HÔN NHÂN, MỘT HUYỀN NHIỆM

Hôn Nhân chỉ Huyền Nhiệm trong Chúa Kitô Giêsu.

Vũ Hồng


THÂN PHẬN CON NGƯỜI

Chúng ta ai cũng như ai, từ đất mà ra, và sẽ trở về đất. Con người là như thế, nhưng khó có ai cảm nhận được thân phận mỏng manh bụi đất của mình.

Bụi đất là yếu đuối, tôi nhảy không xa bằng con nhái, chạy không nhanh bằng con gà, mà cứ thấy mình lớn, muốn trổi vượt, muốn sang giầu hơn người khác. Bản chất của tội tổ tông là, từ Adam, không ai muốn mình bé. Adam đã phạm tội đối với Chúa mà còn lớn lối. Khi Yavê gọi: “Ngươi ở đâu? Có phải ngươi đã ăn trái cây Ta cấm ngươi không được ăn không?” Adam trả lời: “Người đàn bà mà Chúa đã đặt bên tôi, chính y thị đã hái nơi cây ấy cho tôi, nên tôi đã ăn.” (Kn 3: 12).

Hôm nay đối với Chúa cũng vậy, người ta ít muốn nhờ vả lòng xót thương, chỉ muốn lập công dâng cho Chúa để đền tội. Không chỉ đền tội cho mình, “cho những kẻ lạc xa đường rỗi” và còn đền tội “chung cho các nước thiên hạ” nữa, (kinh đền tạ TTCG). Khủng khiếp thật! Như vậy thì sự chết thập giá và phục sinh của Đức Kitô Giêsu hoá ra vô lối sao? (Gal 2: 21).

Thật sự vì qúa đạo đức nên tôi không hề thấy mình yếu đuối để phải van xin cậy nhờ, chỉ muốn dâng cho Chúa và ban ơn cho người khác. Nếu ngày nào tôi cũng hy sinh hãm mình dâng lên công đức của tôi, Chúa thành người mắc nợ tôi sao? Kinh thánh nói: “Nơi người có việc làm, thì công (của người) không kể được là ơn, nhưng là nợ.” (Rm 4: 4 & 11: 6).

Vinh quang của Chúa là cho, là ban. Vinh quang của con người là nhận, là chịu lấy. Thật sự chúng ta chỉ là đất thôi, như trong kinh đã đọc: “Lạy Chúa tôi, tôi là vật phàm hèn, cùng là KHÔNG trước mặt Chúa”. Và Kinh thánh nói:

“Vì nếu ai tưởng mình là gì, mà kỳ thực là không, thì chỉ lừa gạt chính mình đó thôi.”(Gal 6: 3).

Tôi là bụi đất phàm hèn. Trước mặt Đấng Tạo Thành, tôi chỉ là KHÔNG, là thụ tạo, hèn hạ thấp kém. Kinh thánh nói: “Ngươi có gì mà đã không chịu lấy? Mà nếu đã chịu lấy, sao lại vinh vang như không chịu lấy?”(1C 4: 7).

Bản thân tôi, một phút không cậy nhờ vào Chúa là một phút hư không. Cho nên Đức Kitô Giêsu phải xuống trần gian, nhờ Ngài cái KHÔNG của tôi mới thành CÓ. Kinh thánh nói:

“Chính do tự Thiên Chúa mà anh em được CÓ trong Đức Kitô Giêsu.” (1C 1: 30a).

 

ĐỨC GIÊSU BỎ NGỎ CHO CHÚA CHA

 Ngôi Hai Thiên Chúa khi xuống trần thế, mặc lấy xác phàm. Ngài không có tội mà phải mang lấy tội của tôi, nên chỉ một mình Ngài mới thấy được sự yếu đuối cùng tận của một con người khi phải xa Thiên Chúa. Cho nên con người Giêsu cần có Cha ở với Ngài vô cùng. Ngài hết lòng cậy nhờ vào Cha, rời Cha ra là chết. Từng bước đi, từng lời nói, ý nghĩ, từng hơi thở Ngài đều cậy nhờ và mở ngỏ cho Thần Khí Cha dẫn dắt. Ngài nói:

“Tôi sống nhờ Cha Tôi.” (Yn 6: 57b).

Chúng ta đọc kinh thánh, sẽ thấy rõ Đức Giêsu tùy thuộc vào Cha thế nào. Khi rời sông Yordan vào sa mạc ăn chay cầu nguyện Tin Mừng theo thánh Marcô nói: “Và ngay đó, Thần Khí xua Đức Giêsu vào sa mạc. Và Ngài ở trong sa mạc 40 ngày . . .” (Mc 1: 12).

