HÔN NHÂN, MỘT HUYỀN NHIỆM

Bài 22

Ai Yêu Mến Thì Biết Thiên Chúa (1Yn 4J)

Vũ Hồng

 

LẤY CHỒNG CÀNG SỚM TIẾNG RU CÀNG BUỒN

 

"Làm con gái" là tựa đề bài viết của nữ sĩ Ðoàn minh Hương. Giọng văn đặc Bắc kỳ nhưng thật bạo, thoáng, và súc tích. Qua cảm nghiệm của cô . . . không có gì thú vị về hôn nhân, nên cô đã tỏ lộ:

 

"Tao chưa thấy đứa con gái nào sống là để yêu, để mơ một giấc mơ lớn đến nơi đến chốn, để đi đây đó, làm cái gì riêng mình cho là quan trọng. Ðứa nào sống cũng để kiếm chồng. Ðàn bà sinh ra để làm vợ đàn ông. Ðứa nào làm không được hay không được làm coi như . . . dư."

 

"Làm con gái buồn bỏ mẹ. Làm con gái có chồng thường thường buồn hơn. Vậy mà hỏi đứa nào cũng nói có chồng vẫn hơn."

Chuyện xưa kể về người đàn bà vĩ đại đến mấy cũng chỉ kể đến lúc lấy được chồng là hết. Huống chi tao chỉ là một đứa con gái bình thường. . ."

 

Lời văn trên của nữ sĩ họ Ðoàn: "Làm con gái buồn bỏ mẹ. Làm con gái có chồng thường buồn hơn", có lẽ còn thật hơn lời thơ ai oán đầy chất lãng mạn của thi sĩ TTKH: "Tôi vẫn đi bên cạnh cuộc đời, aí ân lạnh lẽo của chồng tôi. Rồi mùa thu tới, mùa thu tới. . .

Vậy thử hỏi: Có thật sự hôn nhân buồn như vậy không? Hỏi tức là trả lời. Câu trả lời chẳng phải tìm đâu xa. Chẳng phải với đâu cao. Mà câu trả lời đã có trong hàng triệu triệu cuộc hôn nhân trên thế gian này. Câu trả lời rõ nhất, thê thảm nhất, và căn bản nhất, là câu trả lời lấy được từ cuộc sống hôn nhân thiếu vắng tình yêu của đôi vợ chồng Adam Eva sau khi từ bỏ Thiên Chúa Yavê.

 

HÔN NHÂN HUYỀN NHIỆM

 

Hôn nhân, một huyền nhiệm. Ðúng như vậy. Nhưng huyền nhiệm của hôn nhân là gì?

 

Thưa: Ðó là Tình Yêu.

 

Nói đến tình yêu, rất nhiều người trong chúng ta sẽ nghĩ: "Tình yêu, tình yêu, ai mà chẳng biết". Và thường liên tưởng đến tình yêu trai gái, tình yêu giữa người nam người nữ, thường gợi hình bằng thân xác, sắc đẹp, cử chỉ ái ân v. v.

 

Cái đó không sai, và những cái đó ở trong tầm tay con người, bởi vì phái tính (sexuality) là một ân huệ của Thiên Chúa ban, nhưng chỉ những chu kỳ đó mà thôi, thì chưa phải bản chất đích thực của tình yêu. Tình Yêu là một huyền nhiệm bao trùm lên phái tính. Huyền nhiệm chỉ có ở nơi Thiên Chúa. Và chúng ta ai cũng biết, phái tính tự nó không phải Tình Yêu.

 

Ðôi hôn nhân khi chú trọng qúa mức về sự thu hút phái tính, lâu dần sẽ nhàm chán và có thể làm thương tổn hạnh phúc gia đình. Ngày tôi ghé Nam Cali, được nghe nói, có gia đình, ông bố và đứa con trai ngồi xem phim Sex ngay tại phòng khách nhà mình. Bà mẹ tức điên người mà vẫn phải nín câm.

