36. BA KHOẢNH KHẮC LỚN NHỎ - GIÁO DỤC HÀNG NGÀY

“Hãy luôn đồng hành cùng giới trẻ bao nhiêu có thể” hẳn nhiên đây chỉ là lời khuyên của Don Bosco cho các Salêdiêng của ngài. Sự gần gũi trong Hệ thống Dự phòng, gần cả về thể chất và tinh thần, giữa người lớn và con cái thì rất quan trọng và không thể loại bỏ. Rachel Carson đã viết: “Nếu một đứa trẻ muốn duy trì khả năng ngạc nhiên thiên phú của mình khi mà chẳng có một bà tiên hiền lành nào đem tặng cho nó, trẻ cần sự đồng hành ít nhất của một người lớn mà nó có thể chia sẻ điều đó, tái khám phá với nó niềm vui, sự phấn khởi và bí ẩn của thế giới nơi ta đang sống. Quan trọng hơn nữa là để chuẩn bị cho trẻ lòng ham hiểu biết khi cọ sát với thực tế, điều mà nó không sẵn lòng để hấp thụ qua sách vở”.[1] Thường thì cha mẹ quá bận tâm gắng cho con cái làm nhiều hơn, vượt quá giờ một ngày thật sự cho phép. Đó là lý do tại sao buổi tối người ta gặp thấy trống rỗng và thất vọng, với một đôi chút cảm giác thất bại. Ngày mới với một danh sách các điều cần làm và ước muốn, nhưng kết thúc với một danh sách dài cũng chừng ấynhững ước muốn chưa vừa lòng.

Đối với con cái vẫn chưa đủ khi nghĩ rằng “người ta nên làm” điều chi đó cho nó. Nếu cha mẹ chỉ đơn giản mang trẻ đến trường, chuẩn bị thức ăn có lợi cho sức khỏe hơn, mua cho trẻ nhiều đồ chơi hợp thời hơn thì họ không đạt được mục tiêu quan trọng nhất. Điều các em cần là sự “đồng hành” của cha mẹ. Quên việc này, người ta sẽ đánh mất một điều gì đó nhiều hơn vài giờ trong ngày.

Hệ thống Dự phòng thì hết sức nhân bản, nó đặt nền tảng trên sự chung sống và trên tinh thần mà sự chung sống này làm cho con người phong phú, hài lòng, lôi cuốn và mang tính xây dựng. Trong mỗi ngày sống, có những khoảnh khắc được ưu đãi mà không tốn kém về mặt thời gian và về sự dấn thân cách đặc biệt, nhưng từ quan điểm giáo dục thì chúng vô cùng phong phú. Chẳng hạn ba khoảnh khắc sau:

Cùng ăn. Bây giờ càng lúc càng có nhiều gia đình “thể thức một”, những gia đình “chạy đua”. Đối với nhiều người hình thức ăn chung đã biến mất như mặt trời sau buổi hoàng hôn. Ngày xưa, bữa ăn tối được coi là thời điểm đặc biệt có ý nghĩa quan trọng liên kết gia đình lại, thời điểm chuyển tiếp giữa sự hỗn loạn ban ngày và sự nghỉ ngơi ban đêm. Một người mẹ viết: “Giờ ăn tối đã là giờ trong đó chúng tôi bày tỏ tầm quan trọng biết bao của người này đối với người kia, trong những giờ phút đẹp đẽ cũng như tồi tệ. Đó là một cơ hội để thư giãn: chúng tôi kể cho nhau nghe những điều mới lạ, luận bàn về những vấn đề, xem xét các sự kiện trong ngày và đặt kế hoạch cho ngày mai”.

Một số lưu ý có thể làm sống lại truyền thống đang gặp nguy hiểm này:

Cam kết để cùng ăn với nhau phải được mọi thành viên đồng ý. Có lẽ không phải hàng ngày, nhưng phải có một thời điểm đặc biệt khi mà cả gia đình đoàn tụ.

Trời đánh tránh bữa ăn. Điều quan trọng là tránh những câu lải nhải đại loại như : “Bỏ cái cùi chỏ xuống dưới”, “Ngồi cho nó ngay ngắn lên!”, “Con đã học bài chưa?” “Khép cái miệng lại mà nhai!”. Bữa ăn tối không phải là lúc để tra vấn lương tâm hoặc cứu xét những vụ kiện tụng của nhóm. Bữa ăn tối cần có bầu khí thanh bình.

Nên tắt truyền hình. Các cuộc điều tra cho biết màn hình nhỏ được coi là sự tiêu khiển chính suốt bữa ăn của các gia đình Ý. Làm cho thanh thiếu niên ý thức việc chung sống trong gia đình thì quan trọng hơn nhiều so với thời gian trôi qua trước cái màn hình.

Mọi người phải học biết diễn đạt và biết lắng nghe. Bữa ăn luôn luôn có nguy cơ bị kết thúc trong cái ngõ cụt kinh điển (Bố: “Mày đã làm gì ngày hôm nay?”. Con: “Chẳng làm gì sất”). Thanh thiếu niên có cảm giác cha mẹ kể ra và thảo luận về các sự kiện trong cuộc sống hàng ngày như thể họ là những người có khả năng nhất để nói về những thành công và thất bại trong đời, về những con người họ gặp gỡ, về những ý tưởng nghe được.

Điều quan trọng là những trẻ nhỏ nhất cũng có thể phát biểu ý kiến.

Mỗi gia đình cần có các nghi thức nho nhỏ. Người ta có thể đọc một lời cầu nguyện ngắn để tạ ơn, phân chia công việc chuẩn bị, dọn dẹp và rửa chén đĩa cho những bữa “đại tiệc” v…v…

Cùng đọc. Nhiều bậc cha mẹ và giáo viên lưu ý về việc khan hiếm sách báo đứng đắn cho thanh thiếu niên và cho giới trẻ. Văn dĩ tải đạo, chữ viết đăng tải theo nó những suy nghĩ, lý luận, trí tưởng tượng và văn hóa. Tuy nhiên, việc giáo dục cách đọc trải qua vài giai đoạn cần thiết: trước hết cha mẹ phải đọc cho con cái nghe, sau đó đọc với con cái. Chỉ qua gương sáng của cha mới có thể mang lại cho con cái niềm đam mê đọc sách báo.

Cùng cầu nguyện. Đó là chuyện dễ dàng và hàng ngày khi con cái còn nhỏ. Nó có nguy cơ bị lãng quên, bao lâu nó có thể được coi là điều quan trọng nhất để làm cho gia đình hiệp nhất và phong phú về mặt tinh thần. Tương tự khi mọi người cùng nhau tham dự Thánh Lễ, tối thiểu trong những lễ quan trọng nhất, nó mang lại cho gia đình ý hợp tâm đầu.

 

“Có nhiều điều quan trọng để sống hơn là tăng thêm của cải - There is more to life than increasing its speed” (Mahatma Gandhi).

 



[1] “If a child is to keep alive his inborn sense of wonder without any such gift from the fairies, he needs the companionship of at least one adult who can share it, rediscovering with him the joy, excitement and mystery of the world we live in. It is more important to pave the way for the child to want to know than to put him on a diet of facts he is not ready to assimilate.” (Rachel Carson, The Sense of Wonder, Harper & Row 1965.)