10. BẢNG SẮP HẠNG VỀ TÂM TÌNH GIA ĐÌNH–NHỮNG NGÔN TỪ ĐỂ NÓI

 

“Thanh thiếu niên không chỉ được yêu, nhưng chính các em cần biết mình được yêu thương”. Đó là một linh cảm mạnh mẽ như tia chớp của Don Bosco. Người ta đọc thấy điều đó trong lá thư viết từ Rôma vào năm 1884 và nó hân hạnh được gọi là “Thi khúc về tình yêu giáo dục”.

Ở Hoa Kỳ, giáo sư danh tiếng Buscaglia trao cho các sinh viên một bài tập đặc biệt trước ngày nghỉ thứ bảy và chủ nhật. Họ phải trở về gia đình và ôm hôn cha mình. Thông thường lớp học bùng nổ một làn sóng phản đối. Họ có thể nói: “Để cha tôi chưởng cho một cái hả!” hay “Với mục đích gì? Cha tôi thừa biết rằng tôi yêu ông ấy”. Để rồi giáo sư đáp lại: “Quá đơn giản: chỉ vì các trò chẳng muốn làm điều đó ?”.

Rồi ngày thứ hai thật ngạc nhiên, mọi người đều nói về bao nhiêu kinh nghiệm khiến họ hài lòng: “Cha mình bắt đầu khóc”, “Lạ quá. Bố tớ cảm ơn tớ”.

“Nhận biết” mình được yêu thương. Đó là bí quyết hạnh phúc. Mỗi người trong gia đình nên đeo trên ngực mình một tấm bảng vô hình: “Con đối với cha mẹ không gì có thể thay thế”, Cha mẹ đối với con không gì có thể thay thế”... Nhưng những thông điệp có giữa cha mẹ và con cái rất thường xuyên là những lời ra lệnh, khiển trách, châm chọc, đe dọa, thuyết giáo, kích động. Những lời tầm thường đại loại như : “vào đi, kéo lên, nhanh lên, đừng đụng vào, cẩn thận, ăn hết đi, đừng làm dơ, im lặng nào, tao đã nói mày rồi mà, xin lỗi đi, chào đi, đến đây, đừng quấy rầy, đừng có chạy, đừng ra nắng, cẩn thận kẻo ngã, tao đã nói với mày là ngã mà, thật khốn nạn, mày chẳng bao giờ chú ý cả, mày không thể, đi ngủ mau, thức dậy ngay, mày sẽ bị trễ cho mà coi, tao đang bận túi bụi...”.

Ngay cả với ý ngay lành, bố mẹ vẫn vây bọc con cái vù vù như máy bay trực thăng. Và rồi “tiếng vù vù” trở thành tạp âm trong gia đình. Con cái dễ dàng tự vệ bằng cách phớt lờ. Và trong tình trạng rất lộn xộn giữa mệnh lệnh và phản lệnh chẳng mấy hay ho, lời lẽ đáng kể được cha mẹ nói cho con cái bay vào hư vô. Ngay tức thì tổn thất lớn lao là bầu khí gia đình bị ô nhiễm bởi một sự chọc tức nhau liên tục.

Có những lời lẽ có thể giúp thay đổi bầu khí gia đình và trước hết làm nền cho một hình ảnh tích cực về bản thân, điều cần thiết cho sự phát triển bình thường nơi con cái. Đây là những ví dụ:

1) “Anh yêu em”. Câu nói bị người ta lãng phí trên truyền hình và trong các bài tình ca thời trang, nhưng lại quá bị lãng quên giữa cha mẹ và con cái. Nó có một tiềm lực mạnh mẽ: ngày ngày, mỗi đứa con phải cảm thấy cha mẹ nói “Cha mẹ rất yêu thương con”.

2) “Con rất xinh”. Nghĩa là : con cái cần lời khen ngợi. Có những người mà mới ra khỏi nhà đã khen ngợi mọi người: từ chị bán sữa, anh phát báo, viên cảnh sát, người gác cổng đến viên trưởng phòng; nhưng đừng hòng có với bất cứ ai ở nhà. Một phụ nữ vừa dày vò chiếc ví trong tay vừa thú nhận: “Chồng tôi quá biết thế nào là sự ngọt ngào, âu yếm và trìu mến. Anh ta đã cư xử với con chó như vậy”. làm thế nào một đứa trẻ có được sự tự tin nếu nó chưa từng nhận được một lời ngợi khen (cả về ngoại hình) từ cha mẹ mình?

