Giáo Lý Hôn Nhân - II

Vũ Hồng

 

Chúa Kitô Giêsu là nền tảng Giáolý

 

Học giáo lý chúng ta học gì? Nếu xác tín Chúa Kitô là nền tảng của giáo lý, mà sự thật phải là như vậy, thì khi học giáo lý là chúng ta học về Chúa Giêsu.

 

Những bài Giáo lý lấy ở đâu? Ngày sơ khai của Hội thánh, Giáo lý xuất phát từ lời rao giảng và chứng nhân của các thánh tông đồ, các ngài là những người đã sống, được nghe Lời của Con Thiên Chúa, và chứng kiến sự chết và phục sinh của Ðức Giêsu; Sau khi Chúa về trời, các ngài bắt đầu rao giảng cho mọi người những Giáo lý, mắt thấy tai nghe về sự chết và phục sinh của Ðức Kitô, để ai nghe lời thì được ơn phúc Cứu độ.

 

Thánh Yoan tông đồ định nghĩa Giáolý như thế này:

"Ðiều chúng tôi đã từng nghe;

Ðiều chúng tôi đã từng thấy tận mắt;

Ðiều mà chúng tôi đã suy nghiệm trong lòng;

Ðiều mà tay chúng tôi đã rờ đến về Lời Sự Sống (là Ðức Kitô Giêsu); thì chúng tôi loan báo cho anh em."(1Yn 1:1-3).

 

Vì thế, giáo lý không phải một lý thuyết đạo đức lấy trong sách các bậc hiền nhân quân tử thế gian, không phải là bản ghi những lề luật buộc phải giữ cái này, hoặc cấm không được làm cái kia để khỏi phạm tội, cũng không phải những điều học về tu đức để được nên thánh, mà Giáo lý là những điều mắt thấy, tai nghe, và lòng trí chịu lấy: "Chúa Giêsu". Qua Chúa Giêsu, người học Giáo lý gặp được Thiên Chúa, được mọi đạo đức thánh thiện, không phải của con người mà là của Thiên Chúa, và nhờ đó được trở thành con cái của ơn Cứu Ðộ.

 

Cho nên bài giảng đầu tiên của thánh Phêrô đã có một hướng đi dứt khoát. Khi dân chúng hỏi Phêrô và các tông đồ rằng: "Chúng tôi phải làm gì, anh em ơi?" Phêrô bảo họ: "Hãy hối cải và chịu thanh tẩy nhân Danh Chúa Kitô Giêsu." (Cv 2:37-38). Lời giảng này, chúng ta thấy khác hẳn với bài giảng luân lý của Yoan tẩy giả, trong Luca 3:10-14.

Những thế kỷ tiếp sau các tông đồ, Hội thánh đã rao giảng và dạy giáo lý dựa vào Thánh Kinh và Thánh truyền; và ngày hôm nay, các thánh lễ Chúa nhật trên toàn cầu, sau những bài đọc trích từ Thánh Kinh rồi mới đến bài giảng của linh mục, nên mỗi bài giảng phải là một bài Giáo lý dựa vào Thánh kinh, đem Chúa Giêsu đến cho tín hữu, rồi hướng dẫn người tham dự thánh lễ đến chịu lấy Chúa Giêsu trong tiệc Thánh thể. Nhưng trên thực tế các linh mục trong bài giảng có làm nhiệm vụ ấy không thì tùy các ngài.

 

Thánh kinh và Thánh truyền

 

Tất cả Thánh kinh và Thánh truyền đều quy về một Chúa Giêsu Kitô. Tất cả phụng vụ thánh của Giáo hội Công giáo chỉ quy về mục đích cho người ta gặp được Chúa Giêsu.

 

Từ Chúa Giêsu mọi người được chịu lấy đạo đức, thánh thiện, biết ăn ở nhân ái với nhau, được ơn tha thứ tội lỗi và ơn biến đổi đời sống trở thành tốt lành, không phải tốt lành như cách ăn ngay ở lành thế gian, mà trọn lành như Thiên Chúa. Thật không ai dám mơ tưởng, vì qúa trí qúa sức của loài người; nhưng hãy nghe Ðức Giêsu nói với chúng ta câu này: "Anh em hãy nên trọn lành như Cha anh em ở trên trời là Ðấng trọn lành." (Mt 5: 48).

