HẠNH PHÚC CHƯA TRỌN

 

Con người sinh ra trên thế giới vẫn muốn yêu và được yêu. Đó là khuynh hướng của con người. Ngay từ lúc mở mắt chào đời, đứa bé khóc oa oa, nó muốn mẹ nó và mọi người chú ý tới nó:nó muốn được yêu và nó yêu thương cha mẹ nó. Càng lớn lên, khuynh hướng yêu thương càng phát triển nơi đứa bé và tới một lúc nào đó, nó tìm kiếm và để ý tới một người khác phái. Thiên Chúa khi tạo dựng trời đất, vũ trụ và con người đã để ý ngay tới việc xây dựng đời sống lứa đôi để con người bảo tồn nòi giống. Như thế, hôn nhân là do Thiên Chúa thiết lập ngay từ thuở ban đầu và khi Chúa Giêsu tới gian trần, Ngài nâng hôn nhân lên hàng bí tích. Tuy hôn nhân được Chúa thiết lập nhưng tự bản chất con người đã có sự khác biệt về tình cảm, về suy nghĩ, về tư tưởng vv…dần dần với dòng thời gian, những biến chuyển của thế giới, của cuộc sống, của văn minh toàn cầu đã làm hôn nhân gia đình mất đi hạnh phúc địa đàng thuở xưa. Vậy, đâu là những vấn đề, những biến chuyển của hôn nhân gia đình đã làm cuộc sống lứa đôi bị lung lay, xáo trộn ? Con người có thể giải quyết những xáo trộn bất hòa trong đời sống hôn nhân không? Hoặc nếu đã cố gắng những vẫn chưa thực hiện được ước mơ làm cho hôn nhân vững chắc, thoải mái theo ý Chúa thì con người hay hôn nhân gia đình vẫn sống trong” hạnh phúc chưa trọn”.

I. VẪN LÀ TÌNH YÊU MUÔN THUỞ:

Theo lẽ thường tình và hết sức tự nhiên: nơi loài động vật phải có trống mái giao cấu với nhau mới sinh sản được. Nơi con người cũng không ra khỏi định luật đó, phải có nam có nữ giao hợp với nhau mới sinh con đẻ cái được. Vì thế, ngay khi tạo dựng trời đất Thiên Chúa đã tạo dựng nên người nam và người nữ để họ phối hợp với nhau mà sinh con cái: Đó là nguồn gốc của hôn nhân.

Đọc lại những trang đầu của sách Khởi Nguyên đọan 1, 26-28 ta thấy:” Thiên Chúa đã phán: Ta hãy dựng nên con người giống hình ảnh Ta, để chúng cai trị trên cá biển chim trời, trên súc vật và mọi loài dã thú côn trùng. Và Thiên Chúa đã dựng nên con người có nam có nữ, và Thiên Chúa đã chúc lành cho chúng và phán bảo rằng:Hãy sinh sôi nẩy nở cho đầy mặt đất và hãy bá chủ nó”.

Trong đoạn khởi nguyên 2, 18-24 tác gỉa kể lại Thiên Chúa dựng nên người đàn ông trước và đặt để ông trong vườn Địa Đàng. Thiên Chúa thấy người đàn ông sống một mình không tốt, nên khi Adam ngủ say, Ngài đã lấy một xương sườn của ông mà nắn nên Eva, người đàn bà và khi Chúa dẫn người đàn bà tới trước mặt người đàn ông, Adam nói:”Này là xương tôi,thịt bởi thịt tôi”. Bởi đó người đàn ông sẽ lià bõ cha mẹ mà khắng khít với vợ mình, và họ sẽ nên một thân xác”. Như vậy, chính   Thiên Chúa đã tạo dựng nên người nam và nữ, ban cho họ sức hấp dẫn kỳ diệu để họ đến với nhau, phối hợp với nhau thành vợ chồng để sinh con cái. Nên ,hôn nhân là do chính Chúa thiết lập ngay từ thuở tạo thiên lập địa và từ do trải qua nhiều thế hệ, mọi thời đại, mọi dân mọi nước, con người vẫn lấy vợ lấy chồng để bảo tồn nòi giống trên trái đất này. đối với người Kitô hữu, hôn nhân là một vấn đề quan trọng vì chính Chúa Giêsu đã nâng nó lên hàng bí tích.

