22. SIÊU NHÂN CHỈANH HÙNG RƠM - GIÁO DỤC VỀ SỰ ĐAU KHỔ

 

“Cách chắc ăn nhất để con cái làm điều khó khăn là hãy làm cho điều đó trở nên dễ dàng”. Đó là câu nói đùa danh tiếng được gán cho bà Eleanor Roosevelt, câu nói tỏ rõ tính thời sự vào thời buổi tiến thoái lưỡng nan về giáo dục của ta hôm nay, một thời buổi mập mờ trong việc ăn năn hối hận cho lối sống phóng khoáng, buông thả và (cách sâu xa) sự thờ ơ đối với các thế hệ mới. Quý cha mẹ cố gắng tạo ra một cuộc sống “hoàn hảo” cho con cái, họ hạn chế khả năng và đánh cắp trí thông minh của trẻ, khiến trẻ lớn lên mà không được khuyến khích. Cách riêng với cha mẹ, nó là chuyện rất tự nhiên khi họ muốn cho con cái mình đi trên một nẻo đường vắng bóng sỏi đá, không chút đớn đau và mệt nhọc. Nhưng chắc hẳn ta phải hiểu rằng: ngay từ lúc cất tiếng khóc chào đời, con người đã bắt đầu bước vào bể khổ.

Nỗi đau thương gắn liền với đời người như bóng với hình, như nóng với lạnh, như thịnh với suy. Đời một người vắng bóng đau khổ cũng có thể là một đời người thiếu vắng niềm vui. Vấn đề thật sự của nhiều người trẻ ngày nay đó chính là nỗi buồn chán do thiếu sự thử thách. Với thiết bị điều khiển từ xa của cái tivi (remote control), hàng ngày con cái và thanh thiếu niên được tập cho thói quen lướt kênh (zapping) : trẻ chọn điều chúng muốn và khi nào trẻ muốn chúng căn cứ trên một tiêu chuẩn duy nhất : “Tôi thích hoặc tôi không thích”.

Khoái lạc đối với nhiều người lớn cũng đã trở thành thước đo mọi sự. Khẩu hiệu mì ăn liền là “tất cả và ngay lập tức”, có thể đạt được cách dễ dàng mà chẳng cần nỗ lực. Thần tượng là những “ai đã làm họ” : giàu có, nổi tiếng, xinh đẹp, mạnh mẽ... Giá trị “khoái lạc” kéo theo những hiệu năng mới: phù phiếm và khoe khoang, giàu sang và thành đạt, cạnh tranh và bạo lực.

Trong một tình cảnh như thế cần có một sự “giáo dục về khổ đau”. Những đau khổ về thể xác và tinh thần.

Con cái cần học để làm chủ đau khổ thể xác. Con cái ngày nay được ôm ấp và bảo vệ kỹ lưỡng đến nỗi chỉ bị một vết đứt tay hay vết trầy xước đủ khiến người ta la lên tưởng chừng như xổ ngay cả bộ ruột (“Nhà giàu đứt tay bằng ăn mày đổ ruột”). Không những nỗi đau đớn thể xác mà cả sự khó chịu về thể lý cũng luôn luôn bị e dè sợ hãi khiến nó được tránh né cách cặn kẽ hơn. Cũng do quảng cáo luôn nhấn mạnh nhiều hơn về hình thức thể lý, về sự cần thiết của cái “cảm thấy tốt” của kẻ luôn hoạt bát, tháo vát và nhanh nhẹn như vận động viên điền kinh. Tủ thuốc gia đình của ta đang tràn ngập các loại chế phẩm hoá học và “đôi nạng hóa chất” đỡ nâng mọi bất trắc và đau đớn, những liều thuốc kỳ diệu đã thay thế tất cả : “Bạn hãy uống xirô và nuốt ực viên thuốc, ngay lập tức bạn sẽ cảm thấy khoẻ khoắn hơn, bạn sẽ có vẻ trẻ đẹp hơn hẳn”. Ta đang rơi vào nguy cơ tạo ra một dạng người bị tước khí giới chiến đấu khiến họ đâu còn có sự nỗ lực nào nữa, kể cả sự mệt mỏi cũng cần loại bỏ tận gốc. Dĩ nhiên trừ lúc người ta uốn éo thân thể để biểu diễn thời trang. Nhưng ngay cả điều này cũng không nên đòi hỏi những ráng sức quá mức cần thiết. Cách duy nhất để ngăn chặn việc con cái đang dần dà sa đà yếu nhược, không xuất phát từ sự công kích và lời khuyến khích mà chỉ từ gương sáng của cha mẹ.

