GIÁO DỤC CON CÁI (tiếp theo)

Còn gì là con, kẻ người cha không dạy. (Dt12:7b)

Vũ Hồng

 

LÀM SAO GIÁO DỤC MỘT THAI NHI?

 

Như nhận xét ở phần cuối bài 13, thai nhi trong bụng mẹ tuy Tri Thức bị hạn chế, nhưng sự Thụ Cảm đã bắt đầu. Người mẹ mang thai không chỉ trao đổi máu huyết chất liệu của mình với đứa con qua cuống nhau, mà giữa mẹ con đã bắt đầu có sự cảm thông huyền nhiệm. Chuyện bà Elizabeth mẹ của Yoan tẩy giả trong thánh kinh đã chứng minh điều đó. Khi mẹ được niềm vui tràn ngập của Chúa Thánh Thần thì con 6 tháng nhảy vui trong dạ mẹ. Vì thế khi người mẹ sống vui tươi thanh thản, thai nhi bằng an, tim đập nhịp nhàng; khi mẹ buồn phiền, nóng giận, say sưa, thai nhi cũng xốn xang, tim đập nhanh. Niềm vui nỗi buồn, đồ ăn nước uống, cái gì thấm vào cơ thể, tinh thần người mẹ, cũng thấm vào nội tạng tâm trí của con. Aính hưởng tốt xấu sẽ theo suốt đời của nó. Ðã xảy ra là, có một người mẹ trong thời thai nghén, cứ sáng say chiều sỉn, khi đứa bé chào đời, nó bị mù cả hai mắt, và trí khôn của em rất chậm.

 

THƯA CÁC BÀ MẸ MANG THAI

 

Xin các bà mẹ đang mang thai thấy được rằng: Chín tháng cưu mang một em bé cũng là chín tháng giáo dục tâm hồn, và chín tháng bồi dưỡng thân xác của em, bằng cách sống hằng ngày của các bà.

Người mẹ điều độ việc ăn uống, sống nhân ái vui tươi, và luôn cầu nguyện, em bé trong lòng sẽ thoải mái cả thể xác lẫn tâm hồn.

 

Tuy cuộc sống ở đâu cũng đầy rẫy khó khăn, nhưng buồn lo nôn nóng cũng chẳng giải quyết được gì, chỉ mệt mỏi cho mình và tổn hại cho đứa trẻ trong bụng.

 

Các bà hãy trông cậy vào Chúa, Ðấng làm cho đứa bé có mặt thì Ngài cũng đang luôn quan phòng chăm sóc cho nó và còn yêu mến chăm lo cho cả người đang thai nghén nó nữa.

 

Thiên Chúa quyền năng, Ngài sẽ giải quyết mọi khó khăn cho những ai trông cậy vào Ngài. Nếu Thiên Chúa không thương thì đứa nhỏ không thể thành hình, và nếu Thiên Chúa không tín nhiệm bà, thì đứa nhỏ không xuất hiện được trong lòng dạ bà đâu. Bởi vì đứa trẻ dù trai hay gái, đều là một kỳ công tạo thành, nó không phải một loài cỏ hoang, tự có mặt, tự lớn lên, rồi âm thầm chết đi trong quên lãng. Nhưng nó là một con người, được sự chuẩn bị rất tinh tế của Ðấng Tối Cao, (Yr 1:05), được Ngài nuôi dưỡng từng giây từng phút trong bào thai, cho nó mỗi ngày một lớn lên, đến khi ra khỏi lòng mẹ, đứa trẻ sẽ nên như một lời ca ngợi tình yêu của Thiên Chúa. Ơn huệ này đã được ghi trong Thánh kinh:

"Bởi chưng vì lòng yêu mến mà Thiên Chúa đã chọn anh em trong Chúa Kitô Giêsu từ trước tạo thiên lập địa . . .

Và tiền định cho được phúc làm con nhờ Chúa Kitô Giêsu . . .

để nên lời ca ngợi cho Vinh quang Thiên Chúa." (Ep1: 4-6)

 

Thiên Chúa đã chọn em bé cũng như đã chọn mỗi người chúng ta từ khi Ngài chưa làm ra trời đất, và đã tiền định cho em và cho chúng ta, không phải là thiên đàng hay hỏa ngục, mà là làm con của Ngài. Cho nên mỗi con người có mặt trên trần gian này đều là một lời ca ngợi cho Vinh Quang Thiên Chúa.

 

Vì thế từ trong dạ mẹ, hài nhi đã bắt đầu một cuộc sống rất diệu kỳ. Cuộc sống ấy tuy như thể mỏng manh (phôi thai), nhưng lại rất vững chắc trong sự tiệm tiến của bàn tay Ðấng Quan Phòng. Bởi vì cái phôi cái thai ấy là một sinh vật có xác hồn, được Thiên Chúa biết đến. Lời Chúa đã nói rõ ràng:

"Trước khi ta nắn ngươi trong bụng mẹ, Ta đã biết con. (Yr 1: 05).

Các con, những kẻ được Ta vác từ lòng mẹ, và được gánh từ ở tử cung." (Ys 46:3b).

 

Tuy thai nhi nhỏ bé yếu đuối như thế, nhưng Thiên Chúa đã tiền định cho nó có mặt ở đời này không chỉ để làm con và làm chủ muôn loài, mà còn hưởng phần gia tài vô cùng quí giá của Chúa, với chức năng là kẻ thừa tự trong Ðức Kitô Giêsu. Nghĩa là Ðức Kitô Giêsu có quyền năng hạnh phúc gì, thì trong Ngài, chúng ta và em bé cũng sẽ được có như thế. (Ep 1:5 & Rm 8: 29).

