Lời Thú Tội Của Một “người Công giáo kỳ quặc”

Stephen G. Adubato (*)

 

Mọi người cầu nguyện trong một Thánh lễ Đại trào của Đức Giáo Hoàng ngày 15 tháng 2 tại Nhà thờ Thánh Vinh Sơn Ferrier ở thành phố New York. Buổi cử hành phụng vụ diễn ra trước Hội nghị Lepanto thường niên lần thứ ba, một sự kiện kéo dài một ngày, các diễn giả thảo luận về lịch sử, vẻ đẹp và sự linh thánh của Thánh lễ Latin truyền thống. (CNS / Gregory A. Shemitz)

 

Một bài báo gần đây của New York Times có tựa đề “Ki-tô Giáo Kỳ Quặc” chắc chắn đã khiến một số người Công giáo bối rối về lý do tại sao tất cả những người trẻ này đổ xô đến Thánh lễ bằng tiếng Latinh. Các nhà phê bình sợ những xu hướng chống hiện đại của lớp người đặc quyền. Liệu chừng bước đi này quay ngược về một thế giới của những quả chuông, nhang khói và các chuẩn mực đạo đức truyền thống tiền hiện đại có cản trở những tiến bộ đạt được từ thời trung cổ không?

 

Mặc dù chủ nghĩa truyền thống chắc chắn có thể khiến người Công giáo rút lui vào quá khứ và trốn tránh thế giới hiện đại, nhưng nó cũng có thể đóng vai trò là động lực để gắn kết sâu sắc hơn với những vết thương và nhu cầu của thế giới ngày nay. Sự tập trung vào vẻ đẹp và tính chất hữu hình sẽ truyền cảm hứng cho chúng ta đi ra khỏi chính mình để bước vào thế giới và gặp gỡ Chúa Kitô bằng xương bằng thịt, ở bên lề, như lời Đức Giáo hoàng Phanxicô nói, và khám phá ra phụng vụ và linh đạo được kết nối với nhu cầu của những người chung quanh chúng ta như thế nào.

 

Sức thu hút đầu tiên của Công giáo đối với tôi bắt đầu khi tôi tham gia một khóa học triết lý bắt buộc về bản chất của con người khi còn là sinh viên năm nhất tại Đại học Fordham. Giáo sư của tôi, lúc đó khoảng chừng tám mươi tuổi, là người đầu tiên trả lởi những câu hỏi của tôi về ý nghĩa và sự thật sau cùng của cuộc đời - và là người đã nói về những vấn đề này một cách vui mừng và tin chắn như vậy. “Tất cả các bạn tồn tại vì một mục đích”, giáo sư của tôi nói, "và nhiệm vụ của các bạn là tìm hiểu lý do tại sao.” Tôi cần phải biết những gì đằng sau sự khẳng định táo bạo của người phụ nữ này.

 

Trong giờ làm việc, tôi chia sẻ rằng tôi đã hoang mang như thế nào bởi những câu hỏi hiện sinh dường như vô tận của mình. Giáo sư nói với tôi, "Stephen, bạn đâu có điên, chỉ là Chúa mong muốn có một mối quan hệ sâu sắc hơn với bạn. Tất cả chỉ thế thôi."

 

Ngay sau đó, tôi tình cờ gặp một nhóm sinh viên, họ gặp nhau hàng tuần để thảo luận về các thắc mắc và kinh nghiệm của họ qua lăng kính đức tin Công giáo của họ. Họ không có tính ý thức hệ nặng nề về đức tin của họ, họ cũng không giảm trừ đức tin đó thành một thứ sùng đạo thuần túy tình cảm, thấy vui vui. Thay vào đó, họ nghiêm túc xem xét vấn đề và muốn biết phải làm những gì trong mọi khía cạnh của cuộc đời của họ - từ vẻ đẹp được ở cùng nhau tại một bữa tiệc cho đến công việc học tập vất vả đầy thử thách.

 

Một lần nọ, tôi nhận ra rằng tất cả những người mà tôi bị thu hút này hóa ra là người Công giáo. Một vài ngày sau, tôi thấy giáo xứ bên kia đường bắt đầu các lớp học về Nghi thức Gia nhập Kitô giáo cho Người lớn. Chỉ trong vài tháng, tôi đã hoàn thành khóa học giáo lý tân tòng và trở thành một người Công giáo La Mã hợp thức hóa (tuân theo Đức Giáo Hoàng).

