Cảm nghiệm thực tại - chiêm niệm vẻ đẹp

Xin giới thiệu bài viết của Cha Gioan Đỗ Văn Ngân trong cuốn Tĩnh tâm linh mục tháng 07 - Giáo phận Xuân lộc.

CẢM NGHIỆM THỰC TẠI, CHIÊM NIỆM VẺ ĐẸP

(Ratzinger – The Feeling of things the contemplation of beauty)

Lts. Xin cha đừng đọc bài này vội vàng, xin cũng đừng đọc trong tâm trạng vội vã. Đi tìm cái đẹp đòi hỏi tinh tế tâm linh. Tỷ như cái đẹp ở đâu trong câu nói này của Socrates trong tình huống 50 tuổi ông mới cưới vợ, bà Xanthippe rất nổi danh với hình ảnh một bà vợ hung dữ khó tính : Nên lấy vợ ! Gặp vợ hiền, bạn được hạnh phúc ; gặp vợ dữ, bạn thành ... triết gia. Đàng nào cũng có lợi.

Trên bình diện nhân bản, ba chân trụ làm nên giá trị tâm hồn con người : sự Thật, sự Thiện, cái Đẹp… và ba chân trụ này cống hiến phần quan trọng giúp ta xây dựng tòa nhà siêu nhiên… Trong diễn văn dành cho tổ chức Hiệp Thông và Giải Phóng tại Rimini, Đức Thánh Cha Bênêđictô, khi ấy là Hồng y Tổng trưởng Thánh bộ Giáo Lý Đức Tin đã trình bày sâu sắc thế nào là cái Đẹp, cái Đẹp cứu thế giới...

Hằng năm, trong Phụng Vụ Giờ kinh mùa Chay, tôi cứ bị khựng lại trước ý tưởng đối ngược nhau trong Thánh vịnh của kinh chiều ngày thứ hai, tuần hai. Ở đây, hai điệp ca đặt cạnh nhau, một điệp ca cho mùa Chay, một cho Tuần Thánh. Cả hai điệp ca dẫn vào Thánh vịnh 44 (45), nhưng chúng diễn tả ý tưởng quá đối chọi. Thánh vịnh miêu tả hôn lễ của Đức Vua, vẻ đẹp lộng lẫy, các đức tính, sứ mạng của Đức Vua, dẫn đến lời ca tụng nàng Hôn Thê. Thánh vịnh 44 cũng được dẫn vào bằng cùng một điệp ca trong mùa Chay ấy được dùng cho cả phần còn lại trong năm. Câu thứ ba của Thánh vịnh nói :

Giữa thế nhân, Ngài vô song tuyệt mỹ, nét duyên tươi thắm nở môi Ngài.

Dĩ nhiên Giáo hội đọc Thánh vịnh trong ý tưởng tiên tri-thi vị về mối tình phu-thê giữa Chúa Kitô và Giáo hội của Người. Giáo hội nhìn nhận Chúa Kitô là giữa thế nhân, Ngài vô song tuyệt mỹ, nét duyên tươi thắm nở môi Ngài chỉ về cái đẹp hàm ẩn trong ngôn từ, trong vinh quang mà Người công bố. Vì vậy đây không phải là cái đẹp bề ngoài của chân dung Đấng Cứu Độ được tôn vinh, đúng hơn, đây là cái đẹp của Sự Thật biểu lộ trong Ngài, cái đẹp của chính Thiên Chúa, Đấng cuốn hút chúng ta lên tới Ngài, đồng thời chiếm lĩnh chúng ta bằng vết chấn thương Tình yêu, là cuộc khổ nạn thánh (eros), cho chúng ta khả năng tiến sâu vào cuộc gặp gỡ Tình Yêu cùng và trong Giáo hội là Hôn Thê của Người.