 

Ai mà dám tốt lành như Thiên Chúa? Không ai. Một người cũng không. Nhưng trong Chúa Giêsu, kẻ học và người dạy Giáo lý tùy theo lường Ðức tin, lòng sám hối và tâm hồn khiêm tốn, mà được Chúa ban bao nhiêu là theo ý Ngài. Vì vậy, Giáo lý không phải chỉ là việc học kinh sách đạo đức như người ta thưởng nghĩ, mà là một ơn đổi đời để đi về nguồn ân sủng dồi dào của Thần Khí Thiên Chúa.

 

Có mấy thứ Giáo lý

 

Chúa Giêsu là nền tảng giáo lý, nên Hội thánh công giáo chỉ có một Giáo lý duy nhất; vì hội thánh chỉ có một Chúa, một Ðức tin, một Phép rửa (Ep 4:5). Giáo lý Xưng tội, Rước lễ lần đầu, Thêm sức, Tân tòng, Hôn nhân, ngay cả giáo lý làm Linh mục như thần học, triết học v.v., cũng chỉ là một Giáo lý qui về Chúa Giêsu.

 

Giáo lý Hôn nhân

 

Nhiều người trong đó có cả giáo sĩ tưởng Giáo lý hôn nhân là phải khác giáo lý tân tòng khác giáo lý thêm sức v.v. nghĩa là phải học biết những điều về cuộc sống nam nữ, cuộc sống phái tính, học về các bộ phận sinh dục nam nữ, học về tâm lý người con trai con gái, học về làm bếp, làm bánh, học về kinh tế gia đình, về các nuôi dạy con cái, v. v. ngõ hầu giúp các đôi hôn nhân biết sống một gia đình tốt, hạnh phúc. Nghe rất hợp lý. Cho nên đã có một số nơi soạn chương trình lớp giáo lý hôn nhân nặng về các điều kia, còn về đạo thì rất qua loa. Mãn khoá, được hỏi Chúa Giêsu là ai đối với anh chị. Thường thì câu trả lời thuộc lòng từ thuở nhỏ: "Chúa Giêsu là ngôi Hai Thiên Chúa xuống thế làm người chuộc tội cho chúng ta".

Những bài học như thế, thử hỏi khi cơm không lành canh không ngọt, vợ chồng quanh năm nội chiến từng giờ, có thể đem những kiến thức đã học, hoặc giáo lý thuộc lòng, ra để hàn gắn lại được tình yêu rạn nứt ấy chăng? Giá thú nó còn xé huống hồ là luật đạo.

 

Ðành rằng giáo lý hôn nhân có thể học về cách sống nhân bản, nhiệm vụ của người vợ người chồng, trách nhiệm nuôi dạy con cái, bổn phận và trách nhiệm của hai vợ chồng đối với nhau, sự hòa hợp và tương kính trong việc chăn gối, về Tâm Sinh lý, về tổ chức gia đình, như trên; nhưng trên tất cả những cái đó, các anh chị sắp bước vào hôn nhân, phải được học biết về Chúa Giêsu, một Ðức Giêsu Thần Khí, không phải một Ðức Giêsu học thuộc lòng trong bài học. Và chính đôi nam nữ khi được ơn biết Chúa Giêsu, sẽ không còn chỉ biết nhau theo xác thịt mà còn được lòng yêu mến nhau trong Thần Khí của Thiên Chúa nữa;

 

Kinh thánh nói: "Ai ở trong Ðức Giêsu là tạo thành mới; cho nên từ nay chúng tôi không còn biết ai theo xác thịt nữa, và cho dẫu theo xác thịt, chúng tôi đã được biết Ðức Kitô, thì trái lại nay chúng tôi không còn biết như thế nữa." (2Cor 5: 16-17).

 

Theo xác thịt đây không có nghĩa là vợ chồng không được ăn nằm với nhau, mà ý nói tình yêu hôn nhân đặt trong tình yêu Chúa Giêsu, để cho Chúa Kitô làm chủ mọi sự, mọi việc, trong suốt đời sống vợ chồng. Khi đã dìm mình trong tình yêu của Chúa Giêsu rồi, thì cái gì cũng là thánh, thánh từ chân đến đầu, hạnh phúc sẽ bất diệt, dù khi người vợ khỏe mạnh ngực nở lưng tròn, người chồng hiên ngang vạm vỡ, dù khi vợ ngực lép vai gầy, chồng mỏi mòn vì tuổi tác, tình yêu của họ vẫn đầm ấm, vẫn tương kính, vẫn chung thủy thiết tha. Vì trong Chúa Giêsu họ đã nên một xương một thịt. Cho nên trong lời hứa hôn nhân hội thánh mới qủa quyết: "Dù khi bệnh hoạn cũng như lúc gian nguy, khi khỏe mạnh cũng như lúc già yếu, vẫn thắm thiết thương nhau và tôn trọng nhau suốt đời."