 

Khi tôi bắt đầu khám phá những linh đạo và lòng sùng kính khác nhau của Đạo Công giáo, tôi nhanh chóng thấy mình say mê Thánh lễ Latin và lòng đạo đức truyền thống. Tôi phải lòng sự phong phú của lòng đạo đức truyền thống đó, lòng đạo đức đó hơi gợi nhớ đến nền phụng vụ byzantine[1] mà tôi đã lớn lên trong đó.

 

Tôi sớm nhận ra mình không phải là người duy nhất sinh ra trong hai thập niên 1980 và 1990 tham dự thánh lễ Latin.

 

Đúng là “Ki-tô Giáo Kỳ Quặc” thu hút rất nhiều người sinh ra trong hai thập niên 1980 và1990, họ là những người có đặc quyền, tầng lớp trung (thượng) lưu, chủ yếu là người da trắng, giống như tôi - lớn lên trong sự che chở khỏi những gian khổ và bất công đang gây tai hại cho xã hội chúng ta. Nhưng môi trường ngoại ô trưởng giả này đã chứng tỏ là một nơi sản sinh ra sự trống rỗng hiện sinh.

 

Ước muốn được hưởng những thứ bạn chưa bao giờ kiếm được, kết hợp với ước muốn được người khác bảo rằng bạn có thể là bất cứ điều gì bạn muốn là, rằng tất cả những gì bạn cần làm để hạnh phúc là "hãy là chính mình", điều ấy che giấu một thực tế u ám hơn. Bên dưới mặt tiền này là một con đường buồn tẻ, mơ hồ không dẫn đến một điều gì đặc biệt. Liệu có ai quan tâm tôi có thể làm gì, có được gì và là bất cứ điều gì tôi muốn không? Nếu không có giá trị "thực", không có chân lý khách quan, liệu cuộc sống có thể có ý nghĩa thực sự nào không?

 

Điều này tác động đến kinh nghiệm tôn giáo của tôi. Nền phụng vụ và giáo lý Kitô giáo bị pha loãng lại củng cố thế giới quan tư sản tinh hoa này. Tại giáo xứ Công giáo của cha tôi, phụng vụ buồn tẻ và các bài giảng "Chúa Giêsu muốn bạn trở nên tử tế với mọi người", không mấy tác động để giảm bớt sự tự mãn của những giáo dân đặc quyền. Và trong khi tôi say mê phụng vụ tại giáo xứ Chính thống Hy Lạp của mẹ tôi, thì tôi lại nghiệm ra rằng vẻ đẹp của nó hầu như không liên quan gì đến cuộc sống hàng ngày của tôi.

 

Tệ hơn nữa, cảnh quan tinh thần và tâm linh của những người vùng ngoại ô (Luân Đôn) dường như không lưu tâm đến những khao khát sâu sắc nhất của trái tim con người. Những khao khát vô hạn về cái đẹp, công lý, sự thật và tình yêu bị kìm nén bởi cái lý tưởng ngoại ô ấm cúng, và thoải mái này. Nó không bao giờ dám làm lung lay hiện trạng xã hội, luân lý và tinh thần cho phép chúng ta sống trong một thứ bong bóng thoải mái. Bạn có thể sống một lối sống thú vị, miễn là bạn là "người tốt". Kiểu "Tin Mừng thiện chí" này không bao giờ đi đến cực đoan; nó dường như luôn ở giữa đường.

 

Nhưng lối đi giữa đường này dẫn đến sự thờ ơ và chủ thuyết hư vô. Đây là lý do tại sao rất nhiều bạn cùng lớp đại học của tôi và cả tôi đã chạy càng xa càng tốt khỏi lối đi đó và thay vào đó chúng tôi đổ xô đến đủ mọi loại cực đoan. Hầu hết các bạn cùng lớp của tôi đã chọn một con đường chính trị, một số chọn tả khuynh - đưa ra một quan điểm xã hội chủ nghĩa tập trung vào quyền của các nhóm thiểu số chủng tộc và tình dục - trong khi những người khác chọn hữu khuynh - đấu tranh cho các chính nghĩa bản sắc dân tộc và các giá trị đạo đức đang sụp đổ. Những người khác đắm chìm trong con đường khoái lạc theo kiểu Dionysus[2], tìm kiếm những cuộc phiêu lưu tình dục mới mỗi đêm, hoặc thử nghiệm ma túy và rượu.

 

Không con đường nào trong số các "tuyến đường thay thế" này có sức lôi kéo lớn đối với tôi. Thay vào đó, tôi đột nhập vào lãnh vực nhạy cảm của Công giáo truyền thống, và điều đó dường như lấp đầy những khao khát đó.

