SỐNG VUI NGÀY HÔM NAY

 

Người đời, thường ai cũng muốn sống vui. Trừ những người có tính tình bi quan yếm thế cố hữu, hoặc trường hợp có cái buồn hợp lý xẩy ra bất chợt, như trong nhà có tang, có người gặp tai nạn… , chẳng ai muốn sống buồn làm gì. Cho dù cuộc đời còn lắm cái buồn đi nữa, ai nấy vẫn bảo nhau cố mà vui lên, tìm vui để sống.

 

Tôi bỗng nhớ tới hai lời khuyên, một của Tây, một của ta. Tây là của Dale Carnegie trong cuốn “Quẳng gánh lo đi và vui sống”. Ngay ở tựa đề, tác giả muốn nói: dù còn nhiều việc phải lo, phải làm, cứ vui lên, rồi các việc sẽ từ từ được giải quyết. Ta là của Khái Hưng. Trong cuốn tiểu thuyết “Nửa chừng xuân”, tác giả đã đặt vào miệng cụ tú Lãm một lời khuyên dành cho hai người con còn trẻ tuổi. Trên giường bệnh, lúc sắp lìa đời, nhà nho hàn vi này đã trối lại cho con chỉ 3 thứ gia bảo mà thôi, mà gia bảo đầu tiên là “giữ lòng vui”. Không để lại của cải vật chất mà là lời khuyên giúp sống làm người. Quý thay!

 

Chúng ta thấy rõ ý muốn sống vui của người đời. Nhưng trên thực tế, họ tìm vui ở việc nào, vui tinh thần hay vật chất, tốt hay xấu, lại là chuyện khác.

 

Người kitô hữu chúng ta cũng muốn sống vui như mọi người. Không những muốn mà còn phải vui, vì vui là một trong những yếu tố cơ bản của kitô giáo là đạo của Tin Vui, Tin Mừng cứu độ. Niềm vui của đạo ta thật thực tiễn, thật chắc chắn, dựa trên sự chiến thắng của Đức Kitô. Khi sống lại từ cõi chết, Đức Kitô đã chiến thắng sự dữ và sự chết là nguyên do cuối cùng của cái buồn. Và chính trên sự chiến thắng này mà tương lai của nhân loại được xây dựng, dù nhìn bên ngoài, còn nhiều khó khăn và ngay cả những nghịch lý.

 

Chúng ta thử suy nghĩ đôi điều về niềm vui của chúng ta, về những điều kiện của cuộc sống vui, và cách thể hiện niềm vui này.

 

1. Những điều kiện

 

* Mở rộng tâm hồn cho Đức Kitô, không những vì Ngài là nguồn mạch ân sủng, mà còn là nguồn vui, đem đến cho ta Tin Vui cứu độ, Tin Mừng về Nước Trời, sứ điệp sự sống chứ không phải sự chết. “Tôi đến để cho chiên được sống và sống dồi dào” (Ga 10,10).

Trong cuộc hành trình truyền giáo của Chúa, đã có những lúc đám đông theo Ngài tỏ ra vui mừng, trong mức độ họ nhận ra Ngài là Đấng cứu thế, đang thực hiện những việc hiển hách, lạ lùng (Lc 13,17). Và có lúc chính Chúa cũng khuyến khích người ta, nhất là các môn đệ, vui lên (Lc 10,20). Nếu Ngài là Tân lang đang ở với họ, thì họ không được phép buồn, mang bộ mặt của những người chay tịnh, bộ mặt “đưa đám” (Lc 5,34tt).

Nhưng đồng thời, để tránh cho người ta khỏi ngộ nhận và ảo tưởng vể niềm vui cứu thế, thì bằng lời nói và hành động, Chúa cho thấy những ý nghĩa đặc biệt của niềm vui này.

 

Trước hết, nó được dành riêng cho những người nghèo và những tâm hồn hoán cải. Khởi đầu Bài Giảng trên núi, với 8 mối phúc thật, tức hạnh phúc chân thật và niềm vui sâu xa, Chúa đã nói rõ điều đó. Quả thực, chỉ có những tâm hồn nghèo khó, hoán cải hướng về Chúa, mới nhận ra bản chất ơn cứu độ do Chúa đem đến, ơn cứu độ làm phát sinh niềm vui.

