Hôn Nhân, Một Huyền Nhiệm

Bài 23

HUYỀN NHIỆM CỦA HÔN NHÂN LÀ GÌ?

"Ðể anh em được biết tình yêu của Ðức Kitô siêu vời vượt qúa trí tri; để ae được sung mãn, hòng được vào trong tất cả sự viên mãn của Thiên Chúa" (Ep 3:18t).

Vũ Hồng

 

LÒNG MẾN TRONG HÔN NHÂN

 

Lòng Mến là tình yêu của Thiên Chúa trong Con là Ðức Kitô Giêsu, đến cho mọi chúng sinh, bao trùm mọi tạo thành. Lòng mến ngay từ ban đầu đã ban cho hôn nhân: "Người ở một mình không tốt". Và tình yêu TC đã làm 2 người nên một với nhau, khắn khít một xương một thịt.

 

Nói như thế có nghĩa, tình yêu của con người không thể làm cho 2 người nam nữ nên một, cho dù có ăn một mâm nằm một giường, sống bên nhau ngày này sang ngày khác, hai vẫn chỉ là hai.

Sau biến cố vườn Eden, sự ác càng ngày càng tăng, nỗi xao xuyến nhiều gấp bội hơn sự bằng an, khiến lòng người bị che khuất không hiểu được "Tình yêu siêu vời vượt qúa mọi trí tri" của Thiên Chúa. Nên rất ít đôi hôn nhân khao khát và cậy nhờ tình yêu ấy cho cuộc sống vc của mình. Từ đó khảng tảng đã xảy ra trong gia đình thứ nhất, và tiếp theo những ngày đau thương đã xảy ra trong mỗi cuộc sống gia đình.

 

TÌNH YÊU NHÂN THẾ

 

Trên thế gian người ta chỉ yêu khi thấy được nhau. Trong một bài hát của ông Phạm Duy có câu rất nồng thắm: "Yêu em từ thuở mẹ về với cha". Nhưng đó chỉ là lời ca lãng mạn, để nói lên lòng yêu thương tột đỉnh. Và lời đó cũng chỉ nói được khi đã thấy mặt người mình yêu. Chúng ta không thể vượt thời gian không gian, nên chỉ trong thời gian không gian mới có thể yêu nhau. Nghĩa là phải đến tuổi dậy thì mới yêu nhau được, và phải có nơi chốn để gặp gỡ, tiếp xúc, chiêm ngưỡng dung nhan, lúc ấy thấy vui thấy mến rồi mới yêu.

 

Tình yêu của tôi đối với chuỗi dài cuộc đời, chỉ một khoảnh khắc ngắn ngủi trong tuổi dậy thì, thế mà tôi đã thấy ngây ngất mê say, thấy nồng nàn tuyệt đỉnh. Tôi nghĩ tôi có thể bỏ mất mọi thứ kể cả cha mẹ nhưng không thể thiếu nàng. "Bởi thế người nam sẽ bỏ cha mẹ mà khăn khít với vợ mình". Ðây chỉ nói đến những cuộc hôn nhân chân chính, không vì tiền bạc, không bị lừa dối, không bị ép buộc.

 

Nhưng tội lụy đã tiềm ẩn trong từng con người. Con người đi vào hôn nhân, thì tội lụy cũng đi vào hôn nhân. Nên mãnh lực của tội đã làm tổn thương tình yêu của hôn nhân. Cho nên khi đã cùng nhau thành chồng vợ cũng chưa chắc tình yêu cứ luôn nồng thắm như thuở ban đầu. Cái thuở nồng thắm say mê, người này cứ tưởng người kia như đấng cứu thế của đời mình, có thể tìm nơi đối tượng tất cả hạnh phúc mình khát khao. Khi về sống chung mới nhận ra: Những cái mình biết về nhau qúa ít so với những cái không biết về nhau, những cái mình tưởng tượng về nhau trong lãng mạn tình yêu chỉ là ảo tưởng. Cho nên không ai có thể làm chúa cứu thế cho ai cả, vì mỗi người đều có gánh phải mang, có những tâm tư chất chồng phải vác cho mình và còn có khi phải vác cho nhau nữa.

