GIÁO DỤC

CON NGƯỜI TOÀN DIỆN

 

 

Không có kế hoạch nào lớn lao, quan trọng và cao quí cho bằng kế hoạch trồng người. Quản Tử đã nói lên ý nghĩa đó như sau: “Nhất niên chi kế mạc như thọ cốc; thập niên chi kế mạc như thọ mộc; chung thân chi kế mạc như thọ nhân” : Kế hoạch một năm không gì bằng trồng lúa; kế hoạch mười năm không gì bằng trồng cây; kế hoạch trọn đời không gì bằng trồng người.

Thư chung của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam 2007 về đề tài Giáo dục là lời cảnh báo cách riêng cho vấn đề giáo dục Kitô giáo, nhưng đó cũng còn là tiếng chuông cảnh tỉnh mọi người về việc giáo dục trong xã hội Việt Nam hiện thời. Đó là điều mà mỗi người chúng ta cùng suy tư và nhìn lại những cách thức và phương hướng mình đã được giáo dục, cũng như hiện đang là người giáo dục một cách nào đó dưới nhiều hình thức. 

1. Vài định nghĩa

Giáo dục, đào tạo, huấn luyện, đều là những từ ngữ nhằm vào việc làm tăng triển, mở rộng và nâng cao toàn bộ đời sống con người về thể chất, tri thức và tâm linh. Có vài định nghĩa trong các Tự Điển Việt Nam như sau:

Giáo dục là “nhằm truyền thụ những tri thức và kinh nghiệm, rèn luyện kỹ năng và lối sống, bồi dưỡng tư tưởng và đạo đức cần thiết cho đối tượng, giúp hình thành và phát triển năng lực, phẩm chất, nhân cách phù hợp với mục đích, mục tiêu chuẩn bị cho đối tượng tham gia lao động sản xuất và đời sống xã hội ”[1].

Đào tạo là “quá trình chuyển giao có hệ thống, có phương pháp về những kinh nghiệm, những tri thức, những kỹ năng... đồng thời bồi dưỡng những phẩm chất đạo đức cần thiết và chuẩn bị tâm thế cho người học đi vào cuộc sống lao động tự lập, góp phần xây dựng và bảo vệ đất nước... Ngày nay, đào tạo... đang dần tiến tới hợp tác song phương với người học để giúp họ chủ động, tích cực, tự giác chiếm lĩnh lấy tri thức, tự trang bị hành trang nghề nghiệp, chuyên môn”[2].

Huấn luyện, nói chung là giảng dạy, hướng dẫn luyện tập, hay chế tạo, nắn đúc, gầy dựng nên[3].

Mỗi định nghĩa đều liên quan và bổ túc cho nhau trong việc giáo dục, nhưng chưa thể là toàn bích khi xét về tính toàn diện của đời sống làm người. Điều quan trọng là cho ta thấy được đường hướng và vai trò của giáo dục, là nhằm giúp cho từng người phát huy hết mức khả năng thiên phú của mình, với tính cách đạo đức, nhằm góp phần lợi ích tối đa cho xã hội loài người.

Khi định nghĩa về giáo dục, Tự Điển Larousse cho thấy, đó là hoạt động đào tạo, huấn luyện về tri thức song song với việc thực hành đạo đức[4].

Thiết tưởng điều quan trọng trước tiên, việc giáo dục phải giúp mỗi người nhận ra sự hiện diện cao quí của họ trong cuộc sống này. Điều làm nên họ không phải là những thành tích, thành tựu, hay những công trình bên ngoài, mà chính họ mới là sự thành tựu và công trình sáng giá nhất, nghĩa là trở thành điều mà họ phải trở thành. Từ đó họ mới quí trọng việc giáo dục từ mọi phía, và coi đó là điều thiết yếu để làm nên cuộc sống chân thực của mình. Chính họ phải trở nên một công trình riêng biệt, độc đáo, góp phần vào đời sống nhân loại, nhưng vẫn nằm trong mối tương tác và hòa hợp chung, không chỉ giữa con người với nhau, mà còn đồng thời với Trời, đất, vạn vật. Chính trong tương quan bao hàm đó mà người ta thấy được ý nghĩa sâu xa của đời mình một cách thực tiễn và thiêng liêng. Nhờ đó, việc giáo dục giúp họ đáp ứng cũng như hoàn thành một định hướng siêu việt về chính mình. Đó cũng chính là sứ mệnh cao cả của mỗi con người được sinh ra trong cuộc sống này.

