CỦNG CỐ VIỆC GIÁO DỤC CON CÁI

THEO TÔNG HUẤN AMORIS LAETITIA

 

 

 

NỘI DUNG

DẪN NHẬP

I. CỦNG CỐ NỀN TẢNG VIỆC GIÁO DỤC

1. Cha mẹ ảnh hưởng trên con cái

2. Con cái cần tin tưởng nơi cha mẹ

3. Gia đình là trường học đầu tiên

4. Có một chỗ ở xứng đáng

II. CỦNG CỐ MỤC TIÊU GIÁO DỤC

1. Trung tâm tự do của con người

2. Hành động theo ý ngay lành

3. Hành động và nhận lãnh trách nhiệm

4. Giáo dục giới tính mang tính tích cực

5. Cha mẹ là thầy dạy đầu tiên về đức tin cho con cái

III. CỦNG CỐ ĐƯỜNG HƯỚNG GIÁO DỤC

1. Quy trình thời gian quan trọng hơn không gian

2. Tập quán nhân đức

3. Cách sửa lỗi con cái

4. Quy luật giới hạn và tiệm tiến

5. Tương quan dân chủ   

6. Giáo dục khả năng biết chờ đợi

KẾT LUẬN


 

DẪN NHẬP

 

Huấn Quyền thường xuyên nhấn mạnh về “bổn phận hệ trọng nhất”của cha mẹ (FC 39, 40; AL 84) trong việc giáo dục con cái. Đó không chỉ là một công việc mà còn là quyền bất khả nhượng của cha mẹ trên con cái (222). Điều đó cũng được phản ánh cách rất cụ thể trong Chương VII của Tông huấn Amoris Laetitia với tiêu đề “Củng cố việc giáo dục con cái”. Tông đưa ra một số chỉ dẫn quan trọng như những nguyên tắc để cha mẹ “tăng cường” việc giáo dục con cái. Với những nguyên tắc này, họ sẽ giáo dục con cái cách ý thức[1], hiểu biết, nhiệt tình, hợp lý và thích đáng (259). Họ biết hướng phải đi để chỉ dẫn cho con cái. Họ biết mình phải làm gì, phải dạy điều gì để hoàn thành nhiệm vụ khó khăn và phức tạp do hoàn cảnh xã hội đưa đẩy.

 

I.     CỦNG CỐ NỀN TẢNG VIỆC GIÁO DỤC

1.   Cha mẹ ảnh hưởng trên con cái

Chúng ta có thể gọi đây là nguyên tắc ảnh hưởng bởi cha mẹ: Cha mẹ luôn có ảnh hưởng trên sự phát triển về mặt tinh thần của con cái, về điều tốt cũng như điều xấu (259).

Người Việt Nam thường diễn ta nguyên tắc này qua câu tục ngữ: “Sóng trước đổ đâu, sóng sau đổ đó”, “Con nhà tông không giống lông cũng giống cánh”.v.v. Ông bà đã nhấn mạnh trách nhiệm cha mẹ phải giáo dục con cái qua câu: “Sinh con chẳng dạy chẳng răn, thà rằng nuôi lợn lấy lòng mà ăn”.

Tông huấn đã mời gọi cha mẹ: “Việc tốt nhất là họ hãy đảm nhận trách nhiệm không thể tránh này và thực hiện việc giáo dục cách ý thức, hiểu biết, nhiệt tình, hợp lýthích đáng” (259). Tông huấn nhắc nhở đến tầm quan trọng của người cha (55, 175, 177), người mẹ, cả cha lẫn mẹ (172, 173, 175)cha là cha, mẹ là mẹ (176) tạo nên môi trường thích hợp nhất cho sự trưởng thành và hình thành nhân cách của trẻ (175). Do mang tính ảnh hưởng trực tiếp, bữa ăn chung (50) mang giá trị giáo dục và giá trị sống nhiều hơn là chỉ lo lắng cho tương lai mà đánh mất hiện tại, ấn định thời gian chất lượng cho đối thoạilắng nghe (136) là một nhu cầu để sống và để làm triển nở tình yêu.

2.   Con cái cần tin tưởng nơi cha mẹ

Tình yêu như cốt lõi của Tông huấn nên nó cũng là một trong những bí quyết quan trọng nhất trong việc giáo dục con cái. Nguyên tắc này được Tông huấn phát biểu như sau: “Sự phát triển tình cảm và đạo đức của một con người đòi hỏi một kinh nghiệm cơ bản: tin rằng cha mẹ của mình là đáng tin cậy. Đó là một trách nhiệm trong giáo dục: với tình thương và gương sáng cha mẹ tạo sự tin tưởng nơi con cái, truyền cho chúng một lòng kính trọng trong yêu thương” (263).

Con cái tin tưởng và kính trọng cha mẹ ở chính tình yêu mà cha mẹ dành cho nhau: “Vấn đề không chỉ là tình yêu của người cha và của người mẹ xét cách riêng rẽ, mà còn tình yêu của họ dành cho nhau, vốn được coi như nguồn mạch của chính sự hiện hữu, như tổ ấm tiếp nhận và như nền tảng của gia đình” (172). Tình yêu đó giúp cha mẹ dạy dỗ con cái nên người, giúp con cái thành công, là linh hồn của đời sống nhân bản, đạo đức, tâm lý và văn hóa. Tình yêu đó giúp con cái ổn định và an toàn (x. 166).[2]

Linh mục Bruno Ferrero có một điều răn cho cha mẹ như sau: “Chính cha mẹ phải năng chăm sóc nhau nếu họ muốn chăm sóc con cái mình. Bổn phận đầu tiên của một người cha với con cái mình là yêu thương mẹ của chúng. Và ngược lại”. Đó là tình yêu trưởng thành, sâu xa và toàn diện vì nó vượt trên mọi cảm xúc, tình cảm, hay mọi tâm trạng bất thường, dù nó có thể bao gồm tất cả những yếu tố ấy (163).

Tất cả bí quyết trên được Tông huấn phát biểu như sau: “Sức mạnh của gia đình nằm chủ yếu ở khả năng yêu thương và dạy biết yêu thương. Dẫu có bị tổn thương thế nào thì gia đình vẫn luôn có thể lớn lên khởi đi từ tình yêu”. (53)

Khả năng yêu thương được diễn tả qua phép lịch sự: “qua phép lịch sự, tôi chăm chú và tỏ ra lịch thiệp với tha nhân…Nó là hình thức sơ đẳng không thể thiếu được cho đức công bình và bác ái” (Jean-Louis Bruguès). Tông huấn phát biểu rất tuyệt vời qua một định nghĩa ngắn gọn: “Yêu thương cũng có nghĩa là làm cho mình đáng yêu” (99). “Ai yêu thương thì có khả năng nói những lời động viên có sức vỗ về, trợ lực, an ủi, khích lệ” (100); Trong gia đình, chúng ta cần học cách ăn nói hòa nhã với nhau của Đức Giêsu: “Này con, cứ yên tâm!” (Mt 9,2); “Này bà, lòng tin của bà mạnh thật!” (Mt 15,28); “Hãy trỗi dậy đi!” (Mc 5,41); “Chị hãy đi bình an” (Lc 7,50); “Anh em đừng sợ” (Mt 14,27). (100) “Bạn muốn tôi làm gì cho bạn?” (Mc 10,51) (323).

Ba từ thiết yếu[3] cần được nói trong gia đình là từ “permesso = xin phép” thể hiện sự nhún nhường, hiếu hoà; “grazie = xin cám ơn” bộc lộ tính vị tha, khiêm nhường; “scusa = xin lỗi” cho thấy tính thành thật, khiêm tốn. Thái độ khiêm nhượng nuôi dưỡng tình yêu, gây tin tưởng, đem lại hy vọng, bình an và niềm vui cho tâm hồn và cho gia đình. Một nhân cách trưởng thành sẽ không ngần ngại để nói với tất cả sự khiêm tốn và quảng đại (133).