 

Cái vô tình của những lớp GLHN là nặng về Giáo luật, chăm chú về những hiểu biết tâm lý sinh lý của nam nữ (những cái đó hay thật, khi đụng chuyện thì hôn thú nó còn xé, huống hồ là tâm sinh lý), mà coi nhẹ hoặc bỏ quên nguồn suối hạnh phúc vô biên là tình yêu của Thánh tâm Chúa Giêsu Kitô. Tình yêu ấy chữa lành nâng đỡ, bù đắp mọi thiếu thốn và giải quyết tất cả mọi khó khăn của hôn nhân, hơn nữa còn làm mới lại tình nồng thắm như thuở ban đầu. Nghe thì khó ai tin, nhưng hãy tin Lời Chúa nói: "Hãy nếm thử mà xem".

 

Cho nên có lẽ vì không tin nên chưa thấy một lớp GLHN nào đặt nặng về Cầu nguyện và Kinh thánh. Không Thánh Kinh làm sao biết Chúa yêu tôi như thế nào? Không gì khổ cho bằng những đôi hôn nhân phải tự an ủi mình bằng câu mơ hồ: Không còn tình cũng còn nghĩa, để cố chịu đựng nhau cho trọn kiếp người. Không có tình lấy đâu ra nghĩa?

Việc Cầu nguyện và học hỏi Kinh thánh không phải là một việc đạo đức mà một nhu cầu của mọi kẻ bước vào hôn nhân, hoặc của cả những đôi hôn nhân đã sống lâu năm với nhau mà vị ngọt của tình yêu thuở ban đầu đang trở thành vị đắng của mỗi ngày đời.

 

TÌNH YÊU THIÊN CHÚA

 

Nhưng Thiên Chúa, tình yêu của Ngài thì khác xa với chúng ta. Nói về tình yêu ấy, có một bài thánh ca đã mở đầu bằng những câu cảm động thấu tâm can: "Con luôn tin rằng Ngài thương con không bờ không bến. Con luôn tin rằng Ngài chọn tên con khi chưa có sao trời . . ." (Niềm xác tín của con). Tâm tư này tác giả đã dựa vào Lời Chúa trong Thánh Kinh: "Trước khi ta nắn con ra trong lòng mẹ, Ta đã biết con" (Yr 1: 5a).

 

Và lời trong thư Êphêsô còn làm cho ta ngạc nhiên vô cùng: "Chúc tụng Thiên Chúa bởi Người đã chọn ta trong Ðức Kitô từ trước tạo thiên lập địa và bởi lòng yêu mến, Người đã tiền định cho ta được phúc làm con." (Ep 1: 3tt). Tôi đã được tiền định từ trước muôn đời để làm "con", không phải "người làm công".

 

Thật vậy, Chúa yêu tôi khi tôi chưa là một hạt bụi ở trần gian này, từ lúc chưa có thời gian không gian. Trong uông mang vô thanh vô ảnh, Ngài đã biết rõ tôi là gì, chỉ là tạo vật hèn yếu. Cảm nghiệm sâu xa về tình yêu ấy, một thi sĩ đã có những vần thơ vô cùng thắm thiết:

Thuở nào Ngài đã yêu tôi

Còn yêu đến mãi muôn đời chưa xong

Tim tôi nghe ngọt nắng hồng

Tôi con chim sẻ nửa đồng xu ten,

Xa xưa tôi đó mọn hèn,

Mong manh mảy bụi nhỏ nhen chưa bằng,

Xưa tôi chẳng nói chẳng rằng,

Vô thanh vô sắc lạnh băng cõi nào,

Thương tôi Chúa đã gọi vào,

Ô hay, hiện hữu xiết bao lạ lùng,

Yêu từ vô thủy vô chung

Chúa ơi, nói mấy cho cùng tri ân.