Tin Mừng theo thánh Luca: “Đức Giêsu, đầy Thánh Thần, đã bỏ bờ sông Yordan và được Thần Khí đưa vào sa mạc.” (Lc 4:1).

Đoạn khác cũng của Luca: “Đức Giêsu trở về Galilê, trong quyền năng của Thần Khí và tiếng tăm Ngài lan ra khắp cả vùng xung quanh . . .” (Lc 4: 14).

Những từ ngữ: ‘Thần Khí xua vào sa mạc’;  ‘Thần Khí đưa vào sa mạc’;  ‘Trong quyền năng của Thần Khí’ v. v.  nói lên thế bị động ở nơi Đức Giêsu.

Bốn Tin Mừng đều nói, từ tâm hồn thể xác, từ lời nói việc làm, lúc nào Đức Giêsu cũng bám chặt vào lòng thương xót của Cha. Trước cái chết, giờ phút cô đơn lẻ loi nhất trong đời, Đức Giêsu cũng chỉ có một hướng nhìn là Cha của Ngài: “Ôi, lạy Thiên Chúa của tôi! Sao người bỏ tôi!” (Mc 15: 34).

Trong Tin Mừng theo thánh Gioan, việc cậy nhờ vào Thiên Chúa Cha còn rõ ràng hơn nữa. Đức Giêsu nói:

 “Tôi không làm điều gì tự mình Tôi . . . vì Tôi không tìm kiếm ý của Tôi, mà ý của Đấng đã sai Tôi.”(Yn 5: 30).

“Vì Tôi đã tự trời xuống, không phải để làm theo ý Tôi, mà là ý Đấng đã sai Tôi.” (Yn 6: 38).

“Đạo lý Tôi dạy, không phải là của Tôi, mà là của Cha Tôi. (Yn 7: 16).

“Tự Tôi, Tôi không làm gì; nhưng Cha Tôi đã dạy Tôi làm sao, Tôi nói vậy.”(Yn 8: 27) v.v.

Chính vì sự yếu hèn tăm tối của con người, do tội lỗi, tự mình không thể đứng lên để đụng đến lòng thương xót của Thiên Chúa, nên Con Thiên Chúa phải đến để nhờ Ngài mà chúng ta mới được cứu. Đức Giêsu nói: “Không ai có thể đến với Cha mà lại không nhờ Tôi.” (Yn 14: 6). Nhờ Đức Giêsu, chúng ta không phải bắc thang lên trời cao, mà chính Ngài đã từ trời cao xuống đất thấp, để mang thân phận đất bụi như chúng ta. Ngài đi tìm chúng ta. Chúng ta không đi tìm Ngài.

Kinh thánh nói: “Đức Giêsu, Đấng Thượng tế ta có, không phải là người không thể cảm thông với nỗi yếu hèn của ta, song là Đấng đã dãi dầu thử thách, muôn sự đều tương tợ (như ta), ngoại trừ sự tội.” (Hr 4: 15).

Đức Giêsu đến, Ngài không đòi hỏi ta gì, không bắt ta phải lập công lập nghiệp dâng lên cho Ngài, mà chỉ yêu cầu ta có một điều, hãy trở nên trẻ bé trong tay của Ngài: “Qủa thật Tôi bảo anh em, nếu anh em không hoán cải mà nên như trẻ nhỏ, anh em không được vào Nước Trời.” (Mt 18: 3).

Đặc tính của trẻ nhỏ, không phải là ngây thơ trong trắng, không phải là ngay thẳng thật thà. Vì Kinh thánh đã nói: “Không ai tốt lành cả. Một người cũng không.” (Rm 3: 9-12). Chúng ta thấy con nít nhiều đứa còn qúa trời hơn người lớn. Đặc tính của trẻ nhỏ là CẬY NHỜ. Chúa chỉ muốn chúng ta CẬY NHỜ, Cậy Nhờ đến mức bỏ ngỏ hoàn toàn cho Ngài.

