Ban Mục Vụ Gia Đình: "Tình yêu hôn nhân dưới cái nhìn nhân học Kitô giáo"

 

Web Giáo Phận i gòn (http://tgpsaigon.net/)Ngày 07/11/2009, khai mạc khóa học Tình Yêu Hôn Nhân dưới cái nhìn Nhân học Kitô giáo, được tổ chức tại TTMV giáo phận Tp. HCM do cha Louis Nguyễn Anh Tuấn phụ trách, cùng sự tham dự của 61 học viên hầu hết là những người lớn tuổi: đã bước qua tuổi làm ông làm bà, con cháu đông đúc; đã có vài chục năm sống trong bậc vợ chồng; đã có những kinh nghiệm; và đã nếm cảm những ngọt bùi chua cay của đời sống gia đình… Nhưng nếu hôm nay có ai đó được hỏi: “Thân xác con người là gì?” hoặc “Theo quan điểm mặc khải Kitô giáo con người là gì? hay “Tính dục có ý nghĩa và giá trị gì?” chắc hẳn cũng sẽ ú ớ chỉ biết đứng gãi đầu gãi tai cười trừ mà thôi.

Chính vì thế khóa học này rất cần thiết cho tất cả những ai đã, đang và sẽ bước vào cuộc sống hôn nhân, những bậc làm cha mẹ, những người làm công tác giáo dục quan tâm đến tình yêu và hôn nhân gia đình.

Buổi học kéo dài từ 8 giờ 30 đến 11 giờ 30, nhưng qua sự chia sẻ, truyền đạt một cách nhẹ nhàng và hấp dẫn của cha Louis, thời gian trôi qua rất nhanh, giờ học đã kết thúc mà các học viên vẫn còn cảm thấy tiếc nuối. Chúng ta cùng đến với bài học đầu tiên:

Bài 1: THÂN XÁC CON NGƯỜI

Sáng Thế có kể lại: con người được tạo dựng theo hình ảnh của Thiên Chúa, Người dùng bùn đất tác tạo Adam và thổi hơi truyền sinh khí của Người cho con người, như thế ngay từ thưở đầu khi được tạo dựng ngoài yếu tố vật chất con người còn mang yếu tố thần linh, con người là một tạo vật gồm có thể xác và tâm hồn.

Theo quan niệm từ thời trung cổ đến thế kỷ qua, người ta là coi khinh thân xác con người, coi thân xác con người là thấp hèn là “nhục thể”. Còn ngày nay người ta lại tôn vinh thân xác con người, từ năm 1968 cuộc các mạng tình dục ở Châu Âu bùng nổ, thân xác con người đã được phô bày một cách thẳng thắn không che đậy trên các tạp chí, trên các show trình diễn.

Như vậy: Khinh bỉ thân xác hoặc tôn vinh thân xác đâu là cách chọn lựa đúng?

Thiên Chúa tạo dựng con người có nam có nữ và chúc lành cho con người sinh sôi nảy nở cho đầy trên mặt đất. Người đã tạo dựng nên con người một cách cụ thể là nam hoặc nữ, vì thế giới tính đã được định sẵn nơi con người và giới tính đã làm nên bản thể của con người hoặc là nam hoặc là nữ. Con người được tạo dựng theo hình ảnh của Thiên Chúa mà Thiên Chúa là Tình yêu. Như thế Tình yêu chính là cội nguồn và là cùng đích mà con người cần phải vươn tới.

Trong con người có giới tính, giới tính đó đã len lỏi vào trong mọi hành vi, cử chỉ, suy nghĩ và cách sống của con người, chính giới tính này con người luôn luôn biết đi tìm nhau, đi tìm khúc xương sườn của mình đang ở một nơi nào đó, tìm kiếm để bổ túc cho nhau những gì còn thiếu. Người nam và người nữ là những nhân vị khác biệt đã chấp nhận đi ra khỏi mình, chấp nhận sự khác biệt của nhau về tâm lý, tình cảm, văn hóa… để hiệp nhất trong tình yêu thương. Chính sự hiệp nhất trong tình yêu thương này con người đã phản ánh Tình Yêu Thiên Chúa và chính hấp lực của tình yêu đã làm cho hai người nên một, càng ngày tình yêu càng tiến xa hơn nữa khi con người biết chấp nhận cả những đau khổ để được ở lại trong tình yêu, (như hai đầu cực Bắc – Nam của nam châm, một hấp lực tự nhiên là sẽ hút nhau, còn cùng cực, cùng giới tính mà hút nhau thì đó là một vấn đề cần phải xem xét lại). Do đó giới tính có một giá trị tuyệt hảo là ở chỗ tình yêu mà nó vươn tới. Người nam và người nữ tìm kiếm nhau là để cùng nhau hướng tới một tình yêu vĩnh cửu.

Vì thế khinh miệt giới tính chính là khinh miệt Thiên Chúa.

Chấp nhận đau khổ là cái giá phải trả của tình yêu, để tính dục đạt được tới vô biên con người phải biết chấp nhận đau khổ nơi thân xác, chấp nhận hy tế chính con người mình, chấp nhận dấn thân trọn vẹn ngôi vị của mình, tự mình con người không thể vươn tới tình yêu vĩnh cửu, nhưng cần phải có một năng lượng ân sủng Thiên Chúa nâng đỡ, vực con người đứng dậy và đi lên. Để đạt được điều này giới tính con người cần phải được cứu chuộc; qua việc Nhập Thể, qua cuộc sống và cái chết của Đức Giêsu Kitô trên Thập Giá, giới tính của con người mới có ý nghĩa và giá trị đích thực. Qua đó con người nhận ra rằng: “Tha thứ không những là quà tặng mà còn là lời mời gọi để yêu thương.”

Con người là một hữu thể có tâm hồn và thể xác, có giới tính đặc thù, có những mối tương quan: với những hữu thể khác, với thế giới và với Thiên Chúa. Nơi con người vừa mang dáng dấp tạo vật lại vừa mang dáng dấp thần linh. Như thế thần linh hóa hay nhục thể hóa con người đều là hạ phẩm giá con người.

3 giờ đồng hồ trong bầu khí lắng đọng, nhẹ nhàng và hấp dẫn, qua cách truyền đạt lôi cuốn của cha Louis mọi người đều chăm chú lắng nghe, tâm hồn từng học viên được khai sáng; mỗi người đều phải nhìn lại chính bản thân mình trong các mối tương quan với Thiên Chúa và với tha nhân.

Bài 2: TÌNH YÊU NAM NỮ LÀ GÌ?

Yêu và được yêu là điều thiết yếu đối với đời sống con người, nếu không có tình yêu cuộc sống trở nên khô khan, chán nản và vô nghĩa. Từ khi sinh ra con người đã được sống trong tình yêu, được cảm nhận tình yêu rất cụ thể như là: Tình yêu cha mẹ, tình yêu anh chị em, tình yêu bạn bè, tình làng nghĩa xóm, tình yêu lứa đôi, tình yêu quê hương, đất nước hoặc tình yêu của người sống hiến thân vì Nước Trời… dù sống trong bất cứ hoàn cảnh nào hay địa vị nào, con người luôn luôn khao khát, hy vọng được yêu và được nếm cảm tình yêu.

I. Đặc tính của tình yêu

Sách Sáng thế có viết: ĐỨC CHÚA là Thiên Chúa lấy cái xương sườn đã rút từ con người ra, làm thành một người đàn bà và dẫn đến với con người. Con người nói: ‘‘Đây là xương bởi xương tôi, thịt bởi thịt tôi... Bởi thế người đàn ông lìa cha mẹ mà gắn bó với vợ mình, và cả hai thành một xương một thịt’’(St 2, 22 – 24)

Adam sửng sốt lòng tràn đầy hân hoan trước vẻ đẹp lộng lẫy của Evà, nỗi u buồn tan biến vì từ nay mình đã có người trợ tá tương xứng, một hấp lực diệu kỳ, nỗi khát vọng của tình yêu vỡ òa. Adam cảm nhận được nơi Evà là một tự ngã khác của mình, một sự thân thiết trìu mến, một sự gần gũi dào dạt yêu thương, cung đàn tình ái thi vị đầu tiên đã được vang lên nơi tâm hồn của Adam. Chàng đã ngẩn ngơ và say đắm trước vẻ đẹp của nàng, chàng đã gặp được điều mà bấy lâu nay chàng đang lao đao tìm kiếm.

Người nam và người nữ là hai cá thể khác biệt, luôn đi tìm nhau; và khi gặp nhau cung đàn tình ái trong lòng họ vội nắn phím vương tơ để bản tình ca âm thầm chất chứa trong lòng được dịp cất vang cũng chính là lúc khát vọng yêu và được yêu, khát vọng thuộc về nhau, khát vọng trở nên một như ngọn lửa tình đang thiêu đốt tâm hồn họ.

Chính vì thế hai khía cạnh nổi bật của tình yêu nam nữ là khát vọng trở nên một, nhưng vẫn khác biệt, vì khác nhau nên họ khát vọng được hợp hôn, họ khát vọng được nên một nhưng vẫn còn đó là hai cá thể riêng biệt, hai đặc tính này không thể tách biệt, chúng luôn tồn tại và đan xen với nhau, nếu đẩy một trong hai yếu tố này đến cùng cực thì con người sẽ đi đến sự chia rẽ.

Tình yêu nam nữ phản ánh tình yêu Thiên Chúa, phản ánh một tình yêu hiệp nhất trong yêu thương, nhưng nếu khát vọng trở nên một được đẩy đến tận cùng thì đó là điều ảo tưởng là điều không thể và không có ngay cả nơi Thiên Chúa, vì chính Thiên Chúa tuy chung một bản thể vẫn là ba ngôi vị riêng biệt.

Người nam và người nữ có cùng bản tính, cùng phẩm giá, cùng giá trị như nhau, họ cùng là mầu nhiệm của nhau, vì thế khi hai người nam nữ đến với nhau bằng một tình yêu đứng đắn, tiếng sét ái tình nổ tung trong tâm hồn họ, họ ngẩn ngơ trước vẻ đẹp của nhau, chính là lúc họ đã phải lòng nhau và họ luôn biết kính trọng nhau, biết tôn trọng sự khác biệt của nhau và nhận ra nỗi khát vọng thẳm sâu trong lòng họ là muốn thuộc về nhau và cùng nhau trở nên một trong tình yêu.

Tình yêu là một thực tại phức tạp và mầu nhiệm, chỉ có thể được soi sáng khi ta biết đặt mình trên những bình diện khác nhau và trên những viễn tượng khác nhau bằng cách làm sáng tỏ các chiều kích của tình yêu.

II. Chiều kích của tình yêu: Có 3 chiều kích

1. Eros: (Tính dục)

Đây là một ân huệ kỳ diệu và tuyệt vời của Thiên Chúa tặng ban cho con người, là chiều kích đặc thù của tình yêu nam nữ, là những cử chỉ yêu thương trên thân xác của đôi bạn nam nữ, nhờ đó hai người nam và nữ được sống vui tươi, tràn trề sức sống, là điều cần thiết cho tình yêu của họ nở hoa. Vì mỗi cá thể, con người không thể tự mình đầy đủ được mà cần phải đi vào tương quan với người kia để khát vọng thể hiện mình được đầy đủ nơi người phối ngẫu.

