Cầu Nguyện Và Hành Động

Trong đời sống Ki-tô giáo, việc cầu nguyện là việc không thể thiếu được. Có thể nói, người Ki-tô hữu nào không cầu nguyện, thì không phải là Ki-tô hữu đích thực. Cầu nguyện là kết hợp với Chúa, nguồn sức mạnh, nguồn hạnh phúc, nguồn ân sủng.

Nhưng, người cầu nguyện đích thực thì không thể chỉ cầu nguyện mà không hành động. Vì cầu nguyện là tiếp xúc với Thiên Chúa, nguồn sức mạnh và năng động, nên không thể nào khi tiếp xúc với Thiên Chúa đích thực mà con người lại không bị Thiên Chúa biến đổi. Không thể nào một người tiếp xúc thật sự với Thiên Chúa, nguồn sức mạnh và năng động lại không được Thiên Chúa truyền sức mạnh cho, mà vẫn cứ ở trong tình trạng ù lì thụ động. Nếu thánh Giacôbê bảo: Đức tin không có việc làm là đức tin chết (Gc 2,17&26), thì một cách tương tự, cầu nguyện mà không hành động thì không phải là cầu nguyện thật. Thánh Giacôbê còn nói: Nhờ hành động mà con người được nên công chính chứ không phải chỉ nhờ đức tin mà thôi (Gc 2,24). Ngài đưa ra một thí dụ cụ thể: Giả như có người anh em hay chị em không có áo mặc che thân và không đủ của ăn hằng ngày, mà có ai trong anh em lại nói với họ: "hãy đi bình an, mặc cho ấm và ăn cho no nhé!" mà lại không cho họ những thứ thân xác họ đang cần, thì nào có ích lợi gì? (Gc 2,15-16). Cũng tương tự như thế đối với cầu nguyện và hành động.

Cầu nguyện mà không có việc làm cụ thể, chúng ta dễ tưởng rằng mình đã làm xong bổn phận của người Ki-tô hữu, là yêu mến Thiên Chúa, và cũng dễ bị cám dỗ nghĩ rằng mình đạo đức. Khi đọc kinh cáo mình đọc đầu thánh lễ, người ta thường nghĩ đến những hành động sai trái của mình, chứ ít nghĩ đến những điều thiếu sót. Thiếu sót ở đây là những điều đáng lẽ mình phải làm mà đã không làm. Do đó, để quân bình hóa đời sống Ki-tô hữu, chúng ta cần cầu nguyện thật nhiều, mà cũng cần hành động thật nhiều. Cầu nguyện và hành động phải tương xứng với nhau. Cầu nguyện để được Chúa soi sáng và có sức mà hành động. Và hành động để biến cầu nguyện thành hiện thực, thành ích lợi đích thực cho bản thân và mọi người. Cầu nguyện chỉ trở thành hiện thực và có giá trị khi đi đến hành động thật sự.

Sau thánh lễ, linh mục nói một câu ra lệnh (impératif), nguyên văn Latinh là: Ite, misa est mà nếu dịch sát thì phải dịch: Hãy ra đi, đó là lễ misa, điều này ai biết tiếng Latinh cũng phải công nhận. Dịch rằng Lễ xong, chúc anh chị em ra về bằng an! thì tôi không biết là có đúng với ý của Giáo Hội không. Ra đi ra về, diễn tả hai tinh thần khác nhau. Ra đi - tức không về nhà - là để hành động, ra về - tức về nhà - là để nghỉ ngơi! Dịch bằng ra về, khiến người Ki-tô hữu dễ tưởng rằng thánh lễ đã xong, ta đã làm hết bổn phận rồi, giờ thì về nhà mà nghỉ ngơi. Chữ bằng an sau đó lại càng nhấn cho mạnh nghĩa của nghỉ ngơi! Nhưng tôi biết chắc chắn rằng câu nói cuối cùng của linh mục trong thánh lễ có dụng ý bảo mọi người hãy ra đi để hành động, để thực hiện ý nghĩa của thánh lễ là trở nên một hy tế bằng chính đời sống của mình. Và đó mới chính là thánh lễ (missa est! = voilà la messe!) Như vậy, thánh lễ ở trong nhà thờ mới chỉ là nửa thánh lễ, còn phần chính của thánh lễ là đời sống thực tế. Thánh lễ trong nhà thờ và thánh lễ trong đời sống chỉ là một thánh lễ duy nhất, mà chúng ta nhiều khi tách ra thành hai mảng biệt lập nhau. Thánh lễ trong nhà thờ ban sức mạnh cho thánh lễ ngoài đời sống, thánh lễ ngoài đời sống biến thánh lễ trong nhà thờ thành hiện thực. Nếu nhận được sức mạnh mà không làm gì cả, thì sức mạnh ấy dùng để làm gì?

Trong thánh lễ nhà thờ, chúng ta cầu nguyện: xin cho con yêu Chúa, yêu tha nhân, cho con biết khiêm nhường, biết cảm thông với người nghèo, v.v. Còn trong thánh lễ đời sống, chúng ta cố gắng thực hiện những lời đó. Nếu chỉ biết xin mà không quyết tâm cố gắng thực hiện, thì không biết đến bao giờ Chúa mới cho được những điều ấy. Cũng như miệng nói xin cho chúng con hôm nay lương thực hằng ngày, mà tay chân lại chẳng thèm làm gì để kiếm sống cả, thì có cầu xin hoài cũng vô ích.