Vấn đề lấy vợ lấy chồng là vấn đề của muôn thuở. Hôn nhân nam nữ phát xuất bởi tình yêu vì nó được múc tận nguồn nơi tình yêu của Thiên Chúa. Thánh Gioan viết:” Thiên Chúa là tình yêu”. Đây là vấn đề của muôn đời như có có người đã viết:” Hãy yêu như đang sống Hãy sống như đang yêu. Yêu để sự sống tồn tại. Sống để tình yêu có mặt.

II. HÔN NHÂN GIA ĐÌNH ĐẸP NHƯNG…

Đời sống hôn nhân là một đời sốnh hạnh phúc và thần tiên,nếu nguyên tổ không phản nghịch cùng Thiên Chúa, Đấng tạo dựng nên mình khi bị con rắn là ma quỷ cám dỗ, Eva đã sa ngã liền sau khi  nghe lời dụ dỗ đường mật của ma quỷ. Đó là sự yếu đuối của người nữ, còn người nam thì sao ? Thiên Chúa vẫn chờ đợi một thái độ dũng mãnh hơn của người nam,nhưng cuối cùng Adam cũng không gì vợ.Ông đã không tự vượt thắng tội lỗi mà lại còn đổ lỗi cho vợ mình. Kết quả:”Hai ông bà bị đuổi ra khỏi vườn địa đàng là nơi hạnh phúc tuyệt vời của cuộc hôn nhân loài người mà Thiên Chúa đã dành sẵn cho ông bà và hậu duệ,cái trớ trêu do tội lỗi gây ra là con người mất sự hòa thuận, mất cõi phúc vĩnh viễn và do đó sự bất hòa, đổ vỡ, lủng củng của hôn nhân phát sinh, triển nở.

Trước những khó khăn chồng chất do tội lỗi gây ra, con người phải đổ mồ hôi sôi nước mắt, làm ăn vất vả mới có miếng cơm manh áo và người vợ phải mang nặng đẻ đau,sinh con đẻ cái. Vâng, Ađam và Eva đã phối hợp lại với nhau, chung lưng đấu cật để mưu tìm sự sống cho chính mình, và tạo sự  sống cho những đứa con sẽ sinh ra sau này. Hôn nhân của ông bà từ đó phải đấu tranh, kiên trì, hy sinh, quả cảm để tìm lại hạnh phúc trong muôn vàn đau khổ,cay đắng. Phân tích như thế để thấy được do tội lỗi, con người không thể tránh được dị biệt, bất hòa, mất hạnh phúc.Đàng khác, Thiên Chúa  đã dựng nên người đàn ông và người đàn bà khác biệt nhau. Người đàn ông sống thiên về lý trí và sức mạnh. Người đàn bà thì sống tình cảm và yêu mến. Nên, sự bất đồng vốn đã có, sự bất hòa tất sẽ sinh ra. Thế giới, nhân loại, cuộc sống càng khó khăn và phức tạp,con người càng bất mãn, chắc chắn sẽ bất hòa sẽ gia tăng. Do đó, một điều khiến chúng ta không ngạc nhiên là sự bất đồng và bất hòa,những khủng hoảng, thử thách là những điều đương nhiên phải xẩy tới vì tội lỗi chính nó đã phá đổ sự an bình và hòa thuận nơi con người, nơi cặp hôn nhân đầu tiên của loài người. Và chính do sự dị biệt bản tính nơi người nam và nữ cũng gây nên sự bất đồng muôn thuở của con người. Hôn nhân gia đình và tình yêu đẹp muôn thuở vì như Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã viết:”…không tình yêu, gia đình không thể sống, lớn lên và tự toàn thiện xét như một cộng đồng các ngôi vị. Điều tôi( Đức Thánh Cha) đã viết trong thông điệp”Đấng cứu chuộc con người” được áp dụng độc đáo và ưu tiên trước hết nơi gia đình:” Con người không thể sống mà không có tình yêu. Chính con người cũng không thể hiểu chính bản thân mình, cuộc sống con người mất ý nghĩa nếu không nhận lấy mạc khải về tình yêu, nếu không có kinh nghiệm về tình yêu và nếu không nhận lấy kinh nghiệm ấy làm của mình và tích cực dự phần vào”(Tông huấn gia đình số 18 ). Xem như thế, tình yêu là động lực chính yếu cốt thiết để tạo hạnh phúc gia đình. Đời sống hôn nhân quả rất đẹp nhưng không phải bao giờ, không phải lúc nào cũng mầu hồng, cũng thuận buồm xuôi gió, cũng hạnh phúc tràn đầy…