Eros thể hiện một tình yêu đam mê, có cường độ thu hút mạnh mẽ và đòi hỏi được đáp trả cùng một cường độ, khi không được đáp ứng thì thất vọng não nề, tuyệt vọng ta gọi đó là thất tình, con người cảm thấy lo sợ khi Eros bị đe dọa, ghen tuông khi bị cướp mất, vì thế đòi hỏi được chiếm hữu theo chiều hướng tiêu cực chỉ nhằm để thỏa mãn ham muốn của bản thân. Eros thì giới hạn trong thời gian có bắt đầu và có kết thúc, khi ẩn khi hiện, khi yếu khi mạnh.

Nhưng nếu không có Eros thì cuộc đời thật buồn tẻ không đáng sống, không có sự hấp dẫn, thu hút, không đưa đến khát vọng trở nên một trong tình yêu. Chính vì thế Eros cũng có chiều hướng tích cực, làm cho tình yêu con người được phát huy và thăng hoa, làm cho đời sống con người được vui tươi, hớn hở, rạng rỡ và hạnh phúc, làm cho con người biết đi ra khỏi mình, biết quên mình để phục vụ cho tình yêu.

Dù người lập gia đình hay dấn thân trong đời sống tu trì cũng đều cần năng lượng của Eros, để cho Eros được thăng hoa con người cần phải có nguồn năng lượng trên cao bao phủ, năng lượng của ân sủng của Thiên Chúa nâng đỡ, vì con người không thể tự mình vươn tới đỉnh cao đích thực của tình yêu.

2. Filia: (Tình bạn)

Chiều kích thứ hai của tình yêu là tình bạn, tuy đây không phải là chiều kích riêng của tình yêu nam nữ, nhưng chiều kích tình bạn rất quan trọng trong đời sống vợ chồng. Tình bạn đem lại sự vui tươi, thân tình, chia sẻ và thường có một sự đồng cảm nào đó với người bạn đời, tình bạn tham dự vào đời sống vợ chồng một cách bình đẳng, qua sự gặp gỡ thường xuyên họ biết lắng nghe, tôn trọng nhau và được nuôi dưỡng bằng sự thật, bằng cái đẹp, bằng sự công chính mà cả hai cùng đang tìm kiếm sẽ tạo cho mối tương quan của hai người rất tươi đẹp và rạng rỡ. Tình bạn không thể vắng mặt trong đời sống vợ chồng, nếu không có tình bạn, tình yêu hôn nhân sẽ kém thú vị và thăng hoa, nếu không có Filia tình yêu của họ chỉ dừng lại ở chiều kích Eros mà thôi.

Sự hoài nghi là cái bẫy của sự dữ, là sự cám dỗ đi trái ngược với tình yêu hôn nhân, hoài nghi làm rạn nứt tình yêu vì thiếu sự tin cậy nơi nhau, tạo sự ghen tương vì thiếu tôn trọng sự khác biệt của nhau, thiếu tôn trọng góc trời riêng của nhau để ta vẫn là ta, chỉ khi nào ta vẫn là ta thì khát vọng trở nên một mới có giá trị đích thực. Đây chính là mầu nhiệm lạ lùng trong hôn nhân.

Nếu không xây dựng được tình bạn trong đời sống vợ chồng là một thiếu sót vô cùng quan trọng để xây dựng và duy trì hạnh phúc gia đình. Nếu Eros không được thăng hoa thì con người cũng chỉ giống như muôn vật khác, nhờ có Filia con người mới được thăng hoa trong tình yêu.

3. Agape: (Tình yêu dâng hiến)

Trong bài thánh thi ca tụng đức ái của thánh Phaolô: ‘‘... Đức ái thì nhẫn nhục, hiền hậu, không ghen tương, không vênh vang, không tự đắc, không làm điều bất chính, không tìm tư lợi, không nóng giận, không nuôi hận thù, không mừng khi thấy sự gian ác, nhưng vui khi thấy điều chân thật. Đức mến tha thứ tất cả, tin tưởng tất cả, hy vọng tất cả. Đức mến không bao giờ mất được... Hiện nay đức tin, đức cậy, đức mến cả ba đều tồn tại, nhưng cao trọng hơn cả là đức mến’’ (1Cr 13,1-13)

Chiều kích thứ ba của tình yêu là đức ái. Ngay cả chiều kích này cũng không phải là của riêng đôi bạn. Agape bắt nguồn từ Thiên Chúa, được mạc khải bởi Con Thiên Chúa Nhập Thể và tất cả loài người chúng ta được mời gọi một cách nào đó trao ban chính bản thân mình cho nhau. Thiên Chúa đã trao ban cho con người mọi thứ cách nhưng không từ việc sáng tạo trời đất, đến việc trao ban Con Một cho nhân loại qua việc Nhập Thể làm người và chết cho con người. Thiên Chúa đã trao ban và chia sẻ cho con người khả năng này để con người cũng biết trao ban cho nhau những điều tốt đẹp nhất. Như thế mức cao nhất của tình yêu là con người biết hy sinh cho nhau, nó được yêu cầu và đòi hỏi liên tục, không ngơi nghỉ. Hy sinh cho nhau là biết chấp nhận những khuyết điểm của nhau, ngay cả những khuyết điểm đã ăn sâu, khó thay đổi, từ đó đau khổ trong tình yêu có một ý nghĩa và giá trị, vì trong tận cùng nỗi đắng cay của đau khổ vẫn có một chút hương vị ngọt ngào của tình yêu vĩnh cửu, hướng về tình yêu Nhập Thể của Đức Giêsu Kitô, con người biết đón nhận sự việc, giây phút mà Thánh Ý Chúa Cha đã định.

Qua đó tình yêu vợ chồng trở nên Bí tích tình yêu Thiên Chúa, qua tình yêu hôn nhân, đôi vợ chồng cho nhân loại thấy tình yêu Thiên Chúa vẫn đang hiện diện nơi trần gian. Chúa Giêsu Kitô vẫn đang chịu đau khổ và đang chịu đóng đinh. Đó chính là mầu nhiệm của Nước Trời như men, như muối, như hạt lúa, như hạt cải âm thầm chịu thối đi để phát sinh ra sự sống mới. Khi vợ chồng tự hiến thân cho nhau, yêu thương nhau đến tận cùng, tình yêu được triển nở phong nhiêu thì có khả năng tạo ra sự sống mới của tình yêu, sự sống có nghĩa toàn diện cả về thời gian, thể chất, tinh thần và tâm linh, đó vừa là điều vinh dự, vừa là trách nhiệm của đôi vợ chồng mà không ai có thể thay thế được.

Ở đâu tình yêu được triển nở phong nhiêu ở đó có Thiên Chúa ngự trị, tình yêu Thiên Chúa thì vô hạn như mạch suối nước tuôn trào, sự sống đưa con người trở về đích điểm mà mình phát xuất.

Tình yêu vợ chồng là dấu chỉ tình yêu Thiên Chúa nơi trần gian, dầu là dấu chỉ hữu hạn nhưng cũng có tia sáng vĩnh cữu diễn tả sự hiện diện của Thiên Chúa.

Eros – Filia – Agape luôn luôn có mặt và đan dệt vào nhau trong tình yêu hôn nhân. Trong quan hệ cụ thể của tình yêu hôn nhân, chúng không dễ dàng nhận ra cách rõ ràng vì tình yêu vốn phức tạp và phong phú.

Tình yêu hôn nhân muốn hướng tới sự hài hòa, sung mãn sẽ là sự hòa hợp các thành tố khác nhau ấy qua sự cùng nhau tìm kiếm và cùng chung trách nhiệm. Vì ba chiều kích của tình yêu này luôn tổng hợp không thể tách rời nhau.

Buổi học được kết thúc trong lời kinh nguyện tạ ơn, trong một tâm tình thật lắng đọng mỗi học viên tự đối chiếu những điều vừa học vào chính đời sống của mình để nhận ra những thiếu sót, những sai lầm của mình trong bổn phận là chồng, là vợ và trong tâm tình khiêm tốn xin Chúa xuống ơn thánh hóa cho mỗi người biết sửa đổi lại cách sống của mình mỗi ngày được tốt đẹp hơn hầu có thể diễn tả và giới thiệu được tình yêu Thiên Chúa cho con người trong xã hội hôm nay.

Bài 3:  TÌNH HIỆP THÔNG

Hôm nay cha Louis Nguyễn Anh Tuấn chia sẻ cho các học viên một vấn đề cốt lõi và là nền tảng trong đời sống vợ chồng đó là Tình Hiệp Thông thiếu yếu tố này đời sống vợ chồng không thể nào có được niềm hạnh phúc thật sự.

1. Những Nguy Hiểm (Narcissistic)

Con người dễ bị rơi vào u mê lầm lạc khi xu hướng Eros được đẩy lên quá cao, con người lúc đó không thoát ra khỏi vòng xiềng xích của cái “tôi”, không thoát ra khỏi vòng kềm tỏa của bản ngã, luôn coi mình là trung tâm của mọi tình cảm, mọi ý nghĩ, nó chi phối trong mọi mối tương giao, vì ghen tương và ích kỷ nó muốn chiếm hữu và thống trị bằng mọi giá, lúc đó người kia chỉ là tấm gương phản chiếu bản thân mình, tư tưởng của con người lúc đó bị sa vào bóng tối của sự dữ, để chiếm hữu tình yêu con người có thể dùng bạo lực và bằng mọi thủ đoạn, kể cả những thủ đoạn đê hèn, man rợ… Đây là điều hết sức nguy hiểm của tình yêu. Như thế có đáng gọi là tình yêu hay không?

Để minh họa cha Louis kể về hai câu chuyện sau:

Câu chuyện thứ nhất về một người chồng đã giết vợ một cách dã man sau khi đã li dị vợ được vài năm, đây là một câu chuyện đã được đăng báo cách đây không lâu.

Câu chuyện thứ hai nói về mối quan hệ của hai mẹ con. Có một người phụ nữ kia có một người con trai, chồng chết sớm khi tuổi đời còn rất trẻ, vì thương con chị đã mạnh dạn từ chối nhiều cuộc tình đến sau để an tâm nuôi con ăn học cho đến ngày con được trưởng thành, mọi tình cảm chị dành hết cho con và sau này người con đã công thành danh toại, lúc đó xung đột giữa hai mẹ con mới xảy ra, mối tương quan mẹ con bị đổ vỡ, chị đã yêu con theo cách của mình không chấp nhận sự độc lập suy nghĩ của riêng con, khi người con muốn quyết định tương lai của mình muốn được đi trên chính đôi chân của mình, chị đã không tôn trọng những quyết định của riêng con, chị yêu con theo kiểu thống trị, chiếm hữu khi không đạt được thì tâm hồn bức xúc, nổi loạn mà ta gọi đó là “ghen”. Quả thật chị đã bị stress, thân thể suy kiệt tàn tạ phải nằm bệnh viện và hậu quả dẫn đến chị bị tâm thần. (đây cũng là câu chuyện có thật đang xảy ra trong hiện tại)

Vậy yêu con như chị có đúng không?

