33. NĂNG HÀNH QUÂN HƠN - GIÁO DỤC TÍNH LẠC QUAN

 

“Trên hết, đừng để điều gì làm chúng con xao xuyến”. Bằng cách ấy Don Bosco bắt đầu những “Hoài niệm riêng tư” cho các giám đốc. Trong “hoài niệm” đầu tiên này, Don Bosco đề cử mình như là một gương mẫu: đời ngài là một cuộc đời được nâng đỡ bởi sự lạc quan không thể lay chuyển bắt rễ trong đức cậy Kitô giáo. Mọi chứng tá đều tán thành khía cạnh đặc trưng trong nhân cách của Don Bosco ở chỗ : ngài đã chiếu tỏa sự thư thái và bình an trên các cộng tác viên và thanh thiếu niên của mình. Hơn nữa Hệ thống Dự phòng có thể phát tỏa tất cả hiệu lực của nó chỉ trong một bầu khí lạc quan tự căn bản.

Tính lạc quan như việc năng “hành quân” khiến con người dễ thành công. Mặc dù lạc quan là một cách thức phổ biến trong tư duy, nhưng hiếm khi lạc quan lại là một đức tính “tự nhiên”. Hầu hết người ta đã biến bi quan chán chường thành lạc quan yêu đời qua một kế hoạch hành động có chủ ý. Người lạc quan yêu đời lại dễ dàng trở nên yêu đời lạc quan hơn. Và đặc biệt nếu người ta đã nhận được một nền giáo dục theo nghĩa này. Như vậy cha mẹ cũng phải tự đảm nhận việc giáo dục về tính lạc quan cho con cái. Cách riêng trong thời đại ta.

Một thiếu niên đã viết trong tạp chí Những Chiều Kích Mới Lạ (Dimensioni Nuove) như sau: “Tôi 14 tuổi và đang sống một giai đoạn rất đặc biệt trong cuộc đời tôi. Chưa bao giờ tôi cảm thấy bối rối như thế này: trong tôi có sự hỗn loạn rất sâu đậm và tôi không thể hiểu điều gì đang xảy ra với tôi. Cho đến khi trước đây một năm, nghe trên truyền hình nói về trường hợp tử vong liên quan đến ma túy, tự tử, v...v... khiến tôi kinh ngạc và tự nói với mình: Nhưng làm sao người ta lại có thể phí bỏ cuộc sống của chính mình như thế chứ? Trái lại giờ đây tôi hiểu vì sao người ta lại có thể: chỉ cần nghĩ đến mọi người xung quanh chẳng hề đoái hoài về các vấn đề của bạn, nghĩ đến bạn bè chẳng mang chút hoài bão nào của riêng bạn và có lẽ họ sẽ chụp mũ bạn khi cho rằng bạn mất trí, thậm chí nghĩ đến tình yêu thầm kín của bạn người ta cũng không thèm nhìn và đi đến kết luận rằng không có một chỗ đứng trong xã hội ngày mai cho bạn...”. Đó thật sự là kết luận cay đắng cho một thiếu niên ở tuổi 14.

Ngày nay với nhiều thanh thiếu niên, cuộc sống sớm khoác lấy bộ mặt thiểu não đến nghẹt thở và thiếu cởi mở như một cái két sắt khóa kín mít và khít đến mức lửa cũng khó mà thiêu được bên trong. Lạc quan tựa như một loạt các con số tạo nên mật khẩu cho phép mở toang nó ra.

Tuy nhiên, giáo dục tính lạc quan hoàn toàn không có nghĩa là tạo ra một người có tư tưởng hão huyền sống sung sướng theo kiểu đà điểu vùi đầu vào cát khi gặp nguy hiểm. Người lạc quan cũng nhận thức được rằng họ đang sống trong một thế giới bất toàn, nơi mà tình yêu thì mỏng manh như chiếc bình sành, người ngây thơ dễ dàng bị lừa dối và bệnh nhân từ trần. Tuy nhiên, người lạc quan đem ra thực hành một số chiến lược cơ bản để duy trì sự tự chủ và sự quân bình.

