Đạo Hiếu

hay

Thần Học Tam Phụ

Tết hay ngày đầu năm là dịp để người châu Á nói chung, và người Việt Nam nói riêng nhớ đến tổ tiên, ông bà, cha mẹ, thầy cô, các thân nhân, ân nhân và bạn bè của mình. Có thể nói đó là những ngày đặc biệt để mọi người tỏ lòng hiếu thảo và biết ơn của mình đối với những người vừa kể trên. Đó là một truyền thống hết sức tốt đẹp của nền văn hóa Đông phương nói chung và của Việt Nam nói riêng. Chính truyền thống này đã làm cho xã hội Á Châu và Việt Nam có một nền nếp gia phong tốt đẹp, một nền luân lý truyền thống dựa trên tình nghĩa, lòng biết ơn, lòng tôn sư trọng đạo, là những giá trị hết sức quí giá của văn hóa Đông phương.

Tuy nhiên, đối với người Kitô hữu, ngày tết cũng là ngày đặc biệt để thờ phượng và tỏ lòng hiếu thảo đối với Thiên Chúa, mà họ quan niệm là cha mẹ chung của cả vũ trụ, cả thế giới. Người Kitô hữu chủ trương phải hiếu thảo với cả bậc cha mẹ cao cấp này nữa. Ý niệm coi Thiên Chúa là cha mẹ đã được các bậc tổ tiên của người Kitô hữu Việt Nam ta xưa nghiền ngẫm và đưa ra thành một ý niệm thần học: Thần học Tam Phụ. Đó là một ý niệm thần học rất đặc biệt của người Kitô hữu Việt Nam xưa. Đó cũng là một cách hội nhập văn hóa sứ điệp Ki-tô giáo, đưa quan niệm Thiên Chúa là Cha vào tâm trí người Việt vốn luôn luôn đặt nặng vấn đề hiếu thảo đối với cha mẹ, ông bà, tổ tiên. Và đó cũng là ý niệm thần học mà người Kitô hữu Việt Nam có thể tự hào là của mình, để đóng góp vào nền thần học Giáo Hội nói chung, và nền thần học Á Châu nói riêng.

Vì thế, nhân dịp đầu năm, chúng ta thử cùng nhau tìm hiểu và suy nghĩ về ý niệm thần học này.

Thần học Tam phụ

Khi rao giảng Tin Mừng cho người Việt Nam, nhiều nhà truyền giáo nhận xét: Tại Việt Nam, một thuận lợi rất lớn cho công việc truyền giáo, đó là tinh thần đạo hiếu. Thật vậy, nhờ ảnh hưởng của đạo Nho, người Việt Nam đặt rất nặng việc Trung Quân, Hiếu Phụ Mẫu (trung thành với vua, hiếu thảo với cha mẹ)(). Nơi người Việt Nam, việc hiếu thảo với cha mẹ đã được thể hiện thành một tôn giáo gọi là Đạo thờ Tổ Tiên hay nói nôm na là Đạo Ông Bà (). Những người theo đạo này thường tự gọi tôn giáo của mình là Đạo làm người. Điều đó hàm ý rằng muốn làm người cho ra người thì phải biết thờ cha kính mẹ, nghĩa là phải có Đạo Hiếu.

Lợi dụng tinh thần trung và hiếu đó, Cha Đắc-Lộ đưa ra ý niệm thần học về Tam Phụ để giới thiệu thêm cho người Việt Nam một người cha mà họ lãng quên hay không biết tới, đó là Cha trên trời, Đấng sinh thành ra tất cả vũ trụ vạn vật, mà Đức Giêsu Kitô dạy ta gọi Ngài là Cha.

Trong cuốn Phép Giảng Tám Ngày, Cha Đắc-Lộ viết: Bây giờ, ta phải hay có ba đấng bề trên là ba cha, ta phải thờ ở đấng nào cho nên đấng ấy. Đấng dưới là cha mẹ sinh ra thân xác cho ta, đấng giữa là vua chúa trị nước, đấng trên là đức Chúa trời đất, làm chúa thật trên hết mọi sự. Có ba đấng này ta mới được sống được ở ().

