16. KẺ XÂM NHẬP THÂN THIỆN - TRUYỀN HÌNH VÀ GIA ĐÌNH

 

Trở về từ một cuộc du ngoạn trên hành tinh của ta, hai cư dân sao Hỏa tặng cho thủ lĩnh của họ một cái tivi. Họ giải thích : “Chúng tôi đã không thể nắm bắt bất cứ sự gì trên trái đất, nhưng chúng tôi đã nắm bắt được một trong các vị thần của họ”.

Khi nói đến tivi trong gia đình, người ta hít thở bầu khí của cuộc nội chiến. Bóng ma tội lỗi sắp giáng xuống trên khán giả truyền hình và quý cha mẹ. Những đứa trẻ tôn thờ nó. Ông bà và cha mẹ xem nó càng ngày càng nhiều. Các chuyên gia đe doạ hậu quả ngày tận thế. Chương trình tivi nghèo nàn dung nạp bao nhiêu có thể các điều tội lỗi xấu xa và đồi phong bại tục. Nó trở thành đối tượng kiêng khem trong Mùa Chay và vì vậy được so sánh với thực phẩm. Có người dự kiến tạo một “bữa tiệc truyền hình” cho bậc cha và mẹ. Ai cũng thảo luận, nói chuyện, khủng bố, cảm thấy phẫn nộ. Nhưng sau đó vào buổi tối, người ta chìm mình vào chiếc ghế bành và xem tivi. Tóm lại cái tivi là một trong những đề tài phải đối mặt ở một mức độ cao của sự điềm tĩnh, bởi vì nhà hiền triết nói rằng: “Đối diện với điều không thể tránh được, bạn hãy thư giãn”.

Chúng tôi cung cấp mười lời nhận xét đơn giản để phản ánh một cách quân bình về vấn đề này:

Truyền hình tạo ra nhiều vấn đề không do điều nó làm, nhưng do điều nó không làm. Cuộc sống gia đình sẽ ra sao nếu không có truyền hình? Nói thật ra đó là điều khủng khiếp mà thống kê cho thấy rằng phần lớn việc làm của các gia đình đơn giản chỉ là cùng nhau “xem truyền hình”. Trong quá khứ, khi mà ông bà cha mẹ chuyển giao các giá trị xã hội và gia đình cho giới trẻ, thì bây giờ tivi truyền tải thời trang và ý kiến đủ loại; và bởi vì giới trẻ dễ dàng tiếp nhận những thông điệp từ truyền hình hơn, nên họ lại chuyển trao cho ông bà cha mẹ cái văn hóa truyền hình. Kết quả là một sự tái tổ chức “đảo ngược” của việc chuyển giao văn hóa giữa các thế hệ.

Người ta chẳng nên sử dụng hệ quả trực tiếp, nhưng nên dùng hệ quả tuần hoàn với “cường độ gia tăng”. Đơn giản là ta không nên sử dụng việc tranh cãi chống lại truyền hình như một cái cớ. Người ta không thể nói: “Cái truyền hình không cho phép ta nói chuyện nhiều hơn!”. Nếu đó là sự thật thì chỉ cần tắt cái tivi, và như có phép mầu người ta lại bắt đầu cuộc nói chuyện trong gia đình. Tất cả điều mà người ta đã chứng minh thì trái lại họ xác nhận rằng chẳng có gì xảy ra. Bạn Mai Anh Đài (Mafalda) cho biết: “Tối hôm qua cái tivi bị hư. Một buổi tối làm cháu sửng sốt: cháu đã không tin là mình có cha mẹ chán ngán như thế”.

Hệ quả tuần hoàn nói ngược lại rằng: “không có điều gì phải lắm lời và vậy thì ta cùng xem tivi”. Rồi người ta đi vào trò chơi tiếp sức: “…và ta xem truyền hình nhiều hơn để ta nói ít hơn”. Như vậy tình thế làm cho thêm hiểm nguy, nhưng thật ra cái tội ban đầu không đến từ cái tivi đáng thương.

Cần dạy cho con cái “theo một chương trình” không “xem tivi”. Nhiều người ngấu nghiến xem truyền hình chỉ vì không có gì tốt hơn để họ làm. Họ nhìn mà không thấy. Họ chuyển hết kênh này sang kênh khác, xem các đoạn phim rời rạc chẳng mạch lạc gì với nhau. Chắc chắn đây là cách ngu ngốc để dùng thời gian. Một chương trình được lựa chọn và chăm chú theo dõi có thể giúp giáo dục, giải trí và thông tin. Việc sử dụng máy ghi hình và băng đĩa giúp cha mẹ và các nhà giáo dục tạo ra lợi ích đích thật xung quanh một chương trình chuyên biệt.

Thanh thiếu niên cần một cái la bàn chỉ đường. Con cái chỉ không xem các chương trình chúng được hướng dẫn mà thôi. Trẻ rất thích xem các chương trình dành cho người lớn. Và như vậy chúng xem mọi cái. Nhưng trong sự thiếu chừng mực, hết sức lộn xộn, trẻ không lưu tâm đến các mức độ khác nhau của sự trưởng thành hoặc lựa chọn các giá trị của gia đình. Ngày nay, đứa trẻ biết rất sớm rằng: có những ông chồng lừa dối các bà vợ, thanh niên ăn cắp trong siêu thị, thú vật (và giới mày râu) thanh trừng lẫn nhau, kẻ gian kiếm được rất nhiều tiền qua một vụ cướp ngân hàng hoặc một trò lừa đảo kẻ ngây ngô. v... v...