Vì sao mà người chồng kia lại giết vợ khi mà hai người đã li dị được vài năm? Vì sao người mẹ kia yêu thương con hết lòng mà lại trở lên điên loạn?

Vì người chồng kia và người mẹ kia đã không thoát ra khỏi vòng luẩn quẩn, chỉ biết yêu chính mình, coi mình là trung tâm của mọi sự, họ không nhìn nhận sự khác biệt của các mối tương quan, không ra khỏi lâu đài ích kỷ kềm hãm chính mình mà tình yêu theo kiểu thống trị và chiếm đạt có nguy cơ giết chết tình yêu và giết chết chính mình.

Vậy con người phải làm gì để thoát khỏi tình trạng nguy hiểm này? Con người phải đi ra khỏi mình, phải nhận biết “tôi là ai?”, “tôi khác với người khác và người khác khác với tôi”, nhìn nhận sự khác biệt của nhau để bổ sung cho nhau.

2. Tha tính (Tính khác biệt)

Con người phải thay đổi chính mình, phải biết khám phá ra những dị biệt của nhau và chấp nhận những dị biệt đó, có thể những dị biệt đó làm cho ta bực mình, khó chịu, đôi khi khó chấp nhận được, những dị biệt đó có thể là khác biệt về giáo dục, tính tình, niềm tin …v..v… nếu không nhìn nhận sự khác biệt đó thì con người không thể hiểu nhau và thiếu khả năng empathy (sự đồng cảm), trong tương quan con người cần phải hiểu được ý nghĩ của nhau, người này phải hiểu được tình cảm của người kia, con người cần phải nhận ra sự khác biệt của nhau mới nhận ra được giá trị khát vọng trở nên một, có như thế con người mới đạt được đình cao của sự hiệp thông.

Một con người trưởng thành về đời sống tâm linh thì không đi tìm những cái gì ưng ý để thỏa mãn chính mình, con người trưởng thành cần phải có thái độ communicative (cởi mở), con người cần phải biết nói chuyện với người khác, có khả năng biết lắng nghe, chấp nhận sự hạn chế của mình, và mình cần phải được bổ túc, cho dù người bổ túc cho mình có trình độ thấp, thua kém ta nhiều mặt nhưng ta tin tưởng rằng có “MỘT AI ĐÓ” đang có mặt, đang hiện diện ở giữa chúng tôi, nhờ đó ta dám đi ra khỏi mình, mở rộng cõi lòng để đón nhận, để lắng nghe những ý nghĩ, tình cảm của người kia.

Thông thường ta thích đi tìm những người giỏi hơn mình, thông minh hơn mình, có nhiều khả năng trí tuệ hơn mình để bổ túc, ta cần phải vượt qua thái độ tâm lý đó mà phải tin tưởng rằng luôn luôn có một sứ điệp của “MỘT AI ĐÓ” đang tiềm ẩn nơi người kia để ta bắt đầu “tập yêu” và chấp nhận sự khác biệt trong mối tương quan.

3. Tình Yêu Đích Thực

Ngày nào ta còn dùng uy quyền để thống trị người khác là ta đang đi vào sự chết, đang bóp chết tình yêu, còn sống trong xiềng xích của sự dữ vì không đi vào tương quan ngôi vị với nhau, không chấp nhận sự khác biệt là ta đang vướng vào vòng kềm tỏa của bóng đêm và mang xu hướng tội lỗi. Vì thế chấp nhận sự khác biệt trong mối tương quan là rất quan trọng vì nó sẽ dẫn hai người đến một tình yêu đích thực đó chính là yếu tố hấp dẫn ta và người kia trở nên một, chấp nhận người kia như chính họ và ở lại với họ, khi ta biết chấp nhận người kia là chấp nhận hy sinh cho nhau, chấp nhận thánh giá, đó mới chính là tình yêu, mới có nghĩa hiệp thông của Tình Yêu Thiên Chúa, lúc đó đời sống vợ chồng mới phản ánh Tình Yêu Thiên Chúa, đó chính là yếu tố Mầu Nhiệm Hôn Nhân.

Câu hỏi thảo luận:

Lớp học được chia thành 5 tổ Cha Louis đã đưa ra 3 câu hỏi để các tổ cùng thảo luận với nhau, sau đó một người đại diện sẽ nói lên quan điểm của tổ mình về 3 câu hỏi gợi ý:

 Câu hỏi 1: Những dị biệt nào thường xảy ra trong đời sống hôn nhân gia đình.

 Câu hỏi 2: Anh chị em đã sống, đã nỗ lực hòa hợp thế nào với những dị biệt này trong đời sống hôn nhân gia đình.

 Câu hỏi 3: Thiên Chúa có vai trò nào trong cuộc hòa giải này.

Sau phần thảo luận các tổ lần lượt cử người đại diện lên phát biểu quan điểm thảo luận của tổ mình, nhìn chung cả 5 tổ đều đưa ra những quan điểm và những ý kiến gần giống nhau, mọi người gần như cùng chung một dòng suy tư qua 3 câu hỏi gợi ý.

Những dị biệt nào thường xảy ra:

Đó là khác biệt về tôn giáo, công việc, thói quen trong cuộc sống, văn hóa, giáo dục, chênh lệch về tuổi tác, về trình độ và về vấn đề tài chánh trong gia đình.

Cách khắc phục:

Cần nhìn lại chính con người thật của mình, cần biết lắng nghe, chấp nhận dị biệt, tôn trọng nhau, yêu thương nhau và biết tha thứ.

Vai trò của Thiên Chúa:

Vợ chồng cần biết cầu nguyện cho nhau để xin ơn Chúa đến hòa giải, xin ơn sức mạnh để vượt qua, và xin ơn can đảm để vác thánh giá hằng ngày. Vai trò của Thiên Chúa là mấu chốt trong việc hòa giải.

Kết thúc buổi học cha Louis đưa ra một bí quyết để sống hạnh phúc theo ý tưởng của một cha giáo đó là trong cuộc sống hằng ngày luôn thầm đọc và thực hành câu:

I Love You. I’m Sorry.

Tình yêu hôn nhân dưới cái nhìn nhân học Kitô giáo: Thần học về thân xác

A.P Mặc Trầm Cung

TÌNH YÊU HÔN NHÂN

DƯỚI CÁI NHÌN NHÂN HỌC KITÔ GIÁO

***

WGPSG -- Bước qua tuần thứ tư, cha Louis Nguyễn Anh Tuấn sắp xếp cho tất cả các học viên đi tĩnh tâm tại Bãi Dâu – Vũng Tàu. Đây là dịp để mỗi người nhìn lại chính con người của mình, nhìn lại các mối tương quan của mình với Thiên Chúa, với tha nhân và đặc biệt là nhìn lại chính mối tương quan trong đời sống vợ chồng.

Buổi tĩnh tâm bắt đầu từ 18giờ30 ngày 28/11/2009. Trong thánh lễ cuối cùng của năm phụng vụ B, cha Louis đã giúp các học viên thấy được những giai đoạn khô hạn của đời sống đức tin trong kiếp người từ đó đòi hỏi mỗi người cần phải can đảm đón nhận và cậy nhờ hồng ân Thiên Chúa trợ giúp, tưới gội cho hạt giống đức tin luôn vững mạnh, kiên trung cho dù phải sống giữa muôn vàn nghịch cảnh.

Một mẫu gương cụ thể và sống động mà cha Louis đưa ra là tấm gương của Đức Cố Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận trong suốt 9 năm biệt giam. Nơi căn phòng nhỏ tăm tối thiếu ánh sáng và không khí, Ngài đã phải áp sát mũi vào một cái lỗ nhỏ hầu mong được hít thở một chút không khí. Nhưng niềm đau của một vị mục tử chính là phải xa rời đàn chiên. Hằng ngày Ngài dâng lễ bằng 3 giọt rượu và 1 giọt nước; chén thánh là đôi tay gầy héo của Ngài; Sách Thánh đã được ghi nhớ trong con tim và khối óc của Ngài. Tất cả những nỗi khổ, những khó khăn Ngài gánh chịu như một hy lễ tinh tuyền dâng lên Thiên Chúa để cầu nguyện cho đàn chiên, cho giáo hội Việt Nam và hiệp thông cùng giáo hội hoàn cầu.

Ân sủng Chúa chính là nguồn sức mạnh giúp cho mỗi người vượt qua tất cả những giây phút tăm tối trong đời sống đức tin. Đó cũng là những ý tưởng mà các học viên cần thinh lặng, suy niệm để xin ơn Chúa tuôn đổ như mưa rào trong thời gian mùa Vọng.

Thánh lễ bắt đầu từ 19giờ45, sau đó là giờ cầu nguyện trước Thánh Thể, lớp chia thành 5 tổ thay phiên chầu Thánh Thể đến 24giờ. Đến giây phút giao thừa của năm phụng vụ mới, mọi người cùng hân hoan chúc mừng nhau, cầu xin muôn ơn lành của Chúa xuống trên nhau, cùng giúp nhau sống tốt đẹp hơn trong năm mới này.

Bài 4: THẦN HỌC VỀ THÂN XÁC

Ngày 29/11/2009, sau Thánh lễ chúa nhật thứ I Mùa Vọng khởi đầu cho năm phụng vụ mới, các học viên tiếp tục buổi học thứ tư với chủ đề Thần Học về Thân Xác.

Chủ đề Thân Xác Con Người và Hôn Nhân Gia Đình có mục đích củng cố gia đình, chống lại những ảnh hưởng xấu xa đang làm băng hoại giá trị gia đình. Những mối nguy hiểm đang rình rập các gia đình và xã hội là tình trạng sống chung không hôn phối, sự quan tâm đến mặt dân sự mà bỏ qua vấn đề tôn giáo, tình trạng những gia đình chỉ có mẹ và con hoặc cha và con, những gia đình tái hôn và có con riêng. Vì thiếu hiểu biết giá trị của hôn nhân nên tình trạng ly hôn mỗi ngày một gia tăng và tạo nên sự khủng hoảng, hỗn loạn trong gia đình và xã hội. Số phận gia đình sẽ đi về đâu? Tương lai nhân loại sẽ đi về đâu? Vì tương lai nhân loại sẽ thông qua gia đình… Đó chính là nỗi ưu tư của Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II và Ngài đã nói: “Linh đạo của hôn nhân hệ tại ở việc tham dự vào đời sống và tình yêu của Thiên Chúa và từ đó chia sẻ cho thế giới. Ơn gọi này thật cao trọng nhưng không nằm xa vời trên chín tầng trời mà phải chạm thấy được……Học hỏi thần học về thân xác là điều cốt yếu của linh đạo hôn nhân. Học để sống, không phải để trở nên thiêng liêng hơn mà chính là để trở nên nhập thể hơn nữa, làm sao để cho Thần Khí Chúa thấm nhập sự sống thần linh vào thân xác chúng ta” 

Trong Tin Mừng (Mt 19, 3tt và Mc 10, 2tt) có đề cập đến cuộc trao đổi giữa Chúa Giêsu với mấy người Pharisiêu về việc hôn nhân bất khả phân ly. Họ hỏi Chúa Giêsu: “Thưa Thầy, có được phép rẫy vợ mình vì bất cứ lý do nào không?” Người đáp: “Các ông không đọc thấy điều này sao: ‘Thuở ban đầu, Đấng Tạo Hóa đã làm ra con người có nam có nữ’ và Người đã phán: ‘Vì thế người ta sẽ lìa cha mẹ mà gắn bó với vợ mình và cả hai sẽ thành một xương một thịt.’ Như vậy, họ không còn là hai nhưng chỉ là một xương một thịt. Vậy, sự gì Thiên Chúa đã phối hợp, loài người không được phân ly.” Họ thưa với Người: “Thế sao ông Môsê lại truyền dạy cấp giấy ly dị mà rẫy vợ?” Người bảo họ: “Vì các ông lòng dạ chai đá nên ông Môsê đã cho phép các ông rẫy vợ, chứ thuở ban đầu không có thế đâu”.

