27. CÁC VỊ TỬ ĐẠO NHỎ TUỔI – NHỮNG KẺ ƯA BẮT NẠT Ở TRƯỜNG

 

Một nghiên cứu gần đây, trên tổng số 1.379 học sinh trong ba năm cuối ở tiểu học và trung học, đưa ra một kết quả làm nhiều người ngạc nhiên. Một tỷ lệ rất cao các học sinh tiểu học cho biết chúng phải chịu ngược đãi từ phía đồng bạn “một đôi lần hoặc nhiều lần trong tuần”. Một lần nữa hiện tượng tỏ ra rất đáng lưu tâm về “thái độ ra oai” trước khi đến “chịu đựng” sự ngược đãi. Những biểu hiện đầu tiên của hiện tượng này là “xúc phạm bằng lời thô tục” và “bị đấm đá trực diện”. Bộ tịch kẻ kiêu căng chẳng cần biết người đối diện lớn hay bé, trai hay gái.

Trong những năm qua gia tăng chuyện gây lộn gián tiếp, chủ yếu ở việc “chế diễu” hoặc loan tin vu khống về ai đó. Đôi khi, con cái bị chế nhạo vì chúng còm cõi, khuyết tật hoặc thiểu năng làm chúng không giống người khác. Bạn học cùng trường thường biết tinh tường các trò tàn nhẫn. Trong một số trường có bầu không khí “chiến tranh băng đảng”. Thanh thiếu niên chỉ trích và công kích kẻ khác hầu như luôn luôn có một gia đình yếu kém về mặt xã hội, xung đột hoặc tan vỡ ẩn sau đó, khiến cho gia cảnh không thể đem lại sự an toàn và đoàn kết.

Bất cứ vì lý do gì, thường người ta rơi vào vòng luẩn quẩn: đứa trẻ rụt rè càng dễ trở nên nhút nhát, bất an và có thể bị tổn thương; kẻ ưa khủng bố củng cố sự hung hăng của nó. Cách hành xử này hướng đến ổn định ở tuổi dậy thì. Cả khi cách hành xử coi bộ mang tính tầm thường, nỗi đau thương và sầu khổ mà chúng gây ra có thể dẫn đến các vấn đề tồn tại suốt cuộc đời.

Đây là lý do tại sao bắt buộc cha mẹ và nhà giáo dục có bổn phận nhận thức vấn đề và quyết tâm can thiệp. Ngay cả khi trẻ chịu đau khổ cách nhức nhối chúng cũng chẳng hé môi ở nhà, vì sợ làm mất lòng thương mến của cha mẹ. Bởi vậy, cha mẹ tập cho con cái có thói quen nói về : ngày học hành, bạn bè, việc trên đường đến trường và dùng thời gian kỳ nghỉ là điều quan trọng.

Điều quan trọng còn là bầu khí ngự trị trong môi trường xã hội: ở học đường, nơi quê hương, quanh phố phường. Nơi các nhà ngài, Don Bosco muốn có bầu khí liên đới thật sự : thanh thiếu niên lớn phải ân cần đón nhận các em nhỏ hơn, giúp các em sớm thích nghi. Vả lại, ngài đã lập những “toán bạn”, nhóm thanh thiếu niên dấn thân giữa các bạn hữu, để “làm điều tốt” cho các bạn.

Gương sáng là điều cốt yếu. Con cái mô phỏng theo mô phạm chúng nhìn thấy, do vậy, nếu cha mẹ và thầy cô có bạn bè, sống thân thiện và cởi mở với nhau, chúng cũng dễ hành xử theo cách tương tự. Thông thường, môi trường học đường là hình ảnh trung thực phản ánh môi trường xung quanh.

Điều quan trọng là tìm cách hiểu cho rõ nguyên nhân thật sự của cách hành xử hung hăng. Cha mẹ không nên nói: “Hãy học cách tự vệ!”. Ngoài nguy cơ bị tổn thương, đứa trẻ nhút nhát sẽ không thể làm như thế được, rốt cuộc nó sẽ thêm nhục nhã và còn càng cảm thấy bất bình.

Cách để giúp một đứa trẻ bị chúng bạn cô lập hoặc bị ngược đãi là tạo cho trẻ sở đắc một kỹ năng khiến những đứa trẻ khác lấy làm cảm phục. Cha mẹ nên tạo điều kiện thuận lợi cho tình bằng hữu của con cái, đừng làm chúng ngã lòng, đặc biệt khi con cái là đứa con duy nhất.

Chẳng nghĩa lý gì khi nộp “một đồng cắc” cho kẻ bắt nạt. Chỉ làm nó thêm xác tín rằng việc dùng vũ lực để đánh bại kẻ yếu hơn mình là chuyện bình thường. Đứa bé hùng hổ ưa gây gổ ở trường là kẻ muốn gây sự chú ý bởi nó thiếu tự tin, nhưng cũng có thể nó là nạn nhân của sự nạt nộ ở nhà và đang làm lại điều nó đã chịu trên kẻ yếu hơn mình. Gây tổn thương cho người khác cũng có thể là cách một thiếu niên làm để xua đuổi vết thương lòng.

Giáo viên trong một lớp học có thể giúp ích thật nhiều cho học sinh của mình bằng cách khuyến khích các em làm việc chung và học tập theo nhóm. Nhằm tạo điều kiện cho các em gặp gỡ nhau ngoài giờ lớp, tùy theo loại bài tập về nhà mà có thể khuyến khích các em cùng nhau học chung. Khi nhận biết một em bị biến thành con dê tế thần của chúng bạn, giáo viên phải ra tay can thiệp. Để giúp trẻ ra khỏi vai trò tiêu cực, giáo viên có thể giao phó cho trẻ vài công tác và cổ vũ trẻ trau dồi các khả năng và kỹ năng nhằm nâng cao lòng tự trọng và đặt trẻ ở một vị trí khác so với các bạn cùng lớp.

Trong lớp học giáo viên cũng có thể gặp trục trặc trong tương trợ của một nhóm, cần cho học sinh biết rõ tình trạng của nhóm. Chẳng hạn, có thể thảo luận về lý do vì đâu lâu lâu một nhóm lại bế quan toả cảng và không chấp nhận các thành viên mới.

Cha mẹ và thầy cô có bổn phận giới thiệu kiểu làm việc hợp tác giữa con cái, bằng cách mượn và cho mượn các dụng cụ học tập, sách vở, băng đĩa và trao đổi kỹ thuật chơi đồng đội.

Một công việc chuyên biệt hơn, có thể có tâm lý gia cho trường học.

Sự gây gổ nơi học đường dường như là một vấn đề chỉ có thể giải quyết được với sự hợp tác có hiệu quả giữa cha mẹ và nhà giáo dục. Cộng đoàn giáo dục phải học cách làm sản sinh “kháng thể” cần thiết để vô hiệu hoá sự nhiễm trùng trong vấn đề này, điều gây nhiều đau khổ vô ích và phi lý.

 

Tôi sẽ nắm bắt thông tin về môi trường học đường của con cái tôi cách đều đặn.