Những Tiêu Cực Ảnh Hưởng Giáo Dục ,

Vũ Hồng

 

Có trẻ em mất dạy không?

 

 

Vì thế

Xét về mặt tiêu cực thì bất cứ ở xã hội nào, cũng có những trẻ hư hỏng, mà chúng thường bị người ta gọi là những đứa trẻ mất dạy. Vậy thế nào là trẻ mất dạy? Nói một cách rất chung chung, ta có thể chia làm ba loại.

1- Những đứa trẻ không có người dạy.

2- Những đứa trẻ được dạy dỗ tốt mà không chịu nghe.

3- Những đứa trẻ được dạy dỗ không tốt. "Con ơi, nghe lấy lời cha, một đêm ăn trộm bằng 3 năm làm."

 

Truyền thống & Văn hóa

 

Cái thế giới của người lớn có những cái riêng của người lớn. Cái dĩ vãng của người lớn không phải là cái dĩ vãng cũa trẻ em. Cái kỷ niệm thơ ấu của người lớn đã có nơi quê nhà khác xa với kỷ niệm thơ ấu của trẻ thơ hôm nay tại nơi quê người. Nhất là giai đoạn hiện nay, mỗi quốc gia trên thế giới không còn là một ốc đảo nữa. Chưa kể những cuộc di dân tị nạn đã làm xáo trộn tất cả nền móng văn hoá, căn bản truyền thống, và ngôn ngữ của các dân tộc. Chính vì thế mà việc giáo dục hôm nay vô cùng phức tạp vô cùng khó khăn hơn trước bội phần. Trong hoàn cảnh như vậy, một đứa trẻ không am tường văn hóa, không thông hiểu truyền thống dân tộc, chưa hẳn là một đứa trẻ không tốt.

 

Lấy một ví dụ, trẻ em ở Mỹ, cách chào hỏi rất đơn giản, dù chào ông bà, cha mẹ, thầy cô, cũng không thưa không gửi, không khoanh tay cúi đầu, chỉ tươi nét mặt rồi: Hello, Hi, Good morning, v. v.Còn Việtnam ta thì trên phải ra trên, dưới ra dưới, không thể cá mè một lứa, gặp bề trên mà cũng cứ nhe cái răng trắng ởn ra mà Hello, Hi, là vô phép.

 

Có một thằng nhỏ tám tuổi tên David Nguyễn, theo mẹ về Việtnam thăm bà ngoại. Trước khi đi, mẹ nó phải mở một lớp cấp tốc chào hỏi: Con chào ngoại ạ, Con chào ông chú ạ, v.v. Thằng nhỏ được đi du lịch thì học tập phấn khởi lắm. Hai tháng sau, khi về lại Mỹ, má nó nói nó sút đi mất 3 pounds, vì không quen ăn đồ Việtnam mỗi ngày. Và nó nói không muốn đi Việtnam nữa, bởi vì ngoài mấy câu chào cô bác dì dượng, là thằng nhỏ hết vốn tiếng Việt. Còn bạn bè cùng lứa tuổi thì không friendly gì cả, chỉ thích xem nó chứ không chơi với nó. Nó thích đi Hawaii hơn.

 

Tuy thế, bổn phận giáo dục vẫn là của cha mẹ. Dù khó khăn cách mấy, cũng không thể buông xuôi hoặc trao phó hoàn toàn cho xã hội, cho nhà trường.

 

Có mẫu số chung của giáo dục không?

 

Việc giáo dục con cái là một trận đồ vô cùng phức tạp. Bởi vì, vợ chồng là một xương một thịt, nhưng mỗi đứa con tuy là máu thịt của mẹ cha, nhưng lại là nhân vị độc lập với cha mẹ. Nó có thế giới tâm linh riêng của nó, cho nên việc giáo dục rất tế nhị công phu. Ở đây chúng ta chỉ nói đến việc giáo dục theo đạo đức nhân bản, không nói đến nếp sống theo truyền thống văn hoá dân tộc. Nhưng cho dù nói về mặt nào chăng nữa, vẫn phải có mẫu số chung cho việc giáo dục. Mẫu số chung đó là: Làm tốt tránh xấu. Làm lành lánh dữ. Với mẫu số này con em chúng ta dù ở môi trường sinh hoạt nào chúng vẫn có thể thực hành được.

 

Có ngôn ngữ chung của giáo dục không?

 

Tất cả sự lễ phép, hiếu thảo, ghét sự xấu, thích sự lành, đều phát xuất từ lòng nhân ái. Khi lòng nhân ái (thứ thiệt) có, thì sự tốt sự thiện đã bắt đầu, và dễ san bằng mọi ngăn cách về ngôn ngữ và tuổi tác.

