19. ĐỂ KHÔNG AI BỊ THUA CUỘC – MỘT PHƯƠNG PHÁP ĐỐI THOẠI

 

Nhiều người nói đến chuyện đối thoại trong gia đình. Nhưng đó có vẻ là một chuyện quá phức tạp. Thật ra những yếu tố của vấn đề thì rất đơn giản. Các bậc cha mẹ thấy vấn đề kỷ luật trong việc giáo dục con cái như là một tình trạng tiến thoái lưỡng nan: giữa nghiêm khắc hoặc khoan dung, cứng rắn hoặc mềm dẻo, dễ dãi hoặc độc đoán. Vì vậy, họ xem xét mối quan hệ với con cái như là một cuộc đấu tranh giành quyền lực, một cuộc đụng độ giữa hai ý chí, một trận chiến phân thắng bại; tắt một lời đó là một cuộc chiến tranh. Một ông bố đương sẵn sàng cho cuộc chiến khẳng định: “Điều con nghĩ chẳng có hề hấn gì đến bố! Con gái bố sẽ không bao giờ mặc một chiếc váy ngắn. Đó là điều mà bố sẽ không nhân nhượng”.

Mặt khác, con cái hành động theo cách ngược lại và trẻ hiểu mối quan hệ của nó với cha mẹ như là một cuộc đấu tranh, cuộc đấu đương nhiên dẫn đến kẻ thắng và người thua.

Mọi nhược điểm trong mối quan hệ loại này thật đáng lưu tâm. Khi cha mẹ áp đặt quyết định của mình bằng quyền lực, con cái phải cắn răng chịu đựng, chúng nổi loạn, chúng cảm thấy thù hằn, đóng sầm cửa lại và thoát ra khỏi nhà. Nếu cha mẹ “thắng” con cái, mọi chuyện còn ra tồi tệ hơn: con cái thường trở thành thanh thiếu niên hung bạo, bất trị, cứng đầu, bốc đồng, thô lỗ và ích kỷ. Đó là những thanh thiếu niên hư hỏng điển hình và khó ưa cho cả thiên hạ. Ngoài ra, nếu cha mẹ “thua cuộc” thì họ dễ cáu gắt, lương tâm cắn rứt khôn nguôi.

Một phương pháp không có kẻ thua cuộc

Tuy nhiên, có một khả năng thứ ba: khả năng mà “không ai bị thua cuộc”. Tâm lý gia người Mỹ Thomas Gordon gọi nó là phương thức không có kẻ thua cuộc. Đó là một hình thức “thương thuyết” mà trong đó cả cha mẹ lẫn con cái đều giành chiến thắng, phương thức để cùng nhau tìm kiếm một giải pháp có thể chấp nhận được cho đôi bên. Người ta có thể mô tả điều này ra sao: cha mẹ và con cái đang ở trong một tình huống xung đột (chẳng hạn một phòng một căn phòng lộn xộn thường xuyên). Người mẹ yêu cầu đứa trẻ tham gia tìm kiếm một giải pháp (“Đó là một điều khủng khiếp để mẹ lau chùi căn phòng của mẹ”, “Và mẹ không phải là người lau phòng ốc cho con”. “Nếu mẹ đảm nhận việc rửa chén đĩa một tuần ba lần thì con cũng phải sắp xếp gọn gàng phòng ốc của mình chứ? '“Ta có thể thử làm”). Hai bên lượng giá giải pháp có thể thực thi bằng cách phê bình và sau đó ưng thuận giải pháp làm hài lòng cả hai bên. Chẳng cần một ai phải viện đến quyền bính hay sự đe dọa.

Đứa trẻ được khuyến khích để thi hành quyết định, lý do người ta không được áp đặt quyền lực đối với nó, nó học cách suy nghĩ và đối phó với vấn đề. Trẻ tự hào bởi được coi là “bình đẳng”. Cha mẹ nên ít dùng đến hình phạt và lời la mắng. Sẽ có tình thân ái gia tăng và giảm thiểu chiến tranh trong gia đình.

Sáu giai đoạn

Trọng tâm của phương pháp này bao gồm sáu giai đoạn quan trọng:

Nhận dạng và định rõ sự xung đột. Đây là thời điểm tế nhị nhất : cha mẹ và con cái cần rất nhiều thiện chí. Điều đó cần để có một khoảnh khắc hoàn toàn bình tâm, nhờ vậy đôi bên có thể sẵn lòng bước vào cuộc thương lượng. Người ta nên tránh các công thức mơ hồ và đi vào điểm cốt lõi của vấn đề. Cha mẹ nên tránh kiểu phát biểu thuộc lòng gây xúc phạm (“ăn gì mà ngu vậy”) hoặc đã từng biết gây nên nhục nhã (“thằng khốn nạn”), nhưng nói cách minh bạch điều mình cảm thấy. Con cái sẽ làm chính cái điều cha mẹ đã làm.

Liệt kê các giải pháp có thể. Vô phúc thay khi bắt đầu bằng câu “Ai có lỗi?”. Câu hỏi duy nhất cho phép là “Ta có thể ra khỏi đó bằng cách nào?”. Các giải pháp đề xuất bởi cha mẹ và con cái phải được viết trên giấy, không được bình phẩm chi cả.

Đánh giá các giải pháp được liệt kê. “Có giải pháp nào đó tốt hơn so với những giải pháp khác không ?”. Điều quan trọng trong giai đoạn này là cha mẹ và con cái bày tỏ tâm tư mình cách chân tình: “không. Điều này làm con không phục” ; “không được, việc này không hài lòng cha mẹ”.

Chọn giải pháp thích hợp nhất và có thể chấp nhận. “Xem ra ta đồng ý về giải pháp này: ta bắt đầu thi hành để xem nó có thật sự giải quyết được vấn đề hay không”. Cha mẹ sẽ đảm bảo rằng quyết định được lựa chọn được hiểu rõ.

Thiết lập các chi tiết và phương tiện áp dụng quyết định. “Ai sẽ làm điều này và làm khi nào? Bao nhiêu lần một tuần?”. Nếu bất đồng liên quan đến giờ đi ngủ, ai sẽ định giờ giấc?

Xem xét và đánh giá lại các quyết định. Thường xảy ra việc thanh thiếu niên có cam kết mà rồi không thể thực thi. Đôi khi hoàn cảnh đòi phải điều chỉnh và thay đổi quyết định.

 

Ta sẽ nỗ lực tìm ra một giải pháp “không ai bị thua cuộc” cho một vấn đề đã kéo dài từ lâu.