CHỮ TÂM TRONG HUYỀN NHIỆM HÔN NHÂN

Bài IX

Vũ Hồng

“Nếu anh em không hoán cải mà nên như trẻ nhỏ, anh em sẽ không vào được Nước Trời.” (Mt 18: 2).

 

Nên Như Trẻ Nhỏ

Từ ngữ Hoán Cải nên trẻ nhỏ rất quan trọng, và cũng là đạo lý duy nhất cho việc tu đức. Mọi Kitô hữu muốn thảnh thơi nhẹ nhàng vào nước Thiên Chúa, thì phải đi con đường này.

Hoán Cải nên trẻ nhỏ rất quan trọng, vì là con đường của Đức Giêsu đã đi trong suốt những ngày trần thế; Thiên Chúa đã tôn vinh Giêsu là Chúa và làm vinh quang Thiên Chúa Cha. (Xem Ph 2: 5-11).

Hoán Cải nên trẻ nhỏ giải quyết được mọi khó khăn thể xác, tránh được muôn vàn xao xuyến bối rối trong tâm hồn. Trong đời sống hôn nhân, hai vợ chồng không sống đạo lý này với Chúa, thì không thể tìm được hạnh phúc đích thật với nhau. Trong đời sống tu trì, nam nhân hay nữ nhân không đích thật sống trẻ nhỏ với Chúa Giêsu, (mà thường gọi bằng những từ hoa mỹ khó hiểu như: phó thác, tận hiến v.v.) sẽ cảm thấy cô đơn, chán nản, đôi khi trống rỗng, và sẽ đi tìm những cứu cánh khác, như tiền tài, chức vị, danh vọng giống như thế gian.

Hoán Cải nên trẻ nhỏ là cửa mở đón nhận tất cả an bình. Sự an bình mà tiền bạc, danh vọng thế gian không thể ban cho. Sự an bình đó chỉ có được từ nguồn vô biên là Thánh Tâm Chúa Giêsu. (Yn 14: 27). Nguồn đó chỉ tuôn chảy vào tâm hồn trẻ nhỏ mà thôi.

Hoán Cải nên trẻ nhỏ là một sự ngược đời đối với sự khôn ngoan thế gian, nhưng là một sự đổi đời đối với kẻ tin. Một sự đổi đời mà những kẻ thông thái trí thức thế gian khó mà chấp nhận. Những người đạo đức lập công lập nghiệp với Chúa, lại càng khó chấp nhận hơn. Bởi vì họ nói: “Nỗ lực rồi mới cậy trông. Không phải cái gì cũng ỷ lại vào Chúa, mình phải làm đã rồi Chúa mới giúp, mới ban ơn.”

Hoán cải, hoán đổi, là một ơn. Không phải do tu thân tích đức, hoặc từ bỏ sự xấu làm sự tốt mà có được. Việc tu thân chỉ là cố gắng bằng sức của con người, kết qủa cùng lắm là đạt tới bậc hiền nhân quân tử. Nhưng dù tôi có là hiền nhân quân tử, sự lo âu sự xao xuyến, sự mệt mỏi, sự bất lực và bất toàn, sự hữu hạn, sự bế tắc của con người vẫn còn đó trong tôi. (Chắc hẳn rất nhiều vị còn nhớ câu chuyện ông quan thanh liêm tuổi Tý, về cuối đời nghèo đói lại muốn mình tuổi Sửu.)

Không sống trẻ nhỏ với Chúa, mà chỉ chăm lo nhà thờ nhà thánh, giữ đủ mọi thứ luật chi tiết, đoàn nọ hội kia, để nhiều công phúc, có phần thưởng lớn trên thiên đàng, tu đức vất vả như vậy lúc gặp khó khăn, dễ vấp phải tâm trạng giống như người thợ làm vườn nho trong Thánh kinh, anh nói với ông chủ: “Tôi là kẻ từ tảng sáng, đã vác nặng cả một ngày trường, với nắng nôi thiêu cháy.” (Xem Mt 20:12).

Hoán cải là ơn tái sinh, ơn trở thành ‘Tạo Thành Mới’, mà chỉ: “Ai ở trong Đức Kitô, kẻ ấy là Tạo thành mới.” (2C 5: 17a).