 

Nữ sĩ họ Ðoàn cách nào đó đã cảm nghiệm: "Làm con gái buồn bỏ mẹ. Làm con gái có chồng thường thường buồn hơn". Ðây là nói có chồng thật sự. Chưa nói đến một số hôn nhân bị cha mẹ đặt đâu con ngồi đó. Hoặc lấy chồng để vui lòng mẹ. Hoặc lấy cho xong nợ. Trường hợp thứ 3 này là của bà chị ruột BC. Anh chồng là một tên vô lại, đêm trước ngày thành hôn, anh còn vui chơi tại xóm cô đầu. Anh đã truyền bệnh cho vợ và con. Cám ơn Chúa bà đã qua đời năm 25 tuổi, trong cuộc ném bom của Pháp tại Thanh Hoá thời kháng chiến.

 

Như trên đã nói, thèm ăn khát uống là một ơn huệ Thiên Chúa ban. Nhưng chè chén, mê ăn mê uống lại là một tính xấu sinh ra rất nhiều tội. Phái tính cũng vậy, là một ân huệ Thiên Chúa ban, nhưng chỉ nhắm vào đam mê đó trong hôn nhân, nó sẽ trở thành tai họa cho hạnh phúc gia đình.

 

Nói về hôn nhân, nếu là con người luơng hảo, ai cũng nhận ra phái tính chỉ một trong qúa nhiều ơn huệ khác được ban. Ơn huệ lớn nhất, căn bản nhất của hôn nhân là Tình Yêu (viết hoa). Tình Yêu có mãnh lực vô cùng lớn lao, có sức gắn liền hai người trong mọi gian nan thử thách. Tình Yêu chữa lành mọi vết thương của hôn nhân và giải quyết được tất cả mọi nỗi khó khăn trên đường đời. Tình yêu xóa tội và từng ngày làm mới lại sự thắm thiết vợ chồng trong Chúa Kitô, cho đến hết đời. Tình Yêu ấy ban xuống cho hôn nhân ngay từ lúc hai người bắt đầu quen biết, rồi dẫn đến bitich, để nên MỘT với nhau trong Chúa Kitô Giêsu. Sự huyền nhiệm này, ít có đôi nam nữ được chỉ dẫn, kể cả trong một số Lớp Giáo Lý hôn nhân, để giúp họ có ý thức đón nhận, đón nhận ngay từ lúc họ chuẩn bị đi vào cuộc đời vợ chồng,.

 

TÌNH YÊU VS TÌNH DỤC

 

Trong đời sống vợ chồng rất cần sự ân ái, (ân ái không phải chỉ là sự hưởng thụ tình dục, nhất là phía người nam). Nếu đích điểm là như vậy, thì sanh con cũng chẳng có ý nghĩa gì. Thiếu gì cô gái bị hiếp dâm mà vẫn sinh con. Chưa nói đến có những người vợ vì sợ tội mà phải cắn răn chịu cho anh chồng ăn no uống say vế hành hạ. Trong những trường hợpnhư thế, không hề có và không thể có mật ngọt tình yêu chân chính của Thiên Chúa.

 

Cha Th. Rey-mermet, CSsR, bề trên tập viện và giáo sư triết học tại DCCT, năm nay đã 80 tuổi, thập niên 70, ngài đã cho xuất bản một bộ sách Tin (Croire), 4 quyển, được dịch ra nhiều thứ tiếng. Trong bài nói về tình yêu hôn nhân, ngài qủa quyết: "Một sự giao hợp giữa vợ chồng mà không phải là sự trao tặng tình yêu đã là tội rồi, cho dù nó sẽ đưa một đứa trẻ ra đời". (TIN trg 158). Ðiều này có thể làm ngạc nhiên một số đã có gia đình.