Hãy tự giúp mình giải quyết vấn đề. Con cái liên tiếp gặp những gian nan ở phía trước: đó là quy luật của sự tăng trưởng. Trẻ phải học để luôn luôn thấy gian nan như là cơ hội mới để thử sức, chớ thấy sóng cả mà ngã tay chèo. Mỗi lần đứa trẻ bị cám dỗ bỏ cuộc trước một khó khăn, trẻ phải ở gần cha và mẹ để họ bắt đầu cùng trẻ tìm cách vượt qua khó khăn. Thất bại mẹ đẻ thành công, một đứa trẻ phải lớn lên mà đừng quá bận tâm về “sự thất bại”.

Thua keo này, bày keo khác. Cha mẹ có bổn phận dạy cho con cái biết rằng khi một nỗ lực không thành công, người ta luôn có thể lựa chọn một con đường khác. Họ có bổn phận cung cấp cho con cái một loạt những lựa chọn để thay thế.

Thấy trước vấn đề. Người lạc quan là người hết sức thực tế: đợi chờ các vấn đề xảy đến, nhưng đồng thời luôn luôn sẵn sàng để tự hỏi: “Tôi có thể làm gì để cải thiện tình trạng tiêu cực?”. Nhiều bậc cha mẹ đơn giản chỉ cảnh giác con cái chống lại tất tần tật. Đó là một thái độ ứng xử không lối thoát chỉ dẫn đến liều lĩnh hoặc ngã lòng.

Hãy tránh xa việc cổ vũ sự dối trá. Một khuyến khích giả trá thường là điều sau hết mà một đứa trẻ cần đến. Thay vào đó cách nói này sẽ giúp trẻ tốt hơn: “Ta đang trong tình trạng rắc rối, nhưng nếu mọi người cùng chung tay góp sức, ta có thể làm điều gì đó để thoát ra khỏi bế tắc”.

Nhớ về “Ngày Đại Lễ”

Một trong những quy luật quan trọng nhất của vật lý là nhiệt động lực học (entrôpi) : “Nhiệt năng truyền vào một hệ bằng thay đổi nội năng của hệ cộng với công năng mà hệ sinh ra cho môi trường”. Người ta xác nhận rằng mọi hệ thống cô lập giảm sút năng lượng, nghĩa là nếu bất kỳ bộ phận nào không được tiếp nạp nguồn năng lượng mới, nó bắt đầu một tiến trình phân rã chậm chạp bất khả kháng.

Nguyên tắc entrôpi cũng có giá trị cho mối tương quan giữa người với người: tình bạn, tình yêu và hôn nhân là những cơ chế có khuynh hướng hao mòn năng lượng, vỡ đổ và cuối cùng rã tan, nếu chúng không nhận được “năng lượng” mới cách đều đặn. Lý thuyết entrôpi cũng có tác dụng trong phạm vi cá nhân. Có những người thậm chí còn rất trẻ mà đột nhiên dáng vẻ ủ dột như hoa héo. Quả vậy quá nhiều lần họ đã quên “nuôi dưỡng” nội tâm. Người ta đang ảo tưởng cho rằng máy móc bên trong của họ chẳng bao giờ bị hỏng hóc, có thể tiếp tục hoạt động đến vô tận. Nhưng máy móc cũng không vận hành tốt được như vậy.

Tính lạc quan cần được nuôi dưỡng: người ta cần có các chất liệu mới và một máy xay sinh tố trong tâm trí để trộn đều mọi thứ.

Nguyện xá hay phòng sinh hoạt tại giáo xứ theo Don Bosco đúng là một hệ thống cung cấp năng lượng sinh học và tâm linh cho thanh thiếu niên và giới trẻ.