Một đứa trẻ tiếp xúc quá lâu với truyền hình thật sự có nguy cơ bị “mất phương hướng”: cần một ai đó dạy bảo chúng “phán đoán” và phân biệt điều gì là tốt đẹp và xấu xa, điều gì là bình thường và dị thường, giữa cái đẹp và cái xấu.

Cần học để vô hiệu hoá quảng cáo. Ngôn ngữ quảng cáo khai thác cách tuyệt vời mọi khả năng truyền thông của phương tiện truyền hình. Nó không là loại ngôn ngữ đi theo cách lối lập luận và suy nghĩ: nó chỉ tìm cách “quyến rũ” thông qua sức mạnh gây cảm xúc của hình ảnh và âm thanh. Quảng cáo là “cách kéo dài chương trình truyền hình” để móc túi kẻ xem nó cách tinh vi. Quảng cáo hướng đến trẻ con thì tấn công theo cách thức không thể chấp nhận được, bởi con cái đúng là những người tiêu dùng không được bảo vệ. Cần dạy con cái và thanh thiếu niên “tạo khoảng cách” với các thông điệp của quảng cáo.

Điều cần thiết là phục hồi các phương tiện truyền thông khác. Đây có thể là điều quên sót tồi tệ nhất trong giáo dục. Đứa trẻ cần phải học nói “việc phát ngôn”. Người ta sẽ không làm việc đó nếu người ta trải qua nhiều giờ trong im lặng và bóng tối, để nghe hoặc xem một “cái máy”. Thanh thiếu niên cần phải học để đọc và tưởng tượng, để thưởng thức một bức tranh và một buổi hòa nhạc.

Cần phải giữ liên lạc với thực tế. Kinh nghiệm mà con cái sống đối diện với màn ảnh chỉ là “kinh nghiệm ảo”. Trẻ có nguy cơ sống trong một hình thức nguy hiểm của sự nhầm lẫn, nơi đó trẻ nhảy qua ranh giới giữa hiện thật và tưởng tượng, nơi mà mọi thứ có lẽ chỉ trở thành ảo tưởng. Con cái phải được đụng chạm bằng tay và được đem đi xem một buổi hoàng hôn, một cây đào đang trổ hoa, một con bò thật sự. Trẻ phải thấy cha và mẹ chúng đang làm việc.

Dạy cho con cái hương vị của làm việc, chứ không chỉ đứng nhìn. Sự mở mang trí não của trẻ phát triển thông qua các giác quan. Như thực phẩm nuôi dưỡng cơ thể làm sao, thì sự động chạm, các cảm giác, sự hoạt động, các hình ảnh, âm thanh, mùi vị, hương vị, cũng là “thực phẩm” cơ bản cho sự chú ý, trí nhớ, suy nghĩ, cảm thức của một đứa trẻ và cũng để hình thành bản sắc của trẻ như vậy. Để tăng trưởng, phát triển và có được sự tự tin, con cái cần phải đụng chạm, chơi đùa, làm việc, trải nghiệm vẻ đẹp, tính đa dạng và phức tạp của thế giới. Trẻ phải phát triển khả năng của mình qua hoạt động, sáng tạo, chứ không đơn giản chỉ quen với vai trò làm “khán giả chuyên nghiệp”.

Kiến tạo những cái đầu biết tư duy. Truyền hình sẽ không bao giờ thay thế được nhà trường, nhưng nhà trường không thể tiếp tục như thể không có cái tivi. Truyền hình thật sự thúc ép nhà giáo thay đổi cái vai trò của mình. Nhà giáo dục thời hậu truyền hình không còn là kẻ truyền thụ tri thức (từ việc họ cung cấp cách phong phú các phương tiện truyền thông), nhưng họ chỉ là người giúp thanh thiếu niên thiết lập các sự hiểu biết này và tiếp thu chúng trong một tổng hợp mạch lạc. Các phương tiện truyền thông đại chúng cung cấp vô số loại vải vóc màu sắc đa dạng, các nhà giáo dục phải cung cấp bản “thiết kế” để kẻ thụ huấn sắp xếp nó cho có ý nghĩa như trong một bộ quần áo xinh đẹp. Dạy tư duy là một trong những mục tiêu cơ bản của giáo dục gia đình.

Các nút bật và tắt tivi luôn ở trong tay của bạn. Thông thường đó chính là quyền hạn thật sự mà một người có trên cái tivi của mình.

Và trên hết hãy luôn luôn nhớ điều mà câu tục ngữ Trung Hoa khẳng định: “Chẳng tại rượu nồng làm cho say thực khách. Khách say bởi khách quá chén nồng choáng váng”.

 

Cha mẹ sẽ cố gắng trả lời câu hỏi: “Ta sẽ làm gì tối nay nếu cái tivi bị hỏng?”.