Vào trong nhiều đan viện, ta thấy câu này được viết ở nhiều nơi: Ora et labora! (cầu nguyện và làm việc!). Hai việc ấy phải gắn liền với nhau. Không nên quá nhấn mạnh đến cầu nguyện, mà quên nhấn mạnh đến hành động, nhất là những hành động thực tế đáp ứng đúng gì những người chung quanh chúng ta đang cần. Dường như các nhân đức Ki-tô giáo luôn luôn phải đi với nhau theo cặp. Có nhân đức này thì lại phải có một nhân đức đối lập với nó. Không có nhân đức đối lập đó thì có thể nhân đức kia không còn là nhân đức đúng nghĩa nữa! Khôn ngoan như con rắn, nhưng lại phải hiền lành như con bồ câu!

Tôi được tập thói quen từ hồi còn nhỏ là khi cầu nguyện thì hỏi Chúa: Lạy Chúa, Chúa muốn con làm gì?. Cách cầu nguyện ấy rất hay vì nó gắn liền việc cầu nguyện với hành động. Nếu chung quanh tôi mọi người đang bị áp bức, nghèo khổ, và cũng đang có những con người phải vất vả đấu tranh chống lại áp bức và nghèo khổ, mà tôi hỏi Chúa câu ấy, chắc chắn Chúa sẽ đề nghị ngay tức khắc với tôi một hành động cụ thể. Hành động cụ thể thế nào thì còn tùy thuộc vào khả năng và chức vụ của tôi trong xã hội. Nếu tôi là một người dân thường, chỉ giúp được những việc nhỏ, thì Chúa sẽ bảo tôi làm việc nhỏ. Nếu tôi là một bộ trưởng, chắc chắn Chúa không bảo tôi làm những việc nhỏ như thế, mà phải làm trong khả năng đúng với một vị bộ trưởng.

Như vậy, trở về với Chúa, với lòng mình và ra đi để đến với tha nhân cũng là hai việc phải đi đôi. Tinh thần của thánh lễ đích thực phối hợp và điều hòa hai hành động có vẻ ngược lại nhau ấy. Có cái này mà không có cái kia thì cũng dễ bị khập khiễng.

Cần phải hành động. Nhưng hành động dù có tốt đến đâu cũng phải đặt nó trên nền tảng khiêm nhường. Không đặt trên nền tảng ấy thì coi chừng những động lực để làm việc tốt của ta chỉ là nhằm được tiếng khen, được sự ủng hộ, v.v. Với động lực đó, thì việc tốt lành ta làm chỉ có tác dụng làm tăng thêm lòng kiêu căng của ta, một tác nhân hủy hoại toàn bộ công trình tốt đẹp của ta trước mặt Thiên Chúa. Lucifer trước khi sa ngã chắc chắn đã làm được việc nhiều việc tốt lành hơn các thiên thần khác, vì ông là thiên thần cao trọng, đáng yêu đáng mến và có khả năng nhất trong các thiên thần. Nhưng kiêu căng đã biến ông thành ma quỉ. Do đó, những người đang làm những công việc tốt đẹp phải coi chừng kẻo bị sôi hỏng bỏng không vì sự tự hào về những việc tốt đẹp của mình, mà lên mặt với người khác.

Vì thế, khiêm nhường là hết sức cần thiết, nhưng khiêm nhường lại phải luôn luôn đi đôi với lòng tôn trọng sự thật. Khiêm nhường không có nghĩa là tự hạ đến nỗi phải phủ nhận bản chất và khả năng của mình, hay không dám hành động đúng với bản chất và khả năng của mình. Khiêm nhường vẫn đòi hỏi mình phải nhận chân được bản chất, giá trị, chức vụ, quyền hành, khả năng, bổn phận của mình, và hành xử đúng với những điều đó. Một em bé làm trưởng một lớp học nhưng lại không thi hành quyền trưởng lớp của mình khiến cho lớp đó như không có trưởng lớp, trở thành lộn xộn mất trật tự, thì hành động đó không phải là khiêm nhường. Một người con thấy cha mình cứ làm hoài một việc không đúng, mà không dám lên tiếng một cách tế nhị để người cha nhận ra lỗi của mình hầu sửa sai, cũng không phải là khiêm nhường. Mà tế nhị quá, sợ mất lòng quá đến nỗi không nói đúng được điều mình muốn nói cũng không phải là khiêm nhường, vì có tế nhị tới đâu, thì sự thật vẫn khó có thể không làm mất lòng. Mà người cha ấy nếu thấy con nói có lý và chân tình mà không sửa sai, thì cũng không phải là khiêm nhường.

Nếu không nắm vững ý nghĩa của khiêm nhường, chúng ta dễ có khuynh hướng đồng hóa khiêm nhường với nhu nhược.

Các thánh nhân nói: Nhân đức thì đứng giữa (virtus in medio stat). Quả thật, khó mà đứng ngay giữa, chỉ có thể đứng ở khoảng giữa giữa thôi. Nếu đứng được ngay giữa thì đã là thánh rồi. Vả lại, hai đầu mà luôn luôn thay đổi thì điểm giữa cũng luôn luôn thay đổi. Nên đứng giữa được thì chỉ có Thiên Chúa! Khiêm nhường cũng chính là chấp nhận giới hạn của mình, nhận chân rằng mình chỉ làm được như thế, nhưng vẫn phải cố gắng mà tiến về giữa được chừng nào tốt chừng nấy. Còn đứng hẳn qua một bên thì chắc chắn không phải là nhân đức rồi.

Tóm lại, cầu nguyện phải đi đôi với hành động, khiêm nhường phải đi đôi với tôn trọng sự thật.

NGUYỄN CHÍNH KẾT


Trở về trang Mục Lục Giáo Dục
Trở Về Trang Nhà