Theo linh mục Bruno Ferrero, những câu đối thoại mang tính xây dựng giúp bầu khí gia đình biến đổi, gây ấn tượng tích cực cho bản thân, rất cần cho con cái phát triển quân bình và tin tưởng vào cha mẹ như: “Anh yêu em”, “Cha mẹ rất yêu thương con”, “Con rất xinh”, “Cha mẹ thật hạnh phúc khi có con trong đời”, “Hãy tin tưởng vào bố mẹ!”, “Con đang nghĩ gì vậy?”, “Con có thể khóc nếu con muốn”, “Ba mẹ muốn lắng nghe con. Hãy nói cho ba mẹ biết!”, “Tại sao con không muốn điều đó?”, “Ba má tin tưởng con”, “Thật tuyệt vời khi quây quần bên nhau”, “Ba mẹ rất tự hào về con”v.v. .

Đối thoại là một cách thức ưu việt và thiết yếu để sống, bày tỏ và làm triển nở tình yêu trong đời sống hôn nhân và gia đình” (136). “Hãy dành thời gian, khoảng thời gian chất lượng để lắng nghe một cách kiên nhẫn và chú ý, cho tới khi người kia diễn tả hết mọi điều mà người ấy cần nói. Điều này đòi hỏi ta phải khổ chế bản thân để không lên tiếng khi chưa phải lúc” (137).

Tình yêu đích thực vừa muốn trao hiến vừa phải đón nhận như một quà tặng. Điều này cho biết rằng tính cân bằng nơi con người là rất mong manh; có gì đó kháng lại sự trưởng thành nhân bản, và những xu hướng ích kỉ và hoang sơ nhất có thể bộc lộ bất cứ lúc nào (x. 157).

3.   Gia đình là trường học đầu tiên

Cả Giáo hội và xã hội đều quan tâm đến việc giáo dục trong gia đình vì đó là môi trường quan trọng để con người hình thành nhân cách. Tông Huấn nhấn mạnh: Gia đình là trường học đầu tiên[4] dạy các giá trị nhân bản[5], nơi đây người ta học biết sử dụng tự do một cách tốt đẹp, người ta cũng có thể học biết phân định với tinh thần phê bình các thông điệp do các phương tiện truyền thông đem lại” (274, 276, 277).

Công nghệ truyền thông và giải trí “khi được sử dụng tốt thì chúng có thể hữu ích để nối kết các thành viên trong gia đình cho dẫu ở xa nhau. Sự liên lạc thường xuyên có thể giúp giải quyết các khó khăn” (278); Tuy nhiên, trường học gia đình có thể bị xuyên thủng bởi công nghệ truyền thông và giải trí. Chúng có thể ví như “những tên trộm không mời mà tới” (Bruno Ferrero) để hạ thấp những giá trị hấp thụ được từ trong cuộc sống gia đình” (274), “cản trở sự gặp gỡ giữa cha mẹ và con cái xét”, “làm cho trẻ trở nên thờ ơ, tách rời khỏi thế giới thực, tìm cách xâm nhập vào thế giới sâu kín của chúng với những bận tâm ích kỉ”(278).

Mỗi gia đình đều có lịch sử của riêng nó. Cha mẹ và con cái cần lưu ý về giá trị của lịch sử: Lịch sử là ông thầy dạy khôn, dạy xây dựng tương lai có ý nghĩa. Chuyện kể của ông bà rất tốt vì họ đặt trẻ em và người trẻ trong mối liên hệ với lịch sử của gia đình, thôn làng hay đất nước (x. 193).

Có anh chị em, có họ hàng thân thuộc là môi trường quý báu để tạo tương quan huynh đệ, trường học lớn dạy sống tự do và hòa bình, học sống chung với nhau cuộc sống làm người (x. 194). Việc chăm sóc, yêu thương và giúp đỡ lẫn nhau là một kinh nghiệm mạnh mẽ, tuyệt vời và độc đáo về tình huynh đệ trong gia đình có nhiều hơn một đứa con (x. 195). “Gia đình nhỏ không nên cô lập mình khỏi gia đình mở rộng, nơi có cha mẹ, chú bác, cô dì, anh chị em họ và cả người láng giềng” (187)(x. Dt 13,2)(324).

Trường học gia đình cần có những thực hành xây dựng tình tương thân tương ái: “Mỗi ngày gia đình phải sáng tạo những cách thức mới để gia tăng sự nhận biết lẫn nhau” (276).

4.   Có một chỗ ở xứng đáng

Việc an cư lạc nghiệp có tầm quan trọng đến mức mà Huấn quyền xem đó là một thứ quyền phải được bảo vệ: “Gia đình có quyền có một chỗ ở xứng đáng, phù hợp với đời sống gia đình và đủ chỗ cho các thành viên, trong một môi trường bảo đảm có những dịch vụ căn bản cần thiết cho cuộc sống gia đình và cộng đồng”[6] (44).

Để con cái lớn khôn, một ngôi nhà thắm tình thân ái, cảm thấy thoải mái, có bầu khí ấm cúng và mang trạng thái an bình là nhu cầu, là mơ ước hàng đầu trong các nhu cầu của mỗi người cha người mẹ, mỗi gia đình. Chính sách của mỗi quốc gia cách nào đó phải quan tâm đến thực tế “Gia đình và nhà ở là hai điều luôn đi đôi với nhau” để người trẻ có công ăn việc làm, có chỗ ở ổn định tiến tới “thiết lập mối quan hệ chính thức”, để được khám chữa bệnh, được học hành, giải trí, gặp gỡ, đoàn tụ (44), được “rời bỏ tổ ấm của nhà cha mẹ” để trưởng thành (132, 162, 190), để thoát ra khỏi vỏ ốc của sự ích kỷ (162) hầu có được những kinh nghiệm tuyệt vời của việc làm cha làm mẹ (168), có được tầm nhìn rộng lớn của tình liên đới (187, 196).

Đúng như người ông bà chúng ta vẫn thường nói: “Tậu trâu, lấy vợ, làm nhà. Trong ba việc ấy thật là khó khăn”. Với người Việt Nam, từ “nhà” gợi lên thật nhiều hình ảnh thân mật, từ nơi ăn chốn ở đến những tương quan. Vì lẽ đó, khi nói một ai đó “vô gia cư” người ta ngầm hiểu đó là một con người: không có nhà ở, không có gia đình, không có bà con thân thích, không có được sự an ninh cần thiết giữa cuộc đời sóng gió, không có nguồn an ủi, không nơi nghỉ ngơi, không nơi cất giữ những kỷ niệm buồn vui của cuộc đời, không lịch sử, không căn tính, không bản sắc, không tương quan…. Đức Thánh Cha Phanxicô thích dùng cụm từ “mồ côi” (51, 173, 193), “mồ côi tinh thần”[7] để diễn tả tình trạng cùng khốn không có một sự che chở, một chỗ để nương tựa cho kiếp nhân sinh.

Song song với việc xây dựng ngôi nhà vật chất, mỗi người cha người mẹ được mời gọi để xây nhà mình bằng những viên đá sống động[8] và xây trên đá[9], trở nên một trụ đèn để chiếu sáng[10] cho con cái (8), sống liên đới với những mảnh đời khốn khổ theo gương Đức Giêsu (21).

Với tầm quan trọng giáo dục của nơi ăn chốn ở, Tông huấn nhắc nhở: “Gia đình phải luôn là nơi mà bất cứ ai ở trong đó làm được điều gì tốt đẹp trong cuộc sống, đều biết rằng ở đó mọi người cũng sẽ mừng về điều ấy với mình” (110). Một ngôi nhà bình yên, với cả gia đình cùng đang ngồi quanh bàn tiệc, có ông bà, cha mẹ và con cháu là hồng ân[11] và là phúc lộc[12] Chúa dành cho kẻ kính sợ Người (x. 9, 15).

Một ông bố chia sẻ: “Cuộc sống đã dạy cho tôi biết rằng, nếu tình yêu không học được trong gia đình, thật khó có thể để học nó ở nơi nào khác”. Điều quan trọng là dạy cho con cái biết yêu thích ngôi nhà của gia đình và cảm thấy có trách nhiệm với nó. Để cho thông điệp mà mọi người gửi cho nhau luôn luôn là : “Tôi thật hạnh phúc khi được ở đây với bạn”. (Bruno Ferrero)

II.   CỦNG CỐ MỤC TIÊU GIÁO DỤC

1.   Trung tâm tự do của con người

 Jeans Paul Sartre có lý khi nói rằng “tự do là bản chất của con người tôi”. Nhưng đó không phải là thứ tự do phóng túng mà là “khả năng con người được thật sự là mình và đạt tới sự sung mãn của mình” (Jean-Louis Bruguès). Tông Huấn cho biết: “Sự khôn ngoan, phán đoán đúng lương tri không chỉ phụ thuộc bởi những nhân tố số lượng của sự phát triển, mà bởi cả một chuỗi các yếu tố tổng hợp nằm bên trong con người; nói chính xác hơn, nằm tại trung tâm tự do của con người” (262).