 

Tiếp đến, niềm vui này bắt nguồn từ chính Chúa. Nó là niềm vui của Chúa. Và Ngài có nó là do tâm tình, thái độ hoàn toàn tự hiến cho Chúa Cha, yêu mến và vâng phục Chúa Cha. Thái độ này biểu lộ đặc biệt bằng việc chấp nhận hy sinh mạng sống mình vì loài người, chấp nhận chết trên Thập giá.

 

Ý tưởng này còn thấy rõ hơn trong những lời cuối cùng Chúa nói với các môn đệ sau Bữa Tiệc Ly: “Nếu anh em giữ các điều răn của Thày, anh em sẽ ở lại trong tình thương của Thày, như Thày đã giữ các điều răn của Cha Thày, và ở lại trong tình thương của Người. Các điều ấy, Thày đã nói với anh em, để niềm vui của Thày ở trong anh em, và niềm vui của anh em được nên trọn vẹn” (Ga 15,10-11).

 

Qua những lời trên đây, có thể thấy thế này: Niềm vui của Chúa là ở trong tình yêu của Chúa Cha và làm theo ý Cha. Thế thì chúng ta, để có niềm vui của Chúa là niềm vui thật sự, niềm vui trọn vẹn, cũng phải ở trong tình yêu của Chúa và làm theo ý Ngài. Thế nhưng, có mở rộng tâm hồn cho Chúa, mới có thể ở trong tình yêu của Chúa, mới có thể giữ các điều răn của Chúa, mới có thể biến niềm vui của Chúa thành của mình, giúp ích cho cuộc sống của mình.

 

* Mở rộng tâm hồn cho tha nhân. Niềm vui có được là do giữ các điều răn của Chúa. Mà điều răn cơ bản thì ai nấy đều biết, là yêu thương tha nhân. Để có thể yêu thương tha nhân, phải biết mở rộng tâm hồn hướng tới họ. Hơn nữa, hướng tới tha nhân, đón nhận tha nhân, không phải tự riêng ta làm, nhưng là làm cùng với Đức Kitô. Nhờ đó, chúng ta làm với một tinh thần khác, với một cái nhìn hoàn toàn mới mẻ. Tha nhân không còn phải là người xa lạ, vô danh, vì trong Đức Kitô, không một ai còn xa lạ vô danh nữa.

 

Phải nhận rằng một trong những lý do khiến chúng ta chưa đón nhận người khác, hoặc chưa đón nhận đúng mức, đó là vì sự đánh giá của ta về họ chưa hoàn toàn khách quan, còn bị chi phối bởi nhiều yếu tố. Có yếu tố tình cảm: Ai làm tôi hài lòng hay khó chịu, thì ý kiến, thái độ, cử chỉ, lời nói, việc làm của họ được đánh giá tốt hay xấu tuỳ theo đó. Có yếu tố thiên kiến về hình dáng bên ngoài: Không thiếu cách đánh giá qua hình dáng diện mạo đã trở thành phổ quát, thậm chí còn đi vào trong ca dao tục ngư,õ như: người mỏng môi thì thế này, người dề môi thì thế kia…

 

Ngoài ra, những ý tưởng về chính trị, xã hội, địa vị, môi trường sinh sống và làm việc… cũng góp một phần vào việc đánh giá của ta. Trong tâm trí ta đã có sẵn những phạm trù cả trước khi ta tiếp xúc với người khác, hoặc ngay từ giây phút tiếp xúc đầu tiên, để xếp họ vào loại nào rồi: khuynh tả - khuynh hữu, bảo thủ - cấp tiến, con nhà giầu - con nhà nghèo… Đã được xếp vào một loại, thì bất cứ ý tưởng hay hành động nào của họ cũng thường được giải thích theo loại đó.

 

Thực khó mà vượt qua những ảnh hưởng chi phối trên đây, để có thể đánh giá cách khách quan. Thực khó mà đi từ yếu tố con người và, còn hơn thế nữa, vượt lên trên yếu tố con người, để đón nhận người khác, như chính Đức Giêsu đã đón nhận.