Tuy nhiên, trong ngày thứ hai Tuần Thánh, Giáo hội thay đổi câu điệp ca và mời chúng ta hiểu thánh vịnh này trong ánh sáng của lời Ngôn sứ Isaia 53,2 : Người chẳng còn dáng vẻ, chẳng còn oai phong, đáng chúng ta ngắm nhìn, dung mạo chẳng còn gì khiến chúng ta ưa thích. Làm sao dung hòa những điều này ? Dung mạo của Đấng giữa thế nhân, Ngài vô song tuyệt mỹ quá tan nát khiến chẳng ai thèm nhìn vào Người. Philatô đưa Người ra trước đám đông, nói : Này là người, để khơi lên thiện cảm đối với kẻ đã bị đánh dập dụi, chẳng còn tí cái đẹp ngoại diện nào.

Thánh Augustinô trong thời trai trẻ đã viết cuốn sách về Cái đẹp và Hòa điệu (De Pulchro et Apto), đã quảng diễn cái đẹp trong ngôn từ, âm nhạc, các nghệ thuật hình tượng, đã có nhận định sắc bén về cái đẹp trong cái đối kháng và thánh nhân thấy rằng trong viễn tượng cái đẹp trong cái đối kháng này, nền triết học Hy lạp không những phủ nhận ngay mà còn đặt vấn nạn như một bi kịch : Cái đẹp là gì ? Cái đẹp nghĩa lý gì ? Cái đẹp là gì mà người ta cứ phải bàn luận và chịu đựng mãi. Đề cập tới cái đối kháng trong những lời Kinh Thánh này, thánh nhân viện tới âm thanh nghịch nhau của hai cây kèn trumpet trổi lên từ một hơi thở, từ một Thánh Thần. Thánh nhân biết rằng cái đối kháng thì ngược lại và không mâu thuẫn. Những lời Kinh Thánh được trích dẫn trên đây đều đến từ một Thánh Thần, Đấng linh hứng toàn bộ Kinh Thánh, tuy dù vang lên âm thanh giai điệu khác nhau. Chính trong nhãn quan này thánh nhân đưa chúng ta vào nhãn quan toàn diện của Cái Đẹp đích thực, của chính Sự Thật đích thực.

Trước hết, lời ngôn sứ Isaia khơi lên vấn đề mà các Đấng Giáo phụ rất quan tâm, đó là Đức Kitô đẹp đẽ hay không. Hàm ẩn trong đó câu hỏi căn bản hơn xem thế nào là cái đẹp hay cái thực sự không xấu, cho ta hiểu cái thực sâu xa nhất của thực tại. Bất cứ ai tin vào Thiên Chúa, Đấng biểu lộ chính mình, biểu lộ rõ ràng nơi con người Đức Kitô bị hành hạ, chịu đóng đinh làm thành Tình Yêu đến cùng (Ga 13,1), người ấy sẽ biết rằng cái đẹp là cái thật và cái đẹp thật. Trong nỗi khổ đau Chúa Kitô trải qua, người ấy sẽ tiếp nhận thêm rằng cái đẹp của sự thật cũng đón nhận cả những xúc phạm, đớn đau, và cả mầu nhiệm thăm thẳm của cái chết, nhất là học biết rằng cái đẹp là cái thật và cái đẹp thật chỉ có thể trổ sinh khi đón nhận khổ đau chứ không do lãng quên đau khổ. 

Quả thực nơi người Hy lạp cũng có ý thức về cái đẹp trong tương quan với đau khổ. Chẳng hạn đan cử trong tác phẩm Phaedrus của Plato, ông chiêm niệm cuộc gặp gỡ với cái đẹp tựa như cú sốc cứu độ đầy cảm xúc, khiến người ta rời bỏ vỏ sò đời mình để tỏa sáng cái nhiệt tình do lực cuốn hút người ấy tới cái khác với chính mình. Plato nói con người đã đánh mất cái hoàn hảo nguyên thủy dành cho mình. Bây giờ người ta mải miết tìm kiếm phương dược chữa trị thuở đầu. Nỗi khao khát nhớ nhung thúc đẩy người ta theo đuổi những đòi hỏi. Cái đẹp ngăn ngừa người ta tự mãn với cái thường nhật. Nó khiến người ta gánh chịu đau khổ. Trong nhãn quan của Plato, chúng ta có thể nói rằng mũi tên nhớ nhung bắn xuyên qua con người, đả thương nhưng qua đó chắp cho người ta đôi cánh, nâng cao con người tới cái siêu việt. Trong tác phẩm Symposium của ông, Aristophanes nói rằng những người đang yêu nhau không biết họ thực sự muốn gì từ người yêu. Từ sự kiếm tìm cái hơn cả hoan lạc, tỏ tường là linh hồn của cả hai người đều khao khát cái vượt quá hoan lạc tình yêu. Nhưng con tim không thể diễn tả cái khác này, nó chỉ cảm nhận một cách mông lung về cái nó thực sự ước muốn và ngạc nhiên trước cái khác này như một bí ẩn.

