HÔN NHÂN, MỘT HUYỀN NHIỆM

Bài 28

 

LÒNG MẾN TRONG GIA ĐÌNH, V (tiếp theo)

Vũ Hồng

 

GHEN TUÔNG

 

Rằng: “Tôi chút dạ đàn bà,

Ghen tuông thì cũng người ta thường tình.

(Câu 2365-66. Truyện Kiều- Nguyễn Du)

 

Ghen tuông là chuyện thường tình của người ta, đúng như vậy. Ai không biết ghen mới là bất bình thường. Mà ghen tuông không chỉ có trong giới đàn bà, mà là chung của mọi người.

 

Chữ Ghen thường nói đến trong lãnh vực tình ái, còn trong tình bạn, tình anh chị em, đồng nghiệp không chỉ Ghen mà còn dùng chữ Ganh nữa.

 

Ở đời, không ai muốn thua kém ai, có câu: “Thua trời một vạn, không bằng thua bạn một ly.” Cho nên trong bất cứ lãnh vực sinh hoạt nào của xã hội như, khoa học, thể thao, văn hóa, nghệ thuật, thương mại, y tế, ngay cả địa vị, tài năng, sắc đẹp, v.v. đều có sự ganh đua để cố gắng vươn lên.

 

Về mặt cá nhân sự ganh đua luôn có hai mặt tích cực và tiêu cực. Tích cực thì cùng nhau thăng tiến, nhưng tiêu cực đến ganh tị, ghen tức, thậm chí dùng âm mưu độc ác để hại người, thì đã trở thành tội ác rồi.

 

Chuyện ganh ghét cá nhân cũng như trong sinh hoạt xã hội vẫn nhan nhản khắp nơi. Không phải trong thời đại này mà mọi thời, vì nó là hoa trái sự dữ, nó đã có từ lúc tổ tông loài người bị ra khỏi vườn Eden.

 

MỘT ÍT SỰ VIỆC TRONG THÁNH KINH

Sau khi con người bỏ Thiên Chúa, thì lòng yêu mến nhau đã bị thương tổn nặng nề (Rm 3: 10tt), và sự ganh ghét xâm nhập vào thế gian. Khởi đầu là việc ghen tuông của Cain với em mình là Abel, cả hai là con trai của tổ tông Adam. Kinh thánh nói: “Cain, lễ vật của nó, Yavê Thiên Chúa không ngó đến. Cain tức tối lắm. Nó sầm mặt xuống.” (Kn 4: 5). Nhưng sự ghen tức của Cain đã không ngưng tại đó nên đã gây nên tội ác: “Cain nói với em nó: ‘Ta hãy ra đồng đi!’ Và xảy ra là khi hai anh em ở ngoài đồng, thì Cain xông vào mà giết em mình.” (Kn 4: 8).

 

Rồi đến vụ bà Saray vợ của tổ phụ Abraham, Saray đã ghen tức với Hagar, người nữ tỳ mà bà đã hiến tặng cho Abram. Hagar có thai làm bà nổi ghen, và nói với Abram: “Tôi đặt con thị tì của tôi vào lòng ông. Mà khi nó thấy nó có thai, thì tôi chẳng còn ra cái thá gì trước mặt nó.” Và Saray đã hành hạ nàng, và Hagar đã bỏ Saray mà trốn đi. (Kn 16: 1tt).

 

Sau đó đến vụ Yuse con trai của Giacóp. Yuse được cha thương hơn các anh, nên các anh đem lòng thù ghét. Thánh kinh nói: “Họ không thể nói với Yuse một lời hòa nhã”, sự ghen ghét đó suýt dẫn đến nguy hại tính mạng của Yuse, khi Yuse đi gặp các anh ở nơi chăn cừu vùng Đôtan. (Kn 37: 1-28).

 

Tiếp theo nữa là vụ ghen tức của vua Saul đối với Đavit, sau khi Đavit đã giết được tên tướng giặc Philitin là Gôlyat, thì Saul nổi ghen; và Kinh thánh đã mô tả sự ghen tức của Saul như sau: “Đavit đang đưa tay gảy đàn như thường ngày; và cây giáo thì sẵn nơi tay Saul. Saul mới vung cây giáo lên và nói: ‘Ta phải đâm Đavit cắm vào tường mới được!’ Nhưng Đavit tránh được hai lần.” (Sm 18: 11).

