Làm Sao Để Kết Hợp Lời Cầu Nguyện Cá Nhân Với Thánh Lễ

        Sách Giáo Lý Giáo Hội Công Giáo nhắc nhở ta rằng: Phụng vụ của Giáo Hội "liên kết các tín hữu trong đời sống mới của cộng đoàn và đòi hỏi phải có một sự tham dự có ý thức, tích cực và đầy hoa trái của mọi người" (số 1071). Một cách thức quan trọng để ta hoàn thành lời kêu gọi tham dự vào phụng vụ của Giáo hội là qua một đời sống cầu nguyện nhiệt thành, được tiến hành qua phụng vụ. Giáo lý dạy rằng: "Tất cả các lời cầu nguyện của Kitô hữu đều bắt nguồn và kết thúc trong phụng vụ. Nhờ phụng vụ, con người nội tâm được bén rễ và xây nền tảng trên tình yêu lớn lao mà Chúa Cha đã yêu thương chúng ta trong Con yêu dấu của Ngài. Đó là sự kỳ diệu của Thiên Chúa được cảm nghiệm và hội nhập bởi mọi lời cầu nguyện" (số 1073).

        Phụng vụ của Giáo hội làm hiện tại hóa và truyền đạt mầu nhiệm ơn cứu độ. Những kinh nghiệm mầu nhiệm đó được tiếp tục trong tâm hồn những người cầu nguyện... Việc cầu nguyện sẽ nhập tâm và thấm nhiễm lấy phụng vụ trong và sau khi cử hành phụng vụ" (số 2655). Nhưng làm sao ta di chuyển từ việc tham dự Thánh lễ tới việc thực hành cầu nguyện riêng trong đường hướng mà nó cổ động việc cầu nguyện liên lỉ, có cân nhắc và kết hợp trong Chúa Thánh Thần?

        Câu trả lời xuất hiện ngay trong chương trình của Thánh lễ. Lúc ta suy niệm các phần trong Thánh lễ, ta tìm ra một liều thuốc cho sự dấy loạn, bối rối và vô trật tự trong đời sống của mình. Cơ cấu của Thánh lễ tiết lộ sự nhịp nhàng và trôi chảy thích hợp cho mọi người Kitô hữu chân chính. Hình thức Thánh lễ mà ta cử hành cho biết cách thức ta cầu nguyện trong đời sống. Khi ta coi các phần của Thánh lễ trong thứ tự riêng của nó, ta thấy cách nó diễn tả một khuôn mẫu hoàn hảo và liên kết mạch lạc cho đời sống cầu nguyện của ta.

        Cách thức ta bắt đầu Thánh lễ được coi như là nền tảng cho mọi lời cầu nguyện. Khi ta làm dấu thánh giá, ta tin chắc - ngay cả trong cử động bề ngoài - rằng ta được kết hợp với cuộc Khổ nạn của Đức Kitô. Sự cầu khẩn mà ta bắt đầu bằng dấu thánh giá có nghĩa là thánh giá Chúa Giêsu chứa đựng nguồn mọi ơn phúc trong đời sống của ta. Cũng trong lúc đó, bằng cách tưởng tượng đến thánh giá Đức Kitô một cách cụ thể, ta xác nhận rằng lời cầu nguyện của ta là một chia sẻ trong sự hy sinh của Đức Kitô. Đó là đặc ân của ta để bước vào sự hy sinh của Đức Kitô với tất cả tinh thần, linh hồn và thân xác của ta.

        Khi ta làm dấu trên thân thể ta với thánh giá Chúa Giêsu là ta nói lên Danh thánh Chúa: Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần. Giáo lý nhắc nhở ta rằng một danh xưng nói lên bản chất, sự nhận diện và ý nghĩa cuộc sống của con người đó (số 203). Ta bắt đầu cầu nguyện, không phải với danh của ta, nhưng với Danh thánh của Ba Ngôi Thiên Chúa mà qua đó ta tìm ra được bản chất đích thực nhất và ý nghĩa chân chính trong đời sống của mình. Việc làm này nói lên sự đồng thừa nhận chân lý mà Thiên Chúa đã bày tỏ sự thánh thiện của Ngài bằng cách mạc khải Thánh danh của Ngài cho ta "hầu có thể tái lập con người theo hình ảnh Đấng Sáng tạo của nó" (số 2809).