 

Như chúng ta biết, Đức Giêsu không phải là không có tình cảm, nhưng Ngài không lệ thuộc nó khi phán đoán và hành động. Trong số các Tông đồ, Chúa yêu Gioan hơn. Chính Gioan cũng thú nhận như vậy. Nhưng khi chọn người làm đầu Giáo Hội, Chúa không chọn người Ngài yêu hơn, nhưng là người Ngài khách quan thấy hợp hơn. Người đó là Phêrô.

 

Rồi những người Chúa gặp gỡ thuộc những giai cấp xã hội khác nhau, có những ý kiến và điều kiện sống khác nhau. Nhưng ảnh hưởng trên cách cư xử của Ngài không phải là những cái đó, mà là mối ưu tư về Nước Trời. Ngài chữa lành người nghèo, nhưng cũng cứu cả người giầu. Hiện diện với mọi người, bất kể là ai. Lên án mạnh mẽ nhóm Biệt phái, nhưng nhận lời đến chơi nhà một người thuộc nhóm này. Đồng bàn với người thu thuế tội lỗi, nói chuyện với người phụ nữ Samari, chữa cho gia nhân vị sĩ quan của đạo binh xâm lược. Rất nhân từ với kẻ có tội, đón nhận và yêu thương họ, nhưng vẫn là kẻ thù của tội lỗi. Là vì, sứ mạng của Chúa là đến kêu gọi và cứu vớt họ (Mt 9,12).

Nếu chúng ta muốn phản ứng trước người khác như thái độ của Chúa, phải tập cho mình, về lâu về dài, nhìn họ bằng cái nhìn của đức tin.

 

Có thể phân biệt ba cấp độ nhìn:

 

Nhìn bằng cặp mắt xác thịt: xem da dẻ thế nào, mặt mũi giọng nói ra sao. Đây là cái nhìn thuộc giác quan, Dừng lại ở cái nhìn này, phán đoán của ta về người khác dễ lệch lạc, phiến diện. Chúng ta biết câu truyện kể trong sách Samuel (1Sm 16,7tt), liên hệ đến cách đánh giá về ngoại hình của Saolê và Đavít. Saolê thì cao lớn, khôi ngô tuấn tú, được chọn làm vua, nhưng sau đó lại chẳng ra gì. Cho nên, khi chọn người kế vị Saolê, Thiên Chúa truyền cho Samuel đừng nhìn hình dáng hay tầm vóc. Các con lớn của Isai đều dễ coi, nhưng không ai được chọn, mà chính là Đavít, một thiếu niên, có thể nói, miệng còn hôi sữa, chăn cừu ngoài đồng. Cách nhìn người của Chúa là thế đấy!

 

Lên cao hơn, là nhìn bằng trí khôn: cái nhìn này cho phép ta vượt qua những gì thuộc ngoại bì phu, để có thể bắt gặp chính tâm trí của người khác. Tuy vậy, nó vẫn còn lệ thuộc nhiều yếu tố tầm thường, dễ sai lầm lắm.

 

Lên cao hơn nữa, là nhìn bằng đức tin: một cái nhìn giúp ta nhận ra thực tại thâm sâu của con người. Nhờ đức tin, tôi thấy người khác như Chúa thấy. Người trước mắt tôi là ai đi nữa, có đạo hay không có đạo, đàn ông hay đàn bà, Nam hay Bắc, Kinh hay Thượng.., tôi vẫn hiểu rằng đây là một tạo vật của Thiên Chúa, được tạo dựng giống hình ảnh của Thiên Chúa, có khả năng sống tự do và yêu thương. Trước mắt tôi, người khác luôn là người được Chúa Kitô cứu, dù họ biết điều này hay không. Họ là người được mời gọi trở nên con cái Thiên Chúa, và là anh chị em với tôi. Chính như thế mà Thiên Chúa luôn nhìn và yêu thương mỗi người, như một chi thể của Đức Kitô. Và nếu chi thể này chết vì tội lỗi, thì tình yêu của Chúa còn mạnh hơn, nhằm cứu vớt nó.

 

Tóm lại, dưới ánh sáng của mầu nhiệm cứu độ, người nào cũng vậy, đều có một giá trị mới. Đời sống của họ có một mầu sắc thiêng thánh. Thế thì khi gặp gỡ họ, tiếp xúc với họ, nói về họ, chúng ta phải biết tôn trọng, yêu thương, đánh giá theo mộtcách thức mới.