Thật ra, do ảnh hưởng đạo Nho, ngoài việc coi trọng Đạo Hiếu, người Việt Nam cũng biết thờ Trời. Nhưng ngày xưa, nghi lễ thờ Trời chính thức dành cho Thiên Tử (Con Trời), tức nhà vua. Việc thờ Trời của người dân chỉ được biểu hiện đơn sơ qua việc cắm nhang, cúng gạo, muối và nước ở Bàn Thiên (tức bàn thờ Thiên) dựng trước cửa chính trong sân mỗi nhà. Lễ tế Trời của vua gọi là Tế Nam Giao. Vua có bổn phận đối với Trời, còn dân có bổn phận đối với vua. Bổn phận của người dân đối với vua là một lòng một dạ trung thành (), cho dẫu có phải hy sinh đến tính mạng.

Thể theo việc thờ Trời và lòng Trung Hiếu của dân Việt, các cha ông ta xưa đã đưa ra ý niệm thần học về Tam Phụ - là Ba Cha - để thống nhất ba chiều kích trên của tinh thần người Việt Nam, đồng thời để giúp người dân ý thức hơn về tình yêu của Trời đối với mình và bổn phận đáp lại tình yêu thương ấy đối với Trời. Đây là một nỗ lực thích ứng và hội nhập văn hóa của người công giáo Việt Nam. Tam phụ đó là:

1.      Thượng phụ:Cha ở trên, tức Thiên Chúa, Đấng tạo dựng nên vũ trụ vạn vật, là Cha chung của muôn loài vạn vật. Lòng hiếu thảo mà mọi người phải có đối với Ngài được biểu hiện qua sự tôn thờ.

2.      Trung phụ:Cha ở giữa, tức là vua của nước, là người thay Trời trị dân, là Phụ mẫu chi dân, tức cha chung của mọi người dân trong nước. Lòng hiếu thảo mà mọi người phải có đối với ngài được biểu hiện qua sự tôn kính.

3.      Hạ phụ:Cha ở dưới, tức là cha mẹ sinh ra mỗi người. Lòng hiếu thảo mà mọi người phải có đối với các ngài được biểu hiện qua sự thảo kính.

Thần học Tam Phụ có từ thời Alexandre de Rhodes đến Việt Nam (giữa thế kỷ 17) tức từ thời nhà Lê, và tồn tại đến thời của Nguyễn Trường Tộ và Đặng Đức Tuấn (thế kỷ 19). Về sau, vì chế độ quân chủ không còn nữa, nên Trung Phụ trở nên mất ý nghĩa, do đó thần học Tam Phụ bị mất đi một Phụ, không còn hợp thời nữa. Tuy nhiên, ngày nay, trong tinh thần Giáo Hội học, chúng ta có thể hiểu Trung Phụ là Giáo Hội. Giáo Hội đã được Đức Giáo Hoàng Gioan XXIII gọi là Mẹ và Thầy, và chúng ta vẫn thường nói Mẹ Giáo Hội. Vậy Giáo Hội là Mẹ của chúng ta, mà cụ thể là Đức Thánh Cha, các Đức Giám Mục, các linh mục. Đó là cha mẹ ở dưới thế sinh thành và nuôi dưỡng chúng ta về mặt tâm linh. Vậy, Giáo Hội là Trung PhuÏ mà chúng ta có bổn phận phải hiếu thảo.

Đối với những người Kitô hữu yêu nước, thì song song với Mẹ Giáo Hội, chúng ta cũng có Mẹ Tổ Quốc, hay Mẹ Việt Nam, mà chúng ta vẫn thường nghe nói đến trong các bài ca, bài thơ, hay bài văn. Thật vậy, Tổ Quốc Việt Nam đích thực là người mẹ đầy dịu dàng, yêu thương, và cũng là người mẹ đầy đau khổ nhưng rất can trường và anh dũng, mà chúng ta có bổn phận phải yêu thương và hiếu thảo.

Thay vua bằng Giáo Hội và Tổ Quốc vào chỗ Trung Phụ, như vậy, đúng ra ta có Tứ Phụ chứ không phải Tam Phụ. Nhưng Giáo Hội và Tổ Quốc đều là một tập thể xã hội lớn, có nhiều tính chất chung, nên ta có thể xếp chung làm một là Trung Phụ.