Vào thế kỷ 14, qua tác phẩm Cuộc Đời Chúa Kitô của nhà thần học Byzantine, Nicolas Cabasilas, chúng ta tái khám phá kinh nghiệm của Plato về nỗi nhớ nhung uyên nguyên, được hiểu bằng kinh nghiệm mới mẻ của Kitô hữu, nỗi nhớ nhung uyên nguyên này cũng không thể gọi tên được. Cabasilas nói : Khi con người khao khát nồng nhiệt quá sức mình, thèm muốn cháy bỏng và làm được những việc ngoài sức tưởng tượng, đó là nhờ vị Hôn phu đã điểm vào bằng chính những khát mong cháy bỏng đó. Chính là người yêu đã lấy vẻ đẹp rọi sáng đôi mắt người yêu. Vết thương mở rộng cho thấy mũi tên đã bay trúng nhà mình, nỗi khát mong biểu thị ai đã đả thương (x. Cuộc Đời Chúa Kitô, tập 2, 15)

Những vết thương xinh đẹp, nhưng đúng hơn những vết thương cho thấy chính xác phương thức nó tập trung con người vào định mệnh chung cuộc. Điều Plato đã nói và hơn 1500 năm sau Cabasilas đã cho thấy đây chẳng hề là cái thẩm mỹ hay cái duy lý hời hợt, cũng chẳng hề là tầm sáng tỏ và quan trọng của lý trí. Cái đẹp quả nhiên có tính chất của cái biết, nhưng trội vượt khi nó nâng con người lên cái cao cả thực sự của cái thật. Ở đây Cabasilas hoàn toàn mang tư tưởng người Hy lạp khi ông đặt cái biết lên hàng đầu, ông nói : Thực sự cái biết tạo nên và khai sinh tình yêu... Lại vì cái biết khi thì bao quát đầy đủ khi thì bất toàn, nên liều thuốc tình yêu cũng cần hiệu quả tương xứng (x. sđd)

Cabasilas không hài lòng bằng những từ khẳng định chung chung. Trong tính chất tư tưởng đặc trưng mạnh mẽ, ông phân định hai loại biết : cái biết qua học hỏi, có thể nói là thuộc loại dùng lại (second hand), không bao hàm sự tiếp xúc trực tiếp nào với chính thực tại. Mặt khác, cái biết thứ hai là cái biết qua trải nghiệm của chính mình tiếp xúc trực tiếp thưc tại. Do đó chúng ta không yêu mến cái đẹp xét như nó là đối tượng giá trị của tình yêu và vì chúng ta không định dạng được nó thực sự nên chúng ta không có kinh nghiêm chính xác hiệu quả của nó.

Cái biết đích thực là cái biết được mũi tên-cái đẹp bắn trúng, mũi tên này đả thương con người là kẻ đang cảm kích chính thực tại, Thật khôn lường chính Chúa Kitô hiện diện an bài và uốn nắn tâm hồn con người cách lạ lùng khôn tả (x. sđd)

Cảm kích và được cái đẹp của Chúa Kitô chiếm hữu đạt cái thực hơn, cái biết sâu thẳm hơn sự diễn dịch của lý trí. Thực sự chúng ta không được xem nhẹ tầm quan trọng của suy tư thần học, của những tư tưởng thần học chính xác và mạch lạc vì chúng rất thiết yếu. Ngược lại nếu khinh thường và loại bỏ tiếng vang vọng của con tim cất lời trong cuộc gặp gỡ cái đẹp mà phủ nhận hình thức trải nghiệm này thì sẽ làm chúng ta nên nghèo nàn, làm đức tin và thần học thành khô chồi. Chúng ta phải tái khám phá cách thức trải nghiệm này, đây là nhu cầu thúc bách của thời đại chúng ta.