 

Tục ngữ Trung Hoa có câu: “Trước khi phán đoán người bên cạnh, hãy xỏ giầy của họ”. Giầy của ai thì chỉ người đó xỏ vừa. Người khác xỏ vào có thể thấy chật, có thể thấy rộng. Nhưng đừng thấy rộng hay chật mà đã vội chê, vì giầy chỉ hợp với chủ nhân của nó. Cũng vậy, lời nói, cử chỉ, hành động của một người đều có những lý do, những hoàn cảnh chi phối, như khổ chân chi phối khổ giầy. Ta đâu có biết hết hoặc biết rõ mà dám phê phán, hoặc cho phê phán của mình là tuyệt đối đúng. Mà nếu phải phê phán thì cũng chỉ phê phán về hành vi, thái độ, lời nói đó, chứ không phải về con người có hành vi, thái độ và lời nói đó.

 

Đàng khác, dù có gì đi nữa thì điều này vẫn không làm mất đi giá trị của một con người, mà giá trị nhất, đó là ơn cứu rỗi đã đến với họ.

 

Lý tưởng không còn là “ta” với “nó”, mà chỉ có “chúng ta”, làm thành đại gia đình, trong đó mọi người là anh chị em với nhau. Việc này thực khó, nhưng không phải vì khó mà không cố gắng thực hiện.

 

* Mở rộng tâm hồn đón nhận lịch sử. Niềm vui của Đức Giêsu là làm theo thánh ý Chúa Cha. Để có niềm vui cho mình, chúng ta cũng phải vâng phục ý Chúa. Ý của Chúa thể hiện bằng nhiều cách, trong đó có những việc Chúa làm trong dòng lịch sử, chiếu theo sự quan phòng của Ngài.

 

Hơn nữa, lịch sử, thế giới, vũ trụ đã thấm nhuần ơn cứu độ của Chúa. Hồng ân này không chỉ được ban cho con người, mà còn cho tất cả tạo thành nói chung, cho vũ trụ, vạn vật và cả lịch sử. Trong thư Rôma, thánh Phaolô viết: “Muôn loài đã lâm vào cảnh hư ảo… nhưng vẫn còn niềm trông cậy là có ngày cũng sẽ được giải thoát, không phải lệ thuộc vào cảnh hư nát, mà được cùng với con cái Thiên Chúa chung hưởng vinh quang” (Rm 8,20-21). Đây là thánh Tông đồ nói về vinh quang mai hậu của tạo thành, trong tương quan và gắn liền với vinh quang mai hậu của con người. Thế nhưng, cũng như con người đã được cứu độ và đang tiến dần tới sự viên mãn, tất cả tạo thành cũng vậy, cho dù hiện giờ nó còn trong tình trạng mà Phaolô gọi là hư ảo, hư nát, cũng như con người hiện giờ còn xấu xa. Tất cả là do tội lỗi của con người.

 

Như vậy, ơn cứu độ của Chúa có thêm một chiều kích vũ trụ, gắn chặt vũ trụ tạo thành với con người. Mà con người với tạo thành làm nên lịch sử trong thời gian. Lịch sử này có Đức Kitô là trung tâm. Cựu ước loan báo và chuẩn bị cho Đức Kitô. Tân ước hiện nay chan hoà sự hiện diện của Ngài, của Thần Khí Đức Kitô Phục Sinh, trong hy vọng chờ ngày Ngài trở lại thâu họp tất cả vạn vật. Lịch sử chúng ta đang sống là những ngày chờ đợi đó.

 

Nếu lịch sử đã chan hoà ơn cứu độ của Đức Kitô, thì dù ta chưa nhận ra rõ ràng đi nữa, dù vì tội lỗi con người, nó còn trong tình trạng tranh tối tranh sáng đi nữa, tự bản chất, nó đã được đổi mới, và phải là nguồn vui, nên đòi chúng ta đánh giá nó theo một cách thức mới.

