“HÔN NHÂN, MỘT HUYỀN NHIỆM”

BÀI V: CHỮ TÂM TRONG HÔN NHÂN

Vũ Hồng

 

 

. . .Vợ chồng sống với nhau không còn cái TÂM, mà bằng cái lý, sự ác đã bắt đầu có trong gia đình, vì cái lý thì kẻ mạnh bao giờ cũng thắng.

Có câu hỏi đăng trong báo ĐMHCG (số 210 tháng 2/04, trang 51) như sau :

Hỏi: Bố em uống rượu bia suốt ngày. . . . Em có một người bố tốt biết lo lắng cho gia đình rất gọn ghẽ và ngăn nắp. Nhưng có một điều em không thích là bố em hay chửi mắng vợ con và cháu suốt ngày. Em đồng ý là nhiều lần chúng em làm sai trái và bố mẹ có quyền la mắng, nhưng từ nhỏ đến lớn, bố em ít khi khuyên bảo hoặc sửa sai chúng em bằng cách nói nhỏ nhẹ. Nhiều khi bố em la mắng mấy đứa cháu nhỏ suốt ngày, mà ít khi chỉ dẫn chúng lần sau đừng làm như vậy . . . Em cũng có xin mẹ khuyên bố đừng chửi mắng chúng em và các cháu suốt ngày nữa. Mẹ có khuyên, nhưng có khi bố cũng chửi mẹ luôn. Mẹ là người ít nói, và nhiều khi bố la mắng mẹ cũng làm thinh, tại vì mẹ cũng là nạn nhân với chúng em.

Trả lời: . . . Bố em, ngoài bản tính thói quen hay la mắng, một yếu tố quan trọng khác khiến bố em trở nên cộc cằn lớn tiếng suốt ngày đó là căn bệnh nghiện rượu (bia). . . Men rượu, men bia vào làm mất tư cách con người, và thường quay ra làm những điều xằng bậy, khi tỉnh được, nhiều khi qúa trễ. Ngoài những người đồng bệnh say rượu ra, không ai muốn ở gần người say hết. . . Đề nghị em nên vào gặp cha hay gặp một người lớn tuổi nào đó trong họ hàng có uy tín với bố em . . .

Vào thập niên 80 cũng có câu chuyện về rượu đăng trên báo Tuổi Trẻ tại Việtnam. Xin tóm tắt: Ở một xã tại quận Tân Bình Saigon, xảy ra một tai nạn rất đáng thương. Có một em trai độ 8 tuổi. Nhưng nó lại mù. Ông bố nghiện rượu, cứ đến cữ là sai đứa con mù đi mua rượu. Từ nhà đến quán bán rượu không xa, nhưng phải qua một cái cầu khỉ, (chiếc cầu có hai ba cây tre bắc ngang qua lạch nước nhỏ, có tay vịn phía trên). Thằng nhỏ mỗi ngày phải lần mò qua cầu đó một lần, một tay cầm chai, một tay nắm vào tay vịn lần đi. Một hôm, thằng bé mù trên đường mua rượu về, qua cầu bị bọn trẻ trêu chọc, trượt chân té xuống lạch nước, may có mấy người lớn trông thấy nhảy xuống lạch vớt thằng nhỏ lên, thằng bé mặt tái ngắt, tay vẫn nắm chặt chai rượu. Người ta đưa nó vào trạm y tế phường, cấp cứu.

Tấm lòng của rượu là tấm lòng của con Ma, vì thế nhân gian thường nói: Ma Men. Một người bố có tấm lòng của rượu, làm sao mà gia đình an vui ? Một thành phố có nhiều người say sưa bia rượu, sẽ gây nhiều tai nạn lưu thông, làm sao mà thành phố đó an toàn được. Kinh thánh nói: “Đừng say sưa rượu chè, chỉ tổ hư thân”(Ep 5: 18a).