Học giả Nicôđêmô, một vị tôn sư của Israel nghe chân lý này mà còn ngỡ ngàng, ông đặt câu hỏi với Đức Giêsu: “Làm sao một người đã già rồi, lại có thể sinh ra? Há còn có thể vào lòng mẹ lại lần nữa mà sinh ra ư?” (Yn 3: 4). Đức Giêsu thương sự chân thành của ông, nên đã cho ông biết sự bất lực trí tri con người. Ngài trả lời: “Ông là bậc thầy của Israel, mà điều ấy ông lại không biết?” (Yn 3: 10t). Và sau đó Ngài đã mở trí cho ông.

Vậy đặc tính của Con Trẻ là gì?

          Đặc tính của con trẻ có phải là ngây thơ trong trắng không?

Không. Tất cả chúng sinh, tội lụy đã từ thai dạ mẹ, có ai ngây thơ trong trắng? Con trẻ chỉ có một đặc tính là: Nhờ Cậy.

Cậy nhờ như trẻ bé (baby), không phải cậy nhờ như người lớn nhờ vả nhau. Nghĩa là cái gì mình không làm được thì nhờ cậy, cái gì làm được thì tự lo. Trẻ bé, đặc tính của nó không thế tự mình lo cho mình, từ nằm trong nôi cho đến khi bắt đầu bước những bước chập chững, nó chỉ hoàn toàn cậy nhờ vào mẹ nó, nó cứ để mẹ nó lo, và trong tay mẹ nó, nó đã lớn lên an lành xinh đẹp.

Nhưng Chúa Giêsu còn thương và lo cho kẻ cậy vào Ngài hơn mẹ của chúng ta gấp bội. Tất cả tấm lòng hiền mẫu của thế gian gom lại cũng không sánh bằng tấm lòng của Thánh Tâm Chúa Giêsu.

Có một câu nghe nói của thánh Augustinô, câu đó như thế này: “Thiên Chúa dựng nên tôi, không cần có tôi, nhưng Thiên Chúa cứu chuộc tôi, thì phải cần có sự cộng tác của tôi.” Cái vế sau của câu này, những chữ  ‘cần sự cộng tác’ có vẻ không được chỉnh. Bởi vì nói đến cộng tác là phải có sự góp công của cả hai người. Ơn Cứu Độ của Thiên Chúa đối với chúng ta là ơn cho không. Chẳng ai có công lênh gì trong việc mình được cứu độ cả. Câu này trong tiếng Anh, người ta dùng chữ Muốn (Want) thay vì chữ Cộng tác. Thiên Chúa chỉ có thể cứu độ tôi, nếu tôi muốn.

Đối với Thiên Chúa, chúng ta chỉ có nhờ vả, chỉ có cậy trông. Như đã nói trong bài trước: Vinh quang Thiên Chúa là Cho, là Ban. Vinh quang của ta là chịu lấy, là nhận lấy, là cậy nhờ. Càng cậy nhờ càng sống hạnh phúc. Càng cậy nhờ càng thấy đời mình vui tươi. Càng cậy nhờ càng nắm chắc Ơn Cứu Độ.

Thiên Chúa là Đấng giầu sang vô cùng vô tận. Nơi Ngài tất cả là sự lành sự vui. Những gì huyền diệu tốt đẹp, thơm tươi, chúng ta đang có, nơi thân xác, trong tâm hồn là do Chúa ban tặng chúng ta. Đấng Thiên Chúa toàn năng toàn trí như vậy, mà lại yêu tôi, yêu say mê tha thiết, thì cái gì mà Ngài không ban không cho? Ngài nói: “Tất cả của cải của Cha là của con.” (Lc 15: 31). Vì thế Chúa đã ban cho tôi ngay cả chính Ngài. Một Thiên Chúa là Đấng giàu sang phú qúi vô song, mà có tình yêu thương lớn như thế, tuyệt vời như thế đối với tôi. Yêu đến độ tôi không phải kiếm tìm Ngài trên trời cao, hoặc nơi vùng mông mênh vô tận, mà Ngài đã luôn gần sát ngay bên cạnh tôi hàng ngày:

“Này Ta đã đứng bên cửa, và Ta gõ. Ai nghe tiếng Ta và mở cửa, thì Ta sẽ vào với nó, và Ta sẽ dùng bữa tối với nó, và nó với Ta.” (Kh 4:20). Tại sao chúng ta không cậy nhờ Ngài, tin tưởng vào Ngài?

