6. MỘT NGƯỜI CHA NHƯ THIÊN CHÚA – HÌNH ẢNH CỦA NGƯỜI CHA

 

Bé trai năm tuổi kiêu hãnh tuyên bố với mẹ : “Con không muốn là người thông minh, không muốn là người lịch sự. Con muốn là người như bố cơ!” “Là người như bố”, đối với bé là tất cả.

Sau một thời xã hội được xác định là thời “vắng bóng người cha”, ngày nay các nghiên cứu về tâm lý, xã hội, nhân chủng đang cho thấy tầm quan trọng của vai trò làm cha trên sự quân bình tâm lý của con cái. Tuy nhiên cha mẹ ít được biết người cha là cho con cái. Nữ văn sĩ khôi hài Erma Bombeck đã viết về cha mình như sau: “Khi tôi còn nhỏ, bố tôi như ánh đèn bên trong tủ lạnh: nhà nào mà chẳng có, nhưng mỗi lần đóng cánh cửa, mấy ai thật sự biết rằng mình làm được điều này điều kia là do ánh đèn”.

Đây là tư tưởng của Don Bosco: “Cha giám đốc hoặc người hộ trực hãy luôn luôn trông chừng các em học sinh, như người cha thân thương hãy nói, hãy tận tình chỉ dẫn cho mỗi sự việc, khuyên bảo và sửa chữa với lòng nhân ái”. Chẳng ai có năng khiếu bẩm sinh của một người cha tốt lành: để được như vậy người ta cần phải có sự kiên nhẫn, sự chuyên cần và tình thương. Và cả một số kiến thức nhất định.

Và thật khó tin cho mọi người: chúng ta có chính Thiên Chúa là gương mẫu. Là Đấng mà Kinh Thánh xác định là “Cha”. Và Ngài biểu lộ theo cách Ngài là Cha.

Khi kêu gọi Môsê, Thiên Chúa quả quyết: “Ta đã thấy rõ cảnh khổ cực của dân Ta và Ta đã nghe tiếng chúng kêu than... Ta biết nỗi khổ đau của họ. Ta xuống để giải cứu họ... “(Xh 3, 7-8). Nơi bốn động từ: quan sát – lắng nghe – nhận biết – hành động, người cha gặp được bốn giai đoạn của một khoa sư phạm tuyệt vời.

Có thể diễn đạt khoa sư phạm đó trong vài nhận xét đơn giản. Vả lại, để là một người cha tốt lành cần phải:

Hãy là chính mình và đừng mang chiếc mặt nạ Cha Cả. Làm cha không phải là thủ một vai diễn và vì vậy không cần đeo mặt nạ. Người cha hoàn hảo thường gây ra nhiều điều phiền hà. Thiên hạ tin rằng người nào cái gì cũng biết có thể là người rất nguy hiểm. Người cha chẳng cần tranh đua với con cái, cũng chẳng cần trở thành thần tượng xa vời. Bác sĩ nhi khoa Marcello Bernardi viết: “Phải làm sao để trở thành một người cha tốt lành? Ông không phải là người độc đoán, không phải là người hay nuông chiều, không phải là người vắng mặt nhưng cũng không phải lúc nào cũng có mặt. Rốt cuộc ông ta phải là ai? Rất đơn giản: là chính mình. Biết tôn trọng người khác nhưng cũng được người khác kính trọng, biết yêu thương mà không mong đền đáp, một người sở hữu và đang tìm cách giữ lại lý trí là hào quang của loài người. Tất cả chỉ có vậy. Tôi muốn lưu ý rằng trong tư cách hình ảnh người mẹ là biểu tượng về cái mà trẻ em chinh phục thế giới và sự tự lập của riêng mình, cũng vậy hình ảnh người cha là biểu tượng về cái mà trẻ em phát hiện ra gia đình. Trước tiên đứa trẻ chỉ có mẹ, với cái mà đứa trẻ đã sống “trong sự cộng sinh”, trong mối quan hệ chặt chẽ, bây giờ trẻ có cả mẹ lẫn cha, nghĩa là có một gia đình”.

Trước hết, một người cha là chính mình khi biểu lộ tình cảm và ý tưởng của riêng mình với sự điềm tĩnh.

Là người có mặt, quan tâm đến con cái. Đến tham gia trong cuộc chơi, trong cuộc thảo luận, trong việc lắng nghe. Hầu hết các số liệu thống kê cho biết rằng một người cha thực sự giáo dục con cái trung bình không quá năm phút mỗi ngày. Có nhiều nghiên cứu đã phát hiện ra mối liên kết giữa sự vắng mặt của người cha và thành tích học tập kém cỏi, chỉ số thông minh thấp, sự phạm pháp và tính hung hăng. Khoa sư phạm của Thiên Chúa đề nghị người cha quan sát, lắng nghenhận biết. Quan sát cũng là học nhận biết mọi tín hiệu lớn nhỏ mà thanh thiếu niên phát ra liên tục.