Nhờ giáo dục, con người hấp thụ những tinh hoa của nhân loại cho bản thân mình, và rồi tiếp tục sáng tạo làm thăng tiến bản thân, nhờ khả năng suy luận, phân tích và tổng hợp, dựa trên nền tảng của những điều mình đã tiếp thu, đã rèn luyện, để trở thành con người tiến bộ: một sự tiến bộ đúng nghĩa, quân bình, toàn diện trong mọi chiều kích của đời sống làm người: thể chất – tri thức – tinh thần - tâm linh. Các yếu tố đó liên kết hỗ tương làm một với nhau không thể tách rời, làm thành toàn bộ thống nhất và duy nhất của đời sống con người. Chủ trương giáo dục nào chỉ quan tâm đến sự thành toàn về một hai phương diện nào đó thôi, đều là cắt xén, làm hư hại, hoặc hủy hoại một phần sự sống của con người. Những hình thức như thế đều là phản tiến bộ.

2. Nhìn vào thực tế.

Thực tế, cuộc sống hôm nay cho thấy phần lớn sinh viên – học sinh đều học hành với tính cách “đối phó”, hoặc chỉ lo cho mình có nhiều kiến thức, nhiều khả năng, nhưng không đi đôi với việc đào luyện tâm hồn và nhân cách của mình. Chính vì vậy, nhiều bạn bất chấp mọi “mánh mung” và gian dối để được mảnh bằng. Nhiều bạn trẻ chỉ quan tâm đến bề ngoài, chạy theo đủ mọi thứ “mốt”. Có nhiều bạn không chỉ chạy theo bất cứ mốt thời trang nào, mà còn chạy theo những mốt ăn chơi liều mạng, trác táng, kể cả những kiểu yêu cuồng sống vội, làm nên một cuộc sống thác loạn, gây tan tác cho bản thân, gia đình và xã hội. Còn phần đông những người lớn chỉ lao đầu vào cuộc sống kinh tế, và hầu như chỉ lo thăng tiến về thể chất và khả năng nghề nghiệp, để đạt tới lợi lộc và danh vọng càng cao càng tốt, coi đó như một bảo đảm hay đích điểm của đời sống hạnh phúc.

Tất cả những điều nói trên phải chăng là một phần lớn hậu quả của một lề lối giáo một chiều, “duy vật”, “duy thực dụng”, chỉ quan tâm đến lợi nhuận, hiệu năng và kinh tế, chỉ lo “bề mặt” mà mất đi “bề trong”. Tình trạng lệch lạc này làm hụt hẩng đời sống nội tâm, khiến mất tính cách đạo đức và phương hướng trong mọi hoạt động, là nguyên nhân tạo nên xáo trộn và hỗn loạn trong đời sống cá nhân, cũng như gây ra nhiều tiêu cực và tệ đoan trong xã hội.

Thật ra trong xã hội hôm nay, người ta vẫn luôn đặt ra vấn đề đạo đức, vẫn rêu rao đòi nêu cao phẩm chất đạo đức. Nhưng là “đạo đức” gì? Đạo đức như thế nào? Nội dung và ý nghĩa của từ ngữ đó ra sao và có đầy đủ không? Dựa trên nền tảng nào để nói hai chữ “đạo đức”? Phải chăng có nhiều thứ đạo đức, mỗi thứ đạo đức lại được quyết đoán theo một ý hệ, theo một chủ nghĩa, theo điều kiện và nhu cầu của thời đại. Nếu thế, sợ rằng “đạo đức” lại trở thành “đứt đạo”.

Cũng như sự mất thăng bằng trong cán cân mậu dịch tạo nên khủng hoảng kinh tế thị trường, thì sự mất quân bình trong cuộc sống đạo đức của con người cũng gây ra những khủng hoảng tinh thần như vậy. Những hậu quả kinh tế bên ngoài dù sao cũng dễ chấn chỉnh, khôi phục và tái tạo, nhưng những hậu quả tinh thần thường để lại những vết rạn nứt hay suy sụp sâu nặng, có khi suốt đời vẫn không thể sửa chữa, bồi đắp hay phục hồi.