 

Xin các bà hãy cộng tác với Thiên Chúa trong huyền nhiệm này.

 

Bằng cách nào? Bằng cách các bà hãy luôn luôn Cầu nguyện và siêng năng chịu Bí tích; Thần Khí Thiên Chúa sẽ chỉ cho bằng cách nào.

 

SÁU NĂM ÐẦU TIÊN CỦA ÐỨA TRẺ

 

Kinh thánh Cựu Ước nói: "Từ phút đầu hãy dạy cho trẻ thơ biết đường lối phải đi theo, cho đến tuổi già nó sẽ không lạc đường của nó." (Cn 21:6).

Những nhà giáo dục có kinh nghiệm và đứng đắn trên thế giới đều đồng ý rằng: "Giáo dục trẻ em phải được bắt đầu ngay từ SÁU NĂM ÐẦU TIÊN trong cuộc đời nó" và rằng: "Ở khoảng từ Bốn đến Tám năm tuổi, em bé đã ghi nhận điều gì vào tâm trí, thì khó có thể phai mờ."

 

Nhưng đối với các gia đình, thường thì sáu năm đầu tiên là sáu năm phục vụ đứa trẻ, dồn hết tình thương vào nó. Ðứa bé như cục năm châm hút sắt, hút cha mẹ đứa trẻ, hút ông bà cô chú, thành ra chẳng giáo dục gì cả, chỉ muốn làm theo ý nó. Tuy nhiên nếu đem tình thương ấy áp dụng vào đường lối giáo dục thì rất tuyệt hảo, như sẽ nói sau.

 

Ðọc kinh thánh chúng ta thấy không ai yêu Chúa Con bằng Chúa Cha (Mt 3:16-17), thế mà Con Thiên Chúa làm người cũng phải được giáo dục. Thư Hipri viết: "Dù là con, Ðức Giêsu đã phải đau khổ giãi dầu mà học cho biết vâng phục." (Dt 5:8).

 

EM BÉ QUÁ NHỎ, SÁU NĂM ÐẦU TIÊN

GIÁO DỤC CÁCH NÀO?

a-      Bằng sữa mẹ.

b-           Bằng thói quen tốt:

 

          Bằng sữa mẹ:

 

Ðây là một cách giáo dục kỳ diệu của tình thương, mà ít bà mẹ để ý đến. Mẹ cho con bú, dù chỉ vài tuần lễ đầu đời thôi, thì người mẹ đã nối một sự liên hệ tuyệt hảo giữa mẹ và con. Vì bà đã ban tặng cho con một sự an bình tuyệt vời bằng giòng chảy yêu thương mà Ðấng Tạo Thành đã gạn lọc tự tình thương và máu thịt người mẹ để ban cho con, đó là Sữa Mẹ.

 

Tình yêu giữa mẹ con, tình Mẫu Tử đích thực bắt đầu từ đây. Cho nên Kinh thánh đã có lời chúc phúc: "Phúc cho vú đã cho Thầy bú." (Lc11: 27). Lời chúc này là cho cặp vú người mẹ và cả đứa con được bú sữa từ cặp vú huyền diệu đó.

Gọi là huyền diệu, bởi vì một phụ nữ không sinh con, cho dù có bộ ngực đẹp thế nào, hoặc có bơm có độn có nâng cao lên đạt tới mức sexy, để hấp dẫn đàn ông thế nào chăng nữa, cũng chỉ là bộ ngực chết, vì nó không có nguồn sữa từ đó phát sinh ra. Xét về mặt siêu nhiên, một cặp vú không tuôn mạch sữa thì chưa được coi là có phúc lộc, và một đứa con không được bú bầu sữa ngọt ngào từ lòng mẹ, thì em bé đó cũng chưa được hưởng tình mẫu tử trọn vẹn.

 

Có thể nói tình mẫu tử khởi đầu được xây đắp bên bầu sữa mẹ. Lòng mẹ là trường giáo dục đầu tiên của con trẻ. Khi em bé từ trong lòng mẹ bước ra một thế giới hoàn toàn xa lạ đối với nó, thử hỏi những ngày đầu tiên, còn có chỗ nào đáng tin cậy, đáng nương tựa vững chắc cho em hơn là hơi ấm của bầu sữa mẹ. Khi bé bú sữa, nó còn được nghe nhịp đập của trái tim mẹ mình, vì không phải ngẫu nhiên mà Tạo Hóa đã để cho hai bầu sữa nằm gần ngay bên trái tim của người phụ nữ.

        Chính Thiên Chúa cũng đã nói lên tình thương của Ngài đối với chúng ta bằng hình ảnh người mẹ cho con mình bú sữa:

        "Như một người được mẹ an ủi, Ta cũng vậy, Ta sẽ an ủi các con.

Các con sẽ được bú mớm, Các con sẽ được bế bên sườn. Ðược nâng niu trên đầu gối." (Is 66:12-13).

 

Ðáng thương biết bao! Những em bé khi mới chào đời đã mất mẹ, hoặc bị mẹ bỏ rơi.

CÒN TIẾP


Trở Về Trang Mục Lục Giáo Dục
Trở Về Trang Nhà