BẠO HÀNH TRONG GIA ĐÌNH

Về bạo hành trong gia đình, theo The American Medical News, Jan 6, 1992 đã định nghĩa như sau:

        “Family Violence is a simple phrase, but it en- compasses a horrifying list of abuse behaviors, both physical and psychological, inflicted by one family member on another . . . “

Bạo hành trong gia đình là một từ ngữ đơn giản, nhưng nó bao gồm cả một bảng liệt kê khủng khiếp gồm những cử chỉ hành hạ cả vể tinh thần cũng như thể lý, mà một thành viên trong gia đình phải chịu dưới một thành viên khác . . .” (When Violence begins at Home, page 5)

Tuần san Công giáo Catholic Sentinel, của Tổng Giáo Phận Portland Oregon, số phát hành ngày 31 tháng 10 năm 2003, nơi trang 11, có câu hỏi về việc bị hành hạ bằng lời nói, và hành hạ bằng thể lý, ‘Verbal abuse & Physical abuse’, như sau:

        Hỏi: Làm sao tôi có thể biết, đã phải đến lúc tôi cần thoát ra cuộc hôn nhân tồi tệ này của tôi, hay phải chăng đây chính là thập gía tôi phải vác?

Đã 9 năm nay, chồng tôi trở thành rất bi quan, anh ta hay nóng giận, chửi bới, và đôi khi có cử chỉ bạo hành đối với tôi nữa. Tôi nghĩ, có lẽ là ý Chúa muốn tôi phải ở lại để giúp anh ta. Vậy sự giữ lời thề hứa hôn nhân của tôi như thế, sẽ trở nên tốt hơn hay xấu hơn?

        Trả lời: Nếu bà đã bị bạo hành thể xác cho dù chỉ một khoảng khắc, thì bà phải tìm ngay một sự giúp đỡ của chuyên gia. Việc này dứt khoát không phải ý của Chúa muốn cho bà ở lại cuộc hôn nhân để phải chịu bất cứ hình thức bạo hành thân xác nào cả. (Nguyên văn: It’s definitely not God’s will that you remain in a marriage where you might suffer any form of physical abuse).

Bà hãy tìm ngay một cố vấn hôn nhân. Tại văn phòng của giáo phận của bà, cũng có thể có những cố vấn về hôn nhân, hoặc họ cũng có thể giúp bà tìm được một cố vấn có khả năng chuyên nghiệp để giúp đỡ. Hãy liên lạc với vị chủ chăn của bà. Vị ấy có thể sắp xếp cho một cuộc hẹn với counselor chuyên nghiệp. Đã qua lâu rồi thời của những hứa hẹn (nguyên văn: It’s long past the time for promises), hãy can đảm lên . . .  Hãy tìm kiếm ngay sự trợ giúp ở bên ngoài. (Linh mục I. J. Mikulski).

 

Thật sự gia đình rất khổ về những người chồng ngươi cha nghiện rượu, hoặc tính độc tài nóng nảy, không khí yên hòa vui tươi thì hiếm, mà cảnh ồn ào, gắt gỏng thì nhiều, có khi còn đánh đập vợ con.

Ở Mỹ những hành động như trên, luật pháp gọi là Bạo hành trong Gia đình (Violence in the Family), bị coi như một thứ tội phạm. Nhiều người chồng rượu chè hành hạ vợ, đánh đập con, vợ con chịu không nổi đã phải nhờ pháp luật can thiệp. Tòa án thường ra lệnh ngăn cách (Restraining Order), bắt người chồng phải xa nơi ở của vợ hoặc con. Để giúp cho các gia đình bớt nạn bạo hành, đồng thời cũng bảo vệ tích cực cho những người vợ và con cái khỏi cảnh sợ hãi, vào ngày 21 tháng Hai năm 1996, tổng thống Hoa Kỳ Bill Clinton đã cho mở một đường điện thoại Hotline (the National Domestic Violence Hotline) cho toàn thể 50 tiểu bang, gồm cả District of Columbia, Puerto Rico và U.S. Virgin Islands nữa. (When Violence Begins at Home, page 245, K.J. Wilson, Ed.D.)

