ĐAU KHỔ VÀ SỰ CHẾT

DƯỚI ÁNH SÁNG KINH NGHIỆM CỦA ĐỨC GIÊSU

 

      

I. ĐAU KHỔ VÀ SỰ CHẾT CỦA ĐỨC GIÊSU

       Kinh nghiệm của Đức Giêsu về đau khổ và sự chết là ánh sáng soi chiếu cho cuộc sống đức tin, củng cố lòng cậy trông, và làm sâu rộng tình yêu mến của chúng ta giữa những trăn trở và phức tạp của đời nhân thế. Kinh nghiệm đó mời gọi ta thanh luyện lòng trí và tính cách của mình trong mọi tình huống để biểu hiện một cuộc sống “thần linh” trong vai trò và sứ mạng như Chúa muốn. 

1. Vì trung tín với Chúa Cha

       Qua Tin Mừng, ta biết được tất cả cuộc đời của Đức Giêsu, sứ điệp và hoạt động của Ngài đều qui hướng về Thiên Chúa, nguồn tình yêu cứu độ. Đức Giêsu đã thấy rằng việc phụng sự Thiên Chúa có thể đưa Ngài tới sự chết, và cái chết đó là phần kết thúc “logic” của những cuộc đối kháng do việc thi hành sứ mạng của Ngài tạo nên. Khuôn mặt Thiên Chúa mà Ngài giới thiệu làm khuynh đảo nhiều cấu trúc và tập tục, làm chao đảo nhiều quan niệm và đường lối thần học. Các thức Ngài sống, ngôn từ Ngài dùng, nội dung Ngài rao giảng, tâm tình Ngài thực hiện công việc... đều làm cho mọi người bỡ ngỡ, có khi kinh ngạc.

       Trước sự đe dọa mạng sống của mình, Đức Giêsu đã không thinh lặng. Thánh Luca viết : “Cũng vào giờ ấy, có mấy người Pha-ri-sêu đến thưa Đức Giê-su rằng: "Xin ông đi ra khỏi đây, vì vua Hê-rô-đê đang muốn giết ông! ". Người bảo họ: "Các ông hãy đi nói với con cáo ấy thế này: "Hôm nay và ngày mai tôi trừ quỷ và chữa lành bệnh tật, ngày thứ ba tôi hoàn tất. Tuy nhiên, hôm nay, ngày mai và ngày mốt, tôi phải tiếp tục đi, vì một ngôn sứ mà chết ngoài thành Giê-ru-sa-lem thì không được” (Lc 13, 32-33). Câu nói này cho thấy Chúa Giêsu ý thức rõ ràng về sự nguy hiểm, nhưng đồng thời Ngài quyết tâm thi hành sứ mạng cho đến cùng. Nếu vì cuộc sống cho Thiên Chúa mà đưa Ngài tới chỗ chết, thì Ngài sẽ chết cho Thiên Chúa.

       Sau này, khi Ngài sống lại, mắt các môn đệ mở ra (Lc 24, 31) : các ông mới hiểu được ý nghĩa sự dấn thân của Ngài. Họ sẽ dùng tiếng “vâng phục” để diễn tả sự trung tín của Ngài cho đến cùng đối với Chúa Cha và đối với sứ mạng. Chính ở mức độ đó mà người ta sẽ tuyên xưng Ngài là Con Một của Thiên Chúa, Đấng mà Ngài gọi là “Abba” : một tương quan Cha-Con độc nhất vô nhị. Sự trung tín tuyệt đối của Ngài đã biểu hiện một thái độ hiện sinh và cụ thể, đó là thái độ tuân phục của Con đối với Cha (Dt 5, 8).

       Tính cách của Chúa Giêsu đặt lại nhiều vấn đề trong cuộc sống của mỗi người chúng ta hôm nay về cách thế hiện diện và làm việc của mình ở giữa gia đình, cộng đoàn, xã hội... trước những khuôn khổ, định chế, quan niệm, và nhiều ý thức hệ khác nhau. Không phải để làm nên sự khác biệt, trổi vượt cho một nhiệm vụ hay chức năng của mình, nhưng là để cho sự thật, công lý và tình thương được lên tiếng. Điều đáng sợ nhất là một sự hiện diện đầy tràn chính mình, và công việc chỉ còn là sự biểu lộ chính mình, chứ không còn là sự trung tín với niềm tin, không còn là sự hy sinh chính mình, hay quan điểm và tiêu chuẩn của công đoàn mình để thiên ý được hoàn thành. Điều càng làm cho chúng ta ý thức hơn về tính cách hệ trọng của đời sống mình, đó là vì “Mọi hành vi đều đem lại sự cứu rỗi hay sa ngã. Mỗi khoảnh khắc nối tiếp trôi qua, nhưng phần vĩnh cửu trong mỗi khoảnh khắc vẫn tồn tại” (P. Sertillanges).

