KINH NGHIỆM MỘT CHUYẾN ĐI

 

Đi nghỉ hè với gia đình sau một thời gian làm việc vất vả là một điều thú vị. Đây là dịp để mọi người nghỉ ngơi và có giờ sống cho nhau trọn vẹn hơn. Vợ chồng có thời giờ sống với nhau và với con cái sau những ngày lam lũ, lăn lộn với miếng cơm manh áo. Con cái có thời giờ rong chơi sau những ngày miệt mài học tập và nhất là có thời giờ gần gũi và chia sẻ tâm tình với cha mẹ. Chúng tôi năm nào cũng ít là một hoặc hai tuần lễ đi nghỉ với nhau như thế. Mỗi năm mỗi nơi hợp với ý thích mọi người. Đến đâu chúng tôi cũng cố gắng len lỏi vào mọi ngõ ngách và hoà nhập vào với dòng sinh hoạt nơi ấy. Điều thích thú không riêng chỉ với chính mình nhưng là dịp để con cái có cái nhìn về cuộc sống cũng như hoàn cảnh sống đa diện hơn  về cuộc đời chúng sẽ tự đảm nhiệm mai sau.

 

Năm nay chúng tôi cùng nhau nghỉ hè tại Puerto Vallarta, một vùng biển ở miền nam Mễ Tây Cơ. Một điạ danh hẻo lánh nhưng lại thu hút nhiều khách du lịch Bắc Mỹ vì khí hậu nhiệt đới nóng bức và nước biển ấm áp hiền hoà.

 

Sống cạnh một đế quốc tư bản giàu mạnh bậc nhất thế giới, Mễ Tây Cơ bị xem là anh nhà nghèo kiết xác và cùng cực. Cái nhìn về anh nhà nghèo thêm khắc nghiệt vì những cuộc vượt biên liều mạng của dân Mễ chẳng phải vì tự do dân chủ mà vì dollars và một cuộc sống tươi đẹp với tương lai nhiều hứa hẹn nơi anh khổng lồ. Thật ra, nếu đem so sánh với Việt Nam, có lẽ Mễ Tây Cơ còn khấm khá hơn nhiều vì có nền kinh tế tự chủ và không kinh qua chiến tranh, ít nhất là trong gần một thế kỷ nay. Ngồi trên Taxi từ phi trường đến khách sạn, tôi có cảm tưởng mình đang được xe chở trên Đại Lộ Lê Thánh Tôn (nếu tôi nhớ không lầm(?)), ở Nha Trang những năm còn chiến tranh. Dọc suốt con đường đến địa điểm nghỉ hè là những khách sạn khổng lồ và cao ngất bên  bờ biển phía tay phải. Bên phía tay trái quốc lộ là những trại lính nghèo nàn, cũ kỹ đó đây với kẽm gai giăng mắc và pháo đài phòng thủ… Hai nếp sống, hai phong cách chỉ cách nhau một con đường.

 

Là một khách du lịch, đến đâu người bản xứ cũng cung kính lễ độ đó là điều đương nhiên, vì đàng sau sự kính cẩn ấy người ta chờ đợi một sự ban thưởng hậu hĩnh. Ít khi nào khách du lịch bị phật lòng vì thái độ người phục vụ. Cung cách ấy biến người khách du lịch thành những kẻ vương giả và phong lưu. Nếu cuộc sống thường nhật người ta phải tính toán và vun quén từng đồng thì lúc rong chơi du lịch lại là lúc tiêu pha không tiếc xót, đôi khi liều lĩnh và vô lý. Khi đặt vé đi du lịch Mễ Tây Cơ, người đại diện công ty cảnh giác chúng tôi không nên đi chơi ngoài phạm vi nghỉ mát vì sự an toàn cá nhân, nhưng chúng tôi vẫn làm những cuộc tham quan mạo hiểm ấy. Chúng tôi đi vòng khắp các làng mạc và khu phố lân cận để quan sát và tìm hiểu đời sống người bản xứ. Đây mới là điều kỳ thú cho chuyến du lịch và nghỉ hè. Đối diện với những cao ốc chọc trời và sang trọng là những làng mạc nghèo nàn và lạc hậu. Dân chúng có vẻ lếch thếch trong những bộ quần áo cũ kỹ. Đó đây trẻ em lang thang mình trần trên vỉa hè hoặc trong những lùm cây, bờ bụi đùa nghịch, reo hò vang trời. Trên hè phố, trước cổng các dinh thự, thánh đường, trẻ em và các bà lão cũng ngồi ăn xin hoặc bán những thỏi chewing gum hay bánh trái. Chuyện hi hữu xảy ra, khi tới thánh đường Thánh Yoan Tiền Hô, một ngôi thánh đường cổ kính xây theo kiểu Gothic nhưng hài hoà với đường nét kiến trúc cổ truyền của dân tộc Mễ. Vợ con tôi theo người hướng đạo vào trong chiêm ngưỡng còn tôi đang thơ thẩn nhìn ngắm nét hùng vĩ nhưng rêu phong bên ngoài, một em bé chạc 7 tuổi, tóc tai bù xù, áo quần lem luốc cầm hộp kẹo chewing gum đã mở sẵn: “Senor, chicklet?”, “Cuanto?”, “Cinco pesos!”. Thấy tội nghiệp đứa bé, tôi móc túi lôi ra một nắm bạc cắc khoảng chừng 16, 17 pesos (chưa tới 2 dollars) đưa cho em rồi bước vào đền thờ. Một vài phút sau em chạy theo níu tay tôi: “Tu chicklet senor”, “No, no gracias”, tôi từ chối không nhận kẹo và ra dấu tặng em số tiền lẻ ấy nhưng em trả lại tiền không nhận. Tôi miễn cưỡng phải cầm một thỏi kẹo mặc dù em cứ dúi vào tay tôi ba cái… Nghèo nhưng tự trọng, thật đáng khen! Liệu chúng ta còn tìm được bao nhiêu em bé như thế giữa chợ đời hôm nay?