Khởi đi từ ý niệm này, Hans Urs von Balthasar đã thực hiện tác phẩm Opus Magnum thuộc Mỹ học mang tính thần học. Nhiều phần biến thể thành nỗ lực thần học, trong khi cơ bản của cách tiếp cận, nói đúng ra, yếu tố chính của công trình chưa được người khác sẵn sàng tiếp nhận. Dĩ nhiên, trên nguyên tắc đây không phải thực là vấn đề thần học, nhưng là vấn đề cuộc sống mục vụ, là phải nuôi dưỡng cuộc gặp gỡ giữa con người với cái đẹp của đức Tin. Rất phổ biến là mọi luận chứng đều bị bỏ ngoài tai vì trong thế giới chúng ta quá nhiều luận chứng trái ngược cạnh tranh lẫn nhau, nhiều tới nỗi tự nhiên ta liên tưởng tới một thần học gia thời Trung cổ, ông miêu tả lý trí như là cái mũi bằng sáp. Nói cách khác, lý trí chen vào mọi truyện bao nhiêu có thể như chong chóng. Cái gì cũng xem chừng có lý, ta biết cậy vào đâu ?

Cuộc gặp gỡ cái đẹp có thể trở thành vết thương tựa như mũi tên cắm vào con tim nhưng nhờ vậy ta mở được đôi mắt để qua kinh nghiệm này ta có tiêu chí phán đoán và có thể đánh giá đúng những luận chứng. Theo tôi, một trải nghiệm không thể quên là trong buổi hòa nhạc biểu diễn các tác phẩm của Johann Sebastian Bach tại Munich do Leonard Berstein chỉ huy nhân dịp cái chết đột ngột của Karl Richter. Tôi ngồi bên vị Giám mục Lutherô Hanselmann. Khi dấu nhạc cuối cùng của nhạc khúc trong tác phẩm Thomas-Kantor-Cantatas du dương nhỏ dần, tự nhiên cả hai chúng tôi nhìn nhau và thốt ra : Dù ai thưởng thức giai điệu này thì đều ngộ ra đức Tin có thực. Âm nhạc có sức mạnh lạ lùng giúp tiếp xúc thực tại, không thông qua lý luận diễn giải nhưng chạm thẳng tới con tim, nó không xuất phát từ hư vô nhưng chỉ có thể phát xuất từ năng lực của cái Thật đã được nhà sáng tác thực sự trải nghiệm trong cảm hứng. Phải chăng ta lại không có cùng cảm nhận hiển nhiên đó trước bức họa Chúa Ba Ngôi của Rublev ? Trong nghệ thuật họa Icon, cũng như trong các bức họa trác tuyệt bên Tây phương thời Lãng mạn và Gôthic, kinh nghiệm được Cabasilas diễn tả xuất phất từ nội tâm là như thấy được và chia sẻ được.

Pavel Evdokimov đã diễn giải cách phong phú hành trình nội tâm của một bức họa Icon. Bức họa Icon không đơn giản là tái chế dữ liệu giác quan ghi nhận, nhưng đúng hơn nó tàng ẩn, nói theo cách Pavel Evdokimov, thái độ giữ chay con mắt. Nhận thức bên trong phải thoát khỏi ấn tượng hoàn toàn khả giác, và trong cầu nguyện, trong nỗ lực khổ chế phát sinh khả năng mới và sâu để nhìn, để kiện toàn quá trình từ cái thuần ngoại giới bước vào chiều sâu của thực tại, như thế nghệ sĩ có thể nhìn thấy cái mà giác quan không thấy, và cái thực sự xuất hiện của thực tại là vẻ huy hoàng của vinh quang Thiên Chúa, vinh quang tỏa rạng trên khuôn mặt Chúa Kitô (2Cor 4,6).