 

Đánh giá thế nào? Có thể nói hiện tại vẫn còn nhiều điều làm ta khó chịu. Nhưng đúng ra, chúng ta chỉ trông thấy mặt trái của tấm thảm mà Thiên Chúa đang dệt, tức chỉ thấy được những mối chỉ lộn xộn, chứ không nhận ra một tuyệt phẩm của nghệ nhân. Chúng ta chỉ thấy từng nốt nhạc ngang cung – nốt này thường dễ nhận ra – chứ chưa thấy được toàn bộ khúc giao hưởng gồm cả những nốt nhạc đó, do Thiên Chúa phối trí, sáng tạo. Nói thế không phải là để chúng ta yên tâm với sự dữ đâu.

 

Cho nên, chúng ta phải đánh giá theo đức tin. Dựa vào lời Chúa, chúng ta hiểu rằng mọi đau khổ không phải là đau đớn của cơn hấp hối, nhưng là đau đớn của lúc sinh con. Đau đớn của cơn hấp hối đưa đến thất vọng vì sắp chết. Đau đớn của lúc sinh con đưa đến hy vọng và niềm vui, vì một người con sắp chào đời. Chúng ta hiểu rằng cần có thời gian và nhiều nỗi truân chiên vất vả, để dần dà xây dựng phẩm cách làm con cái Chúa. Chúng ta tin rằng có một cái gì đó đang âm thầm hình thành trong lịch sử này, mà một ngày nào đó sẽ tỏ hiện. Chúng ta không thấy được lịch sử này rồi sẽ đi về đâu. Nhưng trong đức tin, chúng ta biết nó sẽ không ở ngoài vòng yêu thương của Chúa. Tình yêu của Thiên Chúa không thể không giải thoát và biến đổi nó.

 

Cụ thể phải làm gì? Cứ chấp nhận nó, dù nó có những diều ít nhiều không phù hợp với ta, và ta không thích. Chúng ta không có khả năng tạo ra một lịch sử khác, nhưng vẫn có khả năng và nhiệm vụ làm cho lịch sử này tốt đẹp hơn, bằng những đóng góp nào đó của ta, cho dù nhỏ bé. Cứ ngồi mà than vãn thời thế, nguyền rủa bóng tối mà không biết thắp lên một ngọn đèn nhỏ, thì chưa phải là người muốn đổi mới, muốn sống vui. Chưa kể có người chỉ đưa ra những đánh giá thuần tuý tiêu cực, thiên lệch, chỉ nhìn những góc cạnh xấu mà không chịu khó nhìn ra những nét giá trị.

 

Đón nhận và nhập cuộc với những hình thức nào, giới hạn nào, là tuỳ điều kiện của từng người hay từng cộng đồng.

 

2. Những cách thể hiện

 

Có nhiều cách thể hiện một đời sống vui. Thử gợi ra một vài cách:

* Luôn luôn trẻ trung. Nhiều người sợ tuổi già. Nhưng có một cái già khác đáng sợ hơn: không phải già về tuổi tác, nhưng ở tinh thần. Cái già này có thể có cả nơi những người trẻ tuổi. Nó không chỉ sồng sộc theo sau ta (“Cái già sồng sộc nó thì theo sau”), nhưng còn nhập vào chính nếp sống của ta.

 

Thế nào là già?

 

Chúng ta già, nếu mỗi buổi mai không biết mở to đôi mắt để thán phục thiên nhiên, thấy cuộc đời là kỳ diệu, thấy đó là công trình của Thiên Chúa, để rồi chúc tụng tán dương Ngài.

 

Chúng ta già, nếu mỗi ngày không biết khám phá một khía cạnh mới của Đức Giêsu nơi người anh chị em. Không thấy có gì mới, chúng ta dễ trở nên cằn cỗi trong mối tương giao với các anh chị em, đông cứng trong những liên hệ, tình cảm, nhận định thông thường quen thuộc về người khác. Nếu những mối liên hệ này vốn đã không tốt mấy, thì thực tai hại, gây chán nản, đặc biệt cho những ai sống đời sống cộng đồng. Hằng ngày, nhìn trước ngó sau cũng chỉ thấy bằng ấy khuôn mặt. Như những người quen sống ở miền núi không cảm được niềm vui của biển cả, chúng ta cũng vậy, quen sống chung và tiếp xúc với một số người hạn chế, nên không còn vui hay thán phục nữa. Vì vậy, điều có vẻ nghịch lý là thường ra chúng ta dễ quý mến một người ở xa tới, hoặc dễ thông cảm với người không thường xuyên sống với ta.

