qua hàng ngàn năm nay, cho thấy không phải như vậy. Nhân loại không thể vắng bóng Thiên Chúa. Khi vắng bóng Thiên Chúa thì con người không còn là con người. Nó trở thành “nửa người, nửa ngợm, nửa đười ươi”. Khi coi Thiên Chúa chỉ là một con người thành toàn, thì con người trở thành một Thiên Chúa biến thái. Cũng vậy, khi nhân loại hóa Thiên Chúa là phi nhân hóa con người. Khi chối bỏ cái siêu nhiên nơi con người thì tính tự nhiên của con người cũng bị hủy hoại. 

     “Những kẻ qua đường”

     Điển hình cho những người theo chủ thuyết nhân bản ngày nay là “những kẻ qua đường” mà ngày xưa Kinh Thánh đã nói tới. Đối diện với thập giá Chúa Giêsu, họ đã lên tiếng : “Nếu ngươi thật là con Thiên Chúa, hãy xuống khỏi thập giá thử coi” (Mt 27-40). Đối với họ, thập giá là điều ô nhục, là sự dữ, là điều mà con người không thể chấp nhận và là điều mà Thiên Chúa quyền năng càng không thể dung túng. Dưới ánh mắt phàm nhân, thập giá không thể là một phương tiện cứu chữa và phục hồi nhân phẩm của con người, mà trái lại chỉ là dấu chỉ của sự oan khiên, phi nhân bản. Khi buông lời thách thức, họ cho thấy nếu thật sự Chúa Giêsu là con Thiên Chúa thì phải tách rời khỏi thập giá, tách rời khỏi sự hy sinh thấp kém để chứng minh một thế giá cao cả và quyền năng siêu vượt.

     Đau đớn thay, một phương thế tuyệt hảo mà Thiên Chúa đã chọn để biểu lộ tình yêu sâu thẳm của Ngài đối với con người thì lại trở nên cớ vấp phạm cho chính con người. Một mầu nhiệm cứu độ cao cả vượt sức tưởng tượng của con người thì nay lại trở thành trò cười của họ. Tiếc thay những kẻ qua đường không thấy rõ điều họ đang thấy, không hiểu biết điều họ đang biết, nên trở những kẻ bàng quan ngạo mạn. Trớ trêu thay, khi buông lời sỉ nhục một người đau khổ với thái độ cao ngạo đó, những người chủ trương đời sống nhân bản lại trở nên phi nhân bản nhất.  Lời lẽ họ thốt ra lại là điều tố cáo chính con người họ, là sự phơi trần con người thô thiển, trơ trọi rất đáng thương của mình qua con người Chúa Giêsu trên thập giá. Chính vì tội lỗi điên rồ của họ mà cần có một tình yêu điên rồ của Chúa Giêsu trên thập giá với tiếng thì thầm tha thiết : “Lạy Cha, xin tha cho chúng, vì chúng không biết việc chúng làm”.

     Thập giá : trung tâm của cuộc sáng tạo

     Ai cũng nói rằng Đạo phải là tình thương, nhưng người ta vẫn muốn thứ tình thương không thập giá. Còn Chúa, Ngài cho thấy điều đó không thể có được, vì tình thương có thể nào tha thứ được khi không thỏa mãn được sự công bình ? Tình thương có nghĩa là cứ để người tội lỗi tiếp tục phạm tội, hay có nghĩa là giải thoát người tội lỗi cho khỏi tội ? Loại trừ thập giá khỏi tình thương là biến tình thương thành hận thù. Trần gian không thập giá là trần gian đã tự biến thành thập giá. Chúa Giêsu đã ngã gục trên thập giá vì Ngài không muốn thôi yêu. Ngài chết vì xung đột với hận thù, và Ngài chịu đóng đinh vì đối nghịch với tội lỗi. Tình yêu không quyền lực tất bị tội lỗi vượt thắng, còn tình yêu có quyền lực thì thà chết chứ không chịu từ bỏ nghĩa khí.

     Thiên Chúa phải đau khổ bằng sự đau khổ của loài người, vì tình yêu đâu có còn là tình yêu khi không còn giá trị cho người mình yêu. Vì thế thập giá là vĩnh cửu, không ai có quyền và có khả năng dứt bỏ. Thập giá ở trung tâm của công cuộc sáng tạo và cứu chuộc. Thập giá đó là gốc rễ những thập giá nhỏ bé của chúng ta. Vì chúng ta nên đã có thập giá, và vì thập giá nên lại có chúng ta. Thập giá đưa Thiên Chúa đến cho chúng ta, và đưa chúng ta đến với Thiên Chúa. Người ta muốn Chúa Giêsu xuống khỏi thập giá, bởi vì thập giá như cái gai châm chích vào cơ chế an toàn do con người dựng nên, muốn bắt người ta phải ra khỏi sự bình an đã được thiết lập: một thứ bình an không có thập giá.  Hơn nữa, thập giá còn như một dấu chỉ buộc người ta phải ý thức về tội lỗi của mình, làm cho tâm hồn con người day dứt không ngơi.