Cha mẹ cũng có bổn phận nhớ duy trì các nguồn năng lượng để nạp điện cho lòng nhiệt thành. Cho bản thân và cho con cái, nếu họ không muốn nhìn thấy trẻ héo tàn. Dưới đây là một số gợi ý.

Tìm kết bạn với những người tràn trề hy vọng. Những người đầu tiên và quan trọng nhất phải là chính cha mẹ. Trước hết con cái cần được khuyến khích và phát triển trong một môi trường dồi dào các nhân tố tích cực.

Bồi bổ bằng việc chăm sóc tinh thần. Điều tồi tệ nhất có thể xảy ra cho một người là mất sức mạnh tinh thần. Nhưng sự phấn khởi tinh thần có xu hướng “tan thành mây khói” trong những gia đình không dành ra một khoảng thời gian để đọc và suy niệm về đức tin, và quan trọng hơn hết cùng nhau cầu nguyện.

Thay đổi nếp suy nghĩ. Một gia đình nọ, vì họ có ấn tượng rằng mỗi buổi tối đang trở nên rất đơn điệu, đêm đến họ đã quyết định tắt truyền hình trong một giờ và dùng thời gian đó để đọc lớn tiếng. Đọc và thảo luận giúp thanh thiếu niên học cách suy nghĩ. Sự suy tư là một lục địa chưa được biết đến đối với hầu hết trẻ vị thành niên. Những người có tâm trí tê liệt cuối cùng chỉ hành động theo bản năng.

Học yêu thương với sự dịu dàng và lòng khoan dung. Con cái cần được dẫn đến thưởng nếm vị ngọt ngào của lòng biết ơn, và phải học nói lời “cảm ơn”. Don Bosco đã tổ chức với niềm hân hoan khoái trá trong “ngày lễ tạ ơn”.

Chiêm ngưỡng vẻ đẹp, biết ngạc nhiên, tận hưởng điều đang có. Những người lạc quan thật sự tập trung vào những thứ mà họ có và vì vậy chẳng còn hơi đâu để chúi đầu vào những lý do buồn rầu. Trong một gia đình đương vật lộn với những khó khăn lớn lao, người mẹ đã chuyển trao cho con cái một thông điệp mạnh mẽ như sau: “Khi trời tối, người ta có thể nhìn thấy những vì sao sáng”. Một khi lớn khôn, những đứa trẻ đó không bao giờ quên lời mẹ nó.

Đừng dày vò tâm trí mình. Có những người sống theo thuyết biến họa (catastrofismo)[1], họ gần như là “kẻ buôn chuyện”, dự đoán thảm họa bất cứ lúc nào, cảm thấy bất tài, bất xứng, thủ phạm trong mọi sự. Con cái nên được dạy để tin tưởng vào chính mình và vào tương lai.

Nhớ về “ngày hưu lễ”. Mọi ngày lễ phải là một khoảnh khắc của niềm vui, kể cả các ngày lễ trong gia đình như mừng bổn mạng, sinh nhật, kỷ niệm ngày cưới, giỗ ông bà cha mẹ... Một người mẹ nói rằng: “Mỗi người đều cần có một ngày đặc biệt để ghi nhớ”.

Nghe nhạc, đi dạo, năng tươi cười. Và khởi đầu tốt lành cho những ngày sống, ngay cả khi biết trước có những khó khăn. Như một tu sĩ Salêdiêng nọ mỗi buổi sáng mở cửa sổ, hít thở sâu và đọc to: “Đây là ngày Chúa đã làm ra, nào ta hãy vui mừng hoan hỷ” (Thánh Vịnh 117, 24).

 

Hy vọng là món quà quan trọng nhất mà người ta có thể tặng cho một đứa trẻ.


 



[1] Theo thuyết này, Trái Đất đã trải qua những giai đoạn yên tĩnh xen với những biến đổi đột ngột và rộng lớn, có tính biến hóa làm thay đổi bộ mặt của Trái Đất và thế giới sinh vật sống trên đó.