        Danh dự đó làm cho cho ta đầy lòng tin cậy vào lòng thương xót của Chúa Giêsu. Lòng thương xót đó dẫn ta đến với Chúa và đặt nơi Ngài tất cả tội lỗi của mình với lời cầu xin ơn tha thứ. Một thái độ tự biết khiêm tốn như thế còn là nền tảng của tất cả những lời cầu nguyện chân thành. Để một ý nghĩa mạnh mẽ về tội lỗi mà nó làm ta lưu tâm đến khuyết điểm và sự hư vô của chính mình, nó cũng gợi lại cách mà mọi động lực cầu nguyện còn giữ một lời mời gọi để canh tân lòng tin của ta trong sự dịu dàng và lòng thương xót của Chúa. Như trong kinh Vinh Danh, ta ngợi khen Chúa vì ơn cứu chuộc của Ngài.

        Ngay khi nghi thức sám hối dẫn ta vào phần phụng vụ Lời Chúa, cũng là lời cầu nguyện ăn năn mở đầu của ta cho phần lectio divina: công bố và suy niệm Lời Chúa. Khi Kinh Thánh được đọc trong Giáo hội, là chính Đức Kitô hiện diện trong Lời của Ngài và chính Ngài nói với ta (Giáo lý, số 1088). Qua sự chú tâm của ta vào sự hiện diện của Thượng đế trong Lời Chúa, ta lắng nghe Chúa Giêsu khuyến khích, dẫn dắt và hướng dẫn ta trong lời cầu nguyện của mình. Ta tin cậy vào Lời Chúa để làm cho đức tin của ta mạnh mẽ hơn qua sự vâng phục và tiếp nhận của mình.

        Lòng nhiệt thành suy niệm Tin Mừng của ta mang lại hoa quả trong lời nguyện cầu bầu của mình. Ta càng suy nghĩ về chân lý bao nhiêu, thì ta càng nhiệt tâm kêu cầu lòng nhân hậu của Chúa đến với đời sống của tất cả, đặc biệt với những ai đang rất thiếu thốn. Đức tin trưởng thành nói lên sự ích lợi của việc chiêm niệm trong những việc làm bác ái và cầu nguyện chân chính. Lời nguyện cầu bầu nâng ta ra khỏi những cố chấp và cái tôi của mình. Lời nguyện cầu xin nói lên lòng quan tâm đáng mến mà những người chung quanh ta có thể hưởng nhờ từ những hồng ân mà ta đã lãnh nhận.

        Sự tiến triển như thế trong cầu nguyện dần dần sẽ biến đổi tiêu điểm của ta từ những hồng ân dạt dào của Chúa đến cái mà ta có thể tự dâng hiến trong đức tin. Trong Thánh lễ, bánh và rượu được hiện diện với lời nguyện: "Lạy Chúa là Thiên Chúa, xin nhận lấy chúng con đang hết lòng khiêm nhường thống hối, và xin cho lễ tế chúng con dâng trước tôn nhan Chúa hôn nay được đẹp lòng Chúa." Tình yêu của Chúa đã đổ đầy lòng ta giờ đây lại đem ta vào lời cầu nguyện riêng và cũng làm cho chính chúng ta nên của lễ tốt đẹp dâng lên Chúa.

        Kế đến, trong sự yên tĩnh chiêm niệm và trong tình yêu mến, ta ở lại trong sự kết hợp âm thầm với Thiên Chúa rất mến yêu trong niềm an vui, trìu mến và an bình của Ngài. Với lời cảm tạ chân thành, ta ghi nhớ biết bao đặc ân và ơn lành đã biến đổi đời sống của ta. Và trong lúc thinh lặng với Thánh Thể, ta để lòng mình tâm sự với Đấng Cứu Thế hầu Ngài có thể biến đổi ta nên giống hình ảnh của Ngài hơn nữa. Việc đọc lên lời kinh Lạy Cha của ta là dấu hiệu ta đã trở nên giống hình ảnh của Ngôi Con là Đức Giêsu Kitô được bao nhiêu phần.

        Tóm lại, khi nào ta cần sự chỉ dẫn trong đời sống cầu nguyện, ta chỉ cần nhìn vào Phụng vụ Thánh lễ để làm mới lại những yếu tố chính của việc cầu nguyện, để tu sửa lại những gì cần phải được ưu tiên trong đời sống của mình, và chỉ cho ta cách thức để kết hợp với Chúa sâu sắc hơn. Để khi ta tự mình trung thành cầu nguyện dựa theo Thánh lễ, ta trở nên bền vững hơn trong tình yêu của Chúa Cha qua sự nội tâm hóa của mình trong phụng vụ của Giáo hội.


Trở về trang Mục Lục Giáo Dục
Trở Về Trang Nhà