Như thế, những lời của Chúa Giêsu trong đoạn này đã xác nhận rằng luật vĩnh cửu của hôn nhân đã được Thiên Chúa hình thành và thiết lập trong ý định từ “thuở ban đầu” khi tạo dựng con người; con người được sống và chia sẻ sự sống của Thiên Chúa. Nhưng từ khi con người bất tuân lệnh của Thiên Chúa, con người đã phá vỡ Giao ước của Thiên Chúa, con người không còn được sống trong tình trạng nguyên thủy từ “thuở ban đầu”, thành ngữ này được Chúa Giêsu lập lại hai lần. Người đã làm nổi bật mầu nhiệm sáng tạo con người, cụ thể là có “nam và nữ”. Đến ngày nay Môsê chấp nhận cấp giấy ly dị là vì lòng dạ con người ngày nay đã trở nên chai đá.

ĐỊNH NGHĨA KHÁCH QUAN VỀ CON NGƯỜI

Chúng ta hãy làm ra con người theo hình ảnh chúng ta, giống như chúng ta” (St 1,26)

Con người là một tạo vật được tạo dựng nên theo hình ảnh của Thiên Chúa, Người tạo nên họ có nam (Zaka, giống đực) có nữ (uneqehah, giống cái). Việc nhấn mạnh sự khác biệt yếu tố giới tính là nền tảng của sự kết hợp, phản ánh hình ảnh của Thiên Chúa; tính dục và hấp lực của nó là tiền đề tự nhiên, là cơ sở sinh học từ đó dẫn đến khát vọng nên một trong tình yêu. Nhận định một cách khách quan, sự tạo dựng con người đã hàm chứa Bí tích Hôn phối.

Việc tạo dựng con người ẩn chứa trong đó một nội dung đậm chất siêu hình, có bản chất thần học, Kinh Thánh không nói đến việc con người giống phần còn lại của thọ tạo mà chỉ nói con người giống Thiên Chúa. Điều đó đã được bộc lộ rõ nơi việc định nghĩa con người trên cơ sở tương quan giữa con người với Thiên Chúa. Như thế con người không thể được hiểu và giải thích cách thấu đáo bằng những phạm trù “trần thế”, nghĩa là từ những gì thấy được nơi thân xác. Mặc dù trong trình thuật có những diễn tả chi tiết con người được định nghĩa trước hết trong các chiều kích hữu thể và hiện sinh, nhưng con người còn được định nghĩa theo kiểu siêu hình hơn là vật lý. Chính trong bối cảnh siêu hình được mô tả trong sách Sáng Thế, ta cần phải hiểu về cái thiện hảo, tức là khía cạnh giá trị của con người. Con người được tạo dựng cùng với thế giới hữu hình, trong nhịp độ bảy ngày tạo dựng thế giới, sau khi tạo dựng con người việc tạo thành đã đạt tới đỉnh điểm: “Thiên Chúa thấy mọi sự Người làm ra quả là rất tốt đẹp” (St 1, 31). Bởi thế ta có thể nói một cách chắc chắn rằng việc tạo dựng con người là cơ sở vững chắc cho một siêu hình học, cho cả một nhân học và đạo đức học, theo đó các hữu thể và sự thiện hảo là có thể hoán đổi cho nhau.

ĐỊNH NGHĨA CHỦ QUAN VỀ CON NGƯỜI 

Con người được dựng lên từ bùn đất, Thiên Chúa thổi hơi tạo sự sống cho con người, Thiên Chúa gọi con người đầu tiên này là Adam (nghĩa là: “con người”). Thiên Chúa lấy cái xương sườn đã rút từ con người đầu tiên này ra làm thành một người đàn bà và dẫn đến với con người, như thế người nam và người nữ được Thiên Chúa tạo dựng cùng một chất liệu. Adam cảm thấy vui mừng, một sự sung mãn tràn đầy và nói: “Phen này, đây là xương bởi xương tôi, thịt bởi thịt tôi” (St 2, 22), con người là một cặp cả nam và nữ, lúc đó con người là mầu nhiệm tình yêu Thiên Chúa, mầu nhiệm hiệp thông, con người lúc ấy sống trong sự ngây thơ, tinh tuyền và hạnh phúc nguyên thủy: “Con người và vợ mình, cả hai đều trần truồng mà không thấy xấu hổ trước mặt nhau” (St 2, 25).

Sau khi con người phạm tội con người không còn khả năng hiệp thông để phản ánh Tình Yêu Thiên Chúa. Thiên Chúa đã ban cho con người sự tự do để được lớn lên trong sự phong phú của mình, nhưng chính sự tự do này khiến con người có nguy cơ sa ngã. Thiên Chúa chấp nhận con người tuân phục hay bất tuân. Từ khi con người phạm tội, con người mới cảm thấy xấu hổ vì nhận ra mình trần truồng, phản ứng của con người là sợ hãi, cảm giác mất tình yêu thương, mất sự che chở bảo bọc của Thiên Chúa, con người trở thành hình ảnh Thiên Chúa méo mó nơi chính mình.

Sự kiện cây biết thiện biết ác là ranh giới ngăn cách hai tình trạng nguyên thủy mà sách Sáng Thế đã đề cập tới.

Thứ nhất là tình trạng ngây thơ, trong trắng, vô tội nguyên thủy của con người, nam cũng như nữ, khi ấy họ ở ngoài tầm hiểu biết điều thiện điều ác, tình trạng ấy kéo dài cho tới khi họ vi phạm luật cấm của Đấng Tạo Hóa là ăn trái cấm.

Tình trạng thứ hai là tình trạng khi con người đã phạm tội do sự xúi giục của thần dữ biểu trưng bởi con rắn và khi ấy con người đã biết thiện biết ác.

Hoàn cảnh thứ hai này xác định tình trạng con người phạm tội đối nghịch với tình trạng nguyên thủy.

Như thế khi Chúa Giêsu dùng chữ “thuở ban đầu” để trả lời cho những kẻ chất vấn Người, thì một phương diện nào đó, Người bảo họ phải vượt qua ranh giới giữa tình trạng thứ nhất và tình trạng thứ hai của con người mà sách Sáng Thế kể lại. Người không tán thành việc Môsê cho phép ly dị “vì lòng họ chai đá”, mà nhắc lại những lời của trật tự thuở ban đầu Thiên Chúa đã định. Như thế có nghĩa là trật tự này không mất đi sức mạnh của nó, mặc dù con người đã đánh mất sự ngây thơ vô tội ban đầu của mình.

Người ta có thể nói rằng đó là một chiều sâu có bản chất chủ quan và theo một nghĩa nào đó, mang tính chất tâm lý.

Con người đã phạm tội, tội lỗi đã đi vào thế gian, sự chết đã đi vào thế gian, con cái của con người cũng chịu chung cảnh ngộ này. Nhưng Thiên Chúa là Tình Yêu, đã yêu thương đến cùng không để con người sống dưới quyền sự chết. Thiên Chúa phán với con rắn: “Ta đặt mối thù giữa mi và người đàn bà, giữa dòng giống mi và dòng giống người ấy, dòng giống đó sẽ đạp nát đầu mi và mi sẽ tìm cắn gót chân người”(St 3, 15)….

Adam mới là Đức Giêsu Kitô cứu con người trở về cùng Thiên Chúa, con người muốn tìm lại mình phải đi theo con đường mà Đức Giêsu Kitô đã đi là vâng phục Thánh Ý Thiên Chúa, con người phải vượt qua bóng tối tội lỗi, vượt qua những khó khăn, những thử thách để giữ gìn sự hiệp nhất, nhưng sức con người thì có hạn mà thử thách thì quá nhiều, con người cần ân sủng của Thiên Chúa để giúp con người vươn lên.

SỰ LIÊN HỆ GIỮA TÌNH TRẠNG VÔ TỘI NGUYÊN THỦY VÀ TÌNH TRẠNG ĐƯỢC CỨU CHUỘC NHỜ ĐỨC KITÔ 

Cây biết thiện biết ác vừa diễn tả vừa là biểu tượng của Giao ước đã bị đổ vỡ trong tâm hồn con người, cây phân cách hai hoàn cảnh và hai tình trạng hoàn toàn đối nghịch nhau, đó là tình trạng trong trắng nguyên thủy và tình trạng tội nguyên tổ.

Con người sống trong tình trạng tội lỗi, mất ơn thánh sủng do phạm tội, con người đã phá hủy giao ước ban đầu, con người đã đánh mất sự sống siêu nhiên mà Thiên Chúa ban tặng, hệ lụy này ảnh hưởng đến cả con cái, di sản mà Adam và Eva để lại, người ta có thể qui chiếu này là sự “đồng thừa kế” về tội, tội này nơi mỗi con người trong lịch sử là tình trạng đánh mất ân sủng của Thiên Chúa, đánh mất tình trạng vô tội nguyên thủy từ thuở ban đầu.

Sau khi con người phá vỡ Giao ước nguyên thủy với Đấng Tạo Hóa của mình, con người cũng đã nhận được lời hứa cứu chuộc đầu tiên. Lời hứa này được ghi trong St 3,15 và được gọi là Tiền Tin Mừng. Từ đó, con người sống trong viễn tượng cứu chuộc. Như thế, con người trong “lịch sử” được tham gia vào viễn tượng này.

Vì vậy, con người không chỉ bị khép lại trước tình trạng vô tội nguyên thủy do tội lỗi mình, nhưng đồng thời lại được khai mở lối vào mầu nhiệm cứu chuộc được hoàn thành trong Đức Kitô và nhờ Đức Kitô.

Phép Rửa Tội thánh hóa con người, trả lại cho con người ơn thánh sủng từ thuở ban đầu. Tuy xu hướng tội lỗi vẫn còn, thúc đẩy con người về đàng tội lỗi, nhưng nhờ ơn cứu chuộc, áo công chính của Chúa Kitô phủ lên hình ảnh méo mó của con người làm cho con người có kinh nghiệm và khả năng đấu tranh chống lại sự thúc đẩy phạm tội. Con người được hít thở lại bầu khí sự sống của Thiên Chúa nhờ đó con người đã có khả năng yêu thương, khả năng hiệp nhất do ân sủng của Đức Kitô mang lại.

