21. ĐẶT HƯỚNG ĐI CHO SỨC MẠNH – THANH THIẾU NIÊN HUNG HĂNG THÌ SAO?

 

Một trong những kiệt tác sư phạm độc đáo nhất của Don Bosco đã khởi sự từ chiều tối mùa thu năm 1857. Don Bosco chờ ở phía trước nhà ga Carmagnola để đáp chuyến tàu đi Tôrinô. Mờ mịt trong làn sương mù, một nhóm thanh thiếu niên chơi đùa và la hét om sòm. Có một đứa trẻ ảnh hưởng vượt trội trên mọi đứa còn lại. Don Bosco tiến lại gần nhóm trẻ, gặp một linh mục đám trẻ chạy tán loạn vì hoảng sợ. Chỉ có đứa thủ lĩnh đứng lại thách thức kẻ phá đám, hai tay chống nạnh với dáng điệu anh hùng. Tên đứa trẻ là Micae Magone và tính hung hăng nó có đã bị Don Bosco khuất phục.

Don Bosco đã chẳng cỡi ngựa xem hoa và muốn chọc tức tên đầu sỏ nhỏ tuổi. Ngài chỉ cần nhận ra rằng tất cả sự hung hăng đó có thể được lái đến một mục tiêu và nó sẽ trở thành một sức mạnh tuyệt vời. Ngài đã làm như đã nhận ra. Sau một năm và vài tháng, ngay khi còn sống, Micae Magone đã trở thành một cậu bé mẫu mực, hiếu học, chu đáo, có sự tự chủ như Don Bosco đã nói về cậu: “Với tính nóng nảy từng có, không hiếm những lúc cậu để cho cơn tức giận bộc phát lôi kéo mình theo ; nhưng người ta chỉ cần nói với cậu thế này đã đủ rồi : Magone, con làm gì vậy? Đây là sự trả thù của một Kitô hữu ư? Chỉ như vậy đã đủ để trấn tĩnh cậu, làm cậu xấu hổ đến nỗi chính cậu đi xin bạn bè thứ lỗi cho mình”.

Tính hung hăng là một hình thái năng lượng khi không có sự can thiệp của một nhà giáo dục tâm huyết, nó có thể mang tính phá hoại. Trong chiều hướng này, người ta hiểu sự khẳng định của D. Winnicott: “Tăng trưởng là một hành động tấn công, không phải vì người ta thật sự cần tấn công người khác, nhưng bởi vì tăng trưởng thì cần đương đầu với các xung đột, khẳng định các ý tưởng của riêng mình, thảo một dự án về chính mình; do vậy, điều đó cũng bao gồm khả năng phóng chiếu vào tương lai điều người ta sẽ là người trưởng thành, sẽ thế chỗ của cha mẹ ngày nay”.

Do đó, hơn bao giờ hết nó là điểm rất tế nhị trong việc giáo dục thanh thiếu niên và giới trẻ ngày nay. Bạo lực đang trở thành bệnh AIDS trong xã hội ta. Thật hiển nhiên nếu người ta sống trong một môi trường quá khích theo cách phá hoại, rốt cuộc người ta trở thành quá hung tợn và hung hăng một cách thiếu suy nghĩ. Đây là mối nguy hiểm thật sự mà người ta phải đối mặt với thanh thiếu niên ngày nay. Bạo lực là thứ dịch bệnh, như người ta đọc và xem được từ các bản tin thời sự. Tin tức về các sự kiện trở thành bức tranh toàn bạo lực: nhữngcuộc chiến tranh được truyền hình trực tiếp, những cuộc ném đá từ trên các cầu vượt xuống đường, những vụ kiện tụng quái gở khơi lên sự hấp dẫn của trò ác nhân ác đức.

Có một nhu cầu mạnh mẽ về các chương trình bạo lực nơi giới trẻ: để chúng ra khỏi sự bình thường, sự buồn chán và để cảm nhận ấn tượng ngày càng mạnh hơn, theo định luật đòi phải tăng độ mạnh bạo và tính mới lạ cho một kích thích nhằm vượt qua cái ngưỡng của thói quen nhàm chán thường ngày.

Đôi khi chính cha mẹ đẩy con cái mình tới tính đua tranh làm vấn đề trầm trọng thêm. Kinh nghiệm hàng ngày cho ta biết rằng kẻ hà hiếp dường như luôn luôn có sự thắng thế.

Thể thao có lẽ là một công cụ tuyệt vời để khơi dòng chảy cho xung năng hung hăng, nhưng hiện tượng “hâm mộ” lại biến nó thành một cái cớ cho cuộc chiến tranh vô lý giữa các băng nhóm. Vì vậy điều quan trọng là giúp con cái không rơi vào cái bẫy của sự hung hăng ngạo mạn. Một vài lưu ý đặc biệt có thể là hữu ích trong dự án tổng thể cho một nền giáo dục có tính “xây dựng” :

Đứng trước hành vi hung hăng của con cái, cha mẹ luôn luôn nên tự hỏi trước khi phản ứng lại: “Tôi muốn xây dựng hoặc phá hủy?”. Xây dựng có nghĩa là tránh sự đấu tranh giành quyền lực, đề nghị và không đấu tranh, khơi thông dòng năng lượng nơi con cái đi theo khía cạnh tích cực.

Tránh sự nhàm chán và nhàn rỗi. Con cái và thanh thiếu niên không có gì để làm và không được khuyến khích về mặt văn hóa, thể thao và lý tưởng, có xu hướng “thổ lộ tâm tình” bằng những hành vi hung hăng vô ích.

Đừng bao giờ tán thưởng cho cách hành xử hung hãn. Cha mẹ phải là cái thanh chắn và họ phải kiên quyết ở điểm này: làm cho thật sáng tỏ rằng sự tấn công không được trả lương bổng. Và hãy nhớ tán thưởng con cái khi chúng biết hợp tác, giúp đỡ và cư xử đúng cách. Thật đáng tiếc, nhiều bậc cha mẹ xếp cử chỉ hung hãn vào chuyện bình thường.

Đưa ra một số cơ hội thành công. Rất nhiều sự gây hấn nảy sinh từ tâm trạng thất vọng. Một thiếu niên với lòng tự trọng lành mạnh và đầy tự tin chẳng cần đến chuyện gây hấn.

Cha mẹ phải là những người “công minh chính trực”. Trẻ con rất nhạy cảm với sự công bằng trong gia đình. Một vài luật lệ và quy tắc trong nhà tránh được những trận chiến dồn dập và tranh cãi tới tấp.

Nêu gương tốt cho con cái. Khi cha mẹ la hét, chửi rủa hoặc bạt tai con cái, trên thực tế chính họ đang khước từ vị thế của người hướng dẫn về mặt luân lý đạo đức và họ rơi vào cùng bình diện của đứa bé giận dữ đập đầu ăn vạ; do đó nó chỉ còn là chuyện để xem ai hét to hơn và lâu hơn.

Giới thiệu các lý tưởng, chỉ bảo các mục tiêu. Điều quan trọng là thường xuyên nói với con cái về nhữngtriển vọng, ước mơ và tương lai của chúng.

Đưa con cái vào môi trường “có tính xây dựng”. Nhóm bạn, hiệp hội, nhà sinh hoạt của giáo xứ, giúp thanh thiếu niên tái khám phá “niềm vui thú cùng quây quần bên nhau”.

 

Tôi sẽ không để mình rơi vào cái bẫy “phần thắng thuộc về ai la hét to hơn”.