Dự tính của mỗi người con hay mỗi con người xuất phát từ sự tự do ấy. Đó là một sự tự do có trách nhiệm. Nhiệm vụ giáo dục giúp phát triển tự do ấy. Nói như Antoine de Saint-Exupéry: “Làm người là nhận trách nhiệm”.[13] Con người thật sự là người khi con người mình đạt tới sự sung mãn với tất cả trách nhiệm làm người. Tông huấn viết: Giáo dục đạo đức là vun trồng tự do qua các gợi ý, các động lực, những áp dụng thực hành, những khích lệ, phần thưởng, gương lành, mẫu mực, biểu tượng, những suy tư, những lời khuyên dạy, xem xét lại cách hành độngcác đối thoại giúp con người phát triển những nguyên tắc bền vững trong nội tâm, có thể đi đến mức làm điều tốt một cách bộc phát” (267). Sự tự do chỉ có nơi người trưởng thành, những người đã được huấn luyện lương tâm cách kỹ lưỡng.

2.   Hành động theo ý ngay lành

Hành động theo ý ngay lành là một nguyên tắc cơ bản trong luân lý. Tông huấn phát biểu nguyên tắc đó với ý tóm gọn như sau: Để có hành động tốt, một hành động đòi hỏi cố gắng và hy sinh từ bỏ, người ta cần “phán đoán đúng”, biết rõ điều phải làm, có động lực thúc đẩy ngay lành và biết rõ sự thiện có thể đạt được (265, x. SGLC 1806).

Một số quy tắc luân lý được áp dụng trong mọi trường hợp (SGLC 1789) hầu tránh cho con người rơi vào thứ “luân lý tuỳ vào hoàn cảnh” đã bị Huấn Quyền lên án năm 1956: (1) Không bao giờ được làm điều xấu để đạt tới điều tốt.[14] (2) Khuôn vàng thước ngọc: “Tất cả những gì anh em muốn người ta làm cho mình, thì chính anh em cũng hãy làm cho người ta” (Mt 7,12). (3) Đức mến luôn đòi hỏi tôn trọng người lân cận và lương tâm của họ. “Như vậy, phạm đến anh em và làm thương tổn lương tâm yếu đuối của họ là phạm đến Đức Kitô” (1Cr 8, 12). “Tốt nhất là … tránh những gì có thể gây cớ cho anh em mình vấp ngã” (Rm 14,21).

Nguyên tắc tuần tự và hoán cải được chỉ dẫn trong Tông huấn Familiaris Consortio: Trước sự bất chính do tội lỗi gây ra, người Kitô hữu phải chống lại bằng việc hoán cải tâm trí, từng bước từ bỏ thói ích kỷ để bước theo Chúa Kitô Chịu Đóng Đinh (FC 9). “Nhân linh ư vạn vật” là một chuẩn mực cho đời sống gia đình (SGLC 2223): “Cha mẹ sẽ dạy cho con cái biết đặt những chiều kích vật chất và bản năng tự nhiên phụ thuộc vào những chiều kích thuộc nội tâm và thiêng liêng”.

Ngoài ra con cái cũng nên biết qua các nguyên tắc luân lý trong học thuyết xã hội của Giáo hội Công giáo: nguyên tắc công ích, nguyên tắc của cải có mục tiêu phổ quát, nguyên tắc bổ trợ, hệ luận của nguyên tắc bổ trợ là sự tham gia, nguyên tắc liên đới[15] (21, 47, 183, 223, 290).[16]

3.   Hành động và nhận lãnh trách nhiệm

Tông huấn nhắc nhở cha mẹ gây ý thức cho con cái biết rằng những hành động xấu xa sẽ là nguyên nhân cho những hậu quả xấu xa[17]. Người gây ra hậu quả xấu phải chịu trách nhiệm vì điều xấu đã gây ra cho người khác. Tông huấn viết: Điều thiết yếu là làm cho trẻ emthanh thiếu niên nhận ra rằng những hành động xấu xa đều có hậu quả của nó. Cần khơi dậy khả năng tự đặt mình vào hoàn cảnh của người kháchối hận vì đã gây ra sự dữ làm cho người ta đau khổ (268).

Thực hành về nguyên tắc này, cha mẹ cần lưu ý: Điều quan trọng là kiên quyết dạy cho trẻ biết xin lỗi và sửa chữa những thiệt hại gây ra cho người khác” (268). “Người nào muốn xây dựng trong thế giới này một gia đình nơi mà con cái được dạy cho biết vui thích với mọi hành động nhằm thắng vượt sự dữ – một gia đình chứng minh Thánh Thần đang sống và hoạt động – thì sẽ nhận được lòng biết ơn và sự trân trọng, cho dẫu họ thuộc dân tộc, tôn giáo hay vùng miền nào đi nữa” (77).

Đức Thánh Cha lưu ý về thái độ giảng dạy và làm mục vụ của các mục tử theo gương của thánh Phaolô: “Tôi chỉ chú ý đến một điều, là quên đi chặng đường đã qua, để lao mình về phía trước” (Pl 3,13). Tông huấn viết: “Chúng ta rất thường ở trong tư thế tự vệ, và phung phí năng lượng mục vụ cho việc lên án một thế giới suy đồi, mà ít có khả năng đề ra cho người ta những con đường mang lại hạnh phúc” (38).

4.   Giáo dục giới tính mang tính tích cực

Giáo dục giới tính là một công việc quan trọng. Nó cần có những nguyên tắc giáo dục nghiêm ngặt. Tông huấn đã tóm lại tài liệu “Tính dục con người: sự thật và ý nghĩa” của Hội đồng Toà Thánh về Gia đình theo định hướng: Để cho trẻ em thanh thiếu niên biết sống cho một tình yêu cao thượng và quảng đại, cần phải có một nền giáo dục giới tính tích cực, khôn ngoan và tiệm tiến theo những tiến bộ của tâm lí học, sư phạm và giáo dục (280 - 286).

Tông huấn đã xác nhận: “Chính Thiên Chúa tạo dựng nên tính dục” (150). “Ý thức hệ chủ trương phủ nhận sự khác biệt phái tính và tính hỗ tương tự nhiên giữa người nam và người nữ làm xói mòn nền tảng nhân học của gia đình” (56). “Chúng ta được mời gọi bảo vệ nhân tính của mình, và điều đó trước hết có nghĩa là đón nhận nhân tính ấy và tôn trọng nó như nó vốn đã được tạo dựng nên (56). Tính dục là một ngôn ngữ liên vị trong đó tha nhân được nghiêm túc trân trọng, trong phẩm giá thánh thiêng và bất khả xâm phạm của người ấy,… nó còn sở hữu “khả năng diễn tả tình yêu: tình yêu mà chính ở đó con người – nhân vị trở thành một quà tặng”[18] (151).

Tình dục có thể trở thành nguồn đau khổ và thao túng khi hành vi vợ chồng áp đặt trên người phối ngẫu không phải là hành vi đích thực của tình yêu, không phù hợp với bản chất của tính dục theo ý muốn của Thiên Chúa, không được thực hiện một cách “hợp nhân tính thực sự”,[19] bị “đe dọa bởi sự ham hố vô độ”,[20] như cách để thoát li bản thân và chối bỏ vẻ đẹp của sự kết hợp vợ chồng (x. 153 - 157).