Ý NGHĨA CỦA SỰ ĐƠN ĐỘC NGUYÊN THỦY CỦA CON NGƯỜI

Thiên Chúa đã lấy đất nặn ra mọi thứ dã thú, mọi chim trời và dẫn đến với con người, để xem con người gọi chúng là gì” (St 2, 19). Như vậy ý nghĩa đầu tiên của sự cô đơn nguyên thủy được xác định trên cơ sở một trắc nghiệm hay khảo hạch con người trước mặt Thiên Chúa. Nhờ trắc nghiệm đó con người mới ý thức được sự ưu việt của mình, nghĩa là con người không thể để mình ngang bằng với bất kì một loài sinh vật nào khác trên trái đất.

Con người cảm thấy cô đơn vì nhận thấy mình vừa khác Thiên Chúa vừa khác muôn loài, không ai giống mình, không ai hiểu mình, không ai ngang tầm với mình. Thiên Chúa thì cao quá, xa quá, mọi sinh vật mà con người đã đặt tên thì khác biệt chúng. Thân phận con người luôn luôn còn đó nỗi cô đơn. Con người không chỉ đơn độc tại yếu tính mà còn tại chủ thể.

Vậy tại sao Thiên Chúa lại để con người trong tình trạng cô đơn?

Xét theo phương diện tích cực, con người nhận thức được bản thân mình khác biệt với muôn loài, con người cảm thấy khao khát đi tìm cho mình một “đối tác” để tìm cách thoát khỏi tình trạng đơn độc. Cho dù là linh mục, tu sĩ, độc thân, góa vợ, góa chồng thì vẫn còn đó nỗi khao khát thoát khỏi tình trạng cô đơn. Con người luôn luôn khao khát đi tìm cho mình cái tuyệt hảo, cái vô biên.

Nếu ta đặt con người vào những phạm trù trần gian như địa vị, của cải, quyền lực cuối cùng con người sẽ đi đến chỗ tuyệt vọng. Khi con người còn sống trong phạm trù sở hữu thì còn thất vọng, lòng tham của con người chỉ muốn thêm và nhiều hơn nữa, ta gọi đó là logic của lòng tham. Điều quý giá nhất như lời Chúa Giêsu đã nói: “Anh em hãy yêu thương nhau”, “Hãy dùng tiền bạc mà mua bạn bè”. Nhưng ta thì ngược lại, sự cám đỗ của rắn già thúc đẩy ta đi tìm cái mau qua với thời gian.

Con người thì không ai hoàn hảo, không ai hoàn toàn tuyệt đối 100%, vợ chồng khi sống chung mới khám phá ra cái bất toàn nơi nhau, cảm thấy thất vọng, không chấp nhận nhau, đưa đến đổ vỡ, ly dị… và con người mang trong lòng nỗi khát vọng vô biên, đi tìm đối tượng phải là Chân – Thiện – Mỹ. Chỉ có Thiên Chúa mới hoàn toàn tuyệt hảo, mới đáp ứng được khát vọng vô biên của con người. Đời sống vợ chồng vẫn mãi còn ở trong ngục tù gia đình nếu không cùng nhau khám phá ra nỗi khát vọng vô biên đó.

ĐƠN ĐỘC, Ý THỨC MÌNH LÀ MỘT NHÂN VỊ

Con người ở một mình không tốt . Ta sẽ làm cho nó một trợ tá tương xứng với nó” (St 2, 18)

Thân xác làm cho con người được tham dự vào thế giới thụ tạo hữu hình và đồng thời cũng khiến con người biết mình “đơn độc”, điều đó có nghĩa là, qua nhân tính của mình, qua những gì làm cho con người là người, con người được đặt trong tương quan với chính Thiên Chúa, một tương quan duy nhất, độc đáo, vô song. Nhờ thân xác ấy, con người khác biệt và “tách biệt” khỏi thế giới động vật và cũng nhờ thân xác ấy mà con người là một nhân vị, cũng chính thân xác ấy, ẩn chứa ý nghĩa sự cô đơn nguyên thủy của nó, là nhân tố chuyển thông cách rõ ràng cho con người chủ thể tính siêu việt và ngã vị.

Chính vì thế con người cần đi ra khỏi mình, đi ra khỏi cái “tôi”, đi ra khỏi cả gia đình trong tương quan với tha nhân vì bản chất của hôn nhân gia đình có chiều kích xã hội. Có đi ra khỏi mình, ta mới thấy sự phong phú nơi mình, ta mới hiểu ta hơn, khám phá ra rằng mình có giá trị, anh em có giá trị, đó chính là nhân phẩm của con người. Nếu con người sống ích kỷ, sống khép kín thì đời sống con người đang đi vào ngõ cụt và dẫn đến sự chết.

Con người là thụ tạo của Thiên Chúa từ khi phạm tội con người xa rời Thiên Chúa, vì thế, không bao giờ tìm được người phối ngẫu hoàn hảo, mà luôn thấy sự hữu hạn nơi người bạn đời, chỉ có Thiên Chúa mới đáp ứng được nỗi khát vọng hoàn hảo ấy.

Nơi con người, xác hồn là một thể thống nhất. Thiên Chúa mặc lấy xác phàm, chịu những dấu đinh xuyên qua, qua cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu Kitô thân xác con người đã được cứu chuộc, do ân sủng của Thiên Chúa biến thân xác ta thành Đền thờ của Chúa Thánh Thần, dù thân xác ta tội lỗi Thiên Chúa sẽ làm cho nó biến đổi đây là sáng kiến của Thiên Chúa. Thiên Chúa đã chọn thân xác để cứu chuộc, thể hiện tình yêu của Ngài nơi thân xác, làm phát triển nhân vị và làm cho ta bớt cô đơn.

Sau buổi học một số học viên đưa ra các câu hỏi như:

1. Khát vọng có con của những cặp vợ chồng hiếm muộn, có được thụ tinh trong ống nghiệm không?

2. Muốn hạn chế sinh sản: Có được dùng bao cao su hoặc điều hòa kinh nguyệt không? Dùng bao cao su và điều hòa kinh nguyệt tội nào nặng hơn?

3. Những vấn đề liên quan đến phá thai.

Cha Louis đã giải thích thỏa đáng những câu hỏi được đưa ra.

*****************************

Bài cảm nhận của các học viên sau đợt tĩnh tâm

Sau thánh lễ tối thứ bảy, màn đêm đã phủ xuống trên con đường từ nhà cơm về phòng nghỉ của dòng Mến Thánh Giá – Cái Mơn. Sư thinh lặng thư thái của tâm hồn hòa với không gian yên tĩnh, dịu mát, gió thổ hiu hiu, tiếng lá nghe lao xao, khiến con người trở nên nhạy cảm hơn, trẻ hơn và dịu dàng hơn. Chúa ơi! Mỗi lần ngước mắt lên bầu trời một ngôi sao lại ngắm nhìn con. Người ta bảo mỗi ngôi sao là một linh hồn thánh thiện, tuy bản chất chỉ là cát bụi, nhưng nhờ thánh thiện mà có thể phát ra ánh sáng xuyên suốt màn đêm, xuyên qua hằng tỷ năm ánh sáng như thế. Phải chăng Chúa sai thiên thần bản mệnh đến với con là để thân xác cát bụi này cũng được tỏa sáng? Thảo nào, biết bao lần con ngủ mê Người đã đánh thức con, bao lần con con quên sót bổn phận Người đã nhắc nhở con khi con vấp ngã Người nâng đỡ con, rồi an ủi con, rửa sạch con và lại xin Chúa thứ tha.

Tạ ơn Chúa đã ban cho con một người bạn đường vô hình thánh thiện mà gần đây thôi con mới biết.

Ngước mắt lên ngắm nhìn Đức Mẹ Bãi Dâu, con lại thấy ở Đức Mẹ tất cả đức hạnh của một vì sao: thinh lặng, cầu nguyện, khiêm nhường, phó thác, vâng lời … Trong giờ chầu Thánh Thể, trước Mình Thánh Chúa, con ước ao biết yêu Chúa Giêsu như Mẹ đã yêu, biết yêu anh em mình như Chúa Giê su đã yêu.

Trong lúc xét mình chờ xưng tội, nhìn cành cây đung đưa trước gió, con mới thấy mình quá tự do và hiếu động, con dùng tự do của mình để trốn chạy khỏi mặt đất khô cằn, tìm kiếm miền đất mới mầu mỡ hơn. Bây giờ con phải học sống đời cây: không thể đổi chỗ thì phải cắm sâu hơn, sâu đến tận nguồn mạch sống để hút chất bổ dưỡng mà nuôi cây xanh tươi làm bóng mát che cho người cần nương náu, sinh hoa làm đẹp cho đời, kết trái cho đời thưởng thức hết cái ngon ngọt mà Thiên Chúa ban tặng cho loài người.

Têrêxa Nguyễn Thị Tuyết Minh

*****************************

Một chuyến đi? Không! Có lẽ nó sẽ không phải là một chuyến đi, bởi tôi không có cảm xúc gì về nó, tôi đã không có cảm giác dù tôi đã có cố gắng hơn một chút.

Sau những giờ phút “thinh lặng” tôi đã quên hết tất cả vì trong đầu của tôi bây giờ quá nhẹ, chưa bao giờ nó nhẹ như thế. Ngay cả trong những giờ phút quì trước Thánh Thể, tôi cũng thể suy nghĩ được gì hơn là sự trống rỗng.

Như Thánh Gioan tựa mình vào ngực Chúa (Ga 13, 23). Vâng ! Tôi đã phó thác hoàn toàn vào Chúa và tôi đã để Ngài hoạt động trong tôi. Riêng tôi, cuộc sống chỉ nên thật đơn giản thôi, đơn sơ thôi, nhỏ bé thôi, tôi biết Chúa sẽ chẳng trao cho tôi những việc mà Ngài biết tôi không thể làm được. Tôi sẽ hoạt động hết sức mình những gì Ngài gửi đến cho tôi.

Xin cảm ơn một chuyến đi.

Antôn Nguyễn Anh Vũ

TÌNH YÊU HÔN NHÂN DƯỚI CÁI NHÌN NHÂN HỌC KITÔ GIÁO

************

WGPSG -- Ngày 5/12/2009 buổi học tuần thứ năm, các học viên được học hỏi và chia sẻ về đề tài Tình Yêu Vợ Chồng tại TTMV của giáo phận.

Tình yêu con người tuôn chảy từ thượng nguồn Tình Yêu Thiên Chúa, tình yêu của hai người nam và người nữ trao cho nhau phản chiếu Tình Yêu Thiên Chúa dựa trên cơ sở công trình tạo dựng ban đầu của con người có giới tính, chính sự khác biệt giới tính này con người được mời gọi hướng lên một sự khát vọng trở nên một, ta gọi đó là Tình Hiệp Thông. Nhưng con người tự mình đã không đủ sức để vươn lên, chính sự hữu hạn và bất toàn của con người đã làm cho tình yêu rạn nứt và dễ đổ vỡ.

Vậy điều gì có thể làm cho con người ở lại với nhau?