Thái độ lạnh nhạt của chúng ta, hoặc thái độ cứ muốn làm cái gì để đáp ứng lại, hoặc để lập công dâng cho Chúa, giống như những bó hoa thiêng liêng các huynh trưởng thiếu nhi hoặc các nữ tu dạy các em làm, như kiểu thế gian, có đi có lại. Chúa chỉ muốn nhận lại một món qùa duy nhất, là tấm lòng của chúng ta. Tấm lòng yêu Chúa và yêu thương mọi người.

Những việc dâng hoa, dâng nến, dâng tiền, dâng của, là việc nên làm, theo cách của con người, để tỏ lòng cám ơn hoặc tôn kính. Sự thật, hoa nến cũng là của Chúa, có câu hát: “Nếu Chúa không gọi nắng, làm sao hoa nở trong vườn.” Tuy nhiên nếu đặt nặng về sự dâng cúng đó, sẽ làm cho lòng người dễ tự mãn, lâu dần thấy mình không còn hoàn toàn nhờ cậy, vì nhận ơn thì đã cám ơn.

Đọc được trong một tờ rời, in hình màu rất đẹp, mang về từ một cuộc hành hương 2004, có những lời viết như sau:

 

Lạy Khiết Tâm Mẹ, xin cầu cùng Chúa ban cho con những ơn đã ghi dưới đây. Con xin hợp với qúi linh mục và tu sĩ dòng . . . để cầu cho những ý chỉ này.

Con xin dâng về Đền Mẹ số tiền dưới đây như một hy sinh trong Mùa Chay (2004):

-        $20. 00 . . .

-        $40. 00 . . .

-        $80. 00 . . .

-        $ ___________ v.v.

 

Đức Kitô Giêsu, một con người xa lạ?

Điều hợp lý là tin vào ai, thì mới cậy nhờ, và nhất tâm chỉ biết cậy nhờ vào người đó. Những kẻ tin vào Chúa Kitô đích thật, thì chỉ biết có một nơi nương tựa cậy nhờ là Chúa Kitô Giêsu mà thôi. Lòng Tin thì dẫn đến Cậy. Và Cậy trông thì dẫn đến Yêu mến. Mà lòng Yêu mến không phải sớm nắng chiều mưa như tình yêu của con người, mà lòng yêu mến từ nguồn suối tình yêu vô tận của Thánh Tâm Chúa Giêsu. Đó là Thánh Thần của Thiên Chúa. Kinh thánh nói:

“Nhờ Chúa Giêsu, bởi tin ta được gia nhập hồng ân. Và hãy vinh vang vì hi vọng (sẽ thông phần) vinh quang của Thiên Chúa. Không những thế, song ta còn dám vinh vang trong cả các nỗi gian truân, bởi biết rằng: gian truân tạo nên kiên nhẫn, kiên nhẫn tạo nên đức tính, đức tính thực tạo nên lòng trông cậy. Còn trông cậy không làm tủi hổ, vì lòng Yêu Mến của Thiên Chúa đã được đổ xuống lòng ta nhờ bởi Thánh Thần, Thiên Chúa ban cho ta.” (Rm 5: 2-5)

Thế nhưng (lại chữ Nhưng), phải chăng Đức Kitô Giêsu là một người xa lạ trong đời sống tín hữu chúng ta. Bởi vì qua những vị có nhiệm vụ rao giảng Chúa trong giáo hội, rất ít vị nói đến Danh Chúa Giêsu, hoặc khuyên người ta cậy nhờ Chúa Giêsu. Bài nói chỉ cậy dựa vào những lý luận học trong chủng viện, hoặc dựa vào sách vở tri thức thế gian, hoặc lấy những kinh nghiệm mục vụ để dạy người ta giữ luật, giữ đạo, ăn ngay ở lành.

Ngay trong những lớp giáo lý dự tòng, hoặc giáo lý hôn nhân, người dạy GL cũng rất ít nói về Chúa Giêsu. Chúng ta thử hỏi một tân tòng sau khi đã được rửa tội, hoặc một đôi hôn nhân sau lễ cưới nhà thờ: “Anh chị có thể cho biết Chúa Giêsu là ai đối với anh chị?” Hoặc “Từ lúc này đây, Chúa Giêsu có cần thiết trong đời sống hàng ngày của anh chị, hơn mọi thứ cần thiết khác, như nhà ở, công việc làm, của anh chị không?” Chúng ta sẽ thấy câu trả lời.

                                      Còn tiếp


Trở Về Trang Mục Lục Giáo Dục
Trở Về Trang Nhà