Một trong những điểm quan trọng của thần học Tam Phụ là nó nhắc nhở chúng ta rằng Thiên Chúa chính là Cha Mẹ đúng nghĩa nhất của ta, và chúng ta phải đối xử với Ngài bằng tâm tình hiếu thảo của những người con. Thật vậy, xét cho cùng, Thiên Chúa mới là người sinh ra chúng ta, còn cha mẹ ruột thịt là người cộng tác với Ngài trong việc sinh ra chúng ta phần xác, và Giáo Hội là người cộng tác với Ngài trong việc sinh ra chúng ta phần hồn. Và Ngài yêu thương chúng ta còn hơn cha mẹ ruột thịt của chúng ta muôn vàn lần, đến nỗi tình yêu của cha mẹ ruột chỉ là hình ảnh tình yêu của Cha trên Trời. Hãy ngẫm nghĩ mà xem, có Thiên Chúa là cha mẹ, nghĩa là được làm con cái Thiên Chúa, được Thiên Chúa yêu thương, còn gì hạnh phúc bằng?

Hiếu thảo với Cha trên trời

và với cha mẹ dưới đất 

Chúa Giêsu tóm lại toàn bộ lề luật trong hai điều ():

·       Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn ngươi (Đnl 6, 4-5). Đó là bổn phận của con người đối Thiên Chúa, là lòng hiếu thảo mà con người phải có đối với Cha chung trên trời, tức Thượng Phụ. Trong bản mười giới răn, điều luật này được diễn tả thành ba giới răn đầu, từ thứ nhất đến thứ ba.

·       Ngươi phải yêu người thân cận như chính mình (Lv 19, 18). Đó là bổn phận của con người đối với tha nhân. Trong bản mười giới răn, điều này được diễn tả thành bảy giới răn sau, từ thứ tư đến thứ mười. Người thân cận ở đây là tất cả những người chung quanh ta, những người mà ta gặp trong cuộc đời, bất kể tốt xấu, giàu nghèo, sang hèn, tuy nhiên ưu tiên cho những người thân cận nhất. Mà thân cận nhất của ta là ai nếu không phải là cha mẹ ta? Chính vì thế, giới răn về việc đối xử với cha mẹ là giới răn đầu tiên trong bảy giới răn sau. Đó là giới răn thứ tư: Thảo kính cha mẹ. Như thế, liền sau nghĩa vụ đối với Thiên Chúa, là nghĩa vụ đối với cha mẹ. Vì thế, việc hiếu thảo đối với cha mẹ có một chỗ đứng rất quan trọng trong luân lý Kitô giáo.

Trong Tam Phụ, thì Hạ Phụ hay cha mẹ ruột thịt là phụ tính () mà chúng ta kinh nghiệm được đầu tiên. Từ đó, ta mới bắt đầu có ý niệm về phụ tính của Thượng Phụ và Trung Phụ. Vì thế, khi bàn về thần học Tam Phụ, chúng ta khởi sự từ Hạ Phụ.

A.     Đạo Hiếu đối với cha mẹ dưới đất (Hạ Phụ)

Trên đời, người đầu tiên yêu thương chúng ta chính là cha mẹ ta. Trước khi chúng ta sinh ra, thậm chí trước khi chúng ta thụ thai trong lòng mẹ, cha mẹ đã yêu thương chúng ta rồi. Tình yêu đó càng ngày càng tăng triển sau khi ta sinh ra và trong khi ta lớn lên. Vừa lọt lòng mẹ, ta đã được bao bọc ấp ủ ngay trong vòng tay cha mẹ với một tình thương bao la nhất, vô vị lợi nhất. Tình thương đó đúng là vô điều kiện: thật vậy, cho dẫu ta có bị đui què mẻ sứt, xấu xí, hư đốn, khó tính khó nết hay khó thương đến đâu, cho dẫu không ai có thể thương ta nổi, thì cha mẹ vẫn một mực yêu thương ta, thậm chí còn có thể dồn tình thương cho ta hơn những đứa con khác lành lặn, đẹp đẽ, ngoan ngoãn, dễ thương hơn. Ôi, có tình thương nào khác trên đời cao cả như thế?

Cha mẹ không chỉ yêu thương ta bằng tình cảm xuông, mà bằng những thể hiện cụ thể. Nào là mang nặng đẻ đau, chăm sóc dưỡng nuôi, giáo dục ta nên người. Nào là lo lắng cho chúng ta từng chút, thậm chí lo cho ta hơn cho chính bản thân các ngài, nhất là khi ta còn nhỏ. Không thể nào kể hết được công ơn cha mẹ. Văn chương bình dân chỉ biết so sánh đơn giản:

Công cha như núi Thái Sơn,

Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra

Lên non mới biết non cao,

Nuôi con mới biết công lao mẹ hiền.