Đó chính là nhờ ân sủng của Thiên Chúa. Chính nhờ ân sủng của Thiên Chúa nâng đỡ và mời gọi con người hướng về tình yêu thượng nguồn, hướng tới kết hợp vĩnh cửu. Khi con người đang sống trong tình yêu thời gian như ngừng trôi, thời gian như trở thành vĩnh cửu, khi tình yêu hai người đạt tới đỉnh cao, họ luôn hướng tới một ngày kết hợp nên một trong tình yêu.

Bài 5: TÌNH YÊU HÔN NHÂN 

I. Một giao ước "Trung thành mãi mãi"

Thượng nguồn tình yêu là một giao ước giữa Thiên Chúa và Dân Ngài, một giao ước không thời hạn, đòi hỏi hai bên phải trung thành với nhau và trung thành mãi mãi. Tình yêu của Thiên Chúa đối với con người được mạc khải trong cựu ước và tân ước là điểm đến của lịch sử cứu độ. Nhưng để đạt được ý định hiệp thông yêu thương, dân Do thái phải trải qua một hành trình rất dài, khởi đầu là lời hứa với Abraham, và ban tặng giao ước với dân Do thái tại núi Sinai.

Thiên Chúa thì trung thành vĩnh viễn, con người thì mong manh, mỏng dòn, thường xuyên bất trung, dân Do Thái bất trung triền miên, Thiên Chúa thì luôn trung thành, luôn luôn tha thứ và luôn luôn yêu thương.

Tình yêu giữa Thiên Chúa và dân Do Thái được ví như một phu quân cưới một người vợ hoang đàng, nàng đang cố lê lết trong cuộc đời đầy tủi nhục, vị phu quân ấy đã gặp được nàng, đem về chăm sóc và trang điểm trở thành một người đẹp và trở thành phu nhân của chàng. Làm vợ một thời gian nàng lại bỏ chàng ra đi ngoại tình với người khác. Thiên Chúa là Giavê hay ghen, cảnh cáo và trừng phạt rồi lại tha thứ, yêu thương và lập lại giao ước. Giavê không chỉ trung thành với nàng mà thôi mà còn trung thành cả với Lòng Thương Xót, bản chất của Ngài là Hesed là trung thành và lòng thương xót. Khi bị phản bội lòng Giavê đớn đau, quặn thắt. Ngày nay tham gia vào Lòng Thương Xót Chúa là chúng ta tham gia vào sự quặn thắt, đớn đau và biết tha thứ như Thiên Chúa khi bị phản bội.

Giao ước thượng nguồn có sự chênh lệch một bên là Thiên Chúa luôn trung thành, một bên là con người hay bất trung, cả hai bên đều được mời gọi trở nên trung thành mãi mãi và đưa đến một sự kết hợp vĩnh viễn. Tình yêu đó ngày nay được thể hiện trong các đôi hôn nhân trong đời sống vợ chồng, họ được mời gọi để bước tới một lý tưởng là trung thành mãi mãi trong tình yêu, trung thành trong sáng tạo, thúc đẩy con tim bừng cháy yêu thương.

Sự trung thành dứt khoát và tuyệt đối mà đôi hôn nhân được mời gọi hướng tới, đối với con người là không thể thực hiện được nếu không có sự can dự trực tiếp của Thiên Chúa. Phải là một kinh nghiệm tình yêu lứa đôi cao nhất mới có thể là biểu trưng cho tình yêu Thiên Chúa đối với dân Người và đối với toàn thể nhân loại. Cùng với Người toàn thể nhân loại bước đi hướng tới mức viên mãn của sự hiệp thông với Thiên Chúa, mỗi đôi hôn nhân bước đi để trở thành một đôi uyên ương trung thành vĩnh viễn. Đó là yêu cầu đối với mọi tình yêu lứa đôi, như đôi bạn nguyên thủy.

II. Đặc tính duy nhất 

Thiên Chúa là Đấng hay ghen. Ngài ghen với ai?

Thiên Chúa đã ghen khi thấy dân của Ngài chạy theo thần linh hay ngẫu tượng khác, qua các vị thần địa phương, dân Do Thái chạy theo tiếng gọi của sắc dục, tôn thờ của cải vật chất phá vỡ giao ước, qua miệng các tiên tri Thiên Chúa đã cảnh cáo họ, qua đó Thiên Chúa muốn diễn tả tình yêu trong giao ước của Ngài phải là tình yêu duy nhất.

Đặc tính duy nhất đó là “Ta chỉ có một Chúa là Giavê” ta thuộc về Chúa và Chúa thuộc về ta. Ta thuộc về Chúa là trung thành với các điều khoản trong giao ước. Chúa thuộc về ta là bảo đảm cho ta không bị sự chết tấn công.

Đặc tính duy nhất này được thể hiện trong đời sống đôi bạn thể hiện tình yêu thượng nguồn trong thời gian, trong lịch sử, biết tha thứ và đấu tranh xu hướng của xác thịt, nỗ lực nho nhỏ trong đời sống vợ chồng là thờ phượng Thiên Chúa duy nhất, hai vợ chồng đang thực hiện tình yêu Thiên Chúa trong hiện thực, trong lịch sử. khi đó trần thế thành thiên đàng, khi đó ta nhận ra mầu nhiệm trong đời thường, nhận ra Thiên Chúa đang hiện diện.

Tình yêu nhân phàm đã được tình yêu thần linh nhập thể. Ngày xưa Chúa nhập thể, ngày nay được hiện tại hóa trong tình yêu vợ chồng, không ai trong chúng ta xứng đáng cho người kia trung thành, chính Thiên Chúa mới là “đối tác” làm cho tình yêu vợ chồng được trung thành. Điều này cũng đòi hỏi phải trả giá trong đau đón, trong tê tái do người bạn đời hay do chính mình gây ra.

Trong tình yêu vợ chồng tính duy nhất và quí trọng nhau cũng như ưu tiên tuyệt đối cho người bạn đời là rất có ý nghĩa. Người bạn đời là người không thể thay thế, không thể lãng quên, yêu quí nhất và là nguồn vui lớn. Chính những hành động nhỏ nhặt hằng ngày vợ chồng dành cho nhau trong yêu thương, trung thành và tha thứ. Chính những hành vi thờ phượng Thiên Chúa sẽ giúp cho tình yêu vợ chồng thêm mới mẻ và thêm sáng kiến mỗi ngày.

III. Đặc tính trọn vẹn

Yêu nhau yêu cả đường đi. 

Khi yêu nhau tình yêu vợ chồng lôi cuốn cả con người, cả thân xác và tâm hồn trọn vẹn thuộc về nhau, lôi cuốn toàn thể hữu thể của ta và toàn thể hữu thể của người bạn đời: tâm hồn, thể xác, trí khôn, ham muốn, nhu cầu, quá khứ và tương lai, dự phóng và hành động, bóng tối và ánh sáng, ưu điểm và khuyết điểm, khắc sâu vào nơi sâu kín để cuộc sống được biến đổi, người yêu được biến đổi và chính ta cũng được biến đổi. Dầu đang ở đâu cũng thuộc trọn về nhau.

Trong giao ước với Thiên Chúa mỗi ngày con người phải tiến gần Thiên Chúa hơn, ta đang hướng tới Thiên Chúa cụ thể hóa qua những nỗ lực mà ta đang sống, ta phải đang mở lòng ra để cái ham muốn vô biên được lấp đầy, dẫu khó vẫn nỗ lực trong hành động nhỏ nhoi, dẫu khó ta vẫn bước tới trong ý hướng, nhờ đối tác bên A của ta là Đấng giàu “Lòng Thương Xót” con người có khả năng đón nhận cái vô biên (Capa Dei), nhờ đó ta có khả năng bắt đầu làm lại, có khả năng đứng dậy và làm lại (Beginning anew).

Con người luôn luôn yếu đuối, đời sống vợ chồng cũng nên biết thông cảm những khuyết điểm, những lỗi lầm của nhau. Trọng tâm niềm tin công giáo là niềm hy vọng, ta hy vọng làm mới lại vì tin vào Lòng Thương Xót của Thiên Chúa và Ngài cũng mời gọi tình yêu vợ chồng sống đặc tính này.

IV. Đặc tính ưu tiên 

Đối tượng ưu tiên của Thiên Chúa là con người, Người đã chấp nhận hy sinh chính mình, Người đã chịu chết để cứu chuộc con người, Người đã chịu mất chính mình để tìm lại con người chính là hình ảnh của Thiên Chúa.

Con người chỉ thực sự tìm lại được chính mình là khi thành tâm tự hiến chính mình ưu tiên nhất cho người bạn đời. tương quan vợ chồng ở nền tảng trở thành tương quan ưu việt trong trách nhiệm so với các tương quan khác như: công việc, con cái, bạn hữu, hoạt động xã hội, giáo hội và chính trị.

Thật vậy, muốn sở hữu cái tự ngã kia ta phải chấp nhận mất chính mình, đòi hỏi ta phải hy sinh cái “tôi” để yêu thương cái tự ngã kia.

Vì sao tương quan vợ chồng lại đặt ưu tiên như vậy?

Vì con cái Chúa ban trong bao nhiêu năm có giới hạn thời gian, từ khi chào đời cho đến lúc trưởng thành, con cái trở thành một đơn vị mới có khả năng độc lập, như thế trách nhiệm của ta đã thực hiện được 80% đến 90%, còn khía cạnh tình yêu vợ chồng là mãi mãi, vì vậy hôn phối là một dây đặc biệt mà phải chọn ưu tiên, và là lẽ đương nhiên. Nhưng trong thực tế áp dụng thật không đơn giản.

V. Đặc tính tự do 

Thiên Chúa có hướng đi cho con người nhưng để cho con người thực hiện, cho con người có tự do lựa chọn. Thiên Chúa ban cho con người có khả năng hội nhập đời sống đức tin vào môi trường xã hội, hướng mọi sự tới mục đích phục vụ Thiên Chúa và con người.

Tự do thượng nguồn phải có mặt trong cuộc đời. Trung thành trong đời sống vợ chồng và tự do cá nhân dường như là hai khía cạnh đối chọi nhau.

Vậy: Trung thành tình yêu vợ chồng phải hy sinh tự do như thế có đúng nghĩa không? Mà tự do là không khí cần để thở.

Nếu sự trung thành thực sự là yếu tính của tình yêu vợ chồng, không tôn trọng tự do là xem thường tình yêu vợ chồng, muốn tôn trọng nhau phải biết vun trồng tự do.

Vậy: Thế nào là trung thành thực sự? Tự do là gì? Có phải là sự độc lập không?

Ai cũng cần phải có một không gian độc lập mà người khác phải tôn trọng, nhìn nhận người bạn đời còn là một nhân vị ta phải biết vun xới tự do. Tự do làm phát triển nhân vị, trong chân lý nó phát xuất từ thượng nguồn là chính Thiên Chúa mới là do đích thực.

Tự do mà đòi hỏi độc lập tuyệt đối thì không phải là tự do đích thực, Tự do mà làm nghẹt thở thì tình yêu sẽ trở nên vô vị, nhạt nhẽo và bóp chết tình yêu.

