Hôn Nhân, Một Huyền Nhiệm

Bài 24

Lòng Mến Trong Gia Ðình I

Vũ Hồng

 

 

NHỮNG BỨC TRANH TIỀU TỤY

       

1- Theo bản phúc trình mới nhất của Liên Hiệp Quốc từ Hanoi, thì hầu hết phụ nữ Việtnam bị ngược đãi và riêng về chuyện bạo hành đối với phụ nữ thì rất phổ biến. Tinh thần trọng nam khinh nữ là một hủ tục vẫn có ở Việtnam, nên rất nhiều vụ phá thai xảy ra vì người ta biết thai nhi là con gái. Cũng theo bản phúc trình trên, thì ít ra đến 80% phụ nữ VN là nạn nhân của bạo hành theo một mức độ nào đó. Ðiều ngạc nhiên là hầu hết phụ nữ cũng như đàn ông tin rằng việc chồng đánh vợ là điều chấp nhận được. Ông Jordan Ryan, trưởng văn phòng LHQ ở VN cảnh cáo tệ nạn này . . .

       

Theo phúc trình trên, thì nạn bạo hành đối với phụ nữ tại VN gồm cả chửi bới, bỏ bê, đánh đập và cưỡng bách tình dục. Giới đàn ông thì lại đổ cho tại rượu, hoặc tại tính nết nóng nảy. Và vì trong thuyền thống xã hội cũ VN, người phụ nữ vốn quen nhẫn nhục và chịu đựng . . . (Saigon nhỏ 1/11/02).

       

2- Nguyệt san ÐMHCG số tháng 11 năm 1998, một phụ nữ VN tại Torrance CA, Hoa Kỳ, đã viết thư than thở về việc bị hành hạ tinh thần trong gia đình. Xin trích một đoạn:

 

Sang Mỹ được vài tháng, em quen một người, vội vàng lấy nhau. Bảy năm chung sống, chúng em đã có 2 mặt con. Khi mới lập gia đình, anh rất nghèo, nhưng em biện luận, tuy nghèo mà tính tình tốt thì được rồi. Không ngờ càng ngày anh càng lộ nhiều tính xấu: Ích kỷ, kiêu căng, ăn nói lỗ mãng cộc cằn, nịnh bợ những kẻ xấu, cẩu thả, không biết lo cho gia đình. Em cứ âm thầm chịu đựng không dám hé môi, sợ người ngoài biết . . . Anh ấy chỉ để ý đến sơ hở của vợ để hùa với bà chị dâu, kiếm chuyện ăn hiếp vợ. Sống với nhau bảy năm, mà chưa hề một ngày hạnh phúc. Em không biết phải chịu đựng đến bao giờ . . .

 

TRẢ LỜI: . . . Ðã ở Mỹ lâu, chắc em đã am tường và hiểu biết luật pháp bên này. Vợ hay chồng hay bất cứ ai đều không có quyền dùng áp lực ăn hiếp, bắt nạt, nếu mình không cho phép họ làm chuyện này. Lỗi tại em "âm thầm chịu đựng không dám hé môi", để rồi bây giờ than thân trách phận, tự cho mình là bất hạnh. Tình nghĩa vc phải tạo ra yêu thương, tôn trọng, và cảm thông lẫn nhau . . . Từ trước đến nay em không hề mở miệng . . . chồng em cứ cho rằng anh ta đúng. Kinh nghiệm đời cho ta thấy rõ, thiếu gì anh chồng ăn hiếp bắt nạt vợ mình chỉ vì người vợ qúa hiền, qúa nhịn nhục, không dám hé môi . . .

 

NỖI ÐAU TRUYỀN KIẾP

 

Hai bức tranh Việtnam, hai thời gian không gian khác nhau, nhưng chung một nỗi đau giống nhau: Nỗi đau bị hành hạ trong gia đình. Trong rất nhiều gia đình, nhất là gia đình Á Ðông; Người phụ nữ bị trói bị nhốt trong cái cũi luân lý, tàn tệ triền miên đời nọ sang đời kia. Cái cũi ấy trước đây có tên gọi là "Tam Tòng Tứ Ðức". Ðể cho những người làm chồng có rất nhiều quyền trên người vợ, do đó một số anh chồng ích kỷ vũ phu, có thể tự do đàn áp vợ mình cả tinh thần lẫn thân xác (như thể) một cách hợp pháp.