 

Giáo lý hôn nhân là tình yêu hai vợ chồng dìm vào trong tình yêu Chúa Giêsu Kitô. Bởi vì chúng ta tất cả đều có tội, tội là đầu mối mọi đau khổ và ly tan, chỉ có Chúa Giêsu là Ðấng chữa lành các vết thương tội lỗi trong tâm hồn.

 

Không có những giờ cầu nguyện trong lớp hôn nhân, không thánh lễ mở đầu cho khóa học, không học biết gì về Chúa Kitô, không có thánh lễ kết thúc khoá học, để mỗi đôi hôn nhân qùy trước Thánh Thể mà đầu phục Chúa Giêsu, mà chỉ cậy nhờ vào các bài học của bác sĩ, dươc sĩ, để dẫn người ta vào hôn nhân, thật là táo bạo, thật là sai lạc vô cùng. Như kinh thánh đã khuyến cáo: "Mù mà dẫn đàng cho mù, cả hai sẽ lăn cù xuống hố." (Mt 15:14). Không hề dám khinh miệt tri thức thế gian, nhưng trong Ðức Tin, chúng ta phải xác tín: Chỉ có một Ðức Giêsu Kitô là Aỉnh Sáng cho thế gian. (Yn 8:12).

 

Không ai có thể làm ánh sáng cho ai.

 

Thử hỏi, trên trần gian này biết bao cuộc hôn nhân thuộc hàng trí thức, hạng giàu sang, mà hạnh phúc đâu có đến trong tầm tay của họ, điển hình là cuộc hôn nhân của Bill Clinton nguyên tổng thống Hoa kỳ, cuộc hôn nhân của công nương Diana nữ hoàng tương lai của Anh Quốc, vẫn ngoại tình, vẫn ly thân, ly dị như thường. Phải thấy, nơi những cuộc hôn nhân của những kẻ học cao hiểu rộng ấy, còn thiếu một yếu tố, cái yếu tố mà thế gian không thể cho họ, đó là Tình Yêu, sự Bình An và Niềm Vui. Thế gian đã thất bại trong hôn nhân, thế mà khi học giáo lý hôn nhân người dạy lại nhai lại những điều của thế gian, và coi như khám phá mới lạ.

 

Thử xem trước mắt chúng ta có những gia đình chân chất ít học, nhưng đầy lòng cậy trông vào Chúa Giêsu, cuộc sống họ thật sự hạnh phúc yên vui cho đến đầu bạc răng long. Việc này hiển nhiên, không phải là những huyền thoại hoang tưởng trong tiểu thuyết.

 

Mọi đám cưới đều chúc cho đôi tân hôn 100 năm hạnh phúc. Hạnh phúc là cái vô cùng qúi hiếm trên đời này, không ai có để cho ai. Cái gì không có thì mới chúc cho nhau. Cái gì có trong tay, chúc làm chi. Không ai hôm nay đến gặp Ðức Hồng Y Nguyễn văn Thuận, lại chúc: Xin chúc Ðức Cha lên Hồng Y.

 

Hạnh phúc gia đình là sự Vui mừng, sự Bằng an, và lòng Yêu mến nhau. Những cái đó mọi người đang đi tìm kiếm, không ai có để tặng ai. Chỉ có một Chúa Giêsu có sự Bằng an, Yêu mến, và Vui mừng. Chúa Giêsu không chúc bình an cho ai, mà Ngài nói: "Ta ban bình an cho anh em". Chúa Giêsu không chúc hai vợ chồng yêu nhau suốt đời mà Ngài ban tình yêu, vì Ngài là Tình Yêu. Và đâu có Bình an, Yêu mến là nơi đó sự Vui mừng. Hạnh phúc hôn nhân chỉ cần những thứ đó.

 

Giáo lý hôn nhân là học, và cầu nguyện van xin cho được cái 100 năm hạnh phúc đó.

 


Trở Về Trang Mục Lục Giáo Dục
Trở Về Trang Nhà