41. VIỆC HỆ TRỌNG CỦA TUỔI THƠ - TẦM QUAN TRỌNG CỦA TRÒ CHƠI

 

“Người ta nên cho trẻ tự do thoải mái chạy nhảy, hò reo cho thỏa lòng vui sướng. Thể dục, thể thao, âm nhạc, ngâm thơ, kịch nghệ, đi bộ là những phương tiện rất hiệu quả để có được kỷ luật, lợi ích cho đạo đức và sức khỏe”. Qua những lời này của Don Bosco, chúng phản ánh một trực giác sư phạm nữa mang tính thời sự phi thường.

Trò chơi, sân bãi, giờ chơi có tầm quan trọng sống còn trong hệ thống giáo dục của Don Bosco. Thật khó tưởng tượng một nhà Salêdiêng mà không có sân chơi, tiền sảnh và nhà thi đấu.

Hoàn toàn quan trọng để tái khám phá cho thời nay.

Montaigne đã viết: “Trò chơi phải được coi là hoạt động quan trọng nhất của trẻ thơ”. Nhưng “hoạt động rất hệ trọng” này nay rõ ràng đang gặp nguy hiểm. Trẻ em không còn chơi đùa nhiều : “chúng ngồi xem”, nếu không thì ngồi ngấu nghiến trò chơi điện tử, điều đó chỉ đáp ứng một phần nho nhỏ nhu cầu của một trò chơi thực thụ.

Điều mà một đứa trẻ học để chơi là điều thiết yếu cho nó tăng trưởng bình thường và hài hòa. Nhiều cha mẹ biết rõ điều ấy, song ngày ngày mệt mỏi và căng thẳng, cộng thêm việc thiếu cơ sở vật chất, đặc biệt là ở thành phố, họ sớm ngã lòng ngay cả với những ý định tốt nhất.

Qua trò chơi mà đứa trẻ bắt đầu hiểu Trời cho sự vật vận hành ra sao: điều có thể hoặc không thể làm với những đối tượng nhất định và lý do; trong khi chơi với các trẻ khác, trẻ nhận ra sự có mặt của luật lệ tùy hoàn cảnh và luật dự trù, về quy tắc ứng xử phải được tôn trọng. Tất cả những điều đó người ta không thể học biết bằng cách chơi với một cái máy tính.

Nhưng ngay cả khi bị thua cuộc, có lẽ bài học quan trọng hơn cả mà trẻ học được từ trò chơi là thế giới vẫn còn đấy. Nếu thua keo này, người ta có thể thắng keo tiếp theo, hay bày keo khác nữa. Thông qua sự thất bại trong một trò chơi hoặc một cuộc thi đấu, mà con cái có thể được chơi đi chơi lại cho đến khi có thể thắng cuộc, đứa trẻ đi tới sự tự thuyết phục rằng mình có khả năng làm điều đó trong cuộc sống, bất chấp những thất bại nhất thời, thậm chí trong cả những tình huống tương tự như điều nó đã thấy khi thua cuộc. Dĩ nhiên, lý do đứa trẻ học được bài học cơ bản này còn tùy thuộc vào chuyện cha mẹ không quan trọng hóa việc thắng cuộc, trái lại tùy thuộc vào niềm vui thú khi chơi.

Niềm vui mà Don Bosco tìm cách tỏ cho thanh thiếu niên của mình là chơi với họ. Trong năm 1868, lúc 53 tuổi, ngài nhận lời chạy đua và đã thắng cuộc trong một cuộc thách đấu không thể nào quên với thanh thiếu niên.

Thế nhưng linh cảm giáo dục của Don Bosco đã cảm nhận điều gì đó còn hơn thế nhiều. Trong một cuộc chơi thanh thiếu niên bật mí những bí mật. Từ những trò chơi mà một đứa trẻ ưa thích, ta có thể nghiệm ra ý tưởng về việc nó quan sát và giải thích thế giới ra sao: trẻ ước mong làm nghề gì, trẻ quan tâm đến điều gì, những vấn đề nào gây phiền toái cho trẻ. Bằng cách chơi, trẻ bộc lộ những điều mà lời nói không thể diễn tả.

Trong cuộc chơi, trẻ em và thanh thiếu niên được nghe thứ nhạc hoan lạc không thanh âm trong cuộc đời: biết cơ thể vẫn vận hành ngon lành. Khi sử dụng cơ thể, trẻ được bao trùm bởi một cảm giác tâm trạng phấn khởi đến nỗi trẻ không thể thinh lặng, trẻ phải bộc lộ “sự vui sướng thuộc cơ bắp” qua giọng nói inh ỏi bao nhiêu có thể. Trò chơi được tham gia tạo thành một nguồn vui trác tuyệt khác trong đời: tương quan với người khác vẫn vận hành ngon lành. Các trò chơi tập thể, dù cho đơn giản nhất, trên thực tế cũng cho biết ý nghĩa của những khái niệm trừu tượng như tình đoàn kết, sự hòa hợp với tư cách như là điều cần thiết để đạt được mục tiêu chung.

Trong khoa sư phạm Salêdiêng còn có một yếu tố quan trọng: những nhà giáo dục được mời chơi với thanh thiếu niên. Cha mẹ chơi với con cái, chia sẻ cách chân thành niềm vui của chúng, tạo với chúng một loại ràng buộc rất đặc biệt. Và hơn hết đem những nền tảng của việc giáo dục này tới sự hiểu biết điều mà ta đã đề cập ở trên.

 

Tôi sẽ chỉ dạy một trò chơi mới cho con cái và tôi sẽ chơi với chúng.