Tự do là sự thong dong giữa các ràng buộc, chấp nhận những ràng buộc trong yêu thương, đó là phương thế đạt tới khát vọng yêu thương.

Khác nhau ở chỗ là con tim biết yêu thương, khi đó mọi ràng buộc sẽ trở thành những sợi dây thân ái. Tự do sẵn sàng đón nhận thánh giá vì yêu thương đó là tự do trong Chân Lý, trong Sự Thật.

Chưa chấp nhận ràng buộc trong yêu thương, còn bực mình, khó chịu là còn giam hãm gia đình trong tù túng. Vì tình yêu phát xuất từ Thiên Chúa, không phải là cảm xúc, ngay khi mất cảm xúc ta vẫn còn yêu thương. Tình yêu như dòng chảy ngầm khi có cơ hội sẵn sàng tuôn trào sự sống.

Thái độ trực diện với đau khổ, với nghịch cảnh và sẵn sàng ẵm lấy nó, đón nhận nó bằng con tim yêu thương, có khi phải hy sinh chính bản thân mình lúc đó là ta được giải thoát cùng tham dự vào tự do của Thiên Chúa, lúc đó ta nếm cảm được sự ngọt ngào khi đã can đảm uống cạn chén đắng của cuộc đời.

Ta không đi tìm đau khổ nhưng ta cũng không tránh né đau khổ mà sẽ dùng tự do của mình mà đón nhận nó bằng con tim yêu thương. Đau khổ trong yêu thương là đau khổ được cứu chuộc.

Trung thành bằng một con tim biết yêu thương đó là hướng tới một tình yêu siêu việt. Chung thủy là biết bắt đầu lại sau những lần bất trung.

VI. Đặc tính mở ngõ với sự sống 

Trong kinh thánh ơn gọi của đôi vợ chồng mang một viễn tượng khá lớn. Đoạn kinh thánh St 1,28-31 cho thấy những nền tảng của chiều kích xã hội của đôi bạn: "Hãy sinh sôi nảy nở thật nhiều cho đầy mặt đất và thống trị mặt đất" (St 1, 28). Đây là ơn gọi lớn của đôi bạn, được hiểu về mặt xã hội như là sức sống duy nhất cho sự sống còn và phát triển của toàn thể cộng đồng xã hội, của toàn thể nhân loại.

Đôi vợ chồng nếu chỉ biết yêu nhau trong vòng tay của nhau lúc đó hai người còn giam hãm trong ngục tù. Muốn tình yêu được thăng hoa hai người phải biết mở ngõ ra với tha nhân, nhất là ý thức nhu cầu thâm sâu về sinh sản và vun trồng sự sống của tình yêu mở ra với xã hội sao cho thật sai quả.

Như thế sự hợp thành đôi bạn không chỉ liên lụy đến hai người mà còn có chiều kích xã hội tương quan cá nhân với cộng thể (làng xóm, xã hội).

Ngày nay những vấn nạn đang phản lại giá trị tình yêu hôn nhân như: ly dị, phá thai chống lại sự sống, chiến tranh cá nhân với cá nhân, xã hội với xã hội, tự do đồng tính luyến ái … Nếu đòi hỏi phải tôn trọng tự do không đứng đắn, con người lại bị rơi vào vòng nô lệ khác, vòng luẩn quẩn cứ trói chặt con người không lối thoát.

Tình yêu vợ chồng được thăng hoa trong chiều kích xã hội là biết tôn trọng sự tự do đứng đắn, biết mình còn phụ thuộc vào người khác, phụ thuộc vào xã hội, có tương tác hai chiều. Nếu không ý thức, tương quan chiều kích xã hội có nguy cơ lệch lạc, tương quan vợ chồng với xã hội là biết đóng góp phần mình cho xã hội. Tình yêu vợ chồng được triển nở chiều kích xã hội khi thành tâm, yêu mến muốn phục vụ xã hội, chính lúc quên mình phục vụ, con tim hướng tới người khác, quan tâm đến những nhu cầu của người khác nhiều hơn lúc đó hai người làm cho tình yêu vợ chồng được phong phú hơn.

Nói cách khác, hai vợ chồng bộc lộ tính xã hội của tình yêu chính khi bày tỏ ước muốn hợp nhất trong một dự phóng duy nhất cuộc sống riêng và chung với xã hội. một thái độ sống với dự phóng tương lai sẽ liên hệ không những đến lịch sử của hai người mà còn liên hệ đến lịch sử của tất cả mọi người. 

Cuối buổi học 1 học viên đưa ra câu hỏi liên quan đến vấn đề "Sống thử trước hôn nhân" mà ở ngoài xã hội đã có những buổi tọa đàm về vấn đề này, có những ý kiến đồng tình và những ý kiến không đồng tình.

Cha Louis cũng đã giải thích cho các học viên về hiện tượng này đã và đang xuất hiện như một trào lưu trong xã hội, sau cùng ngài cũng đặt ra một câu hỏi để mọi người cùng suy ngẫm: "Là một Kitô hữu anh chị em có chấp nhận sống thử không?" Why / Why not?

Bài 6:  HÔN NHÂN – BÍ TÍCH ƠN CỨU ĐỘ 

A. TÍNH BÍ TÍCH VÀ BÍ TÍCH

Bí tích là dấu chỉ khả giác để diễn tả một thực tại vô hình ngang qua dấu chỉ hữu hình mà ta có thể chạm tới được. Bí tích còn là một dấu chỉ hữu hiệu, một dấu chỉ có hiệu năng, hiệu quả mời gọi con người tham dự vào sự sống thần linh, sự sống đời đời của Thiên Chúa, sự sống đó không tách lìa sự sống trần gian.

Hôn nhân là một cuộc hành trình dài đối với từng đôi vợ chồng để thể hiện tính bí tích của họ. Hôn nhân Kitô giáo là một bí tích vì tuy lưu ý tới thế tục nhưng trong đó có sự ẩn hiện của thần linh, là dấu chỉ của ơn cứu độ, là phản ánh chính tình yêu và bản thân của Thiên Chúa Ba Ngôi.

Đức Giêsu Kitô là bí tích đầu tiên, Ngài là bí tích của Thiên Chúa Cha "Ai thấy Thầy là thấy Cha" (Ga 14,9), vì thế chạm tới được Đức Kitô là chạm tới Chúa Cha, chạm tới ơn cứu độ của Thiên Chúa. Tin vào Đức Kitô là tin Ngài là trung gian giữa thế giới vô hình và hữu hình, và niềm hạnh phúc của ta, những kẻ tin Ngài, là có Đấng Emmanuel đang ở giữa chúng ta, ở ngay trong chúng ta. Khi người Kitô hữu tham dự vào Bí tích Rửa tội và Bí tích Thánh thể là tham dự vào đời sống của Thiên Chúa Phục Sinh "Thầy ở cùng các con mọi ngày cho đến tận thế" (Mt 28,20). Thiên Chúa luôn hiện diện và ở giữa những cộng đoàn nhân danh Ngài mà quy tụ lại, đó chính là Hội Thánh, là những chi thể được hội tụ lại trong cùng một thân thể, mà Hội Thánh là Nhiệm thể, là Bí tích của Đức Kitô. Bí tích nối kết giữa thiêng và tục, giữa phàm nhân và Thiên Chúa, là dấu chỉ hữu hình mầu nhiệm về ơn cứu độ của Thiên Chúa. Niềm vui của chúng ta là Chúa Kitô Phục Sinh luôn hiện diện và cùng đồng hành với chúng ta.

Như thế, mỗi đôi vợ chồng, xét như đích thực là lứa đôi, là dấu chỉ, là bí tích của tình yêu Thiên Chúa. Mỗi đôi bạn có khả năng luôn tiến bước trên con đường hướng tới tình yêu hoàn hảo, là hình ảnh năng động và sống động của Thiên Chúa Ba Ngôi hiệp thông trong tình yêu.

Bí tích Hôn nhân Kitô giáo chỉ có nghĩa trong Đức Kitô và trong Giáo hội, vốn được thực hiện trong một thực tại lịch sử cụ thể rõ ràng. Công đồng Vatican II (Hiến chế Gaudium et Spes, s. 48) có nói: "Tình yêu vợ chồng đích thực được kết nhập trong tình yêu Thiên Chúa, được nâng đỡ và thêm phong phú nhờ quyền năng cứu chuộc của Chúa Kitô và hoạt động cứu độ của Giáo hội". Và trong tông huấn Familiaris Consortio, 18, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II cũng đề cập đến: "Sự hiệp thông vợ chồng là hoa trái và là dấu chỉ của một đòi hỏi có tính nhân bản sâu sa. Nhưng trong Chúa Kitô, Thiên Chúa đòi hỏi lấy nhân bản này. Ngài củng cố, thanh luyện và nâng cao đòi hỏi đó bằng cách đưa nó đến kiện toàn với bí tích hôn phối".

Như thế, hôn nhân Kitô giáo là hôn nhân của những người tin làm nên bí tích.

B. HÔN NHÂN QUA DÒNG LỊCH SỬ

Đức Giêsu đã khẳng định: “Sự gì Thiên Chúa đã kết hợp loài người không được phân ly” (Mt 19, 6) khi có vài người Pharisiêu đến hỏi thử Người về việc bất khả phân ly của hôn nhân. Nhưng ngày nay, trong cái nhìn tiêu cực về pháp lý, người ta đã coi hôn nhân là sợi dây ràng buộc, sợi dây oan nghiệt và đã làm nhạt nhòa đi dấu chỉ tình yêu Thiên Chúa và lên án Giáo hội là khắt khe, không cho phép ly dị khi mà hai người không thể sống chung. Nếu ta chỉ tìm những lý lẽ của thế giới phàm tục thì không bao giờ ta hiểu được câu nói của Đức Giêsu trong Mt 19, 6.

Đức Giêsu đã đưa ra lập trường của Thiên Chúa từ thưở ban đầu khi tạo dựng nên con người có nam, có nữ và tình yêu nam nữ là dấu chỉ hữu hình về một tình yêu hiệp thông của cộng đoàn Ba Ngôi Thiên Chúa.

Dẫu biết rằng khoảng cách tình yêu vợ chồng và Tình yêu Thiên Chúa là một khoảng cách xa diệu vợi, là một hố sâu. Ấy thế mà Thiên Chúa đã quyết định và đã chọn tình yêu nam nữ trong hôn nhân để phản chiếu Tình yêu Thiên Chúa.

Trong các thế kỷ đầu tiên, các Kitô hữu kết hôn với nhau giống như những người khác trong xã hội của họ, mà không đi đến nhà thờ. Từ thế kỷ thứ IV – V trở đi, ý nghĩa hôn nhân Kitô giáo bắt đầu một quá trình thay đổi, chậm rãi mà phức tạp, trên bình diện văn hóa, thần học, nghi lễ, pháp lý, làm thay đổi cái nhìn lúc ban đầu và đạt tới đỉnh điểm ở Công đồng Trentô ( 1545 – 1563) với sắc lệnh Tamétsi: “Từ nay mọi Kitô hữu kết hôn với nhau phải được cử hành trước mặt người đại diện Giáo hội, kèm theo những quy định và ràng buộc, không bị cản trở theo luật hôn nhân. Và những cuộc hôn nhân trước đây của các Kitô hữu, mọi sự trao đổi ưng thuận vợ chồng của những người đã chịu Phép Rửa đều được thực hiện trong Đức Kitô, vẫn thành sự”.