Bởi vì trần gian không ai BÉ cả trước mặt Cha trên trời, nên Đức Giêsu đến, Ngài đã thay cho cả nhân loại để trở thành con trẻ bé mọn trước mặt Cha. Đạo lý của thế gian, là ưỡn ngực phô trương: “thua trời một vạn không bằng thua bạn một ly”, hoặc “con hơn cha nhà có phúc”. Nhưng đạo lý của Chúa Kitô: “Môn đồ được như Thầy, và tôi tớ được như Chủ là đủ rồi.” (Mt 10: 25). Được như, nghĩa là được khiêm nhu bé mọn trước Thiên Chúa. Hoàn toàn cậy nhờ vào Thiên Chúa. Chính Đức Giêsu đã làm như vậy:

“Ngài đã hạ mình thấp hèn,

  trở thành vâng phục cho đến chết,

  và là cái chết trên thập giá.” (Ph 2: 8).

Chúa Giêsu biết chúng ta yếu đuối bất lực, nên chính Ngài đã phải lo cho chúng ta, bằng cách dùng nước và máu, hoán đổi thân phận chúng ta, cho chúng ta Sinh Lại trong Nước và Thần Khí, Ngài làm cho chúng ta chết đi con người CŨ, Sinh Lại thành Con Người MỚI, chúng ta có công gì đâu? Đây là một Huyền Nhiệm, đến Nicôđêmô, một học giả, một bậc thầy của Israel, mà còn không hiểu nổi.

“Ai không sinh bởi Nước và Thần Khí,

thì không thể vào được Nước Thiên Chúa.

Sự gì sinh bởi xác thịt là xác thịt,

     Và sự gì sinh bởi Thần Khí là Thần Khí.” (Yn 3: 5-6).

Sinh Lại là như thế. Chúng ta chỉ biết qùi xuống tạ ơn và chịu lấy mà thôi.

 

HÔN NHÂN, MỘT HUYỀN NHIỆM

Hôn nhân Huyền Nhiệm là do nhờ sự huyền nhiệm của lòng thương xót nơi Chúa Giêsu. Chúa Giêsu muốn làm cho hai người nam nữ trở nên tạo vật huyền nhiệm trong thân mình Ngài. Vì thế hôn nhân giữa một người không là chi thể Chúa Kitô và một người ở trong thân mình Chúa Kitô, thì sự thiệt thòi về hạnh phúc không thể lường được. Và ngay cả hôn nhân giữa hai người nam nữ tuy là Kitô hữu mà không BIẾT Đức Kitô Giêsu sự thiệt thòi cũng rất to lớn.

Biết đây không phải bằng tri thức, mà là biết bằng con tim. Không phải biết bằng lề luật bằng kinh sách, mà biết bằng Thần Khí. Hôn Nhân chỉ Huyền Nhiệm vô song khi hai anh chị yêu nhau, hai vợ chồng ăn ở với nhau, nên một với nhau, trong Thánh Tâm Chúa Giêsu. Sự huyền nhiệm của Chúa Giêsu sẽ ở lại với hai người suốt đời, bởi Chúa Giêsu là nguồn tình yêu không bao giờ vơi cạn, nơi Trái Tim Ngài có những dòng sông tuôn chảy Nước sinh sự sống.” (Yn 7: 38).

Cái quan trọng nhất trong Hôn Nhân là hai vợ chồng phải ngày đêm cậy nhờ Chúa Giêsu, bằng “cầu nguyện lớn tiếng van xin bằng nước mắt” (Hr 5: 7), bằng bỏ ngỏ hoàn toàn cho Chúa Giêsu. Đừng bao giờ dựa vào tài trí, sức lực, tiền bạc, công ăn việc làm của mình. Chỉ có cậy nhờ, và cậy nhờ, vì Lời Chúa nói: “Sự trông cậy sẽ không làm tủi hổ.” (Rm 5: 5). Anh chị càng nhỏ bé trước Chúa bao nhiêu càng tràn đầy hạnh phúc bấy nhiêu. Thiên Chúa giầu có vô cùng, cứ xin đi, Ngài chỉ muốn ban cho chúng ta thôi.  Chúng ta càng xin càng được cho, cái túi càng rỗng không càng đựng được nhiều. Lòng của hai vợ chồng trong hôn nhân phải như túi rỗng không trước Thiên Chúa. Thiên Chúa chỉ ban sự giàu có là chính Con Ngài cho những kẻ hèn kém nghèo nàn. Chúa không cho những kẻ thấy mình giàu có đạo đức khôn ngoan. Chúa cũng không ban trực tiếp cho tôi, không trao qua tay người nào khác, mà chỉ nơi một Đấng trung gian duy nhất là Chúa Kitô Giêsu, Chúa chúng ta. Hôn Nhân chỉ huyền nhiệm tuyệt vời trong Chúa Giêsu, nhờ Chúa Giêsu mà thôi.

Muc Luc