Chúng ta được như ngày nay, về thể chất cũng như tinh thần, về tài năng cũng như về đức hạnh, đều là do công ơn của cha mẹ, saün sàng chấp nhận đau khổ thiệt thòi, chịu cực chịu khổ vì ta.

Tình thương và công ơn cha mẹ bao la như thế, sự công bằng đòi buộc ta phải đáp trả lại: tình thương phải được đáp trả bằng tình thương.

Trên trần gian này, không ai yêu ta và có công lao với ta hơn cha mẹ, nên ta có bổn phận với cha mẹ mình trước hết. Trong Phật giáo, Đức Phật cũng dạy: Hiếu vi vạn hạnh chi tiên (làm người phải lấy chữ hiếu làm đầu). Sách Phật có câu: Phụ mẫu tại đường như Phật tại thế (cha mẹ ở nhà như Phật tại trần). Vì thế, các Phật tử cho rằng không thể thờ Phật mà lại bất hiếu với cha mẹ. Họ quan niệm: cha mẹ chính là hai vị Phật sống ở ngay bên họ, không phải tìm Phật ở đâu xa:

Có hai Phật sống trong nhà

Sớm hôm lễ niệm đâu cần đi xa.

Theo Kinh Thánh, hai điều luật căn bản nhất của đạo là mến Chúa, yêu người (x. Mc 12, 28-39). Nhưng điều luật trước lại được thể hiện bằng điều luật sau, đến nỗi thánh Phaolô tóm lại chỉ còn một luật thôi: Tất cả lề luật được tóm gọn trong một điều này: Hãy yêu người lân cận như chính mình (Gl 5, 14). Ai thực hiện được như thế chính là giữ trọn vẹn toàn bộ lề luật (x. Gl 6, 2 ; Rm 13, 8. 10 ; Cl 3, 14). Mà người thân cận nhất mà ta phải yêu thương chính là cha mẹ ta. Vả lại luật vàng của Chúa là: Hãy làm cho tha nhân tất cả những gì mình muốn họ làm cho mình (Mt 7, 12). Vậy thì ta muốn cho con cái mình đối xử với mình thế nào, hãy đối xử với cha mẹ mình như vậy. Có bao giờ ta muốn cho con cái mình bất hiếu với mình không?

Việc đền đáp tình thương và công ơn cha mẹ dù có làm nhiều đến đâu đi nữa, cũng không nên lấy làm đủ. Đức Phật dạy các đệ tử: Trên đời này có hai người mà ta không thể trả hết ơn được là cha và mẹ ta. Dù có cõng cha mẹ trên vai suốt cả trăm năm cuộc đời, hay có tán xương lóc thịt để làm thức ăn cho cha mẹ cả trăm ngàn kiếp, cũng chưa đáp đền được công ơn sinh thành dưỡng dục của cha mẹ, vì công ơn cha mẹ to lớn lắm (Kinh Vu Lan).

