29. BÁNH MÌ, TÌNH YÊU VÀ TRÍ TƯỞNG TƯỢNG - GIÁO DỤC TÍNH SÁNG TẠO

 

Sự biếng nhác là kẻ thù số một của Don Bosco. Ngài luôn luôn chiến đấu chống lại kẻ thù đó bằng phương pháp sư phạm của ngài bằng cách khuyến khích và mở ngỏ cho sự sáng tạo, điều ấy nhằm mang lại hy vọng tràn trề, lòng khát mong để làm việc, học tập, hành động, sống và chung sống. Ngài nói rằng “Cha muốn rằng ở bất kỳ thời điểm nào người ta nên luôn luôn làm điều chi đó, và đừng bỏ phí thậm chí chỉ là một phút”.

Trường học và nguyện xá của Don Bosco đã phải là “kho dự trữ vũ khí” về các đề xuất và cơ hội cho những hoạt động. Đó là một linh cảm phi thường ngay cả đối với thời đại ta. Thiếu cởi mở và tự bào mòn như kẻ thù xưa cũ rảo quanh tìm mồi cắn xé ngay cả ngày nay nữa giữa thanh thiếu niên: đó là nỗi buồn chán, tính thụ động như bị mộng du, vẻ lãnh đạm như bị tạm giam, chủ nghĩa xu thời hời hợt. Một khoảng trống nội tâm thường được lấp đầy bằng những kinh nghiệm hão huyền và khốn đốn.

Tuy nhiên thời đại ta là thời có quá nhiều những nhu cầu phải đối diện. Trong tương lai, cả đến thế giới công việc cũng sẽ đòi hỏi càng ngày càng sáng tạo hơn. Dần dần máy tính sẽ đảm nhận hầu hết các lề thói làm việc và các hoạt động tinh thần không sáng tạo, tâm trí sáng tạo sẽ luôn luôn được đánh giá cao hơn và được khen thưởng nhiều hơn trong mọi lĩnh vực hoạt động của con người. Nhưng đó phải là tính sáng tạo được đào luyện. Mỗi đứa trẻ đều có tiềm năng về sức sáng tạo cao độ nếu chúng được trao cho cơ hội để tập luyện và cải thiện kỹ năng này.

Dưới đây là một số đề nghị đơn giản.

Làm sao cho mỗi ngày bạn có một vài phút để ngồi với con cái và lắng nghe chúng. Cho phép trẻ thổ lộ tâm tư và nói về sự tình đang có. Trẻ cần phải chia sẻ những điều vui thú, tình cảm, nỗi sợ hãi, âu lo, điều yêu thích... Không có ngoại lệ, những đứa trẻ sáng tạo yêu mến sách vở và tiếp xúc với điều giúp trẻ nhanh chóng phát triển tính sáng tạo của mình. Khi còn nhỏ trẻ sẵn lòng bắt chước cha mẹ trong lời nói và việc làm. Khi lớn hơn, trẻ cần trao đổi ý kiến với cha mẹ, họ phải giải thích quan điểm riêng và yêu cầu nó cho con cái.

Hãy nuôi dưỡng tính hiếu tri của trẻ và cung cấp cho trẻ những phương tiện để thể hiện mình. Con cái cần có không gian riêng để sáng tạo, đọc sách báo, sắp xếp các bộ sưu tập, suy nghĩ. Hãy khuyến khích con cái ham hiểu biết, đừng đưa ra câu giải đáp quá đơn giản trước các vấn nạn liên tục của trẻ, và cố gắng đừng bực mình trước ước muốn khám phá triền miên của trẻ. Hãy cung cấp nhiều vật liệu để thể hiện tính sáng tạo. Không cần thứ đồ chơi đắt tiền, nhưng những thứ đơn giản và đa dạng về chủng loại: từ những chiếc đĩa giấy tới cây bút lông, từ cục gỗ đến cái chai nhựa. Thỉnh thoảng hãy tắt truyền hình đi, dắt tay trẻ đi ra ngoài để cùng nhau khám phá thế giới. Một đứa trẻ xem truyền hình cả ngày, chẳng chóng thì chầy sẽ nghĩ rằng truyền hình giúp nó thoát khỏi sự buồn chán. Thật ra nó là căn cớ của sự nhàm chán.

Hãy làm tăng cảm giác an toàn cho con cái bằng cách để trẻ can dự vào các quyết định và kế hoạch của người lớn. Đó là chứng cứ sống động cho con cái biết là chúng rất quan trọng, không chỉ như những người được hướng dẫn, nuôi dưỡng, chăm sóc, nhưng như là những nhân vị có một không hai. Trẻ càng cảm nhận được tính độc đáo và cá biệt cách nội tại, trẻ lại càng có nhiều khả năng áp dụng chúng vào nơi mà trẻ tin tưởng, để dấn thân vào đời. Hãy khuyến khích con cái đối mặt với những tình huống mới, lui tới thường xuyên nơi trường giáo lý của giáo xứ và tham dự các nhóm sinh hoạt. Khi nói chuyện với con cái đừng hạ trình độ ngôn từ xuống quá thấp, tránh các hình thức ấu trĩ, đừng đối xử với trẻ như thể với kẻ ngu si chỉ vì chúng còn nhỏ.

Hãy nuôi dưỡng tính nhạy cảm của trẻ. Độ nhạy cảm là một khía cạnh quan trọng trong sự sáng tạo. Hãy cùng nhau nghe nhạc, cùng ngạc nhiên và sửng sốt với thế giới sắc màu và hình ảnh. Hãy nói về vẻ đẹp và nét hùng vĩ. Nói về sự tốt lành thánh thiện, về công bình bác ái, về thế giới không tưởng và về những tư tưởng to tát.

Hãy khuyến khích trẻ đừng là những kẻ cứng nhắc khắc nghiệt. Ngày nay, chịu áp lực làm điều mà điều thiên hạ làm thì cực kỳ mạnh mẽ. Hãy thắng vượt được cám dỗ so đo hơn thiệt, mời gọi thanh thiếu niên điều chỉnh lý do cho các hành xử của mình, cứu xét điều gì thích hợp và không hợp với chúng.

Hãy nhấn mạnh vào điều đã thực hiện được, đừng theo công nhận bề ngoài. Quá nhấn mạnh về khả năng cạnh tranh và kết quả làm ảnh hưởng đến đa số thanh thiếu niên học chỉ để đánh bại bất kỳ đối thủ cạnh tranh nào hoặc để đạt được thành công bằng bất cứ phương tiện nào. Hãy cho biết giá trị của việc nghiên cứu thì vĩ đại hơn là tranh giành danh hiệu và thành tích.

Hãy giúp trẻ luôn thành thật với chính mình. Đứa trẻ lừa dối chính mình có tâm trí hướng về người khác và tự tạo ra một nhân cách giả tạo, nó sẽ đối phó với các vấn đề bằng một chiến lược căng thẳng để làm cho những lời nói dối của nó đáng tin cậy, xử sự trong cách thức không chính đáng. Tính sáng tạo đòi hỏi nguồn suối phải thông suốt và trong xanh.

 

Tôi sẽ lên danh sách “những điều cần làm” để dùng chút thì giờ rảnh rỗi ngồi với con cái mình.