37. NHỮNG NGÀY VUI THÚ – LỄ HỘI TRONG GIA ĐÌNH

 

Từ cuốn nhật ký của một người mẹ viết:

“Mọi thứ giờ đã sẵn sàng. Cây Giáng Sinh được trang hoàng tuyệt xinh. Cánh thiệp mừng rung rinh trên cửa. Hộp quà như ánh lửa lung linh.

Và những trái chuông? Sao bạn lại không nghe tiếng chuông ngân chứ?

Bạn có biết là chính trẻ em đã làm cho những quả chuông ngân nga ngay từ ngày xửa ngày xưa không ? Theo truyền thuyết, những quả chuông chỉ được rung lên khi có ai đó đặt một món quà yêu thương trên bàn thờ. Vua chúa và bậc quyền quý đặt trên bàn thờ những đồ trang sức vô cùng quý giá, thế nhưng nhiều năm trôi qua các quả chuông nơi giáo đường vẫn im hơi lặng tiếng.

Rồi một đêm Giáng Sinh lạnh lẽo nọ, một cậu bé nghèo xác xơ âm thầm cởi chiếc áo khoác ấm cúng của mình và đặt nó trên bàn thờ. Nhờ món quà hào hiệp của cậu bé, những quả chuông bắt đầu ngân vang trong dịp lễ của cả vương quốc.

Ôi những quả chuông, tôi vẫn luôn nghe tiếng chúng ngân vang.

Tôi đã nghe tiếng chuông ngân vào năm mà một trong những đứa con nhỏ đã tặng cho tôi một mảnh giấy, trên đó vẽ đôi bàn chắp lại để cầu nguyện với một câu viết làm xúc động lòng tôi: “LẠY CHÚA HÀI NHI, XIN HÃY ĐẾN!”.

Tôi đã cảm thấy chuông ngân vang vào năm mà tôi đã nhận được một đôi găng tay bằng len, có lẽ vừa vặn với một đứa trẻ lên mười.

Tôi đã nghe tiếng chuông ngân vào Mùa Giáng Sinh mà mọi người đã đồng tâm nhất trí dọn sạch sẽ nhà xe...”.

 

Thật cần thiết để “nghe tiếng chuông ngân” trong suốt Mùa Giáng sinh. Điều đó có nghĩa là sống ý nghĩa sâu thẳm của ngày lễ. Hầu hết người ta chỉ nghe thấy tiếng thét gào làm choáng váng đầu óc mình, đinh tai nhức óc hàng xóm và mệt lả trong “vui chơi bằng mọi giá”.

Linh cảm trong tương quan thân tình, trẻ em nắm bắt được ý nghĩa sâu xa của ngày lễ Giáng Sinh cách đặc biệt. Chúng biết rõ ai là nhân vật chính trong những ngày lễ của gia đình.

Điều quan trọng là chính trẻ em tổ chức ngày lễ. Không đơn phương, nhưng với cha mẹ, với gia đình mình. Đó là một yêu cầu mà phương pháp sư phạm của Don Bosco coi là thiết yếu. Vì nhiều lý do có cơ sở vững chắc.

Những ngày sưởi ấm tâm hồn

Một bài hát rất phổ biến nơi giới trẻ thuộc môi trường giáo dục của Dòng Salêdiêng ca rằng: “Chúng tôi là người của lễ hội, chúng tôi là người của niềm vui”. Bài ca đó liên quan đến một trong những đặc tính nền tảng thuộc phương pháp sư phạm của Don Bosco. Don Bosco đã đem lại cho niềm vui và sự phấn khởi một giá trị sư phạm: phương pháp của ngài là phương pháp sư phạm của “sự bình an”, suối nguồn của khát vọng sống và chung sống.

James Dacquino viết: “Nếu một cha mẹ không bình an, họ làm cho con cái mình lo lắng, mặc dù họ yêu thương chúng cách mãnh liệt. Như trên chiếc quang gánh, sự bình an là một đối trọng của những cảm xúc, suy nghĩ, ý tưởng ; sự bình an cũng là một vấn đề đức tin trong cuộc sống, bởi vì những ai có đức tin không thể là kẻ bi quan”. Don Bosco đã cụ thể hóa tất cả điều này trong một cách thức đơn giản và hiệu quả: lễ hội. Các cựu học sinh của nguyện xá Valdocco tưởng nghĩ với nỗi nhớ nhung da diết “những ngày lễ hội”, chúng thường xuyên mang tính chất gia đình, điều mà Don Bosco đã làm cho sống động bằng niềm tin Phục Sinh của mình. Vì thế ngài đã viết thư cho Don Bonetti: “Cha khuyên con nên tạo nhiều niềm vui cho các trẻ của con, và như vậy chúng con mang lại một sự khích lệ cho Don Bosco, hãy tìm cách cho trẻ có cơ hội vui vẻ vào bữa trưa...”.