Nợ thương từ nhúm vi trần,

Nợ thương đến cả bản thân tội này

Lấy chi đáp nghĩa cao dầy,

Chúa ơi gởi chút lễ gầy làm tin. (Trăng ? )

 

Ðọc Thánh Kinh và Cầu nguyện, tôi sẽ được thấy: Ngài đã yêu tôi không phải vì tôi đạo đức sáng láng, mà Ngài thương tôi vì những đau thương do tội lỗi đè nặng lên tôi. Vì thế khi vừa xuống trần gian, Ngài đã cho thiên sứ đi tìm tôi ngay. Không tìm tôi trong nhà thờ, mà tìm nơi thân phận của kẻ chăn thuê, lang bang vất vưởng với đoàn chiên cừu ngoài đồng vắng, thiên sứ báo tin: "Này ta báo cho anh em một tin mừng về một niềm vui to lớn. Niềm vui cho toàn dân. Hôm nay đã sinh ra cho các anh em một vị Cứu Chúa. Tức là Ðức Kitô Giêsu, Chúa". (Lc 2: 10-11).

 

Rồi đến thời đến buổi, Ðấng Cứu Chúa ấy đã ra đi, rong ruổi khắp núi cao đồng rộng, làng mạc bãi sông, từng xóm từng nhà để tìm kẻ Ngài thương đang trong tật nguyền, què quặt, mù tối, còng lưng, câm điếc, bị bỏ rơi, bị khi dể, đói ăn thiếu mặc, và trong những khốn khó do tội lụy trói buộc. Rồi Ngài cho ăn no, chữa lành hồn xác, ban niềm vui tin thác cậy trông Thiên Chúa. Cuộc đi tìm của Ngài không chỉ những ngày đó mà còn tiếp nối cho đến hôm nay và mãi mãi. Bản thân tội lỗi của tôi, cũng là đứa con khổ đau mà Ngài đi tìm kiếm. Tìm được tôi, mừng qúa, Ngài khoác tôi lên vai như chiếc khăn quàng ấm áp, rồi âu yếm vác tôi về nhà. (Lc 15:5).

 

Ngài nói rõ: "Ta đến không để kêu gọi những người công chính, mà là kẻ tội lỗi". (Mc 2:17). Ngài không ưa chuộng những nghi thức bề ngoài, linh đình long trọng, chỉ phô trương chốc lát, nhưng không đáp ứng nỗi đau của những trái tim bầm tím. Ngài nói: "Ta chuộng lòng nhân nghĩa, chứ không phải là tế lễ". (Mt 9:13). Lòng thương xót những kẻ khổ đau của Thiên Chúa thổn thức trong trái tim của đấng Cứu Chúa nhân hậu. Ngài mở tiệc (thánh thể), rồi nói với môn đồ: "Hãy ra ngay ngoài phố và các ngõ hẻm trong thành mà dẫn ăn mày, tàn tật, đui mù, què quặt vào đây". (Lc 14:21). Ngài nói với các bậc vị vọng máu lạnh trong đền thờ: "Bọn trộm cướp quân đĩ điếm sẽ qua trước các ông mà vào nước Thiên Chúa". (Mt 21:31).

 

Và thật thế, trong ơn hối cải, một tên cướp đã được vào thiên đàng trước cả Phêrô. Một cô gái điếm đã là người đầu tiên gặp Ðấng Phục sinh, rồi mang tin mừng cho các tông đồ của Chúa. (Lc 23:43; Yn: 20:17t).

 

Nếu trong cơn gian nguy của đời sống, nếu ngay từ ngày đầu của hôn nhân, mà tôi không được biết tình thương này thì thật là khổ cho tôi vô vàn. Việc chăm giữ lề luật từng li từng tí, chỉ làm cho tôi sợ tội, sợ Chúa hơn là tin vào lòng thương xót của Ngài. Việc ấy sẽ dẫn đến khắt khe với chính mình, và với cả tha nhân nữa. Tìm sự đạo đức riêng mình để giải thoát bế tắc, càng đi vào bế tắc. Nỗi bế tắc mà thánh tông đồ đã phải kêu lên: "Vô phúc thay cho con người tôi. Ai sẽ cứu tôi khỏi cái xác chết này?"

 

Nhưng con đường thênh thang đã mở ra cho tôi, thánh Phaolô nói tiếp: "Ðội ơn Thiên Chúa, nhờ Ðức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta". (Rm 7:24-25).


Trở Về Trang Mục Lục Giáo Dục
Trở Về Trang Nhà