B.     Đạo Hiếu đối với Cha trên trời (Thượng Phụ)

Lòng hiếu thảo đối với cha mẹ phải lớn lao như thế. Nhưng theo người Kitô hữu, lòng hiếu thảo của chúng ta đối với Cha trên Trời còn phải lớn lao hơn. Vì ngay cả cha mẹ ta cũng là do Thiên Chúa ban cho ta. Cha mẹ sinh ra ta, nuôi nấng dạy dỗ ta, công lao có to tát tới đâu thì cũng là do Thiên Chúa đặt định cho ta cả. Chính Thiên Chúa cho cha mẹ ta sinh ra ta, yêu thương và hy sinh cho ta. Vì thế, Ngài yêu thương ta hơn cả cha mẹ ta, vì chính Ngài là nguồn yêu thương, Ngài chính là Tình Thương, và Tình Thương chính là Ngài (x. 1 Ga 4, 7-8). Do đó, cha mẹ yêu thương ta bằng chính tình thương của Ngài. Ngài đã thể hiện tình thương của Ngài đối với ta qua việc chết vì ta: Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình (Ga 15, 13). Bởi thế, người Kitô hữu đặt tình thương đối với Thiên Chúa lên trên hết, trên cả tình thương đối với cha mẹ. Theo họ, bổn phận đầu tiên của con người là phải yêu mến Thiên Chúa hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn, hết sức mình (Đnl 6, 5 ; Mt 22, 37). Cha mẹ trần gian dẫu sao cũng chỉ là thừa tác viên của Thiên Chúa trong việc sinh ra ta, nuôi dưỡng giáo dục ta. Vì thế, luân lý Kitô giáo có mười giới răn, thì ưu tiên dành ba giới răn đầu cho lòng hiếu thảo đối với Thiên Chúa, chỉ dành một giới răn, nhưng là giới răn kế tiếp cho lòng hiếu thảo đối với cha mẹ trần gian, và cuối cùng là sáu giới răn cho tình yêu thương đối với mọi người. Lòng hiếu thảo đối với cha mẹ tuy đứng đầu các giới răn nói về tình yêu thương giữa con người với nhau, nhưng vẫn phải đặt sau lòng hiếu thảo đối với Thiên Chúa. Nghĩa là phải đại hiếu đối với Thượng Phụ.

Thật vậy, đối với người Kitô hữu, tình thương cha mẹ mới chỉ là tình thương lớn nhất, bao la nhất theo chiều kích ngang giữa người với người mà thôi. Tình thương đó dù bao la rộng rãi tới đâu, cũng chỉ là một hình ảnh, một biểu trưng cụ thể nhất giúp ta hiểu được phần nào tình thương yêu của Thiên Chúa đối với con người, tức tình yêu bao la theo chiều kích dọc. Tình yêu của cha mẹ đối với ta dù có bao la sâu đậm tới đâu thì cũng có giới hạn, Còn tình thương của Thiên Chúa thì vô giới hạn: Ngài yêu thương chúng ta vô cùng. Chính Kinh Thánh đã dùng tình thương cha mẹ để giúp ta hiểu được tình thương vô hạn của Thiên Chúa: Người mẹ làm sao quên được đứa con trai ruột của mình? Nhưng dẫu người mẹ có quên con mình đi nữa, thì Ta cũng không thể quên ngươi! (Is 49, 14). Và cũng tương tự như tình yêu của cha mẹ: Không phải chúng ta yêu mến Thiên Chúa trước, mà chính Ngài đã yêu thương chúng ta trước (1 Ga 4, 10). Tình yêu Thiên Chúa là thứ tình yêu trường cửu, không bao giờ phai tàn.

Công ơn cha mẹ cũng chỉ là hình ảnh giúp ta hiểu được công ơn bao la của Thiên Chúa, là nguồn mọi tình phụ tử trên trời dưới đất (Lễ qui Rôma). Vì yêu thương và vì hạnh phúc con người, Ngài đã tạo dựng cả vũ trụ bao la này để con người làm chủ, để vũ trụ phục vụ ta. Ngài dựng nên chúng ta để chúng ta hạnh phúc. Nhưng trong quá khứ, chúng ta đã dùng chính tự do và khả năng Ngài ban để chống lại Ngài, khiến chúng ta bị cái hạnh phúc nguyên thủy vô cùng quí giá ấy. Nhưng cho dẫu chúng ta phản bội Ngài như thế, Ngài vẫn không hề từ bỏ chúng ta, mà vẫn tiếp tục yêu thương chúng ta, thậm chí có thể yêu thương hơn cả trước khi chúng ta phản bội. Chính vì thế, Ngài đã phải lập ra cả một chương trình cứu độ vĩ đại để chuộc lại mạng sống và hạnh phúc của ta. Ngài đã nhập thể làm người, mang lấy thân phận yếu đuối và đau khổ y như chúng ta, chịu chết nhục nhã và thê thảm vì ta. . Ngài đã yêu thương những kẻ thuộc về Ngài đến cùng (Ga 13, 1).

C.     Tương quan giữa hai thứ hiếu thảo trên

Luật Chúa buộc ta vừa phải hiếu thảo với Cha trên trời, vừa hiếu thảo với cha mẹ dưới đất. Bình thường hai thứ hiếu thảo này phù hợp nhau, khuyến khích lẫn nhau, thứ này đòi buộc phải có thứ kia. Nhưng cũng có nhiều trường hợp hai thứ hiếu thảo đó có vẻ xung khắc với nhau, ngăn trở lẫn nhau.

