14. NHỮNG GÌ CHỈ CHA MẸ MỚI CÓ THỂ BAN TẶNG SỰ TỰ TIN

 

Nhiều thanh thiếu niên thiêu đốt hầu hết niềm hạnh phúc tuổi hoa niên cho một thần tượng nghiệt ngã đương được thời đại ngưỡng mộ: định kiến ngớ ngẩn cho rằng cuộc sống chỉ ưu đãi cho số ít người mang phẩm chất có vẻ quan trọng nhất như sắc đẹp, trí thông minh và sự giàu có. Phương thuốc giải độc duy nhất cho bệnh trạng này là sự an bình nội tâm. Và gia đình là nơi duy nhất có thể điều chế phương thuốc này. An ninh kinh tế là một điều rất tốt được xã hội bảo đảm, nhưng xã hội không thể cung cấp cho ta sự an bình nội tâm và ngay cả tình cảm ấm cúng và an vui, nó cũng không thể trao ban sự tự trọng, cảm thức về phẩm giá và giá trị của ta. Chỉ cha mẹ mới có thể ban tặng tất cả những điều này cho con trẻ. Nếu một người không nhận được điều đó từ cha mẹ mình, thật khó để họ có nó trong cuộc sống sau này; sẽ mãi còn trong người đó một vết thương lòng mong manh dễ vỡ.

Don Bosco biết rằng mục đích của giáo dục là xây dựng một con người tự lập và có trách nhiệm. Ngài đã “cai sữa” cho những đứa con của mình rất sớm, ủy thác cho họ những nhiệm vụ đòi hỏi nỗ lực. Năm 1849 ngài đã giao phó một ít tiền nong của cộng thể Valdocco cho Giuse Buzzetti, khi đó mới có mười bảy tuổi. Cả việc Micae Rua trở thành giám đốc Nguyện xá Thiên thần Bản mệnh khi mới 17 tuổi.

Cha mẹ có thể biến một đứa trẻ thuộc kiểu “không thể” thành một đứa trẻ “có thể”. Thông qua những kế hoạch đơn giản.

Hãy khuyến khích con trẻ chấp nhận rủi ro, tự đảm nhận những nhiệm vụ phù hợp với tuổi tác, tự ra quyết định. Chẳng hạn một bé trai bảy tuổi có thể chọn trang phục để mặc. Bé cũng có thể sắp xếp căn phòng và giường ngủ của mình cho ngăn nắp. con trẻ cần có không gian riêng để tăng thêm lòng tự trọng và trong chiều hướng nào đó có thể khuyến khích : “Con nghĩ gì về vấn đề ấy?”.

Hãy yêu thương con trẻ theo bản chất của trẻ, cho phép trẻ thể hiện cá tính mình. Con cái không nên “bị ép buộc” đáp ứng mọi kỳ vọng theo ý cha mẹ, cũng không nên thực hiện những ước mơ bất thành của cha mẹ : chúng phải trở thành chính mình. Có lẽ là một sự tuyệt diệu đến bất ngờ khi khám phá ra tài năng và phẩm chất nơi con cái.

Hãy âu yếm, ôm hôn và ở với con trẻ, hết sức coi trọng bạn bè của chúng. Cha mẹ nên tìm thời gian tập cho thanh thiếu niên quen đọc những quyển sách lành mạnh, chơi bóng với chúng, lắng nghe khi chúng bị trầy đầu gối hay kể về phim truyện mới xem. Đây là những cột mốc trong tiến trình có được lòng tự trọng.

Hãy tập quý mến nhau. Nhiều thanh thiếu niên cảm thấy được cha mẹ yêu thương, nhưng cũng cảm thấymình ít được tôn trọng. Sự quý mến không thể giả vờ: người ta cảm nhận nó bằng trực giác. Một thiếu niên có thể cảm thấy cha mẹ trao ban sự sống cho cậu, nhưng cùng lúc họ vẫn tiếp tục nghi ngờ cậu.

Đừng để con trẻ nói ngôn ngữ tiêu cực về mình hoặc dễ có khuynh hướng phàn nàn và ngã lòng. Thật vậy, một thiếu niên thường xuyên than phiền nghĩ rằng: “Tôi chẳng ưa gì cái tôi đang là, cũng chẳng ưa gì mọi thứ quanh tôi”. Ai nghĩ mình là “kẻ bất tài vô dụng” thường thường họ trở thành kẻ đó. Cha mẹ là những người phù hợp nhất để giúp con cái chống lại khuynh hướng tự hạ giá, dạy dỗ con cái thái độ lạc quan với cuộc đời trong tính tổng thể của nó, cả khi mọi sự không diễn ra theo cách thuận lợi.

Hãy nhớ rằng lời khen ngợi luôn luôn hiệu quả hơn lời chỉ trích. Theo một chuyên gia Nhật Bản, công thức khuyến khích là P:T = 1:5. Nó có nghĩa là nếu đứa trẻ nhận được sự trừng phạt (P) một lần trong một ngày, trong chính ngày đó nó phải nhận được 5 lời khen ngợi hay phần thưởng (T) để bù vào. Những thanh thiếu niên chịu nhiều lời phê bình chỉ trích họ dễ nản lòng và trở thành những người ít có lòng tự trọng.

Dạy dỗ nghệ thuật bù trừ các điểm yếu. Thanh thiếu niên tuyệt đối cần “thắng cuộc” trong điều gì đó. Cha mẹ là những đồng minh trung thành của con cái : họ cũng phải cung cấp cho chúng những phương tiện để vượt thắng trở ngại. Một trong những phương tiện này là nghệ thuật bù trừ. Cá nhân có thể bù đắp các nhược điểm riêng mình bằng những ưu điểm mình có. Ít nhất họ có một ưu điểm nổi trội. Có lẽ đứa trẻ tìm thấy vinh thắng cho mình trong âm nhạc, trong việc tự tạo mô hình nhà cửa, trong việc nuôi thỏ hoặc trong bóng đá.

Hãy giúp con cái kiểm soát tính khí mình. Tính khí thường giống như một con yêu quái đang sống trong ta và “thúc ép ta” làm những điều khiến ta phải hối tiếc. Cha mẹ cần dạy con cái biết chúng có thể kiểm soát con yêu quái này. “Con có thể tức giận với chính mình hoặc với em gái khi con muốn, nhưng con sẽ không bao giờ được phép để đánh đập em hay bất kỳ ai khác. Riêng việc đấm đá thì không bao giờ. Bây giờ, hãy lui vào phòng của con và nhắc nhở bản thân mình rằng không bao giờ đánh đập em hoặc bất cứ ai khác”. Chẳng còn nghi ngờ gì nữa về một nỗ lực dấn thân cho... người cha.

Hãy hun đúc lòng yêu đời cho con cái. Trong một gia đình hạnh phúc không nên có những khoảnh khắc “nhàm chán”.

 

Cha mẹ sẽ không bao giờ trợ giúp một đứa trẻ khi cảm thấy nó có thể tự làm điều đó.


 


Mục Lục Cha Mẹ Hài Lòng Với Hệ Thống Giáo Dục Don Bosco