Giáo lý Hôn Nhân

Vũ Hồng

               

Phần I: Giáo lý là gì ?

 

Theo định nghĩa của tự điển Bách Khoa The World Book Encyclopedia thì Giáo Lý là một hệ thống những câu Hỏi và Thưa dùng để dạy dỗ về đạo trong những giáo hội của người Kitô. - Catechism: A system of questions and answers used for religious instructions in Christian churches.

 

Ðịnh nghĩa này đã dựa vào các sách giáo lý thế kỷ thứ 16 của Martin Luther, John Calvin, hoặc của công đồng Tridentinô. Riêng công giáo, thánh Giáo hoàng Piô thứ V (1504-1572) đã soạn cho Hội thánh một sách Giáo lý gọi là Tridentine Catechism. Cùng với sách Giáo lý này, Ðức thánh cha Piô V đã soạn sách Giờ Kinh Nguyện cho các linh mục công giáo nữa.

 

Gần đây sau Vatican II, có một sách Giáo Lý soạn chung cho Hội thánh toàn cầu, ÐTC Gioan Phaolô định nghĩa Giáo lý như sau: "Giáo lý là những điều viết về mầu nhiệm Thiên Chúa; Ý định cứu độ của Người, mà Trung Tâm là Chúa Giêsu Kitô. Giáo lý được soi sáng bởi Thánh kinh, Thánh truyền và Huấn quyền của Hội thánh". (Tông Hiến Fidei Depositum, 11/10/1992)

Như vậy Giáo lý là tóm tắt Thánh Kinh và Thánh truyền. Nói rõ hơn, Giáo lý không thế nào ra ngoài Thánh kinh, Thánh truyền. Mặt khác Giáo lý cũng không thể ra ngoài huấn quyền Hội Thánh. Xin phân biệt huấn quyền hội thánh với những lời dạy theo ý kiến riêng của một số linh mục hoặc giám mục.

 

Một ví dụ cụ thể: Sách Giáo lý Hôn nhân tiếng Việt ở Seattle, phát hành năm 1993, trang 13, có câu: "Bí tích Hôn phối là một nghi thức cao trọng để bảo vệ phẩm giá người vợ ngang với phẩm giá người chồng."

 

Toàn bộ câu định nghĩa trên hoàn toàn sai lạc, không đúng với Thánh Kinh và Thánh truyền. Cái sai thứ nhất: Hội thánh không bao giờ tuyên bố Bítích là một nghi thức cả. Áo dài khăn đóng, chiêng trống, niệm hương, trong lễ Giao thừa là một nghi thức, mà có thể nói là một nghi thức cao trọng đối với dân tộc. Ngay cả trong đạo công giáo, cũng có nghi thức như bái qùi, xông hương, v.v. đó là những nghi thức phụng vụ. Nhưng Thánh Thể là Bítích. Một thánh lễ vì hoàn cảnh có thể giảm bớt một số nghi thức phụng vụ, nhưng tuyệt đối không thể loại bỏ Thánh thể. Nếu trong thánh lễ không có Thánh Thể cho dù nghi thức phụng vụ có lớn đến mấy, dù giám mục có mặc áo lễ lóng lánh, linh mục đồng tế nghiêm trang nhịp nhàng, ca đoàn hát hay như thiên thần, thì rốt cuộc cũng chỉ là những nghi thức vô tri; bởi vì lễ xong là bay hơi, không còn để lại một ích lợi thần thiêng gì trong tâm hồn, nghĩa là không làm cho người dự lễ gặp được Chúa Kitô Giêsu Ðấng Cứu Ðộ của mình.

 

Cái sai thứ hai: "Nghi thức để bảo vệ phẩm giá người vợ ngang với phẩm giá người chồng", câu nói thật mơ hồ.Bítich không phải là luật bảo vệ quyền lợi phụ nữ. Mặt khác, luật hoặc nghi thức, tự nó không có quyền năng gì cả. Luật ban hành mà nhà tù vẫn phải xây lên để nhốt những kẻ phạm luật. Nhưng Bí tích thì tự có quyền năng làm cho người chịu Bí tích đổi mới tâm hồn, đổi mới cuộc đời.