 

Nhiều người ngần ngại khi nghe nói về phụng vụ và linh đạo truyền thống vì họ liên kết nó với quan điểm cổ xưa về phụ nữ, chủ nghĩa thực dân hoặc chống chủ nghĩa hiện đại. Tôi thừa nhận rằng phần lớn Công giáo tiền hiện đại bị vướng vào những hệ thống chèn ép xấu xí. Nhưng tôi cũng thấy rằng cả linh đạo và đạo đức truyền thống không chỉ thấm nhuần cuộc sống của tôi với một ý nghĩa dứt khoát rõ ràng hơn, chúng còn khiến tôi nhạy cảm hơn với sự bất công xã hội và sự đau khổ của người khác.

Những giáo huấn luân lý đòi hỏi khắt khe của Kitô giáo, được mô phỏng theo tình yêu tự hủy mà Chúa Kitô đã thể hiện trên thập giá, đã định hình lại cách nhìn của tôi về cuộc sống từ một cái tôi kiếm tìm thoải mái đến từ một đức ái tự nguyện hy sinh. Chứng tá của những người như Dorothy Day, là người đã nhận ra mối liên hệ giữa giáo huấn và phụng vụ truyền thống, với sự gần gũi những người bên lề, đã nói lên nhiều điều với tôi. Bị buộc tội vừa là một người cộng sản cấp tiến vừa là một người người đàn bà ra bộ đoan trang và bảo thủ, Dorothy tin rằng sự thánh thiện cá nhân - được củng cố khi bà đọc những giáo phụ đầu tiên và các nhà thần bí thời trung cổ của Giáo Hội - và sự trung thành với giáo huấn của Giáo Hội là rất quan trọng để tạo ra một trật tự xã hội công bằng hơn.

 

Tôi cũng được truyền cảm hứng từ những gương mẫu hiện đại hơn của những người như Eve Tushnet, những người coi sự trong trắng và độc thân không phải là trở ngại cho sự thân mật, mà là bước vào một cung cách sống sâu sắc hơn mối quan hệ với người khác.

 

Khi trích dẫn tác phẩm của nhà phê bình văn học đồng tính luyến ái Frederick Roden trong một bài báo năm 2009 “Romoeroticism”, Tushnet nhấn mạnh cung cách mà các đặc tính đạo đức phụng vụ, thẩm mỹ và tình dục của Công giáo thời trung cổ đã thu hút những người Anh đồng tính trong thời đại Victoria, “đáp ứng mạnh mẽ sự coi trọng thể xác theo Đạo Công Giáo”. Eve Tushnet tiếp tục:

 

Khói hương và lớp sơn bong tróc, ám chỉ việc ăn thịt đồng loại nhắc Giáo hội nhớ lại nguồn gốc không đáng kể của mình, việc quỳ gối và các bức tượng được cho là những người đàn ông và phụ nữ đồng tính. Nếu bạn bị bức hại vì phản ứng của bạn đối với giới tính và sự coi trọng thể xác, bạn có thể trở nên có nhận thức sâu sắc về các thực tại cơ thể; và Công giáo, một mình trong bối cảnh tôn giáo chính thống phương Tây, khăng khăng rằng thể xác vừa quan trọng vừa kỳ lạ. Một mình chúng ta tiếp tục nói rằng miếng bánh xốp màu trắng dẹt trong tay vị linh mục có thể run rẩy bất cứ lúc nào trở thành thịt người thật đang chảy máu. Một mình chúng ta làm cho việc Rước lễ trở thành một câu chuyện kinh hãi.

 

Những lời nói của Tushnet cộng hưởng sâu sắc với kinh nghiệm cá nhân của riêng tôi. Các hình thức phụng vụ và tâm linh xưa cũ có xu hướng chú trọng nhiều đến vẻ đẹp, cơ thể và cõi vật chất nói chung. Những tiếng chuông và nhang khói trong Thánh lễ Latinh, các thánh giá kiểu Tây Ban Nha hoa mỹ đỏ như máu, và các cuộc rước kiệu Thánh thể đã làm cho những lý tưởng trừu tượng mà chúng ta tin theo trở nên sờ mó được, nhưng theo cách mà các biểu ngữ bằng nỉ và các bài thánh ca của David Haas[3] trong giáo xứ của cha tôi chưa bao giờ làm được cho tôi.