Thật vậy, hễ ta yêu Thiên Chúa, thì Thiên Chúa đòi buộc ta phải thảo hiếu với cha mẹ ta. Vì Chúa Giêsu nói: Ai yêu mến Thầy thì sẽ giữ lời Thầy (Ga 14, 23), mà đây là giới răn của Thầy: anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em (Ga 15, 12). Nếu yêu thương nhau chính là dấu hiệu quan trọng nhất chứng tỏ mình là môn đệ Chúa, là Kitô hữu (x. Ga 13, 35), mà cha mẹ là đối tượng yêu thương ưu tiên và tất yếu, nên ai không yêu thương và thảo kính cha mẹ, thì đó là dấu hiệu chứng tỏ mình chưa phải là Kitô hữu đích thực, mà chỉ là thứ Kitô hữu hữu danh vô thực mà thánh Phaolô ám chỉ trong Rm 2, 28-29 ().

Vả lại, theo tư tưởng thánh Gioan thì cha mẹ hữu hình ở gần ta, yêu thương ta, và có công lao cụ thể với ta bằng trời biển như thế, mà ta không thương yêu, thì làm sao ta có thể yêu Thiên Chúa mà ta không thấy được? Vì thế, ai nói rằng mình yêu Thiên Chúa mà lại không yêu chính cha mẹ mình thì hiển nhiên là nói dối (x. 1 Ga 4, 20). Thật vậy, có thật sự yêu cha mẹ mình thì mới có khả năng yêu mến Thiên Chúa. Tình yêu của ta đối với Thiên Chúa bắt nguồn từ kinh nghiệm tình thương đối với cha mẹ. Tâm tình biết ơn và thảo hiếu đối với cha mẹ dưới đất thể hiện lòng biết ơn và thảo hiếu đối với Cha trên Trời, và cũng là căn bản cho mọi thứ tình yêu khác: cha mẹ mình mà mình không yêu thương, thì làm sao có thể yêu thương những người xa hơn, khó thương hơn, như bạn bè, hàng xóm, quê hương, dân tộc được?

Tình yêu cha mẹ dẫn chúng ta tới tình yêu Thiên Chúa. Nếu cha mẹ là người Kitô hữu, thì niềm mong ước lớn nhất của họ đối với con cái là mong cho con yêu mến Thiên Chúa và trọn đời sống đẹp lòng Ngài. Và đối với Kitô hữu, cách thảo hiếu trọn vẹn nhất đối với cha mẹ chính là thật sự yêu mến Thiên Chúa và giữ giới luật Ngài. Vì ai thực lòng yêu mến Thiên Chúa thì cũng thành tâm thảo kính cha mẹ, và làm cho cha mẹ được Thiên Chúa chúc phúc.

Nhưng có những lúc hai thứ hiếu thảo trên (với Thượng Phụ và Hạ Phụ) có vẻ như xung đột lẫn nhau. Thánh Kinh có đưa ra một vài trường hợp cụ thể như trong Lc 10, 59-60: Một thanh niên được Chúa kêu gọi theo Ngài, nhưng anh ta xin Ngài cho mình về chôn cất cha mình đã. Chúa nói: Hãy để kẻ chết chôn kẻ chết, còn anh, anh hãy theo tôi đi loan báo Tin Mừng về Nước Thiên Chúa. Chỗ khác Chúa nói: Ai đến với tôi mà không dứt bỏ cha mẹ, vợ con, anh chị em và cả mạng sống mình nữa, thì không thể làm môn đệ tôi được (Lc 14, 26). Hoặc Ai yêu cha mẹ hơn tôi thì không xứng đáng với tôi (Mt 10, 37). Chưa rõ vấn đề, ta thấy đòi hỏi của Chúa hơi khó hiểu. Thực ra, đối với những người được kêu gọi để làm việc cho Thiên Chúa, để rao giảng Nước Trời - là một việc rất lớn mưu ích cho rất nhiều người, đòi hỏi phải dốc hết tâm lực vào đó mới thành công - thì đòi hỏi như thế thật là hợp lý. Cũng như người lo việc quốc gia, nhiều khi phải hy sinh quyền lợi của mình, của gia đình, của cha mẹ cho quyền lợi quốc gia.