 

Lòng Nhân Ái là ngôn ngữ chung của Giáo dục. Một nụ cười tươi, một cái nhìn thân thiện, là tiếng nói của tình người. Tiếng nói ấy, Ðen Trắng Nâu Vàng gì cũng hiểu hết, xa có thể kéo lại gần, gần lại gần hơn. Khi lòng nhân ái được thể hiện giữa cha mẹ anh chị em trong gia đình thì còn tuyệt vời biết bao. Con cái hư hỏng thế nào cũng sẽ được sửa đổi.

 

Lòng Nhân Aỉi xuất phát từ Thiên Chúa trong Ðức Kitô Giêsu, không xuất phát từ đạo đức con người, Ðạo đức con người ở đây ám chỉ về thứ đạo đức nhà thờ sáng lễ chiều chầu, chăm chỉ kinh hạt. Cha nhà thờ cần thì hăng say năng nổ, nhưng cha già mẹ yếu nhà mình thì không phụng dưỡng. Chồng vợ không tương kính. Ðối với con cái thì khó khăn. Với xóm giềng thì bất hòa. Chốn chợ búa thì bon chen giành giựt. Nhưng gặp ai lại cứ thích khuyên đạo đức.

 

Ai được ơn mến Chúa thật lòng thì mới biết sống nhân ái. Yêu mến không phải giữ lề luật từng ly từng tí. Luật lệ lễ nghi qúa nhiều, chỉ là dựng nên những tường ngăn vách chắn con người với Chúa. Yêu là mở ngỏ con tim cho Giêsu.

 

Muốn có được lòng nhân ái đích thật, thì cha mẹ phải tìm đến Thánh Tâm Chúa Kitô Giêsu, Thánh Tâm của Chúa Giêsu sẽ ban cho cha mẹ lòng yêu mến của Ngài, để trước hết hoán đổi chính mình, và sau đó biết cách giáo dục con cái theo đường lối của Chúa và Hội thánh. Con cái chúng ta có nên thân nên người, không do đạo đức của chúng ta, mà do lòng Mến của Chúa Giêsu đổ xuống lòng ta nhờ Thánh Thần. (Rm 5:5). Kinh nghiệm thực tế cho thấy ngoài Chúa Giêsu chẳng có sự gì tốt, chẳng có ai tốt cả; (Rm 3: 9b-11) Thiếu gì em giám mục, cháu cha, chị ma sơ làm gương mù gương xấu. Chưa nói đến những gương xấu qúa lớn (Pedophilia), do một số giáo sĩ tu sĩ công giáo ở nhiều nơi gây ra.

Cha và Sơ

 

Ðức Giêsu nói: Ta đã biết: "Lòng yêu mến Thiên Chúa, các ngươi không có nơi mình các ngươi." (Yn 5: 42)

 

Ngoài số đông linh mục rất đáng kính, vẫn còn có số ít linh mục sống ngược với giáo huấn của Chúa Giêsu, lên toà giảng nói thì hay lắm, mà việc làm của họ thì chẳng có gì hay ho cả. Và cũng có một số nữ tu chẳng có kinh nghiệm gì mà chỉ thích dạy dỗ người khác. Những vị này, gặp ai lớn nhỏ gì cũng xưng cha xưng sơ, giữa họ với nhau, thì thiếu lòng yêu thương bác ái, đối xử với giáo dân thì kiêu căng ngaọ mạn, còn với trẻ em thì không có từ tâm của hiền mẫu. Bởi vì từ nhỏ họ chỉ biết tu đức có lợi cho mình, không biết tu thân để sống nhân bản với người. Những người này luôn có thái độ tự tôn, cho mình là giới đi dạy dỗ kẻ khác, không cần lễ độ với ai. Lòng nhân ái họ nếu có với người khác, có chăng chỉ là ơn mưa móc kiểu cha chú ở trên cúi xuống.

 

Chính những thái độ ấu trĩ này là một trở ngại lớn cho việc giáo dục, khi chúng ta trao con em vào tay những người như thế để họ dạy dỗ, chúng ta không yên lòng chút nào.