Nhưng rồi trong đường hướng giáo dục ngược lại cũng đem đến những tai hại nhất thiết. Nếu chỉ quan tâm giáo dục về mặt thiêng liêng, đạo đức, mà thiếu đào tạo về mặt nhân bản, trí thức, thể chất, thì lại tạo nên những con người ngây ngô, lạc lỏng, mơ hồ, sống trong tưởng tượng chứ không sống trong thực tế, như thể người của một thế giới khác. Không hòa nhập với cuộc sống xã hội đang vươn lên từ mọi phương diện thì khác nào tự loại trừ mình khỏi thế giới loài người.

3. Con người vừa là đối tượng vừa là chủ thể của giáo dục  

       Đường hướng giáo dục nào cũng phải để cho những người được giáo dục có cơ hội và điều kiện để thể hiện chính mình. Mọi hình thức áp đặt, nhồi nhét, nắn đúc, thúc ép, rập khuôn, đều là xúc phạm và gây tai hại, làm mất đi tính cách giáo dục. Vai trò của người giáo dục là giúp họ trở nên chính họ, chứ không trở nên giống mình. Không ai được quyền ép buộc người khác trở nên một loại người hay một kiểu người theo một thứ khuôn thước đã định sẵn, cho dù là cha mẹ. Chính vì thế mà R. Tagore đã xác định: “Mục đích của giáo dục là dạy cho con người biết quan cảm cái chân lý trong sự nhất trí hoàn toàn của nó”.

       Trách nhiệm của những người giáo dục là giáo huấn, dạy dỗ, chỉ bảo, nhưng bằng phương cách trình bày, hướng dẫn, chỉ đường, chứ không bó buộc hay quyết định thay cho người thụ huấn. Điểm hay của người thầy là biết khơi dậy những khả năng tiềm ẩn đa dạng của mỗi người, đồng thời hỗ trợ và bổ túc những điều cần thiết, gợi ý những sáng kiến và đưa ra những phương pháp, cách thức, để mỗi người tự do lựa chọn và điều chỉnh cho phù hợp với khả năng và tính cách của mình. Eward Gibbon cho thấy rằng: “Mọi người đều hấp thụ được hai thứ giáo dục: một thứ do người khác tạo ra, còn một thứ quan trọng hơn nhiều là do chính mình tự tạo cho mình”.

       Thật vậy, kết quả giáo dục, cuối cùng cũng là tùy thuộc ở người thụ huấn, là người giữ vai trò chính yếu trong việc ý thức chủ động và tích cực rèn luyện bản thân mình. Coi thường nguyên tắc tự đào luyện là phá ngầm tính kiên trì mai sau của mình. Thiếu nó, việc giáo dục trở thành mảnh đất hoang, hay giống như lò ấp trứng. Còn lò thì trứng còn tốt, ra khỏi lò chẳng biết ra sao. Việc giáo dục của gia đình hay học đường như lò ấp trứng là một hình thức giả tạo, trong đó đương sự sống, làm việc, học hành một cách chiếu lệ, trôi nổi theo dòng nước chảy. Một con người như thế khi vào đời sẽ bị chìm ngập trong những biến động. Để cho mọi cái dễ dàng lôi cuốn mình, thì mình không còn là mình nữa. Bởi vậy, “Giáo dục một người là đào luyện họ có thể đối đầu với mọi hoàn cảnh” (Ch. Rivet).                               

       Vì thế, mọi công cuộc đào tạo hay giáo dục, cuối cùng là tự đào tạo, tự giáo dục từ những gì mình đã được khai mở. Mỗi người là một cá vị độc nhất, hoàn toàn có tự do và trách nhiệm về cuộc đời mình, không thể dựa dẫm hay nại vào người khác, nhưng biết khai sáng cho mình một lối đi, một tâm thế, một phương cách thích hợp để phát huy mọi tiềm lực và khả năng của mình cho một cuộc sống đầy ý nghĩa.

