THÁNH TÂM CHÚA GIÊSU

“CHỮ TÂM TRONG HÔN NHÂN”

Bài VII

KẺ BÉ MỌN

 

Vũ Hồng

 

Thuở ấy, Đức Giêsu cất tiếng nói:

“Lạy Cha là Chúa Trời đất, Con xin ngợi khen Cha, vì Cha đã giấu các điều ấy với hạng khôn ngoan thông thái, mà đã mạc khải ra cho những kẻ bé mọn. Vâng lạy Cha, vì đó là quyết ý của Cha.” (Mt 11: 25t)

Bài Tin Mừng này mỗi năm thường được đọc vào ngày lễ kính Thánh Tâm Chúa Giêsu. Năm nay Hội thánh công bố bài Tin Mừng theo thánh Luca, nói về Người Chăn Chiên Đi Tìm Con Chiên Lạc. Trong Lễ Thánh Tâm, chúng ta sẽ được linh mục chia sẻ về lòng Chúa Giêsu thương xót những con chiên lạc một cách đích thân đích thật hơn.

AI LÀ KẺ BÉ MỌN ?

Qua đoạn trích dẫn Tin Mừng theo thánh Mathêo trên, Đức Giêsu nói về kẻ bé mọn, và Ngài xác định chỉ kẻ bé mọn mới được Cha mạc khải mầu nhiệm Nước Trời. Vậy kẻ Bé Mọn là ai? 

Kẻ bé mọn có phải là những người nghèo khổ, những người bị áp bức không?

Không. Những người nghèo nhưng trong lòng nôn nóng được giàu sang, những kẻ bị áp bức thì căm thù kẻ đàn áp mình, những người này khi vùng lên được thì sẽ thấy họ lớn thế nào.

Kẻ bé mọn có phải những trẻ em, không có sức mạnh trèo cao vác nặng không?

Không. Các em tuy nhỏ yếu, nhưng cũng không muốn bé. Hai ba tuổi đã thích được cha mẹ anh chị khen giỏi, khen đẹp. Chê xấu chê dở là em không được vui.

Nhìn chung khắp thế gian này, không một ai là kẻ bé mọn. Từ vua chúa quan quyển đến người cùng đinh áo rách, ai cũng muốn mình lớn hơn người khác. Bản thân từng người, với lòng tự trọng, tự ái, chưa nói đến tự kiêu, không ai muốn thua kém ai. Nếu cứ cam phận ở bậc hèn kém là sẽ bị thiệt thòi đủ mọi mặt bởi vì, đời là một trường đua tranh, lấn lướt nhau mà sống, đạp lên nhau mà sống, có thể còn giết nhau mà sống.

Là bậc cha mẹ, tất cả đều muốn cho con cái mình trổi vượt hơn kẻ khác. Cho nên có những lời khuyến khích như: “Thua trời một vạn, không bằng thua bạn một ly.”

Từ cá nhân trong gia đình cho đến cuộc sống tập thể ngoài xã hội, tất cả mọi người đều muốn mình lớn hơn, giỏi hơn người khác. Những cuộc tranh cãi trong gia đình, trong lối xóm, trong hội nghị quốc tế, ngay cả trong Hội Đồng Liên Hiệp Quốc nữa, cũng chỉ vì muốn cho cá nhân mình được đề cao, phía của mình được thắng, nếu có thể còn đè bẹp được đối phương. Cái lớn ấy xâm nhập cả vào lãnh vực tôn giáo. Những chức vị như: Cha, Đức Ông, Đức Cha, Đức Tổng, Đức Hồng Y. đã làm một số vị tu hành lao đao, quên hết mọi sự, để tranh dành vươn lên. Có vị mới làm Hồng Y mà báo chí đã phấn khởi tâng bốc là sẽ làm Giáo Hoàng trong tương lai.

Hiện nay đang có những vụ tranh cãi rất hăng say, đem cả thần học, thánh kinh, tiếng Pháp, tiếng Anh tiếng Tây ban Nha, tiếng Latinh ra để hù nhau, chỉ vì một danh xưng ‘Cha’. Phần Chúa Giêsu khi chọn Phêrô làm Giáo hoàng thứ I, Ngài không hỏi: “Phêrô, anh đã học ở trường đại học nào? Anh có mấy bằng tiến sĩ? Mà Chúa hỏi: Simon, con của Yoan, anh có yêu mến Ta hơn các kẻ này không?”(Yn 20: 15tt). Khi sống có tình người, sẽ được người ta qúi mến. Khi muốn lớn hơn kẻ khác, thì sự tranh cãi sẽ vô tận.