Chiêm ngưỡng các bức họa Icon và các tuyệt tác trong nghệ thuật Kitô nói chung sẽ dẫn chúng ta vào con đường nội tâm, con đường vượt trên chính mình. Như thế, trong sự thanh tẩy ánh nhìn nghĩa là thanh tẩy con tim, nó tỏ cho ta thấy cái đẹp, hay ít nhất một dải sáng của cái đẹp. Theo chiều hướng này chúng ta được đưa tới tiếp xúc với năng lực của sự thật. Tôi thường quả quyết xác tín của mình như phương thức bênh vực đức Tin Kitô, cách chứng minh thuyết phục nhất chống lại sự chối đạo là sự hiện diện của các thánh nhân và cái đẹp do đức Tin trổ sinh. Ngày nay để vun trồng đức Tin, chúng ta cần phải đưa bản thân và những người chúng ta gặp gỡ đến cùng các thánh và tiếp xúc với cái đẹp.

Bây giờ chúng ta còn phải trả lời cho một vấn nạn. Chúng ta vừa phủ nhận khẳng định cho rằng những điều vừa nói là chối bỏ lý trí hay chạy theo chủ trương duy mỹ. Nhưng những điều vừa nói là hướng đi giải thoát lý trí khỏi tình trạng ngờ nghệch và đặt lý trí vào tư thế sẵn sàng hành động.

Ngày nay có một vấn nạn khác còn nặng ký hơn : sứ điệp của cái đẹp bị hoàn toàn nghi ngờ vì quyền lực của giả dối, quyến rũ, bạo lực và cái ác. Cái đẹp có còn tinh khôi hay rốt cuộc nó chỉ là ảo tưởng ? Không phải thực tại đặt nền trên cái ác sao ? Nỗi sợ hãi là sau cùng không phải mũi tên-cái đẹp đưa ta tới cái Thật, mà là cái giả dối. Tất cả những gì xấu xa tầm thường có thể tạo nên cái mạo-thực sẽ luôn luôn đưa người ta tới nỗi âu lo. Điều này được chứng thực ngay lúc này trong nhận định rằng sau sự kiện Auschwitz người ta không thể sáng tác một bài thơ ; sau Auschwitz người ta không thể nói về Thiên Chúa tốt lành. Người ta ngạc nhiên thắc mắc Thiên Chúa ở đâu khi các phòng hơi ngạt vận hành ? Vấn nạn này xem chừng đủ lẽ đứng trước Auschwitz khi người ta nghĩ rằng tất cả những tàn bạo ác độc trong lịch sử cho thấy trong bất cứ trường hợp nào cái ý niệm đơn thuần về cái đẹp là không đủ. Ta không thể đứng dậy chống lại sức nặng của vấn đề Thiên Chúa, sự Thật và cái Đẹp. Đối với Socrates, thầy của Plato, Thần Apollo là Thiên Chúa và là Đấng bảo đảm cho cái đẹp mượt mà trơn tru là tính chất đích thực thần linh thì tuyệt đối không đủ đáp ứng.