III. NHỮNG VẤN ĐỀ CỦA GIA ĐÌNH VÀ NHỮNG BIẾN CHUYỂN:

Hôn nhân là do Chúa thiết lập và nâng lên hàng bí tích. Đó là quan điểm của người Kitô hữu trong Giáo Hội Chúa Kitô. Như vừa phân tích ở trên, Thiên Chúa dựng nên người nam và người nữ, tạo cho họ có sức quyến rũ hấp dẫn lẫn nhau, tìm tới nhau như Ađam khi thấy Eva đã vui thích, sung sướng.Ông đã tìm được xương sườn đã mất của Ông. Sự hạnh phúc đáng lẽ Ađam và Eva đã nhận được vĩnh viễn thì bỗng chốc bị luột mất khỏi tầm tay vì  ma quỷ khôn ngoan đã cám dỗ ông bà sa ngã, bị sa ngã cái chết và bất an đã ập tới nhân loại, con người đã nẩy sinh nhiều vấn đề trong cuộc sống, đã làm cho hôn nhân không còn tinh ròng như ngày đầu tiên Thiên Chúa đặt để cho họ. Loài người từ đó và qua muôn đời vẫn đi vào con đường tình yêu, con đường lập gia đình để bảo tồn nòi giống, nhưng cũng chính từ đó những vấn đề của gia đình cứ phát triển không ngừng và những biến chuyển của thế giới, của nhân loại cũng ảnh hưởng sâu đậm đến đời sống gia đình…Chúng ta thử phân tích một số vấn đề và biến chuyển ảnh hưởng tới đời sống hôn nhân gia đình:

1. Những vấn đề về kinh tế, tài chánh trong gia đình: đây là vấn đề rất thiết thực vì nó đụng tới đời sống cụ thể của cuộc sống con người. Vợ chồng thiếu kinh tế, không ổn định công ăn việc làm, thu nhập không ra gì, thiếu trước hụt sau sẽ gây ra hậu quả không tốt trong gia đình, không những đối với thế giới văn minh, đang đi lên về mọi mặt, khuynh hướng toàn cầu hóa, những ở muôn thời kinh tế, tài chánh của vợ chồng phải được đảm bảo thì mới nói tới những chuyện khác được.Chính cái nghèo đói dễ khiến con người gây ra tội ác và muôn vàn tội lỗi. Vấn đề tài chánh có thể do những nhu cầu riêng tư của vợ hoặc chồng lớn quá, hoặc do không biết tiết kiệm, căn cơ, vén khóe vv…Ngược lại khi vấn đề tài chánh lớn lao, dư thừa mà không biết chia sẻ, biết dùng cũng dễ gây  ra muôn vàn tác hại như nghiện ngập, cờ bạc, sì ke, ma túy, trụy lạc, ngoại tình vv…dễ gây bất hòa, xáo trộn, mất cả hạnh phúc gia đình.

2. Những vấn đề xã hội cũng ảnh hưởng không nhỏ tới đời sống hôn nhân gia đình:

a/ vợ chồng không tự lập được về kinh tế phải sống chung chạ với cha mẹ, với anh chị em cũng sẽ gây ra nhiều va chạm và bất hòa, gây nên lủng củng trong đời sống hôn nhân gia đình.Mặt khác những tác động của xã hội, của bạn bè xấu xung quanh cũng là những nguyên nhân gây bất hòa giữa vợ chồng. Đôi khi có những tác động bên ngoài phá hoại chia rẽ do tranh dành làm ăn, lợi nhuận đã tìm cách phá hoại hạnh phúc của vợ chồng. Hoặc vợ chồng đang sống an bình, hòa thuận lại đứng núi này trông núi nọ, so sánh, tưởng rằng đời sống kia thì tốt hơn, khi nhúng tay vào thì ôi thôi…không phải thế. Nên, đang hạnh phúc vợ chồng bỗng trở thành bất hòa, lủng củng vv…