4. Bản thân con người - trọng tâm của giáo dục

       Vấn đề học hành ngày nay, phần nhiều người ta chỉ lo nhồi nhét cho thật nhiều kiến thức, nhắm vào bằng cấp, vào chức vụ và thành thục chuyên môn, chứ không nhằm vào con người. Tiếc thay mảnh bằng không phải là con người, và con người không phải là mảnh bằng. Sự nhập nhằng này khiến người ta ảo tưởng về mình, tạo nên biết bao sai lầm và tai hại. Khi việc giáo dục xa rời với trọng tâm là con người thì không còn là giáo dục nữa, không còn tạo nên “người thật” nữa, mà là bào chế ra những “người máy”, để càng ngày càng đạt mục tiêu cao hơn về chất lượng sản phẩm và năng suất lao động.

       Mọi sự tốt đẹp đều triển nở từ đời sống tinh thần. Khi tinh thần đã trở nên nô lệ cho vật chất thì con người bị tha hóa. Mọi sự bắt đầu từ bên trong, khi bên trong bị manh động thì mọi cái bên ngoài trở nên hỗn loạn. Cuộc sống con người cao đẹp từ chính đời sống tinh thần của họ, nghĩa là trong chính tâm thế và phẩm cách của họ. Giá trị của một con người được xác định chính yếu từ đó. Mọi cái khác như tài năng, chức vụ, chuyên môn, thế giá xã hội chỉ là phụ thuộc.

       Lịch sử cho thấy thế giới đầy những con người tài trí, nhưng tài trí ấy không nằm trong những tâm hồn cao đẹp thì sẽ phát sinh những Hitler của thời đại mới. Bởi vậy, giáo dục quan trọng nhất vẫn là nhằm đào luyện tâm hồn con người, là khơi lên chân lý của sự sống đích thật đang tiềm ẩn nơi họ. Trong ý nghĩa đó Galileo đã phát biểu mạnh mẽ rằng: “Anh không thể dạy một ai cái gì cả, anh chỉ có thể giúp họ tìm thấy điều ấy ở trong họ mà thôi”.

       Sự góp phần lớn lao nhất cho đời sống nhân loại không phải là những công trình thế kỷ được xây dựng bằng bê-tông cốt thép, hay những phát minh khoa học lớn lao, mà chủ yếu là từ một đời sống thiện hảo của một con người. Những công trình tiến bộ đều có hai mặt của nó, có nhiều khi mặt tiêu cực và tính hủy diệt còn nhiều hơn bội phần về mặt tích cực và xây dựng. Không thể căn cứ vào đó mà xác định về sự văn minh tiến bộ đích thực. Tiến bộ rất cần thiết cho đời sống con người, nhưng phải được làm nên từ những con người thiện hảo. Phải là những con người thiện hảo mới thực sự đem lại lợi ích chân chính, bình an và hạnh phúc cho nhân loại.

       Muốn thế, phải có sự góp phần lớn lao từ các tôn giáo. Xã hội nào thiếu sự hoạt động của các tôn giáo trong ngành giáo dục, thì khó lòng nói tới đạo đức và lành mạnh xã hội, và dễ gây suy thoái về phẩm chất đời sống làm người. Chỉ có tôn giáo mới giúp con người hướng thiện, hướng thượng, nhận ra cội nguồn vĩnh hằng để sống đúng căn tính của mình. Nhờ tôn giáo mà con người tìm ra đường ngay nẻo chính, tìm ra chân lý của lẽ sống làm người trong mối tương quan hợp nhất Thiên – Địa – Nhân.

       Một con người mà không biết từ đâu mình đến, sinh ra để làm gì, đi về đâu, thì cuộc sống còn có ý nghĩa gì? Không tìm ra ý nghĩa và mục đích sau cùng của cuộc đời mình thì sự hiện hữu của mình còn có giá trị gì? Rèn luyện bản thân, sống ngay chính, dấn thân phục vụ, góp phần xây dựng xã hội, v.v..., có khi phải hy sinh chính bản thân mình để bảo vệ quê hương dân tộc, để rồi chẳng còn gì nữa sao? Hay chỉ còn lại tấm bia đá “nhớ ơn”, còn bản thân mình thì đi vào hư vô, chẳng còn hy vọng gì khác? Việc giáo dục không cần tôn giáo sẽ đưa con người tới đâu? Hay chỉ còn là vong thân, với cuộc đời đáng nôn mửa?