Trong ý hướng trên, chúng ta trở lại vấn đề hai cây kèn trumpet của Kinh Thánh đã được đề cập, trở lại các ý tưởng đối ngược nhau mà cùng nói về Chúa Kitô : Giữa thế nhân, Ngài vô song tuyệt mỹ, và Người chẳng còn dáng vẻ, chẳng còn oai phong, đáng chúng ta ngắm nhìn, dung mạo chẳng còn gì khiến chúng ta ưa thích. Nghệ thuật thẩm mỹ của người Hy lạp tiếp xúc, ngưỡng mộ thưc tại thần linh nhưng thực tại thần linh vẫn nằm ngoài tầm. Trong cuộc khổ nạn của Chúa Kitô, phép thẩm mỹ của người Hy lạp không những là xa vời mà còn bị vượt qua.  Ở đây kinh nghiệm về cái đẹp mang chiều sâu và thực tại mới. Đấng là chính cái Đẹp để mình bị vả vào mặt, bị phỉ nhổ, bị đội mão gai. Khăn liệm Turin giúp ta hình dung cụ thể những điều ấy. Tuy nhiên, khuôn mặt quá tiều tụy của Người lại biểu lộ cái đẹp tuyệt diệu, tinh khôi : cái đẹp của tình yêu đi tới cùng. Chính vì thế cái đẹp tỏ ra vượt trên gian dối và bạo lực. Ai đã từng trải nghiệm cái đẹp này sẽ nhận biết cái thật chứ không phải cái gian dối, đó là khát vọng của thế giới. Không phải cái giả là thật, nhưng đích đến là cái Thật. Như đã từng, trò lừa bịp mới của cái giả dối là lớp áo thật và ngỏ lời với ta : ở trên và ngoài tôi cơ bản là chẳng có gì, đừng tìm kiếm hay ngay cả đừng yêu mến cái thật nữa, nhưng làm thế là bạn đang trên đường lầm lạc. Bức họa Icon Chúa Kitô chịu đóng đinh cứu chúng ta khỏi nỗi thất vọng phổ biến ngày nay. Tuy nhiên có một điều kiện : hãy để cho mình mang thương tích bởi Người, và hãy tin vào Tình Yêu đã dám liều gạt đi cái đẹp bề ngoài để công bố bằng thương tích sự thật của cái đẹp.

Tuy nhiên cái giả dối có chiến lược khác, Cái đẹp dẫn tới thất vọng và giả dối, cái đẹp hào nhoáng không làm con người thoát ra khỏi chính mình để mở ra cho họ niềm say sưa vươn tới tầm cao, nhưng rốt cuộc lại khóa họ hoàn toàn vào chính mình. Cái đẹp kiểu ấy không đánh thức trong ta khát vọng cái Khôn tả, sẵn lòng hy sinh, bỏ mình, nhưng trái lại khơi lên thèm khát, bạo lực, chiếm hữu và lạc thú. Đó là loại cái đẹp sách Sáng Thế nói tới trong tường thuật Tội Nguyên Tổ. Evà thấy trái cây ngon miệng và đẹpmắt. Cái đẹp bà cảm nhận khơi lên trong bà thèm muốn chiếm hữu, làm cho bà, như đã xẩy ra, quay ngược về mình. Ai lại không biết trong quảng cáo, các hình ảnh khéo léo dụ dỗ người ta tưởng như không cưỡng lại được, làm cho người ta muốn ôm vào tất cả và tìm cái thỏa mãn mau qua hơn là rộng mở cho người khác.

Do đó, nghệ thuật Kitô hôm nay nằm giữa hai lằn đạn (có lẽ vốn vẫn như vậy) : nó phải đối lại sự sùng tín cái xấu chủ trương mọi cái tốt đều gây thất vọng và chỉ cái sống sượng, thấp kém và tầm thường là cái thật, là ánh sáng hiểu biết. Hoặc là nó đụng tới cái đẹp gây thất vọng làm con người héo hắt đi thay vì làm cho con người nên cao cả và vì thế nó giả dối.

Ai lại không biết câu nói của Dostoyevsky : Cái Đẹp cứu chúng ta. Tuy nhiên người ta thường quên rằng Dostoyevsky đang quy chiếu vào cái Đẹp của Chúa Kitô. Chúng ta cần học cách chiêm ngắm Người. Nếu chúng ta biết Người, không chỉ ngoài môi miệng, nếu chúng ta được đả thương bằng mũi tên của cái đẹp-mâu thuẫn, thì chúng ta mới thực sự biết Người, và biết Người không chỉ vì nghe kẻ khác nói về Người. Vậy chúng ta sẽ gặp được cái đẹp của cái Thật, của cái Thật cứu ta. Không có gì đưa chúng ta chạm vào cái đẹp của chính Chúa Kitô hơn là thế giới cái đẹp của đức Tin và ánh sáng tỏa rạng từ chân dung các thánh, qua các thánh ánh sáng của chính Chúa Kitô trở nên nhìn thấy được.

Linh mục Gioan chuyển ngữ

Đại Chủng Viện Thánh Giuse Xuân Lộc.

 


Trang Giáo Dục