30. CHIẾN LƯỢC CON HEO ĐẤT- CON CÁI & TIỀN BẠC

 

Một “phong cách” đáng kể khác trong phương pháp sư phạm của Don Bosco được tìm thấy trong một ký ức của Don Rua: “Ngay từ hồi ấy mong muốn của Don Boscotập cho các bạn trẻ biết tự điều hòa sự chi tiêu khi tập tễnh bước vào đời; vì vậy để tập cho trẻ quen tiết kiệm và quản lý tiền bạc, ngoài món xúp cho bữa trưa và bữa chiều, buổi tối ngài cho mỗi trẻ 25 xu, để trẻ có thể mua bánh mì và chút ít gì đó ăn kèm theo”. Trong mọi hoàn cảnh, đối với Don Bosco, việc giáo dục tinh thần trách nhiệm luôn cần đến lòng tín nhiệm. Năm 1849, ngài đã giao phó tất cả tiền bạc của cộng thể ở Valdocco cho Giuseppe Buzzetti. Và khi ấy Giuseppe Buzzetti mới chỉ 17 tuổi tròn.

Khi nói đến tiền bạc, cha mẹ thường quan tâm lo lắng về số lượng nhiều ít. Họ thường tự hỏi: “Mình có làm gì trái khuấy không khi cho con cái “mũ rơm” ? Nếu cho thì giá cái mũ chừng bao nhiêu? Độ tuổi nào thì cho được? Mình có nên thưởng tiền khi trẻ thực hiện được điều gì đó tốt đẹp chăng? Khuyến khích trẻ dành dụm tiền bạc, dạy cho trẻ biết tiết kiệm tiền của thì ích lợi chứ?”. Quả thật, tiền bạc có một giá trị biểu tượng mạnh mẽ, đồng tiền đi liền “hơi thở” con cái từ khi mới lọt lòng mẹ. Và tiền bạc xuất hiện trước mắt trẻ như đối tượng cần khát khao bao lần, đôi khi cần chinh phục như mục đích số một. Chủ nhân ông, mục tiêu kính yêu và đối tượng khả ố. Hơi độc của bầu khí gia đình. Công cụ của quyền lực, độc lập, tự do, khoái lạc. Công cụ tra tấn khi trở thành nguyên do cho tội lỗi: “Với tất cả lao nhọc mà ta phải làm để thanh toán cho khoản học phí khiêu vũ, học đàn ghita, ăn bánh pizza với bạn bè, trượt tuyết ngày nghỉ…, bạn cũng có thể làm cho mình mệt mỏi chút đỉnh!”.

Khi trao tặng tiền bạc cho con cái, thay vì hỏi “có thể” hay “cần phải” thì cha mẹ có bổn phận làm sáng tỏ ý nghĩa cho hành động vừa thực tế vừa mang tính tượng trưng trong việc trao ban này. Trước hết, cha mẹ có muốn dạy con cái biết về tiền bạc mà mình phải đổ mồ hôi, sôi nước mắt mới kiếm được không ? Biết được điều đó, chớ bao giờ chu cấp cách vô cớ một khoản tiền cố định. Nhưng, theo cách làm của một số gia đình, người ta có thể ấn định khoản phí tổn cho việc tư gia của họ. Trái lại, cha mẹ muốn dạy dỗ con cái về tinh thần vô vị lợi ư? Cha mẹ cũng hãy trao ban cho trẻ cách quảng đại, và trên hết hãy để trẻ thong dong mặc lòng sử dụng điều được trao ban cách nhưng không. Đặt tín nhiệm nơi một đứa trẻ có nghĩa là giúp trẻ sống tự lập và dạy cho trẻ tinh thần trách nhiệm, nhưng chẳng phải vì vậy mà không cho phép xảy ra sai lỗi và mâu thuẫn, những điều mà chắc chắn người lớn cũng không thể tránh khỏi.