 

Đức Tổng Giám mục Michel Aupetit của Paris sử dụng một bình hương khi ngài cử hành Thánh lễ Truyền dầu hằng năm tại Nhà thờ St. Sulpice lịch sử ngày 17 tháng 4 năm 2019, sau trận hỏa hoạn lớn đã làm hư hại nghiêm trọng Nhà thờ Đức Bà lịch sử. (CNS / Paul Haring) 

 

Còn một chút gì đó gọi là suy ngẫm trước tượng Chúa Kitô được tháo xuống từ thập giá ở giáo xứ Ý trước đây (nay là Puerto Rico, Haiti và Nigeria) trong khu phố cũ của ông bà tôi, điều đó còn ý nghĩa với tôi. Có lẽ chính hệ cơ bắp giống như thật của cơ thể Chúa Kitô, lớp sơn trên chân đã bị mòn bởi vô số người chà xát - họ van nài Chúa Kitô mặc khải bản thân Ngài trong những thử thách hàng ngày của họ - hoặc ánh mắt vô hồn của Ngài, dường như kêu gọi ai đó, bất cứ ai, an ủi Ngài trong cơn hấp hối của Ngài.

 

Chúa Giêsu này gần với sự đau khổ của tôi. Chúa Giêsu này khẳng định rằng - vâng, cuộc sống chắc chắn có một mục đích, có một ánh sáng trong bóng tối, có niềm hy vọng trong những nhược điểm của bạn. Không chỉ điều này mà thôi, nhìn vào khuôn mặt đau khổ của Ngài đã khiến tôi chú ý hơn đến những nỗi đau của những người chung quanh tôi. Đây là những gì tôi thấy thuyết phục nhất về “Kitô giáo kỳ quặc.” Cảm nghiệm của tôi về cái thương hiệu Công giáo khác thường này đã mang đến cho tôi một khao khát những đức tính như khiêm nhường, biết lắng nghe và ân cần.

 

Những đức tính này lại đặc biệt cần thiết cho những “Ki-tô hữu kỳ quặc”, là những người nằm trong số những giai tầng đặc quyền hơn trong xã hội chúng ta. Chúng ta cần học cách lắng nghe và học hỏi từ những người ít đặc quyền hơn, mà không áp đặt ý kiến ​​hoặc kinh nghiệm của chúng ta.

 

Tôi vô cùng biết ơn những người đã mạo hiểm kể cho tôi nghe những câu chuyện của họ và chia sẻ những đau khổ của họ: những người vô gia cư tôi đã gặp trong một nhà bếp nấu súp được một cộng đoàn các tu huynh Phan-xi-cô địa phương điều hành, những học sinh tại trường trung học nơi tôi giảng dạy - nhiều người trong số họ đã phải đối phó với các trường hợp phân biệt chủng tộc và vô số những khó nhọc do cuộc đấu tranh di dân - và ông bà cao niên của tôi, những người đang phải đối mặt với nỗi đau thể xác dữ dội khi gần cuối đời.

 

Kiểu linh đạo đánh giá cao thể chất này đã cho phép tôi nhận ra khuôn mặt của Chúa Kitô một cách thấm thía trong sự đau khổ của người khác. Những kinh nghiệm này đã khiến tôi muốn hiểu kinh nghiệm của những người phải đối mặt với những bất công xã hội. Họ đã buộc tôi phải đặt câu hỏi về đặc quyền của riêng mình và về mức độ mà lối sống của tôi góp phần vào sự đau khổ của người khác.

 

Đúng vậy, linh đạo truyền thống có thể dẫn chúng ta vào sự cám dỗ tạo ra một thần tượng từ quá khứ và trốn tránh khỏi thế giới trần tục. Thay vào đó, tôi sẽ thúc giục "truyền thống" dựa vào hình ảnh về giáo hội mà  Đức Phanxicô ví như là một bệnh viện dã chiến và đi vào thế giới với tầm nhìn xoay chiều của chúng ta. Chúng ta hãy xem coi chúng ta có một ân huệ thật là tuyệt vời khi chúng ta diễn tả đức tin của chúng ta, dù một cách “kỳ quặc” - một ân huệ mà thế giới kỳ quặc và bị tổn thương của chúng ta đang rất cần.

 

(*) [Stephen Adubato học thần học luân lý tại Đại học Seton Hall và hiện đang giảng dạy môn tôn giáo ở New Jersey. Ông cũng viết blog tại Cracks in Postmodernity trên Kênh Công giáo Patheos.]

https://www.ncronline.org/

 

Phê-rô Phạm Văn Trung chuyển ngữ.



[1] ND: nghi thức phụng vụ Chính Thống Giáo Đông phương

 

[2] ND: thần của rượu nho, người bảo hộ của các bữa tiệc, sự vui vẻ, hân hoan và sung túc.

[3] ND: là một tác giả và nhà soạn nhạc người Mỹ của âm nhạc phụng vụ Công giáo đương đại.


Trang Giáo Dục