 

Chúng ta già, nếu ở mỗi giai đoạn sống không tìm hiểu thêm những đòi hỏi mới của Chúa, quá yên phận với đời sống, với công việc và những thực hành cố định, tầm thường, không có ý hướng sáng tạo dựa vào những đòi hỏi mới ấy.

 

Chúng ta già, nếu mất tin tưởng, chán nản, tuyệt vọng, nếu lãng quên lý tưởng. Những lo lắng, sợ hãi, thất vọng… là những kẻ thù, từ từ lôi kéo ta xuống đất, khiến ta trở thành một thứ cát bụi trước khi nằm yên trong lòng đất. Nếu như vậy, thì đúng như lời F. Nietzsche nói: “Những người kitô hữu này có vẻ như chưa được cứu rỗi đủ”.

 

Một trong những dấu chỉ nói lên tình trạng già nua là hay nuối tiếc, gợi nhớ thời đã qua, mà không đương đầu với hiện tại. Quá khứ vàng son còn hiểu được. Chứ quá khứ chẳng có gì đáng nói mà cứ bắt người khác phải nghe mãi, sốt cả ruột. Chúng ta chưa đủ già để được phép sống với quá khứ, như cách sống chung chung của những người cao tuổi. Chúng ta có quá khứ nào để nghĩ đến, thì chỉ là để rút kinh nghiệm, để trao đổi như chuyện phiếm lúc nhàn nhã, lúc trà dư tửu hậu, thế thôi. Sống cho hiện tại mới là điều chính yếu.

 

Cho nên phải sống trẻ và trẻ mãi, vì trẻ gắn liền với vui (vui vẻ trẻ trung!)

 

ĐHY Lercaro, hồi làm Tổng Giám mục Bologna, đã tìm cách để sống trẻ trung như thế này: tụ tập các thanh niên về chung sống trong cơ sở của mình. Ngài để họ tự do tổ chức đời sống, và hoàn toàn tín nhiệm vào họ. Ngài nói: “Người ta tưởng tôi làm ơn cho họ, nhưng đó chỉ là một khía cạnh. Những sinh viên, công nhân này cũng là những người làm ơn cho tôi. Nhờ họ mà tôi cảm thấy trẻ trung, bắt gặp sự sống. Họ giúp tôi không bám víu vào quá khứ, không mắc chứng xơ cứng động mạch…”

 

Chúng ta có lợi là chưa tới tuổi già, còn đang trẻ, nên càng cần sống trẻ trung.

 

Nhân tiện, chúng ta nghĩ tới cái giá trị mà thời nay, ở bất cứ đâu, người ta thường gán cho tuổi trẻ. Nhà văn Võ Phiến bảo rằng : Ngày xưa thì quý tuổi già. Sao vậy? Có những người trẻ không chắc đã mon men tới tuổi già. Nhưng người già nhất định đã từng có tuổi trẻ. Điều mà không phải ai nấy đều có, thì quý. Ngưới ta quý tuổi già là vì vậy. Ngày nay lại khác. Tuổi trẻ có đó rồi lại mất đi. Tất cả chúng ta rồi sẽ mất tuổi trẻ là tuổi năng động nhất của đời người. Nhưng tuổi già thì không mất. Không ai mất tuổi già cả. Chỉ có thể không có nó chứ không thể mất nó. Vì thế tuổi trẻ là một hãnh diện.

 

Chúng ta hãnh diện vì còn trẻ, nếu sống đúng sự trẻ trung của mình.