3) “Cha mẹ hạnh phúc khi có con”. Thông điệp này phải được thể hiện cách trọn vẹn. Quá nhiều thanh thiếu niên có cảm tưởng mình là gánh nặng nề, hoặc tệ hơn, một tai nạn trong cuộc đời cha mẹ.

4) “Hãy tin cậy vào bố mẹ”. Bằng mọi cách, một đứa trẻ cần hiểu biết rằng người cứu giúp nó không là ai khác ngoài cha mẹ mình. Trong một xã hội như ta đang sống người ta không thể tin tưởng trai gái nào cả ngoài cha mẹ mình.

5) “Con đang nghĩ gì vậy?”. Biết cha mẹ, những người mà trẻ ngưỡng mộ nhất, thật sự muốn biết quan điểm của mình làm đứa trẻ tràn đầy niềm tự hào. Và làm nó cảm thấy gắn bó thật tình trong gia đình. Và như thế cha mẹ có thể nhận thấy con cái thật khôn ngoan.

6) “Con có thể khóc nếu con muốn”. Mỗi người cần đến một người để có thể thổ lộ tâm tình, tin chắc mình được lắng nghe và không bị xét đoán. Một người nào đó mà họ có thể nói: “Đây là cảm nghĩ của con”. Và người đó đáp lại: “Tốt. Như vậy thì tốt”. Người đó có đôi cánh tay ôm ấp, một con tim yêu thương và sự thông cảm sâu xa.

7) “Ba mẹ muốn lắng nghe con”. Hàm nghĩa là không được thờ ơ với điều xảy tới trong cuộc đời con cái. Nói câu “hãy kể cho ba mẹ biết” đúng lúc, thường phá vỡ sự câm lặng như áng mây đen luôn luôn đe dọa mối tương quan giữa cha mẹ và con cái.

8) “Tại sao con không muốn điều đó ?”. Những tâm tình của trẻ nhỏ thì quan trọng và đáng tôn trọng như của người lớn. Thế nhưng do sự lơ đãng, những tâm tình đó thường bị chà đạp và bỏ qua như điều không đáng kể.

9) “Ba má tin tưởng con”. Thanh thiếu niên có nhiều lý do chính đáng để nghi ngờ bản thân. Sự khuyến khích của cha mẹ là chất xúc tác quý giá khơi nguồn sáng tạo.

10) “Thật tuyệt vời khi quây quần bên nhau”. Không trẻ nào có thể phát triển tốt đẹp mà không cảm thấy chỗ đứng quan trọng trong hạnh phúc của gia đình mình.

Một bé gái sống trong tâm trạng rối bời. Quá nhiều bài tập, quá nhiều khó khăn, mọi thứ đều quá... Người mẹ chỉ lặp đi lặp lại vài lời quen thuộc để khuyên bảo, giải thích và khuyến khích. Cô bé còn trở nên bối rối hơn. Sau đó bé nhìn thẳng vào mắt mẹ và nói, “Mẹ ơi, tại sao mẹ không ôm con trong vòng tay của mẹ và giữ chặt con lại như khi con còn nhỏ? không có lời khuyên nào có thể làm cho con an tâm hơn điều đó đâu”. Hai mẹ con ôm nhau, và như thế tâm trạng tiêu cực đã biến mất. Trong vòng tay thắm thiết thường là đủ rồi.

 

BÍ QUYẾT CỦA LỜI CHÚC NGỦ NGON

 

Don Bosco kể trong tác phẩm “Hồi ký về Nguyện Xá” như sau: “Mẹ của cha đã ra giúp trẻ ở cô nhi viện, mẹ nhặt một vài viên gạch và với chúng mẹ dựng bốn cái trụ trong nhà bếp, trên đó mẹ đặt một vài tấm ván, và trên ván đó mẹ đã kê một cái nệm rơm, việc chuẩn bị giường chiếu trong những ngày đầu tiên của Nguyện Xá là như vậy. Người mẹ tốt lành của cha đã làm giường cho bọn trẻ rồi giảng giải về sự cần thiết của việc làm, của lòng trung thành và của tôn giáo cho chúng. Sau cùng mẹ đã mời chúng đọc kinh cầu nguyện”.