b/ Có những lý do hoặc là vợ, hoặc chồng vắng nhà lâu ngày, lâu năm khiến một trong hai người thay đổi tính tình, tình cảm. Mặc cảm của một hai người trở về thay đổi đâm ra ích kỷ, thiếu quảng đại, bo bo chỉ nghĩ ích lợi cho mình vv…

c/Có những vấn đề về tâm lý của vợ chồng không hòa hợp được hoặc chênh lệch về trình độ, sức khoẻ, bản chất, tính nết, cách cư xử, thái độ, tính hư tật xấu của vợ hoặc chồng không thay đổi được, đời sống thiếu lương thiện, thiếu đạo đức, thiếu nhân bản, thiếu niềm tin, thiếu cầu nguyện hoặc một trong hai người quá đạo đức không đúng chỗ cũng dễ gây ra sự bất hòa trong hôn nhân gia đình.Thiếu thành thực, nói dối…

d/ có những vấn đề hôn nhân bất khả kháng gây xáo trộn bất hòa như trường hợp lầm lẫn trong hôn nhân cưới về mới vỡ lẽ. Trường hợp lấy phải người chồng hoặc vợ có máu di truyền điên loạn, cưới về từ từ mới phát hiện ra được. Trường hợp lấy phải người nghiện ngập, hung bạo, thiếu đạo đức vv..Hoặc trường hợp ngoại tình sau khi kết hôn và dứt khoát không muốn sống chung nữa vv…Đức thánh cha Gioan Phaolô II đã viết trong tông thư gia đình số 21 như sau:”…Không gia đình nào mà không biết rằng sự ích kỷ, những bất hòa, những căng thẳng, những xung đột đã làm hại cho sự hiệp thông trong gia đình biết chừng nào, và đôi khi còn có thể làm tiêu tan sự hiệp thông ấy:chính từ đó phát xuất muôn hình thức chia rẽ khác nhau trong đời sống gia đình”.

Phân tích những vấn đề của gia đình những biến chuyển của gia đình thấy:

1. Tự bản chất giữa người nam và nữ đã có sự dị biệt, bất hòa.

2. Tội lỗi là đầu mối gây nên sự căng thẳng trong đời sống hôn nhân gia đình nếu vợ chồng không biết tỉnh thức, cầu nguyện và đạo đức.

3. Nguyên nhân khác nữa là do sự biến chuyển của thế giới vật chất văn minh, một thế giới đang muốn đi tới sự toàn cầu hóa, đẩy Thiên Chúa ra cuộc sống, ra khỏi thế giới. Một nhân loại đang muốn thụ hưởng khóai cảm, tiện nghi và không muốn dùng sức lao động như Thiên chúa đã phán:” Con người phải vất vả, đổ mồ hôi mới có miếng ăn…”