Người sống, vì công danh vì tiền bạc, muốn lớn lướt người khác đã đành; Thậm chí khi chết nằm trong quan tài, cũng chưa yên phận bụi đất, mà con cháu còn in hình, (người qúa cố 60, 70 tuổi mà hình còn trẻ như 20, 30), rồi viết tiểu sử phân phát ở nhà thờ, sau thánh lễ còn đứng trên bục giảng, gọi là để cám ơn bà con, nhưng phần chính là kể công, kể đức, của người qúa cố, là bà là ông, là cha mẹ của mình, lê thê mất nhiều thì giờ cho người đi dự.

Đây chỉ nói đến cái ham danh muốn làm lớn của con người, chớ không đề cập đến sự cầu tiến lương hảo, đức tính rất cần cho con người được vươn lên.

Ở trên cõi đời này cái lớn đã nằm sẵn trong từng người, cái lớn nhất là cái ‘tôi’ của chính mình. Dùng quyền lực đề đàn áp để đè người khác thì dễ, nhưng để đàn áp cái ‘tôi’ của bản thân thì khó vô cùng.

Cái ‘tôi’ của mỗi người như trái banh nổi trên mặt nước, ấn nó xuống nó lại bung lên. Ấn càng sâu, nó bung lên càng mạnh. Cái Lớn của con người đã ăn sâu vào huyết mạch. Bởi vì Cái Lớn của con người không phải mới phát sinh từ hôm nay, mà đã thấm vào thâm căn cố đế loài người, từ khi ông bà tổ tông nghe lời con Rắn phỉnh gạt, là sẽ cho họ lớn bằng những Thiên Chúa. Con Rắn nói:

“Chẳng chết chóc gì đâu! Qủa nhiên Thiên Chúa biết: ngày nào các người ăn nó, mắt các người sẽ mở ra, và các người sẽ nên như những Thiên Chúa, biết cả tốt xấu.” (Kn 3:4).

Khi ăn rồi, Chúa đã không được làm, lại trắng tay mất hết. Xảy ra tai họa lớn như vậy, mà Adam vẫn không chịu lỗi của mình, lại trút tất cả lên người vợ, và còn đổ thừa cho Thiên Chúa: “Con mụ đàn bà mà Chúa trao cho tôi, chính y thị đã hái trái ấy cho tôi ăn.” (Kn 3: 12). Cái ‘tôi’ của Adam lớn qúa mức đến độ không biết mình đang đối diện Đấng Tạo Thành, nên ông đã hèn nhát với Eva và còn xấc xược với Thiên Chúa nữa. Hậu qủa của sự lớn lối ấy như một căn bệnh tự gốc, lưu truyền trong giòng máu nhân loại đời nọ đến đời kia, cho nên Thiên Chúa phải ra tay. Phải có một con người nhỏ bé trước mặt Chúa, thay cho mọi người, thì nhân loại mới đón ơn Cứu độ, loài người mới khỏi hư đi.

TẤM LÒNG CỦA ĐỨC GIÊSU

        Vì thế Đức Giêsu đã được sai đến trần gian. Trước mặt Cha, Ngài là con người bé mọn hơn hết mọi người, vâng phục ý Cha hơn hết mọi người, Ngài không dành lấy chức vị đồng hàng cùng Thiên Chúa mà đã hủy mình ra không, bỏ ngỏ đời mình cho đến chết. Nhưng từ cõi chết, Thiên Chúa đã cho Ngài chỗi dậy và tôn vinh “Giêsu Kitô là Chúa”.

Đây là vấn đề quan trọng của Tin Mừng Cứu Độ, và cũng là vấn đề quan trọng nhất của tất cả những kẻ tin vào Chúa Kitô Giêsu. Đạo của chúng ta không phải là chức vị phẩm trật, mà là lòng yêu mến nhau trong lòng yêu mến của Chúa Kitô. Càng yêu mến phục vụ người khác, thì giá trị và tư cách của mình càng được nâng cao, và dễ kéo lòng người đến với Chúa.