Gia đình VN, ảnh hưởng nền giáo dục theo đường lối Á Đông, thì việc chồng la lối vợ, hoặc đánh vợ, cha mẹ la mắng, hoặc đánh con, coi như việc dạy dỗ bình thường. Không ai can thiệp, cho là việc riêng tư. “Đèn nhà ai nhà nấy rạng” Có khi người vợ chịu nhịn sự đàn áp của chồng, lại được coi là người đàn bà đức hạnh. Vì thế có câu:

Chồng giận thì vợ bớt lời

Cơm sôi bớt lửa, chẳng đời nào khê.

Theo câu trên, thì chỉ người chồng có quyền giận, còn vợ dù có bị la oan mắng sai cũng không được giận, không được nói lại mà phải bớt lời, hoặc yên lặng, để hả sự nóng giận của chồng. Vì thế ở đời khi mà được chân thì lân đến đầu. Nên đã có thêm câu này nữa:

Chồng giận thì vợ làm lành.

Miệng cười hớn hở: Rằng anh giận gì?

Người vợ trong gia đình cái là gì? Là nội tướng hay là nô lệ? Là mẹ của những đứa con hay là người ở? Một con người có giáo dục tương đối, thì ngay cả nô lệ, hay người giúp việc, cũng phải đối xử đúng với tư cách con người. Cái thứ luân gì mà khi nào chồng nó la nó mắng là phải chạy đến, đã phải làm lành trước, lại còn miệng cười hớn hở: rằng anh giận gì? Quái đản thật!

Nhưng theo đạo lý của Đức Kitô Giêsu, thì việc đối xử bất công, bất kính, việc đàn áp tinh thần hay thể lý với người thân hay với bất cứ ai lại là một lỗi phạm rất lớn đến lòng Mến.

Trong một gia đình, có lòng Yêu Mến thì mới có tự do, (2C 3: 17b). Nếu không có lòng Yêu Mến thì không khí nặng nề, khó chịu, kèm theo cả sự sợ hãi nữa sẽ bao trùm. Một không gian o ép như thế, làm sao mà có Thần Khí của Thiên Chúa?  Vì “Thiên Chúa không gieo hỗn loạn mà là bình an.” (1C 14: 33). Về cuộc sống gia đình thì Kinh thánh nói: “Chồng phải yêu mến vợ như chính bản thân mình.” (Ep 5: 28). Nói: Yêu mến như chính bản thân mình, thử lấy một ví dụ: Có bao giờ một anh chồng say rượu ngồi ôm cái chai, rồi cứ tự chửi mắng bản thân mình không?

Về xã hội, đạo lý của Đức Kitô lại càng tích cực hơn, nhưng rất khó làm theo. Ngài nói: “Anh em hãy yêu mến địch thù và làm ơn cho những kẻ oán ghét anh em. Hãy chúc lành cho những kẻ nguyển rủa anh em. Hãy khẩn cầu cho những kẻ ngược đãi anh em.” (Lc 6: 27-28).

Địch thù mà còn yêu mến, thì người thân càng phải yêu thương trân trọng biết bao! Luật Yêu này của Chúa rất khó thi hành, hôm nay cũng như mọi thời, không ai có thể nói một cách khoa đại như người đạo đức kia: “Mọi điều đó tôi đã giữ từ thuở bé” (Mc10: 20).

Luật Chúa không phải là một việc đạo đức, để người ta có thể tu thân bằng sức cố gắng của mình, mà Luật của Chúa phải giữ bằng sức mạnh của Chúa. Ai khiêm tốn, mở hết sự khốn khó của mình ra để Chúa Giêsu đổi cho cái Tâm của mình thành cái Tâm của Ngài, người đó mới đích thực là tín hữu của Chúa Giêsu. Luật Chúa là một sự đổi đời. “Tạo thành cũ, trở thành tạo thành mới.”(2C 5: 17).

 Tội phạm lòng mến trong gia đình ngoài xã hội, người ta thường coi nhẹ. Khi Đức Giêsu đến thì Ngài tỏ cho chúng ta biết, luật của lòng Mến là lớn nhất. Và nhờ luật này mà con người mới được nâng lên xứng đáng là một con người đích thực.

Còn tiếp


Trở Về Trang Mục Lục Giáo Dục
Trở Về Trang Nhà