35. CUỘC GẶP GỠ TẦM CỠ - GIÁO DỤC TỪ THÁNH LỄ ĐẾN GIA ĐÌNH

 

Một bà mẹ đã hỏi khi nào bà nên bắt đầu giáo dục bé gái của mình. Chuyên viên tư vấn hỏi: “Bé gái năm nay bao nhiêu tuổi?”. “Năm tuổi”. “Năm tuổi! Bà về mau đi! Bà đã trễ mất năm năm rồi !”. Nếu điều này thật sự dành cho việc giáo dục cách chung, thì nó thật sự đúng cho việc giáo dục tâm linh. Các cha xứ và các tạp chí tôn giáo ngày càng bức xúc với những câu hỏi điển hình như :Tôi đã nuôi dạy con cái mình trong đức tin, nhưng bây giờ một khi lớn lênchúng lại từ chối đi tham dự Thánh Lễ. Tôi nên làm gì?”. Các câu trả lời hầu như luôn luôn bị ấp úng, nó kêu mời quý vị kiên nhẫn, cầu nguyện, hy vọng. Nhiều bậc cha mẹ thành thật cảm thấy tội lỗi và tự hỏi họ có thể có những lầm lẫn nào. Nói về giáo dục tâm linh trong gia đình, ta xác nhận rằng đời sống tâm linh được hình thành trong bầu khí của một nền giáo dục “về khí quyển”.

Những đường lối căn bản của loại hình phương pháp sư phạm này có thể được tóm lược như sau:

- cho con cái của mình, điều cha mẹ nói với nhau thì quan trọng hơn điều họ nói trực tiếp với chúng ;

- cung cách ứng xử của cha mẹ có giá trị hơn lời nói của họ ;

- đừng ngại để nói rõ ràng điều bạn nghĩ, đó có thể là một tiếng “không” quyết liệt với con cái, vì trong sự phản ứng cụ thể người ta có thể thấy được điều gì đó hữu ích, cha mẹ cần có những điểm tham chiếu sống động.

Trên hết điều đó có nghĩa là một khi cha mẹ quan tâm đến đời sống tâm linh của con cái thì họ phải nghiêm túc tự vấn về cách thức sống đức tin của mình. “Vòng tròn” gia đình tạo thành một không gian thường trực của việc giáo dục mang tính hỗ tương. Cha mẹ nuôi dạy con cái, đến lượt mình con cái chỉ dạy cho cha mẹ qua những câu hỏi và cách ăn ở của chúng. Người ta chẳng thể mong đợi trẻ em nghiêm túc đảm nhận đời sống tâm linh nếu chúng không nghe thấy cha mẹ nói về điều gì khác với chuyện xe cộ, tiền bạc, ăn uống, trường lớp hoặc những cái tát.

Tri thức cao vời và hương vị thơm ngon

Như chúng tôi đã đề cập đến trong lĩnh vực tâm linh, gia đình là cái nôi của những “ý nghĩa”. Các cử chỉ và nghi thức tôn giáo có nguy cơ là “những cái thùng rỗng” cho con cái nếu trong gia đình nó không được “đổ đầy” ý nghĩa. “Tri thức” thì thật sự quan trọng, bởi thời đại ta được đánh dấu bởi một sự thiếu hiểu biết đáng ngạc nhiên và bởi những hình thức thờ ơ tôn giáo dai dẳng, nhưng từ một quan điểm giáo dục nền tảng, “tri thức” thì trao tặng cái “hương vị” của Thiên Chúa và “hương vị” từ đời sống đức tin.

Ngay cả với sự chú ý tốt nhất, nguy cơ thật sự ở chỗ những cử điệu ý nghĩa của đời sống đức tin vẫn còn nằm ngoài cuộc sống hàng ngày, đức tin như cái gì đó được thêm vào “những cái có giá trị” và không có chút gì để làm với Giáo Hội, Kinh Thánh, các Bí Tích v…v…

Thế mà đời sống đức tin phải như nước cần cho cá, điều thiết yếu người ta đang làm cho cõi nhân sinh.

Thánh Lễ có giá trị để giáo dục con cái ngay ở giờ phút đặc biệt và nền tảng của đời sống Kitô hữu. Vì Thánh Lễ làm thành một phần của đời sống, trẻ em phải cảm nhận và sống những cử điệu phụng vụ được diễn tả trong đó. Người ta đi Lễ vì niềm vui chứ không phải vì bổn phận. Trong khi quá nhiều người đi Lễ để “ghi sổ công nhật” và tất cả điều họ muốn là nó kết thúc càng sớm càng tốt.

Dưới đây là một số thái độ cần thiết để thông dự vào Thánh Lễ chứ không chỉ có mặt. Mọi người bằng cách nào đó phải được “dạy dỗ trước nhất”.

Chuẩn bị cho một sự kiện quan trọng và thưởng thức ngày lễ. Thật quan trọng để học biết chuẩn bị trong gia đình niềm vui của những ngày lễ bổn mạng, sinh nhật và kỷ niệm ngày cưới, mời cả bạn bè và sắp xếp trước để có bầu khí thân thiện ấm cúng. Thánh Lễ phải được cảm nếm như là một sự kiện tuyệt vời khiến người ta mặc y phục ngày lễ cho cả thân thể và tâm hồn.