Những ngày lễ kính thánh bổn mạng của Don Bosco, kính Đức Mẹ Vô Nhiễm và Thánh Giuse, lễ Giáng Sinh và Phục sinh, đã là những sự kiện để trông mong, chuẩn bị, sống với sự phấn khởi đích thật.

Bởi vì điều quan trọng là chính trẻ em tổ chức ngày lễ. Không đơn phương, nhưng với cha mẹ, với gia đình mình. Đó là một yêu cầu mà phương pháp sư phạm của Don Bosco coi là thiết yếu. Vì nhiều lý do có cơ sở vững chắc.

Trẻ em (thậm chí cả người lớn) hiểu ngữ nghĩa các ý tưởng trừu tượng thông qua hình ảnh và cử chỉ cụ thể, nếu không có những điều cụ thể thì khái niệm trừu tượng vẫn chỉ là những vỏ sò trống rỗng, khô khan, không sức sống. Các hình ảnh và cử chỉ của những ngày lễ hội chuyển tải một thông điệp “sưởi ấm” tâm hồn. Chúng là một tác động qua lại phá vỡ “thói quen” thường ngày, những giờ phút mà người ta cùng làm nhiều điều khác nhau và vui thú. Chúng là niềm vui chia sẻ, sự hồi phục mảnh “thiên đường bị đánh mất”. Những dịp hiếm hoi mà ngay cả những người cao tuổi cũng phải “chịu nhượng bộ” đôi chút và biểu lộ một chân dung khác. Nó là một sự suy nhược trầm trọng về cả thể chất lẫn tinh thần, nếu thiếu nhi không được dịp vui hưởng và thưởng thức ích lợi mang ý nghĩa biểu tượng trong những ngày lễ hội của mình.

Lễ hội là một khoảnh khắc tinh thần mạnh mẽ, một khoảnh khắc huyền diệu và quý hóa, bởi vì ngoài niềm vui hiện tại, nó còn truyền cho các em một niềm khát vọng sống còn cho tương lai. Các sự kiện đó được đều đặn lặp đi lặp lại, chúng đánh dấu năm tháng và do đó đời sống của trẻ, dưới mắt trẻ, nó lập thành sự đảm bảo cho biết tầm quan trọng của nó không hề sút giảm, và chứng tỏ cho thấy đời đẹp biết bao khi mà cuộc sống vẫn diễn ra xung quanh những khoảnh khắc vui thú.

Sống sao tránh khỏi nhọc nhằn: những ngày lễ xóa khô cằn “nhân sinh”.

Trước và sau lễ hội, trẻ em ở dưới ánh mắt yêu thương của mọi người, cuối cùng trẻ có thể cảm thấy quan trọng, và những món quà mà trẻ đón nhận được sử dụng để cho trẻ thấy rằng chúng được yêu thương và xứng đáng với tình yêu. Những ngày lễ là những ngày kỷ niệm sâu kín của con tim. Chẳng mấy ai mà không biết tâm trạng bồn chồn trẻ thơ có khi mong chờ ngày sinh nhật hoặc ngày bổn mạng?

Tất cả những ngày lễ hội quan trọng nhất của trẻ em (sinh nhật, bổn mạng, Giáng Sinh, Phục Sinh, kỷ niệm ngày cưới) đều kỷ niệm và ăn mừng ngày sinh hay một sự khởi đầu mới. Những ngày vui như vậy làm đứa trẻ yên lòng bước vào đời, đó là một sự kiện hạnh phúc và được mong muốn và chờ đợi với niềm vui của cha mẹ và toàn thế giới. Sự tái diễn những ngày lễ này càng hân hoan bao nhiêu thì các em sẽ càng cảm thấy an tâm vì được yêu thương bấy nhiêu.

Nhiều ngày lễ hội cử hành “những nghi thức quá độ” (Rước Lễ Lần Đầu, Nhận Phép Thêm Sức, Tốt Nghiệp...), chúng cử hành long trọng và nhấn mạnh những giai đoạn chuyển tiếp trong sự trưởng thành của đời người hay của Đạo. Điều quan trọng là ý nghĩa tâm linh của ngày lễ phải được đề cao. Những ngày lễ trong Đạo phải có tính “tôn giáo” cách mạnh mẽ. Món quà đắt tiền hoặc ăn trưa tại nhà hàng, quá dễ dàng trở thành một cái cớ cho các bậc cha mẹ đơn giản chỉ muốn “khỏi phải suy nghĩ” hoặc “chơi đẹp”, nhưng họ lại quên rằng điều mà ta muốn nói là việc “mừng lễ” trong gia đình.

Những ngày lễ là một thời gian để: hâm nóng tình người, giao thiệp thân ái, trao nhận tình cảm. Chúng là thời gian làm cho mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái thêm gắn bó yêu thương. Don Bosco cũng đã sử dụng những “phiếu hoa thiêng” cho các dịp lễ này. Trong gia đình, những cánh thiệp bày tỏ lòng mong muốn và lời chúc mừng, đem giấu dưới đĩa ăn hoặc dưới gối nằm, chúng có khả năng trở nên hữu hiệu để thể hiện tình cảm cách tự nhiên và tỏ bày những ẩn khuất của tâm hồn. Các gia đình hạnh phúc thường xuyên có những hình thức trao đổi thư từ nội bộ. Một số ngày lễ có thể là thời gian “hòa giải” tuyệt vời.