2. Vì liên đới với các tội nhân

       Bằng cách sống cũng như bằng lời rao giảng, Đức Giêsu cho thấy rằng Thiên Chúa, Đấng sắp đến cứu độ sẽ không loại bỏ một ai; chính Thiên Chúa đang đi tìm kiếm những người tội lỗi với tấm lòng đầy nhân ái. Dù vậy, nhưng lại chính tội lỗi của loài người đưa Ngài đến cái chết : “... Này Con Người bị nộp vào tay phường tội lỗi” (Mc 14, 41).

       Ngài đã rao giảng rằng cốt lõi của lề luật là yêu mến, yêu mến đến cả kẻ thù. Bởi thế, tội lỗi không nhất thiết là điều xúc phạm đến lề luật. Tội là tất cả những gì, cách này hay cách khác, ngăn cản người ta yêu mến. Tội xảy đến không phải chỉ khi có sát phạt hay làm hại lẫn nhau, nhưng là khi lòng con người không thể yêu mến đích thực, vì sự gian dối và tính ghen tương; vì sự nghi ngờ và thói hờn giận, vì sự hèn nhát và nỗi sợ hãi; vì lòng kiêu căng và thái độ cố chấp... (Mt 5, 21-26). Các thứ tội lỗi ấy thuộc mọi thời đại và mọi nơi. Đức Giêsu đã trở thành nạn nhân của ngần ấy thứ tội. Nhưng rồi Ngài đã đến là vì các tội nhân, nên sự chết của Ngài nằm trong “logic” sứ điệp của Ngài. Chính vì vậy mà ơn tha thứ được trao ban một cách nhưng không.

       Khi Đức Giêsu đã thắng vượt được chướng ngại thập giá, người ta mới hiểu được Ngài chính là Người Tôi Tớ Giavê mà sứ ngôn Iasia đã loan báo : “...Tội lỗi chúng ta, chính Người đã mang vào thân thể mà đưa lên cây thập giá”(1Pr 2, 22-24).

       Nhiều khi ta quên mình là tội nhân, nên thiếu cảm nhận sâu xa của một con người được ơn tha thứ. Điều đó làm trái tim ta vẫn chai cứng vì không cảm nghiệm được tình yêu. Vì vậy, không những ta lạnh lùng vô tâm đối với những tình cảnh ngặt nghèo của người khác, mà còn ngang nhiên cho mình có quyền công kích, phê phán, đàm tiếu về những lỗi lầm của anh chị em mình. Thiếu ý thức trách nhiệm trong tình liên đới, nên ta dễ có những hành vi phủ nhận, loại trừ. Đó mới thật sự là hành vi tội lỗi sâu xa, vì bản chất của tội là phân rẽ, là ly gián và phân tán. Không những mang tính cách liên đới trong số phận với người tội lỗi, mà còn hơn nữa là vì sự hiệp nhất theo kế hoạch cứu rỗi của Thiên Chúa, đáng lẽ ta không chỉ cảm thông, chia sẻ, mà còn biết gánh lấy những đau khổ và lỡ lầm của họ trong đời mình, bằng cách đón nhận thân phận họ như chính thân phận mình. Kinh nghiệm thần hóa của Đức Giêsu dạy ta cần phải biết sống cuộc đời mình trong thân phận của người khác, và sống thân phận của người khác bằng chính tình yêu của mình. Chỉ khi có tình yêu chân thật, người ta mới có sức mạnh đảm đương tất cả, hy vọng tất cả, chịu đựng tất cả. Đó là đường nẻo mà Chúa cần đến từ cõi lòng của chúng ta để hiệp nhất mọi người trong ơn cứu độ.