 

Điều thứ ba trong Mười Điều Răn Đức Chúa Trời dạy là chớ bỏ ngày chủ nhật. Không những giữ cho mình mà còn tập cho con cái ý thức bổn phận một Kitô hữu. Chúng tôi đến khách sạn vào chiều ngày thứ bảy. Ngay tối hôm ấy, chúng tôi hỏi thăm các nhân viên khách sạn về các nhà thờ Công Giáo gần nhất để tham dự thánh lễ chủ nhật. Họ cho chúng tôi biết ngay trong khách sạn lúc 1:00 chiều sẽ có thánh lễ bằng tiếng Tây Ban Nha nếu chúng tôi muốn tham dự. 12:45 chúng tôi có mặt tại Ball room. Tưởng mình đến sớm, nhưng bước vào phòng đã thấy hơn trăm người có mặt. Ball room là phòng hội có thể chứa tới cả ngàn người. Tôi đếm được tổng cộng 625 ghế ngồi. Thánh lễ bắt đầu đúng 1:00 giờ. Những hàng ghế sắp sẵn chật ních người. Giáo dân tham dự phải đứng tràn hai bên hông và phía sau. Qua cách ăn mặc tôi đoán họ đa số là khách du lịch. Quang cảnh có vẻ như đại lễ Giáng Sinh hay Phục Sinh tại các giáo xứ ở Hoa Kỳ. Tôi ước tính có trên ngàn người tham dự thánh lễ hôm đó. Đa số là người nói tiếng Tây Ban Nha, khoảng 30% là người da trắng và gia đình tôi là người Việt Nam, Á châu có lẽ duy nhất trong phòng. Hai vị linh mục Alberto Lopez, cha phó một xứ đạo gần đấy và cha Mario Gonzales, người El Salvador đi du lịch cùng đồng tế. Cha Lopez cho biết ngài phải dâng 5 thánh lễ Chủ Nhật cho 5 khách sạn trong vùng ngài trách nhiệm. Thánh lễ nào cũng đông nghẹt  vì đa số khách du lịch là người Nam Mỹ Công Giáo. Thánh lễ hôm ấy có khoảng 80% là khách du lịch và số còn lại là nhân viên khách sạn. Oâng từ và ca đoàn 4 người là những giáo dân trong xứ đạo của ngài. Bộ lễ và những bản thánh ca tiếng Tây Ban Nha quen thuộc mà hầu hết các nhà thờ ở Los Angeles đều đã hát. Tôi thấy mọi người cùng hát vang cả phòng hội. Thánh lễ thật trang nghiêm sốt sắng. Khách sạn Sheraton, nơi chúng tôi cư ngụ có 23 tầng lầu và mỗi tầng gồm 50 phòng. Nếu tính trung bình mỗi phòng 4 người và khách sạn không còn phòng trống, tầng trệt là văn phòng và khu thương mại, giải trí tức là 4400 khách thì 25% số khách còn giữ luật Hội Thánh tham dự Thánh Lễ Chủ Nhật. Bài toán nếu được kết thúc ở đây thì người Kitô hữu chúng ta liệu có đặt ra một vấn đề cho mình là 75% số khách kia đi đâu không? Trong chuyến tham quan quanh vùng, người hướng đạo đưa chúng tôi đi ngang một nhà thờ nọ, tôi nhìn vào thấy có một số giáo dân bản xứ đang ngồi lần chuỗi, đa số là những người lớn tuổi. Lối đi giữa nhà thờ có một phụ nữ mặc áo công nhân (blouson trắng) chừng 30 tuổi và một bà lão khoảng 70 tay cầm chuỗi, mắt nhìn lên bàn thờ và di chuyển dần về phiá bàn thờ trên thế quì gối cầu nguyện. Tôi quay qua chỉ cho các con tôi. Đứa con út hỏi tôi: “Sao hai người ấy bị cha phạt quì vậy ba?”