       Đang khi đó, trải qua từ bao đời, triết lý sống của truyền thống dân tộc Việt Nam là một triết lý thấm nhuần tôn giáo và tín ngưỡng. Tinh thần tôn giáo đó không những nằm ngay trong bản sắc dân tộc, trong truyền thống văn hóa, trong việc giáo dục từ trong gia đình đến học đường, mà nằm ngay trong những phong tục tập quán và mọi sinh hoạt hằng ngày. Cũng từ đó toát lên cái nét đẹp tinh thần rất hài hòa, sinh động và thiêng liêng của người Việt.

5. Triết lý truyền thống của dân tộc Việt[5]         

       Triết lý Tam Tài

       Triết lý Tam Tài trong khối Viễn Đông rất bàn bạc, với tính cách thực tại hơn là triết lý. Trung Hoa chỉ liệt kê tổng quát theo các hiện tượng: thiên văn, địa văn và nhân văn. Nhật Bản chỉ nói một cách chung chung, áp dụng vào nhân sinh mà thôi. Riêng Việt Nam từ hồi còn là Việt tộc, các Tiên Hiền đã nói về Tam Tài như những thế lực cấu tạo, bảo tồn và phát huy vạn vật. Thiên-Địa-Nhân được trình bày như ba căn cơ cho Thiên Đạo, Địa Đạo và Nhân Đạo. Nhờ đó, Việt tộc từ ngàn xưa đã xây dựng Chủ Đạo Nhân bản tâm linh, là truyền thống văn hóa của ta ngày nay.

       Con người là sức mạnh của Trời đất (Thiên địa chi đức); là chủ nhân trong vũ trụ, được Trời che đất chở (Thiên phú địa tái). Trong sự liên kết đó, con người khám phá những Thiên văn, khai quật những Địa văn, để tô điểm cho Nhân văn thêm tươi đẹp và phong phú. Sau này các nhà Việt Nho đã thể hiện dòng triết lý ấy trong thơ văn một cách đầy đủ, rõ ràng. Chẳng hạn bài thơ Tam Tài của Trần Cao Vân:

       Trời Đất sinh Ta có ý không?

       Chưa sinh Trời Đất có Ta trong.

       Ta cùng Trời Đất ba ngôi sánh,

       Trời Đất in Ta một chữ đồng.

       Đất nứt Ta ra, Trời chuyển động,

       Ta thay Trời mở Đất mênh mộng

       Trời che Đất chở Ta thong thả

       Trời Đất Ta đây đủ Hóa công.

       Điểm thần học dân gian nổi bật lên ở đây là con người đứng giữa Trời Đất để nối kết đôi bờ Thiên Địa, được Trời che Đất chở, nên phải đắp đổi hai bên cho cân xứng. Con người vì thế phải làm tròn ba đạo: đạo Trời, đạo Đất và đạo Người. Nhờ vậy con người sẽ làm nên đời sống quân bình và toàn diện. Cha Trời Mẹ Đất chính là triết lý chấp Địa tòng Thiên của cha ông từ ngàn xưa. Nhờ đó, văn hóa truyền thống luôn là văn hóa nhất quán và giao hội. Vô tín ngưỡng, vô tôn giáo là phản bội dòng triết lý dân tộc. Con người Tam Tài là con người Thiên thời - Địa lợi - Nhân hòa. Nếu giáo dục là giúp cho con người tìm được chính mình, thì phải cho họ nhận ra ý nghĩa đời mình nhờ truy ra nguồn gốc đó, và sống tốt các tương quan đó, thì mới là giáo dục đúng nghĩa, toàn bích.

       Triết Lý Âm Dương

       Dòng triết lý này được thể hiện thời Hùng Vương với Bánh Dầy Bánh Chưng: một vuông một tròn tượng trưng cho Trời tròn Đất vuông, nói lên sự vuông tròn của Âm Dương mang ý nghĩa quân bình và toàn diện. Âm dương là hai nguyên tố sinh tồn và biến hóa qua Ngũ Hành: Thủy Hỏa Thổ Kim Mộc. Nhờ Ngũ Hành tương sinh tương khắc mà có biến hóa trong trời đất. Triết lý Âm Dương Ngũ Hành cũng là nền tảng cho sự hòa điệu trong trời đất và nơi cuộc sống con người. Nhờ đó cuộc sống của Việt tộc lúc nào cũng giao hòa và nhất quán. Luật cân bằng Âm Dương còn được ứng dụng cách triệt để và hiệu quả trong Y đạo, Y lý, Y thuật, Y thể để trị liệu vạn bệnh về thể chất cũng như tinh thần.