3. Vì liên đới với người nghèo

       Đức Giêsu đã công bố là Nước Thiên Chúa được dành ưu tiên cho những người nghèo, những người bé mọn, những người bị bỏ rơi, bị quên lãng và khinh thường, những người không có quyền lợi và không được ai bênh đỡ. Đức Giêsu muốn đồng hóa với lớp người ấy, khi chấp nhận cái chết của kẻ hèn mọn nhất trong họ. Khi chịu đóng đinh, hình phạt dành riêng cho những kẻ nô lệ thôi, Đức Giêsu đã chết phù hợp với quan niệm của Ngài về Thiên Chúa : Sau khi đã ưu ái những người nghèo, những người bị bỏ rơi khinh dễ thì chính Ngài đã nhận lấy cái chết của họ (Pl 2, 7). Các Kitô hữu tiên khởi đã nhận ra tình liên đới của Thiên Chúa với nỗi thống khổ của những người bị hành hạ do lòng độc ác và tàn bạo của những người anh em đồng loại.

       Theo tinh thần của Đức Giêsu, Giáo hội cũng xưng mình là Giáo hội của người nghèo, và cũng đã thực hiện nhiều hoạt động đa dạng trên tầm mức vĩ mô ưu tiên cho người nghèo. Chúng ta ưu tiên cho người nghèo không có nghĩa là làm cho họ trở thành một giai cấp khác, nhưng trước tiên là nhìn thế giới, xã hội, con người, từ vị trí của người nghèo : nhìn từ hoàn cảnh và những nhu cầu của họ; từ những suy nghĩ, thao thức và đóng góp của họ, tuy hạn chế nhưng có giá trị thăng tiến cho chính bản thân họ để xây dựng một xã hội công bằng hơn. Người nghèo phải là nền tảng cho những suy nghĩ, những lượng giá và những quyết định của chúng ta.

       Ưu tiên cho người nghèo không phải chỉ lo cho họ có cơm ăn áo mặc, chỗ ở, công việc, học hành... nhưng căn bản là cho họ được hưởng sự công bằng, và đặc biệt là nâng cao đời sống nhân phẩm của họ. Nhờ ở bên cạnh người nghèo, chúng ta thực sự cảm nghiệm được sức nặng của sự thiếu thốn, của sự bất công xã hội, sự bất lực, bất an, bất trắc, và nhờ đó ta mới sống tình liên đới sâu xa với họ trong thân phận người nghèo như Đức Giêsu đã sống.

       Điều nguy hiểm và đáng sợ là chúng ta có cách sống và cách suy nghĩ của người giàu, cách hành động của những kẻ có quyền bính. Chính vì những kiểu cách đó, mà chúng ta không thể phủ nhận thực tế rằng, ngay trong lòng Giáo hội, Giáo phận, Giáo xứ, hay trong các cộng đoàn tu trì... vẫn có nhiều tiếng rên la của những người bị áp bức dưới nhiều hình thức; vẫn có những người bị khinh rẻ, bị kỳ thị, bị đối xử bất công. Họ là những người thấp cổ bé họng, là những người tài hèn, đức mọn, trí kém; họ nghèo bên ngoài lẫn bên trong, nghèo hiểu biết, có khi nghèo cả về tình nghĩa, lương tri, và nhân cách. Nhưng họ lại là hiện thân rõ nét nhất của Đức Giêsu (Mt 25, 40), họ là đối tượng ưu tiên của lòng thương xót Chúa. Không sống liên đới với họ bằng tất cả lòng yêu thương và kính trọng là một cách thức ngăn chặn hoặc hủy hoại lòng thương xót Chúa trên cuộc đời chúng ta.

II. ĐAU KHỔ VÀ SỰ CHẾT CỦA CHÚNG TA

1. Không chủ trương tìm kiếm sự đau khổ

       Đức Giêsu chấp nhận đau khổ và sự chết, nhưng không có nghĩa là Ngài tìm kiếm sự đau khổ cho mình. Sở dĩ Ngài chịu như thế là vì việc phục vụ Nước Thiên Chúa đã đưa Ngài đến chỗ đó. Hoạt cảnh trong vườn Ghêtsêmani cho thấy Chúa Giêsu xem cuộc khổ nạn sắp xảy đến như một sự dữ mà Ngài muốn tránh, nhưng vì vâng phục tự hạ để nói lên lòng trung tín với Thiên Chúa và lòng yêu thương con người, nên Ngài muốn đón nhận tất cả. Như vậy, không phải chính sự đau khổ tự nó có giá trị và được Thiên Chúa ưng thuận, nhưng là cách thức Đức Giêsu đau khổ. Cũng vậy, vì sự đau khổ xảy đến cho chúng ta, nên chúng ta muốn đau khổ với Chúa để được hiển trị với Ngài. Sự đau khổ không phải là một lý tưởng luân lý của Kitô giáo. Cái chính yếu nằm ở chỗ khác, như Thánh Phaolô đã nói : “Giả như tôi nộp cả thân xác tôi để chịu thiêu đốt, mà không có đức mến, thì chẳng có ích gì cho tôi” (1Cor 13, 36).   

