20. HƠI THỞ CỦA TÌNH YÊU - HỌC BIẾT THA THỨ

 

Một ngày nọ Don Bosco nói với anh Gioakim Berto, người thư ký trẻ tuổi có vẻ nhút nhát và lo lắng bối rối trong công việc của mình: “Xem kìa, con quá sợ Don Bosco: có lẽ con nghĩ là cha nghiêm ngặt và hay đòi hỏi, do đó xem ra con e sợ cha. Con không dám nói chuyện với cha cách thoải mái. Con luôn lo lắng về chuyện không thể làm hài lòng cha. Nhưng con hãy loại bỏ mọi băn khoăn lo lắng ấy đi. Con biết rằng Don Bosco rất yêu thương con: bởi vậy, nếu con phạm phải lỗi nhỏ thì đừng để ý đến nó, còn nếu con phạm phải lỗi lớn thì cha tha thứ hết cho con”.

Sự tha thứ chiếm một vị trí quan trọng trong hệ thống giáo dục của Don Bosco. Tiếc thay việc giáo dục sự tha thứ trong gia đình đương thời được hiểu biết nông cạn cách nguy hiểm. Ta đang sống trong bầu khí văn hoá không trân trọng khái niệm về sự tha thứ và xem “lòng thương xót” là một đức tính xa lạ.

Tuy nhiên, sự tha thứ trong gia đình là một trong những nguồn sinh lực ngăn ngừa sự suy thoái các mối tương quan. Gia đình là nơi trổi vượt về sự tha thứ.

Ta có thể đưa ra một vài xem xét đơn giản.

Người ta học tập khả năng tha thứ từ kinh nghiệm. Người ta học biết tha thứ từ cha mẹ mình. Trong lĩnh vực này ta đều là những người học nghề. Ta phải học cách tha thứ. Nếu khi con cái còn là trẻ nhỏ mà cha mẹ đã biết xin thứ lỗi cho những sai trái của mình, thì hẳn trẻ sẽ biết tha thứ như thế nào rồi. Nếu ta đã thấy cha mẹ tha thứ cho nhau, ta sẽ dễ dàng biết làm thế nào để tha thứ. Nếu ta từng trải qua kinh nghiệm mình được tha thứ nhiều lần, ta sẽ không chỉ biết thứ tha là gì, mà đích thân mình được sống cái khả năng tuyệt vời của nó: sự tha thứ có sức biến đổi kẻ khác.

Tha thứ chân tình liên quan đến những điều quan trọng. Ta thường liên tưởng sự tha thứ với những sai phạm nhỏ nhặt. Sự tha thứ đích thật xảy đến khi có điều gì đó thật sự nghiêm trọng và gây bàng hoàng xảy ra mà không có lý do chính đáng. Bỏ qua lỗi lầm nhỏ nhặt thì có thể dễ dàng. Sự tha thứ có liên quan đến những điều nghiêm trọng. Nó là một hành động “anh hùng”.

Tha thứ chân tình không che giấu sự thật. Sự tha thứ đích thật thừa nhận rằng: thật ra người ta đã phạm sai lầm, nhưng khẳng định rằng cá nhân người đã phạm lỗi dù sao đi nữa vẫn xứng đáng được yêu thương và tôn trọng (“dù sao đi nữa tôi vẫn yêu em”). Tha thứ không phải là bào chữa cho một cách hành xử: Sai lầm vẫn là một sai lầm.

Tha thứ không phải là yếu đuối. Sự tha thứ đòi hỏi lỗi lầm đã phạm phải được sửa lỗi hoặc ít ra là không tái phạm. Một sự sửa lỗi chẳng bao giờ là một hình thức che đậy các tỗi lỗi đã phạm, mà là ý muốn cụ thể để xây dựng lại hoặc bắt đầu lại cuộc đời.

Tha thứ chân tình là chiến thắng. Khi người ta hiểu ra việc đã tha thứ và bày tỏ sự tha thứ, người ta được giải thoát khỏi một gánh nặng lớn lao. Nhờ cụm từ đơn giản, “người ta tha thứ cho bạn”, bạn có thể giải quyết mọi tình cảnh rối ren, cứu vãn các mối quan hệ đang có chiều hướng bị phá vỡ và rất nhiều phen đem lại bầu khí thanh bình cho gia đình. Sự tha thứ luôn luôn là một phương dược của niềm hy vọng.

Tha thứ chân tình quên thật sự. Đối với nhiều người, tha thứ chỉ có nghĩa là chôn giấu lưỡi rìu chiến tranh dưới mặt đất nhưng cái cán vẫn lộ ra ngoài. Hễ có dịp họ sẵn sàng để nắm lại cán rìu.

Cần rèn luyện tha thứ. Sức mạnh tha thứ tiềm ẩn trong tất cả chúng ta, nhưng như mọi năng khiếu khác ta phải tập luyện để lôi nó ra. Lúc đầu cần phải có thời gian và rất nhiều kiên nhẫn. Có thể khởi đầu tập luyện với ý định của lòng khoan dung, rồi giảm thiểu những cáo trạng gây xúc phạm bật dậy trong quá khứ, hiện tại và tương lai. Nên luôn nhớ rằng “tiên trách kỷ, hậu trách nhân”, ai chỉ một ngón tay vào lỗi người khác, thì họ cần chỉ ít nhất ba ngón vào lỗi chính mình.

Tha thứ luôn luôn biểu hiện tình yêu đích thật. Ai không yêu cách chân thành không có khả năng tha thứ. Tóm lại, vì lý do này mà cha mẹ phải tha thứ rất nhiều cho con cái. Tiếc thay con cái tha thứ rất ít. Oscar Wilde cho biết: “Con cái bắt đầu với lòng yêu mến cha mẹ ; dần dà lớn khôn, trẻ xét đoán, phê bình và chỉ trích cha mẹ ; thỉnh thoảng trẻ mới thông cảm và tha thứ cho họ”. Tha thứ là hơi thở của tình yêu.

“Vì họ không biết việc họ làm”. Sứ điệp mà Chúa Giêsu mang lại cho nhân loại là sứ điệp của sự tha thứ. Lời của Ngài trên thập tự giá là “Lạy Cha, xin tha cho họ vì họ không biết việc họ làm”. Lời cầu nguyện chân thành này chứa đựng bí quyết để học cách tha thứ.

Đặc biệt khi đề cập đến thanh thiếu niên, tính trẻ người non dạ và thiếu hiểu biết là nguyên nhân của hầu hết mọi lỗi lầm của trẻ. Giận dữ và trừng phạt chỉ phá vỡ nhịp cầu cảm thông, tha thứ như cánh tay dang ra để nâng đỡ và chấn chỉnh nhân cách.

Tha thứ chân tình nảy sinh từ trên cao. Một trong những điểm tựa của hệ thống giáo dục Salêdiêng là Bí Tích Hòa Giải. Don Bosco biết rõ rằng ai cảm nếm mình được tha thứ thì người đó dễ sẵn lòng để thứ tha hơn. Ngày nay, người ta ít biết xưng tội hơn; bởi vậy người ta ít biết tha thứ hơn. Ta hãy luôn luôn nhớ đến dụ ngôn trong Tin Mừng về hai người mắc nợ và lời Kinh Lạy Cha ta đọc hằng ngày: “Xin tha nợ chúng con, như chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng con”.

 

Ta sẽ khép lại một ngày sống bằng vòng tay yêu thương tha thứ.