. “Không phải cha phạt quì mà tự họ phạt mình để đền tội đấy con ạ!”. Tôi thấy cháu chỉ nhún vai rồi “wow” một tiếng kinh ngạc. Thấy thế, người hướng đạo bảo chúng tôi: “65% dân Mễ Tây Cơ là người Công Giáo, có thể chúng tôi không là người Công Giáo tốt nhưng vẫn phải kể là người Công Giáo”. Hai đứa con chúng tôi ở tuổi 10 và 7 đồng thanh hỏi: “Why?” nhưng anh chỉ nhe răng cười. Vì phép lịch sự tôi nghiêm mặt nói với con tôi không nên hỏi như vậy. Đứa con lớn bảo tôi: “Cô giáo con dạy là người Công Giáo phải là người tốt chứ sao không tốt mà vẫn là người Công Giáo!” Tôi cũng im lặng vì không biết phải trả lời sao cho cháu hiểu, nhưng câu hỏi ấy mãi ám ảnh trong lòng tôi. Ngôi nhà thờ thứ hai chúng tôi được dẫn đến tham quan là ngôi nhà thờ cổ Thánh Gioan Tiền Hô ngay trung tâm khu phố. Nhà thờ này được khởi công từ năm 1917 nhưng mãi đến năm 1968 mới hoàn thành. Vì thế lúc khánh thành nhà thờ cũng là lúc người ta đặt lại vấn đề xây cất một nhà mới và lớn hơn vì ngôi đền thờ đã ngả màu quá cũ kỹ và chật hẹp. Đền thờ được xây dựng do chính dân chúng bản xứ đóng góp nhưng ai cũng nghèo đói thành ra phải mất một thời gian dài như thế. Năm 1970, kỹ nghệ du lịch phát triển tại địa phương, cuộc sống dân chúng khá hơn nhờ những công ăn việc làm mới. Anh cho biết thêm hội đồng thành phố cương quyết đập bỏ nhà thờ Thánh Yoan Tiền Hô để xây dựng lại một ngôi nhà thờ mới phù hợp với bộ mặt của trung tâm du lịch. Dân chúng thì nhất quyết chống đối để bảo vệ ngôi đền thờ đã gần một thế kỷ ngự trị giữa họ và cũng là mồ hôi nước mắt của gần ba thế hệ đã gắn bó vun trồng và sống đạo. Tình hình tranh chấp khá căng thẳng và chưa có một đường lối giải quyết nào thích đáng.

 

Chuyến du lịch của gia đình tôi đã kết thúc, nhưng tôi vẫn chưa tìm được câu trả lời thoả đáng cho những ưu tư trong lòng. 75% khách du lịch đã đi đâu mà không tham dự thánh lễ Chúa nhật? Có phải vì họ chưa nghe và chưa biết đến Tin Mừng? Họ đã tin nhưng không giữ lòng tin ấy? Những thú vui đời này hấp dẫn hơn Tin Mừng sự sống? Tại sao là người Công Giáo mà lại không là người tốt? Tại sao giữa trung tâm du lịch lại cần một ngôi thánh đường mới, đẹp để phù hợp với bộ mặt du lịch? Thánh đường là nơi phượng tự của giáo dân hay chỉ là nơi phô bày một kiến trúc giữa một quần thể kiến trúc? Những câu hỏi ấy mãi lẩn quẩn trong đầu tôi. Nếu mỗi Kitô hữu cùng thao thức và nắm tay nhau trong cuộc đời sống đạo và truyền đạo có lẽ đạo Chúa sau 2000 năm qua đã phủ đầy mặt đất và Tin Mừng Sự Sống đã là nguyên tắc sống và hành động cho mọi người hôm nay.

 

JB. Đào Ngọc Điệp


Trở Về Trang Mục Lục Giáo Dục
Trở Về Trang Nhà