 

Thật vậy, cái gì không làm trong tình yêu là có tội, vì làm ngoài Thiên Chúa. Bởi vì không có gì ngoài Thiên Chúa mà thánh được cả. Kinh thánh nói: "Kẻ không yêu mến thì ở trong sự chết". (1Yn3:14b). "Tội là nọc của sự chết". (1C15:56).

Trong hôn nhân sự nhàm chán về tình dục giữa hai vợ chồng sẽ dẫn đến ghê sợ khi gần nhau, (nhầt là phái nữ), và còn dẫn đến việc lơ là những quan tâm khác cho nhau, lơ là cách đối xử tương kính hàng ngày, lơ là chia sẻ nỗi khó khổ khi đau yếu bệnh hoạn, tệ hại nhất là coi thường những ưu tư nội tâm của người hôn phối v.v.

 

Những sự quan tâm cho nhau này, mới là chỉ ngưỡng cửa bước vào thế giới phong phú của tình yêu Thiên Chúa. Nhưng nếu hai người không cầu khẩn xin được ơn bắt đầu bước vào ngưỡng cửa đó, thì không bao giờ nếm được hạnh phúc đích thật trong hôn nhân. Bỏ qua những sự quan tâm này tức khắc sự vui tươi đằm thắm hàng ngày sẽ nhạt nhòa. Sự tương kính cũng sẽ phai nhạt. Nhất là đối với người đàn ông, ỷ sức, ỷ quyền, tiến dần đến cảnh chồng chúa vợ tôi, suốt ngày la lối gắt gỏng. Kinh thánh đã cảnh cáo sự việc này, và gọi đó là sự gây phiền muộn cho Thánh Thần của Thiên Chúa. (Ep 4:30-31). Còn người đàn bà thường thì âm thầm nhẫn nhịn, lâu dần cam chịu cho yên. Lúc ấy sự khó chịu tâm hồn dẫn đến sự mất bằng an về thể lý và tâm lý. Lúc ấy gia đình hết là mái ấm mà đã trở thành mái lạnh mất rồi.

 

TÌNH YÊU, MỘT HUYỀN NHIỆM

 

Làm sao cắt nghĩa được tình yêu.

Bởi vì ai hiểu, sao trời lại xanh?

 

Thật vậy, Tình Yêu là Thiên Chúa, ai mà có đủ ngôn ngữ để cắt nghĩa? Ai mà có đủ trí khôn để hiểu? Kinh thánh nói: "Ai yêu mến thì biết Thiên Chúa". Một gia đình không còn sự yêu thương tương kính thì làm sao hiểu được nghĩa của tình yêu.

 

Tình yêu Thiên Chúa phong phú qúa sức, tràn ngập khắp vũ trụ, làm cho muôn loài sống động vui tươi. Ngài đã qúa yêu thương đến nỗi tạo dựng tôi nên tạo vật giống hình ảnh Ngài. Tình yêu Thiên Chúa làm cho tôi đi ngay đứng thẳng, từng bước không vẹo xiêu. Tình yêu Thiên Chúa còn lạ lùng đến độ nuôi dưỡng ủ ấp tôi, để tôi chẳng những không yêu mến cảm tạ tri ân, mà còn tự do làm điều dữ chống lại Ngài và sự ác cho anh em, những hình ảnh của Thiên Chúa.

 

Thử hỏi nếu trong hôn nhân, hai người có được ý thức đón nhận Tình Yêu ấy trong linh hồn trong tâm trí, thì đâu còn dám cư xử bất kính với nhau, vàhạnh phúc của họ bền vững biết chừng nào! Cho dù thiên thần hay ma qủi, dù thời gian hay không gian, dù bất cứ tạo vật nào khác, không gì, không ai có thể tách rời họ ra khỏi lòng Yêu Mến của Thiên Chúa trong Ðức Kitô, Chúa của chúng ta. (Rm 8:38)

 

Trong cuộc sống vợ chồng nếu đôi hôn nhân nào chịu lấy tình yêu ấy nơi Ðức Kitô để trao hiến cho nhau, thì hạnh phúc sẽ vượt qúa sức suy tưởng của họ.