Niềm vui gặp gỡ và đón tiếp. Khi người ta tiếp đãi hoặc đi thăm đáp lễ người thân và bạn bè, trẻ em được mời tham dự cuộc gặp gỡ cùng với những nghi thức trong đó : những cái ôm hôn, bắt tay, chuyện trò, tặng quà qua lại.

Sự tha thứ. Thật khó nói lời: “Hãy tha thứ cho tôi”. Cũng như khi nói lời: “Tôi tha thứ cho bạn”. Nhưng chỉ khi nào những kinh nghiệm này thật sự được sống trong gia đình, chúng bao gồm cả nghi thức sám hối đầu Thánh Lễ.

Lắng nghe. Người ta lắng nghe nhau trong gia đình được bao nhiêu? Quá ít ỏi. Đôi tai liên tục “bận bịu” bởi âm thanh điện tử. Từ đó, thật khó có thể nghe được lời lẽ sống động, đơn giản và trực tiếp mà nhiều lần trong Thánh Lễ được xác định “Đó là lời Chúa”, và ước mong lời đó đến được tâm trí người nghe.

Việc đọc lớn tiếng. Đối với nhiều trẻ nhỏ việc đọc lớn tiếng có nguy cơ chỉ trở thành một tạp âm. Hãy im lặng. Thỉnh thoảng cha mẹ nên chơi với con cái “để lắng nghe sự im lặng”.

Trả lời. Khi một người đến dự một bữa tiệc, họ không chỉ đến để lắng nghe. Họ nói chuyện, chia sẻ những kỷ niệm và quan điểm, đôi khi sung sướng và đồng thanh hò reo. Trẻ em phải học biết khi một người đi tham dự Thánh Lễ họ không chỉ đến để lắng nghe và thu nhận. Trong Thánh Lễ, ta biểu lộ sự đồng thuận của ta với lời Chúa qua những tiếng “Amen” và “Allêluia” và tuyên xưng đức tin của ta qua Kinh Tin Kính “Tôi tin kính”.

Cảm thấy thuộc về một cộng đoàn. “Thuộc về...” là một kinh nghiệm mà con cái thường sống với lòng hăng say phấn khởi.

Cầu nguyện. Việc cầu nguyện với mẹ và cha là một trong những kinh nghiệm khắc ghi dấu ấn khó phai trong tâm trí một đứa trẻ. Và đó là cách tốt nhất để học cầu nguyện.

Trao tặng. Con cái cần khám phá ra sự hài lòng của việc đón nhận và trao tặng những món quà nho nhỏ.

Hy sinh được làm vì tình yêu. Với kinh nghiệm này, quý cha mẹ thật sự có thể là những thày dạy phù hợp nhất cho con cái, miễn sao họ muốn là được.

Kỷ niệm. Thực tế trẻ em và thanh thiếu niên thời nay chỉ sống cho hiện tại, trong một dáng điệu gần như bị ám ảnh bởi cách sống “tất cả và tức thời”. Trẻ cần học biết cái hay, cái đẹp và hữu ích của việc ghi nhớ những con người và các sự kiện trong quá khứ.

Cha. Nếu lời nói “cha” không có một ý nghĩa sâu xa và sống động đời sống thường ngày, thật khó có được ý nghĩa trong suốt Thánh Lễ. Và Thánh Lễ sẽ kết thúc để chỉ là một lời không tác dụng.

Trao đổi dấu hiệu của tình huynh đệ. Mỉm cười với những người bên cạnh, câu chào hỏi thân tình, lời chúc tốt lành và hạnh phúc cho ai ta gặp gỡ: nền văn minh tình thương bắt đầu như vậy.

Cùng nhau ăn cơm. Tại bữa ăn trong gia đình, người ta học cách chia sẻ thức ăn và lời nói. Chỉ khi điều này thật sự xảy ra, trẻ em mới có thể hiểu được ý nghĩa của lời nói “bữa tiệc” thường lặp lại nhiều lần suốt Thánh Lễ.

Cảm ơn. Lòng biết ơn được bày tỏ cách thành thật, quý mến nhau, hiếu thảo và ơn nghĩa phải là một trong những giá trị căn bản cho đời sống gia đình.

Người có phúc. Đó là một cảm giác tuyệt vời, nhưng bây giờ hầu như chưa ai biết đến. Trong “Sách Các Phép” chính thức của Giáo Hội cũng có nghi thức cha mẹ chúc lành cho con cái. Nhưng thử hỏi được mấy cha mẹ biết?

Nhận sứ mệnh làm chứng và dấn thân. Khi ra về, sau một bữa tiệc hay một cuộc gặp gỡ, người ta hứa hẹn nhiều điều. Thường có những hứa hẹn cho tương lai: “Đừng quên chúng tôi nhé!”. Nếu bữa tiệc được tốt đẹp và tràn đầy niềm vui, người ta đặc biệt muốn gặp lại nhau. Đồng thời người ta thỏa mãn và phấn chấn tinh thần hơn. Ngay cả trẻ em cũng có thể nhận thấy có những sự kiện và cuộc gặp gỡ làm đổi thay cuộc đời. Và Thánh Lễ là Bữa Đại Tiệc của mọi bữa tiệc.

 

Tất cả ta sẽ cùng nhau tham dự Thánh Lễ và sau đó sẽ bàn về nó.