Tiếp tục khai triển mối tương quan giữa đời sống hôn nhân và trinh khiết trong Tông huấn Familiaris Consortion (số 16), Tông huấn viết: «Trinh khiết và hôn nhân là – và phải là – những cách thế khác nhau để yêu thương, vì “con người không thể sống mà không có tình yêu. Con người vẫn là một hữu thể không thể hiểu nổi đối với chính mình, đời sống của con người sẽ vô nghĩa, nếu tình yêu không được mạc khải cho con người”[21]» (161). Trinh khiết là một hình thức của tình yêu, một phản ánh của sự viên mãn trên thiên quốc (159-162). Tông huấn nhắc nhở: “Cần nhớ tầm quan trọng của các nhân đức. Trong số đó đức khiết tịnh là điều kiện quí báu cho sự tăng trưởng đích thật của tình yêu liên vị” (206).

Tông huấn đưa ra một số lưu ý cụ thể: “Giáo dục giới tính cung cấp thông tin, nhưng thông tin phải đến đúng thời điểm theo cách thức phù hợp với lứa tuổi. Sẽ không ích lợi nếu thông tin đó chỉ làm biến dạng khả năng yêu thương của chúng”[22] (281). “Nền giáo dục giới tính canh giữ sự e thẹn lành mạnh có một giá trị lớn lao” (282). “Việc giáo dục giới tính chỉ tập trung vào cái gọi là “tự bảo vệ”, nhắm vào tình dục an toàn” cho thấy thái độ tiêu cực đối với mục đích sinh sản, mời gọi thanh thiếu niên đùa bỡn với thân xáccác thèm muốn của mình, khuyến khích họ vui vẻ sử dụng người khác như một đối tượng trải nghiệm để bù đắp các khiếm khuyếtnhững giới hạn lớn của mình” (283). “Ngôn ngữ của thân xác đòi hỏi học tập kiên trì để biết diễn giảiphải giáo dục những ham muốn của mình để thật sự tự hiến (284) . “Giáo dục giới tính phải giúp người trẻ biết tôn trọng và quí trọng sự khác biệt, biết chấp nhận thân xác của mình nhưđã được tạo ra, là người nam hay là người nữ. Chỉ bằng cách bỏ đi nỗi sợ sự khác biệt người ta mới có thể đạt đến sự giải thoát chính mình khỏi qui hướng tìm kiếm bản thân để gặp gỡ với tha nhân, một người khác với mình (285).“Chúng ta không thể tách rời nam tính và nữ tính ra khỏi công trình tạo dựng của Thiên Chúa, chúng không phải là điều gì đó cứng nhắc không thể hoán đổi. Sự cứng nhắc này có thể cản trở sự phát triển các năng lực của mỗi người” (286).

5.   Cha mẹ là thầy dạy đầu tiên về đức tin cho con cái

Khi nói về đức tin, Tông huấn đã đưa ra một nhận định đáng lưu tâm: “Tình trạng đức tin và thực hành tôn giáo suy yếu trong một số xã hội đã ảnh hưởng đến các gia đình rất nhiều và càng đẩy các gia đình lâm vào tình trạng phải chơ vơ chống chọi với những khó khăn của mình. Cái nghèo lớn nhất trong số những cái nghèo của nền văn hóa hiện nay là sự cô đơn, kết quả của tình trạng vắng bóng Thiên Chúa trong đời sống con người và tình trạng mong manh của những mối quan hệ” (43).

Nguyên tắc giáo dục đức tin được Tông huấn nhấn mạnh như sau: “Gia đình là nơi cha mẹ trở thành những thầy dạy đầu tiên về đức tin cho con cái. Đó là một bổn phận “cha truyền con nối”[23], từ con người đến con người” (16). “Nghề làm người”[24] của con cái phải được học cách thủ công, cách trực tiếp từ ông bà cha mẹ, từ đời nọ qua đời kia chứ không thể qua một trung gian nào. Cách thức ông bố Do thái dạy cho con mình về biến cố Vượt Qua là một bài học về cách giáo dục đức tin trong gia đình (x. 16).

Tông huấn giải thích bổn phận giáo dục đức tin của cha mẹ như sau: «Gia đình vẫn phải tiếp tục là nơi học biết những lí lẽ và vẻ đẹp của đức tin, để cầu nguyện và phục vụ tha nhân. Bắt đầu với bí tích Rửa tội, việc nuôi dạy con cái của các bà mẹ là để “cộng tác vào sự sinh hạ thánh thiêng”[25] …. Cha mẹ là phương thế Thiên Chúa dùng để giúp cho đức tin của con cái được trưởng thành và phát triển”(287).

Thông truyền đức tin giả định rằng cha mẹ thực sự sống kinh nghiệm đức tin, tin tưởng vào Chúa, tìm kiếm Ngài, cần đến Ngài. Điều này đòi hỏi cha mẹ kêu xin Chúa hành động trong tâm hồn của con cái. Tuy không phải là chủ nhân của các tâm hồn nhưng nỗ lực sáng tạo của cha mẹ góp phần cộng tác với kế hoạch sáng tạo và cứu độ ​​của Thiên Chúa (11, 77, 287). “Điều căn bản là con cái nhìn thấy tận mắt việc cầu nguyện thật sự quan trọng với cha mẹ của chúng. thế, khi gia đình sum họp cầu nguyện và những diễn tả lòng đạo đức bình dân sức loan báo Tin mừng mạnh hơn bất kì việc dạy giáo lý và bài giảng đạo nào” (288).“Thực hành việc thông truyền đức tin cho con cái cho phép gia đình trở thành nhà rao giảng Tin mừng thông truyền đức tin cho mọi người xung quanh” (289), “loan báo Tin mừng cách minh nhiên, can đảm và liên tục qua các việc như: liên đới bằng cả tinh thần vật chất với người nghèo và gia đình nghèo túng nhất, đón nhận những con người khác biệt, bảo vệ thiên nhiên, dấn thân cho công ích…” (290).

Tông huấn lưu ý: “Nhiều lần chính ông bà đảm bảo việc truyền đạt các giá trị lớn lao cho các con cháu mình và nhiều người có thể nhn thấy chính ông bà đã khai tâm đời sống đức tin cho mình. Lời lẽ của các ngài, những sự âu yếm của các ngài hay chỉ với sự hiện diện của các ngài cũng đã giúp các em nhận ra rằng lịch sử không bắt đầu từ nơi chúng, và chúng là những người thừa kế của một cuộc hành trình dài và cần phải tôn trọng hậu cảnh là những gì đến trước chúng ta” (192).

Tông huấn đưa ra một số thực hành trong việc giáo dục đức tin cho con cái: dạy con nhỏ hôn Chúa Giêsu hay Đức Mẹ (287), không ngừng cầu nguyện cho những người con đang lạc xa Chúa Kitô (288), đưa lịch sử đời mình vào cầu nguyện, cần biết chấp nhận chính mình, biết cách sống chung với những hạn chế của mình, biết tha thứ cho chính mình (107), cầu nguyện trong gia đình (318), lòng đạo đức bình dân (318). “Hành trình cầu nguyện chung của gia đình đạt tới đỉnh điểm trong việc tham dự Thánh lễ, nhất là trong khung cảnh ngày nghỉ lễ Chúa Nhật” (318). “Các đôi vợ chồng Kitô hữu là những cộng tác viên của ân sủng và là những chứng nhân đức tin cho nhau, cho con cái và cho các thành viên khác trong gia đình”[26]. Thiên Chúa mời gọi họ thông truyền và chăm sóc sự sống. Đó là lí do tại sao gia đình “bao giờ cũng là ‘bệnh viện’ gần nhất”[27] (321). “Chiêm ngắm từng người thân trong gia đình bằng đôi mắt của Thiên Chúa và nhận ra Đức Kitô nơi họ là một kinh nghiệm tâm linh sâu xa” (323).

III.       CỦNG CỐ ĐƯỜNG HƯỚNG GIÁO DỤC

1.   Quy trình thời gian quan trọng hơn không gian

Một nguyên tắc mà Đức Thánh Cha rất tâm đắc đó là nguyên tắc quy trình thời gian.[28] Nguyên tắc này được phát biểu như sau: “Thời gian thì quan trọng hơn không gian. Nói cách khác, điều quan trọng là tạo ra các qui trình hơn là kiểm soát các nơi chốn”. Giáo dục con cái là công việc của tình thương, nhưng đó là một loại tình thương có định hướng “giúp trưởng thành sự tự do”, “triển nở toàn diện”, “sự tự lập đích thật cho người con. Những xác tín, mục tiêu, ước muốn, dự tính cuộc đờicủa người con là điều mà cha mẹ có bổn phận quan tâm (261).