 

Giáo lý xuất phát từ Thánh kinh, được bổ túc bởi Thánh truyền, (bổ túc không có nghĩa là Thánh kinh thiếu sót, mà là những lời dạy của các tông đồ về Chúa Kitô truyền lại cho Hội thánh), Hội thánh là người được Chúa Kitô Giêsu ban quyền đi rao giảng Giáo lý ấy khắp thế gian; Và Chúa Thánh Thần là nguồn soi sáng Giáo lý.

 

Tất cả Thánh kinh và Thánh truyền chỉ quy về một Chúa Kitô Giêsu Con Thiên Chúa làm người, đã chết và sống lại, hôm nay Ngài là Cứu Chúa của nhân loại. Từ tình yêu của Con người Giêsu là Chúa này, Hội thánh mới có Giáo lý.

 

Huấn quyền của Hội thánh, là quyền Chúa Giêsu trao cho các thánh tông đồ và các người kế vị cho đến tận thế, quyền đó là Rao Giảng và Làm Chứng cho Chúa Kitô Giêsu. Vì thế nhiệm vụ của các linh mục là dạy giáo lý.Rất nhiều linh mục (Việtnam) lên toà giảng không nói gì về Chúa Giêsu, chỉ thích giảng luân lý, khuyên người ta làm cái này, trách móc người ta không giữ luật kia, hoặc dùng Lời Chúa để có lợi cho công việc mình đang muốn thực hiện, làm cho người nghe rất khó chịu, mất bình an. Thế nhưng các linh mục đó cứ tưởng là đang thi hành huấn quyền của Hội thánh.

 

Hội thánh không giảng luân lý, không giảng đạo đức theo cách thế gian. Hội thánh giơ Chúa Giêsu lên cao cho mọi người chiêm ngưỡng và đón nhận, vì từ nơi Chúa Giêsu phục sinh nhân loại được đổi mới và có đầy đủ mọi sự tốt lành.

 

Giáo lý và Thần học

 

"Ðừng để ai lấy lời ba hoa rỗng tuyếch mà lừa dối anh em." (Ep 5:6).

 

Tất cả các chương trình huấn luyện cho các nam tu sĩ để lãnh chức vụ linh mục, dù cho có mang tên là Thần học, Triết học, Luân lý học gì chăng nữa, cũng chỉ qui về một Giáo lý lấy từ Thánh kinh và Thánh truyền. Bởi vì từ Chúa Kitô thì mới nảy sinh ra Thần học, chớ không phải nhờ Thần học mà người ta khám phá được Chúa Kitô. Vì thế nếu những Thần học Triết học cao xa trên, mà không làm cho người ta hiểu biết về Chúa Giêsu để yêu mến Ngài, thì nó củng chỉ là một niềm tự hào hão.

 

Có một điều chúng ta, tín hữu nên nhận diện rõ ràng đó là: Thần học không phải là Tin Mừng, Thần học cũng phải là Ðức Tin.

Thế mà hiện nay thế giới còn đang có những thứ Thần học làm cho người ta xa cách Thiên Chúa như: Thần học Giải phóng, Thần học Á Châu, và hôm nay tại Việt nam lại có thứ Thần học gian xảo lươn lẹo của nhóm "linh mục quốc doanh" đó là: Thần học Việt nam. Nhóm này mập mờ đưa Ðức Tin vào phục vụ Ðảng CS, họ lý luận rằng: "Trước khi bạn là người Công giáo bạn đã là người Việt nam". Câu này ám chỉ, cho dù bạn có là người công giáo, bạn có yêu Chúa yêu đạo của bạn thế nào đi nữa thì bạn cũng phải yêu tổ quốc, yêu dân tộc Việt nam trước đã. Tổ quốc là ưu tiên một, Chúa là số 2. Bởi vì theo CSVN thì "Việt nam, Tổ quốc, Dân tộc" luôn đồng nghĩa với "Xã hội Chủ nghiã". Và nếu bạn yêu Tổ quốc, yêu Dân tộc, yêu nước Việt nam, tức là bạn yêu Xã hội Chủ nghĩa, yêu Ðảng CS. Tệ hại hơn nữa, thứ thần học phản đạo này đã được tiếp tay bởi một số linh mục Việt tại hải ngoại. (Xem NS Dân Chúa tháng 4/98, số 254, trang 4).