Điều đầu tiên con cái có quyền được biết. Vượt xa khỏi mọi thuật hùng biện, ta hoàn toàn biết rằng tiền bạc có một vai trò quan trọng trong đời sống xã hội đương thời. Khi cha mẹ tin tưởng con cái phải lẽ, trẻ có bổn phận nhận thức thực trạng kinh tế của gia đình. Cha mẹ có bổn phận chỉ dạy cho trẻ quản lý chi phí nhỏ trong nhà và trẻ có thể cùng đi mua sắm với cha mẹ. Thay vì nói với con cái về “giá cả bao nhiêu” và giá sinh hoạt thì đắt đỏ nhiều lần trong ngày, thật sự cha mẹ có thể dạy trẻ tính toán giá cả thế nào, nói về mức lương trung bình mỗi tháng, làm cho trẻ hiểu rằng chúng may mắn biết bao khi có những cơ hội mà nhiều trẻ ngoại quốc đồng trang lứa như chúng sẽ chẳng bao giờ có được.

Con cái có quyền học nghề. Cha mẹ nên tạo cơ hội để con cái tận dụng tối đa kinh nghiệm thực tiễn với tiền của. Có thể rất hữu ích khi cho trẻ một khoản tiền cố định và đều đặn để trẻ tự quản lý và buộc trẻ phải đắn đo chọn lựa khi chi tiêu.

Tạo cơ hội cho con cái dự phần vào việc chi tiêu ngoại lệ của gia đình. Con cái không chỉ có vai trò phụ tùy nhưng là phần tử sống động và trọn vẹn trong gia đình; với tư cách này trẻ có bổn phận dự phần trong những khó khăn, trong việc quản lý, việc tổ chức và lên chương trình cho gia đình.

Con cái cần học biết để không phung phí tiền bạc, cũng không rộng lượng cách thiếu suy xét. Chúng không nên dùng tiền của để “mua” bạn bè, danh dự hay quyền lợi. Thật tiếc thay, có bậc cha mẹ cho con cái tiền bạc để bù lấp khả năng yêu thương yếu kém của mình, họ tặng ban hoặc chối từ tùy theo việc con cái làm họ hài lòng hoặc phật ý. Bằng cách này, dưới mắt con cái tiền bạc đảm nhận ý nghĩa của yêu thương. Một khi tình thương được đồng hóa với tiền bạc, cả cuộc sống sẽ ở trong trạng thái không thoải mái với điều người ta không thể chiếm hữu.

Người ta đừng nên mua chuộc làm hư hỏng một đứa trẻ. Cha mẹ không cần phải hứa hẹn tiền bạc cho việc học hành ở trường lớp hay các “bổn phận” khác. Nó là một mắt xích nghiêm trọng mà người ta có thể gặp thấy trong vòng xoáy thường hằng của việc tự hỏi “Tôi làm, nhưng bạn cho tôi bao nhiêu?”.

Cha mẹ ngày nay không thể quên là họ đang sống trong một xã hội năng tôn thờ “con bò vàng”. Người ta cần giúp đỡ để con cái đừng rơi vào cạm bẫy của chủ nghĩa tiêu dùng thái quá. Những đứa trẻ đang ở “dưới sức ép” (từ sự thúc đẩy bên trong và quyến rũ bên ngoài) liên tục có những yêu sách; trẻ cho rằng “tất cả” bạn bè của nó có nhiều tiền bạc hơn, mặc dù quần áo của mình vẫn còn mới nhưng đã lỗi thời, bạn chúng có điện thoại tại sao chúng không có, và hàng tá điều tương tự như vậy. Con cái cần sức mạnh để tránh ghen tị với trẻ hàng xóm, để không bị mê hoặc bởi hình thức quảng cáo nào đó. Trẻ cần được trợ giúp để tránh cạm bẫy của hàng hóa “phải có bằng bất cứ giá nào”.

Hãy luôn luôn nhớ đến giá trị của tính cách vô vị lợi: đừng nhốt con cái trong một hệ thống: cha mẹ – tiền bạc – mua sắm. Bằng lời nói và gương sáng, hãy dạy cho con cái có cả đức bác ái và tình liên đới. Trên hết đó là văn hóa của quà tặng. Cách riêng trong điều cha mẹ cho thấy sự tồn tại của những nhân đức đáng quý chuộng này.

 

Chúng tôi sẽ nói chuyện với con cái về tài khoản của mình và của chúng.