Thanh thiếu niên thường xa lạ với việc quản lý thời gian và lên kế hoạch cho tương lai, vì thế tạo cho con cái một kế hoạch hay một mục tiêu cần vươn tới là bổn phận hướng nghiệp của cha mẹ. Kế hoạch cho lương lai sẽ là công cụ để con cái có thể tác động tới những biến cố xảy ra trong cuộc đời theo ý muốn, sẽ giảm thiểu những điều bất lợi. Nếu không có những mục tiêu dài hạn để phấn đấu, người ta sẽ buông trôi theo số phận, sẽ sống vô trách nhiệm với chính đời mình. Theo giáo sư tiến sĩ Davis J.Schwartz: "Nếu chúng ta xây dựng kế hoạch cho tương lai tức là cuộc sống của chúng ta có mục đích. Đời người sẽ chỉ là cuộc đời của kẻ hành khất, nếu trong tay họ không có một kế hoạch nào”.[29]

2.   Tập quán nhân đức

Thói quen là một hoạt động tự động trong cuộc sống của mỗi cá nhân. Thói quen tốt và mang tính trung dung giúp con người tập trung tinh thần để làm những công việc cần thiết khác. Chính phẩm giá tự do nội tâm và trách nhiệm nên thánh đòi buộc người Kitô hữu phải có trách nhiệm trên thói quen của mình.

Nguyên tắc tập quán nhân đức được phát biểu như sau: Nhân đức là một tập tính được làm với động lực phù hợp, một xác tín đã được chuyển hóa thành nguyên tắc hành động thuộc nội tâm và bền vững (266-267). Tông huấn đã trích lại lời giải thích của Công Đồng Vaticanô như sau: «Thật vậy, chính phẩm giá con người đòi hỏi mỗi người phải “hành động theo sự lựa chọn có ý thức và tự do, nghĩa là được thúc đẩy và xác quyết bởi những xác tín cá nhân» (GS 17) (267). Tông huấn giải thích tiếp: Củng cố ý chí và lặp lại những hành động nhất định nào đó tạo nên hạnh kiểm đạo đức, và không có sự lặp đi lặp lại ý thức, tự dotrân trọng những hành vi tốt thì việc giáo dục hạnh kiểm đó sẽ không hoàn tất” (266).

Tông huấn đã mời gọi cha mẹ: Tập cho trẻ thói quen nói những lời ‘xin phép’, ‘xin lỗi’, ‘xin cảm ơn’ với tất cả ý thức” (133, 266). Xin nhắc lại điều đã nói ở trên: Điều quan trọng là kiên quyết dạy cho trẻ biết xin lỗi và sửa chữa những thiệt hại gây ra cho người khác” (268).

3.   Cách sửa lỗi con cái

Phạm lỗi là chuyện thường tình của con trẻ do sự bồng bột của tuổi thơ nhiều hơn là do cố ý. Tuy nhiên, không ít cha mẹ tỏ ra lúng túng trước lầm lỗi của con. Yêu con đến mức không sửa dạy những lỗi lầm dù rất nhỏ thì cũng không phải là yêu thương đích thực. Điều đó có khác gì chấp nhận những lỗ thủng nhỏ trên con thuyền cuộc đời của chúng. Quá khắt khe trên những lỗi phạm khiến con cái cảm thấy cha mẹ quan tâm đến tội lỗi hơn là tội nhân chỉ làm cho con trẻ thêm thiếu tin tưởng vào tình thương của cha mẹ và dần dà xa tránh cha mẹ. Vì thế, Tông huấn đã đề ra nguyên tắc sửa lỗi mang tính trung dung có thể được tóm lại như sau: Cha mẹ sửa lỗi làm sao để con cái cảm thấy chúng vẫn được quan tâm, yêu mến, tin tưởng và được đánh giá cao về những nỗ lực, tiềm năng và khả năng hướng thiện của chúng (269).

Một cách cụ thể, Tông huấn giải thích: Sự khôn ngoan của cha mẹ mách bảo họ phương thức dung hoà giữa quyền bính của cha mẹ và ước muốn tự do của con cái để giải toả cảm tưởng bị đè nặng phải phục tùng ý muốn thống trị của người khác. Thật vậy, con cái muốn mình là chủ thể quyền lợi với những ước muốn, căn tính, các quyền tự do…; cha mẹ muốn con cái là chủ thể trách nhiệm với những kỷ luật, nghĩa vụ, sự phục tùng (x. 270). Nữ văn sĩ Eleanor Roosevelt cho biết sự cần thiết của kỷ luật trong việc giáo dục khi nói rằng: “Khi cha mẹ chiều chuộng con cái là lúc họ đang tạo thêm nhiều khó khăn”.[30] Cha mẹ càng tạo nhiều sự dễ dãi, tạo lối sống không nguyên tắc chỉ làm cho con cái gặp những khó khăn, mang tập tính tắc trách trong tương lai.

Thế nhưng, sẽ có tác dụng phản giáo dục khi cha mẹ sửa phạt lúc “nóng giận” “thường xuyên sửa phạt” (269). Về điều này Đức Thánh Cha nhấn mạnh: “Nếu chúng ta phải chiến đấu chống lại sự dữ, thì hãy chiến đấu; nhưng chúng ta phải luôn luôn nói “không” với bạo lực trong gia đình” (104).

Một ông bố nóng giận bạt tai đứa con thì khác nào đang dạy con quy luật “cá lớn nuốt cá bé”; một bà mẹ thường xuyên bắt đứa trẻ úp mặt vào tường, nhắc đi nhắc lại một lời khuyên nghe đến nhàm tai, cả hai sẽ làm đứa trẻ cảm thấy đó là một giải pháp tầm thường.

Vì thế, cha mẹ cần khéo léo để giúp trẻ nhận ra “kỷ luật” cần thiết để đào luyện “phẩm giá” con người, là “một kích thích để luôn đi xa hơn”, là “một giới hạn có tính xây dựng của cuộc hành trình” hơn là “một bức tường cản trở”, “một lối giáo dục kiềm chế”, một “sự huỷ hoại ước muốn” (x. 270).

4.   Quy luật giới hạn và tiệm tiến

Một nguyên tắc mang tính sư phạm được phát biểu như sau: Giáo dục đạo đức phải tuân theo quy luật trong giới hạn và quy luật tiệm tiến (x. 271-273).

Khi nói về quy luật giới hạn, ông bà chúng ta thường nói: “Già néo đứt dây”. Tông Huấn nói về quy luật này như sau:Giáo dục đạo đức bao hàm việc chỉ đòi hỏi một đứa bé hay một người trẻ chỉ những điều đối với chúng không là một hi sinh quá mức chịu đựng, chỉ đòi hỏi trong mức độ chúng phải nỗ lực mà không gây phẫn uất hoặc cảm thấy bị cưỡng bức. Hành trình thông thường đề ra những bước nhỏ có thể được hiểu, được chấp nhận và được trân trọng, và bao gồm một sự từ bỏ hợp lí. Ngược lại, nếu đòi hỏi quá nhiều, thì sẽ không được điều gì cả. Con người ta ngay khi có thể được giải thoát khỏi quyền bính, có thể sẽ thôi không còn làm điều tốt nữa” (271).

Khi nói về quy luật tiệm tiến, ông bà chúng ta thường nói: “Dục tốc bất đạt”. Tông Huấn nói về quy luật này như sau: “Để làm thay đổi hành vi của một đứa trẻ cần một quá trình tiệm tiến”, một quá trình “khai thông và kích thích” “sự tự do được đặt trong khuôn khổ, được giới hạn và có điều kiện” (x. 273).

5.   Tương quan dân chủ[31]

Tông huấn lưu ý về quyền bính của cha mẹ cách rõ ràng như sau: Cũng không tốt nếu cha mẹ trở nên độc tài toàn trị đối với con cái mình, chúng vốn chỉ có thể tin tưởng vào họ, bởi vì như thế cản trở một tiến trình thích đáng giúp chúng hòa nhập vào xã hội và trưởng thành tình cảm” (279).