 

Trong Kinh thánh Tân Ước, cũng có việc ghen tuông giữa các môn đệ Đức Giêsu: Khi Gioan và Giacôbê được mẹ dẫn đến gặp Đức Giêsu để xin địa vị cho hai con mình, một ngồi bên tả một ngồi bên hữu Đức Giêsu trong vinh quang Nước của Ngài, các tông đồ khác nghe được thì ghen tức lắm. Kinh thánh nói: “Mười người kia nghe được thì phẫn uất với hai anh em.” (Mt 20: 24).

 

Đó là trong Thánh Kinh; Còn trong lịch sử loài người, việc ghen tuông giữa anh em trong nhà, hoặc đoạt ngôi xoán vị trong các triều đại, đến độ tàn sát lẫn nhau thì chúng ta đã được thấy trong cuộc đời hoặc qua sách vở báo chí.

 

YÊU VÀ GHEN

Tuần tĩnh tâm mùa chay mới đây tại một xứ đạo VN, Lm giảng thuyết qua bài Kinh thánh nói về Thiên Chúa yêu dân Israel đến nỗi phẫn ghen khi dân bỏ Ngài mà thờ ngẫu tượng bò vàng. Lm có nói đến vấn để ghen. Ngài nói: “Có yêu thì mới ghen, yêu càng mãnh liệt thì ghen càng mãnh liệt. Rồi Lm ví chất cay của ớt trong tô bún bò Huế, cay nhiều thì ăn càng đậm đà. . .”

 

Yêu nhiều ghen nhiều. Nói về tình yêu Thiên Chúa với loài người thì qúa đúng, bởi vì Thiên Chúa là nguồn tình yêu, vì yêu Ngài muốn cho tất cả sinh linh do Ngài dựng nên được hưởng hạnh phúc đời này và đời sau. Hạnh phúc ấy được ban phát tự Ngài trong Ngài và bởi Ngài. Nhưng nhiều phen Israel đã bỏ Yavê, mà đi lưu luyến bái lạy các thần tượng khác, mà Kinh thánh Cựu Ước thường gọi là ngoại tình, như đã viết trong bài ca của Môsê: “Chúng làm Ngài phẫn ghen với thần lạ mặt, bằng những đồ nhờm tởm chúng chọc tức Ngài.” (xem Tl 32: 16 & Ds 25: 11). 

 

Sự ghen của Giavê là qúa yêu, bản chất Yêu của Thiên Chúa không hề có sự ghét, không có sự làm hại người yêu. Vì yêu Thiên Chúa không muốn cho những hình ảnh của Ngài là chúng ta, phải suy vong trong tối tăm. Sự sống của chúng ta là hơi thở của Ngài không thể bị hủy hoại trong tay qủi dữ. Nên Ngài nôn nóng kéo kẻ Ngài thương trở về. Ngôn sứ Hôsê diễn tả sự phẫn ghen của Thiên Chúa Yavê với Israel như thế này:

“Qủa thế, nó đã không còn là vợ Ta, và Ta không còn là chồng nó . . . nó đã chạy theo các tình lang của nó; còn Ta, nó đã quên Ta. Cho nên này Ta đã dụ dỗ nó, đem nó vào sa mạc, và kề lòng, Ta nói khó với nó . . .” (Hs 2: 4-16)

 

Còn nói về tình yêu con người thì không thể so sánh với tình yêu Thiên Chúa, vì chúng ta là tạo vật mỏng dòn, hạn hẹp thiếu thốn, thiếu thốn đến độ lắm khi mình muốn yêu chính mình, lo cho bản thân mình được đầy đủ, mà cũng còn khó vô cùng. Cho nên phải có sự hợp quần thành gia đình, thành làng xã, thành cộng đồng, thành quốc gia để cậy nhờ lẫn nhau, để nâng đỡ lẫn nhau; tuy thế cũng chỉ tương đối thôi. Bởi vì, ngoài Thiên Chúa, không ai có thể là nguồn ban phát sự sống và lòng yêu thương cho ai một cách nhưng không. (Is 55: 1). Bởi vì con người chúng ta, càng sống càng thấy mỏng dòn trước thời gian tuổi tác, không ai có thể giải quyết được những khó khăn cho ai, không ai có thể đau giùm cái đau của ai, không ai có thể buồn hộ cái buồn của người khác, không ai có thể bệnh thế cho người mình thương, và còn một thê thảm nữa, là không ai thể chết thế cho ai, mà chỉ tự mình cô đơn đi về cõi vĩnh hằng.  Suy nghĩ như thế, nếu chúng ta không có một niềm hy vọng vào Chúa Kitô thì chúng ta là người khốn khổ nhất thế giới.  Suy nghĩ như thế, chúng ta mới thấy sự ghen của Thiên Chúa vì yêu thương ta đến tột độ khác với sự ghen của con người thường biết bao.