Vả lại, giữa Thiên Chúa và cha mẹ, thì đối với người Kitô hữu, Thiên Chúa phải được yêu thương và hiểu thảo một cách ưu tiên. Thiên Chúa là Chúa Tể vũ trụ, có quyền trên tất cả sự sống, Ngài yêu thương ta hơn bất kỳ tạo vật nào, nên Ngài xứng đáng được ưu tiên như thế. Theo Ngài, phụng sự Ngài, thuộc về Ngài là giá trị cao cả nhất đối với ta. Không ai trên đời có quyền lôi kéo ta ra khỏi Thiên Chúa, có quyền làm thiệt hại linh hồn ta, vì người ta có thể lấy gì chuộc lại linh hồn mình được? (Mt 16, 26). Giữa hai việc quan trọng hay hai vật quí giá mà ta phải chọn một, thì sự hợp lý buộc ta phải chọn cái quan trọng hơn, quí giá hơn. Nếu người ta không thể lấy cớ truyền thống hay luật lệ xã hội để vi phạm giới răn của Chúa, cụ thể là giới răn thảo kính cha mẹ, để thoái thác bổn phận làm con (x. Mt 15, 1-9), thì ta lại càng không thể vin vào bất cứ lý do gì để thoái thác đạo làm con đối với Cha trên trời, để rồi bất hiếu với Ngài.

Hiếu thảo với Trung Phụ 

Trong thần học Tam Phụ, Trung Phụ là vua trong nước. Ngày nay, không còn vua nữa, nhưng trong Giáo Hội, ngoài Thiên Chúa là Thượng Phụ và cha mẹ là Hạ Phụ, chúng ta còn có cha mẹ khác là người sinh thành và nuôi dưỡng ta về mặt tâm linh. Đó là Giáo Hội, là Trung Phụ.

Thật vậy, nếu Thiên Chúa là Cha sinh ra chúng ta, và cha mẹ ta là thừa tác viên của Ngài trong việc sinh ra phần xác, thì Giáo Hội chính là thừa tác viên của Thiên Chúa trong việc sinh lại chúng ta làm con cái Thiên Chúa, tức sinh ra phần hồn. Dưới một cách nhìn khác, nếu Giáo Hội là Hiền Thê của Chúa Kitô (x. Ep 5, 22tt), thì Giáo Hội chính là Mẹ của chúng ta trong việc sinh lại chúng ta thành con cái Thiên Chúa. Trong thông điệp Mẹ và Thầy (Mater et Magistra), Đức Giáo Hoàng Gioan XXIII đã xác định chức năng làm Mẹ và làm Thầy của Giáo Hội, nghĩa là xác định Giáo Hội đã sinh hạ ta trong Đức Kitô và nuôi dạy ta lớn lên trong đức tin, gieo cấy vào bản thân ta mầm sống vĩnh cửu. Giáo Hội có đầy đủ chức năng sinh, thành, dưỡng, dục của một người mẹ đối với ta:

·       Sinh: Giáo Hội đã làm cho ta trở nên con cái Thiên Chúa, tức sinh lại chúng ta bằng nước và Thánh Thần trong Chúa Kitô (x. Ga 3, 5 ; 1 Cr 4, 15).

·       Thành: Giáo Hội đã làm đuung chức năng như thánh Phaolô: Vì anh em mà tôi phải chịu đau đớn như người mẹ chuyển bụng sinh con, cho đến khi Đức Kitô được thành hình trong tâm hồn anh em (Cl 4, 19).

·       Dưỡng: Giáo Hội đã nuôi dưỡng ta bằng cách mời gọi ta chấp nhận đức tin, làm ta vững mạnh trong đức tin sống động (CĐ Vatican II, GH 12), và bằng nhưng bí tích được lập ra để nuôi dưỡng đời sống Kitô hữu (PV 59).

·       Dục: Giáo Hội tiếp nối công trình của Chúa Kitô trong việc giáo hóa, dạy dỗ con cái Chúa, dẫn đưa họ tới ơn cứu độ.