Tông huấn giải thích: Trong đời sống gia đình không thể để bao trùm lối nghĩ thống trị lẫn nhau và sự cạnh tranh để xem ai là người thông minh hơn hay quyền lực hơn, vì như thế sẽ làm hủy diệt tình yêu. Lời khuyên cho gia đình sau đây cũng thật đáng giá: “Tất cả anh em hãy lấy đức khiêm nhường mà đối xử với nhau, vì Thiên Chúa chống lại kẻ kiêu ngạo, nhưng ban ơn cho kẻ khiêm nhường” (1 Pr 5,5) (x. 98). “Tình yêu thì tin tưởng, để cho nó tự do, từ chối kiểm soát mọi sự, chiếm hữu, thống trị. Sự tự do này, vốn có thể tạo ra những không gian độc lập, mở ra với thế giới và đón nhận những kinh nghiệm mới, giúp các tương quan thêm phong phú và mở rộng” (115). Các trường Công giáo và các cộng đoàn Kitô hữu được kêu gọi để hỗ trợ cho sứ mạng giáo dục của gia đình” (279),“qua việc huấn giáo khai tâm và qua sứ mạng giúp các em trưởng thành như những người có thể nhìn thấy thế giới bằng cái nhìn yêu thương của Chúa Giêsu và hiểu được cuộc sống như một lời mời gọi phục vụ Thiên Chúa” (279).

6.   Giáo dục khả năng biết chờ đợi

Tác giả Scott Peck gọi đây là “nguyên tắc đình hoãn khoái cảm”. Một người không tuân theo nguyên tắc này thường có khuynh hướng ù lì trì trệ trong công việc. Họ có tập quán làm việc dễ chịu trước việc khó ưa, ăn phần ngon trước phần ít ngon, xem tivi trước khi làm bài tập v.v. Ông phát biểu: “Đình hoãn khoái cảm là một phương pháp bố trí những niềm vui và nỗi đau của cuộc sống sao cho có thể gia tăng sự dễ chịu bằng cách đón nhận sự khổ sở trước và uống cạn lấy nó. Đó là phương pháp duy nhất hữu hiệu để sống”. Vai trò của cha mẹ trong việc sống và truyền đạt khả năng này có tính quyết định trên con cái. Giáo dục hay tâm lý trị liệu chỉ có thể can thiệp một người kém hay không có khả năng đình hoãn khi nó chưa quá muộn. Nguyên tắc trì hoãn khoái cảm vì thế là một luyện tập của ý chí chứ không phải là để tăng cường sự ù lì – lười biếng của con người.

Nguyên tắc này được Tông huấn đề ra như sau: Giáo dục khả năng biết chờ đợi, biết trì hoãn không phải là khước từ ước muốn, nhưng là làm chậm lại sự thỏa mãn của mình” (275).

Trên hết cha mẹ hãy dạy cho con cái “tinh thần hy sinh, một điều mà không có nó không một tình yêu nào có thể đứng vững dài lâu”, [32] “quý mến và thực hành sự tự chủ và sự kiềm chế”,[33] vun xới thái độ nhẫn nhục” (92), “biết trì hoãn một số điềuhọc biết chờ đợi cho tới thời điểm phù hợp” (275), có “sự nhạy cảm với bệnh tật của con người” (277), “có chương trình giáo dục cảm xúc và bản năng” (148).

Tông huấn lưu ý: “Vấn đề không phải là cấm bọn trẻ chơi với các thiết bị điện tử, nhưng phải tìm cách để giúp chúng có khả năng phân biệt các lí lẽ khác nhau và không áp dụng tốc độ kĩ thuật số trong mọi lãnh vực của cuộc sống” (275). “Nếu chúng ta không vun xới thái độ nhẫn nhục, chúng ta sẽ luôn luôn phải hối tiếc vì cư xử giận dữ, và rốt cuộc chúng ta sẽ không thể sống chung với nhau, chống lại xã hội, chúng ta không có khả năng làm chủ được các xung năng của mình, và gia đình sẽ biến thành bãi chiến trường”. (92)

Khi trẻ em hoặc thanh thiếu niên không được giáo dục để chấp nhận rằng có những điều phải chờ đợi, chúng sẽ trở thành những kẻ kiêu căng độc tài, bắt mọi sự phục tùng để thỏa mãn nhu cầu trước mắt của chúng chúng lớn lên cùng với thói hư muốn có tất cả ngay lập tức”[34]. Đó là một sự lừa dối kinh khủng vốn không giúp cho tự do triển nở, còn làm hại tự do” (275). “Trái lại, khi người ta giáo dục để học biết trì hoãn một số điềuhọc biết chờ đợi cho tới thời điểm phù hợp, tức là người ta dạy cho biết làm chủ bản thân, độc lập trước các xung năng của mình nghĩa là gì. Như thế, khi trẻ em kinh nghiệm được mình có thể chịu trách nhiệm về chính mình, lòng tự trọng của chúng càng được phát triển. Đồng thời, điều đó dạy cho chúng biết tôn trọng quyền tự do của người khác. nhiên, điều đó không có nghĩa là kì vọng trẻ sẽ hành động như người lớn, nhưng cũng không được xem thường khả năng phát triển sự tự do trong trách nhiệm đến mức trưởng thành của chúng. Trong một gia đình lành mạnh, tiến trình học tập này được thực hiện cách thông thường qua những đòi hỏi của cuộc sống chung” (275).

Tông huấn đề ra phương hướng thực hành về nguyên tắc này như sau: “Cũng vậy, những lúc khó khăn và gian khổ trong đời sống gia đình có thể dạy ta rất nhiều điều. Chẳng hạn như khi trong gia đình có một người bệnh, vì “trước hoàn cảnh bệnh hoạn, trong gia đình cũng phát sinh những khó khăn, nguyên nhân do sự yếu đuối của con người. Nhưng, nhìn chung, thời gian gia đình có người bệnh lại là thời gian làm tăng sức mạnh gắn kết gia đình. [...] Một nền giáo dục mà đánh mất sự nhạy cảm với bệnh tật của con người, sẽ làm cho con tim người ta trở nên cằn cỗi. Điều đó m cho trẻ “bị tê liệt” trước nỗi đau khổ của người khác, không có khả năng đối đầu với đau khổ và sống kinh nghiệm các giới hạn” (277). Niềm vui cũng trở nên mới mẻ trong khổ đau. Như Thánh Augustinô diễn tả, “hiểm nguy của chiến trận càng lớn thì niềm vui chiến thắng càng cao”[35] (130). “Cần phải có chương trình giáo dục cảm xúc và bản năng, và có khi điều này đòi hỏi phải lập ra những giới hạn. Vui thú thái quá thiếu kiểm soát hoặc bị ám ảnh bởi một kiểu lạc thú duy nhất rốt cuộc sẽ làm suy yếu và bại hoại cho chính lạc thú ấy và đe dọa đời sống gia đình (148).

Linh mục Bruno Ferrero đề ra phương pháp thực hành nguyên tắc trì hoãn khoái cảm như sau: Bằng gương sáng chứ không phải từ sự công kích hay lời khuyến khích, cha mẹ giúp con cái học cách chế ngự đau khổ thể lý, chấp nhận không chỉ đau đớn thực sự mà cả việc cảm thấy khó chịu bằng cách tránh lạm dụng những loại thuốc giảm đau, những loại cao xoa bóp khi không thực sự cần thiết. Con cái phải biết vấn đề của gia đình mình và được can dự giải quyết theo khả năng và quyền hạn. Ngay từ thuở còn thơ cha mẹ phải dạy con tính quả quyết, lòng dũng cảm và xa tránh tự thương hại mình thái quá. Cha mẹ giúp trẻ biết chấp nhận thực tế cuộc sống không như mơ mộng để tránh chấn thương tâm lý khi tiếp xúc với một số thực tế phũ phàng.

