CHỮ TÂM

TRONG “HÔN NHÂN HUYỀN NHIỆM”

(BÀI VI)

Vũ Hồng

                  

YÊU MẾN LỚN HƠN CẢ

          “Hiện còn lại TIN CẬY MẾN. Ây là bộ ba. Nhưng trong bộ ba ấy, Yêu Mến lớn hơn cả.” (1C 13: 13).

Tội phạm lòng yêu mến trong gia đình cũng như ngoài xã hội, người ta thường coi nhẹ. Khi Đức Giêsu đến thì Ngài tỏ cho chúng ta biết, luật của lòng Mến là lớn nhất. Và nhờ lòng Mến mà con người mới được nâng lên xứng đáng là một con người đích thực.

Kinh thánh nói: “Ai không yêu mến thì không biết Thiên Chúa” (Yn 4: 8). Cũng có câu hát: “Đâu có tình yêu thương ở đó có Đức Chúa Trời”. Vậy ngược lại, đâu không có tình yêu thương, ở đó không phải là nơi ở của Thiên Chúa.

Khi trong gia đình ngoài xã hội, hoặc bất cứ nơi nào trên thế gian này, ngay cả trong nhà thờ, trong tu viện, nếu không có được sự thương yêu, không có sự quan tâm đối với nhau, nơi đó không có Chúa Kitô Giêsu. Và nơi nào không có Chúa Kitô thì không có sự bình an, không có niềm vui tươi, không có sự tin tưởng, và không thể nào có sinh hoạt đầm ấm được.

Lòng Mến đích thật xuất phát tự Thánh Tâm Chúa Giêsu.  Lòng Mến không xuất phát từ đạo đức. Đạo đức mà không có lòng Mến chỉ là giữ luật cho khỏi tội và để lập công trước mặt Chúa. Đạo đức như thế chỉ làm khổ mình và khắt khe với người khác.

Thái độ đạo đức lập công đó thể hiện nơi người Biệt Phái đứng ưỡn ngực trước bàn thờ mà cầu nguyện: “Lạy Thiên Chúa, tôi đội ơn Người, vì tôi không phải như những người khác, gian tham, bất lương, ngoại tình, hay như cái tên thu thuế kia.” (Lc 18: 11).

Biệt phái còn phê phán cả Đức Giêsu nữa, xem Mc 2: 16. Có lần một người Biệt phái tên là Simon, mời Đức Giêsu đến nhà dùng bữa, lúc ấy có một phụ nữ tội lỗi trong thành cũng đến, khóc nức nở, bà lấy dầu thơm xức và xõa tóc lau chân Đức Giêsu. Thấy vậy ông Biệt phái nghĩ trong lòng về Đức Giêsu rằng: “Ông này, nếu qủa thực là tiên tri, ắt đã biết người đàn bà sờ đến mình kia là ai, và thuộc hạng nào chứ: một đứa tội lỗi!” (Lc 7: 36tt)

Cái Tâm quan trọng lắm. Đạo đức mà không có cái tâm dễ trở nên ác độc.

Vào khoảng cuối thập niên 80, một bà đạo đức ở Nhatrang, tấp nập hội nọ đoàn kia, đi đọc kinh hết nhà này đến nhà khác, nhưng bà đối xử với con dâu rất tàn nhẫn. Người con dâu bị hành hạ qúa, chị ta uất ức treo cổ tự tử để lại đứa con ba tuổi. Thế nhưng sau đám táng bà còn nhờ các hội đoàn đến đọc kinh suốt mấy tối để cầu nguyện cho con dâu, vì sợ nó tự tử thì mất linh hồn. Nhưng bà đạo đức đã quên rằng, chính sự ác độc của bà đã dồn ép con dâu đến chỗ phải chết.

Giữ đủ mọi lề luật mà không giữ được luật yêu thì cũng hư không. Luật yêu lớn lắm, lớn hơn tất cả mọi lề luật. Không có lòng Mến, dù có đi nhà thờ đi lễ suốt ngày vô ích, dù có góp tiền để giúp trại cùi, để xây nhà thờ, để giúp cho các cha các sơ, vô ích. Kinh thánh nói: “Giả như tôi đem cả gia tư vốn liếng mà phát chẩn, mà tôi lại không có lòng yêu mến, thì cũng hư không vô ích cho tôi”. (1C 13: 3).