 

Nêú chúng ta chỉ cậy vào sức hạn hẹp của mình, thì cho dù hôn nhân có hợp luật đạo đời, sau một thời gian khi trách nhiệm gia đình chĩu đôi vai, sinh con nuôi con dạy con, tuổi tác chồng chất, công việc làm ăn khó khăn, bệnh hoạn mệt mỏi, tự sức mình làm sao mang nổi. Những lúc ấy những người đạo đức thường an ủi nhau: Cố gắng vác Thánh giá Chúa gửi đến. Thiên Chúa không gửi thánh giá nào đến cho các đôi hôn nhân cả. Chúa Giêsu chỉ nói: "Hỡi những ai lao đao gánh nặng hãy đến với Ta". Cái khổ của mỗi người hàng ngày đã đầy rẫy, chưa kể những nỗi khổ chồng chất mà người hôn phối trao cho nhau, con cái trong gia đình đặt lên vai cha mẹ. Sức người không gánh nổi đâu.

 

Còn Ðức Giêsu chỉ nói với mọi đôi hôn nhân câu này: "Hãy ở lại trong tình yêu của Ta, để sự vui mừng Ta có nơi các con và sự vui mừng các con đưọc nên trọn vẹn hoàn hảo". (Yn 15: 9tt). Rất nhiều đôi vợ chồng đã tín thác vào Chúa Giêsu và đã được sống thanh thản nhẹ nhàng, và hạnh phúc của họ là suốt đời.

 

TÌNH YÊU CỦA THIÊN CHÚA

 

Tình yêu của TC sung mãn dư tràn. Tình yêu chỉ có cho đi, cho tất cả mọi người, không bao giờ Ngài đòi nhận lại. Vinh quang của Thiên Chúa là Cho là Ban. Và vinh quang của chúng ta là Nhận, mở hết cuộc đời để Nhận. Nếu ai không khiếm tốn đón nhận mà chỉ muốn hãm mình lập công để dâng lên cho Chúa là đi ngược chiều. Thiên Chúa cho chúng ta tất cả. Ngài không đòi chúng ta phải cho lại một cái gì, dù một bông hoa, một cây nến. Những người đạo đức thường hy sinh dâng việc này, dâng việc kia cho Chúa, sẽ rất không hài lòng khi nghe những lời này. Xin nhắc lại lời Ðức Giêsu nói với chúng ta: "Hãy ở lại trong lòng yêu mến của Ta, thì sự vui mừng của anh em được trọn hảo". (Yn 15: 5tt). Ðức Giêsu chỉ muốn ta ở lại trong Ngài để Ngài lo cho ta mà thôi.

 

Mặt khác, cũng không thể nói những đôi hôn nhân không công giáo đều là không tình yêu. Phải thấy rằng, rất nhiều vợ chồng ngoài công giáo sống tình yêu đích thật dâng hiến cho nhau hơn một số gia đình có đạo nhiều. Bởi vì khi họ dâng hiến tình yêu vị tha đích thật thì ở đó có Thiên Chúa. Kinh thánh nói: "Ai yêu mến thì đã sinh bởi Thiên Chúa, và đã biết Thiên Chúa". Cho nên khi một người không phân biệt tôn giáo mà quên mình nghĩ đến người, yêu thương giúp đỡ, quan tâm đến những đau khổ của người khác, người đó đã biết Thiên Chúa và thực thi Lời Chúa nhờ CTT. Bởi vì tình yêu lạ lùng của Cha trong Chúa Kitô Giêsu, không phải sở hữu riêng của chúng ta, mà tất cả mọi nhân thế đều được chung hưởng. Kinh thánh nói: "Ngài là sự sáng đích thật sáng soi mọi người". (Yn 1:9).

(còn tiếp)


Trở Về Trang Mục Lục Giáo Dục
Trở Về Trang Nhà