Tuy những nét đau khổ của người đàn bà trong gia đình đậm lạt không giống nhau, (bởi vì tùy vào nhân cách của từng người chồng, nhân cách đây không nói đến sự có học hay vô học, mà là lòng yêu thương nhân ái của Ðức Kitô ban cho). Nhưng nói chung, sự đau thương vẫn có ở đó, không chỉ ở cách đối xử bên ngoài, mà còn tận bên trong, nơi thâm sâu bí ẩn cuộc sống vợ chồng, (như phúc trình của LHQ có nhắc đến), nơi mà nhiều nỗi đau lòng chỉ dám thổ lộ trong tòa giải tội. Nhưng không phải dễ dàng gì? Có những niềm riêng tư không phải cứ mở miệng là nói ra được, nhất là về phía phụ nữ. Sẽ bàn kỹ về vấn đề rất quan trọng này trong bài 25.

 

Trong thư giải đáp cho người vợ bất hạnh ở Torrance, CA, người phụ trách có lời khuyên: "Hãy thưa chuyện với Cha để ngài mách cho chồng em biết những khuyết điểm . . ."

 

Nghe có vẻ phấn khởi. Lòng người ta nặng hơn núi. Thay đổi lòng người khó hơn rời núi. (Lc 17: 5). Ngoại trừ có một tấm lòng thương xót của Chúa Giêsu trong tấm lòng của vị linh mục nào đó, tức khắc sẽ có phép lạ đổi đời. Còn nếu chỉ vài lời khuyên luân lý của cha là xong ngay, thì các chính phủ, các luật gia, các siêu gia tâm lý trên thế giới đã không phải mở cho hôn nhân một cửa sau để họ thoát, cửa đó là luật ly dị.

 

Cha, nhất là cha xứ ở VN, là đấng quyền uy nhất trong xứ đạo, nhưng thầy cả không phải cái gì cũng biết cả. Và một số các ngài qúa thiêng liêng sáng láng, hoặc qúa đạo đức, nên cứ tặng cho mỗi nạn nhân một cây thánh giá, nặng nhẹ rán mà lập công. Còn các đấng thì không đụng một ngón tay lay thử (Lc 11: 46). Cho nên nhiều khi nhúng tay vào trần thế, hư việc nhiều hơn là được việc.

 

Căn bản hạnh phúc của gia đình, không phải là luân lý, không phải là đạo đức theo kiểu kinh lễ, mà là lòng Mến của Chúa Kitô trong gia đình, trong trái tim của người chồng cũng như người vợ. Xin nhắc lại, lòng Mến của Chúa Kitô đổ xuống lòng ta, không phải lòng ta mến Chúa. (Rm 5:5). Bởi vì nước mắt không bao giờ chảy ngược lên trán cả.

Khi cầu nguyện, tôi thường nói chung chung: "Lạy Chúa con mến Chúa". Rất ít khi tôi cảm nghiệm Chúa yêu tôi để nói lên câu: "Lạy Chúa, Chúa yêu con". Và lời nguyện này còn ít hơn nữa: "Lạy Chúa Giêsu, Chúa yêu con qúa". Theo Á đông, tâm tình hướng về người mẹ nhiều hơn, nên mọi gia đình công giáo Việtnam rất kính mến Ðức Me, và có ảnh tượng Mẹ trên bàn thờ. Chắc chắn Mẹ sẽ đưa đến Chúa Giêsu.

 

ÐỊA NGỤC VÀ THIÊN ÐÀNG

 

Nỗi đau của phụ nữ trong gia đình, không phải là sự việc mới được khám phá, mà từ thuở ban đầu đã nói trong Thánh Kinh: "Với chồng ngươi, ngươi sẽ đon đả, nhưng nó, nó sẽ thống trị ngươi". (Kn 3: 16b). Ðây không phải là án phạt, mà là hậu qủa của sự không có tình yêu của Thiên Chúa trong gia đình. Khi không có tình yêu, thì kẻ mạnh (tiền hoặc sức) là kẻ làm chủ. Và như thế là địa ngục bắt đầu có ở trần gian. Thiên đàng Ðịa ngục không phải là một nơi chốn cho đời sau, mà là có sẵn ngay từ đời này. Bắt đầu từ trong gia đình.

 

Tình trạng gia đình của người phụ nữ Torrance CA, với lời than thở: "Sống với nhau bảy năm, mà chưa hề một ngày hạnh phúc. Em không biết phải chịu đựng đến bao giờ." Ðịa ngục đó!