2. Không chủ trương cam chịu

       Nếu chịu đựng nghĩa là chấp nhận, vì không thể làm cách nào khác, và vì sự phản loạn chẳng đưa tới đâu, thì rõ ràng thái độ của Đức Giêsu không phải thế. Đức Giêsu không chịu đựng cái chết của Ngài, nhưng Ngài chấp nhận một cách tự do. Ngài có thể tránh được cái chết đó, nếu ngài thinh lặng và rút lui. Sự vâng phục của Đức Giêsu không nằm ở chỗ chịu đựng một cách thụ động các biến cố nối tiếp nhau để rồi đưa Ngài đến sự chết một cách tàn nhẫn. Trái lại sự vâng phục của Ngài nằm ở chỗ không từ bỏ một sứ mạng khó khăn, đòi hỏi nhiều nghị lực và nguy hiểm, không được ai am hiểu : đó là điều đi ngược lại với sự thụ động hay là sự chạy trốn vô trách nhiệm trước định mạng hay trước dòng biến cố.

3. Không lẫn trốn

       Đức Giêsu không làm người nửa vời, Ngài không muốn chỉ nếm qua thực chất con người và định mạng của nó (Pl 2, 7), nhưng đã đảm nhận tất cả thực trạng của cuộc sống làm người, kể cả kinh nghiệm thất bại và chua cay, đổ vỡ và tang thương, đau khổ và sự chết. Bởi thế, thái độ Kitô hữu trước sự đau khổ không phải là kiêu hãnh và lạnh lùng như các triết gia khắc kỷ, cũng không phải “đào vi là thượng sách”. Nếu phải đối diện với sự dữ và đau khổ, ta không thể lãng qua, hoặc làm như thể không có gì. Có những tình thế buộc ta phải đối đầu, không thể miễn chuẩn để cho mình được yên thân an vị. Hơn nữa, ta biết rằng, sự dữ hay đau khổ có thể trở thành chốn ân sủng cho ta, đó thật là điều kỳ lạ, như Thánh Phêrô đã nói : “Nếu làm việc lành và phải khổ mà anh em vẫn kiên tâm chịu đựng, đó là ơn Thiên Chúa ban. Thật vậy, Đức Kitô đã chịu đau khổ vì anh em, để lại một gương mẫu cho anh em dõi bước theo Người” (1Pr 2, 21).

4. Không có lời giải thích

       Trước đau khổ và sự dữ, người Kitô hữu cũng không giỏi dang hơn những người khác. Kinh nghiệm của Đức Giêsu không mang lại một lời giải đáp nào trên bình diện lý thuyết. Trong Đức Giêsu, Thiên Chúa đã đến, không phải để mang tới một lời giải thích nhưng một sự hiện diện. “Con Thiên Chúa đến không phải để tiêu diệt sự đau khổ, nhưng để đau khổ với chúng ta. Người đến không phải để loại bỏ cậy Thập giá, nhưng để nằm lên đó” (P. Claudel).

       Chúng ta không có câu trả lời cho vấn nạn tại sao có đau khổ. Điều chúng ta biết là Đức Giêsu đã đi qua lối đó : Ngài đã sống sự đau khổ, Ngài đã tạo cho nó một ý nghĩa, bằng cách chấp nhận nó vì kẻ khác, trong tinh thần phục vụ và liên đới đối với Thiên Chúa và đối với loài người. “... Chính vì thế Thiên Chúa đã siêu tôn Người, và tặng ban danh hiệu trổi vượt trên muôn ngàn danh hiệu...mọi loài phải mở miệng tuyên xưng rằng Đức Giêsu là Chúa” (Pl 2, 9—11).

Lm Thái Nguyên


Mục Lục Sống Ơn Gọi Kytô Hữu