       Triết lý Âm Dương cũng nói lên nhiều điểm Thần học. Đấng Tạo Hóa tức ông Trời đã tạo dựng hai nguyên tố uyên nguyên là âm dương, để sinh hóa vạn vật trong vũ trụ: sáng-tối, ngày-đêm, nam-nữ, lành-dữ, sướng-khổ, vui-buồn, may-rủi, thăng-trầm, v.v… Hiểu như thế, cha ông ta luôn thuận theo ý Trời và luật thiên nhiên đã được đặt để, nên “Thượng bất oán Thiên, hạ bất vưu nhân”. Hoàn cảnh nào cũng có có thể đón nhận và sống trong an vui đề huề để triển nở đời sống bản thân, gia đình và xã hội.

       Đạo sống quân bình âm dương chính là đạo sống Thái Hòa, tạo nên một tính cách sinh động rất uyển chuyển và hòa hợp, khiến cho người Việt Nam luôn giữ thế tự tại, làm chủ mọi sự trong mối liên thông với Đấng làm chủ chính mình và mọi người là ông Trời. Giáo dục là giúp con người đạt tới sự làm chủ bản thân mình, để từ đó biết làm chủ mọi vật, mọi việc, mọi hoàn cảnh. Nhưng điều đó chỉ có thể thực hiện được khi trước tiên, việc giáo dục phải giúp con người nhận ra Đấng làm chủ cuộc đời mình và toàn thể vũ trụ. Toàn thể mọi sự nơi con người phải được qui hướng về đó để làm nên sự thành toàn của chính mình.

       Triết Lý Nông Nghiệp

       Triết lý Nông Nghiệp hệ tại quan niệm: nông nghiệp là công việc do khối óc và bàn tay con người khai phá và làm nên từ tài nguyên sẵn có do Trời ban cho. Việc phát triển kinh tế, công nghiệp, kỹ thuật, khoa học cũng bắt nguồn từ quan niệm nền tảng này. Căn bản của Nông Nghiệp hay mọi nghành nghề khác vẫn là đạo đức. Nền đạo đức này hệ tại ăn ở thuận hợp với Trời đất thì mới phong đăng hòa cố, bở vì: “Ơn Trời phù hộ ngày đêm”, hoặc “Quyền cao chức trọng Trời cho”, hoặc “Tam đa phú quý rõ ràng Trời cho”.

       Căn bản của mọi tôn giáo là thờ Trời, dù ý niệm về Ông Trời có khác nhau, nhưng vẫn ý chỉ về một Đấng Tuyệt Đối, vô song, là chủ tể muôn loài muôn vật. Tất cả đều phải qui hướng về đó để phát triển cuộc sống mình, để tìm thấy ý nghĩa nguyên nhân và cùng đích của cuộc đời mình. “Sống gửi thác về” là như thế, là về với cội nguồn, về với Đấng mà từ đó mình đã phát xuất, để sau một sống đã chu toàn sứ mệnh là con Trời, người ta trở về nơi quê hương vĩnh cửu để sống an vui và hạnh phúc muôn đời. Giáo dục phải giúp con người đạt tới hiểu biết thâm hậu này để làm nền tảng cho mọi phát triển của đời người trong đời sống xã hội, thì mới là nền giáo dục chân chính, đích thực. Nền giáo dục chân chính, đích thực, chính là nền giáo dục Nhân bản Tâm linh.

        Linh mục Thái Nguyên



[1] Nhóm biên soạn, Từ Điển Giáo Dục Học, NXB Từ Điển Bách Khoa, 2001.

[2] Như trên.

[3] Hoàng Phê, Từ Điển Tiếng Việt, NXB Đà Nẵng, 2003; Lê văn Đức và nhóm biên soạn, Tự Điển Việt Nam, Nhà sách Khai Trí, Sài Gòn, 1970.

[4] Larousse, 1992, tr. 352.

[5] Dựa trên bài viết “Triết lý truyền thống dân tộc Việt”, của Vũ Đình Trác trong cuốn Suy tư và đóng góp cho Thần Học Việt Nam, tr. 10-26.


Mục Lục Sống Ơn Gọi Kytô Hữu