Công đồng Trentô hệ thống hóa các giáo thuyết đã triển khai ở các thế kỷ trước đó nhưng xác nhận sự đồng nhất giữa bí tích và khế ước. Với sắc lệnh Tamétsi Công đồng qui định hình thức Giáo luật bắt buộc phải có để cử hành thành sự một cuộc hôn nhân giữa những người tín hữu và đã khẳng định thẩm quyền duy nhất của Giáo hội trên thể chất hôn nhân.

Một vấn nạn được đặt ra. Vậy khi nào thì hôn nhân trở thành bí tích? Bí tích có ý nghĩa gì? Khi Công đồng Trentô xác định những cuộc hôn nhân trước đây vẫn là bí tích và từ nay thì lại buộc các Kitô hữu kết hôn phải cử hành trong Chúa, trong luật Giáo hội thì mới thành sự. Giáo hội có quyền hay không khi xác định như thế?

Thế là, bắt đầu nảy sinh một vấn đề mới vào thời gian sau đó làm cho tương quan giữa Giáo luật và các hệ thống dân luật trở nên khó khăn hơn.

Suy tư thần học, giáo thuyết và mục vụ một cách vô tình khép chân trời của hôn nhân vào những góc nhìn hạn hẹp. Người ta chỉ chú ý đến các mặt xã hội, thể chế, pháp lý của hôn nhân Kitô giáo, và coi chúng là thực tại quan trọng nhất, coi hôn nhân có thể giản lược vào sự cử hành trước mặt cha xứ, như thể bậc sống hôn nhân gia đình có thể rút gọn lại chỉ còn như thực thi một hợp đồng. Bí tích thành sự đâu phải chỉ là lúc hai người công bố trong nhà thờ; lúc đó mới chỉ là bắt đầu, tiếp theo còn cả một quá trình dài trong suốt cuộc đời, khi họ nỗ lực yêu thương nhau, hiệp thông với nhau trong đời sống hằng ngày.

Như thế, chúng ta phải đối mặt với một nền thần học về hôn nhân chỉ dừng lại ở điểm triển khai ưu tiên các phạm trù pháp lý và luân lý (tính khế ước, bất khả phân ly, quyền và nghĩa vụ v.v...) hơn là Thánh Kinh (giao ước, tình yêu, dâng hiến, mầu nhiệm Vượt Qua, niềm vui). Chúng ta đang đứng trước một Giáo hội chỉ chú ý đến kiểm soát định chế hôn nhân hơn là sự sống động của hôn nhân trong đức tin; chú ý đến tương quan giữa bí tích và xã hội dân sự hơn là tương quan giữa bí tích và cộng đoàn Giáo hội.

Công đồng Vatican II đã phục hồi lại toàn bộ sự phong phú của bí tích, làm tái sinh lại hôn nhân Kitô giáo về mặt thần học, có một sự thay đổi rất lớn trong viễn tượng về lãnh vực hôn nhân. Bí tích Hôn nhân được thoát ra khỏi não trạng hạn hẹp, chỉ quá chú tâm đến nghi lễ. Công đồng đã dựa trên mặc khải của Chúa Giêsu Kitô, nhận thấy cốt lõi của quan hệ vợ chồng chính là tình yêu, chính yếu tố tình yêu nâng đỡ đôi bạn trong quá trình sống chung một cách thân mật, cộng đoàn hôn nhân là cộng đoàn sự sống và tình yêu, và Công đồng lưu tâm tới tình yêu vợ chồng là bí tích hiệp thông của đời sống hơn là thứ bí tích khế ước và nghi thức.

Trong chiều kích dấu chỉ, Bí tích Hôn phối là sự hiệp thông tình yêu giữa hai người phối ngẫu, dấu chỉ và những hành động của Bí tích Hôn phối không gì khác hơn là tình yêu nối kết đôi bạn lại với nhau, dấu chỉ đó chính là sự hiệp thông tình yêu và sự sống của đôi vợ chồng vốn là một thực tại nhân loại, nơi đó Đấng Tạo Hóa luôn hiện diện và hành động cách mầu nhiệm để đưa tình yêu vợ chồng đến mức viên mãn của nó.

Trong chiều kích mầu nhiệm, Bí tích Hôn phối là sự hiện diện của Đức Giêsu Kitô, Người bước vào lịch sử của đôi bạn để biến đổi tình yêu của họ nên giống tình yêu của Người. Qua Đức Kitô và nhờ Đức Kitô tình yêu vợ chồng phản ánh tình yêu Thiên Chúa.

C. BÍ TÍCH HÔN NHÂN – KINH NGHIỆM GẶP GỠ CHÚA

Ta không thể cảm nghiệm được tình yêu Thiên Chúa nếu Thiên Chúa không bày tỏ tình yêu của Ngài ra cho ta. Nếu Thiên Chúa không nhập thể, không từ bỏ địa vị để xuống thế làm người thì ta đâu có thể chạm được đến Người. Thiên Chúa làm người, đây là một sáng kiến tuyệt diệu của Thiên Chúa, Người còn cho ta thấy được những thực tại mà ta cảm nghiệm được qua các bí tích. Bí tích phải hiểu theo nghĩa mầu nhiệm chứ không hiểu theo nghĩa pháp lý. Thiên Chúa tiếp tục hiện diện nơi đời sống của đôi bạn, ta cảm nghiệm được Tình Yêu Thiên Chúa qua tình yêu nhân loại, nơi tình cha, tình mẹ, tình yêu vợ chồng.

Qua tình yêu cha mẹ, đứa trẻ nhận ra tình yêu Thiên Chúa, con người trở thành tạo hóa qua việc cộng tác với Thiên Chúa trong việc sinh sản và giáo dục. Sự sống được triển nở mãi mãi trong thời gian, từ thế hệ này qua thế hệ khác. Cho nên, ta không có quyền tước bỏ quyền được sống, quyền được yêu thương của đứa trẻ.

Thiên Chúa là Đấng Hằng Sống, ta càng chạm sâu vào cái vô thường là ta càng được chạm đến Đấng Thường Hằng, đến cái vô biên nơi Thiên Chúa, ta đừng tránh né những thực tại thường ngày, những đau khổ xảy đến trong đời, ta càng phải chạm thật sâu vào chính cái đau khổ đó để nhận ra tình yêu và Thánh ý của Thiên Chúa.

Vì Thiên Chúa yêu ta, quyết định yêu thương ta đến cùng và mời gọi ta diễn tả tình yêu của Người trong thực tại. Ta phải lo liệu sao vẫn luôn ở lại trong tình yêu cho dù những bất ổn vẫn tồn tại, ngay giữa chính những thực tại đang thay đổi ta nhận ra Thiên Chúa. Đặc biệt trong tình yêu vợ chồng, chính những đau khổ là cơ hội để ta chạm được tình yêu Thiên Chúa, phản ánh tình yêu bao la của Ngài. Như thế, sự phong phú của tình yêu vẫn tuôn chảy như một dòng chảy không ngơi.

Vì vậy, toàn thể đời sống vợ chồng có thể trở thành một "cảnh vực thần học", nghĩa là một nơi đặc biệt cho sự biểu lộ và gặp gỡ Thiên Chúa, nơi Thiên Chúa đồng hành với chúng ta, cả khi ta kinh nghiệm những tiêu cực trong cuộc sống như khi gặp đau khổ, bất lực, giới hạn và tội lỗi

Nếu ta còn chạy đua để tìm các giá trị mau qua như tiền tài, sắc dục, quyền thế, nếu ta còn tục hóa hành vi vợ chồng, biến bạn đời thành một nhu cầu thỏa mãn nhục dục thì ta không thể nào nhận ra trong đời sống vợ chồng có sự hiện diện của Thiên Chúa.

Trong đời sống của kiếp người ai cũng có kinh nghiệm về thập giá. Thập giá còn là phương thế cho sự trưởng thành, là một cuộc vượt qua bắt buộc đối với mọi đôi bạn nếu muốn sống sự hiệp thông vợ chồng cách nghiêm túc. Trong quan hệ hôn nhân mọi đôi bạn đều không ngừng trải nghiệm sự chết đi và sống lại. Đau khổ có ý nghĩa của nó, nhưng người ta chỉ khám phá ra sau đó mà thôi.

Để khám phá ra ý nghĩa của đau khổ, ta cần phải có những giờ khắc chiêm niệm, cầu nguyện với Thiên Chúa. Cầu nguyện và chiêm niệm để nhận ra sự hiện diện của Thiên Chúa trong cuộc đời, đang đồng hành với ta trong hành trình của hai vợ chồng qua những công việc nhỏ nhặt hằng ngày. Dù đời sống hôn nhân còn nhiều sóng gió, những mối bất ổn vẫn còn tồn tại, làm sao mỗi cá nhân cần phải trở thành một “đan sĩ” ngay trong đời sống vợ chồng, ngay trên giường hợp cẩn. Như Bà Madeleine Delbrêl, một nữ giáo dân Pháp đã nói: "Chúng tôi cũng là những người chiêm niệm, những người chiêm niệm bên vệ đường (au bord de la route)". (http://nguoitinhuu.com/chiase/HongGiao/ngonluadschiemniem.html)

Làm sao ta có thể nhận ra được Thiên Chúa, làm sao ta có thể chạm đến Ngài nếu ta không đi vào đời sống chiêm niệm giữa đời thường. Thiên Chúa đã đi vào lịch sử, đã đi vào đời sống con người, Thiên Chúa của Đức Giêsu Kitô chết và phục sinh luôn ở cùng chúng ta, không những trong sự cứu độ, trong sự phục sinh, trong niềm vui, trong ánh sáng mà còn trong nỗi nhọc nhằn hằng ngày, cả ở trong hoàn cảnh tối tăm ảm đạm và đau khổ.

Ta không đề cao đau khổ, không đi tìm đau khổ, nhưng chính trong đau khổ ta có cơ hội gặp gỡ Thiên Chúa, chạm được Thiên Chúa. Ta có chấp nhận chạm sâu vào nỗi đau, ta mới nhận ra Thiên Chúa cũng đang đau khổ trong các cuộc hôn nhân xộc xệch, méo mó và dị dạng.

Cho dẫu ta không tốt lành, không xứng đáng để làm biểu tượng cho tình yêu Thiên Chúa, nhưng Ngài đã chọn ta đi vào tình yêu của Ngài. Mỗi đôi vợ chồng hãy biết tìm kiếm Thiên Chúa trong thực tại trần thế này vì đó là nơi Thiên Chúa đã chọn để cứu độ thế giới.

Thông điệp đích thực mà các đôi bạn Kitô hữu đem lại cho thế giới chính là niềm hy vọng ơn cứu độ, cho dẫu không thấy bằng chứng hiển nhiên.

Các đôi bạn Kitô hữu hãy luôn ý thức rằng: Hôn nhân là Hội Thánh tại gia.

 


Trở Về Trang Mục Lục Giáo Dục