Trong khoảnh khắc nghi thức của lễ hội, luôn luôn xuất hiện một bàn ăn sang trọng gây nhiều chú ý và có thứ gì đó đặc biệt. Nó tán dương sự phong phú và tráng lệ: người ta ở bên nhau, chuyện trò thân mật với nhau, quây quần vui vẻ lâu giờ. Và đó sẽ là những giờ phút khó phai trong hồn trẻ thơ.

Phép màu cho một ngày sống

Bữa tiệc Giáng Sinh là một thời khắc linh thiêng, huyền diệu và quý giá xiết bao. Cả đến trẻ thơ cũng hiểu rằng những dấu chỉ cụ thể có “một linh hồn”, một ý nghĩa linh thiêng. Một bé thơ đã viết trong lá thư của mình:

“Chúa Giêsu Hài Nhi kính mến, con muốn có chiếc máy tính và một người cha nhân lành trong Mùa Giáng Sinh...”. Một bé khác đã viết: “Ba thương mến, như một món quà Giáng Sinh, con muốn ba ở nhà cả ngày với con...”.

Phép lạ thật sự của lễ Giáng Sinh, ngoài ý nghĩa tôn giáo cao cả của nó, đó là phép lạ cho tâm trí trẻ thơ muốn tin rằng bằng bất cứ giá nào, ít nhất một năm có một ngày mà người ta có thể tái tạo thế giới diệu huyền, thiên đường đã mất, mảnh đất ước mơ cho ai bước tới với sự tự tin và hy vọng tràn trề. Và ít ra cũng tỏ vẻ sang trọng trong một vài giờ.

Quả thật thế giới có lẽ là chốn tang thương và thù hận, nếu cha mẹ không bận tâm lo lắng ăn mừng Giáng Sinh với con cái mình, theo luật bất thành văn nhưng được thi hành trong nhiều thế kỷ, thì việc ăn mừng là “trái tim” của lễ Giáng Sinh.

Ngay cả Chúa Giêsu Hài Nhi và Thánh nữ Luxia cũng mang quà trong bối cảnh lễ Giáng Sinh mà! Trẻ thơ “cần” tin vào chiều kích “siêu nhiên” để đương đầu với một thực tế phũ phàng hiện ra quá thường xuyên theo cái cách đe dọa đáng sợ. Với việc nới rộng kinh nghiệm của trẻ, chiều kích “thần diệu” trong tư duy thời tuổi thơ sẽ dần dần vơi. Tuy nhiên, những trẻ đã sống một thời ấu thơ dịu ngọt, yên hàn và trào tràn “phép huyền diệu” sẽ được quân bình và an ninh hơn.

Một trẻ thơ đã viết: “Chúa Giêsu kính mến, con biết rằng chính Chúa Giêsu Hài Nhi không phải là người mang cho chúng con những món quà. Riêng con vẫn còn điều xấu. Giáng Sinh này con sẽ viết một lá thư cho cha mẹ của con, nhưng sẽ không còn điều xấu tương tự nữa. Fabrizio, chín tuổi”.

Thành viên mới trong gia đình

Tất nhiên từ quan điểm giáo dục tôn giáo, những ngày lễ Giáng Sinh tạo thành một thời gian có giá trị như nhau. Mùa Giáng Sinh cho phép gia đình Kitô hữu sống và cử hành một số ý nghĩa mạnh mẽ nhất trong đời sống tôn giáo, như ý nghĩa của mong chờ, thức tỉnh, khả năng trao ban và đón nhận, niềm vui, lòng tốt, sự gần gũi. Ý nghĩa tôn giáo của những tình cảm này “nhập thể” trong đời sống gia đình, vì vậy nó sẽ trở nên khó xóa nhòa trong tâm hồn của con cái.

Mùa vọng là khoảng thời gian mường tượng trước của vui mừng, thời gian trước lễ Giáng sinh giống như giai đoạn chuẩn bị sự sinh ra của một đứa bé. Ngôi nhà được chuẩn bị như thể để đón nhận một thành viên mới của gia đình. Sự ra đời của Chúa Giêsu Hài Nhi vào lúc nửa đêm vẫn còn là một bí ẩn, bí ẩn như sự ra đời của nhiều bé thơ.

Nếu cha mẹ tràn đầy đức tin trong việc cử hành mầu nhiệm Giáng Sinh, con cái sẽ không có khó khăn gì để nhận ra sự “hiện diện” của Chúa Giêsu, Đấng đã đến để “cư ngụ” trong gia đình của trẻ.

 

Không một ai sẽ bị quên mất ngày lễ cưới, ngày bổn mạng, ngày sinh nhật, ngày kỷ niệm nào đó.