Phúc trình của LHQ về bạo hành trong gia đình: "Lỗi của chính mình vẫn không nhận, lại hèn nhát đổ cho rượu và tính nết nóng nảy". Ðịa ngục đó!

 

Theo thống kê của TIME 12/9/02, thì 19 triệu 200 ngàn người bị bệnh AID trên thế giới là phụ nữ. Nửa số là con gái còn vị thành niên. Ai là kẻ đã gây HIV cho vợ mình, cho con mình, và cho những phụ nữ khác? Chắc là rượu và tính nết nóng nảy? Ðịa ngục đó!

 

Nhưng nếu người phụ nữ mà sơ sảy điều gì, dư luận hùa nhau vào lên án ngay.

 

CHO KẺ ÁP BỨC ÐƯỢC GIẢI OAN. (Lc 4:18)

 

Tình trạng đàn áp phụ nữ thật là vô phương sửa chữa, nó từ thâm căn cố đế của tội tổ tông, lại được hỗ trợ bằng một số luật lệ. Nhưng Ðức Yêsu đã đến.

 

Ánh sáng đến thì bóng tối phải tan. Khi Ðức Kitô Giêsu đến thì tất cả những gì là bất công phải được phán xử công bằng. Những án phạt là hậu qủa của tội đều được giải quyết. Gia đình nào, đón nhận Tin mừng Chúa Kitô, thì gia đình đó có được sự yên vui của lòng Mến. Thánh Tâm sẽ ban lòng yêu thương, sự trân trọng tương kính nhau. Cảnh chồng chúa vợ tôi không còn nữa. Truyền thống cha mẹ đặt đâu con ngồi đó trong luân lý Á Ðông đã bị mất hiệu nghiệm. Chỉ nguyên việc 2 người nam nữ đứng trước vị linh mục chứng hôn để trả lời: Có-Không, cũng là một sự đổi đời (tương đối) cho phụ nữ rồi. Chưa kể những khoản trong Giáo luật xét lại những đôi vợ chồng tuy ăn ở với nhau có con cái, nhưng hôn nhân không thành (non-consummatum) vẫn được giải phóng và giải gỡ. (Can. 1055-1165).

 

Khi Ðức Giêsu đến, mở đầu sứ vụ Tin Mừng là dấu lạ nơi tiệc cưới Cana. Ngài ban tình yêu của trái tim Ngài cho tất cả hôn nhân. Tình yêu của con người trong hôn nhân vì tội lụy đã ra lạt lẽo. Tình dục có nồng nàn chăng nữa, sau cơn mê chỉ là nước lã. Chính Ðức Mẹ đã nói sự thiếu này với Ðức Giêsu: "Họ không có rượu nữa!" Và Ðức Giêsu đã làm nước lã hôn nhân thành rượu ngon hảo hạng của lòng Mến. (Yn 2: 1-11).

 

Tiếp theo là vụ án người phụ nữ ngoại tình bị bắt qủa tang, trai trên gái dưới, trần trụi tô hô. Tội, theo luật Môsê phải ném đá cho chết. Nhưng có một cái nghịch lý đến vô lý là: Người đàn bà này ngoại tình với ai? Với cái cột nhà hay với một hình nộm? Ðức Giêsu nhìn rõ tim đen từng kẻ đang la lối. Qúa khứ của họ làm sao ẩn khuất được trước mặt Ngài. (Hr4:13). Ngài là Ðấng thương xót, nên Ngài không thể xử một cái án qúa bất công, vô nhân đạo, và không có tình người, như thế. Ngài chỉ yên lặng lấy tay viết trên đất, rồi ngẩng lên nói với bọn đạo đức giả: "Trong các anh, ai vô tội hãy ném đá trước hết người này đi". Tất cả im tiếng, và từ từ rút lui hết. Và Ngài tuyên án người đàn bà: "Ta không xử tội con đâu! Ði đi và từ nay đừng phạm tội nữa". (Yn 8:1-11).

 

Cuộc giải phóng phụ nữ và gia đình bắt đầu, không phải bằng võ lực, mà bằng lòng Yêu Mến của Chúa Kitô đổ xuống trên trái tim của kẻ muốn đón nhận.

(Còn tiếp)

 


Trở Về Trang Mục Lục Giáo Dục
Trở Về Trang Nhà