 

Những người linh mục với cái thần học ấu trĩ này, mà Kinh thánh gọi là hạng Thợ Gian (xem 2Cor 11: 13-14), họ đã không biết, hoặc cố ý phủ nhận Ơn Tạo thành và Ơn Cứu độ của Thiên Chúa. Chính họ là những người được nuôi nấng, dạy dỗ, để rao giảng Tin Mừng, mà lời nói việc làm của họ lại phản nghịch với Tin Mừng. Khi đưa ra cái chiêu bài "Trước khi bạn là người công giáo, bạn đã là người Việt nam", nếu không nói là họ bịp bợm, thì phải nói là họ qúa dốt, bởi vì họ đem Ðức Tin tôn giáo một lãnh vực thần thiêng vĩnh cửu, so sánh với con người là thụ tạo nay còn mai mất. Chẳng lẽ các linh mục ấy đã quên mất những lời này của Thánh Kinh.

        1- Kinh Thánh Cựu Ước, sách ngôn sứ Yêrêmia, Yavê Thiên Chúa nói: "Trước khi Ta nắn ngươi trong bụng mẹ, Ta đã biết ngươi." (Yr 1: 5a).

        2- Kinh Thánh Tân Ước, thư Êphêsô viết: "Bởi chưng Thiên Chúa đã chọn ta trong Ðức Kitô Giêsu từ trước tạo thiên lập địa." (Ep 1: 4-5).

        3- Kinh Thánh Tân Ước, thư Galata viết: "Ai đã được thanh tẩy trong Ðức Kitô, thì đã được mặc lấy Ðức Kitô. Không còn Do thái hay Hy lạp; không còn nô lệ hay tự do, không còn Nam hay Nữ; vì tất cả anh em là một trong Ðức Kitô Giêsu." (Gal 3: 28).

 

Vậy trước khi các các nhà thần học ấy được là một hạt bụi để thành một con người trong bụng mẹ, thì các vị ấy là người nước nào? Không ai biết. Nhưng chắc chắn các vị ấy đã được Thiên Chúa "biết đến" và được lòng thương của Người tiền định cho các vị ấy làm con của Chúa, và là người Việt nam trong Chúa Kitô Giêsu. Một linh mục trong nhóm quốc doanh ở Việtnam đã đậu bằng tiến sĩ sử học ở Sorbone, chẳng lẽ vị đó lại không biết nước Việt nam ta không lập quốc từ thuở đời đời, mà chỉ mới lập quốc trên 4000 ngàn năm nay.

 

Hơn nữa các linh mục quốc doanh đều phải biết rằng: tất cả những ai được chịu Thanh tẩy thì đã trở thành chi thể trong Thân Mình của Ðức Kitô. Vì thế trong Chúa Giêsu, không có trước khi, sau khi, không còn phân cách là người Việt hay Tàu, người Nga, hay Mỹ, mà là tất cả nên một (1) trong Chúa Kitô. Giáo lý là thế, Thần học là thế, và còn một điều rất quan trọng: Lòng Mến cũng là thế đó.

 

Cuốn giáo lý đầu tiên

 

Cuốn giáo lý đầu tiên và căn bản Ðức tin của hội thánh công giáo là Kinh Tin Kính. Hôm nay cho dù có viết ra nhiều sách giáo lý bằng nhiều thứ tiếng, cũng không thể đi ra ngoài giáo lý Kinh Tin Kính. Và Kinh Tin Kính mãi mãi là căn bản Ðức tin của mọi kẻ tin vào Chúa Kitô Giêsu và Ơn cứu độ của Ngài, cho đến tận thế.


Trở Về Trang Mục Lục Giáo Dục
Trở Về Trang Nhà