KẾT LUẬN

          “Nghề làm người”[36] đòi hỏi phải có những nguyên tắc. Củng cố việc giáo dục con cái cũng chính là củng cố tình yêu giữa cha và mẹ. Việc giáo dục ở đây có phương pháp dựa trên tình yêu và trách nhiệm, có sự hỗ trợ của các môn khoa học nhân văn cũng như sự trợ giúp của Giáo Hội. Mức độ ý thức, hiểu biết, nhiệt tình, hợp lýthích đáng trong việc giáo dục sẽ đo lường sự thành công của cha mẹ trong nhiệm vụ khó khăn và quan trọng này. Một nguyên tắc chủ đạo cho các cha mẹ Kitô hữu tóm lại 15 nguyên tắc ở trên là có Chúa Giêsu. Như lời Người đã nói: “Thầy là cây nho, anh em là cành. Ai ở trong Thầy và Thầy ở lại trong người ấy, thì người ấy sinh nhiều hoa trái, vì không có Thầy, anh em chẳng làm gì được” (Ga 15,5).

 

Lm. Giuse Đinh Quang Vinh

 

SÁCH THAM KHẢO

-          Đức Thánh Cha Phanxicô, Tông huấn Amoris Laetitia – Niềm vui của tình yêu, bản dịch của Văn phòng Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, Nhà xuất bản Tôn Giáo – 2016.

-          Đức Thánh Cha Phanxicô, Tông huấn Niềm Vui của Tin Mừng – Evangeli Gaudium, bản dịch của Dòng Phaolô Thiện Bản, Nhà xuất bản Tôn Giáo – 2014.

-          Saint-Exupéry, Cõi người ta – Terre des Homme, Bùi Giáng dịch, Văn Nghệ, TP HCM – 2005, 58.

-          Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, Tông huấn Familiaris Consortio – Về những bổn phận của gia đình Kitô hữu, bản dịch của linh mục Agostinô Nguyễn Văn Dụ, Rôma – 2001.

-          Sách Giáo Lý của Hội Thánh Công Giáo, bản dịch của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam – Uỷ Ban Giáo Lý Đức Tin, Nhà xuất bản Tôn Giáo – 2011.

-          Tóm lược Học Thuyết Xã Hội của Giáo Hội Công Giáo, bản dịch của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam – Uỷ ban Bác Ái Xã Hội, Nhà xuất bản Tôn Giáo – 2007.

-          Jean-Louis Bruguès, O.P., Từ điển luân lý Công giáo, C.L.D.

-          Công Đồng Vaticanô II, bản dịch của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam – Uỷ Ban Giáo Lý Đức Tin, Nhà xuất bản Tôn Giáo – 2012.

-          Bruno Ferrero, SDB, Genitori Felici Con Sistema Di Don Bosco, Editrice Elle Di Ci – 20046.

-          Peter Knauer, SJ.  “La  Détermination du bien et du mal moral par le principe du double effet”,  in La Nouvelle revue théologique  87, 1965, p. 356-376; Lm. Võ Xuân Tiến chuyển ngữ trên trang web: https://xuanbichvietnam.wordpress.com/2010/10/12/xac-dinh-su-thien-va-su-du-luan-ly-bang-nguyen-tac-song-hieu/

 

MỤC LỤC

DẪN NHẬP. 2

I.     CỦNG CỐ NỀN TẢNG VIỆC GIÁO DỤC. 2

1.     Cha mẹ ảnh hưởng trên con cái 2

2.     Con cái cần tin tưởng nơi cha mẹ. 3

3.     Gia đình là trường học đầu tiên. 5

4.     Có một chỗ ở xứng đáng. 7

II.   CỦNG CỐ MỤC TIÊU GIÁO DỤC. 8

1.     Trung tâm tự do của con người 8

2.     Hành động theo ý ngay lành. 9

3.     Hành động và nhận lãnh trách nhiệm.. 11

4.     Giáo dục giới tính mang tính tích cực. 12

5.     Cha mẹ là thầy dạy đầu tiên về đức tin cho con cái 13

III.   CỦNG CỐ ĐƯỜNG HƯỚNG GIÁO DỤC. 15

1.     Quy trình thời gian quan trọng hơn không gian. 15

2.     Tập quán nhân đức. 16

3.     Cách sửa lỗi con cái 17

4.     Quy luật giới hạn và tiệm tiến. 18

5.     Tương quan dân chủ. 19

6.     Giáo dục khả năng biết chờ đợi 19

KẾT LUẬN.. 22

 

 

 

 

 


Trang Giáo Dục



[1] Cosciente = ý thức, hiểu biết

[2] - Quan niệm “tình yêu nghĩa là cảm thấy si mê ai đó” trở thành một phong cách sống thứ tình yêu lãng mạn chỉ dựa vào những tình cảm trở thành rất dễ bị tổn thương (Jean-Louis Bruguès). Số lượng li dị gia tăng tỷ lệ thuận với con số những người bị tổn thương, cả người lớn và con trẻ. Bởi vậy, Đức Thánh Cha đã khẳng định: “Nhiệm vụ mục vụ quan trọng nhất của chúng ta đối với các gia đình, đó là củng cố tình yêu và giúp chữa lành các vết thương” (246). Vết thương nội tâm của con trẻ (không bao giờ cảm nhận mình được yêu thương vô điều kiện, trải nghiệm mình đã bị bỏ rơi, thất vọng, thiếu tình thương, ấn tượng xấu về cha mẹ, xấu hổ về cha mẹ, những yếu đuối của người lớn...) làm tổn thương tới khả năng tin tưởng và tự hiến của chúng, làm méo mó hình ảnh nhà giáo dục và khinh thường việc giáo dục đạo đức và để lại di chứng cho đời sống lứa đôi sau này. Tổn thương ở lứa tuổi càng nhỏ sẽ càng khó chữa khi nó trở thành chứng thần kinh loạn và rối loạn nhân cách (Scott Peck). Vì thế cần giúp những trẻ này chữa trị vết thương nội tâm để chúng thông cảm và hòa giải với con người và với xã hội, để chúng hiểu rằng “nhân vô thập toàn (x. 240, 272).

- Khổ nỗi, thói đời “không ăn được thì đạp đổ”! Một khi cha mẹ làm tổn thương nhau, họ còn làm tổn thương con cái khi “làm hư đi hình ảnh của người cha hoặc người mẹ với mục đích để tranh thủ tình cảm của đứa con, để trả thù hoặc để tự vệ”. Đức Thánh Cha khẩn xin các cha mẹ li thân: “Đừng, đừng, đừng bao giờ lấy con cái mình ra mà làm con tin! Anh chị li thân vì nhiều khó khăn và nhiều lí do, cuộc sống đã trao cho anh chị thử thách này, nhưng chớ để con cái là kẻ phải gánh chịu hậu quả nặng nề của sự phân li ấy, không được sử dụng chúng làm con tin chống lại người phối ngẫu kia, chúng cần lớn lên trong khi nghe người mẹ nói tốt về người cha, cho dù hai người không còn sống với nhau, và nghe người cha nói tốt về người mẹ” (245). Ông bà nói chẳng sai: “Trâu bò húc nhau, ruồi muỗi chết”.

[3] Ba từ tiếng Anh: Please = làm ơn; thank you = cảm ơn; sorry = xin lỗi; May I? = Tôi có thể?....

[4] Gia đình là môi trường đầu tiên của việc hòa nhập xã hội, bởi vì đó là nơi đầu tiên con người học biết đặt mình đối diện với người khác, để lắng nghe, để chia sẻ, để chịu đựng, để tôn trọng, để giúp đỡ, để chung sống. Nhiệm vụ của giáo dục phải khơi dậy cảm nhận về thế giới và xã hội như “bầu khí gia đình, dạy ta biết “sống” vượt ra ngoài giới hạn ngôi nhà riêng của mình. Trong khung cảnh gia đình ta học để làm sống lại sự gần gũi, quan tâm lẫn nhau, chào hỏi nhau. Nơi đó người ta phá vỡ vòng vây ích k nguy khốn để nhận ra rằng chúng ta đang sống cùng những người khác, với những người khác, những người xứng đáng với sự quan tâm, tử tế, và tình cảm của chúng ta. Sẽ không có mối tương quan xã hội nào nếu không có chiều kích đầu tiên của cuộc sống thường nhật này, xem ra rất nhỏ nhặt: sống gần gũi bên nhau, hằng ngày chúng ta gặp nhau lúc này lúc khác, cùng lo đến những điều tất cả chúng ta bận tâm, giúp nhau trong những điều nhỏ nhặt hng ngày” (276).