IV. ĐỨC GIÁO HOÀNG GIOAN PHAOLÔ II ĐÃ GIÓNG TIẾNG KÊU

Hai cử chỉ gây ấn tượng mãi trong thế giới là vào dạo tháng 5/1987, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II khi về thăm quê hương Ba Lan đã làm hai việc: thăm mộ song thân và cử hành thánh lễ đặc biệt cho các đôi vợ chồng. Hai cử chỉ ấy: viếng mộ cha mẹ, Đức thánh Cha muốn tỏ lòng tri ân cảm tạ cha mẹ Ngài đã sinh và dưỡng dục Ngài, đồng thời Ngài muốn đề cao đời sống gia đình. Vì giữa một thời đại, gia đình đang bị đe dọa lung lay: ly thân, ly dị, phá thai, ngừa thai. Đức thánh Cha gióng lên một tiếng kêu thảm thiết hãy bảo vệ gia đình, hãy giữ gìn hôn nhân, vợ chồng: hãy trung thành với nhau. Khi cử hành bí tích hôn phối cho các đôi vợ chồng, Đức thánh Cha muốn nói lên tình yêu tự hiến mà Chúa Giêsu đã hiến mình cho con người vì Ngài yêu thương vô vị lợi và yêu thương đến cùng:”Không tình yêu nào cao quí bằng tình yêu của người hiến mạng sống vì người mình yêu”( Ga 15, 13 ). Luật của đời sống hôn nhân là luật của hy sinh, phấn đấu, của chính sự chết. Đành rằng thế giới, gia đình hiện nay đang có nhiềuvấn đề và biến chuyển đáng quan ngại nhưng con người vẫn có thể hàn gắn bằng cách thánh hóa gia đình, thánh hóa tình yêu. Hôn nhân chỉ có thể bền vững khi con người chối bỏ ích kỷ chính mình bằng hy sinh, quảng đại, chia sẻ, con người sẽ tìm gặp lại chính mình trong người khác. Đó là lẽ sống Chúa Giêsu đã để lại cho nhân loại.”Yêu nhau không phải ngồi nhìn nhau mà cùng nhìn về một hướng”( St Éxupéry ).

Ngày nay, nhiều vấn đề nổi cộm của gia đình vẫn làm con người, đặc biệt Giáo Hội phải chú ý. Những xáo trộn, những căng thẳng, những bất hòa, lung lay, giao động của đời sống hôn nhân gia đình vẫn nẩy sinh không ngừng và phát triển không dừng bước. Tuy nhiên, người ta vẫn có thể làm cho đời sống hôn nhân gia đình được hạnh phúc trọn đầy, khi con người biết quay về với niềm tin, biết đặt tình yêu của gia đình mình vào nguồn mạch tình yêu là Thiên Chúa Ba Ngôi. Gương gia đình thánh gia là một gia đình mẫu mực, là một gia đình, một tình yêu hạnh phúc trọn đầy vì gia đình Nagiarét đã sống hòa thuận khăng khít, sống trung tín, khiêm tốn và nghèo nàn. Gia đình thánh gia là gia đình đã sống trật tự:trên thuận dưới hòa.Đâu có hòa thuận đấy có Chúa hiện diện và như thế hạnh phúc của gia đình thánh gia, hay nói cách nôm na hơn là hôn nhân gia đình của thánh gia được hạnh phúc toàn vẹn vì lúc nào cũng có Chúa Giêsu hiện diện.

Sở dĩ hôn nhân gia đình còn bất trắc, bất hòa, xung đột, còn bị lung lay có khi đi đến đổ vỡ vì con người chưa sống đức tin, không có lòng đạo đức, lòng hy sinh, quảng đại, vị tha và thiếu lòng cậy trông vào Chúa. Mọi chià khóa để vượt thắng những trở ngại trong đời sống hôn nhân gia đình, đó là tinh yêu vị tha: yêu là cho đi không đòi lại. Đức thánh Cha Gioan Phaolô II đã viết trong tông thư gia đình, số 21:”…mỗi gia đình luôn được Thiên Chúa bình an mời gọi sống kinh nghiệm vui tươi và có sức canh tân của hòa giải, tức là kinh nghiệm biết lặp lại sự hiệp thông,tìm lại sự hiệp nhất. Cách riêng việc tham dự vào bí tích giao hòa và bàn tiệc Mình Thánh Chúa Kitô sẽ đem lại cho gia đình Kitô hữu ân sủng cần thiết và tinh thần trách nhiệm tương xứng, để thắng vượt tất cả mọi chia rẽ và bước tới sự hiệp thông đích thực và trọn vẹn mà Thiên Chúa muốn, và như thế là đáp lại nỗi ước mong nồng nàncủa Chúa là”xin cho tất cả được nên một”. Nếu, các cặp hôn nhân gia đình chưa thực hiện được những điều đó thì quả”Hạnh phúc của họ vẫn chưa trọn”, dù rằng Thiên Chúa đã gọi họ sống hạnh phúc lứa đôi !

 

 

Linh mục Giuse Nguyễn Hưng Lợi DCCT

 

Muc Luc