Đức Giêsu là nguồn mạch của sự Yêu mến, Ngài trở nên bé mọn thay mọi người, nên Ngài có khả năng nhận hết mức nguồn yêu mến tự nơi Cha, để cuốn hút mọi kẻ đau khổ lên cùng Ngài:

“Một khi Ta được giương cao khỏi đất, Ta sẽ kéo mọi người lại với Ta.” (Yn 12: 32).

Đối với tất cả chúng ta, ý của mình là nhất. Mình làm theo ý mình, và muốn người khác làm theo ý mình nữa. Chính vì thế đã gây ra nhiều sóng gió trong gia đình giữa vợ chồng, giữa cha mẹ con cái. Đức Giêsu đến Ngài chỉ có một Ý Cha, và chỉ dạy một kinh Lạy Cha: “Xin Ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời.”

Đức Giêsu Nazareth được tôn vinh làm Chúa, bởi vì trước mặt Cha, Ngài đã trở nên kẻ bé mọn nhất trần gian, vì Ngài đặt tất cả đời mình vào sự vâng phục Ý của Cha. Khi phải làm theo ý của ai thì mình nhỏ bé hơn người đó, mình phải tuỳ thuộc vào người đó, mình phải nhờ cậy vào người đó.  Đức Giêsu hoàn toàn làm theo ý Cha, nên Ngài tuỳ thuộc vào Cha, hoàn toàn cậy nhờ vào Cha, và là kẻ bé mọn của Cha. Ngài nói:

“Tự Ta, Ta không làm gì, nhưng Cha đã dạy làm sao, Ta nói vậy.” (Yn 8: 28).

Và Ngài cầu nguyện: “Lạy Thiên Chúa, này con đến để thi hành ý muốn của Người.” (Hr 10: 7).

        Mỗi năm, mở đầu tuần thánh, hội thánh công giáo thường công bố bài đọc trích trong thư thánh Phao lô gửi giáo đoàn Philip, để suốt tuần thánh, con cái của hội thánh được suy niệm, sự bé mọn của Đức Kitô Giêsu.  Xin cùng đọc lại bài Kinh thánh:

“Đức Giêsu, Ngài phận là phận của một vì Thiên Chúa, nhưng Ngài đã không nghĩ phải giằng cho được chức vị đồng hàng cùng Thiên Chúa. Song Ngài đã hủy mình ra không, là lĩnh lấy thân phận tôi đòi, trở thành giống hẳn người ta, đem thân đội lốt người phàm. Ngài đã hạ mình thấp hèn, trở thành vâng phục cho đến chết, và là cái chết trên thập giá.

Bởi vậy, Thiên Chúa đã siêu tôn Ngài, Và ban cho Ngài danh hiệu, vượt qúa mọi danh hiệu, hầu trước danh hiệu của Đức Giêsu, mọi gối đều phải qùi xuống bái lạy, chốn hoàng thiên, trên địa cầu, dưới gầm đất, và mọi miệng lưỡi phải tuyên xưng:

GIÊSU KITÔ LÀ CHÚA,

Mà làm vinh quang cho Thiên Chúa Cha.

Ph 2: 5-11

Đây là sự bỏ ngỏ lạ lùng của tấm lòng Đức Giêsu cho Cha. Đức Giêsu Kitô, Đấng là con người thật và cũng là Thiên Chúa thật. Đấng đã bé mọn thay cho tất cả loài người để chịu lấy Ý Cha. Ôi Trái Tim tuyệt diệu! Ôi Tấm lòng duy nhất sống trong Ý Cha và chết trong Ý Cha. Tấm lòng chưa hề có trên trần gian.

Nhưng nếu chỉ có như thế thì liên quan gì đến chúng ta? Có chứ, nếu không có tấm lòng ấy thì tình thương của Thiên Chúa không thể đến với nhân loại. Cho nên mọi con người ở trần gian, đạo cũng như đời, không có lối tu đức nào khác, không có một cách giữ đạo nào khác, không có một môn học nào khác, mà chỉ có một con đường duy nhất là chịu lấy Chúa Giêsu Kitô, và đầu phục Ngài. Tất cả nhân loại phải nhờ Chúa Giêsu với Chúa Giêsu và trong Chúa Giêsu mới được ơn Cứu độ. Bởi vì Chúa Kitô chính là Nước Trời và mầu nhiệm Nước Trời chỉ mạc khải trong Ngài mà thôi.

                                                                   


Trở Về Trang Mục Lục Giáo Dục
Trở Về Trang Nhà