 

Có một phương cách nhỏ có thể giúp chúng ta sống trẻ trung vui tươi, đó là tập cười. Xét ra, cười là dấu chỉ thông thường hơn khóc. Khóc là chuyện của trẻ con hoặc của một số người dễ bị xúc động. Có người bảo: đọc trong Phúc Âm, chẳng thấy chỗ nào nói Chúa cười, chỉ có những lần Chúa khóc (trước mộ Lazarô, trước thành thánh Giêrusalem). Chúa không biết cười chăng? Đâu có! Chẳng qua, cười là chuyện thường. Khóc mới là điều lạ, nhất là tiếng khóc của người lớn, nên mới đáng nói, đáng ghi. Vậy cười là điều bình thường mà lắm khi chúng ta quên đi, nhăn nhó nhiều quá. Con vật không biết cười bằng miệng (trừ con vật trong một loại pho mát!), nhưng có cách diễn tả niềm vui của nó với chủ là vẫy đuôi, như một phản xạ tự nhiên. Còn chúng ta thì phải tập. Cười là dấu vui tươi, biểu lộ rõ rệt niềm vui của ta, sự trẻ trung của ta. Cười còn là cách giao tiếp thông cảm dễ dàng, ngay cả đối với những người khó tính.

 

Nói đến cười, chợt nghĩ đến soeur Sourire. Đây là một cái tên giả, do các bạn trẻ ở Paris đặt cho chị. Họ đã chọn một tên thật đúng. Chúng ta không biết con người, vóc dáng, mặt mũi chị ra sao, nhưng nghe những bài hát tươi tắn, đơn sơ, làm toát ra không khí của mùa xuân, với một nhịp độ nhanh, một giọng thanh thanh đôi khi pha những nét tinh nghịch, chúng ta có thể hình dung chị vừa hát vừa mỉm cười. Những người nghe chị hát, thậm chí người vô tín, đều bắt gặp một niềm vui, một cái gì đó mà mình cảm thấy thiếu. Hát cũng là một dấu chỉ trẻ trung. Vừa biết cười vừa biết hát nữa càng tốt, làm vui cuộc đời.

 

* Yêu thích thời gian hiện tại và trung thành với nó.

Nói tới thời gian hiện tại, không thể không thấy những khó khăn. Ai nấy đều có kinh nghiệm. Những ngày sống liên tiếp quá giống nhau. Các công việc lặp đi lặp lại, như những điệu buồn. Thi sĩ Trăng Thập Tự, tác giả tập thơ “Tâm tình tu viện”, có một bài nhan đề “Điệu buồn học trò”. Đời học trò ngày ngày cắp sách đến trường, vật lộn với một mớ chữ nghĩa và con số. Rõ chán! Thực sự, chẳng riêng gì đời học trò, cuộc sống của mỗi người chúng ta cũng trôi đi, ngày qua ngày, như những điệu buồn. Điệu buồn làm phát sinh khuynh hướng thích thay đổi, muốn những tương giao khác, môi trường khác, công việc khác… Nói chung, dễ chán cái cũ.

 

Đây là khuynh hướng tự nhiên thôi, tâm trạng đứng núi này nhìn núi kia cao, thích tìm kiếm hoặc mơ ước những cái khác lạ. Nhưng cái khác đó lại mau qua, hoặc không thể có được. Còn nhỏ thì muốn bay nhảy như người lớn. Lớn rồi, đang sống độc thân, nhìn đời sống vợ chồng mà thèm, tưởng có nhiều sinh thú. Đến khi đã lập gia đình, lại thấy lắm ràng buộc, trách nhiệm, cảm thấy bực bội, muốn bỏ. Ít ai thấy vui và thoả mãn với đời sống hiện tại của mình, vì còn lắm đòi hỏi, mơ ước. “Một trở ngại cho hạnh phúc là chờ đợi quá nhiều hạnh phúc” (Fontenelle). Chưa kể hiện tại, nhìn dưới góc độ nào đó, có thể làm ta chưng hửng, thất vọng.

 

Tuy có nhiều khó khăn, nhưng hiện tại vẫn đòi ta sống, và sống nó cho đầy đủ.

Trước hết, chúng ta phải xác nhận giá trị của nó, của thời giờ hiện tại, của ngày hôm nay. Chúng ta không thể làm gì đối với quá khứ, với ngày hôm qua. Còn tương lai, ngày mai lại chưa tới, và có thể không bao giờ xẩy ra (“Kim nhật bất tri lai nhật sự”). Chỉ mình hiện tại là mảnh đất chắc chắn của đời sống.