Không có lòng Mến, lắm khi cả việc rước lễ hàng ngày cũng trở thành một thói quen đạo đức. Linh mục Thành Tâm có lần trong bài giảng tại nhà thờ DCCT đường Kỳ Đồng Saigon đã nói như sau: “Tôi rất ngạc nhiên, khi thấy anh chị em lên rước lễ, mặt người nào cũng nghiêm trang, khuôn mặt đón Chúa vẫn buồn hiu, chẳng thấy phấn khởi chút nào cả”.

LÒNG MẾN

Lòng Mến không phải là một là một nhân đức, mà lòng Mến là chính Chúa Kitô. Tất cả lòng yêu mến đều xuất phát từ Chúa Kitô Giêsu. (Yn 7: 37-39). Vì Đức Kitô Giêsu chính là lòng Yêu Mến của Thiên Chúa ban cho thế gian.

Gia đình mà không có lòng yêu mến của Chúa Giêsu ngự trị trong lòng người vợ người chồng, thì không cách nào có hạnh phúc thật sự. Tất cả mọi khó khăn trong gia đình, muốn có được giải quyết êm đẹp và muốn có sự thăng tiến, thì không thể bằng ý của ai, không bằng đạo đức của ai, không bằng kiến thức học lực, kể cả lý thuyết thần học, triết học, tâm lý học, cũng không bằng tiền bạc, quyền hành, lại càng không thể bằng nóng giận đàn áp.

Việc nóng giận đàn áp của người chồng trong gia đình đối với vợ con, hoặc mẹ chồng đối với con dâu, theo Á Đông là chuyện riêng của gia đình ‘Đèn nhà nào nhà nấy rạng’, nhưng theo luật pháp của Hoa Kỳ, gọi việc đó là Domestic Violence, có thể coi như một tội phạm. Kinh thánh cũng không chấp nhận những sự bạo hành như thế. Thư Êphêso viết: “Mọi kiểu cay chua, gắt gỏng, nóng giận, la lối, chửi rủa, nhất nhất phải đánh bạt khỏi nơi anh em, với mọi thứ thâm độc”. (Ep 4: 31).

HẬU QỦA CỦA TỘI

Bởi vì tất cả những nỗi khó khăn, những sự đau khổ ta gặp phải trong tâm hồn cũng như ngoài thân xác, trong gia đình cũng như ngoài xã hội, đều là hậu qủa của tội, tội của mình và tội của người này làm khổ người kia, ngoài ra còn sự trợ giúp của mãnh lực tối tăm do ma qủi điều khiển, cho nên con người không ai có thể giải quyết bằng sức riêng mình. Kinh thánh nói: “Chúng ta không chiến đấu với kẻ thù máu thịt. Nhưng là với những thiên phủ, những đổng lý của vũ hoàn hắc ám này, với những thần linh ác quái chốn hoàng thiên.”( Ep 6: 12). Phải cậy nhờ vào sức mạnh của Thần Khí Chúa Kitô. Kinh thánh nói: “Anh em hãy mặc lấy giáp binh của Thiên Chúa . . . Hãy đội lấy mũ chiến Cứu Rỗi, và gươm Thần Khí tức là Lời Thiên Chúa. Hãy lấy kinh nguyện và cầu xin mà khẩn cầu trong Thần Khí.” (Ep 6: 13tt).

TỘI & PHÚC

Tội và Phúc, phân biệt rất rõ ràng trong hai chữ Ghét và Yêu. Thiên Chúa và ma qủi cũng cách biệt qua ranh giới rất minh bạch: Yêu và Ghét.

Yêu phát xuất tự tấm lòng của Thiên Chúa. Ai yêu thì thuộc về Thiên Chúa. Ghét là lòng qủi. Ai ghét thì thuộc về ma qủi. Cuộc sống gia đình càng phải chú trọng đến lòng Yêu Mến vì gia đình là nền tảng của xã hội, của giáo hội, của quốc gia.

Ghét làm mất lý trí và là nguồn phát sinh muôn vàn giống tội. Tôi dù là chức vị gì trong giáo hội, trong xã hội, trong gia đình, khi nét mặt tôi tươi vui, lòng tôi rộng mở, để chia sẻ nỗi khổ của người khác là tôi có nét mặt và tấm lòng của Chúa Giêsu. Khi nét mặt tôi sừng sộ cau có, thốt ra những lời cay chua, hoặc lạnh nhạt với nỗi đau khổ của người khác, là tôi có nét mặt và tấm lòng của ma qủi. Có những người không phải công giáo mà họ có tấm lòng yêu thương, vì họ đã được ơn nhận biết tấm lòng bao dung của Thiên Chúa.