Được nảy sinh từ những thói quen của Mẹ Margarita khi cúi xuống trên giường của con cái, cử chỉ dịu dàng của lời “Chúc ngủ ngon” này luôn luôn được dành cho các Salêdiêng; trong các nhà Salêdiêng, trước hết nó là lời huấn từ thân thương mà vị giám đốc nói với “gia đình” mình để khép lại một ngày sống. Trong “Hệ thống dự phòng”, Don Bosco xác định nó là “chìa khóa của tính luân lý, của tiến trình thành nhân và thành công mỹ mãn trong giáo dục”.

Có phải là lúc đẹp nhất ?

Một trong những quy tắc đơn giản và tiên quyết được giảng dạy trong một “trường học dành cho cha mẹ” khẳng định: “Cha mẹ làm sao cho lúc cuối ngày là lúc đẹp nhất”.

Dù sao lúc cuối ngày vẫn thường là khoảnh khắc bùng nổ các điện tích âm được tích lũy suốt cả ngày. Thường thường ngột ngạt cho cả cha mẹ và con cái. Có những thanh thiếu niên suốt ngày sống sung mãn như một vị nguyên thủ quốc gia; nhưng khi chiều tà thành ra thần dân bất hạnh.

Một trẻ vị thành niên đã viết: “Tôi có chờ đâu có đợi đâu, đem chi đêm ngủ gợi thêm sầu. Kéo chăn trùm đầu cho kín mặt và rồi… mong tưởng chết từ lâu”. Đó chỉ là sự kiệt sức, về mặt thể lý và tâm lý.

Tuy nhiên trong cách sống đương thời, buổi tối cũng được coi là thời gian duy nhất mà cả gia đình được đoàn tụ bên nhau. Nhưng quy tụ để làm điều gì? Một cuộc khảo sát cho thấy 75% các gia đình người Ý chỉ cùng nhau xem truyền hình.

Vì vậy lời lẽ trong bữa ăn tối của gia đình thêm phức tạp, đại loại: “Suỵt, sssuỵt! Im lặng! Bọn mày có muốn để tao nghe không, có hay không?”. Những tiếng “suỵt” thường tăng dần tương ứng với sự cáu kỉnh.

Tình cảnh cũng chẳng khá hơn khi gia đình không xem truyền hình trong giờ ăn tối. Thường thường ở đó bắt đầu “Phiên xử tội phạm chiến tranh ở Nuremberg[1] trong gia đình. Có phiên xử cho mọi người. Và phiên xử sẽ chẳng dừng lại bao lâu mà bọn trẻ không khóc lóc vì món khoai tây nghiền trộn sữa (puré), không khiếu nại cái bất công trong bản Hiệp định Giơnevơ hay không khẩn khoản nài xin để khỏi bị gửi đến trại mồ côi.

Don Bosco đã hiểu buổi tối thật quan trọng, thời khắc trước khi đi ngủ có một ý nghĩa đặc biệt. Thời điểm nhiều sự phòng thủ bị phá vỡ. Thời gian người ta ước muốn có bầu khí ấm cúng, thân thương, nhân hậu, sum vầy bên nhau. Bởi vì màn đêm buông xuống và gây sợ hãi. Bởi vậy người ta muốn có ai đó nắm lấy tay mình. Vì vậy việc cầu nguyện vào buổi tối dễ dàng hơn.

Một người cha hãy cùng với các con đi ngủ (điều mà nói chung các bà mẹ vẫn từng làm) – và không chỉ đơn giản ra lệnh: “Này bọn nhóc! Đi ngủ ngay đừng lôi thôi lắm chuyện!” –, ngồi xuống bên cạnh, nói chuyện và cầu nguyện với chúng, ông sẽ có với con cái mình một mối tình thân thương, tuyệt đẹp và mãn nguyện. Hoàn toàn khác với bất cứ ai khác.

Nó được bảo đảm bằng kinh nghiệm.

 

Tôi sẽ đi ngủ cùng với con mình và sẽ dừng lại để nói chuyện bao lâu chúng chưa đi vào giấc ngủ.


 



[1] Nuremberg là một thành phố ở phía đông nam nước Đức, từng là trung tâm các sự kiện lớn của Đức quốc xã từ năm 1933 đến 1938 và của các vụ xử kiện của Đồng Minh thẩm tra các tội phạm chiến tranh trong những năm 1945-1946.