 

Pascal có một nhận xét như sau: “Cứ nhìn vào tâm tưởng, mỗi người sẽ nhận thấy những bận bịu về dĩ vãng hay tương lai. Hầu như không bao giờ chúng ta nghĩ đến hiện tại. Thảng hoặc có nghĩ đến, cũng chỉ là lợi dụng ánh sáng hiện tại để sắp đặt tương lai. Hiện tại không bao giờ là cứu cánh của ta. Dĩ vãng và hiện tại là phương tiện, chỉ tương lai mới là cứu cánh. Thế nên, không bao giờ chúng ta sống, mà chỉ ao ước sống. Và vì luôn chuẩn bị sắp đặt để được hạnh phúc, tất nhiên không bao giờ chúng ta được hạnh phúc”.

 

Tuy vậy, việc nhìn vào hiện tại vẫn không loại bỏ một sự tiên liệu sáng suốt cho mai ngày. Vô lo như con ve sầu trong một bài thơ ngụ ngôn của La Fontaine, thì không được đâu.

 

Chính hiện tại rèn đúc giá trị của ta, nhân cách của ta, cuộc sống của ta, cuộc sống riêng cũng như trong tương quan với Chúa và với người khác. Cũng chính về hiện tại mà Chúa xét xử ta.

 

Vậy để có thể vui vẻ chu toàn thời giờ và công việc hiện tại, điều quan trọng là phải yêu thích nó. Yêu để đón nhận và trung thành với nó. Khi yêu, sẽ không còn trở ngại. Yêu hiện tại, chúng ta không xao xuyến vì những điều xẩy ra, không mơ ước một thứ bình an không phát sinh từ Thập giá, vì Đức Kitô đã tái lập sự hiệp nhất và bình an nhờ Máu Người đổ ra trên Thập giá (Cl 1,20). Mỗi người sẽ thấy trách nhiệm, đòi hỏi, vui buồn trong thời giờ và công việc của mình. Đây là lúc chúng ta sống tinh thần Phúc Âm, 8 mối phúc, tìm kiếm Nước Thiên Chúa, phục vụ anh chị em. Phục vụ Chúa và các anh chị em, chứ không phục vụ cho riêng mình, mới làm cho thời giờ hiện tại có ý nghĩa sâu sắc. Chúng ta phải luôn tự hỏi: Chúa và các anh chị em muốn tôi làm gì ngày hôm nay.

Sống như thế là dấu hiệu còn biết đến Đức Kitô Cứu Thế đang hiện diện và mời gọi. Ngược lại, chúng ta là những kẻ phản bội nếu chạy trốn thời giờ của mình, tìm cách thoát ly trong những hình thức vui thú bù trừ này khác, nhất là chỉ nhằm làm thoả mãn con người xác thịt của mình.

 

Chúng ta hãy xem cách đáp ứng của Đức Giêsu đối với Giờ của Ngài. Đó dường như là giờ của bóng tối (Lc 22,53). Ngài cũng đau khổ lắm chứ, và đã xin Chúa Cha cứu Ngài ra khỏi Giờ này. Nhưng rồi vì yêu và trung thành với nó, hoặc đúng hơn, vì yêu và sẵn sàng vâng theo ý Cha, nên Ngài đã tiếp: Nhưng chính vì nó mà con được sai đến (Ga 12,27).

 

Vậy trước những thách đố của thời giờ hiện tại, trước những khó khăn đau khổ còn nhiều, chúng ta học tập cách hành xử của Chúa, chắc chắn sẽ tìm thấy niềm vui và hy vọng. Hoa hồng đẹp thật, nhưng cây hồng thì đầy gai. Việc nào cũng có thể gây ra thái độ bi quan hay lạc quan, vì có điều xấu điều tốt lẫn lộn. Người bi quan thì than phiền hồng có gai. Nhưng tôi lạc quan thì lại thấy trên những gai đó có bông hoa đẹp.

 

Ánh sáng của Chúa sẽ bùng lên trong cuộc đời. Trong thinh lặng, chúng ta sẽ nghe tiếng Chúa thì thầm: “Có Ta đây” (Is 58,9). Đó là lý do làm ta tin tưởng và phấn khởi.

 

Lm Micae TRẦN ĐÌNH QUẢNG
21-4-2003

 

 


Trở Về Trang Mục Lục Giáo Dục
Trở Về Trang Nhà