Con cái phải học cách đương đầu và giải quyết vấn đề. Một trong những đỡ nâng quý nhất mà cha mẹ có thể trao cho con cái, cốt yếu là việc tăng cường khả năng đối phó trong mọi tình cảnh khó khăn và đòi hỏi phải cố gắng (mỗi lần một chút và luôn tính đến mức độ trưởng thành của trẻ). Phản ứng lại các vấn liên quan đến thanh thiếu niên ngày nay có nguy cơ bị mất cân xứng: bất cập khi trốn chạy ưu phiền, hoặc thái quá khi gây hấn cách thiếu suy nghĩ. Để giải quyết các vấn đề cuộc sống, người trẻ chỉ có thể học biết với sự giúp đỡ của cha mẹ, họ là người hiểu phải làm thế nào để hướng dẫn con cái biết xem xét và cảm nhận các vấn đề như là một thách thức cho trí thông minh và chí khí. Để đương đầu với một vấn đề, một thiếu niên cần có một ấn tượng tốt về chính mình, có những mục tiêu cụ thể cần đạt được, có khả năng xác định những việc cần thực hiện và đa dạng hóa các chiến lược.

Tuy nhiên, con cái phải biết rõ rằng khó nhọc, kiên nhẫn, bền lòng, hy sinh là thành phần của cuộc sống. Nếu có các vấn đề về gia đình mình, con cái cần phải hiểu biết chúng. Và được can dự trong các giải pháp.

“Dạy dỗ con cái chấp nhận thua bại còn quan trọng hơn dạy trẻ giành chiến thắng” là khẩu hiệu của một chiến dịch chống ma túy và đó là một lời khuyên khôn ngoan. Chịu đựng đau khổ về mặt tinh thần vì mất người thân yêu, vì một điều yêu quý hay điều chi đó tương tự thì hết sức khó khăn. Yêu thương có nghĩa là không thể tránh khỏi đau khổ. Yêu là khổ. Nhưng sống cũng có nghĩa là biết cách phản ứng lại thế nào.

Cha mẹ không thể bảo vệ con cái ở ngoài đời: tính quả quyết và lòng can đảm mà trẻ sẽ phải đối mặt với những điều bất hạnh trong tuổi trưởng thành phải được dạy bảo suốt thời thơ ấu. Nếu cha mẹ đang có ý định hướng dẫn con cái can đảm chấp nhận cuộc đời, nếu họ có kỳ vọng để dạy cho trẻ sự hài lòng đến từ việc khắc phục những trở ngại và nâng cao khả năng để trẻ làm điều phải làm, thì trẻ cần học biết để tránh những cạm bẫy của lòng thương cảm thái quá. Điều này không có nghĩa là bỏ mặc đứa trẻ trong cơn khốn đốn.

Con cái cần được giúp đỡ để nhận biết thực tế và phân biệt chúng với những giấc mơ. Trẻ nhỏ thường có cảm giác về những Siêu nhân nho nhỏ (Super Mario Bros) bất khả xâm phạm và bất khả chiến bại, tung bay giữa các đám mây. Sự tiếp xúc trực tiếp với một số thực tế phũ phàng, có thể làm chấn thương tâm lý nếu con cái không được chuẩn bị trước.

 

Tôi sẽ cùng với con cái vượt qua khó khăn của chúng.