 

GHEN CỦA CON NGƯỜI

Về con người, nhân gian thường nói: Có yêu thì mới ghen. Cũng đúng thôi. Nhưng trong tiếng Việt, chữ Ghen/Ganh lại thường đi với chữ Ghét, hoặc chữ Tị, hoặc chữ Tức. Nên đã ghép thành từ ngữ Ghen-ghét, Ganh-tị, Ghen-tức. Chưa hề được nghe hai chữ Ghen-yêu. Và thực tế thì chữ nghĩa nó là như vậy.

 

Mặt khác trong Thánh kinh, thư Corinthô lại nói tình Yêu đích thực và Ghen không thể đi đôi với nhau:

“Lòng Yêu Mến thì khoan dung nhân hậu;

Lòng Yêu Mến không ghen tuông;

Lòng Yêu Mến không ba hoa . . . “ (IC 13: 4).

 

Lòng Mến đích thật chỉ có nơi một mình Thiên Chúa mà thôi. Cho nên cái ghen của Thiên Chúa là Ghen Yêu, không có sự ghen ghét, ghen tức như con người. Bởi vì Thiên Chúa là tình yêu, nên quyền hành của Ngài là để yêu mến, Thánh vịnh nói:

“Lòng thương của Thiên Chúa trên hết mọi công việc của Ngài.” (Tv 145:9). Kinh thánh Tân Ước còn minh xác rõ ràng hơn: “Thiên Chúa đã yêu mến thế gian như thế đó, đến nỗi đã thí ban Người Con Một, để ai tin vào Ngài thì khỏi phải hư đi.” (Yn 3: 16.)

 

LÒNG GHEN CỦA THIÊN CHÚA   

Những chuyện ghen tuông xảy ra trong nhân gian, không nên và không thể ý kiến, vì không ai có khả năng soi sáng cho ai, chỉ có Thiên Chúa mới thấu hiểu lòng dạ từng người, và chỉ có Thiên Chúa mới có quyền năng lo cho họ.

 

Chỉ có tình yêu Thiên Chúa mới chữa lành những vết thương lòng chúng ta, mới gánh được những bệnh hoạn đau khổ của chúng ta, mới làm mới lại cuộc tình của chúng ta với nhau và với Ngài. (Is 53: 4). Và cuối cùng tình yêu của Thiên Chúa trong sự Phục sinh của Con Ngài sẽ làm cho chúng ta sống lại từ cõi chết.

 

Và vì thế, vì yêu chúng ta qúa đỗi đến nỗi phẫn ghen khi thấy chúng ta sa vào tay thần dữ, nên đã quyết tâm bằng mọi cách kéo chúng ta về lại trong hạnh phúc của Ngài.

 

Thiên Chúa yêu mến chúng ta, chúng ta lỗi phạm chúng ta phản bội tình yêu của Ngài, Ngài không phạt chúng ta như tội chúng ta đáng, mà lại dồn tất cả hình phạt vào con yêu dấu của Ngài, Đức Giêsu Kitô. Và Cha đã treo Con lên thập giá, để chết thay cho tôi cho mọi người. “Đức Giêsu Kitô, Đấng không hề biết tội, thì vì ta, Thiên Chúa đã cho làm thành sự tội.” (2Cor 5: 21). Và Thần Khí Thiên Chúa đã cho Gioan tẩy giả nhìn ra tình yêu lạ lùng này, ông đã phải hô lên khi Đức Giêsu đến với ông: “Đây là Chiên của Thiên Chúa, Đấng gánh tội, xóa tội trần gian.” (Yn 1: 29).

 

Lạy Chúa Kitô Giêsu! Khi con gặp khốn khó trong tâm hồn, con gặp ghen tức trong cuộc đời, trong gia đình, xin Thánh Tâm Chúa cho con, chỉ có một hướng nhìn, không nhìn vào lỗi phải của nhau, mà nhìn vào Chúa bị đóng đinh trên Thập Giá, nơi đó tình yêu từ Trái Tim bị đâm thâu sẽ cho đời con một hướng đi, tâm hồn con cách giải quyết, dù có đau khổ, nhưng trong tha thứ, trong bình an của lòng Yêu Mến, và trong sự sống và sự phục sinh của Chúa.  Amen.


Trở Về Trang Mục Lục Giáo Dục
Trở Về Trang Nhà