 

Giáo dục gia đình và Giáo huấn Hội thánh

 

Trong lòng tin vào Chúa Giêsu, khi chúng ta đã lo cho con cái mình hết sức rồi thì hãy đem mọi sự đặt trong tình thương của Thánh Tâm Chúa. Có người cho rằng như thế thì đạo đức qúa. Sự thực đạo đức của con người và lòng Mến của Thiên Chúa khác nhau rất xa. Nhiều gia đình đạo đức, hoặc có địa vị trong xứ đạo, đã cư xử tàn nhẫn với con cái khi chúng bị lỡ lầm, (như khi con gái chưa chồng đã mang bầu), không chăm lo săn sóc gì cả, mà vì sợ mất mặt, mất danh giá của gia đình nên thảy bỏ chúng, loại chúng ra khỏi, mà không hề áy náy. Trong Lòng Mến của Chúa thì không xử sự như vậy.

 

Ðạo đức họ hiểu có nghĩa năng đọc kinh xem lễ, năng đi nhà thờ, giữ đúng lề luật, đóng góp tiền của vào việc công, cha nói gì cũng nghe, cha bảo gì cũng phải. Cha nói sai thì bỏ qua, cha làm sai không dám nói, vì sợ tội phạm đến đấng làm Thầy. Nhưng khi gia đình khi gặp khó khăn không biết giải quyết thế nào. Vợ chồng khảng tảng với nhau không biết giải quyết thế nào. Con cái bướng bỉnh phá phách không biết giải quyết thế nào. Ðành lại đi hỏi cha. Cha nói sao thì cứ cúi đầu nghe vậy. Không cần phân biệt phải trái. Không cần biết khả năng kinh nghiệm đường đời cha có bao nhiêu. Ðạo đức như thế là ngu muội. Một thứ đạo đức trái luật tự nhiên. Một thứ đạo đức hủy hoại gia đình. Bởi vì Giáo huấn của Hội thánh khác với quan niệm riêng của từng linh mục.

 

Người bạn tôi có một đứa con trai, sinh viên xuất sắc ban C. Có khiếu về văn chương, rất giỏi sinh ngữ. Hôm nó ở Sàigòn về chơi, ông bố đem con đến chào cha xứ, tiện thể xin ý kiến cha, xem cháu nên học ngành gì. Cha phán một câu xanh rờn: "Nên cho nó học ngành bác sĩ." Sau lời phán ấy, cuộc đời của chàng trai xuống dốc thê thảm. Bố bắt con phải theo ý cha, đi học bác sĩ. Hôm nay anh đang sống ở bên Mỹ, chẳng thành một thứ gì, nhà văn cũng không, bác sĩ cũng không. Một người tin vào Chúa, Chúa cho sự khôn ngoan, không có cái đạo đức như vậy.

Hãy học cùng Ta, (Mt 11:29)

 

Tôi, một kẻ tin Chúa Giêsu, thì tôi phải học nơi Chúa Giêsu, cậy nhờ vào Chúa Giêsu, và luôn tha thiết cầu nguyện. Khi gặp khó khăn về giáo dục, Chúa Giêsu sẽ ban ánh sáng chiếu rọi, để hướng dẫn cho tôi đi gặp ai, giải quyết cách nào, và bình an của Chúa sẽ ngự trị trong tâm hồn. Sống như thế không phải là đạo đức, mà là sống Ðức Tin. Cái đó khó vô cùng, phải nhờ sức Thần Khí, nhưng lại hiệu nghiệm vô cùng.

 

Tín thác vào Chúa Giêsu, cầu nguyện khẩn thiết khi gặp khó khăn, cha mẹ sẽ biết giáo dục con cái, vợ chồng sẽ biết yêu nhau, giáo dân sẽ biết vâng phục giáo huấn của Hội thánh, và biết kính yêu các đấng làm thầy đúng theo Ý của Chúa Giêsu muốn, không phải theo ý cha muốn.

 

Ðối với sức con người, cho dù giáo dục hay giỏi thế nào, cho dù sư phạm tuyệt vời thế nào, cũng chỉ đạt tới mức tương đối, bởi vì con người là tương đối, sức lực và trí tri con người là tương đối, mà sức mạnh sự xấu sự dữ lại không dừng ở mức tương đối. Cho nên phải cậy nhờ sức mạnh tuyệt đối của tình yêu Chúa Giêsu, Ðấng phục sinh.

 

Tất cả giáo huấn của Hội thánh cũng chỉ quy về ba điều: Nhờ Chúa Giêsu - Với Chúa Giêsu - Trong Chúa Giêsu.Bởi vì:

 

Việc giáo dục một Kitô hữu, không chỉ ở mức tốt của luân lý, mà phải đạt tới mức "trọn lành, như Cha anh em trên trời là Ðấng trọn lành". (Mt 5:48). Giáo dục tới mức như thế, thật sự không còn là sức người. Chỉ còn cậy nhờ sức Trời thôi.


Trở Về Trang Mục Lục Giáo Dục
Trở Về Trang Nhà