Tất cả nỗi khốn khó trong cái vòng Sinh-Lão Bệnh-Tử của từng người, tất cả những khó khăn của từng gia đình do Thiên-Tai, Nhân-Họa gây ra, đều phải giải quyết trong quyền năng và lòng thương xót Đức Kitô Giêsu. Bởi vì chỉ duy nhất có Ngài là Đấng Chuộc Tội, Đấng Tha Tội và là Đấng thương yêu chúng ta. Trước khi lên thập giá, Đức Giêsu đã khuyến cáo các môn đồ đừng có chạy vào cậy nhờ thế gian, Ngài nói: “Các điều ấy Ta đã nói với anh em, để trong Ta anh em được bằng an, nơi thế gian anh em sẽ phải khốn quẫn.” (Yn 16: 33).

CHÚNG TA PHẢI CÓ TẤM LÒNG TẠ ƠN

        Nhưng với con mắt Đức Tin, bình tâm mà xét lại, sự dữ sự ác cho dù hoành hành thế nào cũng không mạnhbằng, hoặc lấn át được, tình yêu của Thiên Chúa trong Đức Kitô Giêsu phục sinh.

Hậu qủa của tội tổ tông và tội riêng của chúng ta đưa đến Sinh-Lão Bệnh-Tử, nhưng Thập giá và sự Phục sinh của Chúa Kitô đưa đến sự  Sống, sự Sống lại và sự Sống đời đời.

Thiên tai như mưa gió bão táp động đất lụt lội không phải luôn có mỗi ngày, có người suốt đời chưa gặp một lần. Nhưng khí trời, hơi thở, ánh sáng, nắng ấm, gió mát trăng thanh, suối reo, chim hót, lúa ngô, rau trái, thịt tươi, cá ngon thì có hằng ngày.

Nhân họa như hiếp dâm, trộm cướp, giết người, nói xấu, nói gian v.v. thì chỉ từng nơi từng lúc; nhưng tình yêu và ơn tha thứ của Chúa, luôn sẵn hằng ngày, chưa kể tình đồng bào, tình đồng loại, tình yêu gia đình, tình mẫu tử, tình yêu nam nữ v.v. hằng bao quanh chúng ta. Riêng người Kitô hữu, còn có Thịt Máu Chúa Giêsu nuôi dưỡng, cho nên ác độc thế gian không thể phá được sự bằng an trong tâm hồn.

        Hoa trái sự ác làm cho người ta bất hòa và bất an. Hoa trái của tình yêu Chúa lại là sức mạnh của vui mừng bình an cho mình, và còn tỏa ra sự vui mừng bình an cho những người chung quanh nữa. Ngày còn ở Saigon, tình cờ được đọc mẩu chuyện trong bút ký của người bạn thân, xin trích một đoạn ngắn, với đầu đề Xin Tạ Ơn Ngài, như sau:    

Xin Tạ Ơn Ngài

        Có một người hàng xóm, trước khi dọn nhà đi nơi khác, đã sang cám ơn gia đình hai anh chị ở ngay sát vách, vì những tháng gần đây vợ chồng anh chị ấy đã sống rất êm ả, không có tiếng la lối của người chồng sau mỗi cơn say rượu, và không có tiếng than vãn của người vợ mỗi khi bực bội với anh chồng. Lời cảm ơn chân thành làm cho hai vợ chồng không khỏi thắc mắc. Thấy vậy, người bạn láng giềng nói: “Anh chị khó hiểu ư! Thú thật từ ngày anh chị sống hòa thuận với nhau, mỗi tối không còn tiếng la lối gắt gỏng của anh đối với chị, và chị không còn than van, thì tôi đêm nào cũng ngủ ngon giấc và chứng nhức đầu kinh niên của tôi đã biến mất, giờ thì đời tôi thật hạnh phúc.  Tôi cảm thấy mình có lỗi, nếu trước khi rời đi mà không sang đây để cám ơn anh chị về điều đó.”


Trở Về Trang Mục Lục Giáo Dục
Trở Về Trang Nhà