     Một người không thể sống nhân bản mà thiếu thập giá, vì người đó một là thiên thần, hai là cầm thú, không thể là người suông được. Nếu người đó từ loài vật mà đến, thì không thể thoát ly khỏi loài vật; nếu người đó từ Thiên Chúa mà đến, thì người đó không thể từ bỏ tính cách nhân loại của mình, để trở thành con Chúa. Đó mới là chủ nghĩa nhân bản đích thực, vì đặt trên nền tảng là chính Thiên Chúa, và cùng đích của nhân bản cũng chính là Ngài. Nhân bản trước tiên không phải là vấn đề của con người, mà là của Thiên Chúa, đấng đã dựng nên con người giống hình ảnh Ngài. Mọi sứt mẻ trong đời sống làm người đều làm sứt mẻ tình yêu Thiên Chúa, Đấng đau khổ trong chính những đau khổ của con người do tội lỗi gây ra. Và bằng khổ hình thập giá, Chúa Giêsu muốn đánh đổi và cứu chuộc lại vẻ đẹp thiện hảo đã bị băng hoại nơi từng con người, đưa họ ra khỏi sự mê lầm của bình an giả tạo và vực thẳm tối tăm của sự chết. Vì thế, khi “những người qua đường” thách thức Chúa Giêsu xuống khỏi thập giá, không phải họ thách thức quyền năng Thiên Chúa cho bằng thách thức chính bản thân mình khi đứng trước vực thẳm. Tội đã làm cho con người trở nên ngu si, đần độn, u mê trước tình yêu cao cả của Thiên Chúa qua thập giá. Không có thập giá sẽ chẳng còn tội, cũng chẳng còn Thiên Chúa nào khác. Càng vươn lên cuộc sống cao thượng người ta càng phải chọn lấy khó khăn và đau khổ hơn là tiện nghi và dễ dãi. Thế nhưng người ta lại e dè sợ sệt chọn thập giá như hành động cao cả để biểu lộ tình yêu sâu thẳm, và cũng là một cách chọn lấy Thiên Chúa vĩnh cửu cho cuộc đời tạm bợ này.

     Bản thân tôi trong những người qua đường

     Thái độ của “những người qua đường” trước thập giá Chúa Giêsu, cũng mang tính cách con người của tôi, của chúng ta, trên con đường theo Chúa :

-          đó là thái độ lạnh nhạt, hờ hững, vô tâm, vô tình trước sự đau khổ của một con người mà ta cho đó là lầm lỗi của họ, nên họ xứng đáng phải chịu như vậy : một thái độ cố sát.

-          đó là những lời lẽ khích bác, phê phán, khinh thị, sỉ vả một con người trước một tình trạng mà ta chưa hiểu hết những hoàn cảnh bi đát và bất công xã hội đã đưa đẩy cuộc đời họ  : một xét đoán hàm hồ.

-          đó là cái nhìn chủ quan, thiên kiến, xu thời trước một biến cố đau thương, tạo nên bức màn che chắn mọi diễn biến của sự thật, để rồi chính mình cũng rơi vào sự tối tăm, mù quáng : một lối ứng xử nông nổi đầy cảm tính.

-          đó là những nhận định, phán đoán, đánh giá hoàn toàn phàm tục, mang tính triệt hạ trước một nghĩa cử cao vượt, do lòng ghen ghét, tranh chấp, hận thù mà ra : một tính cách hạ cấp.

-          đó là những suy tư thô thiển, hời hợt, nông cạn trước một thảm trạng rất tinh tế mà chỉ với kinh nghiệm từng trải trong đời sống thiêng liêng mới thấu cảm được : một biểu hiện non nớt, ấu trĩ.

     Lạy Chúa, có những điều cao cả ngay trước mắt mà con không thấy; có những điều tốt đẹp chung quanh mà con không hay; có những điều thiện hảo hằng ngày mà con không biết; có những biến cố đầy ý nghĩa sâu xa mà con không hiểu; có một tình yêu đầy sinh động đang tuôn tràn mà con không cảm thấu. Dường như lúc nào con cũng bị nặng lòng về những toan tính cho bản thân mình; bị cố định trong những kiểu cách của mình; bị ngập chìm trong công việc của mình; bị phong tỏa bởi lối suy nghĩ  thiển cận và lý lẽ thiên kiến của mình; bị giam hãm trong các thói quen máy móc và tập tục cổ hủ của mình; bị bế tắc trong những ham muốn riêng tư và khuynh hướng đam mê của mình, nên mọi cái đều dễ trở nên phàm tục dưới cái nhìn của con, và rồi ngay cả những khi đối diện với thập giá Chúa, nguồn ơn cứu độ, con cũng dễ trở thành kẻ vô cảm. Thiếu cảm ứng trước thập giá Chúa nên con cũng dễ mất cảm ứng trước mọi tương quan, tiếp xúc, mà Chúa dành cho để phong phú hóa cuộc đời mình. Xin Chúa giải thoát con khỏi những cái mà con tự ràng buộc mình; thoát khỏi thập giá mà con tự dựng nên cho mình, để yêu lấy thập giá Chúa muốn trao ban. Xin khơi rộng tâm trí con trước thập giá Chúa để con có thể đón nhận một luồng sinh khí mới, một sự sống mới từ thập già Chúa tuôn tràn. Amen.

Lm Thái Nguyên


Mục Lục Sống Ơn Gọi Kytô Hữu