Làm gương về sự tự chủ. Một lời khuyên khôn ngoan dành cho cha mẹ như sau: “Hãy nhớ: một khi con bạn phát cáu, bạn đừng như cháu nổi máu tam bành”. Gương sáng lớn nhất mà cha mẹ phải dành cho con cái là biết kiểm soát tính khí mình trước mặt con cái như trước người xa lạ. Biết tỏ ra nhẫn nại và cảm thông ngay cả khi căng thẳng, nó giúp cải thiện mối quan hệ.

Trấn an cả trong điều lớn và điều nhỏ, để dạy cho con cái thấy điểm cốt yếu nơi các sự kiện tích cực và tiêu cực của cuộc sống. Con cái phải có thể luôn luôn tin cậy vào cha mình. Ông phải là người đầu tiên mà chúng tìm đến trong trường hợp cần thiết.

Dạy nghệ thuật giải quyết các vấn đề: “rốt cuộc” một người cha là người sẽ tìm ra một giải pháp cho các vấn đề cuộc sống.

Hãy thu phục lòng tín nhiệm và sự quý mến của con cái. Một phần ba trẻ em Hoa Kỳ từ bốn đến năm tuổi khi được hỏi đã nói rằng chúng thích từ bỏ cha mình hơn là từ bỏ truyền hình. Về mặt tình cảm, những người cha không nên giữ khoảng cách với con cái, nhưng hãy gắng hòa đồng với chúng. Một người cha tốt lành lắng nghe con cái “với trái tim”, năng nói lời thần diệu: “Bố tự hào về con”. Có lẽ chưa hoàn toàn tự hào, nhưng nó sẽ sớm đến, bởi vì đó là lời thật sự tuyệt diệu.

Trước mặt con cái, người cha hãy tỏ ra hòa hợp, quý mến và đồng thuận cách dạy dỗ với vợ. Người cha tốt lành hành động tâm đầu ý hợp với vợ mình.

Hãy làm “bảng chỉ đường”. Hình ảnh người cha là cơ sở trong việc hình thành lương tri. Trước hết trẻ em vị thành niên cần những chỉ dẫn rõ ràng và một nhân cách mạnh mẽ để nương tựa trong thời kỳ còn non trẻ và bấp bênh của việc tự huấn luyện. Don Bosco khuyên bảo: “Hãy nói, hãy tận tình chỉ dẫn cho mỗi sự việc”.

Hãy là tổ ấm cho “những cánh chim mỏi mệt” (kể cả vợ). Tạo ra những khoảnh khắc đặc biệt, chẳng hạn như bữa ăn tối, một nơi gặp gỡ cho gia đình, nơi người ta có thể trò chuyện trong một bầu khí bình an. Một người cha tốt lành biết tạo ra sự quyến rũ cho những kỷ niệm, qua những nghi thức nho nhỏ của sự trìu mến. Tại sao không thử “chúc lành cho con cái” mỗi đêm? Nó ở trong sổ tay cầu nguyện cho gia đình đã được các Đức Giám Mục Ý soạn thảo. [1] Một người mẹ cầu nguyện với con cái mình là một nét đẹp đức tin, nhưng gần như là chuyện thường tình. Một người cha cầu nguyện với con cái mình, ông sẽ để lại trong tâm trí chúng một dấu ấn không thể nào quên.

Thỉnh thoảng cảm ơn con cái, vì chúng thúc đẩy người cha thoát ra khỏi chính mình cách tốt nhất. Nghề nghiệp của người cha có thể hữu ích cho con người khi nó là cho con cái. Không một người nam nào hiểu biết ý nghĩa cuộc sống, ý nghĩa trần gian, ý nghĩa của bất cứ điều gì, bao lâu chưa có một đứa con để yêu thương. Rồi khi có một người con, cả vũ trụ thay đổi và chẳng có gì sẽ xuất hiện giống như trước nữa.

Và nếu một người cha muốn trắc nghiệm cách chính xác về sự thành công với tư cách là một người cha, hãy hỏi mẹ bọn trẻ: “Liệu bà có muốn con cái chúng ta giống tôi không?”.

 

Tôi sẽ cẩn thận trong cách bày tỏ ý kiến của mình. Điều tôi nói hay làm có ảnh hưởng sâu xa đến con cái tôi.


 



[1]Cha mẹ : (làm Dấu Thánh Giá trên trán của con) Nhân Danh Cha và Con và Thánh Thần.

Trẻ em: Amen.

Cha mẹ : Xin Chúa gìn giữ con, rèn luyện con trong tình yêu của Chúa, để con sống xứng đáng với ơn gọi của con. Trẻ em: Amen.

Cha mẹ : Xin Chúa ban cho con một đêm yên ổn và một giấc ngủ ngon lành. Trẻ em: Amen.

Cha mẹ : (làm Dấu Thánh Giá trên trán của con) Nhân Danh Cha và Con và Thánh Thần.

Trẻ em: Amen.