Với những chức năng đó, Giáo Hội đúng là bậc Cha Mẹ đã sinh thành ra chúng ta. Chúng ta phải biểu lộ lòng hiếu thảo của mình đối với Giáo Hội bằng lòng yêu mến, kính trọng, vâng phục, cảm thông, trung thành, sự phục vụ và xây dựng Giáo Hội. Giáo Hội tuy là mẹ, tuy thánh thiện vì là nhiệm thể của Chúa Kitô, nhưng Giáo Hội vẫn là con người, bao gồm cả người thánh thiện lẫn tội lỗi, cả người sáng suốt lẫn ngu muội. Chính vì thế, có những lúc những người chính thức đại diện cho Giáo Hội có những hành động không tốt hay quyết định sai lầm, thì chúng ta vẫn nên tỏ ra một thái độ thông cảm, tìm cách tế nhị để sửa sai với tất cả lòng yêu thương và kính trọng của mình. Tuyệt đối không nói xấu, chỉ trích. Một người mẹ dù đôi khi có sai trái, lầm lỗi hay tỏ ra hà khắc, thì cũng vẫn là người đã sinh thành, nuôi dưỡng, giáo dục và luôn luôn yêu thương con cái. Người con hiếu thảo không thể vì thế mà bất mãn, hay tỏ ra bớt kính trọng và yêu thương đối với mẹ mình, nhất là không bao giờ nói xấu hay từ bỏ mẹ mình. Gương của Teilhard de Chardin, matteo Ricci, Roberto de Nobili, Karl Rahner, Yves Congar. lúc nào cũng đáng cho hậu thế bắt chước: cho dù bị Mẹ Giáo Hội chưa hiểu hay hiểu lầm mình, và thậm chí ngược đãi mình, các ông vẫn một mực yêu mến và trung thành với Mẹ Giáo Hội, kiên nhẫn chờ một ngày nào đó, Mẹ sẽ hiểu mình hơn. Đó chính là những người con thật sự hiếu thảo của Giáo Hội.

Song song với lòng hiếu thảo và biết ơn đối với Giáo Hội, chúng ta cũng phải nhớ tới tình thương và công ơn của Tổ Quốc, Đất Nước, cũng là Mẹ thiêng liêng của chúng ta. Tổ Quốc là người mẹ đã sinh ra chúng ta thành người Việt Nam, đã nuôi dưỡng và bảo vệ chúng ta, đã tạo cho chúng ta những điều kiện dễ dàng để sống ấm no, yên vui, hạnh phúc một cách tổng thể (như chống ngoại xâm, bảo vệ an ninh đời sống, phát triển kinh tế, giáo dục, làm đường xá.) vượt khỏi khả năng hạn hẹp của cha mẹ ruột thịt chúng ta. Lòng hiếu thảo chúng ta phải có đối với Mẹ Việt Nam là phải trở nên những công dân tốt, tài năng, có phẩm cách đạo đức, yêu quê hương, yêu đồng bào, tôn trọng luật pháp, và saün sàng hy sinh xương máu để bảo vệ và xây dựng đất nước.

Tam Phụ là ba hình thức khác nhau của cùng một phụ tính hay mẫu tính duy nhất của Thiên Chúa: Thiên Chúa chính là nguồn mọi tình phụ tử trên trời dưới đất. Phụ tính và mẫu tính của cha mẹ chúng ta, của Giáo Hội hay Tổ Quốc ta, đều xuất phát từ Thiên Chúa. Thiên Chúa đã nhờ tình phụ tử, mẫu tử của Giáo Hội, của Tổ Quốc, của cha mẹ chúng ta để sinh, thành, dưỡng, dục chúng ta, để chúng ta tồn tại một cách tốt đẹp và hạnh phúc cho đến ngày giờ Ngài qui tụ tất cả chúng ta trong Nước Trời. Những tình phụ tử hay mẫu tử đó là hình ảnh đơn sơ nhưng đa dạng của tình phụ tử và mẫu tử của Thiên Chúa.

Vì thế, khi chúng ta hiếu thảo với Giáo Hội, với Tổ Quốc, với cha mẹ chúng ta, là chúng ta hiếu thảo với Thiên Chúa. Câu Kinh Thánh sau đây đúng với Giáo Hội, Tổ Quốc và cha mẹ chúng ta hơn với bất cứ một ai khác trên đời: Mỗi lần các con làm điều gì cho những người bé nhỏ nhất đây, là các con làm cho chính Cha. và mỗi lần các con không làm điều gì cho những người bé nhỏ nhất đây, là các con không làm cho chính Cha (Mt 25, 40. 45).

Trở Về Trang Nhà