[5] Tông huấn giải thích sự ảnh hưởng của gia đình trên cung cách ứng xử của cá nhân như sau: những xu hướng đã được hình thành chín chắn trong thời thơ ấu bám rễ sâu trong con người và chúng vẫn còn tồn tại suốt cuộc đời, như một cảm xúc thuận lợi đối với một giá trị, hoặc như một sự chối bỏ tự phát những lối cư xử nhất định. Nhiều người hành động trong cả cuộc sống theo một cung cách nhất định nào đó vì họ xem như vậy là đáng giá, cái cung cách hành động như đã thấm sâu và trở thành con người của họ từ thời thơ ấu: “Tôi đã được dạy như thế”; Đó là những gì tôi đã học (274).

 

[6] HĐTT Về Gia Đình, Hiến chương về quyền của gia đình (22.10.1983), 11.

[7] Bài giảng ngày 01-01-2017.

[8] X. Pr 2,5.

[9] Mt 7,24-27.

[10] Mt 5,14-16.

[11] Tv 127,3.

[12] Tv 128,4.

[13] Saint-Exupéry, Cõi người ta – Terre des Homme, Bùi Giáng dịch, Văn Nghệ, TP HCM – 2005, 58.

[14] - Nguyên tắc song hiệu (principle of double effect) (hay tỷ lệ): Chủ thể luân lý chỉ công nhận một hiệu quả xấu của hành vi của mình nếu hiệu quả này chỉ là gián tiếp, được bù lại bằng một lý do tương xứng (proportionate reason)” (Peter Knauer, S.J.). Jean-Louis Bruguès, O.P. lưu ý về nguyên tắc của tính tương xứng này: Nếu thuyết này chỉ “lưu ý đến hành vi bên ngoài” mà “coi nhẹ nét đặc thù của hành vi bên trong” nó sẽ khó lòng thoát khỏi cám dỗ của thuyết vụ lợi.

- Nguyên tắc toàn thể (principle of totality): “Giữa một tổng thể và một trong những thành phần của nó, có những liên hệ về tính ưu tiên và sự lệ thuộc. Cho nên đứng về mặt tinh thần có thể chấp nhận hy sinh một phần để cứu vãn tổng thể”                (Jean-Louis Bruguès, O.P.)

[15] Trong khung cảnh gia đình người ta cũng có thể thiết lập lại các thói quen tiêu dùng để cùng nhau tiên liệu cho ngôi nhà chung: Gia đình là chủ thể chính của một hệ sinh thái toàn diện, bởi lẽ là chủ thể xã hội đầu tiên, chứa đựng trong chính mình hai nguyên lí - nền tảng của nền văn minh nhân loại trên trái đất: các nguyên lí của hiệp thông và nguyên lí của sự phong nhiêu” (277).

[16] Ngoài ra con cái cũng nên biết qua các nguyên tắc luân lý trong học thuyết xã hội của Giáo hội Công giáo:

- Nguyên tắc công ích: mọi cấp độ, công ích mục tiêu tiên quyết của một xã hội, mỗi người có quyền hưởng những điều kiện của đời sống xã hội do công ích đem lại, vậy tuỳ theo khả năng của mỗi người, không ai được miễn cộng tác vào việc thực hiện và phát huy công ích (x. 70, 139, 290, 300).

- Nguyên tắc của cải có mục tiêu phổ quát: Giữa nhiều hệ luận của công ích, ngay lập tức nổi bật lên nguyên tắc của cải trên trái đất có mục tiêu phổ quát: Thiên Chúa ban trái đất cho toàn thể nhân loại để nuôi sống mọi người trong nhân loại, không loại trừ người nào mà cũng không ưu đãi người nào. Mỗi người và mỗi dân tộc phải đạt được mức an sinh cần thiết cho sự phát triển toàn diện và cho thế giới nhân bản hơn. Xã hội phải làm sao để vừa bảo đảm quyền sở hữu của mỗi người, vừa phải bảo đảm công ích cho nhiều người.

- Nguyên tắc bổ trợ: Mọi xã hội thuộc trật tự cao hơn phải có thái độ trân trọng giúp đỡ các xã hội thuộc trật tự thấp hơn. Tông huấn cũng nhắc đến nguyên tắc này như sau: “Trường học không thay thế cha mẹ, nhưng chỉ bổ sung. Đây là một nguyên tắc căn bản: Bất cứ ai hợp tác vào tiến trình giáo dục phải hành động nhân danh các phụ huynh, với sự đồng thuận của họ và, trong mức độ nào đó, còn với sự ủy quyền của các phụ huynh” (84). “Chúng ta được mời gọi để đào tạo các lương tâm chứ không thay thế các lương tâm” (37). Hệ luận của nguyên tắc bổ trợ là sự tham gia: Việc tham gia vào đời sống cộng đồng ở mọi cấp độ cách tự do và trách nhiệm là một trong những cột trụ nâng đỡ và củng cố mọi trật tự dân chủ. (54, 206, 230, 297, 299)

- Nguyên tắc liên đới: Không ai là một hòn đảo. Trên bình diện đạo đức-xã hội, mỗi người và mỗi dân tộc bình đẳng trong phẩm giá và quyền lợi có mục tiêu chung (công bằng, bác ái, dân chủ…) trong sự phát triển và hiệp nhất giữa các cá nhân và các dân tộc, nhằm tránh những hậu quả nguy hại của tình trạng bất công mang tính toàn cầu. Đức Giêsu Nazareth đã làm cho mối dây liên kết sự liên đới với bác ái được sáng tỏ trước mặt mọi người, bằng cách làm sáng lên ý nghĩa của mối dây liên kết này (vô vị lợi, tha thứ và hoà giải) (21, 47, 183, 223, 290).

[17] Nguyên lý nhân quả (principle of causality) của Luận lý học hình thức phát biểu: “Trong cùng một hoàn cảnh, một nguyên nhân bao giờ cũng sinh cùng một hậu quả”.

[18] Gioan Phaolô II, HG (16.01.1980), 1: Insegnamenti III, 1 (1980), 151.

[19] GS, 49.

[20] Gioan Phaolô II, HG (18.6.1980), 5: Insegnamenti III, 1 (1980), 1778.

[21] Gioan Phaolô II, Thđ. Redemptor hominis (4.3.1979), 10: AAS 71 (1979), 274.

[22] RF 2015, 56.

[23] Nguyên văn tiếng Ý: La famiglia è il luogo dove i genitori diventano i primi maestri della fede per i loro figli. È un compito “artigianale”, da persona a persona”. Danh từ compito = phần việc, nhiệm vụ, phận sự, bổn phận. Tính từ artigianale = thủ công, truyền thống, theo truyền thống, gia truyền.

[24] Jean-Louis Bruguès, mục “Tương đối”

[25] Augustino, De sancta virginitate 7,7: PL 40, 400.

[26]Vatican II, Sl. Apostolicam Actuositatem về Tông đồ Giáo dân, 11.

[27] HG (10.6.2015): L’Osservatore Romano, 11.6.2015, tr. 8.

[28] Xem Tông huấn Niềm Vui của Tin Mừng – Evangeli Gaudium, số 222 – 224.

[29] Xây dựng kế hoạch cho tương lai – bảo bối thánh công. Web: http://careerbuilder.vn/vi/talentcommunity/xay-dung-ke-hoach-cho-tuong-lai-bao-boi-thanh-cong.35A4F229.html (ngày 19.05.2017).

[30] Tiếng Anh: “When we make things easy for children, we truly make them more difficult”. Tiếng Ý: “Il modo più sicuro di rendere le cose difficili ai figli è di rendergliele facili”.

[31] Dân chủ ở đây có nghĩa là mọi người tôn trọng và thực hiện quyền mọi người tham gia bàn bạc và quyết định các công việc chung.

[32] Hội Đồng Toà Thánh về Gia Đình, Tính dục con người: sự thật và ý nghĩa, số 31.

[33] Như trên, số 58.

[34] Tiếng Ý “tutto e subito”; Tiếng Anh “wanting it all now”, “Everything now”

[35] Augustinô, Confessioni, VIII, 3, 7: PL 32, 752.

[36] Jean-Louis Bruguès, mục “Tương đối”